Hồi ngày bé tôi rất thích giọng hát của Michael Jackson từ thuở chưa vỡ giọng. Tiếng hát trong vắt, khỏe và ngọt ngào có một không hai. Một trong những ca khúc mà tôi thích nhất lúc đó là bài “Ain’t No Sunshine”. Đó là bài hát có giai điệu buồn được MJ thể hiện hoàn hảo đầy cảm xúc như một người từng trải với mối tình tan vỡ. Ca khúc này được rất nhiều nghệ sĩ khác trình bày. Ấy thế mà về sau bản mà tôi nghe thấy thích nhất, hơn cả phần hát hoàn hảo của MJ, là bản gốc do Bill Withers sáng tác và trình bày.
Hồi cấp Ba, lôi được đống đĩa xịn của ông cậu thấy có album của nhóm Blackstreet, tôi ngồi nghe và ấn tượng ngay lập tức với bản “No Diggity” kết hợp với Dr. Dre và Queen Pen. Giai điệu dập dình và tiếng ngâm nga “um, mm, mm” đoạn đầu cực đặc trưng. Đến nỗi về sau nghe bài “Grandma’s Hands” của Bill Withers tôi lập tức nhận ra ngay.
Sau đó không lâu, cái thời kênh MTV mới nổi ở Việt Nam, tivi nhà tôi không hiểu sao câu được kênh ca nhạc nước ngoài đó, ngày nào tôi cũng nghiền ngẫm các bản hit, trong đó có anh Will Smith. Đợt đó, anh Will đang nổi đình đám với các bản singles vui nhộn trong album Big Willie Style, mà tôi nhớ nhất bài “Just The Two Of Us” với phần hook cực hay mà sau này tôi mới biết Will mượn để tôn vinh tình cha con. Đoạn đó thuộc bản gốc cùng tên do Bill Withers sáng tác và thu âm cùng với Grover Washington Jr. - nghệ sĩ saxophone nhạc Jazz-Funk-Soul.
Bẵng đi một thời gian, tôi bật nghe đĩa Wake Up! mà John Legend kết hợp với ban nhạc Hip Hop The Roots. Đó là một album cực hay mà tôi tin chất lượng được tôn lên nhiều nhờ tài năng của The Roots và là hướng nhạc mà John Legend rất nên đi theo. Gạt sang chuyện đấy một bên, trong album có bài “I Can’t Write Left Handed” kể về tâm sự buồn của một cựu chiến binh trẻ từ chiến tranh Việt Nam bị mất cánh tay phải do bị viên đạm găm vào vai. Ca khúc đó cũng do Bill Withers sáng tác, người mà tay trống Questlove của The Roots thần tượng. Questlove lúc đó đang cố gắng vận động Bill quay lại với âm nhạc sau hơn 20 năm vắng bóng.
***
Ngày 30 tháng 3 năm 2020 vừa rồi, Bill Withers đã giã từ cõi đời ở tuổi 81. Kể từ năm 1985 khi ông tuyên bố nghỉ hưu khỏi ngành âm nhạc đầy phức tạp do mâu thuẫn với hãng đĩa, không ai nghĩ ông lại giữ lời đến vậy cho đến cuối đời. Ông không bận tâm đến việc sản xuất thêm album nhạc nào cả. Thậm chí đến cả buổi tôn vinh Bill Withers tại Rock and Roll Hall Of Fame năm 2015, Bill chỉ ngồi cạnh Stevie Wonder để nghe Stevie hát lại ca khúc kinh điển của mình “Ain’t No Sunshine”. Giây phút hiếm hoi lúc John Legend kéo được Bill lên để hát cùng anh và Stevie bài “Use Me” là điểm sáng của chương trình. Chỉ khoảnh khắc đó, cái duyên dáng và ngọt ngào của Bill Withers vẫn tỏa sáng như cái ngày ông có buổi biểu diễn kinh điển ở Carnegie Hall năm 1972.
Việc rũ bỏ mọi thứ trên con đường sự nghiệp âm nhạc của Bill Withers bất ngờ như chính việc tham gia vào ngành ghi âm này của ông. Được vinh danh ở Songwriters Hall Of Fame, được ví như nhà sáng tác nhạc của các nhà sáng tác nhạc, sở hữu giọng ca truyền cảm, vậy nhưng Bill Withers chưa bao giờ chơi đàn, hát hoặc sáng tác nhạc cho đến tuổi 32. Việc ông nhón chân vào ngành âm nhạc cũng đầy cơ duyên như con người ông vậy.
