top of page

UFO: tàu bay là của Michael Schenker hay Phil Mogg?

Tôi vẫn nhớ thời nghe nhạc Rock còn phải rỉ tai và mượn băng cát sét của nhau, những ban nhạc Rock trẻ thời đó thường đặc biệt hay chơi lại những ca khúc như “Rock Bottom” hay “Doctor Doctor” của UFO. Nghĩ lại thì có thể thấy ngộ, nhưng đúng là các band Việt đã làm rất tốt công việc việc “truyền bá” nhạc Rock đến với mấy cái lỗ tai còn ngô nghê. Nghĩ cũng lạ, vì ở xứ Tây, các band lên hát bài của họ và ở Việt Nam thì các band hát bài của người Tây và sau đó khán giả thì đều lùng sục đi mua đĩa.


“Rock Bottom” và “Doctor Doctor” đã kéo tôi đến với UFO từ rất sớm, nhưng rồi hóa ra, nền nhạc Rock non trẻ của Việt Nam dường như cũng không mấy đoái hoài đến band này chỉ trừ hai ca khúc đó. Và xem ra nền nhạc Rock thế giới cũng không có vẻ gì là công bằng hơn với band này. UFO, với âm thanh cực kỳ đặc trưng và lối chơi nhạc thiên về guitar cực cuốn của họ, có lẽ luôn bị bỏ quên một cách thảm hại mỗi khi có lịch sử nhắc đến hard rock, hay guitar rock, hay thậm chí, những band của Anh từng thành công trên đất Mỹ. Cũng có thể đơn giản chỉ vì họ tạo ra thứ quá đặc trưng và tự dưng trở nên không thuộc về bất cứ dòng/nhánh nào còn lại.


Bởi thực sự nếu đặt UFO lên bàn cân cùng những band như AC/DC chẳng hạn, UFO cũng hội đủ các yếu tố như có một tay guitar virtuoso ở Michael Schenker (so với anh em nhà Young), một kẻ thừa mứa năng lượng trong biểu diễn ở Pete Way (cân với chuyên gia gây ép phê như Angus Young), một tay trống giữ nhịp cực chắc ở Andy Parker (thừa sức đối trọng với Phil Rudd), và một ca sĩ tưng tửng và trào phúng trong viết lời ở Phil Moggs xem ra chả thua gì Bon Scott. Tôi dám chắc UFO sẽ có thể trở thành một band khủng bố chả kém cạnh gì nếu như họ vẫn tiếp tục tạo ra những sản phẩm chất lượng như thời thịnh của họ ở cuối thập niên 70s, hoặc chí ít, tạo ra được một vài hit lọt vào top khi họ còn đang ở trên đỉnh cao.


UFO ra album đầu tay UFO 1 năm 1970 với đội hình gồm Phil Mogg (hát) , Pete Way (bass) , Mick Bolton (guitar), và Andy Parker (trống) quen nhau từ mấy khu phía Tây London (cái tên chắc ít nhiều lấy từ nhạc Pink Floyd ra), với không có quá nhiều kỳ vọng vì cả đám lúc đó đều đã có công an việc làm trong nhà máy hoặc chí ít như Andy Parker thì cũng đang đi học Đại học mong làm kỹ sư điện. Thế rồi ca khúc “Boogie for George” trong album đầu tay này bỗng trở thành một hiện tượng ở các nước láng giếng như Pháp và Đức. Tự nhiên cả band lần đầu tiên được hân hạnh vượt qua cái eo biển ngăn cách nước Anh nhỏ bé với phần còn lại của châu Âu, và được biểu diễn khắp nơi ở Đức, Pháp, Luxembourg, rồi Ý. Đặc biệt là ở Đức, nơi UFO lần đầu tiên được nếm trải cảm giác là ngôi sao sáng giá và nhất là các cô gái groupie ở đây mới đẹp và sẵn sàng lên giường với các anh thật dễ dàng. Chả giống các cô gái ở nhà tẹo nào.


