top of page

Brand New - kết thúc sứ mệnh với emo Rock

Tháng 8 năm 2017, ban nhạc emo indie rock Brand New phát hành album cuối Science Fiction cho sự nghiệp âm nhạc của họ. Đó là thời điểm đánh dấu kết thúc cho những fan nhạc rock có phần emo như tôi.


Lúc đó ban nhạc mới chỉ phát hành bản online nên tôi phải download về máy và bật ngay trên xe trong lúc đi công việc. May thay lúc đó chỉ có một mình nên tôi có thể thoả sức vặn volume to hẳn lên để cảm nhận rõ chúng hơn. 


Vừa bật to tôi vừa hồi hộp sợ bị giật mình vì nếu bạn đã từng nghe Brand New, bạn sẽ biết là một trong những “món khoái khẩu" trong nhạc của nhóm này là sự đối lập hoàn toàn trong cùng một bài giữa những khúc nhạc thực sự nhẹ nhàng với những đoạn cực kỳ ồn ào của guitar riff và gào thét như xé nát họng của Jesse Lacey, đúng nghĩa với từ emo. Vậy nên khi bài mở đầu "Lit Me Up" có phần dạo đầu dài chậm rãi có phần ma quái của tiếng bass và bộ gõ rồi sau đó là tiếng hát nhẹ nhàng của Jesse là tôi đã chuẩn bị hết tinh thần để đợi bài hát lên cao trào. Nhưng không hề. "Lit Me Up" lặng lẽ kết thúc, nên dù giai điệu rất hay, nó vẫn khiến tôi lúc đó đôi phần thất vọng. Thế nên đến bài "Can’t Get It Out" sau đó, khi nghe được phần guitar riff khàn đục kêu “khạch khạch” như bài Creep của Radiohead và có phần ồn ào hơn một chút là tự dưng tôi thấy yên tâm hơn.


Tôi chợt nhớ lại đĩa Daisy trước đó 8 năm đầy rẫy những bài thuộc dạng siêu ồn ào, khi ngay từ single đầu At The Bottom đã thể hiện không khí “tức giận” của cả đĩa, thì ấn tượng ban đầu của Science Fiction khiến tôi cảm thấy giống như ban nhạc đã bỏ đi cái “món khoái khẩu” đấy của họ.


Quay lại năm 2006, khi đó Brand New tạo một cú shock lớn với làng âm nhạc trong dòng indie rock/emo/pop punk khi phát hành album The Devil And God Are Raging Inside Me (gọi tắt là Devil And God). Album này được coi là đã thay đổi dòng nhạc emo đáng kể nhất thời kỳ đó, mặc dù đĩa trước đó, Deja Entendu, đã mang lại những dấu ấn quan trọng và cải thiện hơn so với đĩa đầu tay. Nhưng đúng là Devil And God mới thực sự là cú hích lớn. 

Khi ấy các band trong dòng emo khác chỉ giống như hội chuyên đi “kêu ca than vãn” hoặc đầy thù hận, thì Brand New thay đổi cái nhìn đó hoàn toàn. Mọi người không còn khinh thường dòng emo như trước nữa vì Brand New hát những ca từ bớt bi quan tiêu cực hơn, mà thay vào đó là từng nốt cảm xúc của một kẻ với cuộc chiến nội tâm được thể hiện qua âm nhạc. Đó cũng chính là ý nghĩa của tựa đề album khi bên trong Jesse là cuộc giằng xé giữa “quỷ” và “chúa” đại diện cho cái xấu và cái tốt trong mỗi con người. 

Chính vì vậy, từ đĩa Devil And God này, Brand New mang đến cho người nghe những biến đổi trong cảm xúc cực kỳ khác biệt và đối lập để chính họ cảm nhận được sự giằng xé này. 


