Các tay trống có lẽ luôn là người thiệt nhất trong ban nhạc về mặt hình ảnh, bởi khi mỗi lần biểu diễn thì họ thường bị che khuất bởi cả đống nhạc cụ trên giàn trống (chẳng nhẽ lại ngồi quay lưng vào khán giả để được nhìn thấy nhiều hơn), còn khi không biểu diễn mà đi ra ngoài cùng band thì y như rằng sẽ bị ca sĩ chính với tay lead guitar làm lu mờ. Thậm chí ở nhiều nơi, khán giả còn không phân biệt được ông nào đánh trống hay chơi bass trong ban nhạc.
Nhưng có một tay trống nọ chơi phía sau một giàn trống khổng lồ mà ai cũng nhận ra. Không phải vì tiếng tăm do chính anh gây dựng suốt sự nghiệp dài hơi của mình, cũng chẳng phải vì 5 kỷ lục thế giới về chơi trống do chính anh lập ra, mà bởi anh đã phải thay thế một kẻ quá lẫy lừng trong một ban nhạc lẫy lừng chẳng kém. Đó là Mike Mangini, người được biết đến nhiều phần vì là tay trống thứ hai của Dream Theater sau khi một Mike “kia” với cái họ Portnoy quyết định “ra riêng” vào năm 2010, và thậm chí còn được biết đến nhiều hơn khi năm 2023 anh bị Dream Theater đột ngột “đẩy” khỏi band sau khi Mike Portnoy “bỗng dưng” có ý định trở lại.
Xin không bàn về nội tình trong ban nhạc Dream Theater (DT) ở đây, mà chỉ xin được nhắc khéo rằng trong thập niên 2010s khi những Katy Perry hay Taylor Swift cùng các nghệ sĩ Hip Hop và R&B thay nhau làm mưa làm gió thị trường âm nhạc, thành tích lọt vào tới vị trí số 8 của Billboard mà Dream Theater đạt được cho album A Dramatic Turn of Events, cũng là album đầu tiên mà người tiền nhiệm của Mike Mangini không còn góp mặt, là một thành tích cực kỳ đáng nể. Chưa hết, album của họ sau đó gần một thập kỷ, A View From The Top of the World (cũng là album cuối của anh với DT), thậm chí còn lần đầu tiên mang về giải Grammy danh giá cho ban nhạc progressive đình đám cho màn trình diễn Metal hay nhất với track “Alien”, tất nhiên là sau không ít lần được đề cử.
1. Mike Mangini chơi trống cỡ nào?
Cả 2 Mike của Dream Theater đều giỏi với kỹ thuật toàn diện và đều là những kẻ chơi cực kỳ cầu toàn và chính xác trong lãnh vực của họ, nơi giai điệu, nhịp điệu luôn đồng hành với tốc độ, sức mạnh, và những màn đổi nhịp và tốc độ liên tục. Trong khi Mike Portnoy thiên về “cảm” giác, Mike Mangini thực sự là một cỗ máy đập nhịp có một không hai với bộ não hoạt động như một cỗ máy đa nhiệm. Chứ sao, không chỉ giữ tempo và tốc độ siêu đẳng, Mike Mangini còn thừa sức vận hành các chân tay của mình theo những nhịp khác nhau để tạo ra những màn polyrhythm phát điên người. Nếu như Mike Portnoy có thể sẵn sàng để mình hơi cuốn lên hoặc chậm đi so với nhịp và chấp nhận đi vòng vèo trên giàn trống trong các câu fill trước khi gặp lại các đồng đội của mình ở phách mạnh trong nhịp tiếp theo, Mike Mangini luôn có những tính toán chính xác để một trong các chi của mình vẫn song hành với đồng đội trong khi các tay chân khác vẫn thừa sức “băm” 1 ô nhịp 8 phách ra 11 hay 17 phần bằng nhau trong các câu fill của mình. Mike Portnoy luôn có cách tạo ra sự hứng khởi trong phần trống và không bao giờ ngại thừa nhận sức ảnh hưởng từ Alex Van Halen, một trong những tay trống có nhịp “loạn xạ” nhất nhưng có tiếng snare dễ nhận ra nhất. Mike Mangini, luôn trung thành với sự chính xác tuyệt vời của mình và cũng không bao giờ ngại trình diễn thứ sở trường luôn khiến các Metal band phải tìm đến mình: sức mạnh và tốc độ.
