top of page

MGMT và sự nghiệp âm nhạc như một trò đùa

Một ngày đẹp trời, vị đại diện của hãng ghi âm Columbia nhận được một bản copy của đĩa EP Time To Pretend. Quá ấn tượng trước âm nhạc của ban nhạc mang tên The Management này, bà mới email cho band thể hiện mong muốn ký kết một hợp đồng ghi âm. Lẽ thường tình một hợp đồng như này là một giấc mơ của biết bao ban nhạc trẻ, thế nhưng Andrew VanWyngarden, thành viên của bộ đôi The Management lại tưởng đó là email lừa đảo nên xoá ngay không cần nghĩ.

Kể ra thì lúc đó Andrew cũng không nghĩ ngợi nhiều tới chuyện một hãng như Columbia để mắt tới dự án nhạc của anh và người bạn Ben Goldwasser. Việc học thì cũng đã hoàn tất. Nhạc thì cũng chỉ làm cho vui với hai đĩa EP. Cả hai tạm quên chuyện làm nhạc cùng nhau. Andrew thì tính chuyện gia nhập band Of Montreal với vai trò guitarist, còn Ben cũng tính bỏ luôn nhạc nhẽo chuyển sang tham gia hoạt động xã hội.


Tệ hơn là cả hai người chưa bao giờ nghĩ ai lại “để tai” tới nhạc của mình bởi có mấy bài họ sáng tác đều từ tâm thế có phần cợt nhả, thiếu nghiêm túc. Trong bản EP Time To Pretend mà vị đại diện của Columbia kia nghe, bài hát cùng tên thực chất mang nội dung về việc họ giả vờ mình là những ngôi sao nhạc Rock và giễu cợt thói ăn chơi trác tán, lối sống buông thả không quan tâm tới chuyện ngày mai. Đấy là chưa nói đến ca khúc đó ban đầu còn mang tên “The Mantis Sailing Home” dựa trên cảm hứng về con bọ ngựa nuôi trong phòng của Andrew. Nó chỉ thích nhảy theo nhạc của The Clash và đẻ nhiều trứng đến mức một ngày anh và những cậu bạn cùng phòng ngập ngụa sống giữa bày hàng trăm con bọ ngựa con bò lổn ngổn. Còn bài “Kids” trong cùng bản EP kia được Ben sáng tác phần nhạc tại phòng ký túc xá sau trận nhậu say sỉn ở buổi tiệc tại trường. Anh viết ra nó với ý tưởng như trò đùa nảy ra trong đầu, đó là làm sao viết ra được bài nhạc có cấu trúc biến chuyển của nhạc Pop nghe vớ vẩn nhất có thể. Sau khi Andrew sáng tác lời, cả hai người họ viết thêm đoạn instrumental kéo dài ở giữa bài với câu đàn solo chạy ngón loa loá giống khúc synth trong bài “Jump” của Van Halen, rồi mang đi biểu diễn trong tiệc sinh nhật tuổi 20 của Andrew.


Thế nhưng hãng Columbia lại mê tít cả “Time To Pretend” lẫn “Kids” vì họ nhìn ra tiềm năng trở thành hit của hai ca khúc này. Cả Andrew lẫn Ben đều ra sức thuyết phục hãng đừng cho bài như “Kids” vào album đầu tay của họ vì đây là thứ nhạc họ sáng tác từ 3-4 năm trước đó, khi cả hai còn là mấy cậu trẻ trâu thích quậy phá. Với lại họ có sáng tác những bài hát đó một cách nghiêm túc đâu. Andrew và Ben khẳng định với Columbia là họ muốn làm thứ nhạc Psychedelic Prog-Rock kỳ quặc theo ý mình…


...À nhưng tôi quên chưa kể tại sao Andrew và Ben vẫn ký được hợp đồng thu âm với Columbia dù Andrew xoá tiệt cái email quan trọng nhất sự nghiệp họ nhỉ? Lúc ấy, may là tay quản lý của ban nhạc lại cũng được c/c trong cái email đó và báo ngay Andrew rằng lời chào mời đó không phải trò lừa đảo, và liền gọi điện cho Ben rủ quay lại chơi nhạc. Ben đồng ý dù có phần lưỡng lự. Do cái tên “The Management” đã có người đăng ký trước nên cả hai phải nghĩ ngay một nghệ danh khác trước khi đặt bút ký hợp đồng.


