top of page

U2: ban nhạc vĩ đại hay khó ưa nhất thế giới?

Không phải Coldplay. Không phải Creed. Không phải Limp Bizkit. Mà là U2! Hình như U2 chỉ đứng sau Nickelback về vị trí các ban nhạc bị ghét nhất thế giới.


1. Đáng ghét


Người ta ghét U2 và tay frontman Bono vì cái tên ban nhạc và nghệ danh kỳ cục của hai nhân vật chính trong band: tay ca sĩ Bono (tên thật là Paul David Hewson) và tay guitar lead The Edge (tên thật là David Howell Evans); trong khi thành viên chơi bass và thành viên đánh trống vẫn muốn người nghe nhạc gọi họ bằng cái tên cúng cơm, lần lượt là Adam ClaytonLarry Mullen Jr.

Người ta ghét U2 vì những phát ngôn quá đỗi quan trọng hóa của Bono, vì sở thích nói đạo lý của Bono, hay cả vì Bono không bao giờ tháo cặp kính râm (dù là nguyên nhân sâu xa là anh này bị căn bệnh Glaucoma – mà người Bắc gọi là thiên đầu thống và người Nam gọi là bệnh cườm nước).

Người ta ghét U2 vì Bono luôn mở mồm thương xót người nghèo nhưng ban nhạc lại né thuế thu nhập tiền bản quyền tác giả khi thu xếp chuyển một phần kinh doanh nghệ thuật của họ sang đất nước Hà Lan, nơi áp dụng mức thuế hấp dẫn cho các nghệ sĩ.

Người ta ghét U2 vì cái tham vọng trở thành ban nhạc vĩ đại nhất thế giới, bằng mọi cách, gồm cả việc bắt tay với Apple để có được nguyên toàn bộ album Songs Of Innocence (2014) tự động xuất hiện trong từng chiếc ipod, từng chiếc iphone của người mua, hoàn toàn miễn phí dù cho họ có muốn hay không. Bạn tưởng tượng mỗi khi chiếc ipod hoặc iphone của bạn cắm dây ra loa hay chạy Bluetooth nhạc trên xe thì kiểu gì album đó của U2 sẽ tự động autoplay như thể Bono đang cầm thìa nhồi từng âm thanh vào đôi tai của bạn.


Thế tôi lại không ghét U2. Điều duy nhất ngăn cản tôi nghe nhạc của U2 nằm ở 2 lý do:

i) Giọng hát cao lanh lảnh của Bono.

ii) Phần nhạc chơi theo kiểu dồn dập đều đặn để tạo không khí rực rỡ khi chơi ở sân vận động.


Cũng không có gì là sai với điểm thứ 2 nêu ở trên, nhưng khi kết hợp nó với điểm thứ 1 là giọng hát chói của Bono, thì lại phát sinh vấn đề. Giống như nghệ sĩ Robert Palmer từng dãi bày với anh oánh bass Adam Clayton của U2 như sau: “Chúa ơi, cậu có thể làm ơn bảo tay ca sĩ nhà cậu hát giảm tông xuống, chỉ một chút thôi. Như vậy là hắn sẽ vừa giúp cả hắn lẫn tất cả mọi người, những ai phải nghe hắn hát khỏi cảm thấy mệt tai hơn”. Với tôi, sự kết hợp của 2 thứ trên (ví dụ như trong bài “With Or Without You” hoặc “Beautiful Day”) làm cho âm nhạc của U2 trở nên có vẻ lớn lao và bay quá cao (tựa như chính phong cách của frontman Bono điều mà nhiều người cảm thấy ghét) khiến tôi chỉ mong thứ âm nhạc đó chạm được xuống đất. Nhưng điều đó đã không xảy ra. Vậy nên tôi đã bỏ qua việc thẩm nhạc U2.

