top of page

Black Sabbath: Sabotage, thế là xong

Updated: Feb 11, 2020

Có một sự thật trần trụi giữa những người tiên phong của Heavy Metal: không ai trong số họ chọn đến với âm nhạc để chơi nhạc Rock. Với Black Sabbath, những người có lý lịch âm nhạc ít hoành tráng nhất so với hai cái tên còn lại trong bộ tam Trinity của Rock nặng – Led Zeppelin và Deep Purple, thậm chí lý do đến với âm nhạc lúc đầu chỉ là để thoát khỏi cuộc sống nặng nề khô khốc ở thị trấn Aston, Birmingham thời đó. Nếu không có âm nhạc, chắc họ chỉ có hai lựa chọn: đi vào các nhà máy như cách Tony Iommi đã từng trải qua, hoặc học lấy một nghề sửa chữa để đi làm dịch vụ đây đó “cho nhàn”, như cách mà cha của John Osbourne cố gắng ép ông con "khùng" làm.


“Giống như khu Bronx ở New York sau này vậy” – Tony Iommi nhớ lại. Và Black Sabbath trở thành nơi gặp gỡ chung của bốn gã trai Aston không thể chịu nổi cuộc sống của những thói quen nhàm chán, nhưng cũng không đủ khả năng để thoát khỏi thị trấn nhỏ bé đó. Tony Iommi lúc đó làm việc trên chiếc máy dập thép và bị bàn máy dập đứt đầu ngón giữa và gần như nguyên cả đốt ngón nhẫn của bàn tay bấm phím đàn, và trên giấy tờ trở thành “không đủ năng lực làm việc” – thậm chí suốt mấy chục năm chỗ đó vẫn chỉ là da non mà không bao giờ có thể lành hẳn; Ozzy Osbourne thì phát điên với cái nghề đi lắp còi cho xe ô tô – có thể tưởng tượng cảnh Ozzy cả ngày rúc đầu căn chỉnh còi cho thằng ngồi trong xe bấm thử, ngày này qua ngày khác; Bill Ward thì gắn chặt với giàn trống và tập tành chơi jazz từ khi mới mười tuổi và quyết định đây sẽ là số phận cuộc đời mình; còn Geezer Butler thì thậm chí chỉ bắt đầu tập chơi bass khi tham gia Black Sabbath.


Có lẽ không cần nói nhiều cũng đủ hiểu những gì mà bốn gã này đã trải qua, nhất là với người "anh cả" Tony Iommi, để đến được với âm nhac. Từ những ngày gã kiên nhẫn ngồi nấu chảy rồi đổ kim loại thành những cái chụp nhỏ xíu úp lên ngón tay để có thể tiếp tục bấm đần (Tony đã từng thử chuyển qua chơi đàn tay phải nhưng không thể), hay mày mò tìm cách lắp dây đàn banjo vào đàn guitar bởi vì dây đàn guitar thời đó quá nặng và dày để gã có thể nhíu dây bằng những ngón tay đeo chụp sắt đó. Thậm chí Tony còn phải hạ thấp toàn bộ dây đàn xuống từ một nửa cho đến ba nửa cung (chơi ở Eb standard, D standard, thậm chí cả Db standard) để gã có thể bấm và nhéo khi riff. Tiếng đàn guitar đục ngầu không được dự tính từ trước, bỗng nhiên trở thành âm thanh đặc trưng của Black Sabbath cũng như của Heavy Metal sau này.


Với tôi, có những thành tựu mà Black Sabbath tạo ra thật sự kỳ vĩ, có lẽ vượt qua cả sức tưởng tượng của ngay chính các fan của ban nhạc này, mà chỉ sự góp mặt của bốn thành viên Iommi, Ward, Osbourne, và Butler mới có thể tạo nên được. Đây nhé, Tony Iommi chắc là đã nghĩ ra tất cả các riff cần dung cho Heavy Metal sau này, lẫn cách lên dây guitar cho tất cả các thể loại nhánh của Metal – tất cả diễn ra chỉ trong 10 năm đầu của Sabbath; Ozzy Osbourne, người có giọng hát uể oải như sắp hết hơi, lại không quá cao và có vẻ như không quá chắc về nhịp, lại có thể eo éo được những nốt chới với trong “Symptom of the Universe“ lẫn tạo ra cái “feel” đầy ma quái khi hát hoàn toàn không vào nhịp như trong “War pig” hay “Black Sabbath”; Geezer Butler thì hóa ra là tác giả thầm lặng của hầu như toàn bộ phần lời cho nhạc của Sabbath mà mấy tay kia hầu như không cần đụng tay vào; còn Bill Ward, có lẽ gã chỉ cần chơi với bộ trống một snare một kick là cũng đủ tạo ra đủ loại cao trào làm bệ đỡ cho âm nhạc của Sabbath.