Xong chả hiểu thế nào, mấy tay quản lý phát hiện ra UFO còn được biết đến nhiều ở Nhật nữa. Thế là cả đám lại đem chuông đi đánh xứ người, và quả nhiên đi càng xa nhà, họ lại càng được trọng đãi như những ngôi sao hạng nhất. Đấy, ngay cả khi UFO đụng Led Zeppelin – thần tượng lớn nhất mà họ theo đổi - ở Nhật, những tay gạo cội kia cũng chỉ được chiều chuộng đến thế là cùng. Đây nhé: xe limo, biểu diễn ở những nhà hát thật là to, và cuối cùng là, được “nếm” thêm nhiều thật là nhiều groupie thậm chí còn đẹp hơn cả các cô gái ở Đức nữa. Thậm chí mỗi tối, các fan nữ của Nhật còn cắm trại hang trăm người trước cửa khách sạn của họ, và việc của các anh chỉ là chọn xem ai đẹp nhất và kiếm cách từ chối những cô kém đẹp hơn khi đã thấm mệt. Mật mã của mấy ông này nhắc nhau là THTH, nôm na là “Too Hot Too Handle”, vô tình sau trở thành tên một bản hit ăn khách của họ. Thế, UFO bắt đầu quyết tâm phải trở thành Rock band nổi tiếng.


Ấy thế mà khi quay trở lại Anh, UFO lại trở thành người bình thường như bao người chẳng ai biết đến. Khỏi nói thì cũng biết ở Anh lại càng chả có phong trào groupie. Nhìn ra xung quanh vào đầu thập niên 1971, những anh cả như Led ZeppelinBlack Sabbath lúc này đã là thước đo cho sự thành công. Led Zeppelin đang ở thời sung sức và chuẩn bị tung ra những sản phẩm để đời như Led Zeppelin II hay IV, còn Black Sabbath thì dĩ nhiên đang khuynh đảo thế giới với những Paranoid hay Master of Reality. UFO thì mãi không ổn định và liên tục thay guitar, và chỉ cầm cự với sự nghiệp âm nhạc nhờ liên tục đi tour bên ngoài nước Anh.


Bước ngoặt đến với UFO khi trong tour diễn ở Nuremberg, nước Đức, tay guitar của họ lúc đó là Bernie Marsden không tìm thấy passport của mình và không thể đi cùng band. Lúc này đây UFO đang đi tour cùng ban nhạc Scorpions và cả Phil lẫn Pete đều không thể rời mắt khỏi tay lead guitar của họ, một gã còn rất trẻ và nhút nhát nhưng khả năng lan tỏa trên sân khấu với cây đàn thì hoàn toàn áp đảo. Chắc do bất đồng ngôn ngữ nên cặp Phil/Pete không biết đó chính là thiên tài guitar “wunderkind” báu vật của nước Đức. Thế nên hai ông mới điềm nhiên đi sang bên Scorpions và hỏi mượn Michael đánh thế cho Bernie Marsden. Và khi tour nhạc kết thúc, Michael Schenker không còn muốn ở lại với Scorpions nữa, còn Bernie Marsden thì cũng tách ra theo con đường riêng (sau trở nên nổi tiếng cùng Whitesnake và David Coverdale).


Với tài năng vô tiên khoáng hậu, Michael thực sự đã nâng tầm UFO và khiến cho những người chơi bên cạnh anh, như tay bass Pete Way, vốn không phải mẫu chơi giàu kỹ thuật, bỗng trở nên linh hoạt và hợp cạ với nhau lạ lùng. UFO bắt đầu bán dược vé ở Anh và nhận được hợp đồng ghi đĩa mới với hãng Chrysalis, cũng như được giao cho ông bầu mát tay, Wilf Wilson, người trước đó đã từng là tour manager cho cả Led Zeppelin lẫn Black Sabbath.


Mọi chuyện bỗng trở nên chuẩn chỉnh khi UFO ghi âm album thứ ba của họ, Phenomenon. Thực ra thành công thì vẫn còn ở xa lắm, vì single “Doctor Doctor” bán mãi cũng chỉ được vài ngàn bản (mặc dù sau này ca khúc này cũng trở thành kinh điển). Nhưng dù gì thì lượng bán của Phenomenon cũng vừa đủ để giúp họ có tour diễn đầu tiên ở Mỹ. Cũng chả có gì cao sang lắm đâu, vì UFO đâm ra chỉ được đi đánh mở màn loanh quanh cho đa số các band nhạc Anh lúc đó trên đất Mỹ như Jethro Tull, Rod Stewart, cùng với những cái tên đặc Mỹ như REO Speedwagon. Nhưng bước đầu của giấc mơ đu theo được người anh sáng giá Led Zeppelin, xem ra cũng tạm ổn rồi.


