top of page

Billy Idol: Gã Punk có trái tim tỉnh táo

Khi William Broad, tự Billy Idol, đặt chân tới New York vào năm 1981, ở tất cả các góc phố là những chiếc boom box bự chảng chơi những giai điệu nhạc Rap xập xình mở thật lớn. Lũ trẻ thì thi nhau nhảy break dance thay vì gây lộn. Nhạc Rap đã trở thành một thứ thời thượng ở nơi này, y như cách mà người Anh đã có Punk trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế của họ ở giữa thập niên 70s. Đó cũng là quãng thời gian mà Billy Idol đã được biết tới từ làn sóng Punk Anh quốc, dù rằng anh đã phải đi sau Sex Pistols hay The Clash một chút.


Những tưởng khi New York cũng có trong mình dòng chảy Punk của chính thành phố này, đám Punk từ phía bên kia Đại Tây Dương tràn sang như Sex Pistols cũng sẽ dễ hòa nhập, mà hóa ra sự thể lại không phải như thế. Thậm chí chưa từng có bất cứ ai có thể thành công trong việc mang Punk từ nước Anh vào Mỹ, dù rằng The Clash thì vẫn còn đang rất cố gắng ở giai đoạn đầu thập niên 80s. Huống chi là việc ai đó ở Mỹ biết được ban nhạc Punk đình đám của Anh mang cái tên Generation X? Cơ hội dành cho Billy Idol phát triển sự nghiệp âm nhạc solo của mình ở New York xem ra không có nhiều cửa sáng, nhất là khi loại hình nghệ thuật Hip Hop đang chiếm lĩnh bờ Đông của nước Mỹ, cùng với làn sóng nhạc Disco hãy còn đang rậm rịch chưa tới hồi tắt. Thì đó ngay cả những ban nhạc Rock gạo cội còn bị gọi là thứ âm nhạc thời tiền sử cơ mà.


Thứ duy nhất mà Billy Idol có được lúc đó chắc hẳn là đội ngũ đồng hành của mình. Đó là hãng đĩa Chrysalis, hãng đĩa đã từ thành công với ban nhạc trước đây của Idol là Generation X, cũng như những thành công nhất định với thứ nhạc Punk của Blondie trên nước Mỹ. Quản lý của anh thì là Bill Aucoin, một vị salesman đúng nghĩa người đã từng dành những chiến công hiển hách cùng Kiss ở thập niên 70s. Quan trọng hơn tất thảy, có lẽ là sự tự tin sắt đá và thái độ Punk hiếu chiến không hề bị sứt mẻ của Idol: rồi thì nước Mỹ sẽ phải chấp nhận kiểu của anh!


***

Nước Mỹ và New York thực ra cũng không quá xa lạ với Billy Idol, bởi khi còn là cậu bé William Broad, gia đình họ đã có hơn chục năm sống ở New York từ khi Billy mới chỉ 2 tuổi, trước khi quay trở lại Anh vào đầu thập niên 70s. Lúc này đã ở tuổi học trung học, Billy nhận ra rằng quãng nửa đầu thập niên 70s ở nước Anh, mọi người thậm chí còn không thể tìm nổi một nghề kể cả thối nát, chứ đừng nói đến chuyện có một sự nghiệp. Treo trên đầu dấu hỏi to đùng về việc tiếp tục học làm gì, Billy vẫn cố lê lết được vào trường đại học trước khi bập vào Punk. Chính cái thái độ kệ mịa của Sex Pistols và lối ăn nói càn quấy không coi ai ra gì của họ thời đó là thứ đã thay đổi cách nghĩ của Billy: âm nhạc mới là con đường mà anh sẽ chọn. Chứ sao, Sex Pistols thậm chí có thể làm mọi thứ theo cách của họ và ảnh hưởng tới mọi ngõ ngách ở nước Anh. Chứ sao, người ta thậm chí còn không dám đưa ca khúc “God Saved The Queen” của ban nhạc này lên vị trí đầu bảng xếp hạng Billboard và giữ nó ở vị trí số 2, trong khi loay hoay không thể tìm được một ca khúc nào có thể đứng ở số 1 và thậm chí bỏ trống luôn vị trí này trong mấy tuần.


