Năm 2022 nhìn lại là một năm thành công với âm nhạc, ít ra là với bọn tôi. Thì đây, sự trở lại của một số band đều xuất sắc, từ Spoon, The Mars Volta, alt-J, Yeah Yeah Yeahs, đến Arctic Monkeys, Placebo, Arcade Fire, Red Hot Chili Peppers. Và những nghệ sĩ chúng ta đón chờ như Polyphia, The Weeknd, Kendrick Lamar hay Beyoncé cũng đều tạo bất ngờ vượt cả mong đợi.
BIG 4:
1. Polyphia - Remember That You Will Die: một mình một league. Ngả mũ kính phục.
2. Father John Misty - Chloë and the Next 20th Century: thứ nhạc ngọt lịm này nghe mê lắm các bác. Album này hay không kém đĩa God’s Favorite Customer phát hành 4 năm trước.
3. Kendrick Lamar - Mr. Morale & The Big Steppers: đáp lại sự mong mỏi của người hâm mộ, Kendrick ra hẳn album đôi và nó thực sự choáng ngợp bởi dù thời lượng dài hơn nhưng không có lấy một track mang lại cảm giác tầm thường.
4. The Smile - A Light For Attracting Attention: là dự án ngoài lề của Thom Yorke và Jonny Greenwood cùng Tom Skinner, đây giống một album mới của Radiohead hơn. Âm nhạc cuốn hút và mê hoặc từ đầu tới cuối, thoả mãn cho những fan đói nhạc của Radiohead.
TOP TIER:
5. Ozzy Osbourne - Patient No 9: tuyệt hay với sự kết hợp với rất nhiều đại cầm thủ, trong đó có cả Eric Clapton. Một sự ngạc nhiên thú vi.
6. The Weeknd - Dawn FM: phần production đỉnh cao làm album mới của anh Weeknd thành đĩa mở màn xuất sắc cho năm 2022. Âm thanh điện tử Disco tuyệt đẹp này làm nuột lỗ tai người nghe ngay từ track đầu cho tới cuối. Thích nhất “Out Of Time”.
7. Anika Nilles - Opuntia: muốn đi xa hơn phong cách prog rock trong đĩa Pikalar, tay trống nữ cá tính này đã không ngần ngại thử nghiệm bất cứ thứ gì tạo ra nhịp phách. Và dĩ nhiên không thể chê được chất lượng của đội ngũ nhạc sĩ chơi cùng cô, Anika Nilles đã mang đến một đĩa EP đầy hứa hẹn vì khả năng lôi cuốn người nghe từ phút đầu đến phút cuối lẫn sự lạ lẫm đầy thích thú trong thể loại nhạc được dẫn dắt bởi một tay trống như này.
8. Danger Mouse & Black Thought - Cheat Codes: sự kết hợp hoàn hảo giữa những bản beat có hồn của Danger Mouse với những phần rap đậm chất old school của Black Thought cùng các khách mời biến album này thành một tuyệt phẩm của năm.
9. Beyoncé - Renaissance: tôi thường không trông chờ nhiều từ nhạc của Beyonce dù là hai album gần nhất, Lemonade và đĩa cùng tên đều hay, nhưng album nước chanh cũng đã phát hành cách đây hơn 6 năm nay rồi. Thế nhưng mới nghe Renaissance thì tôi bị cuốn thực sự. Không chỉ mấy bài nhạc dance và disco, album này vẫn có những track theo phong cách R&B và funk với nhịp điệu và bass groovy hay vô cùng.
10. Five Fingers Death Punch - Afterlife: nghe đĩa này chỉ vì Andy James đã trở thành lead guitar của band. Kết quả là nhạc của 5FDP vẫn thế và dường như chỉ có 3 bài là có đóng góp rõ nét của Andy.
11. Red Hot Chili Peppers - Unlimited Love: album đầu tiên của band với guitarist John Frusciante sau gần 16 năm. Quả nhiên không gây thất vọng tẹo nào.
12. Placebo - Never Let Me Go: album đầu tiên của nhóm sau 9 năm vắng bóng và bạn có thể cảm được âm thanh kỳ ảo của album này ngay từ track đầu tiên. Hay tê người, nhất là nếu bạn đã thích Placebo.
13. Suede - Autofiction: thật sự các anh trong Suede làm và chơi nhạc thật sự giữ vững phong độ. Ở tầm này không kỳ vọng nghe được những đĩa hay từ những nghệ sĩ hơi “già” so với thế hệ này, vậy mà ngoài 2 album trước Night Thoughts và The Blue Hour vẫn ngon lành rồi, nhưng Autofiction có lẽ còn hay hơn.