Ấy nhưng chắc trừ Tony Iommi ra, mấy gã còn lại nếu tách riêng ra đều khó có thể gọi là theo trường phái gì, chứ chưa nói đến chuyện đem ra cân với mấy vị đại hiệp đồng đạo bên Led Zeppelin hay Deep Purple. Khi nghe phần chơi của chỉ riêng một người, âm thanh Black Sabbath bỗng trở nên thật bình thường. Có lẽ ngoại trừ Ozzy Osbourne giữ được phong cách nghêu ngao của mình sau khi tách ra và thành công, những người còn lại sau này đều cố gắng làm tốt hơn và làm nhiều hơn những thứ họ làm được trong 10 năm đầu của Sabbath, nhưng kết quả thì đều không thể tiệm cận được với âm thanh họ tạo ra thời đó. Âm thanh của họ buộc phải tạo nên từ âm thanh của Tony, Geezer, Ozzy, và Bill chơi cùng lúc.


Trong 10 năm từ 1968 với bộ tứ, Black Sabbath ra Black Sabbath (1970), Paranoid (1970), Master Of Reality (1971), Vol 4 (1972), Sabbath Bloody Sabbath (1973), Sabotage (1974) trước khi mờ nhạt dần với Technical Ecstasy (1976) và Never Say Die! (1978). Và cứ mỗi lần cánh phê bình nghĩ rằng mình ngộ ra âm nhạc trong một album của Sabbath, họ lại trở lại với nhiều ngạc nhiên hơn với album tiếp theo.


Nhưng trước khi Black Sabbath trở thành Black Sabbath và ra album đầu tiên (ban nhạc lúc đó vẫn có tên là Earth), Tony Iommi tình cờ được Ian Anderson mời vào chơi cho Jethro Tull, lúc đó đang khuyết chân guitar. Quãng thời gian ngắn ngủi với Jethro Tull (kịp ra một album live Rock’N’Roll Circus) hóa ra thật may mắn đối với Tony, vì dù chí hướng âm nhạc của anh và Anderson không gặp nhau, Tony vẫn trân trọng khoảng thời gian mà anh học hỏi được rất nhiều điều từ việc dẫn dắt một ban nhạc. Anh học được rằng âm nhạc cũng cần được coi như một công việc, từ việc đầu tiên như tập dợt với nhau cũng cần phải có lịch trình và quan trọng hơn là mọi người trong band đều phải tuân thủ nó nghiêm túc. Khi ba gã còn lại đều tuân thủ theo cách Tony đặt ra, Earth tiến bộ rất nhanh và thành công dường như đã ngay ở trước mắt.


Cũng vì thế, Earth không có ngại gì những tour diễn nhỏ dày đặc khắp châu Âu mà quản lý của họ, Jim Simpson, đưa họ ra. Công thức âm nhạc có chút hát hò và đa số là chơi nhạc jam không cả chục phút mỗi bài trên nền nhạc 12-bar blues thời gian này, với lịch biểu diễn cả chục set 45 phút mỗi tối, 7 ngày 1 tuần, đã trui rèn nên sự ăn ý giữa Tony và đồng đội, đồng thời gọt giũa câu riff tiếng trống của Earth trở nên sắc lẹm, và âm lượng lẫn độ phá tiếng của Black Sabbath thì ngay một lớn để át đi tiếng mọi người nói chuyện ở dưới. Nhân tiện thì đến lúc này Ozzy vẫn chưa biết hát mấy đâu.


Album đầu tay Black Sabbath ra đầu năm 1970, còn Earth cũng đổi tên sang thành Black Sabbath (lấy theo tên bài đầu tiên cho nhanh), và Tony cũng ý thức được rằng cùng thời gian đó, Led Zeppelin đã làm được những điều chưa từng có với âm thanh nặng của họ. Chất metal của Black Sabbath bắt đầu được nhen nhóm đặc biệt trong phần lời lẽ có nói đến nghệ thuật hắc ám, sự thuần phục ma quỷ trên nền nhạc như phim kinh dị. Tất nhiên vào thời điểm đó, Geezer Butler chỉ muốn tránh việc hát về yêu đương hay ca ngợi cuộc sống, và viết linh tinh về mấy thứ kinh dị để tạo phong cách riêng. Anh cũng không ngờ việc đó đã xác lập ra rất nhiều nhánh khác của Metal như Black Metal sau này lấy Sabbath làm ảnh hưởng chính.