Quan trọng hơn, các cô gái groupie ở Mỹ dường như đã chứng tỏ họ mới là những người “dễ tính” nhất và các cô gái Đức trong ký ức dạo nào bỗng trở nên hiền lành như những bà sơ. Hãy thử tưởng tượng cặp Phil/Pete cho các cô groupie vào đầy trong khách sạn sau mỗi show, và có thể ngủ với bất cứ cô nào họ thích và đổi sang cô khác mỗi khi họ bất chợt tỉnh giấc. Còn Michael Schenker, thì có thể nằm ngửa đeo tai nghe để nghe lại show vừa đánh, vừa có một cô “cưỡi” trên người. Túm lại thì trong cả đám, có mỗi Michael Schenker là chăm ôn bài và cầu toàn với âm nhạc của UFO nhất.


Michael Schenker là người đã mạnh dạn nhất phát triển nhạc Rock nặng dựa trên vòng hợp âm của hợp âm thứ (natural minor scale), thứ hợp âm mà trước đó thường bị coi là không đủ mạnh mẽ và thường chỉ hay dùng trong những bản ballad hoặc để tạo ra màu sắc cho các bản nhạc được viết bằng giọng ở hợp âm trưởng. Michael Schenker cũng là một trong những người tiên phong tạo ra tiếng đàn đặc trưng của riêng mình – dĩ nhiên tôi không dám nói các vị tiền bối như Jeff Beck, Jimmy Page, hay Toni Iommi không có tiếng đàn đặc trưng – nhưng rõ ràng cùng với một cây đàn Gibson đó, Michael Schenker đã khéo léo dùng các loại hiệu ứng (mà sau mọi người mới vỡ lẽ ra là anh mở cục phơ Wah lên và để cố định ở giữa cho tiếng nó ấm) để tạo ra tiếng đàn không thể lẫn với ai. Ấy là chưa kể đến những kỹ thuật như khả năng rung dây đàn đặc biệt của anh (kê cả cây Flying V lên đùi để dây đàn có thể rung thật mạnh cùng với chuyển động của cả cơ thể). Có lẽ nhờ tiếng đàn của Michael Schenker dẫn dắt, tiếng bass mập mạp của Pete Way và tiếng trống cồm cộp của Andy Parker theo đó hiện ra theo sau và làm dày thêm thứ âm thanh đặc trưng của UFO.


Force It, album thứ tư của UFO, đã thực sự chứng kiến sự trưởng thành của Michael Schenker với tiếng riff chắc nịch và bố cục bài hát rất rõ ràng từ đây, thứ đã khiến cho những người còn lại trong UFO trở nên nhàn nhã hơn rất nhiều khi chỉ cần viết mọi thứ xung quanh phần guitar của Michael. Có người còn đồn rằng Phil Mogg phần lớn thời gian trong studio chỉ ngồi đọc sách và chơi lêu hêu, và chỉ chờ cho đến khi ba tay còn lại hoàn tất phần nhạc thì mới nhảy vào viết dăm câu lời lẽ và UFO cứ thế thu luôn. Rất nhiều lần, lời lẽ do Phil Mogg hay Pete Way ngắn gọn đến mức ta có cảm giác như phần lead guitar của Michael mới đóng vai trò của tiếng hát trong nhạc của UFO vậy.


Và có lẽ cũng từ Force It, khái niệm mới về một ban nhạc “Rock guitar” đã được định hình. Nếu như trước đó trong Rock nặng, các tay lead guitar của ban nhạc thường vẫn phải è cổ ra viết nhạc để duy trì sức ảnh hưởng của họ với những người “trời định” là dễ viết nhạc hơn như ca sĩ hay tay đánh bass, thì nay với UFO, họ đã tạo ra một nhánh âm nhạc mới với sự định hướng tinh thần của ca khúc chỉ bằng giai điệu guitar được chơi bởi một gã không rành tiếng Anh và dĩ nhiên là sẽ chẳng quan tâm đến việc viết lời.


