Trong khi cuộc biểu tình ở Chicago phản đối cái chết thương tâm của George Floyd - một người đàn ông da màu sau khi bị tay cảnh sát da trắng đè đầu gối lên cổ suốt gần 9 phút - đang diễn ra, nhóm hacker Anonymous lừng danh đã thâm nhập vào sóng bộ đàm của đám cảnh sát và bật bài “F*** Tha Police” của nhóm Hip Hop N.W.A.cho cảnh sát nghe chơi.
Vậy là đã hơn 30 năm kể từ khi bản rap tuyên chiến với cảnh sát gây bão cả nước Mỹ của N.W.A. được phát hành đến nay, đáng buồn là bài hát này vẫn còn nguyên giá trị phản ánh hiện trạng nạn bạo hành và phân biệt chủng tộc của một số thành viên lực lượng cảnh sát.
Lại nhớ năm 1989, khi Eric “Eazy-E” Wright được một nhà báo phỏng vấn và hỏi anh rằng liệu anh và N.W.A. có nghĩ họ mang sứ mệnh chấm dứt nạn bạo lực xảy ra ở các thành phố đô thị lớn ở Mỹ như Compton không, Eazy đã đáp trả rằng “Vậy đám cảnh sát @#^$!@!% không làm gì ư? Nếu mọi người chỉ cần phát hành nhạc và sau đó chấm dứt được bạo lực thì còn ai cần tới cảnh sát nữa, chúng ta lúc đó sẽ chỉ cần rap mấy câu như ‘Xin đừng cướp ngân hàng nữa, dừng ngay trò giật túi xách đi mà’”.
Vào thời điểm N.W.A. phát hành album Straight Outta Compton cùng ca khúc “F*** Tha Police”, không có kênh nào trên radio hay MTV muốn phát nhạc của nhóm. Có quá nhiều yếu tố liên quan đến N.W.A. đều cần phải kiểm duyệt trước khi lên sóng. Nhưng yếu tố quan trọng nhất mà nhóm bị kết tội là “kích động bạo lực” là điểm chốt hạ cho việc nhạc N.W.A. bị cấm trên các phương tiện đại chúng và thậm chí còn bị cả FBI hỏi thăm. Nhóm bị quy kết là truyền bá văn hóa băng đảng, giao thương “mai thúy”, đe dọa lực lượng bảo vệ xã hội như cảnh sát và lời lẽ đối xử phân biệt với phụ nữ.
Ấy thậm chí đến cả một cơ số người trong cộng đồng da màu cũng phải nhíu mày. Đơn giản bởi vì những điều N.W.A. đưa ra công chúng đều chưa có tiền lệ. Nếu như trước khi N.W.A. được thành lập, nhạc Rap đã là thứ nhạc gây tranh cãi bởi lời lẽ thẳng thừng. Khi mà nhạc Rap lúc đó ghê gớm nhất mới chỉ mô tả thực tế của xã hội thì N.W.A. được mọi người đánh giá là mang tới thể loại gây khiếp sợ “Gangsta Rap” / Rap Băng Đảng. Tuy vậy với các thành viên của N.W.A., họ không coi nhạc của minh là băng đảng, mà vẫn là Rap phản ánh thực tại, chỉ có điều ở một khía cạnh gai góc hơn mà chưa ai dám lên tiếng.
Ngay từ cái tên viết tắt của “N****z Wit Attitudes” – tạm dịch là “Hội Thái Độ Lồi Lõm” - đã là thứ gây sốc với người nghe. Với từ cấm thuộc dạng nhạy cảm và gây xúc phạm như “N****”, không một ai ngoài cộng đồng người da màu muốn nói với kẻ đối diện mang dòng màu gốc Phi trừ khi muốn gây sự. Trong phạm vi bài này, tôi sẽ tạm thay bằng từ “Ninja”.
