Nếu bạn có từng là fan của dòng nhạc R&B thời kỳ những năm 90 thì chắc hẳn bạn đã từng nghe đến cái tên Babyface, “mặt trẻ con”, tên nghệ danh của Kenneth Edmonds. Ông được biết đến như một trong những nhạc sĩ viết nhạc và nhà sản xuất giỏi nhất mọi thời đại.
Chiến tích của Babyface là ông là tác giả hoặc đồng tác giả của 63 bài hát đạt top 40, trong đó là 47 bài trong top 10 và khoảng 26 bài đã từng giành No 1. Trong đó đỉnh điểm là bài “I’ll Make Love To You” của Boyz II Men ở số 1 suốt 14 tuần liên tục và “End Of The Road” là 13 tuần liên tục. Các bài hit khác có tên ông trong khâu sáng tác có thể kể đến: “Exhale” của Whitney Houston, “Take A Bow” của Madonna, “Breathe Again” của Toni Braxton, “Water Runs Dry” của Boyz II Men, “Never Forget You” của Mariah Carey, “Bedtime” của Usher, “Broken Hearted Girl” của Beyonce, “Catching Feelings” của Justin Bieber, “It Hurts Like Hell” của Aretha Franklin và vô số bài với các nghệ sĩ nổi tiếng khác.
Trong khi đó, với tư cách nhà sản xuất, Babyface đạt Grammy ba năm liền nhau cho giải Producer of the year (từ 1996-98), và không năm nào vắng mặt trong danh sách giải Grammy trong suốt thập niên 90. Một thành tích cực đáng nể, khi nhạc của ông gần như thống trị các kênh nhạc pop thời 90 đó.
Tự nhận là người si tình, Babyface đã bắt đầu sáng tác từ năm đang học lớp sáu; và vì vậy số lượng bài hát ông chuẩn bị cho sự nghiệp sau này được xếp lại thành kho nhạc mà ông cứ thế dùng dần. Điểm mạnh trong nhạc của Babyface chính là những bản ballad chậm rãi nhưng sâu lắng đậm chất soul. Đa phần các bài hát mà ông sáng tác đều là những bản tình ca của kẻ si tình, nên thoạt đầu có thể thấy “sến” do giai điệu nhiều khi có vẻ uỷ mị. Tuy nhiên nếu để ý, chất soul và tiếng bass dày nhưng ấm áp rất tình trong nhạc Babyface khiến tôi thấy cái sự sến sẩm đó quyến rũ lạ thường. Chẳng hạn như đoạn dạo đầu của bài “Someone To Love” với Jon B., hay bài “Last Night” của AZ Yet đều rất rõ nét phong cách sáng tác và sản xuất của Babyface.
Thành công trong sự nghiệp hợp tác với các nghệ sĩ khác ở khắp nơi là vậy, nhưng thực ra tôi lại biết đến Babyface trước đấy từ album solo The Day (That You Gave Me The Son) (1996). Lúc đó tôi mới đang học cấp 2 và cảm giác nghe một thể loại nhạc lạ so với Michael Jackson hay Bon Jovi lúc bấy giờ nó ngạc nhiên lắm.
Tiết tấu chậm rãi đều đều với những hợp âm lạ tai lúc đó, nói thật, hơi khó nghe và phải mất một vài lần mới ngấm. Chưa kể đến giọng hát của Babyface nói chung là hay nhưng không phải kiểu thực sự ấn tượng ngay từ lúc đầu. Nhưng cái cảm giác khi quen tai rồi thì thấy nó lâu "tan" vô cùng.
Bài đầu tiên "Everytime I Close My Eyes" khiến tôi phê mãi câu hát ngọt ngào của giọng nữ đối trọng với giọng hát ấm áp của Babyface ở mỗi đoạn điệp khúc. Và rồi giọng nữ ấy cao vút lên thánh thót ở câu bridge “To think of all the nights I’ve cried myself to sleep”; và cứ tưởng không có gì vượt qua được cao độ của câu “oh baby baby yeah yeah” mà cả Babyface và cô gái đang luyến láy cuối bridge thì là tiếng solo saxophone réo rắt khiến tôi sởn hết tóc gáy. Sau này tôi mới biết giọng ca đó là Mariah Carey và tiếng kèn là của Kenny G.