Cho đến khi mọi chuyện bắt nguồn từ việc “cưỡng âm” của chính album Songs Of Innocence. Cứ mỗi khi điện thoại tôi kết nối loa trên xe, album đó lại tự động bật lên như thể người ta thèm muốn nghe nhạc U2 lắm. Sau khoảng 10 lần tắt đi không thương tiếc, có một lúc tôi mới chẳng may nghe được bài “Song For Someone”. Tôi mới để ý thấy giọng hát của Bono được làm bớt chói hơn ở những đoạn cao, không rõ do lối hát hay khâu xử lý kỹ thuật hay phong cách sản xuất nhạc của Danger Mouse trong album này đã tiết chế Bono. Rồi những bài ấn tượng hơn sau đó như “Volcano” có câu bass giai điệu, “Cedarwood Road” có phần interlude ở gần về cuối, hoặc âm thanh bập bùng trong “This Is Where You Can Reach Me Now” đều mang tới không khí khác nhiều so với nhạc U2 tôi nghe trên đài.


Kể ra việc “cưỡng âm” đó cũng rất hiệu quả! Nó khiến tôi tìm nghe lại nhạc của U2 từ những ngày đầu, để xem liệu có những bài nào vừa tai mình hơn không. Và kết quả là:

  1. Tôi trở nên kết nhất âm thanh đập vào mặt của Post-Punk mà U2 chơi ở giai đoạn đầu qua 3 album Boy (1980), October (1981) và War (1983);

  2. Rồi đến âm thanh buồn chơi vơi ở giai đoạn 2 qua album The Unforgettable Fire (1984) và The Joshua Tree (1987); và

  3. Âm thanh pha với điện tử và industrial rock có phần đen tối ở giai đoạn 3 qua album Achtung Baby (1991), Pop (1997) và cả đĩa nhạc kỳ lạ đầy thử nghiệm của Zooropa (1993).


Đây đều là những album từ hay cho đến hay xuất sắc của ban nhạc. Nhưng có điều ngay từ giai đoạn đầu, nó đã nhen nhóm nuôi dưỡng một thứ yếu tố “khó gần” dần dà gây phần khó chịu của nhạc U2 trong các giai đoạn sau.

2. Đáng nể


Ở giai đoạn đầu tiên này, nhạc của U2 mang một âm thanh nhiều cảm xúc hơn nhạc Punk, dù không phô diễn những kỹ thuật phức tạp của các band Hard Rock khác thời kỳ trước. Kể cũng khó, khi các thành viên của U2 ban đầu chỉ là những kẻ chơi nhạc vụng về. Rồi sau hàng loạt buổi jam nhạc, khi tìm được sự kết nối thần giao cách cảm với nhau thì lúc đó U2 mới định hình âm thanh có sự trau chuốt hơn như ta nghe được ở các sản phẩm chính thức.

Tôi kết cách chơi câu bass tưng tửng funky với các khoảnh khắc tĩnh đối lập với câu bass interlude làm đầy của Adam Clayton chơi rất hiệu quả trong bài “Twilight”. Tôi thích cách Clayton tạo các khoảng lặng trong “I Threw A Brick Through Window”. Và cách đánh câu bass giai điệu, vuốt dây ở cuối khuông nhạc mà đôi lúc vẫn nhả những khoảng trống của anh trong bài “Red Light”. Chính phong cách chơi để lại những khoảng tĩnh không có tiếng bass là chủ ý tinh tế của Clayton cho âm thanh tạo bởi đồng đội được phơi bày ra, tăng sự tương phản của bài hát, lúc vơi, lúc đầy đặn.


Về phần trống, Larry Mullen Jr. có một kiểu chơi rất đáng nể và xứng đáng là một trong những tay trống giỏi của nhạc Rock đương đại. Anh có độ cảm nhận về nhịp cực chắc, đến mức nhà sản xuất Brian Eno kể rằng Mullen từng phát hiện cái máy click track gõ nhịp bị chỉnh lệch tốc độ so với lần thu trước, dù độ chênh chỉ vài mili giây. Khi chơi Mullen thường sẽ điều khiển nhịp độ chắc đều, tuy vậy, anh sẽ phải tìm những khoảnh khắc để chơi lệch đảo phách, một thứ gia vị rất đặc trưng của U2. Ở bài “I Will Follow”, anh phá cách ở tiếng snare khi cứ mỗi khuông số 2, snare sẽ đánh thành 2 nốt móc đơn ở cuối, khiến nó xen giữa phần kick drum, thay vì vào cùng nhịp; và ở khuông số 4, anh lại chơi trống snare bằng các nốt móc kép theo cụm 3 nốt, gây bừng tỉnh cho người nghe. Tiếng snare như trống đánh trận trong “Sunday Bloody Sunday” cũng được chơi lệch phách rất hay. Đấy là phần snare đảo phách khi mà hi hat hoặc tambourine đóng nhiệm vụ giữ nhịp. Có những lúc Mullen lại đổi phách ở kick drum, tạo sự vội vã, nhất là khi anh chêm nó vào ngay trước khuông nhạc tiếp theo, hoặc chơi lệch phách chỉ bằng tiếng hi hat khẽ mở, tiếng cymbal vào nhạc đầy bất ngờ. “Stories For Boys” là một ví dụ về cách chơi trống sáng tạo thay đổi liên tục trong bài, và còn dùng tiếng cowbell rất hiệu quả.


