Vị bầu sô đang ngồi trong phòng của mình thì một gia đình nọ bước vào. Ông bố, bà mẹ, hai đứa con, và cả một chú chó nhỏ. Gia đình kia muốn trình diễn cho vị bầu sô nọ một tiết mục tự biên, mong rằng có thể nhờ đó được ông đưa họ ra trước công chúng. “Cho ta xem tiết mục của mấy người là về thứ gì?” - vị bầu sô hỏi.
Nếu như bạn chưa từng được nghe tới một cái joke mang tên “Aristocrats”, bạn có thể có lựa chọn ngừng lại ở đây trước khi đọc tiếp, bởi cái joke nổi tiếng (tai tiếng) này được mệnh danh khắp làng trào phúng là “the filthiest joke ever”. Nôm na thì nó bựa vào loại đỉnh của đỉnh (hoặc đáy của vực cũng được?).
Còn nếu như bạn tự cho mình có đủ sức "đỡ" được chiếc joke này, hoặc chí ít cũng tò mò xem vở diễn của gia đình nọ có trò gì độc đáo, thì nó đây.
***
Ông bố bắt đầu lao vào "phịch" bà mẹ. Bà mẹ bắt đầu "thổi kèn" cho ông con. Ông con giai thì "nghịch tí chơi" chị của nó. Cô con gái thì thụt tay vào cái lỗ của con chó. Nôm na thì tất cả mọi người (và chó) đều quay qua mlem mlem lẫn nhau. Và dường như như vậy chưa đủ nhớp nhúa, thì tất cả mọi người (và chó) đều "bĩnh" ra ngay tại chỗ. Tất cả gia đình thay nhau phịch nhau và bĩnh; bĩnh rồi lại phịch nhau trên cái đống nhầy nhụa tinh binh và tinh túy đó. Và khi màn trình diễn kết thúc, cả gia đình cúi chào.
“Quả là một màn trình diễn thú vị” – vị bầu sô không tìm được từ ngữ khá hơn – “mấy người gọi tên vở diễn này là gì?”
“The aristocrat – sự quý phái thưa ông!” – ông bố đáp lại.
***
Trước khi các bạn muốn đổi ý và nguyền rủa tui về câu chuyện nhảm nhí kể trên, xin hãy hiểu cho rằng đó cũng chính là nguồn cảm hứng cho cái tên của ban nhạc The Aristocrats lừng danh. Nghe hao hao giống ý tưởng của Jethro Tull và album concept đỉnh cao Thick As A Brick phải không?
Không phải vô cớ mà cái joke này được mệnh danh là một trong những joke đỉnh của đỉnh. Nội dung của nó thực ra chả có gì, chẳng qua chỉ là mấy câu bông đùa tởm và tởm hơn, vốn chỉ được truyền miệng trong giới làm hài như là một món gì đó để kỳ thị; thì bỗng một ngày nọ được đem lên show truyền hình hết hồn qua lời kể của danh hài Gilbert Gottfried. Sự xuất sắc trong màn trình diễn của anh này không nằm trong nội dung của cái joke đó, mà tới từ cái cách Gottfried liên tục quay đi quay lại cái chủ đề tục tĩu đầy nhạt nhẽo đó, để rồi kết nó lại bằng 1 cú đấm không thể nhạo báng hơn: “đó là sự quý phái!”.
Họ luôn biết cách mở đầu thât chặt chẽ và đấm thẳng vào mặt như "Stupid 7"
Với bộ ba The Aristocrats cũng vậy, dù cho có quá nửa số người nghe vẫn tưởng rằng họ xứng đáng với cái tên "mỹ miều" kia dành cho một ban nhạc 3 người siêu đẳng; thì hóa ra họ vẫn luôn đầy ẩn ý với thứ âm nhạc trào phúng và chẳng có tí ti ông cụ cái sự trầm trọng nào!
