Tôi luôn thấy thú vị khi quan sát mọi người bàn luận về chính trị, từ cách mọi người bảo vệ quan điểm một cách mạnh mẽ, đến niềm tin sắt đá về một sự đổi thay rồi sẽ xảy ra. Chính trị quả nhiên là thứ vô thưởng vô phạt có sức ảnh hưởng tích cực đến con người ghê gớm, có lẽ cũng bởi khả năng xoa dịu nhất thời trước những thứ chướng tai gai mắt, hoặc chí ít thì nó cũng gieo vào lòng người ta những hy vọng le lói về một điều có vẻ hợp lý hơn.
Nhưng bản thân tôi thì lại cảm thấy không thích nói chuyện về chính trị, chắc là bởi thật khó để cho những người thích tranh luận có cùng quan điểm, nhưng lại thật dễ để cho mấy tổ chức chính trị chuyên nghiệp hùa mọi người theo một hướng. Nhất là khi các thông điệp chính trị được đưa ra kèm theo sự giận dữ.
Tôi còn nhớ chỉ vài năm trước, người Mỹ và tổng thống của họ còn khẳng khái dè bỉu và đả kích cách đấu tranh hòa bình và văn minh do cầu thủ Colin Karpernick phát động, khi họ cùng nhau quỳ trước lá cờ Hoa khi hát quốc ca trước trận đấu – một cách lên tiếng trước sự bất bình đẳng màu da. Cả giải NFL sau mùa 2016 đã thì thụp với nhau đẩy Karpernick ra đường, và đến giờ anh vẫn chưa thể chơi bóng lại. Và sau sự kiện của George Floyd mới đây, bỗng nhiên những người trước đây đả kích Colin Karpernick quay ra thừa nhận mình lâu nay hóa ra cũng đấu tranh cho sự bất bình đẳng, lẫn kêu gọi các đội bóng hãy mời anh trở lại chơi. Và những hình ảnh quan chức lẫn cảnh sát Mỹ quỳ gối trước người dân bỗng chốc thật giống với những cầu thủ quỳ gối trên sân trước khán giả trước đó không lâu. Sự kiên của George Floyd y như cái nút toggle trên cây đàn của Tom Morello, chuyển nhẹ nhàng giữa hai cách đón nhận trái chiều cho cùng một vấn đề đã tồn tại rất lâu ở Mỹ.
Ấy nhưng việc của chúng ta là nói chuyện quanh âm nhạc thôi nhẩy, bởi trộm nghĩ, có lẽ cái vế “hô hào tập hợp mọi người với nhau” là thứ đã tạo nên sự vĩ đại của Rage Against The Machine (RATM), trong khi vế “khó đồng quan điểm” trước đó, dường như là thứ khiến họ không thể hàn gắn lại với nhau sau này.
RATM vốn được lập ra - ngay từ bản thân cái tên của họ là “Phản đối cái bộ máy”- với sự mệnh phát ngôn chống lại với sự bất công và thối nát của hệ thống chính trị xã hội. RATM không bao giờ ngần ngại thể hiện họ là một ban nhạc chính trị, và các thông điệp và lối truyền đạt trong nhạc của RATM được dẫn dắt chủ yếu bởi bộ đôi Zack de la Rocha và Tom Morello. Cả hai đều mang dòng máu lai và chịu sự ảnh hưởng của nạn phân biệt tại chính đất nước họ sinh sống.
Tom Morello được sinh ra bởi người mẹ da trắng Mỹ và người bố da màu Kenya, và dù hai người ly dị khi Tom mới 16 tháng tuổi, Tom vẫn được thụ hưởng nền giáo dục bài bản ở đất nước tự do số một này. Là một sinh viên tốt nghiệp Havard ngành khoa học chính trị hẳn hoi, nhưng hóa ra Tom cũng không tự hào về công việc bàn giấy cho một vị thượng nghị sĩ bang California, hơn là nghề múa khoả thân anh phải làm trước đó. Làm việc trong văn phòng cũng đồng nghĩa với việc Tom phải hàng ngày chứng kiến vị thượng nghị đó gọi điện xin tiền các tay nhà giàu tài trợ, điều khiến anh dần nhận ra bộ mặt thực sự đằng sau của các chính trị gia.
