“Ôi thôi, lạy Chúa, không được rồi, sao tự dưng tôi lại chui đầu vào chuyện này cơ chứ?”
Luồng suy nghĩ ập tới khi Eric Erlandson gặp Courtney Love lần đầu tại một quán café vào năm 1989. Cũng bởi vì anh lại đáp lại mẩu tin quảng cáo tìm người chơi nhạc cùng của Love. Nhưng Erlandson nào hòng có cơ hội thoát thân. Giống như một vật thể lưu lạc trong vũ trụ, anh ngay lập tức bị hút chặt bởi một “hố đen” ngồi đối diện. Love tuyên bố luôn “Tôi đã gặp đúng người rồi” sau khi thao thao bất tuyệt một hồi, dù Erlandson chưa cần phải mở mồm nói một câu nào cả.
Từ cách ăn mặc, trang điểm cho đến tính cách, Courtney Love luôn biết cách lấn át và quy phục đối phương. Cô có một vẻ ngoài ngông cuồng khiến người đối diện luôn bị át vía, nhưng cũng lại không thể dời mắt khỏi cô. Đó là lý do tay guitar Eric Erlandson không thể từ chối lời mời lập band với Love. Rồi khi hai con người này tập dượt nhạc với nhau, sự điên dại trong lối hát và ca từ của Love có thể khiến người khác phải khiếp đảm để bỏ cuộc nhưng Erlandson lại nhìn thấy một sức hút thô ráp khó cưỡng trong đó.
Trước khi thành frontwoman của Hole, Love đã từng hát trong ban nhạc Faith No More. Nhưng vì có vẻ như các thành viên trong FNM muốn đẩy cao nguồn năng lượng đầy nam tính nên họ sa thải cô. Không dừng ở đó, trong quãng thời gian kiếm sống bằng nghề múa thoát y, bài “Epic” của FNM lại cứ bật lên đúng lúc cô lên sân khấu để leo cột, lại càng khiến Love sôi máu. Thất bại đó đã trở thành một động cơ thôi thúc Love lập nên một band riêng và tăng cái sự điên của chính mình, vượt xa khỏi những đồng nghiệp nam giới.
Để làm vậy, Love đã trải qua một quãng thời gian ngắn lập nhóm với các thành viên nữ nhưng tất cả đều kết thúc chóng vánh. Chỉ đến khi gặp được Eric Erlandson, thành viên nam duy nhất trong Hole, hai người này mới làm nên chuyện bằng dòng nhạc giao thoa giữa Punk, No Wave, Noise Rock và Grunge. Không dừng ở đó, sự giao thoa giữa hai con người này còn diễn ra ngoài đời khi cả hai đã từng thành đôi thành cặp.
Erlandson chắc là số ít người đủ tinh nhạy để biết nên căn chỉnh tiếng guitar của mình và chơi sao cho hòa hợp với phong cách nhạc của cô bạn gái. Âm thanh trong album đầu tiên – Pretty On The Inside (1991) là vậy. Giọng hát của Courtney Love biến đổi liên tục, lúc thì thào, lúc gào thét theo cách khá ngẫu nhiên. Qua phần guitar rhythm của Love mà cô tự học trước đây, kết hợp với tiếng guitar lead của Erlandson, cùng trống và bass (ngày đó được chơi bởi hai thành viên Caroline Rue và Jill Emery), album này ban đầu tựa như một mớ tiếng ồn hỗn độn. Vậy mà về tổng thể, thứ âm nhạc đó lại đầy ắp sự hấp dẫn.
Tôi nghĩ giống như cái cá tính mạnh đến mức khó chịu của Love, âm nhạc của Hole cũng không dễ tiếp cận người nghe, đặc biệt trong đĩa nhạc đầu tay, nhưng đồng thời nó lại cũng khiến người nghe tò mò và quan tâm, tựa như sức hút kỳ lạ ngoài đời của chính cô ca sĩ này. Sự yêu / ghét lẫn lộn đó ăn sâu cả vào âm nhạc của band và dần khiến chúng ta lại thấy khoái chí với thứ âm nhạc đang chơi hỗn loạn. Một phần là nhờ sự tỉ mỉ trong âm sắc và cách chơi guitar của Erlandson, và một phần là từ cách hát và ca từ trần tục gây sốc của Love. Love hát về khủng hoảng thời thơ ấu của mình (“My mother asked me, she said, "Baby, what for? / I give you plenty, why do you want more? / Baby, why are you a teenage whore?" – bài “Teenage Whore”), về tình dục (“Slut me open and suck my scars” – bài “Loaded”), về chuyện nạo thai (“Don’t worry baby, you will never stink so bad again” – bài “Mrs. Jones”).