Nếu như album đầu tiên Black Sabbath vẫn còn nặng âm hưởng của Blues với khá nhiều track dài lê thê thiên về jam hơn là ca khúc, điểm nhấn mạnh mẽ nhất có lẽ là các câu riff của Tony Iommi hiển hiện như một cột trụ đối trọng với hai cái tên đã được xác lập là Ritchie BlackmoreJimmy Page. Tin tốt là bước vào album thứ hai, các thành viên trong Sabbath đã biết họ cần phải làm gì trong phòng thu. Paranoid ra cuối năm đó trở thành một hiện tượng và đi vào lịch sử như là một trong những album giàu ảnh hưởng bậc nhất, với những “War pigs”, “Paranoid”, “Planet Caravan”, “Iron Man”, hay “Fairies Wear Boots”, nếu không muốn nói tất cả các track đều độc đáo. Lối hát bai bải của Ozzy tụng những từ ngữ ghê sợ viết bởi Geezer Butler trên nền riff của Tony Iommi đã trở thành thương hiệu riêng có thể nhận ra ngay không chỉ ở châu Âu mà còn hiên ngang tiến vào thị trường Mỹ, Nhật, Úc.


Master Of Reality (1971) phát hành sau đó chính thức lôi kéo tất cả những ai đang trong tuổi teen lúc đó tới sự đam mê về satan và những điều hắc ám. Và đừng quên những track kiểu như “Children Of The Grave” đã reo rắc vào đầu những cậu nhóc thời đó những ý tưởng manh nha để tạo nên thứ sau này được gọi là New Wave Of British Heavy Metal (NWOBHM) gần một thập niên sau đó (dĩ nhiên có cả sự đóng góp của Punk nữa, nhưng hãy chờ thêm vài năm nữa nhé). Ghi một cú hat-trick với ba album ư? Không đâu, Sabbath còn làm được hơn thế với cú "Poker" hoàn tất bằng Vol 4 ra năm 1972, album bắt đầu có nhiều sự đóng góp trong giai điệu từ Ozzy Osbourne, với những ảnh hưởng từ John LennonPaul McCartney từ thuở nhỏ nay bắt đầu định hình trong tính cách âm nhạc của anh, lẫn sự thể nghiệm hết mình của cả ba tay chơi nhạc tạo ra những âm thanh lẫn tiếng động ít khi thấy trong phòng thu thời đó. Sự tiến bộ của Ozzy và các hiệu ứng tiếng động cũng là điều khiến cho Vol 4 trở nên đầy màu sắc và hoàn toàn mới mẻ so với 3 album trước đó.


Mặc dù vậy, không quá khó để nhận ra rằng, Black Sabbath luôn là ban nhạc của Tony Iommi, dù rằng tính cách của Ozzy ngày một lớn dần. Điển hình là những lần ban nhạc suy sụp sau đó vì hết ý tưởng (trước khi có Bloody Sabbath) hay kiệt quệ vì biểu diễn (trước khi có Sabotage), tất cả các anh em đều quay lại nhìn Tony, mong chờ một ý tưởng, một câu riff có thể thay đổi, và Tony đều có cách đáp ứng. Anh kéo cả đội sáng tác và thu âm Sabbath Bloody Sabbath trong một tòa lâu đài ma (Bill Ward thấy ma nhiều đến nỗi phải mang dao đi ngủ - thật thông minh vì gã nghĩ ma sợ dao) với thêm nhiều phần synth hơn các đĩa trước. Giữa bối cảnh mấy ông thu nhạc kinh di nhưng vẫn sợ ma, Tony đã nghĩ ra câu riff “cứu rỗi sự nghiệp” trong ca khúc “Sabbath Bloody Sabbath”, còn Ozzy Osbourne thì đã bắt đầu có ca khúc tự viết đầu tiên với “Who are you”. Album Bloody Sabbath phát hành và dành platinum thứ năm liên tiếp ở Mỹ, và Black Sabbath bắt đầu nhận được sự quản lý tốt hơn khi được sang tên cho huyền thoại Don Arden. Với Sabotage sau đó, Tony thậm chí đứng ra sản xuất album luôn như người đồng nghiệp Jimmy Page, và tạo ra một lèo những bản trường ca bất hủ như “Symptom of The Universe”, nơi Ozzy bị ép phải hát cao chưa từng thấy, hay “Megalomania” với phần instrument đáng kính nể.