Lần Tom Morello bị cả văn phòng trách mắng khi gọi một bà là kẻ phân biệt chủng tộc khi bà ta gọi đến văn phòng than phiền rằng “có người Mễ chuyển đến làm hàng xóm”, chính là lần làm giọt nước tràn ly khiến Tom nghỉ việc. Mọi người không để ý rằng chính bản thân anh đã thấu hiểu sự phân biệt từ nhỏ của một đứa con lai châu Phi.
Zack de la Rocha thì được sinh ra bởi hai dòng máu Mexico của người cha và người mẹ da trắng. Cả hai ly thân khi Zack mới một tuổi. Cho đến giờ, Zack vẫn nhớ như in cái ngày anh ngồi trong lớp, giáo viên chỉ trên bản đồ một điểm chốt biên giới ở California và mỉa mai gọi là “Wetback Station”, một từ mang tính hạ nhục với người Mexico ám chỉ việc họ vượt biên qua Mỹ khi bơi qua đường sông. Ngày đó, Zack ngồi lặng thinh và cảm thấy bất lực. Những điều như vậy chỉ ngày càng hun đúc ý chí được cất tiếng nói với xã hội bằng con đường âm nhạc. Mang trong mình dòng máu đấu tranh từ người ông đã tham gia cuộc khởi nghĩa cùng quân đội giải phóng dân tộc Zapata ở Mexico, Zack vì thế luôn hừng hực trong mình một tinh thần chiến đấu.
Và cách mà bộ đôi này đem cái sự “Phản Đối Cái Bộ Máy” với thế giới, cũng thật vô tiền khoáng hậu trong lịch sử nhạc Rock.
Tháng 11 năm 1992, RATM tung ra album đầu tay cùng tên, được dẫn dắt bởi single “Killing In the Name”, ca khúc chỉ có 8 dòng lyrics gồm những câu rap lặp đi lặp lại, những lại có ý nghĩa vô cùng sâu sắc:
“Killing in the name of
Some of those that work forces, are the same that burn crosses”
Zack ví những kẻ mặc đồ đại diện cho lực lượng bảo vệ xã hội thực ra không khác gì hội kín tuyên truyền người Da Trắng Thượng Đẳng KKK (hội kín chuyên làm trò đốt thánh giá). Câu rap “And now you do what they told ya, now you're under control” lặp đi lặp lại để rồi sau đó một tràng “Fuck you, I won't do what you tell me” đầy căm hận.
Zack còn tố cáo chính quyền kiểm soát báo đài để làm “ngu dân”, bóp méo sự thật nhằm che giấu tội ác trong các chính sách bao gồm các cuộc chiến phi nghĩa. Như trong bài “Bullet In The Head” có đoạn:
“They load the clip in omnicolour
Said they pack the nine, they fire it at prime time
Sleeping gas, every home was like Alcatraz
And mutha fuckas lost their minds”
Zack ví chương trình chiếu trên tivi như “khẩu súng”/“the nine” được “nã đạn” với thời điểm đông người xem nhất. Anh chơi chữ với từ “clip” vừa là hộp đạn, vừa là đoạn video chiếu trên tivi. Người xem truyền hình giống như những kẻ phạm nhân trong nhà tù Alcatraz bị “phun khói” để làm đầu óc mê muội, dễ điều khiển. Ở câu sau:
“No escape from the mass mind rape
Play it again jack and then rewind the tape
And then play it again and again and again
Until ya mind is locked in”
Hình ảnh “mass mind rape” được khắc hoạ mạnh mẽ thông qua việc chính quyền “tua đi bật lại” đoạn băng cho đến khi chúng kiểm soát được suy nghĩ của người dân. Zack cũng cố tính sử dụng lặp các câu trong lời nhạc để, trong trường hợp này, thức tỉnh người nghe và khắc sâu trong tâm trí họ về mưu đồ thực sự của chính quyền.
