top of page

A Perfect Circle: Nơi quần tụ anh hùng

Nancy Berry, phó chủ tịch đầy quyền lực của hãng đĩa Virgin Mỹ, người từng làm việc với những Smashing Pumpkins, David Bowie, hay Janet Jackson, ngồi trầm tư trước cuốn băng demo của ban nhạc mang cái tên lạ hoắc: A Perfect Circle. Nhạc Rock dĩ nhiên đã bắt đầu manh nha trở lại sau sự lụi tàn của Grunge ở giữa thập niên 90s, nhưng dưới quá trời những hình thái khác nhau ở thời điểm năm 2000s. Trong cái thời nhiễu nhương của âm nhạc đó và nhất là sau sự sụp đổ của một đế chế như Grunge, sẽ thật là khó dự đoán nếu như album Mer de Noms này là một cuộc cách tân thật sự, hay rốt cục cũng chỉ là một thứ âm nhạc cố gắng phá cách theo kiểu Modern Rock này kia, những thứ mà cô đã có cả một lố trên bàn.

Chỉ có một người biết rõ cái hội A Perfect Circle (APC) này là ai và biết luôn trình của đám này hẳn là trên các vị Modern Rock một bậc. Toni Halliday, ca sĩ chính của ban nhạc Curve, biết thừa Maynard James Keenan và Billy Howerdel bởi vì chính hai tay này thuê chồng của cô, nhà sản xuất Alan Moulder, mix cái demo đó. May thay, Halliday lại là bạn của Nancy Berry và thế là vào một ngày mưa gió tháng Hai, Berry miễn cưỡng mở cái demo nọ theo lời năn nỉ của cô bạn. Cô choáng váng khi nghe ‘Judith’ là bài đầu tiên và lập bập mở cả đĩa demo trên xe ô tô của mình – cách mà Berry vẫn thường làm để kiểm chứng xem thứ nhạc đó có xứng đáng để ký không.


”Thứ quái gì thế này!!!” – là cảm giác đập vào óc Berry trước giọng hát thiểu não đầy ám ảnh của Maynard Keenan James, những câu riff không khoan nhượng của Billy Howerdel, tiếng bass dày đặc thôi thúc của Paz Lanchentin, và phần beat khó lường luôn sẵn sàng đập vào mặt của Josh Freese. Nancy Berry chơi đi chơi lại chiếc demo để được chìm vào trong cái thứ âm nhạc ám ảnh với các âm liệu phảng phất nhạc phương Đông này, với lời hát như từ một nấm mồ của Maynard về những giận dữ, vị tha, những phỉ báng, và cả sự bao dung.


Fuck your god! Your lord, and your Christ

He did this! Took all you had and

Left you this way! Still you pray, you never stray, never

Taste of the fruit! Never thought to question why

 

It's not like you killed someone

It's not like you drove a hateful spear into his side

Praise the one who left you broken down and paralyzed


***

Không lâu trước đó, trong những căn phòng khách sạn cũng như ở phòng chờ sân bay, Maynard James Keenan thường xài những khoảng thời gian trống này khi đi tour quảng bá cho album Ænima của Tool để viết nhạc – những bản nhạc mà anh đau đáu muốn trở nên phức tạp, cầu kỳ, và mang nhiều ẩn ý hơn nữa. Nhưng rắc rối với hãng đĩa của Tool lúc đó, Volcano Entertainment, đã đặt một dấu lặng to tướng cho album cũng như tham vọng của ban nhạc hiếu chiến này. Hãng đĩa cũ của Tool là Zoo Entertainment bị phá sản và trong khi chưa kịp làm gì với nhà tiếp quản là Volcano, Tool đã bị hãng này kiện vì đi đàm phán với các hãng khác khi chưa được phép. Cũng là miếng cơm manh áo cả thôi, nên Tool đành phải vác tráp ra Tòa kiện ngược lại hãng Volcano vì đem con bỏ chợ. Cuộc chiến pháp lý cũng đồng nghĩa tất cả các hoạt động sáng tạo của cả band sẽ phải dừng vô thời hạn và có lẽ trong cả đám, Maynard James Keenan là người cảm thấy khốn khổ với cái sự ăn không ngồi rồi nhất.