Kết quả là ban nhạc MGMT (cũng là cách viết tắt của từ Management) ra đời cùng với album đầu tiên Oracular Spectacular (2007). Để thoả mãn yêu cầu của hãng đĩa lẫn ước muốn của Andrew VanWyngardenBen Goldwasser, đĩa nhạc này có đủ cả, 3 bản single hợp thị hiếu mainstream, gồm “Time To Pretend”, “Electric Feel” và “Kids”, và những track còn lại không mấy liên quan về kiểu nhạc, nhưng ít ra là chúng được hai anh sáng tác một cách nghiêm túc.


Với “Time To Pretend”, âm thanh dạo đầu có vẻ như là tiếng côn trùng bọ ngựa đẻ trứng nhung nhúc trong phòng Andrew mở đầu cho đàn synth chơi câu lick sau đó với tiếng hơi méo mó, đúng kiểu giỡn cợt theo ý đồ của MGMT. “Kids” thì có câu đàn điện tử chơi một giai điệu tưng tửng nhưng lại rất catchy. Còn trong “Electric Feel”, dù câu synth dạo đầu không bị ngúng nguẩy cà tưng như hai bài trên, bài hát vẫn mang không khí vô tư cùng sắc thái trẻ trung như cái thời Andrew và Ben còn sáng tác nhạc chỉ để thoả mãn sở thích của mình. Thế nhưng đó lại là âm thanh mainstream hút khách mà hãng đĩa nhìn ra ở mấy single này. Sự phá cách nhất cũng chỉ nằm ở tiếng trống bị chỉnh rè khác thường.


Nếu nhìn vào con số streaming trên Spotify, thì chỉ riêng 3 single này, nó đã gần gấp đôi 7 track còn lại trong album. Điều đó cho thấy là sự thành công của Oracular Spectacular chủ yếu là lượng lớn fan tìm nghe thứ nhạc mang không khí vui tươi và vô tư của tuổi trẻ, đặc biệt của 2 trong số 3 single được phát hành trong đó, bất chấp việc bộ đôi MGMT không hề muốn thị trường đánh giá âm nhạc của họ qua mấy track mà họ không hề có ý đồ tiếp tục theo đuổi một cách nghiêm túc. Electro-Pop hay Dance là khái niệm nhạc đối lập thứ Andrew và Ben tìm tới nhưng lại là cái mác họ bị gán lấy. Psychedelic và Prog-Rock theo kiểu kỳ quái của riêng họ mới là nhạc họ muốn khán giả đón nhận. Bởi thế những ai tìm nghe kỹ những track còn lại trong album đầu tiên này, như chính điều MGMT mong muốn, thì mới hiểu được Andrew và Ben bằng âm nhạc “nghiêm túc” theo đúng nghĩa mà họ gửi gắm. Và cái “duyên” của nhạc MGMT giờ mới lộ rõ.


Dựa trên cách sáng tác mà Andrew và Ben hay phát triển trên chuỗi hợp âm và những câu riff, album Oracular Spectacular thực sự mang tới một kiểu nhạc sâu và phức tạp. Các track nhạc của đĩa mang tinh thần Progressive theo những lối biến chuyển hợp âm và tông giọng nghe tưởng trái khoáy nhưng lại nhanh chóng lọt tai. Đa phần các bài sẽ đưa người nghe đến trạng thái một chút mơ hồ ban đầu trước khi dẫn dắt tới những khúc nhạc mang giai điệu cực hay. “Weekend Wars” vào bài thẳng tuột không cần dẫn dắt trên nền acoustic, và sau khi các nhạc cụ vào đầy đủ ở verse tiếp theo, thì đoạn hook đổi hẳn kiểu nhạc lẫn tông bài, nhẹ nhàng và mơ màng. Các khúc nhạc cứ vậy thay đổi lần lượt cho tới cuối bài, và dù độ dài có hơn 4 phút nhưng đã đủ cho MGMT “progress” nhạc của họ vô cùng sáng tạo. “The Youth” sau đó cũng vậy, bằng cách nào đó phần hook và verse nếu bật riêng rẽ thì sẽ ngỡ là của hai bài khác nhau. Rồi ở “Of Moons, Birds & Monsters” là các mảnh ghép được khớp lại, trong đó mỗi đoạn có các hoà âm nhạc cụ khác nhau, khác cả số chỉ nhịp, rồi có lúc là phần hát bè, lúc là phần solo guitar, tổng hoà làm nên một bản nhạc vô cùng chất lượng, điều mà đáng tiếc không phải ai nghe album này cũng dành thời gian đi suốt cả đĩa để khám phá ý tứ nhạc mà Andrew và Ben muốn người nghe cảm nhận.

