Tôi đã định đợi Bruno Mars và Anderson .Paak phát hành album hợp tác dưới cái tên Silk Sonic, để dành nghe hết cả đĩa đó rồi mới viết về Mars một thể. Đến khi nghe tin album của bộ đôi này phải đến tháng 1 năm 2022 mới phát hành thì tôi đành bỏ việc chờ đợi và biên cái bài này.
(Và giờ thì hai ông Silk Sonic lại báo album sẽ phát hành ngay giữa tháng 11 tới. Rõ là Troll đó mà!).
Lần đầu đọc tin Bruno Mars kết hợp làm nhạc với Anderson .Paak tôi đã có một cảm nhận rất tốt về dự án này.
Lý do thứ nhất đó là vì Mars làm nhạc rất hay, thể hiện qua hai album đầu tay Doo-Wops & Hooligans và Unorthodox Jukebox. Tuy vậy, đĩa thứ ba 24K Magic thì hoàn toàn không phải gu của tôi. Biết là album này có âm hưởng lớn của nhạc Funk. Biết là nó gặt hái thành công nhất cho anh với vô số giải Grammy. Nhưng nó lại đánh mất hai thứ mà tôi thích nhất ở nhạc của anh. Đó là 24K Magic không còn những bản giai điệu âm nhạc mật ngọt cực kỳ catchy trong nhạc thường thấy của Mars; và giọng hát của anh ở một số bài còn dùng autotune, như một cú tát vào chất giọng thuộc hàng top các nghệ sĩ hát hay nhất thời nay.
Lý do thứ hai là người hợp tác cùng Mars, anh Anderson .Paak là nghệ sĩ cực tài năng. Với sự tinh tế trong nhịp điệu nhờ kỹ thuật chơi trống điêu luyện, và sự ảnh hưởng lớn của nhạc Soul thời 70 từ những huyền thoại Stevie Wonder, kết hợp với thói quen làm nhạc trên nhiều chuỗi hợp âm phức tạp có phần jazzy, tôi có một niềm tin là sự ảnh hưởng về mặt nghệ thuật đó của Paak sẽ kéo được Bruno Mars về lại gốc rễ cốt lõi trong phong cách làm nhạc của anh thời kỳ đầu, và thậm chí sẽ còn nhỉnh hơn.
Và bản “Leave The Door Open” cùng “Skate” là minh chứng cho một kết quả của sự nhỉnh hơn khá nhiều này.
Tuy vậy trước hết tôi muốn quay trở về với một Bruno Mars ở thời kỳ khi anh bắt đầu gây chú ý tới thị trường âm nhạc mainstream. Đó là lúc Mars làm khách mời hát đoạn hook cho bài “Nothin’ On You” của B.o.B, và bài “Billionaire” của Travie McCoy. Giai điệu ngọt ngào vô cùng bắt tai và giọng hát nam cao trong trẻo của anh sáng bừng hai track này. Nó khó cưỡng tới mức người nghe đôi lúc chỉ mong chực chực đến phần thể hiện của Bruno Mars để ngân nga theo. Đoạn nhạc “'Cause they got nothin' on you baby / Nothin' on you baby” trong bài “Nothin’” giọng anh kéo lên cao vút và đoạn “A different city every night, oh I / I swear the world better prepare / For when I'm a billionaire” trong bài “Billionaire” giai điệu không chỉ với các nốt cao, mà còn có sự chuyển biến hợp âm phía sau liên tục. Phần thể hiện xuất sắc của anh khiến những lần anh sau này được mời làm hookman cho các bài như “Lighters” của Bad Meets Evil (nghệ danh của bộ đôi Eminem và Royce Da 5’9’’) và “Mirror” của Lil Wayne đều lại một lần nữa như lấn sóng với chính các rapper này.
Vấn đề là Bruno Mars tài giỏi hơn việc chỉ làm một hookman thuần túy. Album solo của anh là một bất ngờ lớn tới người yêu nhạc và thị trường lúc đó. Các bài nhạc của Mars mang tới một sự hoài cổ của dòng nhạc những thập niên 70 và 80 nhưng lại hiện đại qua chất nhạc Pop gần gũi khiến anh ngay lập tức thống trị các bảng xếp hạng. Cái đẹp trong nhạc của anh chính là một số công thức tạo hit cho mainstream nhưng lại vẫn đưa được cái chất của một nghệ sĩ âm nhạc thực thụ qua khả năng vừa ca hát, chơi nhiều nhạc cụ và đặc biệt sáng tác nhạc.