Vốn từ khi còn là một cậu bé hiếu động, Maynard tham gia không thiếu trò gì miễn là không phải ngồi yên, từ chạy thi khi còn nhỏ, chơi đấu vật khi trưởng thành, tới cả việc đầu quân đi lính khi đã lớn. Ngược lại, vốn sống phong phú cũng đem lại cho Maynard đầy ý tưởng và anh lúc nào cũng đau đáu làm thêm nhạc hơn hết thảy số thời gian mà các đồng đội ở Tool có thể dành cho anh (thực tế là Maynard James Keenan viết nhạc và hát cho tận 3 ban nhạc cùng một lúc gồm Tool, APC, và Puscifer).


Sinh ra trong một gia đình ngoan đạo nhưng bố mẹ li dị từ nhỏ, Maynard James Keenan hay còn được gọi là Jimmy, vốn được bà mẹ chăm sóc tận tình và dạy dỗ để cư xử đàng hoàng và không được phép làm những thứ phá cách. Nhưng chính mẹ của Jimmy, Judy, cũng là người sớm nhận ra tiềm năng nghệ thuật của con trai bà, cũng như năng lượng tích tụ luôn bức bách không thể giải phóng trong người cậu bé, vì thế cũng là người đầu tiên hướng Jimmy tới con đường âm nhạc bằng việc tặng cậu một cây organ nhỏ.


Nhưng mọi việc sau đó thật không may với Judy, khi bà bị cao huyết áp và đột quỵ. Những cơn đột quỵ liên tiếp khiến cho Judy bị liệt nửa người, không nhìn được một bên mắt, và thậm chí lúc đầu còn không thể nói chuyện với Jimmy. Mặc cho những người xung quanh luôn dè bỉu mẹ của mình đã làm gì đó để Chúa trừng phạt, Jimmy luôn dành thời gian ở bên cạnh mẹ, giúp bà nấu nướng, mặc đồ, giặt giũ; bất chấp những việc này khiến cho hàng ngày cậu bé hiếu động luôn đến trường muộn và chịu sự trêu chọc của đám bạn lẫn sự la mắng của thầy hiệu trưởng.


Judy mạnh mẽ biết rằng cuộc sống của ông con nhiều tiềm năng không thể mãi theo hầu mình thế này. Tới 13 tuổi, bà quyết định để Jimmy dọn về ở với bố đẻ ngõ hầu cho cậu con có hướng phát triển cho tương lai của mình.


***

Khi còn là một cậu nhóc ở New Jersey, Billy Howerdel bỗng phát hiện ra chiếc đồng hồ radio của mẹ bắt được kênh âm nhạc từ Long Island chuyên phát nhạc “mới” tới từ nước Anh. Từ Pink Floyd, Billy bắt đầu quen với những Elvis Costello tới Siouxsie And The Banshees


Cầm đàn khi 17 tuổi, lúc này Billy bắt đầu tập tành theo những vị anh hùng của anh như Randy Rhoads hay Rush với những thứ nhạc nhiều phần guitar bay lượn. Nhưng Alice in Chains mới là ban nhạc đã thay đổi cách suy nghĩ của Billy về cách viết nhạc sử dụng cây guitar để phục vụ nhiều cho bài hát và khiến cho cấu trúc bài trở nên biến chuyển.


Nói ra thì thật lạ lùng, nhưng điều khiến Billy Howerdel cảm thấy tự hào nhất lại là việc anh không thể chơi thật giống như những vị anh hùng guitar của mình dù có cố tới đâu. Chấp nhận việc nhấm nháp cái sự ảnh hưởng từ những người này, Billy Howerdel đi tìm tiếng đàn và âm sắc cho riêng mình thay vì cố gắng tập theo những kỹ thuật cầu kỳ của những người đi trước.


“3 Libres” chẳng hạn, vốn được viết ra từ cảm hứng khi Billy Howerdel cố tập bài “Don’t Fear the Reaper” của Blue Öyster Cult, nhưng thay vì cố tập cho đúng, anh lấy luôn mô típ và tốc độ của bài để chế ra đoạn riff trong “3 Libres”. Không ngạc nhiên khi Dave Gilmour, vị guitar hero từ thuở bé, sẽ vẫn luôn là người ảnh hưởng tới anh nhiều nhất với cách chơi không màng tốc độ mà thiên về chọn ra những nốt nhạc quan trọng nhất. Nhưng trước mắt, Billy hài lòng với việc làm guitar tech cho các nghệ sĩ guitar khác, cũng bởi niềm đam mê căn chỉnh âm thanh ngày một lớn dần.