Bộ ba nghệ sĩ Guthrie Govan (guitar), Bryan Beller (bass) và Marco Minnemann (trống) bắt đầu chơi nhạc với nhau từ năm 2011. Thực ra trước đó Bryan Beller đã chơi cùng với Marco Minnemann từ lâu rồi, nhưng cũng vì trong một show diễn ở đại hội triển lãm NAMM vào năm đó, Beller và Minnemann bị khuyết mất vị trí guitar (đáng nhẽ sẽ cùng chơi với Greg Howe nhưng anh này bận phút chót), và rồi ai đó trên youtube đã gợi ý cho Bryan Beller về Guthrie Govan. Một cuộc điện thoại và một show diễn của ba người với những bản nhạc từ những album solo của họ. Và rồi họ tự thấy sẽ là quá uổng nếu họ không trở thành một ban nhạc. Album đầu tay cùng tên của họ, The Aristocrats, được phát hành không lâu sau đó và không chỉ có cái tiêu đề nhắc lại cái joke nhảm cức nọ, tiêu đề của các bài hát như “Sweaty Knockers” hay “Blue Fuckers” dường như cũng đã gọi ý cho khan giả về khả năng trào phúng của mấy tay này.
Nhưng dường như album đầu tay của họ không có vẻ gì là sẽ trở thành một cột mốc trong lịch sử âm nhạc, dù rằng Guthrie Govan thì vẫn được mệnh danh là một trong những cây guitar tài năng nhất thời hiện đại, Bryan Beller thì chơi nhạc lẫn thu nhạc cùng Joe Satriani và Steve Vai kỳ tài, còn Marco Minnemann thì không lâu trước đó thậm chí còn át vía tất cả những tay trống progressive khác từng tham cuộc audition để trở thành tay trống cho Dream Theater, cũng như thuyết phục hoàn toàn các thành viên của DT về tài năng của mình (dù rốt cuộc Mike Mangini cần mẫn được chọn).
Tui phải thừa nhận là album đầu tay của Aristocrats không dễ tiếp cận như các album solo của mỗi người trong số họ. Dường như album Aristocrats này có đầy kỹ thuật nhưng không có một sự mạch lạc xuyên suốt, không thiếu ý tưởng và cả sự giao thoa nhưng lại chưa tạo ra được một không khí bao trùm đáng nhớ. Có chăng thì “Bad Asteroid" với giai điệu đầy tâm trạng của nó và “Blue Fuckers” với chất nhạc quậy tưng kiểu Minnemann là những khoảnh khắc đáng nhớ trong album này và là thứ đáng nhớ để người nghe lâu lâu quay lại. Đâu đó đã có những suy nghĩ "giá như" nảy ra trong từng đoạn nhạc của Aristocrats.
Nghe live còn hay hơn đĩa với "Bad Asteroid"
Kể cũng không công bằng, bởi những gì GG, BB, và MM đã làm được từ các album solo của họ chỉ khiến người nghe có nhiều sự kỳ vọng hơn. Mỗi người trong số họ đều đã có khả năng soạn nhạc hoàn hảo, đều có thể tự viết tất cả các phần trong một bản phối nhạc của họ. Những Erotic Cakes của Govan hay Thanks In Advance của Bryan Beller trước đó đều tự nó đã là những album hoàn chỉnh với những phần đàn và trống tuyệt vời mà không cần thêm sự có mặt của ai nữa. Việc này có vẻ như cũng không giúp gắn kết các thành viên ban nhạc với nhau hơn, khi mỗi người đều tự soạn sẵn phần nhạc hoàn chỉnh trong mỗi bài họ mang tới, và những người còn lại sẽ tìm cách tập theo thay vì cùng nhau sáng tác. Việc 3 ông sống ở 3 nơi khác nhau (GG ở Anh, BB ở Los Angeles, còn MM thì bay qua lại giữa Mỹ và Âu) chắc chắn cũng không tạo điều kiện cho họ có thêm thời gian jam cùng nhau.
Nhưng hãy cùng nhau nhớ lại món joke mang tên Aristocrats kinh điển kia. Điều quan trọng hơn cả, là người kể joke đó phải không ngần ngại liên tục quay lại cái chủ đề tục tĩu cũ mèm đó. Bộ ba nghệ sĩ của chúng ta cũng vậy, họ không ngại việc tiếp tục quay lại với thứ nhạc hỗn mang như ở album đầu tay của họ, với hầm bà làng đủ các loại ý tưởng. Tin tốt là khi họ ra album thứ hai, họ đã có thêm vài năm chinh chiến cùng nhau trên sân khấu và trở nên hiểu nhau hơn rất nhiều. Vẫn là cách mà GG, BB, hay MM mang ca khúc đã soạn sẵn của mình tới phòng thu, nhưng nay từng người trong số họ đã biết cách phải viết nhạc để cho người đồng đội của mình sẽ thể hiện như thế nào.
