Các tay trống có lẽ luôn là người thiệt nhất trong ban nhạc về mặt hình ảnh, bởi khi mỗi lần biểu diễn thì họ thường bị che khuất bởi cả đống nhạc cụ trên giàn trống (chẳng nhẽ lại ngồi quay lưng vào khán giả để được nhìn thấy nhiều hơn), còn khi không biểu diễn mà đi ra ngoài cùng band thì y như rằng sẽ bị ca sĩ chính với tay lead guitar làm lu mờ. Thậm chí ở nhiều nơi, khán giả còn không phân biệt được ông nào đánh trống hay chơi bass trong ban nhạc.
Nhưng có một người chả quan tâm mấy tới việc có được ai đó biết tới hay không, bởi vì bản thân anh cũng đã quá bận với vô khối các dự án khắp nơi mà đa số đều từ tính hào sảng và cầu thị của anh. Không mấy khi tự nói về bản thân mà chỉ luôn nhắc tới những người ảnh hưởng tới mình, Greg Bissonette luôn cảm thấy “mãn nhĩ” trước kỹ thuật hoàn hảo và kiến thức sâu rộng của anh về lý thuyết và lịch sử chơi trống; cũng như đi từ ngạc nhiên này tới ngạc nhiên khác khi biết anh xuất hiện ở khắp mọi nơi. Đây nhé, không chỉ chơi cùng những bậc kỳ tài guitar như Steve Vai, Joe Satriani, hay Marty Friedman, Gregg Bissonette còn đi tour cùng Ringo All Starr Band và Toto, tham gia lồng tiếng phim hoạt hình cho Finding Nemo và Winnie The Pooh, chưa kể còn góp mặt trong ban nhạc “nhà trồng được” chơi nhạc nền “sống” cho series đình đám “Friends” trong suốt 10 năm trời – chính là những đoạn nhạc ngắn mỗi khi chuyển cảnh trong phim (chưa kể các series khác như Family Guy hay The Muppets).
Khi ta phải tự thắc mắc, tại sao Gregg Bissonette có thể làm tất cả những thứ đó thì ngay sau đó, anh giành giải thưởng tay trống toàn năng nhất vào năm 2023 do người đọc của tạp chí Modern Drummer bình chọn.
1. Sự khởi đầu không thể tuyệt vời hơn với David Lee Roth
Thành công ngay từ rất sớm của Gregg Bissonette không thể không nhắc tới vai trò của ông em Matt Bissonette, vốn là tay bass chơi nhạc jazz. Nói đúng hơn thì, Matt Bissonette thường là người nhận được việc trước, và sau đó kiểu gì cũng lôi anh mình vào.
Gig đáng kể đầu tiên của Gregg cũng không nằm ngoài công thức này, khi Matt Bissonette, lúc ấy chơi bass trong ban nhạc Jazz của tay trumpet cự phách Manyard Ferguson (người chơi từ thời Frank Sinatra), và sau đó kiếm được chân chơi trống cho ông anh Gregg. Dĩ nhiên ngoài việc có thể nuốt trọn phần trống cho một ban nhạc Jazz, một lý do quan trọng khác khiến Gregg được chọn là vì anh vốn là fan ruột của Rock 'N Roll, trong khi Maynard Ferguson ở giai đoạn đầu thập niên 80s đó bắt đầu thể nghiệm với việc chuyển soạn các bài kèn chơi lại những bản Rock và Pop hit đình đám.
Lý lịch chơi với Manyard Ferguson đã đem Gregg Bissonette tới với Vinnie Vincent, tay cựu guitar của Kiss lúc này đang đi kiếm người cho band Vinnie Vincent Invation của mình. Mặc dù rất thích Gregg, nhưng vì Vincent đã trót kiếm được tay trống rồi, anh này bèn giới thiệu Gregg với David Lee Roth.
Chính là tay ca sĩ vênh váo của ban nhạc đang trên đỉnh thế giới lúc đó là Van Halen với album 1984. Chính Vincent đã hé lộ cho Gregg biết Roth sắp rời Van Halen và lúc ấy đã có Billy Sheehan chơi bass và một tay guitar mới toe với cái tên lạ hoắc là Steve Vai.
Dĩ nhiên với một kẻ cao ngạo như David Lee Roth, lại vừa rời khỏi một ban nhạc xuất chúng đang trên đỉnh cao như Van Halen, Roth dường như đã sắp sẵn một kế hoạch với những kẻ chơi nhạc giỏi nhất. Album Eat ‘Em And Smile (1986) sau đó như một sự hả hê của David Lee Roth dành cho anh em nhà Van Halen, khi rõ ràng sự bùng nổ và năng lượng của bộ đôi Eddie và Alex hóa ra đã được thay thế hoàn hảo bởi Steve Vai và Gregg Bissonette, và David Lee Roth nay đã hoàn toàn có thể thả sức viết nhạc theo ý mình.
