Ánh sáng lóe lên. Không khí ở giải Brit Awards 1996 thật tuyệt vời. Nhưng thế éo nào toàn bọn Oasis được xướng tên. Đến giải thứ ba cho video hay nhất, cái tên "Wonderwall" lại được gọi lên. Trong lòng tôi tự nhiên đau quặn.
Dave Rowntree-Damon Albarn-Graham Coxon-AlexJames
Lúc anh em nhà Gallagher lên nhận giải, thằng Liam mới phát biểu “tôi muốn cám ơn tất cả người hâm mộ và mọi người đã giúp chúng tôi thành công như ngày hôm nay” rồi nó hát:
“All the people, so many people/And they all walk hand in hand, hand in hand through their shite life.”
Mịa nó chứ. Nó nhại ngay bài “Parklife” của bọn tôi trên sân khấu rồi chế thành “shite life”. Tôi quay sang thấy cái thằng ẻo lả Brett Anderson cười ngặt nghẽo với hội Suede. Còn quay lại phía này, cả ba thằng Graham, Alex, và Dave ngồi đơ mặt ra. Trong đầu tôi chỉ nghĩ đến việc lao lên phang cho hai thẳng Liam và Noel ngay một trận...
***
Ánh sáng lại lóe lên, sáng lòa. Khán giả ở dưới ồn vãi. Hôm nay Blur đánh chung với Suede. Bọn nó vừa ra đĩa. Thế quái nào mà câu đầu tiên tôi bật ra trước mic lại là “các bạn thấy Suede biểu diễn ngon lành không? Còn bọn tôi thì như cứt ý hờ hờ”.
Hôm đấy Blur của tôi diễn như cứt thật. Thằng Graham Coxon nhìn tôi trân trối. Tôi định nói câu gì đó mà họng nghẹn lại xong cảm giác vừa nghẹt thở vừa khát nước không chịu được.
***
Chả biết có phải do trước khi đi ngủ đọc nhiều quá thế nào mà tôi lại trải qua hai giấc mơ liên tiếp cứ như mình là Damon Albarn vậy. Tôi không thể ngủ lại được, và ánh đèn dưới đường hắt lên càng như giúp cho các sự kiện xung quanh Blur chạy qua như những khúc phim ngay trước mắt tôi. Rõ mồn một. Nhưng không có trình tự, y như Quentin Tarrantino vậy.
***
Cả đám trong band Blur ngồi bệt xuống sau show diễn. Đã quá đủ mệt mỏi với chuyến lưu diễn ở Mỹ lắm rồi. Tour chỉ có hai tháng nhưng ông nào cũng nhớ nhà. Tour lưu diễn ở Mỹ này cũng không phải ý tưởng của ban nhạc, mà được góp nhặt từ sự kỳ vọng của hội báo chí ở nhà. Cái gì mà đại diện cho các ban nhạc trẻ mới của Anh cơ chứ?!?!
Rồi cũng về được đến nước Anh, nhưng mọi thứ tự dưng đi ngược dự tính của cả bọn. Trong hai tháng tưởng như là cơ hội cho Blur mở rộng thị trường sang Mỹ thì ở nhà, người người nghe Nirvana. Bọn báo chí kền kền thì lôi hình Brett Anderson của Suede ưỡn ẹo trên bìa. Bọn Suede xuất hiện khắp nơi và được tôn là biểu tượng mới cho cái gọi là Britpop. Ơ hay, bọn đấy đã có album éo nào đâu trong khi Blur đây đã ra được đĩa đầu tay hơi bị thành công ở UK.
Cái "mục tiêu cao cả" dựng lên từ báo chí Anh là đẩy lùi nhạc Grunge Mỹ khỏi nước nhà nghe đúng là như c*t. Ít nhất là với tay guitar Graham Coxon, vì với cậu, nhạc Mỹ, punk hay grunge thì đều tôn phần guitar lên. Tất nhiên tay trưởng nhóm Damon Albarn thì yêu nước mù quáng, nên lúc nào cũng bô bô là gã chỉ thích làm nhạc gì mà Anh nhất có thể. Cái gì mà lời thơ lãng mạn từ những thứ đơn giản, chứ không phải đi lè nhè than phiền về mọi thứ như bọn Grunge. Vẽ chuyện!