Với khả năng chơi guitar tạm ổn và sự tự tin có thể viết được nhạc, William Broad trước tiên chọn lấy nghệ danh Billy Idol cho mình, cũng từ cái biệt danh “idle” mà một ông thày giáo đã từng gọi anh ở trường. Lo rằng mọi người sẽ cho là mình ăn theo danh hài Eric Idle của series Monty Python, anh chọn chữ Idol cho ngầu. Việc tiếp theo là Billy sẽ cắt tóc ngắn theo lối Punk thời đó, cũng như nhuộm vàng mái tóc của mình cho nổi. Cùng với tay guitar thứ hai trong ban nhạc đầu tiên của anh lúc đó là Tony James, Billy lập ra ban nhạc Generation X, thứ mà Idol luôn tự hào là dù có Punk thì vẫn dành sự tôn trọng nhạc Pop. Đơn giản là vì họ không thể nói xấu Beatles hay Elvis Presley, những thần tượng thuở bé của họ.


Và cứ thế, Billy Idol học mót tất cả những thứ khác từ thế giới Punk đang diễn ra quanh mình. Đó là đầu óc của Johnny Rotten lẫn sức hút của anh này. Đó là bộ quần áo mà cô nàng Siouxsie Sioux ăn vận với tấm băng chữ thập ngoặc đeo trên cánh tay như đám Đức Quốc Xã đã gây sốc cho bao người. Thậm chí khi được chứng kiến ca sĩ Marc Bolan hét thẳng vào mic “F*ck off” trước đám đông khan giả festival để cho mọi người cùng yên lặng trước khi ban nhạc T Rex biểu diễn set của họ, Idol cũng ghi nhớ tất cả những thái độ đó với một sự cầu thị khó tin. Đối với anh, việc một người có thể hét vào mặt vài chục ngàn người câu “F*ck off” và làm cho tất cả phải im lặng lắng nghe bản nhạc jam dài 20 phút của ban nhạc là một điều thật tuyệt vời. Nó cũng không khác xa thái độ của Punk là mấy, và quan trọng hơn cả Billy Idol hiểu ra sức mạnh của âm nhạc tới đám đông là như thế nào.


Cùng với mảnh ghép cuối cùng là tay guitar Bob “Derwood” Andrews lúc này mới 17 tuổi, khả năng chơi nhạc khá khẩm nhất trong hội của Andrews đã khiến Billy Idol yên tâm quẳng cây guitar đi và tập trung vào vai trò làm ca sĩ chính trong ban nhạc. Năm 1977, Generation X đã trở thành ban nhạc Punk đầu tiên được lên TV trong chương trình Top of the Pop với ca khúc “Your Generation” do Billy Idol và Tony James chắp bút leo được tới vị trí 36 trên bảng xếp hạng.


Nhưng có lẽ cũng giống như các Punk band khác ở nước Anh lúc này, không thể nói khả năng chơi nhạc là điểm mạnh của Generation X, và việc duy trì ban nhạc với khả năng chơi nhạc tầm trung có lẽ khó hơn nhiều người tưởng. Ngay từ khi thu âm single thứ hai ở album đầu tay của họ, “Wild Youth”, Billy Idol và các đồng đội đã gặp phải rất nhiều khó khăn. Suốt ba ngày trong studio, họ đã không thể thu được phần trống cho bài này. Và khi chỉ còn lại một mình Idol và nhà sản xuất Phil Wainman, ông đã thẳng thắn: đám này thật vô dụng trong khi mày là một ngôi sao; tại sao không bỏ quách chúng nó đi?


“Tôi không thể rời bỏ một Punk band trừ khi nó tự tan rã” – Billy Idol đáp. Giống như rất nhiều người sau này đã nhận xét về anh, Billy Idol là một gã Punk chẳng may có một trái tim thật tỉnh táo.