Về phần guitar, The Edge cực giỏi trong việc kiến tạo âm sắc cho cây đàn của anh. Ở những ngày đầu Edge cũng hay viết nhạc qua power chord, chơi vơi không rõ về âm trưởng hay thứ, tạo nhiều khoảng trống để sau đó anh có thể tự do thu âm đè thêm những sáng tạo mới. Dù không phải là người chơi có kỹ thuật thượng thừa, anh lại tinh tế trong việc tạo hiệu ứng của cây đàn. Như bài “An Cat Dubh” có tiếng intro ma quái làm nền cho phần riff rải đều hợp âm. Một chiêu thức nữa mà Edge hay làm là chơi tiếng harmonic trên guitar, chạm nhẹ lên dây ở những vị trí phát ra âm thanh lanh lảnh như tiếng chuông, nghe rất hay như trong bài “An Cat Dubh” kể trên, hoặc “Stories For Boys” cũng vậy.

Về giọng hát, chính thời kỳ mà Bono ghét giọng anh nhất lại là thời kỳ tôi hợp tai nhất. Nó vẫn còn độ thô ráp, không quá chau truốt. Nhiều khi nghe nhạc của U2 đợt này tôi lại nghĩ tới sự ảnh hưởng của những ban nhạc như Suede sau này chính vì lối hát của anh.

3. Đáng sợ


Nhưng mà ngay ở giai đoạn đầu này, ban nhạc bắt đầu tìm ra một công thức rất “U2” để tạo một thứ âm nhạc lớn và vĩ đại, đó là:

Bài này sợ này!


i) Phần bass của Adam Clayton có một kiểu chơi giữ nhịp cực đều bằng những nốt móc đơn chạy đều đặn 1-2-3-4-5-6-7-8 và lặp lại, một phong cách dồn dập, đập vào mặt theo cách rất Punk như RamonesSex Pistols hay chơi. Đó có thể là một nốt duy nhất là nốt gốc của hợp âm ở mỗi khuông như ở bài “Gloria”, hoặc đổi chút sang 1-2 nốt khác cũng trong cùng hợp âm đó. Nó xuất hiện ngày một nhiều ở các giai đoạn sau, như với bài “With Or Without You”, “I Still Haven’t Found What I’m Looking For”, “Who’s Gonna Ride Your Wild Horses”, “Beautiful Day” “When I Look At Your World”, v.v. Cách chơi này tạo hiệu quả cho việc kích thích tiềm thức của người nghe nhạc trong các show phải nhảy theo, đặc biệt khi kết hợp với nhịp trống đều đặn từ kick drum hoặc hi hat hoặc bất kỳ thứ gì mà Larry Mullen Jr không chơi phá cách.


ii) Màu sắc guitar được lấp đầy bằng hiệu ứng echo/delay rất riêng của The Edge. Bằng việc vọng lại từng nốt đàn, hiệu ứng này của anh sẽ đẻ ra nhiều nốt nhạc hơn, xen kẽ các nốt anh chơi. Hiệu ứng này có thể nghe được ở bài “I Will Follow” hay “Fire” trong giai đoạn đầu. Nhưng từ giai đoạn 2 trở đi, thì nó là phần gần như không thể thiếu trong nhạc U2. Bài “Bad” và “Where The Streets Have No Name” là các ví dụ rất rõ. Thay vì chỉ 3 nốt được chơi ở mỗi khuông nhạc đối với bài “Bad” hoặc 6 nốt với bài “Streets”, nó được nhân đôi lần lượt thành 6 nốt hay 12 nốt. Và chính những nốt vọng lại xuất hiện ở ngoài nhịp chính lại tạo không gian ảo diệu hơn. Cách chơi này giúp anh vẽ nên một bức tranh âm nhạc rộng lớn hơn rất nhiều so với số thành viên ban nhạc 4 người thực tế có thể làm được.