14. Pusha T - It’s Almost Dry: King Push vẫn thể hiện sức mạnh của một rapper đẳng cấp, đặc biệt trong mảng c.o.k.e rap - “The purest snow we sellin' white privilege”. Album này còn tuyệt hay, đặc biệt ở nửa đầu đĩa.
15. Steve Vai - Inviolate: một nỗ lực tuyệt vời và xứng đáng cho mọi người chờ đợi suốt 5 năm qua. Steve Vai cho thấy sức sáng tạo hoàn toàn không hề giảm sút và khả năng "chèo lái" ban nhạc qua những đoạn nhạc cực khó mà nhẹ nhàng như không.
16. MØ - Motordrome: không có quá nhiều kiểu hát chất MØ với cách gằn giọng và nhấn nhá quen thuộc, cô gái này tự bạch rằng cô vừa phải trải qua thời kỳ kiệt sức sau những chuyến tour dài ngày, dẫn đến việc khân giả phải chờ 3 năm mới được nghe album thứ 3 của MØ. Mấy track đầu có nhiều âm thanh khá độc đáo và "ambient" thay vì sôi động như mấy đĩa trước, nhưng mấy track sau thì không giữ được phong độ.
17. Animals As Leaders - Parrhesia: bọn tôi cũng đang tập tành nghe Djent đấy các ông bà, và đĩa này ra chính hợp thời điểm. Bộ đôi Tosin Abasi và Javier Reyes tiếp tục tạo ra những thử thách mới trong 9 track với độ dài rất vừa phải.
18. Spoon - Lucifer On The Sofa: ban nhạc được Metacritic bầu là hay nhất thập niên 2000 quả nhiên không làm thấy vọng ở thập niên này. Album tuyệt hay!
19. Derek Sherinian – Vortex: khán giả đã phải chờ khá lâu từ sau Oceania (2011) để mới lại được nghe một album prog với sự góp mặt của các bậc anh tài như Steve Stevens hay Bumblefoot. Nếu muốn biết nhiều hơn về tài năng của Stevens, người sáng tác ra bản nhạc Top Gun lừng danh, hãy nghe album này của Derek Sherinian.
20. Joe Satriani - The Elephant of Mars: đôi lúc tôi vẫn ngờ ngợ Joe Satriani uống được nước thánh hồi sinh hay sao mà càng già càng ra nhạc đều hơn. Album này thì nghe thật lạ với những tiếng nhạc điện tử và nhiều chỗ như chơi trống điện - nhưng chỉ càng khiến người nghe phải tấm tắc vì khả năng đẩy xa hơn những giới hạn của ông.
21. Early James - Strange Time To Be Alive: hay tuyệt từ đầu đến cuối. Âm nhạc có màu sắc của Tom Waits hệt như chính thần tượng của anh nghệ sĩ trẻ này.
22. Simon Phillips – Protocol V: jazz ư? Prog ư? Prog Jazz chăng? Đảm bảo bạn sẽ ngạc nhiên với chất lượng nhạc nếu biết rằng những người chơi cùng Philips ít khi xuất hiện trên bản đồ âm nhạc.
23. The Mars Volta - The Mars Volta: các anh trở lại sau 10 năm vắng bóng. Âm thanh progressive vẫn đó nhưng kiểu nhạc pop khác hẳn những đĩa mang âm thanh nặng ngày trước. Có điều pop không có nghĩa là kém hay. Ngược lại, album này mang giai điệu cực hay và phần nhạc được biến đổi thực sự rất “volta”.
24. Alexandra Zerner – Do’nt Give Up!: Một thế lực mới từ châu Âu với thứ âm nhạc progressive khác hẳn những gì bạn từng nghe.
25. Lupe Fiasco - Drill Music In Zion: một nhạc phẩm hoàn mỹ của Lupe khi không có track nào cần phải skip. Thấy bảo ban đầu anh định thu âm đĩa này trong 24 giờ, nhưng cuối cùng phải kéo dài sang “tận” 3 ngày. Tài năng của Lupe thực sự đáng nể.
NEXT TIER:
26. Little Slimz – No Thank You: album phát hành đầy bất ngờ của cô rapper này mang chất lượng âm nhạc tuyệt hảo.
27. Slipknot - The End, So Far: Nhạc hay nhưng nghe không giống Slipknot lắm nhỉ
28. alt-J - The Dream: đã lâu lắm rồi mới được nghe nhạc mới của các anh. Không có những khúc quá phá cách như mấy album đầu nhưng tôi vẫn ưng phong cách nhạc bay bổng này.
29. Earthgang - Ghetto Gods: từ hồi biết đến bộ đôi này từ anh chàng JID, chưa thấy các anh làm thất vọng. Album mới này cũng vậy!