Kết quả là hai anh lại phải tính nghịch ngu thêm lần nữa.


Họ nghĩ, giờ mà làm album thứ hai theo kiểu nhạc như “Time To Pretend” và “Kids” rồi thất bại thì lỡ mất cơ hội chuyển tải thứ nhạc thực chất của MGMT. Thế nên dại gì mà không tranh thủ đang đông khách thì ném ngay “quả bom” thử nghiệm bằng đĩa Congratulations (2010) được ấp ủ từ trang giấy trắng. Quả nhiên, có thể do số ít người nghe để ý đến phong cách nhạc lạ mà Andrew và Ben bày ra ở các bài không phải trong mấy đĩa đơn đã phát hành mà nhiều người đã bị sốc trước một album mới chả giống với một MGMT mà họ từng “biết”. Người ta ví Congratulations thay vì là lời chúc mừng thì lại giống như phát súng tự vẫn, huỷ hoại sự nghiệp âm nhạc đang phất lên như diều của band.

Đã vậy, trước khi album này được hoàn tất, trong buổi phỏng vấn với tạp chí Q Magazine, Andrew và Ben mới thẳng tưng trả lời khi được hỏi album tiếp theo hai anh đánh giá thế nào.


Ồ tôi cũng không biết nữa. Chúng tôi chưa thể đánh giá được”. Thay vì dừng ở đây là đủ, câu tiếp theo lại được buột ra: “Có lẽ đĩa này nghe sẽ tệ đấy”.


Và thế là đề mục bài viết ‘MGMT: Album mới của các anh thế nào? “Tệ lắm”’ được viết to chình ình in trên các xấp tạp chí lại càng như cú tát vào mặt mấy ông bà hãng đĩa và cả chính người hâm mộ.


Dĩ nhiên đó chỉ là câu giỡn cợt của bộ đôi này, như cái cách hai anh từng sáng tác “Time To Pretend” và “Kids”. Một lần nữa, chỉ những ai hâm mộ nhưng thực sự “yêu” nhạc của MGMT, những người đã nghe trọn vẹn cả album đầu tay thay vì repeat mấy single kia thì mới lại ưng phong cách Prog-Rock trong Congratulations, một album kỳ quặc từ hình bìa đĩa đến phần nhạc của nó.


Sau một Oracular Spectacular mang hơi hướng của The BeatlesDavid Bowie, thì tới Congratulations, nhạc của MGMT mới rõ nét ảnh hưởng của Talking Heads, ban nhạc mà cả Andrew lẫn Ben sùng bái. Những âm thanh nhạc cụ tưng tửng. Những đoạn chuyển đổi hợp âm lạ lẫm mà hay khó lường. “Song For Dan Treacy” là một ví dụ. Nó có chuỗi hợp âm không chỉ đổi tông mà còn dẫn dắt tới những khúc nhạc không rõ ràng về chính tông giọng, thế nhưng nghe về tổng thể lại không hề khó nuốt chút nào. “Flash Delirium” cũng vậy. Có những lúc nốt bậc 3 của một hợp âm bị bỏ qua để tăng sự mơ hồ, nhưng lại giúp các khúc chuyển nhạc êm tai hơn. Còn trong “Siberian Breaks”, Andrew và Ben dùng cách đổi time signature bên cạnh phần đổi tông giọng (dù không nhiều như hai bài kể trên) để bẻ lái cho cảm xúc của bài. Nhẹ nhàng và dễ nghe nhất là ca khúc cùng tên album, “Congratulations”, có một giai điệu hay đến độ ta có thể hiểu hai anh Andrew và Ben thừa sức viết ra những bài như này, nhưng cái sự quái trong phong cách nhạc của họ là thứ cản trở MGMT bám theo bất kỳ công thức nhạc nào truyền thống.