Như tôi có nói ở trên, không phải do cách chơi và làm nhạc trên của các thành viên là yếu tố gây “khó gần”, nhưng khi nó kết hợp với giọng hát cao của Bono thì nó tiến dần tới sự “khó chịu”.


Ở bài “Where The Streets Have No Name” và “With Or Without You” ở album Joshua Tree chẳng hạn, cái “khó chịu” nhen nhóm mỗi lúc Bono ngân giọng hát của mình kéo bầu không khí âm nhạc lên khoảng không rộng lớn bao la hơn. Cũng trong album đó, cũng với bầu không gian âm nhạc rộng lớn đó, nhưng bài “Bullet The Blue Sky” tuyệt hay vì âm sắc tối tăm từ tiếng đàn guitar đầy ảo diệu của The Edge và nhịp trống mê hoặc của Larry Mullen Jr. lại tôn hợp giọng của Bono.

Bài này hay này!

Cái màu tối tăm đó tiếp tục được phát huy trong hai album, Achtung Baby và Pop, mix cùng với nhạc điện tử và industrial, gần giống như thứ nhạc của Depeche ModeNine Inch Nails, đã tạo ra một loạt những bài nhạc cực hay và hợp giọng anh frontman của U2 vô cùng.

Vậy là hoá ra cái công thức khiến tôi “khó chịu” nằm ở phong cách làm nhạc nói trên cộng với giọng cao của Bono trên tông nền nhạc tươi sáng. Kể ra nghe thì cũng kỳ cục, nhưng đúng thực chính các hợp âm trưởng trong phần nhạc mà U2 khi cố tô màu cho tươi sáng nhất, trên một nền phong cảnh rộng lớn bát ngát nhất, lại làm giọng hát bay cao của Bono trôi tuột khỏi tai tôi. Ví dụ rõ ràng nhất chính là “Beautiful Day” trong album ở giai đoạn 4 - một bản hoàn chỉnh nhất của những gì từng thành viên của U2 tỉ mẩn tô vẽ thì lại là thứ quá lớn lao với cảm nhận của tôi. Tôi biết mình chỉ thuộc số ít khó chịu với “công thức” nhạc đó, bởi vì “công thức” này đã mang tới thành công lớn nhất cho ban nhạc, và nó ảnh hưởng đến rất nhiều band như Oasis hay Coldplay khi họ đặt mục tiêu viết ra những bản ca hoành tráng để chơi trước sân khấu hàng ngàn hàng vạn người.


***

Nói chung, phải công nhận hiếm có ban nhạc nào có nhiều cú chuyển mình về mặt âm nhạc lớn lao như U2 mà vẫn thành công cực lớn về mặt thương mại và vẫn được lòng giới phê bình đến như vậy. Bono thậm chí được bầu là ứng viên sáng giá trong vai trò ca sĩ ở một siêu ban nhạc đương đại. Thế nên chuyện yêu và ghét với U2 và Bono vì thế cũng không tìm được những tiếng nói chung, bởi mỗi người đều có một lý do riêng, và ai cũng có cái lý của họ.

Tôi cũng có cái lý của tôi. Như đã nói ở trên, tôi không ghét U2. Chỉ vẫn là thứ âm thanh rộng lớn – “larger than life” này cũng na ná cái tính cách của Bono, và những gì “khó ưa” nhất liên quan tới anh. Bởi cuối cùng, mục đích chính mà Bono muốn hướng tới, đó là chứng tỏ sự vĩ đại của họ, và U2 chính là ban nhạc vĩ đại nhất thế giới!


Hoặc là ban nhạc bị ghét (gần) nhất thế giới!


Tùy bạn chọn!


Hẹn gặp lại!


Kink

1,708 views

Recent Posts

See All
bottom of page