Ở thời kỳ “trẻ trâu” của mình, trong giai đoạn từ 2002-2005, Mike Mangini thậm chí còn lập tới 5 kỷ lục Thế giới cho tay trống nhanh nhất. Theo thông tin không chính thức, những kỷ lục này gồm có 3 kỷ lục về tốc độ tay nhanh nhất:
Kiểu giữ dùi “cân xứng” (Matched Grip) với 1.247 nhát nện single stroke trong một phút;
Kiểu giữ dùi “truyền thống” (Traditional Grip hay còn gọi là cách cầm dùi kiểu nhạc Jazz) với 1.126 phát đập single stroke trong 1 phút (kỷ lục này sau bị phá vào năm 2008);
Kiểu dồn trống bằng tay trần với 1.138 cú tát trong 1 phút.
Còn về phần chân, Mangini cũng mang luôn về nhà thêm 2 kỷ lục chân dậm nhanh nhất với lần lượt 13.222 nhát trong 15 phút và 4.555 trong 5 phút (hai kỷ lục này sau cũng bị phá vào năm 2007). Kỷ lục Tay không đập trống của Mangini tới giờ hình như vẫn chưa ai phá được (hoặc có khi người ta cũng chán cũng nghỉ chơi cái môn Thể thao này rồi).
Nhưng điều tuyệt vời hơn cả tốc độ của Mike Mangini, đó là khả năng phân chia ô nhịp cực kỳ chính xác. Anh đã xây dựng một lý thuyết gọi là The Grid và xuất bản rất nhiều sách và DVD về lý thuyết này để giúp người chơi trống có thể hoạt động “tâm thần phân liệt” giữa các chi và nhờ đó có thể phiêu nhiều hơn với bộ trống. Tay phải của anh có thể chơi ở 19/8 trong khi tay trái ở 17/8 và đầu thì vẫn đếm 4/4 không khác gì một bộ vi xử lý 4 lõi.
Xin mời xem video clip sau đây Mike Mangini phân tích chỗ đập nhịp trong mỗi beat từ bản “Alien” nức tiếng. Bài này được chơi đa số ở nhịp 11, nhưng sức hấp dẫn ở chỗ nó chao qua đảo lại giữa nhịp 11/4 và 11/8, và còn hấp dẫn hơn cho người nghe sau khi anh chỉ cho mọi người thấy sự xen kẽ giữa hai nhịp này, lẫn khả năng chuyển giữa các nhịp mượt mà trong khi vẫn có thể có những câu fill đâu đó. Tui đã thậm chí suýt bị lừa khi đếm giữa 11/4 ở nửa đầu và nửa sau đó nghe giống như 6/4, trước khi kịp nhận ra đó thực ra là 11/8 chơi nhanh gấp đôi 11/4 (hoặc có thể đếm là 22/8).
Tay keyboard Jordan Rudess, đồng đội của Mike Mangini trong Dream Theater cũng đã từng không ít lần tấm tắc khen ngợi khả năng làm toán tuyệt vời của Mangini trong những lần phỏng vấn, điểm mạnh mà Rudess cho rằng khác biệt hẳn với Mike cũ.
Chả thế mà Mike Mangini vẫn dạy trống ở khoa Nhạc trường Đại Học Berklee ở Boston và thường xuyên ra sách dạy về polyrhythm đó thôi.