Chắc ai cũng biết, trong cộng đồng da màu, đặc biệt giữa đám thanh niên, họ gọi nhau bằng “Ninja” như một cách gọi bỗ bã thân mật giống cách thanh niên người Việt kêu nhau bằng “Cu”. Eazy-E chủ đích dùng từ “Ninja” trong tên của nhóm vì anh muốn chống lại việc phân biệt chủng tộc bằng cách tự gọi chính bản thân bằng từ mà đáng nhẽ mang một ý nghĩa miệt thị. Eazy muốn mang tới nước Mỹ một hình ảnh của N.W.A. là nhóm thanh niên da màu, trẻ với lối sống bất cần. Với hướng đi được Eazy-E vạch sẵn cho các thành viên “Bọn mày thích làm gì thì làm. Bởi vì chúng ta không bị ai cấm đoán việc chửi bới hay nói về bất kỳ vấn đề gì mà chúng ta muốn nhắm tới”, N.W.A. được lập nên bởi những tài năng trẻ ở vùng bờ Tây dưới sự chỉ đạo của Eazy-E và hãng đĩa Ruthless Records của anh. Về phần nhạc, với con mắt nhìn người tài giỏi như Lưu Bị, Eazy-E đã sớm nhận ra Gia Cát Andre “Dr. Dre” Young sẽ sớm trở thành một tay sản xuất nhạc xuất chúng. Dre được cả những tay học nhạc jazz sừng sỏ phải cúi đầu ngả mũ, như cái lần tay nghệ sĩ guitar kiêm đàn bass Mike “Crazy Neck” Sims định phản đối ý tưởng câu đàn guitar mà Dre hát nhẩm cho Mike nghe trên nền bass đã được thu cho bài “Ninjaz 4 Life”. Về mặt nhạc lý, Mike nghĩ là không thể phù hợp nhưng khi hắn chơi thử thì âm thanh đó mới thấy nó gây kích thích tột đỉnh, một trong những màu sắc chủ đạo “ngầu” mà sau này Dre phát triển cho dòng “G-Funk” kinh điển. Sau đó thông qua sự giới thiệu của Dre, Eazy-E tuyển Antoine “DJ Yella” Carraby vào cùng làm nhạc với Dre nhờ kỹ thuật scratch siêu đẳng. Cùng với Dre, Yella tạo nên âm thanh được ca tụng là “Gangsta Rap”, gốc gác căn bản cho rất nhiều sản phẩm Rap sau này. Yella về sau cũng được biết tới như nhà sản xuất phim con heo thành công với hơn 300 “tác phẩm”. Về phần nội dung, O’Shea “Ice Cube” Jackson đảm nhiệm tới 50% phần lời trong đĩa đầu tay Straight Outta Compton. Ice Cube là tác giả của những phần lời gây sốc qua ngôn từ không cần phải suy nghĩ hay uốn lưỡi lần nào. Ngoài album đầu của nhóm, anh cũng góp sức sáng lời cho album solo Eazy-Duz-It của Eazy-E. Bên cạnh Ice Cube, Lorenzo “MC Ren” Patterson và Tracy “The D.O.C.” Curry là hai tay viết lời cừ khôi. Với tôi, lời của MC Ren thậm chí còn có phần nhỉnh hơn Ice Cube nhờ lối sáng tác đa nghĩa, đa vần và nhịp điệu phức tạp hơn. Còn The D.O.C. dù cho có phần tem tém bớt tính bạo lực trong nội dung, anh vẫn có cách viết kiểu nhà thơ nghe rất cuốn. Cả hai nhân vật này đều đóng vai trò chủ chốt cho phần nội dung ở album thứ hai Efil4zaggin (viết ngược của từ “Ninjaz” 4 Life) sau khi Ice Cube bỏ nhóm vì phật lòng với cách chia tiền không công bằng. Về phần thể hiện khi rap, nếu như Ice Cube rap mạnh mẽ đều đều với âm lượng to khỏe như đa phần các rapper thời thập niên 80, thì giọng của MC Ren biến chuyển với cách flow đa dạng còn The D.O.C. và Dr. Dre rap theo phong cách chill hơn.
