Nhắc đến Queen, mọi người ai cũng biết “Bohemian Rhapsody” - ca khúc này dài gần 6 phút. Nhắc đến Led Zeppelin, hầu như ai cũng nhớ đến bài “Stairway To Heaven” - thời lượng tới 8 phút lẻ 2 giây. Nhắc đến Lynyrd Skynyrd, người ta lại nghĩ đến “Free Bird” - khi những con số trên máy nghe đĩa chạy tới tận phút thứ 9 lẻ 7 giây. Còn Guns N’ Roses, chắc không ai không biết “November Rain” dài gần suýt soát 9 phút.
Vậy mỗi khi nhắc tới Bon Jovi, bạn thường nghĩ tới bài gì?
Tôi cá là đa số sẽ nhớ đến “Livin’ On A Prayer”, “Always”, “You Give Love A Bad Name”, “Keep The Faith” và sau này còn cả “It’s My Life” nữa chứ.
Trong một ban nhạc với nghệ danh lấy từ tên của vị frontman, ngoài tầm quan trọng hiển nhiên của Jon Bon Jovi, người đóng vai trò quan trọng thứ nhì chắc chắn là Richie Sambora, lead guitarist và kiêm cạ sáng tác nhạc với Jon trong rất nhiều bài. Ngoài ra, không phải những thành viên còn lại khác như Alec Jon Such (bassist), Tico Torres (trống), hay David Bryan (keyboard), mà Desmond Child, một nhạc sĩ đại tài, mới là “nhân tố” chính thứ ba giúp sức cho rất nhiều ca khúc của Bon Jovi trở nên hấp dẫn hơn và để trở thành những bản hit. Desmond vốn đã từng hợp tác với rất nhiều nghệ sĩ khác, từ KISS, Aerosmith, Alice Cooper, Scorpions cho đến Cher, Ricky Martin, và cả Hanson. Nhưng chắc hẳn nghệ sĩ/ban nhạc có số bài được bàn tay vàng của Desmond chạm tới nhiều nhất vẫn là Bon Jovi. Ngoài 3 trong số 5 ca khúc tôi vừa nhắc ở trên, Desmond còn tham gia trong “Bad Medicine”, “I’ll Sleep When I’m Dead”, “Born To Be My Baby”, “I’d Die For You”, “Something For The Pain” và rất nhiều ca khúc nữa.
Có điều, bài hát của Bon Jovi mà tôi muốn nói tới trong bài viết này lại không hề có những yếu tố trên. Ca khúc này thậm chí không có tên của Richie Sambora trong phần sáng tác và cũng không hề có sự giúp đỡ của Desmond Child. Nó hoàn toàn được sáng tác bởi một mình vị frontman tóc vàng, người đã từng hút hồn biết bao cô gái Việt Nam yêu nhạc Rock ngày đó tôi biết. Và nó có độ dài tới gần 10 phút, nhiều hơn tất cả những trường cả của Queen, Led Zeppelin, Lynyrd Skynyrd, và Guns N’ Roses nhắc ở đầu bài viết.
Được phát hành vào tháng 3 năm 1994, là single cuối cùng của album Keep The Faith (1992), ca khúc “Dry County” có thời lượng dài nhất so với tất cả các nhạc phẩm của Bon Jovi để trở thành một bản trường ca của ban nhạc. Mặc dù không có được thành công thương mại đáng kể, và thường bị lấn át bởi những bản hit vô cùng nổi tiếng khác của Bon Jovi, “Dry County” lại là ca khúc tôi ưa thích nhất của Bon Jovi.
Bài hát mở đầu với tiếng keyboard ngân kéo dài gần 30 giây thì tiếng guitar mới vào, và phải đến khi đoạn nhạc chạy quá thời gian 1 phút thì giọng hát của Jon mới cất lên:
“Across the border, they turn water into wine
Some say it's the devil's blood
They're squeezing from the vine
Some say it's a saviour
In these hard and desperate times
You see, it helps me to forget
That we're just born to die”
Phải nói là những ca từ Jon sáng tác trong bài này gây ấn tượng mạnh với tôi: “turn water into wine”, “the devil’s blood”, “a saviour”, “we’re just born to die”, v.v. Sau một chuyến đi dã ngoại mùa hè ở sa mạc Arizona vào năm 1991, Jon có được cảm hứng để viết nên những lời hát ngọt đắng về một nơi cuộc đời của từng con người phải phụ thuộc vào ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ. Từ một nơi có những mỏ dầu màu mỡ nuôi sống biết bao con người, thì nay bỗng chốc họ mất hết việc làm và trắng tay khi nguồn tài nguyên này cạn kiệt, để trơ lại một vùng đất khô cằn mà con người ta chỉ biết ước nguyện một ngày tìm lại được nguồn “nước thánh” đó.