Album thứ hai của Aristocrats, Culture Clash, dù vẫn có hầm bà làng các thứ từ dễ nghe đến khó nghe, có vẻ đã có một đường lối sáng sủa hơn. Vẫn 9 bài với mỗi người 3 bài, sẽ luôn có sự khởi đầu đáng nhớ với một bài từ Marco Minnemann như tát một chậu nước vào mặt, và rồi sẽ có một cú đấm dứt điểm ở track cuối cùng, giống như cách mà danh hài Gottfried kết lại trò đùa “Aristocrats” của anh năm nào.
Trong Culture Clash, phần kết của album không thể tuyệt vời hơn với “And Finally”, một bài của GG. Mở đầu bằng phần guitar phức tạp, nhưng GG nhanh chóng tạo ra một phần nền ý tưởng ngay sau đó, để rồi sau rất nhiều lần thay đổi tốc độ và nhịp phách suốt cả bài, không ít lần GG quay lại với phần nền ban đầu đó. So với album đầu tay, Culture Clash đã làm tốt hơn ở chỗ nó đã phơi bày những yếu tố quen thuộc của mấy vị nghệ sĩ này với khán giả của họ.
Một cái kết đầy chiêm nghiệm của Govan với "And Finally"
Điểm mạnh nhất của Guthrie Govan là tạo ra màu sắc và sự truyền cảm trong âm nhạc. Người nghe lập tức có sự liên tưởng về một kiểu nhạc mà họ đã từng biết ngay khi GG bắt đầu câu đàn. Trong khi đó, điểm mạnh của Bryan Beller là tổng thể ý tưởng và cách kể chuyện trong bài. Đó là cách anh nghĩ ra tiêu đề của bài hát trước và xây dựng câu chuyện và tô điểm màu sắc xung quanh ý tưởng đó. Còn với Macro Minnemann, đó là sự khó lường, sự chặt chẽ tỉ mỉ trong từng nét nhạc, và cả những câu riff đáng nhớ. Aristocrats sẽ luôn dùng những ca khúc của MM để mở đầu và làm người nghe bị choáng đòn, trước khi nâng đỡ khán giả lên và dìu dắt đôi tai của mọi người qua những ca khúc đầy màu sắc tiếp theo.
Tới album thứ ba, Tres Caballeros (ba quý ông – một cách chơi chữ từ đồng nghĩa thay cho Aristocrats), thì mọi chuyện đều dường như đã thành hình.
Marco Minnemann sẽ vẫn luôn bắt đầu cho album với một ca khúc đập vào mặt (trong trường hợp này là “Stupid 7”).
“Through The Flower”, ca khúc kết thúc sẽ luôn mang nhiều ý tưởng và sự rung cảm, và mặc dù lần này được phụ trách bởi Bryan Beller, rõ ràng ca khúc này được Beller định hình ra với tiếng guitar của Guthrie Govan dẫn dắt – một ví dụ rõ ràng về việc các thành viên của Aristocrats càng ngày càng hiểu nhau hơn và dù họ vẫn viết nhạc riêng rẽ với đủ các phần phối, họ đã dần bắt đầu viết nhạc với sự mường tượng về người đồng đội của mình sẽ chơi phần của họ thế nào.
"Through the Flower": nơi sự hiểu ý giữa BB và GG bắt đầu chín muồi
Và có lẽ đó là điều tui thấy thú vị nhất trong âm nhạc của Aristocrats – họ tiến hóa để trở nên hòa hợp với nhau mặc dù họ vẫn làm nhạc như những nghệ sĩ riêng rẽ. Ấy theo cách gọi của chính họ, đó là sự dân chủ rắm rối trong âm nhạc. Bởi giống như chính Marco Minnemann đã từng thừa nhận, mỗi người trong 3 người bọn họ đều viết rất nhiều, và họ cũng có cả những mỗi bận tâm khác như album solo. Vậy nếu khán giả muốn tìm tới GG, BB, hay MM như từng cá nhân họ, có cả tá sản phẩm solo của mỗi người. Aristocrats, có lẽ là nơi mỗi người trong 3 người họ tung chiêu vừa đủ để tạo ra một màu sắc mới mẻ khác với chính họ lâu nay, và quan trọng hơn, để có thời gian vui vẻ và giúp khán giả bớt ngâm cứu nhạc của họ một cách đầy nghiêm trọng.