Tuy vậy, điểm sáng và linh hồn của N.W.A. phải nói chính là Eazy-E. Ban đầu, Eazy-E không có ý định tham gia nhóm vì anh không viết được lời, không sản xuất được beat, đã thế rap cũng bị trúc trắc khi anh không bám được theo nhịp. Nhưng nhờ cái tai thần kỳ của Dre, Eazy được thuyết phục thử thu âm. Dre kiên nhẫn bắt Eazy thu lời rap từng câu một lặp lại nhiều lần, rồi sau đó ghép lại thành một bản hoàn chỉnh từ các phần thu được Eazy thể hiện tốt nhất. Ice Cube phải thốt lên rằng Dre có thể biến một tay mơ thành một rapper thực thụ. Cái hồn trong phần rap của Eazy-E nằm chính ở thứ giọng cao có phần “chảnh chọe”, ngược với tiếng trầm ấm của các thành viên còn lại. Cách rap của Eazy tính ra lại hay hơn so với mấy tay kia. Khi mà nội dung lời rap quá bạo lực và tiêu cực về xã hội, chính ra lối rap mang màu sắc “vui vẻ” của Eazy lại làm cân bằng được câu chuyện. Tự dưng, trên phần lời mà Ice Cube, MC Ren hoặc The D.O.C. viết cho Eazy, tôi cảm thấy phần rap Eazy thể hiện gần như chắc chắn sẽ hay hơn nếu chính người viết lời kia thu âm. Nghe Eazy bắn rap đỡ mệt mỏi hơn âm lượng to khỏe của Cube và lạ tai hơn Ren và D.O.C. Thêm nữa, điều quan trọng nhất trong lối rap của Eazy-E là “con người chân thực” của anh. Với cái tên N.W.A. và phần lời gây sốc toàn nước Mỹ, những thành viên như Dre, Cube, Yella, Ren và D.O.C. tính ra lại không hề liên quan đến các băng đảng như thứ nhạc Gangsta Rap họ được gán ghép cho. Trong nhóm đó, cuối cùng kẻ gangsta thực sự lại chính là Eazy-E. Bỏ học từ nhỏ, Eazy-E chuyên buôn cần sa và giao du với các băng nhóm, tự tạo lập nên cho mình một mạng lưới và dành dụm được kha khá tiền để lập nên hãng đĩa Ruthless Records. Chính thế mà trong khi các thành viên N.W.A. đều phải viết lời và rap dưới một nhân cách tự tạo, thì phần thể hiện của Eazy lại là của chính con người thật của anh. Eazy-E chính là một Gangsta, Dopeman và “Ninja” thực thụ. Do đó mà những lời lẽ ngôn từ mấy tay ghostwriter trong nhóm viết cho Eazy rap thì những lời đó khi tuôn ra từ miệng của Eazy-E đều chân thực khi anh biến chúng thành suy nghĩ và dãi bày của riêng bản thân mình. Cũng nhờ hình ảnh và vai trò thủ lĩnh của Eazy-E, nhóm N.W.A. “xứng danh” hơn với cái mác nhạc về băng đảng và bạo lực. Trong đó bạo lực là thứ cả nhóm này bị tố cáo nhiều nhất. Trong ca khúc “Straight Outta Compton”, Ice Cube miêu tả cảnh giết người không ghê tay như “Squeeze the trigger and bodies are hauled off / You too, boy, if you fuck with me / The police are gonna have to come and get me / Off your ass, that's how I'm going out / For the punk motherfuckers that's showing out / “Ninjas” start to mumble, they wanna rumble / Mix 'em and cook 'em in a pot, like gumbo”. Những hình ảnh “bóp cò súng”, “người chết như ngả rạ”, “nấu người như nấu súp” của Cube chỉ là bắt đầu. Trong bài “Gangsta Gangsta”, Eazy-E có rap “”'Cause I'm the E, I don't slang or bang / I just smoke motherfuckers like it ain't no thang / And all you bitches, you know I'm talkin' to you / "We want to fuck you, Eazy," I want to fuck you too / Because you see, I don’t really take no shit / So let me tell you motherfuckers who you're fuckin' with / 'Cause I'm the type of “ninja” that's built to last / If you fuck with me, I'll put a foot in your ass / I don't give a fuck, 'cause I keep bailin' / Yo, what the fuck are they yellin'?”. Eazy kể chuyện “hun khói” để xử đẹp những kẻ chống đối anh như việc làm thường ngày ở khu phố anh sống.
