Lưu ý: bài viết chỉ mang mục đích chia sẻ suy nghĩ chủ quan, không có ý định áp đặt.
Nhạc của Adele không phải thuộc diện ưa thích của tôi. Trong bài viết trước đây về Jazmine Sullivan đấu với Mắt Xanh, mà nhân vật bí ẩn đó chính là Adele, tôi có nói tới sự tương đồng lạ kỳ trong sự nghiệp của hai cô ca sĩ tài năng này. Hai cô sinh ra cách nhau có 1 năm, tại hai đầu hai bờ Đại Tây Dương, và gần như tất cả các album đều được phát hành cùng một năm hoặc gần sát nhau. Kể cả cho tới năm ngoái, 2021, khi đầu năm Jazmine tung ra Heaux Tales thì cuối năm Adele cũng phải cho ra đĩa 30. Vấn đề là có lẽ Jazmine mang mệnh Hoả (sinh năm 1987), nhưng chỉ là Lư Trung Hoả (lửa trong lò) nên không thể “đốt cháy” nổi một Adele mang mệnh Đại Lâm Mộc (gỗ rừng già) (sinh năm 1988), thế nên sự nghiệp và độ nổi tiếng của hai cô chênh lệch nhau một trời một vực, và số lượng đĩa bán ra của album 30 của Adele tiếp tục là một minh chứng như vậy.
Tôi biết mọi sự so sánh này là khập khiễng, nhất là khi sự tương đồng trong âm nhạc của hai cô chỉ dừng ở dòng nhạc Soul nằm trong hai phong cách nhạc khác nhau của họ. Chỉ là với Adele, cá nhân tôi cảm thấy hơi tiếc khi mình không thể tìm được sự đồng cảm hay sự sâu lắng trong những bài nhạc đa phần quá chậm rãi và ỉ ôi của cô như tôi thấy được ở nhạc của Jazmine Sullivan.
Tôi tiếc là vì giọng hát của Adele nghe hay tuyệt vời mỗi khi cô không... rên rỉ! Bằng chứng là khi cô biểu diễn bài “Hello” trên show của Jimmy Fallon với sự góp mặt của band The Roots, ca khúc này nghe khá hơn hẳn version chậm chạp ở studio nhờ tiết tấu và tempo rộn ràng, mặc dù các nhạc cụ mà ban nhạc chơi toàn là mấy món đồ chơi dành cho bọn trẻ con nghịch ngợm. Do đó, một khi mà thứ nhạc cô hát “khớp” với dây thần kinh cảm xúc (của tôi) thì mọi thứ trở nên thăng hoa.
Ở bài viết này tôi muốn bàn tới hai bài ưa thích nhất của tôi với Adele, vì kỳ lạ là chúng đều có một điểm chung ngoài caia sự không rên rỉ kia: Đó là sự ẩn giấu cái nốt nhạc gây “chíu khọ” trong đó.
NHANH:
“There's a fire starting in my heart
Reaching a fever pitch and it's bringing me out the dark
Finally, I can see you crystal clear
Go ahead and sell me out and I'll lay your shit bare”
Bài “Rolling In The Deep” của Adele thuộc diện bị bật quá nhiều trên đủ mọi kênh âm nhạc lẫn ở các quán cafe, nhà hàng. Bật nhiều vậy nhưng mỗi lần nghe tôi vẫn lại như tìm được thứ gì đó mới mẻ trong đó.
Những ấn tượng đầu tiên của bài này là giai điệu bluesy đầy cá tính nhờ cách thể hiện trong giọng hát của Adele. Những nốt cao nhẹ như hơi thở mà lại hơi rung như sắp vỡ oà trong giọng hát của cô làm cho bài có tiết tấu hơi nhanh nhưng lại đọng lại cái hồn. Giai điệu đi xuống trong phần verse được tiếp nối bằng giai điệu ngang bằng trong đoạn tiền điệp khúc càng tôn bật cao trào những nốt lên cao ở phần điệp khúc sau đó. Âm thanh của Gospel lại càng tăng điểm cho bài hát trong đoạn bridge chỉ có giọng hát chính và hát bè trên nền nhạc đã được giản lược.
Ấn tượng ở những lần nghe tiếp theo là tiếng trống nện thình thịch đầy uy lực ở cả 4 phách nhịp như nhạc Disco, được làm đầy bằng câu bass chơi rất hiệu quả, thứ âm thanh không dễ thấy trong các bản nhạc Pop đứng đầu các bảng xếp hạng. Để ý sâu hơn trong những lần nghe sau còn là âm thanh guitar rhythm dịch chuyển rất lạ tai. Cái lạ không nằm ở chuỗi hợp âm mà là ở những lần chuyển.