“Now the oil's gone And the money's gone All the jobs are gone Still we're hangin' on down in
Dry county They're swimming in the sand Praying for some holy water To wash these sins from off our hands”
Nhạc của Bon Jovi nhìn chung không quá phức tạp cả về mặt nhạc lẫn kỹ thuật nếu so với các rock band khác - những kẻ ganh ghét thường gọi nhạc của họ là commercial rock. Bù lại, họ luôn biết cách sáng tác ra những bài hát giàu giai điệu cực kỳ bắt tai. Trong hai bản ballad mà do tự Jon sáng tác như “Always” và “Bed Of Roses”, chúng đều không cần có vòng hòa âm phức tạp, nhưng giai điệu được viết như thể những nốt nhạc đang bước từng bước lên bậc thang, lên cao dần, và đến điệp khúc sẽ ở khúc cao trào chắp cánh cho chất giọng nam cao của Jon được tỏa sáng. Bài “Dry County” cũng vậy, nhưng nó lại được leo thang theo một cách khác, qua một cấu trúc bài nhạc phức tạp hơn thường thấy.
Ở phần đầu là hai khúc verse rất rõ ràng. Tới đoạn sau đó, “You can help but prosper…” lên cao hơn chút sẽ khiến người nghe tưởng là vào phần điệp khúc. Nhưng không, khi Jon hát “Now the oil’s gone…”, bài nhạc tự nhiên dồn dập lại khiến người ta nghĩ à đây mới là điệp khúc. Thế rồi hóa ra chỉ đến lúc Jon hát “Down in dry county…” thì mọi thứ mới vỡ òa ra là đây mới chính là điệp khúc, còn hai phần trước chỉ là những đoan pre-chorus theo hai phân đoạn khác nhau về mặt nhạc. Với mục tiêu để tạo ra một bản trường ca thì cách Jon một mình sáng tác cả nhạc và lời cho “Dry County” được như vậy quả thực rất đáng nể ở sự phức tạp qua nhiều lớp lang, cả về ca từ lẫn cả về cấu trúc bài.
Nếu nhìn qua bộ discography của Bon Jovi, những ca khúc mà có cả Richie Sambora và Desmond Child tham gia thì đa phần (tôi nói là đa phần vì “Dry County” là một ngoại lệ) sẽ thú vị hơn những bản ballad do Jon một mình sáng tác. Phong cách của Richie thường dễ nhận ra khi anh phủ thêm một lớp thô ráp lên trên chất nhạc mượt mà của Jon bằng tiếng đàn guitar đặc trưng của mình. Còn Desmond thì miễn bàn vì độ nhạy bén của ông trong khả năng đưa đẩy bài hát sôi động và nhiều màu sắc. Tôi mong sẽ có ngày có cuốn sách nói tới những gì cụ thể mà Richie và Desmond tạo ra giúp cho Jon; đó sẽ là một cuốn sách đầy thú vị.
Chẳng hạn nhưng với những bài như “You Give Love A Bad Name” mà phần giai điệu ban đầu được Desmond sáng tác cho Bonnie Tyler, tôi dự Desmond là người sắp xếp đoạn acapella dẫn vào bài trích từ đoạn điệp khúc để câu kéo người nghe và Richie là người chế ra câu guitar riff cực kỳ đáng nhớ để giáng thêm một chiêu hút hồn họ; rồi tôi biết chắc là phần pre-chorus có hợp âm đi mượn (không nằm trong tông giọng của bài) là của Desmond khiến ca khúc “đổi màu” trong chốc lát rất đẹp. Với “Livin’ On A Prayer”, hiển nhiên âm thanh talkbox đặc trưng là ý tưởng của Richie và có lẽ câu điệp khúc cuối bài lên cao hơn một quãng ba thứ (1,5 cung) được vào sớm 1 nhịp gây bất ngờ là ý tưởng của Desmond.
Trong “Dry County”, Desmond Child không hiện diện, nhưng Richie Sambora thì có. Mặc dù Richie không có tên trong credit của phần sáng tác, sự hiện diện của Richie thể hiện rõ qua màn biến hóa để đưa “Dry County” tăng độ cao trào lên tới mấy cấp bậc. Thiên hạ đồn là ca khúc này khi được Jon xòe ra với Richie, nó chỉ dài 4 phút, còn khuya mới được thành một bản trường ca. Giai điệu đã rất hấp dẫn rồi nhưng Richie muốn nó phải epic hơn. Cấu trúc bài đã được xây dựng phức tạp hơn lối hát verse-chorus-verse-chorus-solo-chorus thông thường rất nhiều.
Ở trên chúng ta đã nói tới cấu trúc bài có hai đoạn verse cùng hai đoạn pre-chorus khác hẳn nhau và một đoạn điệp khúc; nhưng chưa có đoạn bridge. Sau khi Jon hát hết phần điệp khúc lần hai, Richie mới tiếp nối bằng phần guitar solo khá hay nhưng vẫn khá dễ đoán đối với một cấu trúc bài nhạc Rock. Đến đây mọi thứ trở nên không đơn giản như tôi nghĩ.