Các bạn vẫn nhớ cô từng nung nấu một cơ hội để xõa và điên dại hơn những đồng nghiệp cũ ở Faith No More chứ? Tôi nghĩ với Pretty On The Inside, Love đã làm được điều đó. Bởi mấy ai được nghe phong cách “nhạc điên” từ một nhóm nghệ sĩ đa phần nữ giới như vậy chứ. Janis Joplin có thể nam tính ngoài đời nhưng âm nhạc của cô vẫn ngọt và soulful. Kate Bush có thể hoang dại phần nào nhưng cô vẫn giữ được nét nữ tính. Madonna có thể có những ca từ gây hoang mang người nghe nhưng âm nhạc của cô còn xa mới được gọi là ầm ĩ. Nghệ sĩ gần giống hơn với Love có Alanis Morissette thì cũng phải đến năm 1995 khi ra album Jagged Little Pill thì Morissette mới lột xác với hình ảnh người đàn bà giận dữ, mà chắc chắn chịu ảnh hưởng từ Courtney Love.
Thế nên với Hole và album Pretty, đó là một sự khởi đầu cực ấn tượng với thị trường âm nhạc, nhưng là tại Anh Quốc. Ở đó, Hole như một luồng gió mới, còn tại quê hương nước Mỹ, ban nhạc bị chìm giữa dòng chảy mang tên “foxcore” – được dùng để nhắm tới các ban nhạc có ca sĩ nữ chuyên hát nhạc ồn ào. Nhưng với một kẻ thông minh, tính toán và sành sỏi trong ngành công nghiệp âm nhạc như Courtney Love, cô biết ban nhạc mình cần một nước cờ khôn ngoan hơn nữa thì mới mong xâm nhập được thị trường Mỹ. Với nhiều người, một trong những quân cờ đó hẳn là Kurt Cobain.
***
Album Live Through This (1994) của Hole được phát hành chỉ 1 tuần sau cái chết của Kurt Cobain. Đã thế hai tháng sau, tay bass của nhóm, Kristen Pfaff cũng lại qua đời đột ngột. Với tiếng xấu lấn át tiếng thơm, Courtney Love bị người nghe nhạc, đặc biệt fan hâm mộ của Nirvana đặt ra nhiều nghi vấn: một là album Live Through This hẳn là do chính Cobain sáng tác phần lớn nhạc và lời vì nó nghe quá giống nhạc của Nirvana; và hai là thời điểm phát hành của album quá đỗi trùng hợp, liệu nó có nằm trong kế hoạch của Love hay không, bao gồm cả chính âm mưu “ám sát” người chồng của mình nhưng được dựng thành vụ tự tử, và sau đó là nhắm tới cô bassist Pfaff chỉ vì cô này có tình ý với Cobain.
Người ta nói không có lửa thì làm sao có khói. Với một kẻ không bao giờ chấp nhận bất kỳ lời từ chối từ người đối diện, Courtney Love luôn biết cách đạt được mục đích của mình. Nên mọi sự vật sự việc xảy ra xung quanh Love đều không tránh khỏi những nghi vấn liên quan tới cô.
Ngày mà Love gặp lại Cobain tại Los Angeles năm 1991, dục vọng chạy rần rật trong hai con người đó, giống như lần đầu họ gặp nhau trước đó mấy năm. Chỉ khác là lần này hai người họ có dịp nói chuyện với nhau nhiều hơn. Love khoe về album Pretty On The Inside với vai trò sản xuất của chính Kim Gordon từ band Sonic Youth, còn Cobain thì cố gắng thể hiện mình với loạt những tên tuổi trong ngành mà anh và band đang hợp tác cùng cho album đang thu âm. Nhưng Cobain không đời nào thông hiểu thâm sâu về ngành công nghiệp âm nhạc như Love. Vậy là không những anh bị quy phục bởi Love, giống như tay guitarist Eric Erlandson ngày nào, Cobain còn nhanh chóng trở thành bạn trai của cô, ngay sau khi Love bị tay frontman Billy Corgan của Smashing Pumpkins cắm sừng trong mối quan hệ ngắn ngủi giữa hai người này.
Rồi, với người ngoài, người bạn trai mới của Love dễ dàng được nhìn nhận như một quân cờ trong nước đi của cô để dấn sâu hơn vào thị trường âm nhạc Mỹ. Chứ gì nữa, ngày đó người ta đồn chuyện mua vé máy bay bay đến Seattle còn khó hơn chuyện đặt bàn ở một nhà hàng cao cấp, khi mà một loạt các ông trùm của những hãng đĩa lớn đều cố kiếm tìm một “Nirvana thứ hai”. Thế rồi hãng ghi âm Maverick do Madonna lập ra là người đầu tiên để mắt tới Hole. Như vậy là đủ! Courtney Love dù không bao giờ có ý định ký với hãng này vì lo sợ phải núp dưới bóng của Madonna, cô vẫn đủ khôn ngoan để tuồn thông tin này qua báo chí nước Anh. Một ban nhạc nữ giới (ngoại trừ anh Eric) thành danh ở Anh Quốc, được dẫn dắt bởi cô ca sĩ đầy cá tính, là bạn gái của Kurt Cobain – nhân vật hot nhất thị trường nhạc Rock bấy giờ, và lại còn đang được hãng đĩa của Madonna mời về. Ngay lập tức loạt các hãng khác quay sang săn đón Courtney Love.