Âm nhạc phổ biến thường đặt các hợp âm nối tiếp nhau vào các phách mạnh ở đầu hoặc ở phách số 3 ở giữa khuông nhạc. Đó là lúc phần kick drum của trống được đập vào tạo khoảnh khắc nhấn trong bài nhạc, nên sẽ hợp lý cho việc chuyển hợp âm. Lạ cái là đoạn verse gần như luôn có khúc chuyển hợp âm vào điểm giữa phách 1 và phách 2, cũng như giữa phách 3 và phách 4. Tức là đoạn nhấn bằng hợp âm đó không những không rơi trúng phách mạnh mà cả phách nhẹ cũng bị né luôn. Sự lệch lạc này nghe rất kích thích, và nó còn được lộ rõ hơn trong đoạn verse phía sau điệp khúc, khi tiếng đàn piano chỉ nổi lên vào những lúc chuyển hợp âm, làm cho mỗi khuông nhạc như bị kéo dài trễ lại một chút.
Rồi đến đây là phần bắt đầu gây khó chịu cho những ai chẳng may bắt gặp cái nốt nhạc ngỗ ngược này.
Đầu tiên cần nói rõ là tôi không có khả năng về cảm âm, cả tuyệt đối (absolute pitch) lẫn tương đối (relative pitch) nên không thể đọc ra nốt nhạc khi nghe chúng. Nhưng có một cảm giác là lạ mỗi khi câu điệp khúc được bắt đầu.
“We could've had it all (You're gonna wish you / never had met me)
Rolling in the deep (Tears are gonna fall, rolling in the deep)
You had my heart inside of your hand (You're gonna wish you / never had met me)
And you played it to the beat (Tears are gonna fall, rolling in the deep)”
Cái nốt “chíu khọ” đó không nằm trong phần hát chính của điệp khúc, mà thuộc phần hát bè, và nó chỉ xuất hiện đúng ở một chữ. Đó là chữ “wish”.
Bạn chưa nghe ra đúng không? Để cái nốt ngỗ ngược đấy hiện ra rõ nhất là khi phần hát bè “You're gonna wish you” được làm “chủ đạo” ngay sau câu bridge, từ khúc 2 phút 50 giây.
Rồi, bạn nghe có thấy nó hơi ngang ngang không? Đó là vì cái nốt nhạc mà Adele hát từ “wish” đấy. Khi xem bản nhạc, ở khuông nhạc này, hợp âm của nó là Cm (Đô thứ), cũng chính là tông giọng chính của bài. Mà trong dải gam Đô thứ, nốt La đúng ra phải là nốt Ab (la giáng), phù hợp với hoá biểu trong bản nhạc bài này. Thế mà không rõ làm sao, do sự chủ ý của Adele, của người viết nhạc, của ông sản xuất, của kỹ sư âm thanh, của lỗi “autotune” (nếu chẳng may có áp dụng vào phần hát bè), mà nốt La của từ “wish” lại là nốt La thường (tạm đặt tên là Nốt La Xấu Xa).
Về mặt nhạc lý thì đoạn này người ca sĩ hát bè (chính là Adele luôn) sẽ bị coi là hát sai nhạc. Thế nhưng cái sự vô lý và nốt nhạc lỗi đấy lại thành đúng. Nó đúng ở cái là âm sắc “ngang phè” của Nốt La Xấu Xa này được giấu rất kín đáo và tạo một độ căng nhất định cho sự giải toả ở các khuông nhạc sau, lúc mà các nốt La khác trong phần hát bè được Adele hát đều rót trúng nốt La giáng. Có người còn nói, Nốt La Xấu Xa đó là quãng 6 trưởng so với nốt C, lại vào đúng từ "wish" trong câu "You're gonna wish you" thể hiện một cảm xúc tích cực, nhưng ngay câu sau đó "never had mad me", lại là nốt La giáng, quãng 6 thứ, dập tắt ngay bầu không khí lạc quan cả về ngôn từ lẫn âm sắc.