Nếu như Jesse thể hiện lối hát nhẹ nhàng ở những đoạn verse và gào rách họng ở điệp khúc hoặc outro, hay Vincent sử dụng âm thanh rè đặc nhất của guitar điện trong những khúc cao trào, thì Garrett (bass) và Brian (drums) lại tạo ra những đoạn dồn trống vào nhịp hay rhythm lệch phách mà đến cả mấy thành viên kia còn bất ngờ. Câu outro của bài "Luca" là ví dụ khi người nghe hoàn toàn giật mình với phần vào nhạc cực kỳ ồn ào khúc cuối sau cả chuỗi giai điệu acoustic êm dịu (tôi nhớ lần đầu nghe mà suýt tè ra quần) Hay như "Millstone" là một ví dụ khác khi khúc outro đảo nhịp của trống khiến người nghe như bừng tỉnh dù không hề có tiếng guitar ồn ào đằng sau.

Bài hay nhất của đĩa chính là "Limousine" được Jesse viết từ cảm xúc rất thật khi anh nghe tin một cô bé 7 tuổi chết do bị một kẻ say rượu đi ngược chiều đâm đối đầu chiếc xe cô đang ngồi ở trên. Bài hát chậm rãi với lời tự sự từ nhiều góc nhìn khác nhau, của người mẹ đáng thương đau đớn tột cùng ôm đứa con gái trong tay và của chính kẻ say rượu thú nhận và hối hận với tội lỗi bản thân. cấu trúc của nó không theo kiểu cơ bản truyền thống mà dẫn dắt từ từ:

“One I love you so much But do me a favor baby don't reply Because I can dish it out But I can't take it”

Được lặp đi lặp lại và dừng ở “Seven loved you so much” chính là độ tuổi còn rất nhỏ của cô bé khi bị cướp đi tính mạng. Đoạn đó giống như tâm trạng của người mẹ khi ngồi ôn lại từng năm tháng với đứa con gái nhưng chỉ mãi dừng ở con số 7 với kỷ niệm đau buồn mà sẽ không bao giờ quên được.


Và cao trào là đoạn solo guitar cực kỳ cảm xúc của Vincent để chuyển tải nỗi đau mà tôi nghĩ ít ban nhạc emo nào làm được.


Cấu trúc bài hát mang tính dẫn dắt, đẩy lên cao trào cũng chính là một "tuyệt chiêu” khác của Brand New. Chính vì vậy quay lại với đĩa Science Fiction, sau khi nghe lại đến lần thứ hai và thứ ba, tôi mới thực sự thấm và nhận thấy “tuyệt chiêu” này vẫn còn đó ở nhiều bài khác như Same Logic / Teeth, 137. Có thể không còn lối hát gào thét như trước, tiết tấu chậm hơn chút và guitar cũng ít gầm gừ của chất post-hardcore hơn mà thay vào một số bản ballad như "Could Never Be Heaven", "Desert" hay bài cuối "Batter Up", nhưng cái chất emo trong nghĩa cảm xúc (không phải theo cách than vãn) vẫn tràn đầy, thậm chí còn nhỉnh hơn chút so với Devil And God, đặc biệt ở phần nhạc cụ. Nếu có tách hết lời hát ra thì đây vẫn sẽ là một album instrumental cực kỳ xuất sắc.


Vì vậy, dẫu cho lối chơi có thay đổi một chút ít nhưng tổng thể album lại cực kỳ cô đọng và đồng nhất. Sau những giai đoạn “buồn” trong đấu tranh nội tâm của Devil And God, “giận giữ” của Daisy thì “sâu lắng” có phần ma quái của Science Fiction chính là một cái kết hoàn hảo cho sự nghiệp của Brand New khi họ luôn trưởng thành trong âm nhạc theo từng thời kỳ.


Và chỉ đến khi nhận ra chủ đề của Science fiction, lúc này thì tôi có thể nghe lại bài đầu "Lit Me Up" và hiểu nó đầy đủ hơn. Bài cuối "Batter Up" cũng vậy, nhẹ nhàng nhiều cảm xúc và không cần cú “twist” cao trào nên xứng đáng là bài kết hoàn hảo cho một album cuối cùng có thể coi như một masterpiece sánh ngang tầm với Devil And God.


Hẹn gặp lại


Kink


454 views

Recent Posts

See All

Comments


bottom of page