Các tay trống có lẽ luôn là người thiệt nhất trong ban nhạc về mặt hình ảnh, bởi khi mỗi lần biểu diễn thì họ thường bị che khuất bởi cả đống nhạc cụ trên giàn trống (chẳng nhẽ lại ngồi quay lưng vào khán giả để được nhìn thấy nhiều hơn), còn khi không biểu diễn mà đi ra ngoài cùng band thì y như rằng sẽ bị ca sĩ chính với tay lead guitar làm lu mờ. Thậm chí ở nhiều nơi, khán giả còn không phân biệt được ông nào đánh trống hay chơi bass trong ban nhạc.
Nhưng có một tay trống chơi nhạc Punk mà ai cũng phải nhận ra, đó là Travis Barker. Không chỉ có ngoại hình đáng chú ý với những hình xăm kín người và cả trên mặt, Travis Barker còn góp sức giúp Blink-182 trở thành một ban nhạc Pop-Punk khác biệt hẳn với phần còn lại nhờ phần chơi trống đầy sáng tạo và hứng khởi làm nền cho phần guitar khá là bộc trực kiểu Punk, cũng như góp mặt cùng các nghệ sĩ Hip Hop và tạo ra những nhạc phẩm giao thoa giữa rất nhiều thể loại. Kẻ ganh ghét thì cho rằng Travis Barker được tâng bốc quá đáng vì giỏi làm hình ảnh. Những người thích nghe beat lạ tai như tui thì cho là sự nghiệp trải rộng của Travis Barker xem ra chả thua kém gì bất cứ nghệ sĩ session cứng cựa nào. Anh không hề ẩn sau giàn trống, và hãy cùng xem 5 lý do tại sao nhé.
1. Sự đa năng
Khoan hãy nhắc đến sự nghiệp của Blink-182, Travis Barker đã từng chơi trong ban nhạc ska punk The Aquabats, những kẻ đeo mặt nạ và mặc những bộ đồ hóa trang siêu nhân nhưng chơi nhạc cực chất, thu nhạc như một nghệ sĩ session cho Avril Lavigne hay Machine Gun Kelly, thu nhạc Rap Rock cùng ban nhạc solo Transplant, thu nhạc Hip Hop cùng những nghệ sĩ cự phách như Busta Rhymes hay Yelawolf, và cả những màn trình diễn live đáng nhớ trong những lễ trao giải Grammy cùng Eminem, LL Cool J cũng như đi xuất hiện trong các tour diễn của Linkin Park hay Foo Fighters.
Những yếu tố dễ nhận ra trong tiếng trống của Barker chính là khả năng nện mạnh, tốc độ điên cuồng, những câu thêm thắt lạ tai trong beat sử dụng hi-hat và cymbal, và sự chính xác đến kinh người trong từng nhát chém.
Travis Barker vốn bắt đầu chơi trống nghiêm túc khi tham gia đội chơi trống cổ động (drumline) của trường cấp ba. Đó là nơi đã trui rèn cho Barker tốc độ trên mặt snare, sự chính xác, và cả những kỹ xảo hào nhoáng để trình diễn với đôi dùi.
Hãy thử xem những nhạc phẩm điển hình trong rất nhiều thể loại ngoài Pop Punk mà Travis Barker từng góp mặt thu âm.
Trước hết là track “Powdered Milkman” trong album The Fury of The Aquabats! (1997) cùng ban nhạc đầu tiên của anh. Travis Barker, mặc dù không phải là một fan của nhạc Ska cũng như mặc đồ kín mít nóng nực trên sân khấu, đã luôn chơi với 100% khả năng của mình trong một ban nhạc tự nhận là các siêu anh hùng chiến đấu với tội ác có tới 8 thành viên.
Không chỉ vậy, với sự hâm mộ không hề giấu diếm với nhạc Hip Hop, việc Travis Barker thường xuyên cộng tác với các nghệ sĩ của dòng nhạc này là chuyện không hề hiếm, mặc dù dễ nhận thấy Barker thường tìm tới những nghệ sĩ Hip Hop ưa trống “thật” hơn là xài beat. Chuyện này xem ra cũng không phải đơn giản, và phần nào chứng tỏ khả năng giữ nhịp siêu hạng trong khi vẫn tạo ra được những beat lạ tai và hứng khởi làm nền cho các nghệ sĩ Hip Hop. Phần thu âm cùng Yelawolf trong EP Psycho White (2012) hay bản “Let’s Go” cùng Busta Rhymes là những điển hình như vậy. Chỉ đến khi được nghe Travis Barker tạo ra những beat tuyệt hay bởi những thêm thắt từ hi-hat, cymbal, bell, và dàn tom và biến những câu beat trong hip hop - thường hay được tạo ra bởi sample có sẵn - trở nên sống động, ta mới nhận ra cái chất hip hop đã được Barker truyền vào trong phần rhythm của Blink-182 tự khi nào. Đó là những chùm 3, 4, 6 trên hi-hat, những câu chêm tiếng bell hay tom vào giữa các phách xen kẽ giữa tiếng bass dày đặc, hay khối lần là cả những tiếng snare không bao giờ rơi vào nhịp số 3 như bình thường.