Thế rồi hội Suede ra đĩa. Tưởng mấy ông truyền thông thổi phồng thế nào, ai dè Suede giỏi thật. Lúc đó mọi ánh hào quang lại càng hướng tới Suede. Trong khi đó bọn Blur chỉ ăn được Suede mỗi quả Damon cướp trên giàn mướp cô bồ của tên Brett.
Chấp cả Suede cộng nước Mỹ, Damon thậm chí đã suýt đặt tên đĩa tiếp theo của Blur là England vs. America (sau đổi lại thành Modern Life Is Rubbish). Với Damon, gã nghĩ nếu punk rock sinh ra là để tiêu diệt bọn hippies, thì Blur sẽ nhận mục tiêu tiêu diệt nhạc grunge. Và Blur không cần Suede giúp.
***
Đến khi Blur rồi cũng giành lấy danh tiếng từ Suede, cả hội được đà (hay đúng hơn là do túng quẫn hết sạch tiền) tung tiếp album Parklife (1994) thậm chí còn thành công hơn.
Phải nói Damon giỏi thật. Chỉ có gã mới nghĩ ra mấy giai điệu độc đáo như “Girls And Boys” hay “Jubilee”. Dù sao thì Blur cũng hơn các band khác ở kiểu trọng tính đồng nhất ở một album. Bắng chứng là lần nào hãng đĩa cũng phải gọi hội đó lên bắt sáng tác thêm bài dễ nghe để phát hành single.
Thêm nữa, tầm nhìn trong âm nhạc của Damon cũng đủ ghê gớm để Graham còn tự tin ở lại. Graham rất thích thứ nhạc mang tính thể nghiệm với vòng hoà âm độc đáo chỉ có ở Blur, và cũng nhờ đó cậu này cũng thể nghiệm được tiếng đàn theo cách khác hẳn đám Britpop khác. Mấy band kia, nhiều guitar nhưng nghe "nhòe" bỏ mịa.
***
Đang ở đỉnh của thành công thì tự dưng đâu mọc ra mấy tên bắt chước Beatles mang tên Oasis. Đĩa đầu tay của hội đấy cũng thành công. Trông mấy tên đấy cũng đầu gấu, lại giống hội khuân vác nên cánh báo chí lôi luôn vào để lăng xê cùng với Blur. Blur tự hiểu như thế là báo chí đã chấp nhận Damon đầu gấu đã bắt nạt được bọn Suede yếu ớt rồi, nên đẩy con mồi tiếp theo là Oasis ra để thách thức.
Riêng với Graham thì cậu này lại càng ghét vụ báo chí đưa tin phá đám này nọ nên Graham kệ mịa, chỉ tập trung nghe mấy nhạc lo-fi và rock Mỹ.
Nhưng lúc Blur định đến chúc mừng Oasis vì đĩa đơn đạt no 1, tên Liam say trong cơn phê chiến thắng đã quay luôn sang khiêu khích Damon mới kinh. Với một kẻ chống lại cả thế giới như Damon, gã phải trả thù. Một cuộc chiến mới và được báo chí đặt cho cái tên mĩ miều là Cuộc Chiến Britpop (The Battle of Britpop) bắt đầu.
***
Oasis chuẩn bị tung single mới “Roll With It” sớm lên một tuần, và gần như 100% là hội đấy sẽ được vị trí #1 nếu Blur không làm gì. Damon lại phải ngồi suy tính với bộ sậu của hãng đĩa trên những gì cả band có trong đĩa mới The Great Escape. Lọc đi lọc lại có mỗi “Country House”, dù đó cũng không phải bài hay nhất, nhưng có khả năng đối chọi nhất.
Vấn đề là tung ra vào lúc nào? Nếu ra single 1 tuần sau bọn Oasis thì khả năng top 1 vẫn không chắc chắn, trong khi bọn báo chí đang chầu chực để tung tin. Còn gì tệ hơn là hiệu ứng ngược có lợi cho anh em nhà Gallagher khi mấy tên đó được No 1 thêm tuần thứ hai và đè nghiến "Country House" ở dưới.