Có lẽ cái sự “kém” tiếng Anh này với Michael đâm ra lại có lợi, bởi vì suốt vài năm đầu chơi với nhau, Michael Schenker hầu như không hiểu kiểu đùa móc máy và trào phúng mà Phil Mogg dành cho anh (chứ không UFO có khi còn tan rã sớm hơn). Với Michael, tham gia UFO đơn giản là một cơ hội để sang Anh, nơi tất cả các band nhạc vĩ đại bắt đầu. Từ đầu chí cuối thời gian ở UFO, Michael Schenker vẫn luôn một mình và tập đàn bất cứ khi nào có thể, trong khi đám còn lại thì tụ tập tán dóc với nhau và bông đùa. Dĩ nhiên tôi không có ý định hạ thấp tài năng của Pete Way và Andy Parker – họ là những nghệ sĩ cực hiệu quả trong phòng thu và siêu đẳng trong trình diễn – nhưng khi họ xong việc là họ đi chơi, còn Michael thì tiếp tục tập. Đó có lẽ là khác biệt lớn nhất giữa Michael Schenker và phần còn lại, những người đặt ưu tiên của họ là 1-riệu, 2- gái, rồi mới đến 3-nhạc.


Thế nên khi Michael Schenker ở Anh lâu và biết nhiều hơn, anh càng trở nên ghét Phil Mogg. Không có vấn đề gì với Pete Way và Andy Parker, nhưng Michael nhiều lần gọi Phil Mogg là “Fuhrer” - từ mà trước đây chỉ có Adolf Hitler dùng để gọi mình – bởi sự độc đoán của Phil. Phil Mogg cũng kệ mịa, vì bình sinh Phil vốn cũng chả thích ai và thường gây sự với bất cứ nghệ sĩ nào mà anh thấy khác mình.


Thành công cũng không thể đến ngày một ngày hai, nhưng những nấc thang tiếp theo như việc tuyển mộ được tay keyboard Paul Raymond đã hoàn thiện thứ âm thanh đặc trưng của UFO giữa những tiếng guitar đôi và tiếng keyboard. Tất nhiên phần guitar bè trong phòng thu vẫn luôn được đảm nhiệm chỉ bởi Michael Schenker (và khi đi lưu diễn thì có thêm một ai đó) nhưng đây là điều cũng rất mới mẻ trong nhạc Rock nặng bởi tới thời điểm đó, hầu như phần guitar chỉ cần chơi với một người. Âm thanh guitar đôi của UFO vì vậy có tính định hướng sâu sắc đến phong trào NWOBHM sau này, với những người đi đầu xuất sắc như Judas Priest hay Iron Maiden.


Chưa kể, UFO còn được làm việc cùng Ron Nevison, người trước đó tham gia sản xuất Graffitti cho Led Zeppelin hay Quadrophenia của The Who, để cho ra Light Out tuyệt hay vào năm 1977, ngay đúng thời điểm Black Sabbath đã dần suy yếu (Technical Ectasy) và Led Zeppelin cũng đang rơi vào giai đoạn ngán nhạc (giữa Presence và In Through the Outdoor). UFO thì ngược lại, bắt đầu ra nhưng ca khúc tuyệt hay với phần chơi chặt chẽ, và quan trọng hơn cả, họ có Michael Schenker có thể cân đến một nửa bài hát. Thật vậy, nếu cắt những phần guitar trong “Too Hot Too Handle” hay “Light Out” đi, thì bài hát có lời chắc chỉ còn ngắn một nửa và không có quá nhiều sự biến chuyển. Sự đóng góp của Michael Schenker, bỗng nhiên làm cho mỗi bài hát của UFO có thêm nhiều cấu trúc không theo thói thường và bất cứ khi nào khán giả cũng có thể kỳ vọng có một đoạn bridge như mọc ra từ đâu đó từ những ngón tay của Michael.


Người phụ trợ đắc lực nhất cho Michael trong những album tuyệt hay ở thời điểm này chính là tay trống Andy Parker, người có lẽ chơi thiên về chắc nhịp và tạo ra cái “chân” của bài hát như Phil Rudd của AC/DC. Nhưng tôi khoái Andy Parker hơn hẳn Phil Rudd bởi vì bố cục bài của UFO không bao giờ có chuyện chỉ đi một nhịp từ đầu đến cuối, nó luôn thay đổi giữa nhanh và chậm, và hoặc là Andy Parker không bao giờ làm sai một phần tư nhịp nào, hoặc là Michael Schenker quá giỏi để lấp liếm cho cả ba người đồng đội còn lại mỗi khi tăng hay giảm tốc.