Bởi đến như cá tính của chính hai thành viên cũng đã đối lập nhau: trong khi Andrew VanWyngarden, một kẻ chỉ thích nói mỉa và giỡn cợt, thì Ben Goldwasser lại là người từ tốn và thận trọng. Vậy mà chính hai tính cách khác biệt đó tạo sự phong phú trong âm nhạc, giúp MGMT có thể nắn chỉnh các hướng nhạc khác nhau để tụ về một điểm.


Cả Andrew lẫn Ben đều biết chơi trống. Họ cũng chơi cả keyboard và guitar. Sự phong phú của những biến đổi hợp âm và nhịp điệu là tổng hợp của hai con người khác nhau nhưng đồng điệu đó. Khi mà âm nhạc ngày một đa dạng qua đủ khía cạnh, từ đa âm sắc, đến đa nhịp điệu, thì giới hạn chỉ còn nằm ở sự sáng tạo của người viết và sự cởi mở của người nghe, yếu tố mà MGMT phải dần thuyết phục người hâm mộ của họ “chấp nhận” bản chất nghệ sĩ thật của chính mình.


Đó là lý do, MGMT không quên nghịch dại thêm phát nữa khi đặt tên album thứ ba theo tên của ban nhạc. Lẽ thường tình, một album mang tên nghệ sĩ hoặc là album đầu tay để giới thiệu tên mình, hoặc như lời xác nhận cho một nhạc phẩm quay về phong cách nhạc mà người hâm mộ yêu mến. Đĩa MGMT (2013) không mang một ý nghĩa nào như vậy cả. Với các âm thanh lạ lẫm mix trong album này, là bản tổng hợp của các đoạn jam ngẫu hứng và những mẩu nhạc khác nhau được lồng ghép lại, âm nhạc của đĩa này chỉ lại càng đi xa hơn những gì người ta đã quen thuộc với những single đầu tiên của band. Cái nghĩa “MGMT” của đĩa vì vậy chỉ là lời xác thực rằng họ đang đi trên con đường âm nhạc mà cả Andrew VanWyngarden và Ben Goldwasser lựa chọn. Dù con đường này chệch hẳn so với con đường trải đầy hoa hồng của “Time To Pretend” hay “Kids” ngày đầu, MGMT lại là gáo nước lạnh dội thẳng vào người nghe nhạc để người ta tỉnh ra rằng ban nhạc không bao giờ có ý định tìm lại âm thanh đã đưa họ đến với danh vọng.


MGMT được tạo ra để bộ đôi này làm thứ nhạc mà cả hai người họ đều yêu thích. Nên khi mà những trò đùa kết thúc, thì giờ là lúc họ cần tới sự chân thành của chính người nghe với những album mang đúng phong cách nhạc của MGMT. Kể cả với những bài nhạc có phần thiếu nghiêm túc trong khâu sáng tác như hai single đầu tiên “Time To Pretend” và “Kids” thì nói cho cùng chúng cũng đều là những sáng tác rất hay bởi Andrew và Ben vẫn gửi gắm sự chân thành trong trò đùa cợt của tuổi trẻ. Họ tỉ mỉ tới mức bản “Time To Pretend” trong album chính thức, MGMT còn tăng tempo để khớp với bài “Dancing Queen” của ABBA, và ẩn sau các lớp nhạc là tiếng piano chơi theo câu nhạc trong chính bài “Queen” này. Tính ra cũng nghiêm túc phết đấy!


We'll choke on our vomit and that will be the end

We’re fated to pretend

- trích lời bài “Time To Pretend” -


Hẹn gặp lại!


Kink

401 views
bottom of page