Nhưng dẫu Tony Iommi có tài phép đến đâu, thì sự độc tôn của Black Sabbath vẫn phải được duy trì bởi đóng góp của cả bốn người. Khi Ozzy Osbourne bắt đầu trở nên trụy lạc với những thói quen nghiện ngập ăn hại, những câu riff của Tony hay phần trống chín chắn của Bill Ward cũng không thể cứu được cho Technical EcstasyNever Say Die! sau đó. Ozzy Osbourne bị sa thải vào 1979 như một điều tất yếu để cứu cho đội hình rệu rã thậm chí không còn muốn gặp nhau, và Black Sabbath chợt trở nên yếu ớt và bỡ ngỡ ngay trước ngưỡng cửa bước vào thập niên 80s đầy mới mẻ với sự trỗi dậy của NWOBHM và sau đó là glam metal của Mỹ. Tony Iommi chấp nhận một sự thật chẳng đừng, rằng kiếm một ca sĩ thay cho Ozzy là điều không tưởng, người vừa phải đủ giỏi để lấp chỗ trống, vừa phải đủ khôn ngoan trước những sự so sánh và dè bỉu tất yếu với người tiền nhiệm mà giới mộ điệu đang chờ sẵn.


Tất nhiên chả cần chờ đến khi ca sĩ mới của Sabbath được nêu tên, ngay khi Ozzy tách ra với sự nghiệp solo, ngành công nghiệp âm nhạc đã xoa tay hoan hỉ trước cuộc tiêu khiển mới aka cuộc đua không chính thức giữa Black SabbathOzzy Osbourne. Trớ trêu là con gái của Don Arden, Sharon, đi theo Ozzy và trỡ thành người quản lý đã tạo ra cuộc lội ngược dòng cho sự nghiệp của anh (Sharon Arden xúi Ozzy bỏ ra triệu rưỡi bảng để mua lại quyền tự quyết của mình với nhạc của Sabbath từ tay cha già Don).


Trong lúc đó, Tony phải thay đến cả chục ca sĩ từ sau Ozzy và đáng nhớ nhất có lẽ là Heaven And Hell với Ronnie James Dio (1980), album tưởng chừng như sẽ đổi vận cho Tony tiến vào thập kỷ mới. Nhưng hóa ra không có một ca sĩ nào hát được như Ozzy, chơi vơi giữa các nhịp phách và nốt nhạc, bởi khi những người khác đều hát đúng vào nốt vào nhịp, âm nhạc của Black Sabbath bỗng mất đi cái sự ma quái của nó. Bill Ward có lẽ là người thường huỵch toẹt điều này ra nhất, cũng bởi trong Sabbath, Bill là người chơi thân với Ozzy như anh em, trong khi Geezer và Tony thường sát cánh với nhau thành một cặp. Tony Iommi luôn im lặng và đau đáu với việc giữ gìn Sabbath, chấp nhận tất cả các sự thay đổi ngõ hầu mong sản phẩm tiếp theo có thể quay về được với âm thanh của thời trước. Chẳng phải trong thập kỷ 70s, mỗi lần Sabbath ra album là một lần họ làm bẽ mặt cánh phê bình hay sao?


Tony không giữ được sự kiên nhẫn của Bill Ward, còn Dio thì đòi Sabbath phải nhận tay trống của anh, Vinny Appice. Rồi cả những cuộc kết hợp ngắn ngủi với những tên tuổi như Ian Gillan, cựu ca sĩ của Deep Purple (Born Again 1983), Rob Halford của Judas Priest, hay Glen Hughes, một cựu Purple khác (Seventh Star 1986), đều chỉ làm dày thêm sự thất vọng cho thương hiệu Sabbath. Những thử nghiệm chơi 2 guitar với Geoff Nichols, hay thậm chí mang vào band tay trống huyền thoại của nước Anh, Cozy Powell, cũng không giúp cho Sabbath thoát khỏi tình cảnh “xác chết biết đi” trong thời kỳ mới. Có lẽ tất cả những gì có thể làm được, gã bướng bỉnh Tony Iommi đều đã thử hết rồi.