Với bản tính thích đối đầu của Damon, gã quyết chơi đến cùng và phát hành single "Country House" cùng luôn một ngày với Oasis. Chỉ đợi có thế, cánh báo chí đăng tin ầm ĩ cái gọi là cuộc đối đầu hạng nặng như giải boxing vậy. Hai hãng đĩa thì nín thở với kết quả ngày cuối tuần hôm đó.
Nhưng riêng Graham thì rất ghét vụ “đối đầu giả tạo” này. Tất cả chỉ là bọn báo chí thầy dùi. Graham chỉ muốn làm nhạc mà cậu muốn. Cơ mà lúc đó vai trò trưởng nhóm và ảnh hưởng của Damon lớn quá nên Graham chưa làm được gì nhiều. Cậu thậm chí đã từng nghĩ đến việc bỏ nhóm.
Cái, tin đĩa đơn của Blur thắng Oasis vỡ oà trong sung sướng của hội “thân” Blur. Graham thì thấy còn nhục nhã hơn thời đấu Grunge và đấu Suede. Buổi party ăn mừng hôm đó, cậu còn định lao ra nhảy lầu tự tử, may có Damon kéo lại.
***
Đúng như Graham linh tính, cuộc chiến Britpop vớ vẩn này chỉ hại cho Blur. Thì đấy, khi Oasis tung con át chủ bài “Wonderwall” và sau đó là đĩa Morning Glory thì Blur đã không còn có thể tung cú đấm nào đủ sức nặng. The Great Escape thua xa Morning Glory trên mọi mặt trận, thậm chí cả Mỹ.
Bọn báo chí Anh hả hê lắm. Thực ra bọn nó đâu cần bênh ai, nhưng lại được quyền tô vẽ ra các loại kịch tính. Thế nên có đứa tiếp tục hả hê lôi lại vụ ông Damon từng phát biểu câu "cả Blur và Oasis giống nhau là đều làm ăn như cứt ở đất Mỹ". Sai toét nhé, Oasis thì tiếp tục thành công ở Mỹ và hoành tráng ở Anh. Không khó để thêm ít dầu vào đám cháy: Blur thì bị chê là thứ nhạc của bọn trí thức nửa vời, không đúng chất đại diện cho nhân dân cần lao như Oasis.
Trong khi đó, những kẻ không mong muốn bị lôi vào cuộc chiến phi nghĩa tưởng tượng đó phải trải qua cuộc sống ê chề. Graham ngày càng trầm cảm và lấn sâu vào nghiện ngập với rượu. Damon chả khá hơn mấy. Cả band tưởng chừng tan rã đến nơi.
Nhưng Damon vẫn là kẻ gấu nhất hội, và khi mọi thứ có thể dễ dàng vứt bỏ hơn là tiếp tục là lúc gã thể hiện bản lĩnh gan lỳ. Rồi một ngày, Damon đến gặp Graham, hỏi mượn nghe thứ nhạc lo-fi và alternative của Graham để tìm cảm hứng. Quan trọng hơn: Damon đã gạt bỏ hết khỏi đầu gã cái gọi là cuộc chiến Britpop, bỏ luôn cả sự cay cú với nhạc Mỹ. Mặc kệ bọn Anh nghĩ gì, kệ mịa bọn báo chí sẽ đào bới cái gì tiếp theo, và từ giờ gã sẽ làm nhạc mà gã muốn. Và lần này Graham được thoả sức sáng tạo với cây guitar và đừng ai đòi chỉnh sửa gì tiếng đàn của cậu.
***
Blur được tái sinh với album cùng tên nhóm. Vẫn với thế mạnh trong việc liều lĩnh thể nghiệm nhạc liên tục, Damon cùng Graham lấy ảnh hưởng từ nhạc indie rock của Mỹ tạo ra một sản phẩm gây sốc với người Anh. Các fan thậm chí không hiểu mấy ông Blur hát cái gì nữa. Bọn phê bình thì khen ngợi hết lời. Còn báo chí thì vẫn chưa kịp ngộ ra là Blur đã vứt cuộc chiến vớ vẩn sang một bên.
Mất đến 8 tháng thì đĩa Blur đạt vị trí top, và một thế hệ fan mới của Blur vừa bước vào tuổi dậy thì được hình thành. Không những thế album này cũng giúp Blur có được tên tuổi ở Mỹ với thành công của đĩa đơn "Song 2" gào thét nghe rất quái đản.