Còn MC Ren trong bài “If It Ain’t Ruff” có rap “I'm a threat, so get a cold rag and wipe your neck / And clean the dirt off your face that causes acne / It's ridiculous thinkin' that you can jack me / This is the round where the punch will go / Into your H-E-A-D; that's known as a blow / I'm makin a point but it's a point that I'm makin / Like, see, I'm hatin' the fakin' I keep the suckers like shakin' / Scared to speak with a thought when they're chosen / The sound of my voice in their ear and they're frozen” miêu tả cảnh đám người phải run sợ trước sự uy hiếp của Ren. Nhưng đỉnh điểm của bạo lực chính là nội dung bài “F*** Tha Police”, hay như cách đám cảnh sát ở Mỹ diễn tả là một sự tấn công tinh thần, kêu gọi bạo lực, đe dọa tính mạng của lực lượng bảo vệ cho xã hội.
Cả hội N.W.A. phải nói là không nể nang chút nào khi viết phần lời này.
Mở đầu, Ice Cube tố cáo việc màu da của anh là yếu tố khiến đám cảnh sát lưu tâm để đàn áp, rằng chúng tự trao quyền được “xử” người “thiểu số” như da màu tại Mỹ, rằng anh không để chúng yên, sẵn sàng đánh tay không với chúng, đập chúng không ra người ngợm và khi xong việc, anh sẽ dán những dải băng vàng quanh hiện trường của vụ “thanh toán” đó.
Tiếp đến, MC Ren tố cáo hội cảnh sát coi bất kỳ nhóm thanh niên da màu nào cũng là băng đảng với súng đạn theo người, rằng anh không sợ đám cảnh sát khi chúng đến gần, khi anh sẵn sàng nã súng nhân lúc đám cảnh sát lơ là và “hạ” ngay một hay hai tay cảnh sát nào dám đe dọa anh.
Đến lượt Eazy-E than phiền việc cảnh sát khiến anh và cả băng nhóm bị làm phiền khi bám theo, rằng khi chúng nhìn hình anh thì đều khiếp sợ, và anh chế giễu cảnh sát chỉ là mấy kẻ “kém cỏi” nếu trong tay không có súng và phù hiệu, rằng chúng chỉ đợi để anh tỉa cho “tèo hết”.
Với phần lời quá bạo lực như vậy, cũng dễ hiểu khi cảnh sát Mỹ, và đến cả FBI phải gửi thư cảnh cáo tới nhóm. Ngoài việc cảnh sát tuyên bố không bảo vệ các show diễn của nhóm vì lời tuyên chiến trên, họ còn cảnh báo bắt giữ cả nhóm nếu biểu diễn bài “F*** Tha Police”.
Vậy thực ra cảnh sát có quan tâm đến vị nghệ thuật đến vậy, hay thực ra đây chỉ là trò ăn hiếp đánh bùn sang ao? Nếu như nhìn lại phần lời của N.W.A. ở các bài trên, không chỉ ở bài rap nhạy cảm này, thì thấy các thành viên của nhóm theo phương châm “hư cấu” – một lối diễn đạt trong phần thể hiện nghệ thuật của nhạc Rap mà không mấy người có thể “nuốt nổi”. Lời nhạc Rap vì thế luôn bị tố cáo có ảnh hưởng tiêu cực đến các hành vi bạo lực, phạm tội của người nghe, đặc biệt giới trẻ.