Còn ở trên sân khấu, sự bùng nổ của Pete Way và Phil Mogg là những thứ đem lại năng lượng không tưởng cho những màn trình diễn của họ, thứ mà xem ra nếu đọ cùng chức năng với những đồng nghiệp bên AC/DC là Angus Young và Bon Scott, UFO chẳng hề kém cạnh chút nào. UFO dần chuyển từ ban nhạc chơi ở pub sang band nhạc chơi ở sân khấu lớn, và điều đó chỉ khổ Michael Schenker, vốn là người mắc bệnh sợ đám đông và đã phải chơi thuốc trầm cảm mỗi tối để có thể cân với số lượng khán giả ngày một tăng – thứ có lẽ anh ghét nhì chỉ sau Phil Mogg.


Nhưng như để trêu ngươi Michael Schenker, khi thực hiện bìa đĩa album Obsession với hình mấy ông tướng Phil Mogg, Pete Way, và Michael, chả hiểu thế nào hãng đĩa “photoshop” vào cái bìa đĩa với rất nhiều vòng bi (bạc đạn) trên mắt và miệng của Phil và Pete thôi, còn trơ lại Michael đứng ở giữa và không có “photoshop” gì. Đa số đều cho rằng cái bìa đĩa nhìn thật kỳ khôi và biết đâu có thể ăn khách, chỉ riêng Pete chợt nhận ra Michael Schenker không thấy vui vì … anh không có bi như các bạn. Khá lắm, người Anh!


Những tour diễn liên miên đến với UFO, và có lẽ họ cũng cảm nhận họ lên đến đỉnh khi liên tục chinh phục các cột mốc bán đĩa cũng như trở thành thần tượng cho các band nhạc học theo cách trình diễn bùng nổ của họ sau này như Motley Crue hay Guns N’ Roses. Họ đánh bại Aerosmith hay Blue Oyster Cult trong những tour diễn cùng những band này - ngay trên đất của họ. Thứ âm nhạc cuốn và bùng nổ của UFO đã khiến cho người Mỹ phát cuồng, và tạo ra một thế hệ trẻ thèm khát trở thành ngôi sao nhạc Rock và cả guitar hero. Tay bass Nikki Sixx của Crue hay Steve Harris của Iron Maiden thì thậm chí không cần giấu diếm việc ăn mặc quần bó sọc đen trắng y hệt như thần tượng Pete Way của họ. Joe Elliot của Def Leppard thì học theo Phil Mogg. Và dĩ nhiên những tay guitar giàu ảnh hưởng sau này như Slash, Dimebag Darrel, hay Randy Rhoads đều đã từng tập đàn theo Michael Schenker.


Và như để chứng minh cho khả năng chơi live tuyệt vời của họ, UFO đã nhờ cậy Ron Nevison và một nhà sản xuất hay còn rất trẻ, Mike Clink, thu một album live cho họ, thứ mà sau này trở thành Strangers In The Night, album tôi cho là hay nhất của UFO. Và một lần nữa, như để trêu ngươi Michael Schenker, Phil Mogg liên tục phản đối việc phát hành album live!?!.


Mãi rồi đến khi nghe phần mix của bản thu live trong studio, tất cả những thành viên của UFO đều gật gù với chất lượng thu live đã phản ánh đúng năng lượng của họ cũng như độ cuồng nhiệt của khán giả. Chẳng hạn như trong bài “Light Out”, khi Phil Mogg thay câu “Light out in London” bằng “Light Out in Chicago”, tiếng gầm của khán giả có thể nghe thấy cực kỳ rõ và khiến những cái lông sau lưng dựng đứng hết cả. Nhưng kẻ cầu toàn Michael Schenker thì không hài lòng, nhất là với nhà sản xuất Ron Nevinson và muốn thu đè lên những chỗ anh đánh lạc nốt. Đặc biệt là ở version của bài “Rock Bottom”, Michael cho rằng anh có nhiều bản thu hay hơn bài Ron chọn, trong khi Ron thì khăng khăng làm đĩa thì nên nhìn chất lượng tổng thể.