2. Steve Vai
Ai đó đã từng nói, những bậc vi-tuốt-sô sẽ luôn tìm ra những kẻ vi-tuốt-sô để chơi quanh mình. Trước khi tham gia Dream Theater, Mike Mangini vốn đã tạo lập tên tuổi của mình khi thu nhạc và đi tour cùng Steve Vai ở nửa sau thập niên 90s. Bản thân tui dù đã xem clip biểu diễn của “For The Love of God” lừng danh trong tour diễn G3 của Steve Vai (cùng Joe Satriani và Eric Johnson) có lẽ tới 200 lần, mà mãi tới sau này mới nhận ra gã chơi trống có cái đầu giựt giựt đó chính là Mike Mangini.
Cái là, “For The Love Of God” chỉ là một trong số ít các bản nhạc hiếm hoi mà Mike Mangini phải chơi chậm và sâu lắng đến thế. Chớ sao, một khi có ai đó tìm tới anh với vai trò một session musician, chắc chắn họ phải nghĩ tới hai chữ “metal” trong đầu.
“Fire Garden Suit” dài cả chục phút trong album Fire and Garden (1995) có lẽ là sản phẩm thể hiện rõ ràng nhất những phẩm chất tốt đẹp nhất khiến Mike Mangini được thuê để ngồi trên giàn trống: sức mạnh và những màn đổi nhịp liên tục. Không quá ngạc nhiên khi một bậc vi-tuốt-sô như Steve Vai thường tìm đến nhiều tay trống trong các album của mình để tạo ra những “sắc thái” khác nhau. Và trong album Fire and Garden này, đó là sự phân chia giữa những Greg Bissonette, Deen Castronovo và Mike Mangini của chúng ta. Liền một lèo hai ca khúc liên tiếp “Bangkok” và “Fire Garden Suit” trong album này có lẽ đã là quá đủ để hoàn thiện bản lý lịch của Mike Mangini cho bất cứ ban nhạc progressive nào.
3. Annihilator
Tui còn nhớ cái thời “đói” Metal ở những năm 90s, Annihilator dường như là một band khá lạ mà mỗi người nghe đều cảm thấy tự hào như phát hiện ra một “bí mật” của Thrash Metal, với một thứ âm nhạc rất cuốn và nặng. Chắc hẳn ai thời đó cũng nhớ tới bản “Phoenix Rising” của band này.
Ngạc nhiên hơn, mãi sau này tui mới phát hiện ra tác giả của những màn chơi trống đậm chất Thrash đó không ai khác chính là Mike Mangini với sự góp mặt đáng kể với vai trò nghệ sĩ session trong album Set the World On Fire (1993).
Hãy cùng nghe lại “No Zone”, ca khúc không khoan nhượng và thể hiện những nhát nện chính xác của Mangini. Dĩ nhiên với một đôi tai khá hơn bản thân chính tui của hơn hai chục năm trước, những tiết tấu thêm thắt từ cymbal và tom trong khi hai chân vẫn dậm bass đôi đều đặn của Mike Mangini rõ ràng khiến anh khác biệt rất nhiều những tay trống Thrash Metal khác cùng thời, ấy là chưa kể khả năng chuyển đổi tốc độ và tiết tấu mượt mà mà tất cả chúng ta đều đã quen thuộc. Không ngạc nhiên khi ngay sau khi rời Dream Theater, Mike Mangini trở lại đi tour cùng với Annihilator, ban nhạc đầu tiên đưa anh ra ánh sáng sân khấu lớn.
Chỉ có điều dường như Mike Mangini dường như không muốn chơi chậm lại.
4. Extreme
Nếu như tất cả các fan của Heavy Metal đều hưởng ứng nhiệt tình khi Mike Mangini tham gia ghi âm cùng ban nhạc Extreme trong album Waiting for the Punchline (1995). Nhưng có lẽ đây lại là album làm lộ ra những điểm yếu của Mike Mangini, mặc dù về phần sức mạnh và nhịp độ thì không cần phải bàn. Extreme là một ban nhạc chơi có nhiều phần funky và điều dễ nhận ra ở các album trước của họ là phần rhythm nghe bốc và có độ nảy.