***

Bế tắc với định hướng âm nhạc cho bản thân khi mới đặt chân tới nước Mỹ, có một lần, Billy Idol quyết định tản bộ tới một cái club trên đường 62. Trong club lúc này chỉ có một DJ phụ trách chơi nhạc cho tất cả mọi người cùng nhảy nhót. Chỗ này rất đông, nhưng dường như không có gì quá đặc biệt. Cho đến khi, tay DJ bỗng chơi bản “Dancing With Myself” của Generation X. Billy Idol bỗng nín lặng và không khỏi ngạc nhiên khi tất cả đám người chen chúc ở quầy bar kia bỗng lao hết ra sàn nhảy, dẹp hết bàn ghế để có thêm chỗ nhảy. Chỉ còn duy nhất Billy Idol, kẻ lạ mặt ở xứ này không một ai hay biết chính là người đã sáng tác ra bản “Dancing With Myself” kia, vẫn tiếp tục ngồi nhấp ly cocktail với cái đầu đầy ý tưởng. Chính nó! Chính phần dance beat anh đưa vào bản “Dancing” đã tạo ra sự khác biệt. Tinh thần là punk, nhưng âm nhạc sẽ vẫn có thể là bất cứ thứ gì, từ Dance tới R&B hay Pop.


***

Với bài học xương máu từ Generation X, Billy Idol hiểu rằng khả năng chơi nhạc giữ vai trò quyết định trong việc duy trì được ban nhạc với nhau, cũng như có thể thực hiện các ý tưởng âm nhạc của mình. Tin tốt là anh hoàn toàn được hãng đĩa Chrysalis ủng hộ, và Keith Forsyth, người sản xuất album cuối cùng của Generation X cũng sẽ tiếp tục sản xuất cho Billy Idol. Nghe theo lời tay quản lý Bill Aucoin, Billy Idol mời một tay guitar tên là Steve Stevens tham gia viết nhạc. Hơn thế nữa, Idol và Steven dường như hợp nhau ngay từ lần đầu nói chuyện, và Steve Stevens hứa sẽ giúp Billy Idol tìm nốt các cây còn lại trong band.


Steve Stevens giới thiệu cho Billy Idol tay bass Phil Feit, người tình cờ lại quen một tay trống tên là Steve Missal, và căn phòng của Steve đã trở thành nơi ban nhạc của Billy Idol tập luyện những ngày đầu tiên. “Dead On Arrival” là một trong những ca khúc đầu tiên mà Idol viết, lấy cảm hứng từ việc Sex Pistols và Punk của Anh chết yểu như thế nào khi sang Mỹ. Khi Billy Idol nghe phong thanh việc câu lạc bộ Max’s Kansas City sắp sửa đóng cửa, anh đã tới năn nỉ tay trống Steve Missal, người tình cờ tham gia một ban nhạc chơi trong buổi tối cuối cùng, để ban của Billy Idol được chơi thử lắp ghép đội hình. Đội hình của Billy Idol, Steve Stevens, Steve Missal, và Phil Feit đã chơi “Dancing With Myself”, “Mony Mony” (một ca khúc cover lại của Tommy James) cùng một số bài ít ỏi mà họ vừa tập. Quan trọng hơn cả, Steve Stevens hôm đó dường như không mang theo bất cứ cục phơ hay hiệu ứng ồn ào nào của mình, đã thực sự tỏa sáng chỉ với âm thanh thô qua chiếc amply trần trụi.


Không phải Phil Feit hay Steve Missal, chính tay guitar Steve Stevens mới là miếng ghép quan trọng nhất xuyên suốt sự nghiệp âm nhạc của Billy Idol, người đã góp phần tạo ra âm thanh đặc trưng trong âm nhạc của Billy Idol trong suốt mấy chục năm solo.