Album Rage Against The Machine có lẽ là cú đánh mạnh chưa từng có vào thể chế nước Mỹ, có lẽ là lần đầu tiên từ khi nhóm Rap N.W.A. xuất hiện với “F*** Tha Police”. Thời điểm album xuất hiện cũng thật đúng lúc, ngay khi người Mỹ còn đang phẫn nộ với sự vụ bạo hành của bốn tay cảnh sát da trắng đánh đập dã man Rodney King, một người dân thường da màu vào tháng 4 năm 1992 (sau đó 4 cảnh sát đều được xử trắng án), và làm dấy lên vụ bạo động lớn ở Los Angeles năm 1992. Hơn 60 người chết, rong đó có 10 cảnh sát và lính vệ binh, cùng với hàng nghìn tòa nhà bị phá hủy. Khu vực Nam Los Angles chìm trong biển lửa.
Video clip bài “Sleep Now In Fire” do Michael Moore đạo diễn cũng là một sự kiện khác đi vào lịch sử, khi các thành viên ban nhạc biểu diễn trước thềm toà nhà Hội Trường Liên Bang (Federal Hall National Memorial). Biết trước về âm nhạc gây kích động của nhóm RATM và phong cách làm phim xã hội và chính trị của Michael Moore, đám cảnh sát cấm cả nhóm bước xuống đường hoặc chơi âm lượng ồn ào.
Bất chấp cảnh báo trước đó của cảnh sát, Michael vẫn vặn volume to dần đều để thu hút sự chú ý người đi đường. Ông dặn cả ban nhạc cứ liên tục chơi bất kể chuyện gì xảy ra. Một lúc sau đám đông hàng trăm người bắt đầu vây quanh. Không biết họ là fan của RATM hay chỉ là những chuyên viên tài chính đi ngang qua bị lôi kéo lại bởi âm nhạc kích động, nhưng đám cảnh sát bắt đầu lo ngại. Chúng tiến tới sát Tim Commerford đang ôm cây đàn bass. Zack de la Rocha thì leo lên cả tượng tổng thống George Washington để hát lời rap về sự tham lam của đế quốc, chửi bới những hành động tội ác của Mỹ khi ném bom lên Hiroshima hay rải chất độc màu da cam trong chiến tranh Việt Nam.
Lúc RATM bắt đầu sung lên bước xuống đường cũng là lúc cảnh sát nhảy vào tóm Michael Moore đi. Ông đạo diễn chỉ kịp hét với lại kêu cả nhóm chạy tới Sở giao dịch chứng khoán New York. Cả ban nhạc cùng khoảng 200 khán giả hùng hổ tiến vào Sở Giao dịch Phố Wall nổi tiếng khiến bảo vệ phải hạ tấm cửa titan bảo vệ bên trong, trước khi cả đám bị đe doạ bắt giữ vì tội gây rối.
Tất cả hình ảnh đó đều được xuất hiện chân thực trong video clip. Michael Moore đã rất tự hào rằng, trong một vài phút, ban nhạc RATM đã làm sập cả hệ thống tài chính phố Wall danh tiếng.
Vậy liệu người Mỹ có phải cần Zack de la Rocha và các đồng đội nói cho họ biết sự bất công đến từ đâu không? Tôi cho là không. Vấn nạn phân biệt ở Mỹ vốn đã ở đó từ bao đời, và RATM hẳn không phải là một nhà cách cách tân cũng như một nhà tư tưởng mới. Có lẽ, họ là những nạn nhân thông minh hơn cả của chính cái vấn nạn đó, những người tiến bộ hơn hẳn những tiền bối chỉ biết than thở với nhau qua những câu nhạc Blues tê tái, khi hiểu ra điều làm cho nước Mỹ trở nên hùng mạnh như vậy chính là nhờ sự tự do ngôn luận không thể ngăn cấm, điều được viết ra từ bản Hiến Pháp sửa đổi đầu tiên (The First Amendment).
Và quan trọng hơn là cách RATM truyền tải mang thông điệp chính trị của họ tới mọi người với một sự giận dữ chưa hề có tiền lệ, và như đã chém, đó là điều khiến mọi người bỗng xích lại gần nhau hơn.
Thật vậy, Zack de la Rocha hẳn không phải kiểu ca sĩ truyền thống, và cũng ko hẳn là một rapper. Tôi nghĩ nên gọi cách “haet” của Zack là “hùng biện máu lửa”. Đây nhé, chỉ riêng trong đoạn lặp đi lặp lại câu “now you do what they told ya” hơn chục lần, Zack có thể thể hiện cũng ngần ấy sắc thái của sự giận dữ. Và những người anh em phía sau lưng anh, Tom Morello, Tim Commerfold, và Brad Wilk chơi một thứ nhạc với âm thanh chat chúa, cứ bồi đắp dần lên theo tiếng hô hào của De La Rocha.
