“Bài Common People được coi như bản quốc ca của nhạc Britpop. Anh có cảm thấy tự hào với cái mác 'Britpop' lúc đó không?”
Tay phóng viên hỏi Jarvis Cocker - thủ lĩnh của Pulp.
“Bọn tôi cực ghét cái tên đó. Nhất là do cái chữ ‘Brit’ trong đó. Nó nghe sặc mùi quốc dân và yêu nước cuồng tín.“ Jarvis trả lời “Có quá nhiều bài báo chém gió về Britpop rồi nên tôi cũng không cần nói thêm gì hết. Quan trọng là nó không đạt được như kỳ vọng. Nó không mang lại cái gì mới cho âm nhạc và cũng không có tính ảnh hưởng gì cả, thế nên đó là điều đáng hổ thẹn”
1. Bản quốc ca Britpop chỉ có 3 hợp âm Bài hát "Common People" của nhóm Pulp, như đoạn phỏng vấn trên nhắc đến, đúng là đã từng được coi là bản quốc ca cho Britpop. Bài hát này được Jarvis sáng tác với vẻn vẹn có 3 hợp âm: C (đô trưởng), G (sol trưởng) và F (fa trưởng). Đơn giản thế thôi. Nhưng nó làm mưa làm gió trên bảng xếp hạng của Anh lúc đó và làm tên tuổi của nhóm Pulp nổi tiếng hơn bao giờ hết. Âm thanh sử dụng trong bài "Common People" nói riêng và của hội Pulp nói chung tôn vinh tiếng đàn điện tử mang phong cách disco và tiếng violin rất kích thích tai. Trên cả là nội dung bài hát kể về một cô gái dân nhà giàu đi du lịch đến nước Anh. Cô ta gặp Jarvis và bảo dù bố cô rủng rỉnh, cô vẫn muốn chuyến đi này có trải nghiệm như giới bình dân: sống như dân bình dân, làm mấy việc của dân bình dân và ngủ với hội bình dân như Jarvis. Thế còn gì bằng nữa. Dĩ nhiên đó chỉ là câu chuyện như “giấc mơ tự sướng” của anh chàng bình dân và lập dị Jarvis Cocker. Thế nhưng nó đi vào tim đen của bao thanh niên Anh quốc lúc đó và được mọi người tôn vinh cũng bởi vì thứ lời lẽ dí dỏm của Jarvis: “Like a dog lying in a corner They will bite you and never warn you Look out, they'll tear your insides out 'Cause everybody hates a tourist Especially one who thinks it's all such a laugh Yeah and the chip stain's grease Will come out in the bath”
Chưa hết Jarvis còn nói đểu cô gái nhà giàu muốn sống thử cuộc sống những người thường dân nhưng không bao giờ hiểu được cảm giác mỗi ngày trôi qua vô nghĩa và không có điều kiện để kiểm soát cuộc đời của họ:
“You will never understand
How it feels to live your life
With no meaning or control
And with nowhere left to go”
Vào thời điểm mà những gì tôn vinh giai cấp lao động đều được ưa chuộng giống hình tượng bọn Oasis là ăn tiền thì lời lẽ thâm nho của Jarvis xoáy thẳng vào vấn đề sâu hơn ai hết.
2. Album hay nhất thời đại Britpop được sáng tác phần lớn trong vòng 48 tiếng
Chỉ trong vòng 48 tiếng đồng hồ, Jarvis cao hứng phun ra được đến 8 bài trên tổng số 12, và sau đó cùng Pulp phát hành album đỉnh nhất của nhóm với cái tên Different Class, bao gồm ca khúc hit "Common People" đình đám nọ.
Gọi là album đỉnh nhất của nhóm có lẽ cũng chưa đủ. Trong lúc Suede đã bị lãng quên, còn Oasis và Blur mải mê đánh nhau, thì Pulp lẳng lặng tung ra đĩa nhạc được nhiều người coi là hay nhất của thời đại Britpop.
Đầu tiên phải công nhận nhạc Pulp nghe giống Britpop nhất thật! Không phải vì Britpop là một thể loại nhạc gì đâu. Mà vì nhạc của Pulp nó pop kiểu Anh nhất trong mấy nhóm. Nó nặng về pop hơn với âm thanh keyboard và violin gần như tương đồng cùng với guitar điện và có cái lối hài hước mỉa mai của bọn Anh trong ngôn từ của bài hát.