Album đầu tay của Roth đúng là giàu sức sáng tạo khủng khiếp, với những đóng góp đáng kể của Steve Vai (cùng viết “Yankee Rose”), Billy Sheehan (mang theo track “Shyboy”), lẫn rất nhiều mô típ “ăn khách” mà Roth mang theo từ Van Halen. Khi thì Gregg Bissonette phải chơi chân bass đôi như kiểu “Hot For the Teacher”, và khi thì Dave Lee Roth thậm chí thách Gregg Bissonette chơi jazzy tung tẩy như Frank Sinatra nhu trong bài “I’m Easy”.
Chưa hết, Gregg Bissonette sau đó còn tiếp tục làm Skyscrapper (1988) với Roth – một album platinum nữa – và ngay cả khi bộ đôi Steve Vai và Billy Sheehan rời đi sau đó, Roth vẫn tiếp tục tìm ra những sự thay thế ưng ý từ tay guitar còn trẻ măng lúc ấy là Jason Becker và ông em Matt Bissonette chơi bass trong A Little Ain’t Enough (1991), album lọt vào tận top 20.
Và tới đây thì Matt Bissonette lại quả cho ông anh Gregg một job thậm chí còn thú vị hơn khi cả hai cùng tham gia thu âm album bước ngoặt, The Extremist, của Joe Satriani.
2. Thỏa sức sáng tạo cùng Joe Satriani
Chắc hẳn ai cũng biết Joe Satriani luôn có một tay trống “ruột” luôn đi cùng anh qua cùng năm tháng là Jeff Campitelli, nhưng trong phòng thu thì lại khác, khi Joe luôn muốn thử nghiệm với những tay trống và bass khác nhau để có thêm những yếu tố khác biệt.
Album Extremist có lẽ khác bọt với tất cả các album trước đó của Joe Satriani với âm thanh cực kỳ khác biệt với tiếng đàn và trống nghe rõ nét và bố cục của các nhạc cụ nghe rành mạch hơn hẳn các album trước; có lẽ một phần nhờ tới việc Joe Satriani không đảm nhận toàn bộ khâu sản xuất như trước mà nhường phần đó cho Andy Johns, vị kỹ sư kiêm nhà sản xuất lừng danh đã từng góp tay vào những album kinh điển của Led Zeppelin trước đây (và cũng là em trai của nhà sản xuất Glyn Johns).
Dĩ nhiên vốn là một fan của John Bonham, điều đầu tiên mà Gregg Bissonette “nhờ vả” Andy Johns là sắp đặt mic trống để thu được tiếng trống lớn và vang rền như John Bonham trước đây. Chuyện nhỏ!
Và những gì khán giả chúng ta nghe được sau đó là ấn tượng đập ngay vào tai ngay từ những nhát trống đầu tiên và cũng là thứ mở đầu của cả album này của Gregg Bissonette trong bản “Friends”. Tiếng hi-hat đôi nhanh gấp gáp nhưng tiếng kick và snare chậm lại một nửa đã là thứ khiến cho bài “Friends” cũng như âm thanh của các bài trong album Extremist này có thể nhận ra chỉ sau vài nốt nhạc, nhất là tiếng snare nổ chát chúa. Và liên tiếp sau đó là những bản nhạc cuốn và đều đi vào sử sách như “The Extremist”, “Summer Song” hay “Motorcycle Driver”.
3. Đi diễn live miệt mài
Không dừng lại ở thành công trong phòng thu, Gregg Bissonette còn được biết tới với khả năng đi tour miệt mài không kém. Joe Satriani sau Extremist đã phải phát hành nguyên một album mặt B cho đĩa Time Machine sau đó với phần diễn live của Gregg Bissonette (chứ không phải Jeff Campitelli). Gregg sau đó còn đi tour với Toto thay cho Simon Phillips sau khi anh này bị chấn thương ở lưng. Việc quen với Steve Lukather đã giúp Gregg sau này góp mặt trong mấy album của Steve Lukather và thậm chí còn đi tour với anh này và Larry Carlton trong album No Substitutions: Live in Osaka (2001), nơi đa số các bản nhạc đều là những bản jam dài đằng đẵng.
Nhưng có lẽ lần đi tour đáng nể và đáng kể nhất của Gregg Bissonette vẫn là chuyến lưu diễn đằng đẵng với thần tượng của anh, Ringo Starr, và ban nhạc All Starr Band, nơi vô khối các anh tài tụ hội, đến rồi đi, mà có lẽ chỉ có một mình Gregg Bissonette là vị trí không thể thay thế ở giàn trống.