Việc được làm guitar tech cho Nine Inch Nails, và rồi sau đó là quen với Trent Reznor lừng danh có lẽ đã đem lại miếng ghép lớn nhất cho sự nghiệp của Billy Howerdel: sự duy mỹ và cầu toàn tới mức khó chịu.


Billy Howerdel vẫn lẳng lặng tự viết nhạc cho mình, những bản nhạc anh ít khi chia sẻ cùng ai mà chỉ một mình thu đi thu lại và tự chau chuốt qua cái đầu thu 4 track của mình. Sự đam mê với kỹ thuật thu âm và căn chỉnh âm thanh dù sao cũng đã dằn bớt cái thú vui viết nhạc của Billy mà giúp anh tập trung với việc tạo ra chất lượng âm thanh cho các buổi trình diễn. Được làm guitar tech cho những ban nhạc đinh và các show diễn ngày một lớn, Billy cũng dần trui rèn khả năng sản xuất âm nhạc cho riêng mình.


Thế rồi trong khi đi tour với Tool với vai trò guitar tech cho Adam Jones, Billy tình cờ chơi để cho Manyard nghe được vài bản demo.


“Tao nghĩ tao hát nhạc này bao ngon!” – Manyard chỉ nhún vai.


Dĩ nhiên là sướng cụ tỉ đi rồi, nhưng Billy Howerdel vẫn cho rằng đó là Manyard chỉ khen xã giao như thế chứ đời nào vị ca sĩ lẫy lừng kia lại đi hát cho anh guitar tech quèn. Chưa kể, Billy vốn định sẵn trong đầu rằng những bài hát của anh sẽ để dành cho một ca sĩ nữ hát.


Nhưng Manyard không có đùa. Không những nhìn thấy tiềm năng trong các bản nhạc mà Billy viết, Manyard rõ ràng nhận ra đây là một cơ hội lớn để anh bước ra ngoài thế giới của Tool. Còn hơn là ngồi mốc ra đó để chờ phán quyết của Tòa án. A Perfect Circle đã ra đời như vậy đó!


***

Paz Lenchantin sinh ra ở Argentina nhưng chuyển tới Los Angeles khi mới 4 tuổi. Vốn sinh ra trong một gia đình có truyền thống âm nhạc, Paz Lenchantin học piano cổ điển, sau đó học cả violin và còn lén tự tập guitar bass của chị cô. Tình cờ trong khi đang tham gia làm đồ họa trong video clip cho Tool dưới tay sếp Adam Jones (anh này tự làm music video cho band và thậm chí tự xử luôn cả kỹ xảo hoạt hình), Adam bỗng đề nghị Paz gới gặp guitar tech của ảnh là Billy Howerdel khi biết Paz Lenchantin chơi bass.


Paz nhanh chóng trở thành bạn thân với cặp đôi Maynard-Billy. Họ nhanh chóng có thêm tay guitar Troy Van Leeuwen tới từ ban nhạc Failure tham gia (trước đó là Danny Lohner từ Nine Inch Nails) và phần trống được chia sẻ giữa Tim Alexander từ Primus Josh Freese lúc ấy còn đang phiêu lưu với Guns N' Roses phiên bản mới - để rồi cuối cùng Josh Freese quyết định chơi tới luôn sau khi mất hai năm hầu như không tiến triển với Guns N Roses.


Toàn hàng khủng!!!


Josh Freese chắc chắn là một trong những lý do khiến tôi tìm tới APC lần đầu. Chứ sao, không chỉ nổi tiếng với khả năng chơi chắc nhịp cũng như đa thể loại, Josh Freese luôn khiến tôi tò mò xem anh xử trí thế nào với những bản nhạc progressive với nhịp lẻ tréo ngoe (như “The Hollow”) và cả những dấu ấn cực nhanh gọn như với hai tiếng snare chát chúa để mở đầu cho "Judith". Freese không hề thiếu những beat lạ, và mặc dù dường như anh hoạt động nhiều phần chỉ với kick snare và một tom, anh có thể tổ hợp ra những câu beat bá đạo. Những bản nhạc miên man như "Orestes" hay "3 Libras" là những ví dụ cần những beat chậm rãi nhưng khó lường để lấp đầy những khoảng lặng, và dường như đã không ai còn nhớ Josh Freese vốn là một tay trống gốc Punk như thế nào.