Rồi đĩa 13 (1999) ra ngay sau đó vẫn tiếp tục gây sốc như vậy. Thế hệ fan mới của Blur thì đã quen và yêu nhạc của band rồi. Từ đĩa Blur đến đĩa 13 này, tiếng đàn của Graham được tôn lên nhiều hơn hẳn và đúng là đã trình diễn được nhiều ý tưởng của cậu hơn. Khỏi phải nói, Damon khoái chí lắm, dù là lúc này gã đang buồn vì chia tay mối tình 7 năm với Justine - ca sĩ chính của Elastica mà Damon đã từng cướp từ tay của Brett bên Suede.
Sẽ không có trận đấu nếu như một bên không đánh, và khi không còn thứ giúp bán được nhiều báo nhất, Britpop cũng nhạt đi và thoái trào. Oasis bỗng trở nên lạc lõng, khi kẻ mà mấy tên đó phản kháng lại để tôn chính mình lên từ một đội chiếu dưới bỗng nay đã không còn thiết cạnh tranh nữa. Blur giờ không làm nhạc để chống lại thế giới nữa, mà trở lại với sự đa dạng và sáng tạo thể nghiệm cực cao. Kể cả chấp nhận mất fan, chất lượng nhạc của Blur vẫn được đảm bảo dù là mỗi lần mang đến hương vị khác nhau.
Đó cũng là lý do mà đến đĩa Think Tank (2003) thuộc loại siêu dị với phong cách nhạc điện tử rồi mà vẫn được lòng người nghe. Chỉ mỗi tội, lúc thu âm album này, Graham mới kết thúc cai rượu, và trở lại với tâm trạng bất ổn. Sau vài lần mọi người có vẻ căng thẳng, cậu bỏ band luôn khi mà hầu như chưa thu âm được mấy. Damon thì không muốn tuyển tạm tay guitar nào khác vì không ai giỏi và hiểu gã bằng Graham, đâm ra làm Think Tank thành đĩa nhạc điện tử luôn.
***
Cũng buồn cười khi báo chí đều nói Blur chiến thắng cuộc so găng với Oasis nhưng lại là kẻ thua cuộc nhục nhã trong cuộc chiến Britpop. Cuộc chiến tưởng tượng chỉ có lợi cho việc bán tin tức đó, dường như khiến cho những kẻ vô tình bị lôi vào phải lao đao. Cả hội Blur sau đó cũng đường ai nấy đi có lẽ cũng vì dư chấn của những sức ép vô hình đó. Noel Gallagher và Damon Albarn sau cũng làm lành với nhau. Nhạc grunge thì rõ là chẳng phải do bọn Anh đẩy lùi, mà tự thoái trào sau kết cục không mong muốn của Kurt Cobain, kẻ giàu ảnh hưởng nhất.
Chỉ còn mỗi Damon Albarn, giống như một chiến binh thực thụ, vẫn tiếp tục với các dự án âm nhạc với ban nhạc ảo Gorillaz quá thành công ở Mỹ và thế giới; hay với The Good, The Bad & The Queen (supergroup của Damon với Paul Simonon từ The Clash, Simon Tong từ The Verve, và bậc thầy trống Tony Allen người Nigeria); và nhiều dự án khác trước khi tái hợp Blur để ra đĩa The Magic Whip sau 12 năm.
Có vẻ như lần tái hợp ngắn với ban nhạc để ra đĩa Whip kia như một cách để Damon bù đắp cho Graham Coxon, cậu bạn thân từ hồi sinh viên. Cái thời còn đánh cho Blur, đáng nhẽ phải hạnh phúc và tự hào vì quãng thời gian thành công, thì Graham rơi vào trầm cảm và lánh xa ông bạn. Vì rượu có vẻ lại là thứ hiểu Graham nhất lúc đó.
Nhưng 20 năm sau nhìn lại mới thấy, hóa ra chính kẻ say Graham lại là kẻ tỉnh táo nhất, khi không bị cuốn vào cuộc chiến Britpop vô nghĩa hồi đó.
Hẹn gặp lại!
Kink