Sau khi tốt nghiệp, Bill gia nhập hải quân và làm thợ máy máy bay trong 9 năm. Khi quay trở lại, Bill xin việc lắp bồn cầu cho máy bay. Vào mỗi cuối tuần ông lại đến bar nghe nhạc. Một lần ông nghe được tay chủ quán bar kêu ca việc phải trả đến 2 nghìn Mỹ kim một tuần cho tay Lou Rawls đến biểu diễn mà gã vẫn thường xuyên đến muộn. Thời điểm đó, Bill chỉ kiếm được có 3 Mỹ kim một giờ nên đầu ông nhảy số rất nhanh. Ông tự hỏi sao mình không theo đuổi sự nghiệp âm nhạc.
Quyết là làm, Bill đi ra cửa hàng cầm đồ mua chiếc đàn guitar cũ kỹ. Chưa có một kiến thức âm nhạc gì ngoài thời gian ngắn tham gia ban nhạc trong thủy quân, Bill tự học mấy hợp âm rồi mày mò sáng tác và hát. Kết quả là Bill Withers sau đó cho ra đĩa đầu tay kinh điển Just As I Am (1971). Thể loại nhạc Soul có lẽ nó đã ngấm sâu trong ông từ lúc nhỏ, hay ông có khi phải “bán linh hồn cho quỷ” để có thể cho ra tuyệt phẩm âm nhạc như vậy? Không thể ngờ được một người có kiến thức âm nhạc hạn hẹp, chỉ ban đầu biết một số gam cơ bản, để mà sáng tác được các ca khúc phức tạp và chất nhạc không kém gì thiên tài Stevie Wonder. Nghe nhạc của Bill mới thấy sức ảnh hưởng mãnh liệt của ông tới các nghệ sĩ sau này, trong đó có lẽ tài năng vàng Michael Kiwanuka có phong cách nhạc như được truyền lại công thức sáng tác từ Bill vậy.
Trong đĩa Just As I Am, tiếng hát của ông trong “Ain’t No Sunshine” mới thật buồn và ngọt ngào. Cách vào nhạc không truyền thống khi Bill hát luôn câu điệp khúc không cần nhạc dạo đầu. Chất giọng ấm áp cất lên nghe như của một nghệ sĩ đã có kinh nghiệm lâu năm trong nghề. Vậy nên cái ngày ông mới bước vào phòng thu âm với suy nghĩ sẽ có ca sĩ chuyên nghiệp nào hát nhạc của ông, thì được mọi người chỉ tay về phía ông. Là con người rụt rè và ít nói do tật nói lắp mà ông mãi sau này mới sửa được, Bill chỉ trấn an được bản thân sau khi được chính Graham Nash – có mặt trong studio lúc đó vỗ vai nói rằng “Ông không biết ông giỏi tới mức nào đâu! Ông chỉ cần là chính mình và cất giọng hát thôi!”. Có lẽ cả Graham và Stephen Still được hãng đĩa mời ngày hôm đó đến hỗ trợ ghi âm đã hoàn toàn bị thuyết phục bởi thứ âm nhạc đi vào lòng người mà Bill Withers sáng tác.
Cái khác và hay hơn trong bản gốc “Ain’t No Sunshine” của Bill Withers là cái hồn đó trong giọng hát của riêng ông. Khúc “I know, I know, I know” lặp đi lặp lại nghe như lời của kẻ từng nói lắp không tìm được ngôn từ để thể hiện cảm xúc chính mình. Đúng là lúc đó Bill chưa nghĩ ra phần lời cho đoạn đó nên ông hát tạm như thế trong bản demo, nhưng sau đó hãng đĩa khuyên ông cứ giữ lại đoạn lời này. Nhờ đó, ngoài giai điệu buồn cực hay của “Ain’t No Sunshine”, câu “I know” được hát lặp lại trở thành đoạn nhạc khó quên, là phần nhạc mà mỗi nghệ sĩ sau này cover lại lại có dịp biến tấu theo cách thể hiện riêng của chính mình.
Bản “Grandma’s Hands” trong đĩa là những giai điệu ngẫu hứng trên tiếng guitar bật bông và tiếng ngâm nga “Um, mm, mm”, một lối hát mà Bill rất yêu thích mỗi lần đi đến nhà thờ với người bà.
"Grandma's hands used to hand me piece of candy.
Grandma's hands picked me up each time I fell.
Grandma's hands, boy they really came in handy
She'd say, "Mattie don't you whip that boy.
What you want to spank him for?
He didn't drop no apple core,"
But I don't have Grandma anymore,
If I get to heaven I'll look for
Grandma's hands.
Um, mm, mm"
Đoạn lời đầy chân thật và cảm xúc của một đứa trẻ được bà bao bọc mà cho đến khi lớn lên, đôi tay ấm áp đó vẫn là kỷ niệm đẹp ùa về với Bill Withers.