Bài thứ hai "Talk To Me" là bản hợp tác với Eric Clapton đầy chất blues pha soul, hơi khó nghe nhưng ngấm sâu.
Bài "When Your Body Gets Weak" có thêm sự góp giọng của Wanya và Shawn của nhóm Boyz II Men ở phần hát bè nền nên cũng ngọt vô cùng dù tempo siêu chậm đúng tính chất nội dung bài hát “I’ll lay you down”.
"Seven Seas" và "The Day" sau đó cũng nổi bật lên nhờ giai điệu mềm mại qua phần nhạc cụ chính lần lượt là guitar và piano ở từng bài. Một bài thể hiện sự quyết tâm vượt mọi thử thách trong tình yêu (Seven Seas) còn bài kia là lời cám ơn chúa vì đã ban cho ông và vợ đứa con trai tuyệt vời.
“Oh such tears of joy, I've never known
I can't remember
It's like a song, I've never heard
I've never sung, but know the words
It was like falling deep in love
I heard the angels cry above
I felt a blessing straight from God
The day that you gave me a son”
Cuối cùng bài mà tôi yêu thích nhất chính là "How Come, How Long" mà Babyface hát song ca với Stevie Wonder. Bài này có thể hơi lệch với một album của những bản ballad tình ca khi một mình phê phán nạn bạo hành của người chồng với cô vợ dẫn đến một ngày cô bị bắt vì ra tay giết gã chồng vũ phu đó, dựa trên một vụ án có thật. Thế nhưng có lẽ câu dạo intro của bài này có lẽ là phần sản xuất đỉnh nhất của Babyface cho đến giờ nhờ vào chuỗi hợp âm nhồi lên hạ xuống cực kỳ đẹp khiến cho câu bass vô cùng hay và giai điệu bài hát luôn có sự chơi vơi. Đấy là chưa kể đến cách chuyển tông giữa đoạn verse, điệp khúc và câu bridge, tiếng guitar điện hòa vào tăng tính cao trào, cùng với hai giọng ca của hai huyền thoại hoà hợp, và cả câu solo bằng harmonica kinh điển của Stevie Wonder. Và đây là bài thứ hai trong đĩa khiến tôi lại sởn tóc gáy.
Không những vậy bài này hay đến nỗi nó được 2 lần đề cử giải grammy trong 2 năm liền, lần đầu là cho đĩa The Day và lần sau cho phần version MTV unplugged của Babyface với Stevie Wonder. Ở bản Unplugged tôi lại bị sởn tóc gáy "tập ba" ở khúc outro dài vô cùng đỉnh này.
Nhìn lại nhạc của Babyface nói chung và đĩa The Day nói riêng, ngoài phần giai điệu đẹp trong những câu điệp khúc đầy tình tứ, thì chính những đoạn "bridge" chuyển tông rất tài tình và giai điệu hay chẳng kém khi nối giữa phần lặp hai câu điệp khúc ở cuối bài là những "tuyệt chiêu" trong sản xuất của Babyface.
Mặc dù nhạc R&B bây giờ thì đã khác nhiều, và không còn như R&B mang âm hưởng soul êm ái của những năm 90 nữa, Babyface vẫn một mình giữ vững lập trường và phong cách cho riêng mình. Danh tiếng đối với ông không còn quá quan trọng ở thời điểm này nữa vì với con người khiêm nhường như Babyface, giữ lại giá trị của riêng mình vẫn là cần thiết nhất, kể cả nếu đó là phong cách nhạc “sến” như trong bài "The Loneliness" phát hành năm 2005 chẳng hạn.
Trong khi nhiều nghệ sĩ phải tìm cách thay đổi để phù hợp thị hiếu khán giả qua các thời kỳ, thì đâu đó vẫn có một vài người hiếm hoi trung thành với một hướng đi trong sự nghiệp của riêng mình.
Tại sao không chứ, khi đó là thứ, nói không quá chứ, họ giỏi hơn tất cả phần còn lại. Nhất là khi, thứ đó còn có sức mạnh đi thẳng đến trái tim của người khác.
Hẹn gặp lại!
Kroon