Chưa kể, Billy Howerdel rõ ràng có một cách viết nhạc hoàn toàn không giống ai và dĩ nhiên những tư tưởng âm nhạc của anh dễ dàng được mô tả bởi Billy đã ngày một hoàn thiện hơn khả năng sản xuất cho riêng mình. Cho tới khi Maynard thêm phần hát và giai điệu vào bài, những ca khúc của Billy bỗng trở nên đa chiều và những lời lẽ Maynard viết như bỗng thổi hồn vào các câu chuyện trên cấu trúc nhạc của Billy. Ngay chính Billy Howerdel cũng phải ngạc nhiên hết mức khi lần đầu nghe nhạc của mình có phần hát của Maynard: “Lão này quả là chuyên gia chơi xếp chữ!” 


Dù rằng Billy vốn dự định nhạc của mình để cho một giọng nữ khỏe hát, giọng hát của Maynard đã thay đổi tất cả các toan tính của Billy. Đó là giọng hát có thể chuyển mượt mà từ la hét khản giọng cho tới thì thầm sợ hãi, từ gầm gừ nghi ngại cho tới đưa đẩy nức lòng; những cảm xúc mà người nghe thường không thể chạm tới với thứ âm nhạc như trận địa của Tool. Chả gì thì chính Maynard cũng phải thú nhận anh luôn phải mất nhiều sức để hét hơn khi hát cùng Tool, để giọng của mình có thể bay vọt lên trên trận địa âm thanh đó, trong khi với A Perfect Circle, anh có thể để người nghe cảm nhận được mình nhiều hơn.


Cách này hay cách khác thì Maynard đều thấy nó có lợi cho Tool, bởi khi càng nhiều người nhận ra Maynard có thể hát với nhiều cảm xúc, họ sẽ càng dễ nhận ra những xúc cảm của anh và trân trọng các nhạc phẩm của Tool hơn.


Nhưng để chắc chắn mình không phủ bóng lên thứ âm nhạc được bắt đầu bởi Billy, Maynard quyết định không để ai nhận ra mình là ca sĩ của Tool. Anh đội tóc giả trong các màn trình diễn của APC, và cùng với đó trong các buổi trình diễn cũng như những lần chụp hình cả band, Maynard đứng sang một bên để chắc chắn ai cũng phải nhận ra vị thủ lĩnh của APC là Billy Howerdel. APC không phải là một “supergroup”, cũng chẳng phải một dự án bên lề của Maynard James Keenan. Đó là một ban nhạc với 4 hay 5 thành viên tạo ra một thứ âm nhạc của riêng họ mà không có ai là người nổi bật hơn cả.


Với lượng bài được viết ra hãy còn ít ỏi nhưng ban nhạc đã máu chiến lắm rồi, Maynard and Billy quyết tâm chơi lớn với việc tự book sô cho band của mình. Điều này ngoài việc giúp ban nhạc tập trung chơi với nhau để gắn kết hơn, còn tạo ra động lực để cho họ có thể viết thêm nhạc cho đủ album.


Trong thu âm và sản xuất, Maynard hoàn toàn tin tưởng vào khả năng của Billy Howerdel sau khi được tận mắt chứng kiến sự cầu toàn đến khó chịu của anh này – thứ mà có lẽ chính Maynard chưa bao giờ chịu thua ai. Dĩ nhiên với một ban nhạc vẫn còn chưa được ký hợp đồng và rõ ràng tiền thuê studio để chơi thứ nhạc nhiều lớp như của họ chắc hẳn sẽ tốn kém, Billy và Maynard quyết định thu nhạc số ở nhà. Những thứ như Protool và việc sản xuất nhạc trong phòng ngủ có lẽ quá quen thuộc ở thời nay, nhưng ở thời điểm năm 1999 hãy vẫn còn xa lại với rất nhiều người. Tháng Một, album Mer de Noms đã bắt đầu thành hình với cái tựa đầy ẩn ý theo kiểu “kính thưa các loại tên”, với các bài hát thường mang tên của những người có ảnh hưởng tới Maynard, cả xấu lẫn tốt: "Judith", "Breña", "Rose", "Thomas", "Magdalena", "Orestes", hay "Renholdër".