Trong đĩa Different Class, bài đầu tiên "Mis-shapes" là bản cổ súy cho hội lập dị như mấy thằng Jarvis đi trả thù vì như Jarvis nói, trông khác biệt ở cái xứ anh lớn lên là Sheffield chỉ khiến dễ bị ăn đấm hơn thôi.
“Misshapes, mistakes, misfits
We'd like to go to town but we can't risk it, oh
'Cause they just wanna keep us out
You could end up with a smack in the mouth
Just for standing out, now, really”
Trong "Pencil Skirt", Jarvis kể về chuyện anh làm phi công lái máy bay bà già khi ngoại tình với người đàn bà hơn tuổi đã có chồng “I'll be around when he's not in town, oh Yeah, I'll show you how you're doing it wrong, oh I really love it when you tell me to stop, oh Oh, it's turning me on”
Nhưng có người còn phân tích bài này được Jarvis viết từ góc nhìn của một cái dildo “đồ chơi của chị em”. Gì mà “I've kissed your mother twice / And now I'm working on your dad”... nghĩ kể cũng hợp lý. Với một kẻ từng sáng tác bài "Pink Glove" - ám chỉ bộ phận màu hồng ôm khít như cái găng tay của phụ nữ thì cái nhìn của một dildo trong "Pencil Skirt" xem chừng cũng có liên quan. Ít ra cái họ Cocker của Jarvis cũng cho thấy anh có cái máu “bựa” trong người rồi. Ở bài "I Spy", Jarvis thều thào một cách tự hào vì đám đông thán phục kỹ thuật lái xe đạp lượn lách tránh được đống "cứt chó" bên cửa hàng góc phố “The crowd gasp at Cocker's masterful control of the bicycle Skilfully avoiding the dog turd next to the corner shop"
Nhưng rồi Jarvis lại quay lại câu chuyện anh hay đi rình rập và ngủ với vợ mấy lão nhà giàu.
“Cause I've been sleeping with your wife for the past sixteen weeks
Smoking your cigarettes
Drinking your brandy
Messing up the bed that you chose together”
Ngôn từ tếu táo và thâm thuý của Pulp là thứ khác biệt hoá nhạc của nhóm với Suede, Blur, hay Oasis. Trong khi đám kia mải mê tranh đấu cái danh Britpop thì Pulp một mình một phách tìm kiếm nhạc của riêng mình. Giọng ca của Jarvis trầm ấm ở những đoạn tự chuyện và câu verse nhưng lúc lên cao cũng nhấm nhẳng cái kiểu accent dân Anh. Mấy thành viên còn lại trong nhóm thì thành thạo cả mấy loại đàn trong đó ngoài guitar là thứ tất yếu thì keyboard chơi theo lối nhạc disco và cả đàn violin cũng được kéo kẽo kẹt nghe rất vào tai.
Như bài "F.E.E.L.I.N.G.C.A.L.L.E.D.L.O.V.E" chẳng hạn. Nó có phần nhạc nền lùng bùng của bass và điểm suyết của violin ở đoạn đầu rồi sau đó dồn dập ầm ầm của đủ các nhạc cụ, nghe rất giống nhạc phim James Bond, có phần rất Anh Quốc. Điệp khúc lôi cuốn và rộn ràng có lẽ chính là thứ khác biệt trong nhạc của Pulp. Và đĩa Different Class có lẽ là tổng hợp hoàn hảo nhất các bài với đầy đủ những yếu tố trên.
Chính vì thế năm đó Pulp ẵm ngay giải Mercury Music Prize cao quý cho Different Class và chính album này cũng được tạp chí NME xếp hạng thứ 6 trên tổng số 500 album hay nhất mọi thời đại. Thế nên dù chẳng muốn, Pulp vẫn nhanh chóng được lôi vào hội “Big Four” của Britpop lúc đó. Nhưng mấy ai biết được Pulp có khi còn là "cha đẻ" của Britpop ý chứ vì ban nhạc được sinh ra từ cuối thập niên 70 rồi.