Mà phải nói thật, cái độ “nảy” trong âm thanh nặng và ngầu của RATM không dễ gì tìm được ở những nhánh gần với họ như Heavy Metal cũng như Grunge. Và ngược lại, cái sự giận dữ tăng dần trong tiếng nhạc ấy cũng không dễ gì tìm được từ thứ nhạc nền chơi trên giàn Turntable.
Một đóng góp không hề nhỏ cho âm thanh đặc trưng đó, tôi nghĩ thuộc về kỹ sư âm thanh, cái tên quen thuộc, Andy Wallace, người quen đã tạo ra những thứ nặng như Reign In Blood (Slayer), Arise (Sepultura), và sau này là Nevermind (Nirvana) hay Toxicity (System Of A Down). Tôi cho là kinh nghiệm mà Andy đã từng mix cho nhóp Rap Run DMC ("Walk This Way" cùng Aerosmith) cũng góp phần quý báu định hình âm thanh cho RATM.
Ấy, nhưng sự ghi nhận xứng đáng thì vẫn nên được dành cho Tom Morello, người bề ngoài thì khiêm tốn nhận mình chỉ là anh DJ trong band RATM mà thôi, nhưng bên trong thì lẳng lặng ghi dòng chữ nho nhỏ “no samples, keyboards or synthesizers used in the making of this record” trên bìa đĩa.
Thật vậy, (lại thật vậy), lớn lên ở cái thời nhà nhà đều học theo Eddie Van Halen, Tom Morrello hầu như không có ý định chơi theo cách của thần tượng, mà luôn đau đáu đi tìm âm sắc của riêng mình. Theo suy nghĩ của anh, cây đàn guitar điện hãy còn khá mới với con người (quen nhau đâu như chưa được 50 năm), nên hẳn là vẫn còn nhiều cách chơi guitar mà nhiều người chưa khám phá. Đóng vai trò trung tâm trong âm thanh của Tom, hóa ra chỉ có cục phơ Whammy tạo ra tiếng harmony trên một hoặc nhiều octave, và cục phơ tè hiệu EVH (Tom bảo chẳng nhẽ không có phơ tè). Và ở trung tâm trong lối biểu diễn gây ép phê của anh, là cách chơi bằng núm toggle chuyển pick up trên cây đàn, khi Tom dùng tay gảy của mình gạt qua gạt lại núm toggle để chuyển qua chuyển lại khi 1 pickup của anh được đặt ở volume 0, còn pickup kia thì để kịch. Chiêu này tạo ra tiếng đàn kêu tẹt tẹt liên tục một cách đều đặn theo tiếng bấm của tay trái trên cần đàn và nhịp nhàng theo kiểu tắt bật của tay phải, chứ không còn là âm guitar truyền thống ngân dài hay liên tục.
Nhìn thì đơn giản vậy, nhưng thực hiện nó thì không dễ, bởi vì để tiếng đàn ra tròn vành ngay nhịp “bật công tắc”, tay trái của Tom phải gõ lên dây đàn hơi sớm hơn một chút so với nhịp. Đánh một hai nốt thì không sao, chơi nguyên câu riff như trong “Know Your Enemy” thì chắc bộ não cũng phải chia ra làm hai. Tôi không rõ bạn đã thử chưa, nhưng một vị ad nọ trong emoodzik có võ vẽ vài câu đàn cũng đã từng gật gù “khá khó”. Tom Morrello cũng cự tuyệt việc dùng kill switch để tạo ra tiếng đàn đứt mạch dễ hơn (giống như Buckethead), có lẽ cũng bởi dùng kill switch “dễ” hơn. Đám ác miệng thì đồn là tại vì nhà Tom Morello vốn có nhà máy sản xuất cái núm toggles bán cho các hãng đàn.