Và đạo diễn David Fincher lừng danh, người vừa đóng máy phim Fightclub (1999), được đề nghị để đạo diễn video clip “Judith”, cũng là bản single đầu tiên của APC. Còn gì cool ngầu hơn khi tới hết đoạn solo ám ảnh của Billy, Troy Van Leeuwen chơi câu nhạc chuyển trong khi Josh Freese im bặt còn Paz Lenchantin lấy tay vón tóc lên và cột lại gọn ghẽ trong đúng bốn khuông nhạc đó. Paz ơi!!!


***

Nancy Berry và hãng Virgin cuối cùng quyết định chơi tất tay với canh bạc APC này trước khi các hãng đĩa khác kịp dòm ngó, khi đề nghị hợp đồng theo kiểu “liên doanh” – loại hợp đồng có lẽ còn hiếm ai dám ký ở thời đó. Giống như những đối tác của nhau, ban nhạc có thể tự đầu tư vào quảng bá và ăn chia lợi nhuận 50/50. Chẳng hạn như khi Maynard đeo kiếng Oakley, vốn được quảng cáo bởi nhiếp ảnh gia Tim Cadiente, anh sẵn sàng hợp tác với Cadiente để phủ nguyên chiếc xe bus đi tour của APC với poster kính Oakley và cả những đồ thời trang khác. Lợi nhuận thu được đơn giản sẽ giúp APC có thể kéo dài thêm tour diễn.


Được phát hành tháng Năm năm 2000, Mer de Noms xuất phát ở billboard với vị trí số 4, bán được 188,000 bản trong tuần đầu tiên và nằm trong bảng xếp hạng suốt gần một năm trước khi kiếm được platinum không lâu sau đó, vượt xa mọi kỳ vọng của Nancy Berry.


Dù sau này dần dà Laz Lenchantin chuyển hướng chơi cho Zwan và tiếp đó là Pixies, Troy Van Leeuwen đầu quân cho Queens of the Stone Age, hay Josh Freese tiếp tục trở thành nghệ sĩ phòng thu hàng đầu ở Los Angeles và hiện đang chơi cho Foo Fighters; kể cả khi APC vẫn tiếp tục ra những album rất hay sau này như Thirteenth Step hay Eat The Elephant; những cảm xúc của Mer de Norms có lẽ vẫn luôn chiếm một vị trí đặc biệt trong tôi, nơi chỉ có nhóm của những nghệ sĩ tài năng không có chỗ cho cái tôi, bỗng xuất hiện ở một thời điểm không ai ngờ tới và tạo ra một thứ âm nhạc chất lượng chẳng ai bằng.


***

Trong suốt hơn hai chục năm từ khi bị đột quỵ, Judy chưa bao giờ chủ động cầu xin Jimmy điều gì, dù rằng bà vẫn luôn gặp khó khăn mỗi khi đi lại và nói chuyện. Ngược lại, Jimmy luôn đảm bảo trong các tour diễn của Tool hay APC, họ luôn dành một hoặc hai ngày trống khi đi ngang qua Ohio nhà anh. Mặc dù không hề thích những hình xăm, áo da, hay bất cứ kiểu tóc nào của ông con dù là đầu trọc với Tool hay tóc giả với APC, bà luôn hết mực cảm kích mỗi khi Maynard về thăm và đôi lần còn mang mẹ của mình tới show diễn và đặt bà ngồi trong khu của bàn mix. Và mặc dù không thể nuốt trôi được lời hát do cậu con trai viết, nhất là câu “Fuck your God”, bà vẫn tự hào dõi theo ông con có dáng đứng nghiêng nghiêng như một tay đấu vật trên sân khấu ngập ánh sáng kia.


Nhưng Judy rồi cũng không trụ được lâu thêm nữa. Tới một ngày, Jimmy nhận được cú điện thoại anh biết kiểu gì cũng sẽ đến từ cô ruột – Judith bắt đầu chuyển qua thở bằng máy và chỉ có thể viết ra chữ “Cứu” yếu ớt vì không thể nói được. Jimmy lập tức lên máy bay để tới cùng mẹ những giây phút cuối cùng, trước khi cam đoan với mẹ rằng anh sẽ ổn thôi. Judith gật đầu lần cuối.


Có lẽ sự gắn kết sâu nặng với những gì họ viết ra là lý do tại sao âm nhạc của APC luôn da diết nhưng bất cần, luôn khiến người nghe thấy khó hiểu nhưng vẫn lôi cuốn, thậm chí khiến những người yêu mến họ phải phát điên với những quyết định âm nhạc của mình.


Hẹn gặp lại!


Kcid

59 views

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page