Khi bài nhạc bước qua phút thứ 5, câu đàn của Richie bỗng chậm lại, tiếng trống cũng lắng xuống, để trơ lại tiếng guitar của Richie được đệm cùng keyboard của David Bryan, và điểm suyết tiếng bass của Alec Jon Such, và hi-hat của Tico Torres. Thế rồi Richie bắt đầu đánh nhanh hơn, thi thoảng có thêm tiếng kick drum bồi vào làm cho bầu không khí bắt đầu có vẻ như được hun nóng, tựa như cái nắng ở vùng sa mạc được nhắc tới trong bài. Cái nóng đó đạt tới đỉnh điểm lúc phần dồn trống của Tico dẫn dắt vào đoạn bridge tiếp theo chơi ở nhịp độ nhanh hơn hẳn để rồi Richie shred phần solo những nốt nhạc sáng lóa như ánh nắng chói gắt rọi vào tai người nghe.
Quả thực chưa bao giờ Richie có cơ hội để chơi solo hay như vậy trong các bài nhạc của Bon Jovi. Ai đã từng nghe album solo Stranger In This Town (1991) đều thấy Ritchie Sambora luôn kiềm chế cái gốc chơi nhạc blues của mình để lặng thầm đóng góp vừa đủ cho ca khúc của Bon Jovi. Album thể hiện khả năng solo tung tóe lẫn khả năng hát diệu vợi của Ritchie đã không may mắn bị che phủ bởi Blaze of Glory (1990) mà người đồng đội điển trai phát hành cùng trong khoảng thời gian đó. Ở “Dry County”, Ritchie Sambora có vẻ như đã chớp vội thời cơ thời lượng dài hơi không giới hạn để phô trương các ngón đàn của mình như một con khủng long còn sót lại của thời kỳ glam metal, để biến nửa cuối của bài này thành một nhạc phẩm instrumental của mình anh (và cả 3 thành viên chơi nhạc còn lại).
Nếu như từ đầu bài tới trước đoạn tăng tốc, người nghe có thể cảm nhận những hình ảnh vàng vọt và khô cằn, thì bỗng từ đây, một thứ gì đó lạ lắm bỗng vụt lên trong phút chốc từ đoạn guitar tăng tốc của Ritchie. Những màn đua xe trên sa mạc chăng, tôi cũng không rõ nữa. Chỉ biết là khi mô tả sự cạn kiệt và buồn chán bỗng quay đầu như khi bạn chạm đáy, chẳng còn gì tuyệt vời hơn là tất cả đều được phác họa qua những câu blues lick quen thuộc, nơi khán giả dường như đều đã có những ký ức riêng nạp sẵn với mỗi câu đàn. Có lẽ đây là nơi đẹp nhất để Ritchie Sambora phô bày cảm quan bằng cây guitar của mình, cũng như sau này anh một lần nữa làm lại với "My Guitar Lies Bleeding In My Arm" trong album These Days. Ai cũng cảm thấy được sự trở lại của thị trấn khô cằn này, đúng không?
Đoạn solo đầy hào hứng đã giúp Jon có thể trở lại hát đoạn verse của anh tới lần thứ 3 mà không khiến người nghe thấy nhàm. Và từ đây cho tận tới khi cả ca khúc quay về phần điệp khúc lần cuối, sự kết hợp của bộ đôi này vớitiếng đàn của Richie chơi lead cùng tiếng hát của Jon dẫn bài hát tới tận cuối, trước khi kết lại bằng câu lick ở một nốt nhạc mở không được giải tỏa của Ritchie, tạo cho ca khúc như một câu chuyện không có hồi kết.
Hãy xem màn cover Richie Sambora tuyệt vời này để thấy Ritchie chọn nốt cho câu solo hiệu quả thế nào
Điều tôi thích ở bài hát này còn là ngoài phần trình diễn như một siêu sao của Richie ở đoạn sau, những thành viên còn lại đều đóng tròn vai: David Bryan với câu keyboard kỳ ảo (đến mức sau anh còn xài lại câu lick đặc trưng trong bài “Always” - single cuối cùng của anh với ban nhạc trước khi rời nhóm), Alec Jon Such với phần bass chắc nịch, Và Tico Torres với cách dẫn dắt nhịp điệu hiệu quả và xuất sắc qua từng phân đoạn khác nhau một cách rõ nét. Nhờ đó mà phần thể hiện vocal của Jon Bon Jovi trong “Dry County” càng trở nên cuốn hút hơn những bài ballad khác của band với giọng Jon hát mạnh mẽ và dứt khoát hơn hẳn.
“Dry County” không phải là một bài phức tạp theo kiểu của những bản trường ca khác của Queen, Led Zeppelin hay Guns N’ Roses về mặt nhạc lý hay kỹ thuật, nhưng nó vẫn là một ca khúc rất hay và xứng đáng ở một tầm cao cho Bon Jovi. Chỉ tiếc là nó chưa bao giờ có được thành công và tiếng vang như những “Bohemian Rhapsody”, “Stairway To Heaven” hoặc “November Rain”.
Đối với tôi, khi nghĩ tới Bon Jovi, tôi sẽ bật “Dry County” để nghe lại. Còn “Always”, “Livin’ On A Prayer”, “You Give Love A Bad Name” ư? Cứ để sau nhé!
MV của "Dry County" bị cụt hứng vì rút gọn đoạn solo đầy khác biệt
Hẹn gặp lại!
Kink