Thì đó, bìa các album của Aristocrats, bất kể là studio hay live, đều xuất hiện hình ảnh con gà và con heo, những thứ mà thậm chí Aristocrats còn mang cả lên sân khấu để jam nhạc cùng với họ. Chính một bầu sô người Thổ Nhĩ Kỳ đã từng rất ngạc nhiên khi dẫn mấy anh này ra chợ ở Istanbul mua đồ kỷ niệm và 3 anh chọn 3 con gà đồ chơi biết rú lên thảm thiết mỗi khi bị bóp. Còn con heo chắc hẳn tới từ Guthrie Govan, một người Anh chính gốc. Ai cũng biết người Anh thích ăn bacon như thế nào và nếu không có cuộc cách mạng công nghiệp, thì heo hẳn đã được thờ phụng ở Anh chả khác gì bò ở bên Ấn độ. Winston Churchill, một người vốn thân heo, thậm chí đã từng nói: “Mèo thì khinh thường con người. Chó thì cầu cạnh con người. Chỉ duy nhất có heo là nhìn thẳng vào mắt bạn”.
"All Said And Done": không thể đoán được đây là bài của BB hay GG nữa
Chắc hẳn, những thứ nhảm nhí đó đều chỉ để nhắc lại với mọi người rằng, đừng ngâm cứu âm nhạc của Aristocrats một cách quá nghiêm trọng, bởi cũng khối người đã gây nhau xem mấy anh này chơi Progressive hay Jazz. Và sự kỳ vọng ở những thời điểm khác nhau có vẻ cũng không ít.
Album thứ 4, You Know What…? có lẽ là album hay nhất và đều tay nhất của Aristocrats đến thời điểm này. Tới đây chắc hẳn bạn đã bắt đầu biết phải kỳ vọng gì ở trong album của họ.
9 bài, vẫn có bài đầu đập vào mặt và bài cuối kết thúc đầy sâu sắc. Heo và gà trên bìa đĩa. Xen giữa những câu chuyện kể như “Spanish Eddie” hay “Spiritus Cactus”, có cả những khúc nhạc đầy diễn biến như “Terrible Lizard” hay “Burial at Sea”, và cả những khoảnh khắc ngọt ngào như “All Said And Done” hay “Ballad of Bonnie and Clyde”, cặp đôi giết người như ngóe nổi tiếng nước Mỹ thuở nào.
"Terrible Lizard" khiến ta nghĩ ngay tới sa mạc khô cằn của nước Mỹ
Và như để dẹp tan những ý định thắc mắc của khán giả sao Aristocrats không chơi prog, Bryan Beller tự ra một album đôi prog rock của mình mang tên Scences from the Flood lấy ý tưởng trái đất sẽ ra sao sau khi bị tan hoang bởi cơn đại hồng thủy, còn Marco Minnemann cũng kịp ra album My Sister với rất nhiều phần hát trong cùng năm đó. Hãy tìm nghe các album solo của mấy anh này nếu bạn muốn nghe một thứ gì quen thuộc và đã định hình.
Hãy để Aristocrats được làm những gì họ muốn, bởi vì có lẽ về âm nhạc, họ giỏi hơn đa số những người còn lại trong đó có chúng ta. Mỗi thành viên trong Aristocrats có lẽ tới thời điểm này đều không cần phải chứng minh cho tài năng của họ thêm nữa, mà thay vào đó, sự vui nhộn trong cách chơi nhạc và trình diễn nhạc của họ - nơi chắc chắn không thiếu những màn trình diễn kỹ thuật khó nhằn – có lẽ là thứ còn hiếm hoi hơn cả trong thị trường âm nhạc lạnh lùng ngày nay. Biết đâu đấy, ta đang được chứng kiến sự hình thành của những cột mốc mới trong lịch sử âm nhạc!
“Does humour belong in music?” – Frank Zappa.
Hẹn gặp lại!
Kai