Với tiếng trống sắc lẹm của mình, Mike Mangini dường như thấy thoải mái hơn khi chơi trong những câu cú dày đặc, và trong những bài của anh chơi cùng Extreme, nơi tiếng trống và bass cần nhiều không gian để “thở” hơn, tiếng trống của Mike Mangini bỗng nghe quá đanh gọn.
Hãy thử cùng nghe ca khúc “No Respect” sau đây, khi Mangini rõ ràng vẫn chơi rất chính xác và có tiếng trống vang dễ nhận ra của anh, nhưng dường như sự hứng khởi không có ở đó và cả những phần thay đổi nhịp và tốc độ bỗng trở nên thiếu ý tưởng. Có nhiều người tui nghĩ sẽ cho rằng anh quá giỏi kỹ thuật để chơi thứ nhạc chậm rãi ít câu fill chỉ có kick và snare như thế này, những cũng hẳn sẽ có khối người khác cho rằng việc trống và bass cùng phối hợp tung hứng với nhau cho một phần nhạc funky thì không nhiều người có thể làm được.
Có lẽ thứ âm nhạc chậm rãi và có nhiều chỗ thở cho phần dây và bass đó cũng là thứ tui ít thấy ở Dream Theater giai đoạn Mike Mangini.
5. James LaBrie
Lại nhắc tới Dream Theater, trong khi người đội trưởng quyết đoán là John Petrucci dường như có vẻ “lạnh lùng” trước những đóng góp thầm lặng của Mike Mangini, mà bằng chứng là các album solo của anh này lẫn của “phó tướng” Jordan Rudess không bao giờ thấy sự góp mặt của người đồng đội chơi trống, người có lẽ thường quan tâm đến anh hơn cả lại là ca sĩ James Labrie. Cũng phải thôi vì ngoài ra còn ai khác trong Dream Theater làm nhạc riêng nữa đâu, vì rõ ràng tay bass John Muyng nguyện suốt đời chỉ an phận chơi ở một chỗ.
Và đây có lẽ là nơi thể hiện tính cách của Mike Mangini một cách rõ ràng nhất, khi anh tham gia cùng dự án solo của James Labrie trong tận 3 album cùng với một tay guitar vi-tuốt-sô còn trẻ khác mang tên Marco Sfogli và tay bass lúc ấy còn chưa danh tiếng mang tên Bryan Beller. Không còn áp lực từ sếp Petrucci như từ DT (John Petrucci thậm chí không ngại thừa nhận anh tự soạn phần trống cho Mangini khi thu A Dramatic Turn of Events), Mike Mangini chơi cân đối với các tay chơi nhạc còn lại trong một thứ nhạc rõ ràng là thẳng thắn mạnh mẽ hơn là thứ của Extreme trước đó.
Hãy thử cùng nghe lại “Alone” trong album Elements of Persuasion (2005 - 5 năm trước khi anh vào DT) để thấy các câu beat dày đặc 3 đầu 6 tay với nhiều âm sắc pha trộn của Mike Mangini hiện ra rõ mồn một như thế nào, nhất là khi tay guitar và keyboard trong ban nhạc chơi không quá bận rộn. Rõ ràng, khi có một thứ gì đó bạn đã thật giỏi và đã trở thành “thương hiệu”, sẽ luôn có người cần tới bạn mỗi khi họ cần cái tới cái “chất” đó trong nhạc của họ.
Chỉ xin kết lại rằng, dù rất tui thích anh Mike “kia” (Portnoy) nhưng với discography “nghèo nàn” như của anh, thì còn khuya Mike Portnoy mới được có riêng 1 bốt trên EmoodziK như anh Mike “này” (Mangini).
Hẹn gặp lại!
Kai