Nếu như trong album đầu tay, Bill còn cover lại hai ca khúc, “Everybody’s Talkin’” của Fred Neil và “Let It Be” của The Beatles, thì đến đĩa thứ hai Still Bill (1972), toàn bộ các ca khúc đều được do chính Bill sáng tác hoặc đồng sáng tác. Ở đĩa này, Bill lại bỏ tiền đi mua chiếc đàn piano để tự học và thử nghiệm việc sáng tác trên nhạc cụ mới. Giống như phần lời của bài “Lean On Me” được chủ đích viết một cách giản dị, bản nhạc này được Bill sáng tác chỉ dựa trên những ngón đàn cơ bản nhất mà trẻ con ai cũng phải học. Thế mà từ đó Bill tạo được một tác phẩm không chỉ là một hit lớn trên bảng xếp hạng, mà còn được rất nhiều nghệ sĩ cover lại như Tina Turner, Michael Bolton, Bonnie Tyler, The Temptations, v.v., được đưa vào nhạc phim, và gần đây nhất được các nghệ sĩ Canada từ Bryan Adams, Michael Buble, Justin Bieber, đến Avril Lavigne, Sarah McLachlan thu âm lại vừa để tưởng niệm huyền thoại Bill Withers và vừa để tạo quỹ ủng hộ cho Hội Chữ Thập Đỏ của Canada phòng chống dịch COVID-19.
Tài năng hát và sáng tác nhạc của Bill Withers ngày một trau dồi và đẳng cấp hơn. Từ một người thiếu tự tin rụt rè dẫn đến cái tật nói lắp, ông nay tự tin biểu diễn trước khán đài cùng ban nhạc. Trong đĩa Live At Carnegie Hall (1973) ghi âm vào năm 1972, ông hát, đánh đàn guitar, đánh đàn piano biểu diễn như một nghệ sĩ lâu năm thực thụ. Ông dẫn lời, trò chuyện với khán giả ở những khoảng lặng, rồi cất tiếng hát vang khán phòng. Âm thanh có màu sắc buồn đầy soulful trong giọng của Bill đến mà tôi nghe thấy gần gũi như chính ông đang hiện diện trong căn phòng tôi ngồi vậy. Cũng trong album này, ca khúc cảm động “I Can’t Write Left Handed” được Bill sáng tác khi động lòng chứng kiến một thương binh trẻ tuổi bị cụt cánh tay phải từ cuộc chiến tranh Việt Nam. Cái phiêu trong chất nhạc này sau đó được John Legend và ban nhạc The Roots thể hiện lại cũng đầy cá tính.
Trình sáng tác nhạc của Bill vươn xa khỏi dòng nhạc Soul ban đầu, thêm thắt màu sắc Funk, R&B và đặc biệt là Jazz ở ca khúc “Just The Two Of Us” theo tôi thuộc top các bài hay nhất mà Bill đã từng sáng tác. Nếu như trong bản biến tấu phong cách Rap của Will Smith vẫn mang cái tình trong đó, thì ở bản gốc, những gam biến tấu Jazzy làm tăng màu sắc của bài, phù hợp với nghệ sĩ saxophone Grover Washington Jr.
“I see the crystal raindrops fall And the beauty of it all Is when the sun comes shining through To make those rainbows in my mind When I think of you sometime And I wanna spend some time with you”
Tiếng hát của Bill nhẹ bay bổng ngọt hơn bao giờ hết trước khi vào phần điệp khúc “Just the two of us / We can make it if we try” trầm lại như đôi tri kỷ đã tìm được bến đỗ.
Sáng tác giỏi là thế rồi, nhưng chỉ vì những tranh cãi với hãng đĩa sau này mà Bill Withers có một quyết định từ bỏ âm nhạc dứt khoát như cách ông gia nhập ngày đầu. Cái tội cũng là với một nhà sáng tác nhạc tài năng được công nhận như Bill mà về sau vẫn bị ép phải cover lại một bài hát của Elvis Presley chỉ vì album đó thiếu bản hit tiềm năng.
Dù sao thì trong sự nghiệp ngắn ngủi đó cũng đủ để Bill Withers sáng tạo ra những tác phẩm để đời mà có khi người nghe nhạc không biết tên ông thì cũng phải từng nghe giai điều huyền thoại nào đó của ông một hoặc đôi lần. Rồi một ngày khi họ phát hiện ra nhạc của ông giống như như tôi lúc trước, cái cảm giác lạ lẫm xen lẫn thân quen mới thật thú vị và gần gũi.
"Ain't no sunshine when he's gone" - RIP Bill Withers
Hẹn gặp lại!
Kroon