3. Ban nhạc Big 4 của Britpop vật lộn suốt 17 năm tìm thành công Hôm trao giải Brit Awards năm 1996, huyền thoại Michael Jackson lên biểu diễn bài Earth Song. Đã là MJ thì phải có trẻ em. Trên sân khấu lúc này ngoài MJ ra có các diễn viên phụ đủ các màu da. Hình ảnh đám trẻ con diễn xuất với nét mặt nhăn nhó rưng rưng sắp khóc vì lời kêu gọi “What about us” trong khi MJ hát về huỷ hoại môi trường và trái đất thì bất ngờ, một cái bóng cao dong dỏng chạy lên sân khấu ở phút 4:45. Đám đông rú lên dù khúc nhạc lúc đó to lắm rồi. Hoá ra đó là ông Jarvis Cocker ạ. Ông lên đứng giơ tay chào rồi chắp hai tay sau đít, rồi ông chổng mông lại khán giả vẫy vẫy hai cái bàn tay, rồi ông quay người lại vén áo khoe bụng. Một tay diễn viên phụ liền ra đuổi. Jarvis vẫn kịp chạy một vòng lên trên vị trí cao nhất của sân khấu ngay màn chiếu trước khi bỏ đi.
Hôm đó người ta bảo Jarvis say chạy lên sân khấu và uýnh bất tỉnh 3 đứa trẻ!!?! Nhưng đám khán giả và người hâm mộ chẳng ai quan tâm. Ít nhất đó lại là điểm sáng của buổi biểu diễn với màn lip-sync trông nghiêm trọng đến nguy hiểm của MJ. Nhờ vụ đó Jarvis và Pulp lại càng nổi tiếng như cồn trên các mặt báo. Ấy là do lúc đó Jarvis và Pulp đã nổi tiếng rồi nên làm gì cũng được, thậm chí còn được khen vì vụ phá đám. Chứ thời gian trước đó, chàng trai dị hợm với tính cách dí dỏm bẩn bựa của Pulp đã phải trải qua vô vàn khó khăn để tìm cái tên cho riêng mình. Từ nhỏ Jarvis bị mắc căn bệnh viêm màng não khiến anh bị giảm thị lực đáng kể phải đeo cặp kính to đùng. Ở vùng Sheffield nơi có những đám thanh niên ăn mặc giống nhau: áo sơ mi tay ngắn màu trắng với quần đen và luôn đi gây sự ai đó nếu chỉ vì người đó mặc một chiếc áo khoác trông ngứa mắt, thì dĩ nhiên Jarvis trở thành nạn nhân thường xuyên của mấy vụ đánh đấm này từ bé. Là một đứa trẻ nhút nhát, kỳ quặc với đôi kính cận, Jarvis còn bị mẹ bắt mặc cái quần sóoc bằng da mang từ Đức về. Trông càng dị hợm. Thế thì anh hay bị ăn đòn là đúng rồi. Lúc bố anh bỏ đi Úc để làm nghề DJ thì là lúc Jarvis càng mất tự tin hơn. Anh chỉ giao du với mấy đứa kỳ cục khác và mấy đứa giả vờ lập ban nhạc cho nó cool dù lúc đó còn chưa chơi nhạc cụ gì. Ít nhất là để cưa gái. Thế nhưng có cô bé tên Deborah nhà anh quen biết từ nhỏ mà anh cưa mãi cũng không đổ. Deborah sau này chính là nguồn cảm hứng cho Jarvis sáng tác bài "Disco 2000" rất hay trong đĩa Different Class. Rồi thì Jarvis cũng có được ban nhạc tử tế từ năm 1978, nhưng lận đận suốt với mấy hãng thu âm nhỏ. Mấy album như It (1983), Freaks (1987), và Separations (1992) đều không tìm được thành công, dù là ở đĩa Separations, âm thanh của Pulp đã được nhen nhóm lắm rồi. Các thành viên trong band thì thay đổi liên xoành xoạch. Vận đen chưa hết. Năm 1986, Jarvis lên sân khấu biểu diễn khi ngồi xe lăn. Lý do rất lãng nhách cũng vì anh lại dở thói dại gái khi diễn trò đứng thăng bằng trên gờ cửa sổ rồi ngã mịa luôn xuống đất, gãy chân và xương chậu. Đám cảnh sát liền điều tra vụ việc vì cô gái mà Jarvis định cưa lúc đó có tiểu sử hay đánh đập đàn ông, nên họ nghĩ Jarvis bị cô ta đẩy khỏi cửa sổ. Chính như thế chắc may ra còn đỡ nhục. Sau 6 tuần nằm viện tưởng không đi lại được, Jarvis hồi phục. Sau đó anh quyết định dời bỏ Sheffield và lên London kiếm việc. Chỉ đến khi ký được hợp đồng thu âm với Island Records đầu thập niên 90 thì Pulp và Jarvis mới đổi đời. Album His ‘N’ Hers (1994) thành công hơn hẳn. Dĩ nhiên lúc này âm thanh của Pulp đã được định hình rõ nhất. Công lớn cũng phải kể đến Steve Mackey, tay bass của nhóm, tham gia từ năm 1989. Cả khi có những bài từ đĩa Separations đã được sáng tác xong từ trước đó thì Steve vẫn góp ý kiến vàng ngọc của mình vào khâu sắp xếp bài hát và sản xuất. Chính âm hưởng disco rộn ràng trong nhịp điệu là ý tưởng của Steve. Vậy nên từ đó, Jarvis và Steve là nhân tố chính quyết định trong hướng đi âm nhạc của Pulp.