*** Mọi việc trong phòng thu dường như có vẻ trôi chảy, nhất là khi Billy Idol đã ngộ ra chất lượng từ việc thu nhạc với những người chơi nhạc giỏi là thế nào. Với sự giúp sức của tay trống đầy sức mạnh Frankie Banali của nhóm Quiet Riot (cũng là một nghệ sĩ phòng thu có tiếng), Billy Idol ghi âm bản cover “Mony Mony” của Tommy James, và rất nhanh chóng sau đó là cả “Baby Talk” và “Untouchables” cho EP đầu tay của Idol. Keith Forsey mix mấy bài này và sau đó thậm chí còn mang xuống để nghe thử trong xe ô tô của mình xem chất lượng lên radio sau sẽ như thế nào, cách luôn hiệu quả khi muốn trở nên trò ăn khách ở Mỹ. Thời điểm quyết định là đây, khi Billy Idol quyết định mang bản “Mony Mony” vừa thu tới khách sạn Ritz và nhờ DJ chơi. Không nằm ngoài dự đoán, khi bản nhạc bắt đầu nổi lên là lúc đám khách khứa nhào vào nhảy nhót thật sống động. Tất cả mọi người đều vẫn thích nhảy theo thứ âm nhạc của thập niên 60s, và chỉ cần làm cho nhịp điệu trở nên hợp thời hơn. Tất cả những ý đồ về âm nhạc của Billy Idol nay đã hoàn thành.


*** Có một lần, Ronnie Wood mời Billy Idol tới dự một bữa tiệc sinh nhật, nơi có cả những thành viên khác của The Rolling Stones. Khi Billy Idol đứng nói chuyện cùng những Mick Jagger, Keith Richards, và Ronnie Wood, anh nhận ra mỗi người có một chai rượu lạ trên tay. Chai rượu đó có hình một chiến binh của phe Liên Minh cưỡi ngựa, cùng dòng chữ “REBEL YELL”.


“Đó là rượu whiskey của dân miền Nam” – mấy ông Stones giải thích. Nhưng trong đầu Billy Idol chỉ nghĩ tới chuyện khác.


“Mấy anh có bao giờ tính xài chữ đó cho tên bài hát?” – Billy Idol rất cố gắng.


Và khi mấy ông say ngật ngưỡng kia lắc đầu, Billy Idol mới thở phào nhẹ nhõm rằng mình có thể dung chữ đó cho một bài hát của mình. Một bài hát mơ hồ mà anh vẫn chưa nghĩ ra hết, nhưng nghe nó thật ngầu.


Và đó cũng là sự khởi đầu cho album thứ hai của Billy Idol, Rebel Yell (1983).


Với tất cả các quân bài tốt nhất trong tay, và nhất là sau sự thành công của album đầu tay Billy Idol (1982), cả đội hình lại vào phòng thu để làm ra album tiếp theo của họ. Nếu nhu trong album đầu, Steve Stevens chỉ góp bút trong 2 bài hát, thì trong album này Steve Stevens góp mặt trong hầu như tất cả các bài.


Và ngay bài đầu tiên Steve Stevens đã không ngại phô diễn tài nghệ của mình, với phần guitar mở đầu nghe nửa như tiếng keyboard trên cao và câu riff ở phía dưới, thực ra cả 2 đều được chơi trên 1 đàn. Giọng của Billy Idol nghe tràn đầy năng lượng lại cũng đầy khiêu khích. Và tới đoạn solo thì chắc hẳn khổi người phải gãi đầu gãi tai trước hiệu ứng súng bắn như phim khoa học viễn tưởng trong câu đàn của Steve Stevens.

Album này còn có một vài ca khúc kinh điển của Billy Idol như “Flesh for Fantasy,” ca khúc mà lúc đầu vốn định thu âm kiểu Punk, mà Billy Idol đã quyết định không chơi nhanh nữa mà chậm lại để phác ra cái cảm giác thèm muốn đầy dục vọng. “Eyes Without a Face” thì đến từ một câu riff của Steve Stevens ở đoạn giữa và sau còn có thêm một phần rap Idol chế thêm. Không tệ với một người học nhanh như Billy Idol - Rap lúc này đã ở khắp nơi tại New York. Idol thậm chí còn muốn có một câu bass thật đậm nét như kiểu của bộ đôi chơi reggage Sly Dunbar & Robbie Shakespear, và kết quả là họ đã phải nhờ cậy tới một tay bass người gốc Cuba tên là Sal Cuevas, người chơi trong giàn nhạc kịch Dreamgirls.