4. Đánh job ngoài lề và thu nhạc phim
Được chơi với All Starr Band có lẽ với tất cả các nghệ sĩ đều là một đặc ân, bởi không chỉ tất cả bọn họ đều yêu mến và chịu ảnh hưởng từ The Beatles, ban nhạc độc nhất vô nhị này thậm chí còn sẵn sàng chơi với rất nhiều cây ở một vị trí và không ngại chơi lại cả những nhạc phẩm đã làm nên tên tuổi của những nghệ sĩ đóng góp trong đó. Lẽ tất dĩ ngẫu thì Greg Bissonette là một lựa chọn quá hợp lý, bởi vì anh có thể chơi được bất cứ thể loại nào.
Nhắc tới đây mới nhớ, Gregg Bissonette cũng đã từng “khiêm nhường” góp tiếng trống trong những album đậm chất latin của Enrique Iglesias (album đầu tay Enrique Iglesias 1996), hay thậm chí cả Supernatural (1999) của Carlos Santana.
Trong thời gian này, Gregg Bissonette còn tham gia thu nhạc cho nhạc phim. Những bản nhạc quen thuộc trong series “Friends” có lẽ là nơi người xem thậm chí còn chẳng màng bận tâm nghệ sĩ nào chơi, nhưng đó là nơi Gregg đóng góp trong suốt 10 năm và qua vô số các tập phim. Không chỉ thế, anh còn góp mặt để thu nhạc phim cho những Bourne Supremacy, Finding Nemo, hay mấy tập phim American Pie đình đám.
Tui muốn nhắc tới phần thu nhạc phim bởi vì đây là một thế giới hoàn toàn khác với các nghệ sĩ chơi nhạc, nhất là những nghệ sĩ nhạc Rock ít chịu theo khuôn khổ. Chớ sao, với thời lượng của từng phân cảnh chính xác tới từng giây, những bản nhạc dành cho phim sẽ thường được soạn rất chi tiết cho cả một giàn nhạc lớn với độ chính xác trong nhịp độ cực kỳ cao, và mỗi phần thu khi cần có thể gồm rât nhiều đoạn nhạc khác nhau chứ không giống như cách thu nhạc theo bài và album quen thuộc.
Những người thu nhạc cho phim vì vậy đều cần có khả năng đọc bản nhạc cực siêu, khi mỗi người đều lăm lăm bản nhạc trước mặt của mình, với tư thế sẵn sàng khi đến đoạn nhạc có mình thì phải chơi vào ngay lập tức. Khỏi phải nói điều này đòi hỏi một sự tập trung rất cao, bởi kể cả khi phần của họ phải im lặng, người nghệ sĩ sẽ vẫn phải đọc thầm bản nhạc trong đầu khi người khác đang chơi, để luôn sẵn sàng khi phần của mình xuất hiện thì họ sẽ hòa vào với giàn nhạc lớn ngay lập tức. Dĩ nhiên không ai muốn cả giàn nhạc lớn phải thu lại vì họ.
Quả nhiên là một thử thách đáng nể mà ngoài Gregg Bissonette, tui cũng chưa thấy có tay trống nhạc Rock nào muốn thử sức.
5. Những đóng góp lặng thầm cùng các bậc virtuoso khác
Đúng như ai đó đã từng nói, những bậc virtuoso sẽ luôn biết cách tìm ra những kẻ virtuoso khác xung quanh mình. Những album nhạc của những nghệ sĩ virtuoso chắc chắn luôn có những người nâng bước đều không phải dạng vừa.
Mỗi lần cộng tác với một nghệ sĩ lớn lại là một lần Gregg Bissonette có thêm những lần cộng tác đáng kể khác. Sự khởi đầu với David Lee Roth đã dẫn Gregg tới với Steve Vai (album Fire Garden 1996 và Ultra Zone 1999) và Jason Becker (album Perspective 1995). Jason Becker dẫn anh tới với Marty Friedman (True Obsession 1996 và Drama 2024). Matt Bissonette thì dẫn Gregg tới với Joe Satriani. Việc chơi cùng Simon Phillips khi thu âm cùng Joe Satriani dẫn anh tới với Toto và Steve Lukather (Luke 1997 hay I Found the Sun Again 2023). Và vô khối những nghệ sĩ khác nữa.
Gregg Bissonette có lẽ không có một giàn trống khổng lồ gây chú ý như Terry Bozzio hay Mike Portnoy. Có lẽ ngoại trừ khi chơi với David Lee Roth với một giàn trống tương đối, thường thì ngoài chân bass đôi, Gregg vẫn trung thành với bộ trống chỉ có độc một chiếc tom treo như thần tượng của mình, Ringo Starr. Nhưng ngược lại, Gregg có thể chơi hầu như tất cả các thể loại nhạc và thậm chí góp mặt ở những nơi mà không ai ngờ rằng một tay trống nhạc Rock có thể xuất hiện (chẳng bạn như trong phim Sex and the City), và cũng luôn sẵn lòng góp mặt dù chỉ một hoặc hai track mỗi khi một người bạn virtuoso nào đó cần. Đơn giản vì Gregg Bissonette là một trong những tay trống toàn năng nhất.
Hẹn gặp lại!
Kai