Nốt nhạc “sai sai” này mang tới một cảm giác khó chịu bứt rứt với một số người, nhưng có những người như tôi khi nghe nó lại thấy bài hát được tô thêm một màu sắc mới, dù không ăn nhập vào màu sắc tổng thể bức tranh, nhưng lại vừa đủ để làm một điểm nhấn đẹp. Đến độ mà khi nghe đi nghe lại, cái Nốt La Xấu Xa đó tự dưng trở thành nốt La đúng mực còn nốt La giáng ở các đoạn sau lại trở thành những nốt La lạc lối vì chúng không có độ căng về âm sắc thú vị như vậy.
CHẬM:
“This is the end
Hold your breath and count to ten
Feel the Earth move, and then
Hear my heart burst again
For this is the end
I've drowned and dreamt this moment
So overdue, I owe them
Swept away, I'm stolen”
Nhạc phim James Bond có nhiều bài hay và rất khó để xếp hạng chúng, đặc biệt với những bài thuộc top đầu. Có điều với tôi, “Skyfall”, cũng lại là do Paul Epworth và Adele sáng tác giống như bản “Rolling In The Deep”, lại là bài hát hay nhất.
Ca khúc này có đủ các thành tố tạo nên một James Bond theme, như là phần giàn nhạc đủ cả bộ dây lẫn bộ khí bộ gõ, v.v. khá là hiển nhiên. Rồi hợp âm thứ với nốt bậc 7 và bậc 9 trưởng (ví dụ Em/Maj9) có tên gọi là “James Bond chord” khá cliche khi được chơi bằng bộ kèn hơi ở ngay đầu và cuối bài, tạo không khí buồn mà căng khó giải toả như cuộc đời của tay điệp viên. Rồi hợp âm thứ 9, khác chút ở trên với nốt bậc 7 thứ (thay vì trưởng) cũng là hoà âm mà ông nhạc sĩ Epworth phát hiện ra trong các giai điệu James Bond nhờ sức hút căng và bluesy buồn da diết trong âm sắc của nó, được ông sử dụng hết cỡ trong đoạn Bridge qua hợp âm Fm9 và Cm9 rất đẹp (giống như hợp âm Em9 tuyệt đẹp chủ đạo trong bài “No Time To Die” mà FINNEAS và Billie Eilish sáng tác sau này). Rồi motif nhạc có âm điệu tạo bởi 3 nốt tăng dần nửa cung và lại đổ về nửa cung ở nốt cuối cùng rất “Bond” trong đoạn cuối của điệp khúc khi phần kèn đi theo các nốt G - Ab - A - Ab.
Dĩ nhiên, để sáng tác được như vậy là nhờ tài viết nhạc của Paul Epworth, nhưng cái hay rất riêng của Adele là ở cách cô hát các nốt nhạc.
Giọng hát của cô không lên gân lên cốt như một số bài tôi dị ứng với nhạc Adele (mà tôi không tiện kể tên ở đây vì sợ ném đá), đặc biệt trong phần điệp khúc lên cao như vậy. Cách luyến láy theo kỹ thuật melisma như Whitney Houston từng thể hiện hoàn hảo trong bài “I Will Always Love You” được Adele áp dụng với từ “tall” trong câu “We will stand tall” vuốt từ nốt C xuống nốt F hay không đỡ được. Nhưng khó cái là cùng phần kỹ thuật melisma đó trong câu “We will stand tall”, do hợp âm của khuông nhạc thứ 3 là Fm7 khác với khuông thứ 7 là F trong đoạn điệp khúc, Adele mới luyến âm của từ “tall” từ nốt C xuống nốt F qua nốt trung gian là Ab (nằm trong hợp âm Fm7) ở khuông số 3, và đổi sang nốt trung gian là G (không thuộc hợp âm F nhưng nằm trong dải gam của F) ở khuông số 7.
Cách hát của Adele còn tinh tế hơn nữa ở cách cô nhả chữ "fall" trong câu "Let the sky fall" và âm "-bles" của từ "crumbles" trong câu "When it crumbles". Nó tạo một cảm giác như nốt nhạc lúc đó bị thiếu hụt, chỉ một chút xíu thôi, rồi cô sẽ kéo nhẹ lên làm đầy cao độ của nó. Hơn nữa Adele không dùng cách nhả chữ như vậy một cách liên tục, mà chỉ điểm xuyết, kết hợp với kỹ thuật melisma kể trên tạo sự lên xuống trầm bổng của bài hát, đúng theo mạch cảm xúc về "cái chết" và "sự tái sinh" mà Paul Epworth và Adele đã định hướng khi sáng tác ca khúc này.