Love từ chối mấy lời mời của các hãng lớn, gồm cả những tay sừng sỏ như Clive Davis và Rick Rubin, và quay ra với Geffen Records - hãng đĩa của chính ban nhạc Nirvana. Nhưng chơi trội hơn, Love bắt Geffen phải bày hết hợp đồng đã ký với Nirvana và bất kỳ điều khoản thương mại nào trong đó cũng được Love ép để thương thảo có lợi hơn cho ban nhạc của cô.
Kết quả là Hole có đủ tiềm lực để thực hiện album thứ hai Live Through This một cách trọn vẹn (đĩa Pretty trước đó được ghi âm chỉ trong có 3 ngày và mix trong vỏn vẹn 4 ngày sau đó). Album thứ hai này cũng đón nhận hai thành viên mới, Patty Schemel chơi trống và Kristen Pfaff chơi bass, một đội hình được coi là hoàn chỉnh nhất của Hole. Với bộ sậu mới, phần nhịp điệu được cải thiện một cách rõ rệt. Riêng tiếng bass của Pfaff chơi tốt đến độ lần thu đầu tiên của cô được giữ lại mà không cần ghi âm đè thêm lần nào nữa. Với album này, Love tập trung vào hát, nhường lại toàn quyền vai trò guitar cho Eric Erlandson đảm nhiệm. Nhờ đó đĩa Live Through This bớt ồn ào và rè đặc hơn. Các ca khúc cũng mang nhiều giai điệu dễ nghe với cấu trúc bài rõ ràng.
Nếu so đĩa Live với Pretty, album thứ hai này như một viên ngọc được mài dũa sáng bóng hơn trước, nhờ đó thị trường đón nhận dễ dàng hơn, tương tự như sự đón nhận với chính album Nevermind được phát hành trước đó của Nirvana vậy. Gì chứ, album có giai điệu tựa như nhạc do Nirvana viết thì phải thành công chứ. Nhưng thực sự nó có giống đến mức mà Hole bị đồn đoán phải nhờ tới Kurt Cobain sáng tác cho không?
Trong phần album credit, Courtney Love và Eric Erlandson là hai cái tên xuất hiện phần lớn, và không có một track nào nhắc tới Kurt Cobain. Việc Cobain có ghi âm hát phụ trong đĩa này của Hole cũng được những người trong buổi thu âm đó ghi nhận là anh không hề nắm được ý nhạc của các bài hát này trước đó. Sự tương đồng của nhạc Hole so với Nirvana theo tôi nằm ở những âm sắc hợp âm mà Love chịu ảnh hưởng từ bối cảnh nhạc Grunge của Seattle ngày đó và từ chính Cobain khi hai vợ chồng cô vẫn thường chơi thuốc và jam nhạc cùng nhau. Bởi nếu ai đó bảo đĩa Live Through This do Kurt Cobain giúp đỡ, thì một giả thuyết tương tự khác cũng có thể được dựng lên, đó là đĩa In Utero của Nirvana hẳn do Courtney Love nhúng tay vào bởi âm thanh thô ráp của nó cũng mang những nét nhạc trong album đầu tay Pretty On The Inside của Hole.
Thế còn lời đồn về Courtney Love đã hãm hại và nhấn chìm cuộc đời của Kurt Cobain trong con đường nghiện ngập, thậm chí với một mưu đồ ám sát để chiếm đoạt tài sản thì sao? Trong giới mà Love giao du, Cobain được coi như một vị thánh, còn Love thì như một kẻ tội đồ, đầy tính toán cơ hội. Với tính cách của Love, cũng thật khó để người ta nghĩ tốt về cô. Cô nói xấu về Kat Bjelland, người từng cùng Love lập ra band Sugar Babydoll (sau đổi tên thành Pagan Babies), cô coi khinh Pearl Jam, cô tức giận với Faith No More, cô cãi nhau với Jennifer Finch của band L7, cô nói xấu Madonna, và cô thù ghét Axl Rose. Nhưng để dựng một kế hoạch ám sát người chồng một cách hoàn hảo và tính toán thời điểm phát hành album Live Through This một tuần sau đó, và lại hãm hại thêm cô bassist Kristen Pfaff thì chắc Courtney Love phải mưu mô xảo quyệt hơn nhiều so với một kẻ chỉ chuyên “khẩu nghiệp” như cô. Ngay khi Love kết hôn với Cobain, người ta đều chỉ nhắc đến Hole như một ban nhạc của vị phu nhân với tính cách khó ưa của Kurt Cobain. Cái bóng của Cobain và Nirvana quá lớn, để rồi cái chết của anh cũng át hết tiếng tăm của Live Through This khi album này được phát hành. Bằng chứng là Live Through This chỉ đạt vị trí cao nhất ở số 52 trên bảng xếp hạng, rồi tới tận 8 tháng sau mới bán nổi 500.000 bản, trước khi chậm rãi nâng con số lên hơn 1 triệu bản.