Cũng có vài lần Tony Iommi tính quay ra làm điều gì đó không phải cho Sabbath (như album Seventh Star 1986 với những cái tên lạ hoắc) nhưng đều không được Don Arden và hãng Warner Bros chấp nhận. Có lẽ không quá khi gọi Tony Iommi là nạn nhân xấu số đầu tiên của cỗ máy xay mang tên ngành công nghiệp âm nhạc, khi không có chút quyền tự quyết nào về sản phẩm âm nhạc của mình. Và đến đây, hình như sự “ngây thơ” với thế giới âm nhạc của Tony so với các vị đồng nhiệm trong Led Zeppelin hay Deep Purple mới hiện ra thật tàn nhẫn, vì dường như Tony thậm chí còn không mảy may tính chuyện phản kháng lại cho quyền lợi của anh và Sabbath - anh đều ở thế “cửa dưới” trước hãng đĩa và quản lý. Trong khi cùng lúc đó bên đội của Ozzy Osbourne, các tay chơi nhạc cũng đều đến và đi, nhưng chất lượng âm nhạc, khả năng đả phá các bảng xếp hạng, lẫn chiến thuật xuất hiện trước công chúng đều mang sự thống nhất cao.

Seventh Star với âm nhạc của riêng Tony Iommi


Chưa hết, sự ra đi của Ozzy có lẽ gián tiếp càng làm mọi thứ tệ hơn với Tony, khi nó kéo theo sự chia rẽ trong gia đình Arden, khi Sharon Osbourne vì theo Ozzy mà trở thành kẻ thù của chính bố đẻ cô, cha già Don. “Không cộng tác được cũng có nghĩa là đối đầu” cũng là tôn chỉ của gia đình Arden. Không ít lần đám độc ác đó đánh vào điểm yếu nhất nơi cuống tim của Tony Iommi, khi liên tục đề nghị những sự tái hợp với Ozzy Osbourne và bộ khung Butler, Ward. Những mười lần thì chắc chín lần người thất vọng và nhục nhã vẫn là Tony Iommi, khi Ozzy liên tục từ chối ý tưởng tái hợp, hoặc ê kíp của Ozzy rút ra khỏi hợp đồng vào phút chót. Quả nhiên trong cái thế giới hỗn độn và phức tạp này, chúng ta hầu như chả biết gì về lòng người.


Mãi đến năm 2000, Tony Iommi mới “dứt bỏ” được với nỗi ám ảnh mang tên Sabbath và ra album solo đầu tiên mang tên anh. Hóa ra điều đó cũng chả có gì ghê gớm vì sau đó Tony tiếp tục ra những album khác, và thầm tiếc cho Seventh Star không bao giờ được ghi nhận như là một album solo giúp thế giới hiểu hơn về tài năng guitar của mình. Nhìn sang bên cạnh, Geezer Butler hóa ra sau khi tách ra riêng đã tự ra album solo của anh từ năm 1996, còn Bill Ward thì có đồ chơi riêng từ năm 1992.


Từ sau Iommi (2000), Black Sabbath chỉ ra một album duy nhất với sự tái hợp của bộ khung nguyên thủy, 13, vào năm 2013.


Tôi sẽ không ngồi đây và tự hỏi thế giới sẽ ra sao nếu như thời đó Tony Iommi từ bỏ cây đàn guitar, hoặc Tony có thể làm nên những điều kỳ diệu gì nếu như tay anh đủ ngón. Ngược lại, tôi thấy trân trọng khi Tony có tất cả sự quyết tâm trên thế giới cộng với một chút cảm hứng từ Django Reinhart, tay guitar chơi nhạc jazz chỉ có hai ngón tay bấm cũng bởi hậu quả tai nạn, để không chỉ tạo ra âm thanh của Metal từ những cú riff và kiểu hạ thấp dây đàn đột phá, mà còn tạo ra những thứ vô tiền khoáng hậu mà ít người để ý đến, như việc chế ra dây đàn loại mỏng hơn từ dây đàn banjo, hay chế ra cây guitar có thể thay được pick up để chọn ra những âm sắc khác nhau; từ rất lâu khi mọi người kịp thương mại hóa những sản phẩm đó. Tony Iommi đã biến những thứ thiệt thòi là hậu quả từ một điều không may, để tỏa sáng rực rỡ trong một lĩnh vực khác.


Chỉ duy có cái chuyện anh bị đám quản lý đàn áp thì tôi thật, không cách gì nói đỡ cho được.


Hẹn gặp lại.


Kcid

2,227 views

Recent Posts

See All
bottom of page