Đấy là cái tôi biết được vì Tom dạy tôi, chứ còn mấy món khác Tom không dạy, tôi thật là có tận mắt chứng kiến anh múa may với cây đàn trên sân khấu, cũng không thể tưởng tượng nổi những âm thanh đó được tạo ra như thế nào. Tom Morello, theo tôi, có thể đứng đâu đó gần Jeff Beck, ở khả năng tạo ra những âm thanh không hiểu từ đâu mọc ra. Trong tay Tom Morello (và cả Jeff Beck), cây guitar bỗng nhiên không phải là thứ mà ta biết lâu nay, và dường như mỗi cú dịch chuyển hay chạm của họ đều dường như có thể tạo ra một điều kỳ diệu gì đó. Khán giả yêu guitar đi xem show của RATM, hẳn là chỉ biết chăm chăm nhìn vào từng cử động của Tom Morello trước khi lắc đầu bất lực với thứ âm thanh huyền bí đó.
Vô hình trung, cũng khó có thể trả lời rằng có bao nhiêu người đến xem RATM vì thứ âm nhạc kích động hay đến khó đỡ của Tom, Tim, và Brad? Và còn bao nhiêu người thật sự “giận dữ” theo Zack và RATM về sự bất công và dối trá của xã hội?
Thành ra, việc những người nghe nhạc RATM không ngấm hết được ý tứ của Zack cũng là điều khiến anh trăn trở. Bản thân anh và ban nhạc không muốn nói quá chi tiết hay tung hô quá nhiều khẩu hiệu. Họ muốn lời lẽ đơn giản để mọi người có thể dễ tiếp cận hơn. Kể cả việc Zack/Tom tung rất nhiều ý tưởng kể lại những câu chuyện lịch sử, như kể lại sự tàn ác của Mỹ trong chiến tranh Việt Nam cũng như hai quả bom nguyên tử ở Nhật trong “Sleep Now In The Fire” trên kia, hay những câu chuyện kể về lịch sử đẫm máu giành lại độc lập của người Tây Ban Nha trong bài “People Of The Sun”, cũng là điều giúp các album nhạc của RATM không quá nặng nề, để rồi rất tự nhiên, họ để dành sự tức giận dồn nén cho các buổi biểu diễn.
Nhưng bỗng nhiên, đó lại trở thành con dao hai lưỡi, đặc biệt là ở những giai đoạn khi những sự phản kháng của người dân chuyển sang trạng thái âm ỉ. Như một lẽ tự nhiên, sự tức giận không bao giờ có thể duy trì lâu dài, và đó cũng là khi mọi người quay ra mổ xẻ phân tích lời lẽ của RATM nhiều hơn, và kết quả như những câu chuyện chính trị cũ mèm khác, thật khó để mọi người chung quan điểm về những ý tưởng của RATM. Bỗng nhiên, có người nhìn “bộ máy” đại diện cho “chính quyền”, nhưng có người sẽ giản đơn hơn là “bộ máy xã hội”, “công ty” hay chỉ đơn giản là “phụ huynh” đối với bọn trẻ trâu.
Nhìn rộng hơn, sự chia rẽ có lẽ cũng là thứ khiến nước Mỹ ở thời điểm 2020 bỗng trở nên yếu ớt dễ vỡ hơn bao giờ hết. Có lẽ đã lâu lắm rồi từ thời nội chiến, nước Mỹ mới bị chia rẽ như bây giờ, bất chấp những nỗ lực phi thường từ những vị lãnh đạo chóp bu của nước Mỹ khi ra sức chứng minh rằng họ đang bảo vệ một giá trị gì đó cao đẹp.
Ngày mà Zack quyết định rời RATM có lẽ đến như một sự tất yếu, và Tom cũng không lấy làm bất ngờ. Sự mâu thuẫn trong nội bộ về tầm nhìn, hướng đi, hình ảnh của ban nhạc RATM vẫn luôn tồn tại từ những ngày đầu. Hơn ai hết khi bắt đầu cuộc chơi mang tên chính trị này, Tom Morello hiểu rằng sứ mệnh của họ kết thúc khi mọi người không còn cùng chia sẻ một lý do nữa.
Còn với đám đông đang giận dữ ở thời hiện tại 2020, ngày càng có thêm nhiều lời van xin mong chờ Rage Against The Machine tái hợp, để cùng họ chia lửa đấu tranh với những mâu thuẫn bùng nổ mới đây.
Nhưng liệu điều đó có cần thiết không, khi tất cả đều đã ở cùng một phía của sự phản kháng?
Hẹn gặp lại!
Kink