Chưa hết, với cái tinh thần nổi loạn như kiểu của Barker và những kẻ chơi Punk từ bờ Tây nước Mỹ, có vẻ khá là lạ lẫm khi Travis Barker cũng hay thường được mời chơi cả Country Rock. Ví dụ về track “Ride The Lightning” chơi cùng Warren Zeiders sau đây là một ví dụ điển hình khi tiếng trống của Barker đã được canh chùng lại, nhịp 4 đơn giản chỉ với kick và snare, và chỉ lâu lâu mới thấy anh nhẹ nhàng tung chiêu trên giàn tom để tạo ra những câu fill khi chuyển đoạn nhạc.
2. Nghệ thuật trình diễn phê lòi
Đây có lẽ là nơi những kẻ ganh ghét luôn vin vào để cho rằng Travis Barker chỉ là gã khoe mẽ và được khen ngợi quá mức. Quả vậy, ngay từ khi mới chập chững tham gia Blink-182, Travis Barker đã luôn biết cách để khán giả nhận ra mình, dù rằng anh chơi với một giàn trống chỉ có 4 chiếc không hề choán chỗ. Nếu như mọi người coi lại những video của Blink-182 thời Enema of the States sẽ thấy Barker luôn là một gã hiền lành ngu ngơ không biết diễn trong các video clip, thì sẽ thấy tay này bỗng trở thành một kẻ tăng động khác hẳn trên sân khấu. Gã luôn chơi với hai khuỷu tay đặt rất cao, một việc hoàn toàn không cần thiết để chơi trống vì nó sẽ rất nhanh gây mỏi, nhưng mỗi nhát chém của Barker đều rõ ràng từ góc nhìn của khán giả, và chưa kể những kỹ năng từ thời chơi drumline ở trường còn giúp gã tăng tốc gấp đôi trên snare và hi-hat bất cứ lúc nào y như những chiếc máy đập nhịp.
Và có lẽ cũng vì ảnh hưởng từ thời chơi drumline, Travis Barker luôn đặt những chiếc trống của mình nằm ngang chứ không phải nằm chếch về phía mình, một điều khiến những người chơi trống khác luôn phải gãi đầu gãi tai vì nó chỉ khiến đôi tay người chơi mỏi hơn. Nhưng về độ cool, giàn trống của Barker thì rõ không ai bằng.
Tui nghĩ với thể loại nhạc Punk, trống luôn là một phần không thể thiếu để tạo ra tốc độ và thái độ của thứ âm nhạc này và chắc hẳn không một ai có thể phàn nàn về trình độ của một tay trống trong Punk band. Nhưng có lẽ mỗi khi nhắc lại những tay trống trong cái thể loại nhạc nghe có vẻ na ná nhau này, có lẽ Travis Barker là một trong những tay trống hiếm hoi nghe và nhìn phát biết liền cùng với Steve Jocz của Sum 41 và Tré Cool của Green Day. Đó có lẽ cũng là lý do to đùng tại sao 3 band này có thể đứng một mình một hạng tách biệt với phần còn lại của Pop Punk. Ai mà nghĩ tới việc tay trống Punk sẽ chơi chân bass đôi như trong bản “More Than You Know” từ album mới nhất của Blink-182 cơ chứ?
3. Tinh thần làm việc
Nhưng khác với hai đồng nghiệp ở Sum 41 và Green Day, những người cả sự nghiệp hầu như chỉ chơi cho một band, việc góp mặt khắp nơi trong rất nhiều thể loại như Travis Barker chỉ cho thấy tinh thần làm việc đáng ngạc nhiên của anh.
Có lẽ điều thường thấy trong những bài phỏng vấn của các thành viên Blink-182 khi nhắc tới Travis Barker, đó là sự chăm chỉ. Anh tập với drum pad bất cứ lúc nào, luôn dành khoảng vài tiếng trước mỗi buổi diễn để làm nóng, và sau buổi diễn khi tất cả leo lên xe bus tán dóc và thư giãn sau một ngày mệt nhọc, Travis Barker thường ngồi ở một góc và tiếp tục tập với drum pad của mình.