Cái lúc mà đĩa His ‘N’ Hers được đề cử giải Mercury Music, cả hội biết mình đã đi đúng hướng. Người ta vẫn nói gặp đúng người, đúng thời điểm. Đúng người là Steve Mackey và hãng đĩa lớn Island. Nhưng thời điểm thì càng không thể nào đúng hơn. Lúc này, Jarvis tuổi đã ngoài 30 tuổi rồi, già hơn bọn Suede, Blur và Oasis cả cái đầu. Nhưng cái thập niên 90 là lúc rộ lên phong trào Britpop để nâng tầm nhóm nhạc Anh Quốc, khi mà cứ có một band thành công là có mấy band khác được hãng đĩa lớn kí. Hợp đồng thu âm vứt ra nhung nhúc như lợn con, đến cả những ban nhạc hạng hai hạng ba còn được tham gia, với ước mơ bơi trong tiền tài và danh vọng. Thì đằng nào chả thế, có phải ai tham gia thị trường âm nhạc cũng đều hoàn toàn vì đam mê? Với Jarvis Coker thì khác. Lúc đó anh chỉ một mình một phách thôi. Britpop là gì thì kệ. Anh và Pulp cứ mặc nhiên tự lái theo một dòng chảy khác, để rồi cả anh và nhóm nhạc vẫn không tránh được việc sát nhập với dòng chảy lớn Britpop lúc đó. Ít ra thì Pulp không để mình bị cuốn vào cuộc chiến kia, và họ ở một mình một “đẳng cấp khác” như cái tên “Different Class”. Và ít ra nó giúp cho mọi người biết tới âm nhạc của Pulp. Dẫu sao thì sau từng ấy 17 năm miệt mài, Jarvis cũng có được thành công mà phần nhiều là nhờ tài năng của anh, Steve và Pulp, cộng hưởng với xu thế Britpop lúc bấy giờ. Quan trọng hơn là trong Big 4 lúc đó, nhiều người vẫn đánh giá Pulp nhỉnh hơn cả và album Different Class đến nay vẫn là một tuyệt phẩm. Kể cả sau này khi mà đĩa This Is Hardcore (1998) đã lái đi hướng khác nhạc vốn có của Pulp vào thời điểm Britpop đã thoái trào, nhạc của Pulp vẫn được đánh giá cao và This Is Hardcore cũng là cú hạ màn xuất sắc cho Britpop, đầy sâu lắng và man mác buồn. Thế mới thấy, nhiều khi sự kiên trì rồi cũng được đền đáp, dĩ nhiên là với một chút cơ duyên. Ngẫm thử nếu như Jarvis không phải trải qua những cú trầm trong cuộc sống trước đó, thì chắc gì anh đã có những cái nhìn đầy mỉa mai về chính bản thân và xã hội.
Cũng có khi cái lần ngã từ cửa sổ xuống đất đã thức tỉnh Jarvis, thay đổi vận mệnh của anh. Chứ đâu có ai cứ nhục mãi được.
Hẹn gặp lại.
Kink