Michael Schenker rời UFO đột ngột mà không báo trước ngay khi tour diễn của Obsession kết thúc và thậm chí Strangers of The Night còn chưa phát hành. Vốn là người bình sinh không chịu nổi hai thứ: sự nổi tiếng và Phil Mogg, có lẽ những viên thuốc trầm cảm giúp Michael Schenker mỗi tối có thể đứng vững trước hàng chục ngàn người đã đến lúc phát huy tác dụng phụ và hủy hoại tâm trí anh. Cũng có lẽ là bởi lần Phil Mogg và Michael Schenker ăn thua đủ với nhau bằng nắm đấm ở một trong những show cuối cùng. Và cũng có thể là do bản “Rock Bottom” trong đĩa Strange được chọn mà không hỏi ý kiến anh.


Michael Schenker phát điên đến nỗi bay ngay đến Boston gặp Steven Tyler để thử việc cho Aerosmith (lúc đó Joe Perry cũng vừa giận lẫy và bỏ Aerosmith sau vụ “ai ném hộp sữa”). Không thấy hợp, Michael Schenker bỏ về Anh để thu album solo với hãng đĩa Chrysalis. Album này sau đó bị hoãn phát hành vô thời hạn còn Michael Schenker giận quá cạo trọc đầu và bay về Đức thu album Love Drive với Scorpions. Kết quả thì ai cũng biết, vì sau đó Michael Schenker càng ghét ông anh Rudolf Schenker hơn sau đĩa đó và bỏ Scorpions ngay sau khi thu xong album. Michael Schenker có lẽ đã lập một kỷ lục buồn chưa ai từng mong lập được, ấy là đi một lèo qua đến ba ban nhạc số má chỉ trong mấy tháng.


Sau khi Michael Schenker rời nhóm, niềm động viên an ủi nhỏ nhoi với Phil Mogg và Pete Way có lẽ là việc Eddie Van Halen suýt nữa đến xin thử việc, trừ việc anh quá nhát nên không dám mở lời mà ở lại chơi cùng Van Halen. UFO sau đó tiếp tục ghi đĩa và biểu diễn với Paul Chapman, người trước đó vẫn thường đi lưu diễn cùng UFO với vai trò tay guitar số hai chơi bè cho Michael Schenker.


Nhưng có lẽ đến đây thì mọi người mới nhận thấy sự quan trọng của Michael Schenker, bởi vì âm thanh của UFO đã mãi mãi không còn có thể trở lại như cũ. Khi Strangers In The Night có mặt trên giá đĩa và ghi tên UFO vào danh sách những ban nhạc hay nhất thập niên 70s, người quan trọng nhất của họ đã không còn ở đó. Pete Way cũng rời nhóm không lâu sau đó . Strangers In The Night có lẽ có cùng số phận với một album live khác tuyệt hay sau này đưa Motorhead “lên đỉnh”, No Sleep Til Hammersmith, khi UFO đã không thể lặp lại thành công của chính mình sau khi tự đặt ra một giới hạn quá cao.


Đến lúc này khán giả Anh Quốc bảo thủ mới lục tục đi mua lại “Doctor Doctor” và những album như Phenomenon hay Force It trước đây, và khoan thai nhận ra rằng có một làn sóng mang tên New Wave of British Heavy Metal đang lờ mờ xuất hiện ở bình minh của thập niên 80s.


Michael Schenker có phải kẻ ích kỷ hay không thì xin không bàn ở đây. Nhưng năm 1995, Michael quyết định quay lại UFO để động viên ông bạn Pete Way lúc này đắm chìm trong nghiện ngập và nghèo khó. Kết quả là album Walk On Water với bộ khung và âm thanh của UFO thời “Strangers” được tái hiện, và một tour lưu diễn mà Michael chỉ chơi được 3 bài sau đó đập đàn bỏ đi khỏi sân khấu vì không thể chịu nổi thêm với Phil Mogg.


Năm 2003, Michael Schenker tặng lại quyền sở hữu 50% cái tên UFO cho Phil Mogg. Hoàn toàn miễn phí. Phil có thể tiếp tục lèo lái UFO cùng một tay guitar virtuoso khác là Vinnie Moore.


Còn Stranger In The Night thì vẫn mãi có vị trí của nó trong lịch sử nhạc Rock như là một trong những album live hay nhất mọi thời đại, và ghi lại gần như trọn vẹn những khoảnh khắc huy hoàng cuối cùng của Michael Schenker với ban nhạc luôn trong trạng thái không xác định - UFO.


Hẹn gặp lại.


Kcid

392 views

Recent Posts

See All

Comentarios

No se pudieron cargar los comentarios
Parece que hubo un problema técnico. Intenta volver a conectarte o actualiza la página.
bottom of page