Anh thậm chí đã mắc chứng khô khớp ở khuỷu tay rất sớm vì … tập chăm quá. Nhưng điều đó cũng chả khiến Travis Barker ngừng lại. Barker không chỉ chơi tốt trong phòng thu như một nghệ sĩ session lâu năm, anh còn đi lưu diễn khắp nơi.
Chuyện kể rằng Travis Barker nhận lời mời chơi cùng LL Cool J, Tom Morello, DJ AM, Chuck D (Public Enemy) và Z-Trip trong bản “Whaddup” của LL Cool J tại lễ trao giải Grammy năm 2013 chỉ một tháng trước khi sự kiện này diễn ra. LL Cool J lập tức nhận ra Barker ngay trong buổi tập đầu tiên và yêu cầu chèn thêm những câu solo để cho phần trình diễn trở nên điên dại hơn, và sau khi đã tập nát với nhau suốt cả tháng, tới khi LL Cool J lên sân khấu để dẫn chương trình ngày hôm đó, Barker vẫn dợt với Tom Morello cả 20 lần ở phía sau cánh gà.
Màn trình diễn cùng The Game với ca khúc “Let’s Ride” cũng là một màn trình diễn đáng nhớ, khi Barker chơi trống chỉ bằng một tay vì cánh tay còn lại còn đang bó bột. Hãy yên tâm khi bạn đã có Travis Barker ở phía sau.
4. Khả năng sản xuât
Một điều thú vị nữa khiến Travis Barker khác biệt với những tay trống khác, đó là khả năng sản xuất cho các nghệ sĩ khác. Không chỉ dừng lại ở những lần sản xuất đáng nhớ trong thể loại quen thuộc của mình là Pop Punk cho các nghệ sĩ như Avril Lavigne, anh còn sản xuất cho Machine Gun Kelly hay nghệ sĩ Hip Hop Suicideboys. Ấn tượng mới đây nhất về khả năng sản xuất của Barker hẳn là tới từ mấy track gây chú ý như “Transparent Soul” của Willow Smith, một trong những nghệ sĩ mới đầy cá tính, trong album Lately I Feel Everything của cô.
5. Cá tính
Để kết lại, cá tính của Travis Barker có lẽ là thứ gây ấn tượng mạnh nhất với tui. Rõ ràng điều toát ra trong tất cả các câu chuyện từ sự chăm chỉ làm việc và cả những biến cố trong cuộc đời anh đều cho thấy cá tính của Barker, và theo cách nào đó, dường như anh làm việc như để được cháy hết mình cho hiện tại mà không cần quá bận tâm đến ngày mai.
Đó có lẽ cũng là tính cách toát ra từ một kẻ đã từng sống sót khi chiếc máy bay cá nhân chở Barker, DJ AM và hai trợ lý của anh bị nổ banh lốp và cháy ngay trên đường băng cất cánh vào năm 2008. Travis Barker và DJ AM đã may mắn mở được cửa thoát hiểm và nhảy ra ngoài khi máy bay dừng lại sau cú trượt, và sống sót dù người Travis Barker bốc cháy như một ngọn đuốc do xăng máy bay dính vào người. Những người còn lại và phi công đều đã không thể chạy thoát. Đã có lúc bác sĩ tính cưa bỏ chân của Travis Barker vì không có đủ da để ghép cho vết bỏng. Nhưng rồi Barker đã dần trở lại, cử động được, đi lại, và lại chơi trống.
Đó có lẽ cũng là tính cách toát ra từ kẻ đã từng phát hiện ra khối u tiền ung thư trong cuống họng của mình suốt từ năm 2013 và chọn tiếp tục sống chung với hai cục u đó đên tận ngày hôm nay, sau khi đã từ bỏ rượu, thuốc lá và các loại chất kích thích khác.
Ai mà không lặng người khi nghe Blink-182 hát “One More Time”, với phần lời lẽ từ tay guitar Tom Delonge mới tái hợp trở lại, nhắc lại sự kiện chiếc máy bay rơi năm nào và cả cuộc chiến mà tay bass Mark Hoppus vừa vượt qua với căn bệnh ung thư?
"I wish they told us
It shouldn't take a sickness/ Or airplanes falling out the sky
Do I have to die to hear you miss me?/ Do I have to die to hear you say goodbye?
I don't wanna act like there's tomorrow/ I don't wanna wait to do this one more time"
Một ca khúc với một Travis Barker ngồi chơi trống với hai chiếc drum brush một cách điềm tĩnh thay vì điên cuồng đập lên tất cả những gì trước mặt như bao lần. Respect!
Hẹn gặp lại!
Kai