Câu bass trong bài “Eyes Without A Face” nặng tới mức hãng đĩa đã cự tuyệt việc in bài này vào đĩa vinyl. Lý do là vì tiếng bass đó đã tạo ra một cái rãnh trên đĩa sâu đến mức nó có thể khiến chiếc kim của đài đĩa bật ngửa lên trời. Billy Idol đã phải chạy đến phòng thu và ăn trộm bản master để gây sức ép với hãng đĩa cho đến khi họ đồng ý làm theo ý tưởng này của anh. Còn gì có thể Punk hơn?


Nhưng điều hiển nhiên nhất của Rebel Yell, album Rock tuyệt hay này, dù phảng phất ý đồ Punk đã không còn chất Punk kiểu Anh như những người tiền bối (và cả đồng nghiệp) của Billy Idol trước đó. Nó có cả những giai điệu về tình yêu, những giai điệu ballad, và trên tất cả, sự kết hợp giữa chất Punk của Billy Idol và chất Glam Metal của Steve Stevens và những đồng đội khác đã đem lại thứ âm nhạc mà nhiều người thích nghe. Album này đã đạt vài platinum nhanh chóng không lâu sau đó.


Một yếu tố khác giúp cho Rebel Yell và Billy Idol chính là sự xuất hiện của MTV. Dù muốn hay không, MTV đã trợ giúp đắc lực cho cuộc xâm lăng lần thứ hai của những người Anh, lần này là với Billy Idol, Def Leppard, Duran Duran, Eurythmics, cùng những người khác. Không khó để nhận ra ngoài những thông điệp quảng cáo cho MTV “rẻ tiền” từ các nghệ sĩ Anh Quốc như kiểu “I want my MTV”, phần “nhìn” của các video clip càng ngày càng được đầu tư một cách xứng đáng – như EmoodziK trước đây đã từng đề cập trong phần của nhóm Duran Duran.


Chả đâu xa thì chính video clip của Rebel Yell cũng được đầu tư với rất nhiều thanh niên được chở tới trên xe bus để đóng vai những khán giả trong show diễn của Billy Idol và Steve Stevens. Đạo diễn đã đẩy hết các hót gơ ngực bự lên trước, và thậm chí tay quay phim đã phải chấp nhận để cho các anh chị em đạp cả lên ngực khi quay cảnh moshpit sao cho thật chân thật – nằm giữa đám đó. Chưa hết gay cấn, khoảng một giờ trước khi “Rebel Yell” được bắt đầu chiếu, MTV gọi điện và đòi xóa hết những cảnh quay có đám thanh niên đứng hàng đầu cầm lon Budweiser. Thật lắm chuyện! Tay đạo diễn đã edit video clip và kịp đưa tới MTV chỉ 10 phút trước khi khởi chiếu trên toàn thế giới. Suýt chút nữa thì khán giả chỉ thấy 5 phút MTV đen sì. Nghe mới thật Punk!


Dĩ nhiên, ngoài “Rebel Yell”, Billy Idol cũng là một trong những nghệ sĩ đầu tiên có lượng video clip ngon nghẻ kha khá, với những “White Wedding”, “Dancing With Myself”, “Eyes Without a Face”, v.v.


***

Nhạc của Billy Idol là Punk, R&B, Disco, Techno hay Rock? Điều quan trọng hơn cả, có lẽ là luôn có một nhạc phẩm của Billy Idol mà người nghe ưa thích. Sẽ luôn có chỗ cho ta tìm thấy sự tương đồng trong các ca khúc của Billy Idol, cho dù đó là sự ngông cuồng từ Punk, tình yêu như nhạc Pop, những câu guitar lấp lánh của Rock, hay thậm chí cả những âm thanh R&B hay Funky. Xem ra việc chọn cho mình là một gã Punk nhưng có một trái tim tỉnh táo đã giữ cho Billy Idol với một sự nghiệp lâu hơn và được công nhận hơn tất cả những gã punk khác.


Hẹn gặp lại!


Kcid

777 views

Recent Posts

See All
bottom of page