Adele vốn nổi tiếng với cách hát ở các nốt không nằm trong 3 nốt chính của 1 hợp âm để tạo độ căng và giải toả phần nhạc ngay sau đó một cách toàn diện, tuy nhiên cách hát trên của cô còn hơn cả thế vì nó rất tinh tế. Thế nhưng đó vẫn không phải là cái nốt “chíu khọ” mà tôi muốn nói ở đây.
“Let the sky fall
When it crumbles
We will stand tall
Face it all together
Let the sky fall
When it crumbles
We will stand tall
Face it all together
At Skyfall”
Trong đoạn điệp khúc của bài, giai điệu của 4 khuông nhạc đầu và của 4 khuông nhạc sau gần như là giống hệt nhau. Nhưng hợp âm lại không chạy song song. Như đã kể ở trên, hợp âm đổi từ Fm7 ở khuông số 3 sang F ở khuông số 7 nhưng không có sự mâu thuẫn về nốt nhạc do Adele đã chủ ý đưa vào biến đổi nhỏ trong cách hát. Nhưng cô không làm vậy ở khuông nhạc số 8.
Các nốt giai điệu giống hệt nhau ở khuông số 4 và khuông số 8. Có điều là nốt F trong giai điệu hát không gây mâu thuẫn với hợp âm Cm ở đầu khuông số 4 vì nốt F nằm trong dải gam của Cm, thì nốt F này (ứng với âm “all” và “-ther” trong câu “Face it all together”) ngay lập tức “đốp nhau choang choác” với hợp âm D7(b9) ở đầu khuông số 8. Ở đây ta tạm đặt tên cái nốt “chíu khọ” này là Nốt Fa Quấy Fá.
Trong hợp âm D7(b9), các nốt bao gồm D-F#-A-C-Eb. Bỏ qua một đống nốt phức tạp trong cái hợp âm dài ngoằng đó, nốt F# trong hợp âm rõ ràng không ăn nhập gì với nốt F thưởng của giai điệu hát. Nói một cách khác, do sự biến đổi của hợp âm đối nghịch với sự giữ nguyên của giai điệu, trong trường hợp này, không rõ nốt F thường ở giai điệu hay nốt F# ở hợp âm mới là Nốt Fa Quấy Fá.
Rõ ràng là Paul Epworth - ông nhạc sĩ có thể thay bằng một hợp âm khác phù hợp hơn, hoặc Adele có thể hát lên nốt F# trong khuông số 8. Nhưng không một ai chịu nhường ai, để lại một độ căng trong đoạn nhạc này. Ấy thế mà về mặt âm sắc, nó không tạo sự ngang phè về mặt lý thuyết như bản nhạc thể hiện. Phải nghe thực sự chú tâm, hoặc có đôi tai nhạy bén về cảm âm (không phải tôi), thì mới nhận ra sự “mâu thuẫn” của Nốt Fa Quấy Fá đó. Đó là vì nốt F thường từ giọng hát của Adele không bị “vênh” so với nốt F# đến từ giàn dây strings nhờ hai âm sắc khác nhau của vocal và nhạc cụ.
Ở 1 phút 45 giây, cái tiếng nghịch tai tạo bởi hai nốt F và F# lộ lên rất rõ
Để kiểm chứng rõ nhất, các bạn chắc phải nghe bản chuyển thể piano trên kênh Youtube hay đỉnh cao - PianoX. Ở 1 phút 45 giây, cái tiếng nghịch tai tạo bởi hai nốt F và F# lộ lên rất rõ nhờ chúng đều cùng mang một âm sắc của đàn piano.
Nhưng kể cả khi sự mâu thuẫn hiện ra rõ rệt vậy, đôi tai ta cũng đã quá quen giai điệu này để chờ đến hồi giải toả từng nấc một, từ F, xuống Eb, D và cuối cùng là C một cách đầy thoả mãn.
*****
Vậy đó, số bài hát ưa thích của Adele với tôi chỉ đếm trên đầu ngón tay trên một bàn tay, nhưng chúng đều có một ấn tượng sâu sắc với tôi. Dù cái Nốt La Xấu Xa và Nốt Fa Quấy Fá không phải là yếu tố rõ rệt để tôi mê mệt hai bài hát tiêu biểu này của Adele, nhưng chắc chắn là chúng là minh chứng thú vị cho thấy tài năng lựa chọn nốt nhạc đầy tinh tế khi hát của cô. Nên dù nhìn chung không thích nghe nhạc của Adele, tôi vẫn phải công nhận là cô hát giỏi thật!
Hẹn gặp lại!
Kroon