30. Eddie Vedder - Earthling: đĩa nhạc đa thể loại của Eddie và đặc biệt thú vị với sự góp mặt của Chad Smith trên giàn trống. Anh này có lẽ nên nghiên cứu qua kết hợp và đỡ cho anh số 31 một chút.
31. Slash - 4: không hiểu vì chuyển sang hãng đĩa của Gibson hay do ảnh hưởng của covid mà đĩa này nghe không đã như 2 đĩa trước. Đúng là anh này nên kết hợp với số 30.
32. Scorpions - Rock Believer: từng được hy vọng sẽ ngon như sự trở lại của AC/DC nhưng có vẻ không ăn thua.
33. Denzel Curry - Melt My Eyez See Your Future: người có tài thì làm gì cũng giỏi, kể cả khi album này mang một vibe khác các đĩa trước nhiều.
34. Benny The Butcher - Tana Talk 4: chả ai như Benny cả, ra album sòn sòn mà chất lượng vẫn hay, đặc biệt là cái này.
35. Band of Horses - Things Are Great: tôi nghe đĩa này khi đang đi bộ, và không mong chờ quá nhiều cho đến khi tôi nhận thấy mọi sự vật xung quanh như chậm lại.
36. Vince Staples - Ramona Park Broke My Heart: nhạc của Vince nghe ngấm nhất là bằng headphone!
37. Shinedown – Planet Zero: nếu bạn nhớ System of a Down, thì có lẽ đây là một band có thể đáp ứng được ít nhiều khoảng trống trong lòng bạn. Dù có nhiều bài nghe hơi ngộ ngộ và thị trường.
38. Wet Leg - Wet Leg: được giới thiệu của một bác trên page này thì tôi mới nghe thử band có cái tên kỳ lạ này. Hoá ra đây là đĩa đầu tay của hai cô gái người Anh chơi nhạc post punk và indie rock. Rất hay cho ai thích thể loại này.
39. Fontaines D.C. - Skinty Fia: album thứ 3 của ban nhạc chơi thể loại post-punk đến từ Ireland. Nhạc của họ vẫn hay như album trước đó “A Hero’s Death” phát hành năm 2020.
40. Kehlani - Blue Water Road: thứ nhạc R&B của Kehlani thực sự có một cái gì đó rất cuốn, mà nói thật tôi vẫn chưa nhận ra đó là thứ gì, ngoài giọng hát của cô.
41. Arcade Fire - WE: album đánh dấu sản phẩm cuối cùng có mặt của Will Butler, cậu em trai của frontman Win Butler. Sự xen lẫn giữa những đoạn nhạc nhẹ nhàng mang phong cách folk rock với đoạn nhạc điện tử tưởng chừng sẽ lệch lạc trên giấy tờ, nhưng thực tế Arcade Fire biến hoá rất mượt mà, và quan trọng nhất là không làm mất đi cái theme của cả album, thứ mà ban nhạc cực chú trọng.
42. Halestorm - Back from the Dead: nhạc vẫn bốc thế dù guitar không cần solo, nên tôi chuyển qua nghe Lzzy hât nhiều hơn. Có vẻ mấy bài này viết trong thời Covid nên xem ra nghe cũng hợp tâm trạng.
43. Monophonics & Kelly Finnigan - Sage Motel: còn gì bằng album nhạc funk, psychedelic, soul hay như này
44. Perfume Genius - Ugly Season: giống tên album, nhạc đĩa này còn đen tối hơn đĩa trước. Các bài còn có phần nhạc interlude khá dài sau đó, nhưng những lúc Michael Hadreas hát thì tuyệt hay!
45. Viagra Boys - Cave World: làm sao mà ban nhạc post punk của Thuỵ Điển có cái tên kỳ cục này lại làm ra thứ âm thanh hay đến vậy? Đĩa Welfare Jazz năm ngoái nghe đã bất ngờ lắm rồi.
46. Black Midi - Hellfire: progressive rock, jazz, post-punk, loạt âm thanh thử nghiệm trong album của ban nhạc đến từ nước Anh vừa lạ tai mà lại phê màng nhĩ.
47. Steve Lacy - Gemini Rights: nghe nhạc của bạn này khá giống với anh Miguel, theo cách rất hay, chứ không phải copy.
48. Arch Enemy - Deceivers: có lẽ cần nhiều hơn một lần nghe để hiểu ra AE định làm gì với âm nhạc của họ. Có vẻ Michael Amott đã biết tận dụng thế mạnh của Alissa White-Gluz tốt hơn và những màn song tấu guitar cũng trở nên rõ nét hơn đĩa trước.