Còn đâu những chuyện liên quan tới việc Love là người dẫn dắt Cobain tới nghiện ngập, hủy hoại cuộc đời anh thì tôi xin miễn bàn trong bài viết này vì có quá nhiều luồng ý kiến trái chiều. Chỉ là về mặt âm nhạc, ban nhạc Hole, trong đó Courtney Love, Eric Erlandson và hai thành viên còn lại (Patty Schemel và Kristen Pfaff đối với thời kỳ Live Through This ngắn ngủi) đã làm nên điều kỳ diệu mà những ban nhạc nam giới cũng cần nể trọng. Âm nhạc trong đĩa Live dù có giai điệu và âm thanh sạch sẽ hơn trước thì sự tươm tất đó vẫn không đủ để che lấp cái điên, cái ngông cuồng ở đó. Câu riff sạch tiếng nhưng nam tính trong “Plump” và đoạn guitar lead đay nghiến cuối bài “Credit In The Straight World” của Erlandson. Phần trống với những câu fill-in hăng máu của Schemel và cách chơi bass cực chắc tay của Pfaff trong “Jennifer’s Body”. Không còn những màn gào thét, Love vẫn biết nâng cái sự điên của Hole ở các khúc điệp khúc cao trào, mà không hề thảm khốc như cách của Kurt Cobain thể hiện đâu nhé. Lời hát Love sáng tác cũng vẫn xuất sắc như trước, khi cô hát:
“I want to be the girl with the most cake / I love him so much, it just turns to hate / I fake it so real, I am beyond fake / And someday you will ache like I ache” về tình yêu và sự mặc cảm tự ti ẩn giấu bên trong với Kurt (bài “Doll Parts”)
“You're hungry, but I'm starving / He cuts you down from the tree / He keeps you in a box by the bed / Alive, but just barely” về một vụ án man rợ có thật mà nạn nhân là một phụ nữ bị bắt cóc, tra tấn, giết hại và chặt ra từng mảnh nhỏ (bài “Jennifer’s Body”)
“And the sky was made of amethyst / And all the stars were just like little fish / You should learn when to go / You should learn how to say, "No"” về chuyện người phụ nữ bị “làm nhục” và những lời bóng gió tới Billy Corgan của Smashing Pumpkins (bài “Violet”).
Sau Live, album Celebrity Skin (1998) cũng vẫn tạo tiếng vang dù một lần nữa ban nhạc Hole lại tinh gọn âm thanh của họ cho “sạch sẽ” hơn. Đó là điều khiến tôi cũng không khoái đĩa này của band như hai nhạc phẩm xuất sắc đầu tiên. Âm nhạc trong Celebrity lộ rõ sự ảnh hưởng của Billy Corgan khi có đến gần nửa đĩa có bàn tay tham gia trong khâu sáng tác của vị này. Có điều với tôi, thứ nhạc này không hợp với cá tính điên của Courtney Love và cũng không tạo cơ hội cho Eric Erlandson để sáng tạo như trước.
Dần dà, sự điên loạn và những câu chuyện tai tiếng với Love cũng giảm bớt. Người ta cũng bắt đầu nhớ đến cái tên ban nhạc Hole, thay vì nhắc đến như nhóm nhạc của vợ Kurt Cobain. Nhưng sự căm ghét dành cho Love vẫn còn đó. Bảo sao khi Love và Cobain mới bập vào nhau, Kim Gordon đã khuyên cô nên dừng ngay chuyện tình cảm với tay thủ lĩnh của Nirvana bởi Gordon đã nhìn ra mối quan hệ đó sẽ chỉ hủy hoại cuộc đời của hai người họ. Với Cobain thì chuyện đó quá hiển nhiên với kết cục bi thảm của anh. Còn với Love, tiếng xấu của cô lại càng được nhân lên gấp vạn. Đối với fan hâm mộ của Nirvana, Love có lẽ cũng bị ghét bỏ như Yoko Ono vậy. Chỉ khác mỗi điều là Love thực sự là một nghệ sĩ và frontwoman tài năng.
Hẹn gặp lại!
Kink