Cách nhìn nhận đó theo tôi có một phần đúng, nhưng những người đối chọi lại với nhạc Rap đó hẳn là bơ đi cách phản ánh thực tại của xã hội đầy chân thực của nhạc Rap. Kể cả khi người ta nói lời của N.W.A. nói riêng và của nhạc Rap nói chung có lối diễn đạt quá đà về những góc khuất, khi mà thực tế, mấy ai hát nhạc Rap, hay thậm chí theo băng đảng, lại dám cầm súng đi “quậy” với cảnh sát như vậy. Xin thưa là không có thứ gì có thể bạo lực hơn bản tuyên ngôn độc lập của nước Mỹ, và còn vô vàn các tác phẩm văn chương vẫn chình ình ở đó với lời lẽ hẳn là dài dòng hơn rất nhiều so với một bài rap. Thứ khiến cho nước Mỹ trở nên vĩ đại như bây giờ, chính là sự tự do trong ngôn luận và tính dân chủ. Nó đưa nước Mỹ qua khỏi rất nhiều khoảng tối mâu thuẫn nội bộ, bởi luôn sẽ có một ai đó có thể đứng ra vạch trần những mâu thuẫn mà không phải nề hà. Tôi dám cá là không có một người dân Mỹ nào sẵn sàng hy sinh cái quyền tự do ngôn luận của họ, nhưng ngược lại, không phải người dân nào cũng sẵn sàng cho cuộc chơi này khi họ ở phía bên kia của sự chỉ trích.
Chưa kể, ngay cả lối nói ẩn dụ của những nghệ sĩ đường phố đó cũng đâu có khác nhiều với những thảm kịch xảy ra bởi sự phân biệt chủng tộc và bạo hành từ đám cảnh sát ở Mỹ. Sự đàn áp của cảnh sát vùng miền Nam California thời đó với đám thanh niên da màu chỉ là một phần của thực tại mà N.W.A. đã vạch trần. Vì sau đó ai có thể bào chữa được kết quả trắng án của bốn tay cảnh sát da trắng đánh đập dã man Rodney King – một công nhân da màu, bất chấp có cả video quay lại năm 1991? Ai có thể giải thích được Breonna Taylor – một nữ y sĩ da màu 26 tuổi bị cảnh sát bắn chết ngay tại nhà hồi đầu năm 2020 sau một cuộc đấu súng oan uổng chỉ vì cảnh sát đánh đồng việc hai tay buôn bán thuốc lảng vảng gần nhà cô cũng đồng nghĩa với việc gia đình họ dính líu đến đường dây Mai Thúy? Hay ai có thể tưởng tượng được George Floyd bị tắc thở chết khi bị tay cảnh sát da trắng dùng đầu gối đè lên cổ trên lề đường suốt gần 9 phút, bất chấp sự van xin của George trước đó "Tôi không thể thở được", lẫn sự can thiệp của người đi đường? Hãy hỏi bất cứ người dân Mỹ nào, rằng nếu nạn nhân đó không phải da màu, thì chắc họ đã không bị đối xử hay chết một cách oan uổng như vậy không. Tôi chắc là sự kiện của Rodney King đã tạo ra một sự ghi nhận đáng kể, nhưng có lẽ cái chết của George Floyd đã tạo ra một ranh giới rõ ràng: không một ai nên phải đón nhận cái chết.
Cách phản ứng của người dân Mỹ có thể khác nhau, và những vụ bạo động như ở Los Angles năm 1992 hay trên khắp nước Mỹ gần đây - dù không phải ai cũng ủng họ cách làm này - điều mà tất cả thế giới nhận ra, ấy là người dân Mỹ đều đã cùng đứng về một phía trước sự phân biệt màu da rồi.
Vậy bạn nói tôi nghe, cuối cùng nhìn lại thì điều gì đã kích động bạo lực ở Los Angles năm 1992, và trên khắp nước Mỹ năm 2020? Lời lẽ hư cấu của N.W.A., hay hiện thực do chính cảnh sát tạo ra?
Hẹn gặp lại! Kunt