49. Harry Styles - Harry’s House: chỉ vì cái post linh tinh của tôi về chuyện tạp chí Rolling Stone gọi Harry là New King of Pop và có một số bạn khen nhạc của anh chàng này hết lời, mà tôi lại phải tìm nghe kỹ nhạc anh, dù là album này đã phát hành từ tháng Năm. Công nhận nhạc hay lắm đó
50. JID - The Forever Story: một trong số ít album Hip Hop tôi ngóng nhất năm nay. Nghe mượt vô cùng. Ngoài trình rap, giờ tôi mới biết JID hát hay đến vậy, sau khi nghe bài “Kody Blu 31”.
51. Lari Basilio - Your Love: album được trông đợi của Lari Basilio nhưng có vẻ chưa thực sự nhảy mức để cô có thể trở thành sao. Dù sao cũng rất hài lòng với chất lượng chơi nhạc và sản xuất của album này, nhất là bản nhạc đinh "Alive and Living".
52. Freddie Gibbs - $oul $old $eperately: như cái tên của album, chất nhạc Soul lần này mang lại những bản track vô cùng hay. “Lobster Omelette” và “Feel No Pain” là hai bài tôi rất thích.
53. Sampa The Great - As Above, So Below: hip hop với phần nhạc làm tuyệt hay. Không khí bộ lạc kết hợp với màu sắc tương lai trong album này hoà quyện cực chuẩn, tựa như cảm xúc tôi nghe ở soundtrack của phim Black Panther trước đây của Kendrick Lamar.
54. Megadeth - The Sick, the Dying, and the Death: khi Dave trở lại là Dave của ngày xưa với âm thanh thời đỉnh cao được đào lại. Những bài nhắm là hit nghe thì thật đã và những bài filler nghe cũng thật filling. Ôi Dave!
55. Yeah Yeah Yeahs - Cool It Down: album trở lại sau 9 năm vắng bóng. Nhưng họ vẫn làm được điều kỳ diệu với chất lượng của đĩa này.
56. Marcus Mumford - (self titled): album đầu tay của ca sĩ chính nhóm Mumford & Sons. Đầy tự sự và thật thích hợp để nghe trước khi đi ngủ.
57. The Afghan Whigs - How Do You Burn?: một nhạc phẩm rất hay của ban nhạc đến từ Mỹ này. Chắc khi nào tôi phải ngồi nghe lại album Gentlemen và Black Love mới được.
58. Parkway Drive - Darker Still: một bạn đọc của Emoodzik đã giới thiệu band này. Quả nhiên chất lượng đáng ngạc nhiên và có thể đây sẽ là một hướng đi của Rock hiện đại?
59. Alter Bridge - Pawns & Kings: sau album trước có phần thất vọng, đĩa này dù không có nhiều điểm bất ngờ mới mẻ, tổng thể nó lại là album hay nhất trong mấy sản phẩm gần đây. Dù vậy vẫn mong một ngày các anh phá cách.
60. Lamb of God - Omens: chắc nịch và cuốn nhưng có lẽ tôi vẫn cần ai đó là fan của LoG chỉ bảo thêm về thể loại này.
61. Arctic Monkeys - The Car: trình độ sáng tác nhạc của Alex Turner đúng là đỉnh cao. Dù nhạc của Arctic Monkeys thay đổi thế nào, quay ngoắt bao nhiêu độ, dù có hợp hay không hợp các fan trung thành thì vẫn phải công nhận nhạc của anh luôn cực chất lượng.
62. Ocean Alley - Low Altitude Living: một hai bài đầu chưa đủ để nói lên nhạc của đĩa này. Cả album bắt đầu gây chú ý với tôi từ track số 3 trở đi. Giọng hát hơi sến nhưng vẫn hay của Baden Donegal và những câu guitar lead rất hay của Angus Goodwin là điểm sáng của album này.
63. Jack White - Fear Of The Dawn: anh Jack không ngừng thử nghiệm. Nhạc nghe thật lạ tai và các câu đàn vẫn oanh tạc đôi màng nhĩ. Càng nghe càng hay! Nếu thêm gia vị của Blues nhiều hơn một chút thì chắc hay nữa.
64. Rammstein - Zeit: Rammstein là một ví dụ ban nhạc cứ trung thành với một thể loại và làm thật tốt thì vẫn thoả mãn các fan. Rất nhiều bài hay, trong đó tôi thích nhất Giftig, OK, Angst và Lügen.
65. Earl Sweatshirt - SICK!: vừa đầu năm mà đã được thưởng thức một ấn phẩm rap đầy ấn tượng như vậy.
66. FKA twigs - CAPRISONGS: là bản mixtape nhưng đủ để enjoy phần nhạc mà tôi nghe vẫn thấy đồng nhất như một album hay của cô.