Bruno Mars tên thật là Peter Gene Hernandez tại Hawaii. Anh mang dòng máu lai gốc gác Tây Ban Nha, Ukraine và Philippines. Sinh ra trong gia đình mà toàn bộ các thành viên đều có máu nghệ sĩ trong người, Mars nhanh chóng phát triển khả năng âm nhạc của mình từ vũ đạo đến ca hát và chơi đàn. Mặc dù vậy, sự nghiệp không dễ dàng đến với anh. Đã có quãng thời gian Mars sáng tác nhạc cho những nghệ sĩ khác, và để ra được nhạc phẩm cho người khác mua, anh tham gia một khóa học sáng tác các bản hit. Tôi không biết trong quãng thời gian này anh học được các chiêu thức gì, chỉ biết là anh phải tốn tới 5 năm nghiên cứu, nghe đủ các bản hit trong nhiều thập kỷ, phân tích và hiểu được mấu chốt của những yếu tố dễ tác động tới trái tim người nghe nhạc số đông. Và tôi nghĩ khi Bruno Mars áp dụng vào thực hành, anh khéo léo lồng ghép được chất riêng rất “Bruno” vào nhạc của mình.
Khác với công thức có phần rập khuôn máy móc của nhà sản xuất nhạc Max Martin lừng danh, Mars có thể kết hợp nhiều chiêu thức đa dạng để tạo ra các sản phẩm vừa dễ nghe, mà vẫn “chất”.
Trong ca khúc đầu tiên “Grenade” của album đầu tay, không cần đập ngay vào mặt người nghe bằng đoạn điệp khúc như anh Martin, Bruno Mars từ từ dẫn dắt người nghe vào một giai điệu đơn giản ở mấy khuông nhạc đầu. Sự biến đổi cao độ giữa các nốt ít, số lượng nốt ít và hợp âm chỉ đổi sau 2 khuông nhạc. Lý do? Để cho tai người nghe nhạc làm quen với không khí bài hát và để người ta tập trung vào lời anh viết ra. Kể cả đến đoạn Pre-chorus, khi giai điệu có thay đổi khác trước nhưng sự biến tấu của mỗi phần đều được lặp đều đặn để giống như con người ta khi đi bộ lên thang, tới mỗi tầng sẽ có không gian nghỉ làm quen. Bài hát không bị nhàm chán nhờ mỗi khúc đổi giai điệu đó (từ Verse tới Pre Chorus) và phần lời rất hình tượng, cho đến khi tới Chorus.
Đối lập với đoạn lời trước đó về việc anh chàng si tình bị cô nàng lợi dụng tình cảm là điệp khúc kể chuyện anh sẵn sàng “chộp lựu đạn”, “đưa tay không ra đỡ nhát dao”, “nhảy tới trước đầu tàu”, “đưa đầu hứng đạn bay xuyên óc” để chết vì cô ta. Một kỹ năng viết lời mà Bruno Mars ứng dụng ở đây là không dùng tính từ để tả cảm xúc, mà thay bằng các hình ảnh, tình huống, bối cảnh, hành động để người nghe hiểu tâm tư, thay vì nói toẹt là nhân vật nam trong bài rất “simp trúa”
Đấy là về phần lời, còn phần nhạc thì đây là cái hay ho này. Ở nửa đầu điệp khúc, Mars vẫn đùa giỡn với chúng ta bằng phần giai điệu dù mới nhưng vẫn có sự lặp lại để chúng ta dễ nhớ, nhưng đằng sau đó là chuỗi hợp âm đổi liên tục. Cứ 2 nhịp lại đổi hợp âm 1 lần như ghi chú ở trên. Như phần giai điệu, nửa đầu điệp khúc các hợp âm đi theo trình tự Dm Bb F C, nhưng tới nửa cuối, Mars gây bất ngờ bằng việc thay đổi trình tự. Rồi không chỉ những nốt cao của bài xuất hiện ở phía cuối trên nền trình tự hợp âm mới, Mars còn sớm chèn vào hợp âm La trưởng (A), thay vì để cuối cùng, một hợp âm chuyên dùng để hút sự chú ý tới tông chính (Dm) của bài sau đó, khiến cho đoạn cuối này như giằng xé nhờ độ căng được giải quyết hai lần liền, với lần thứ hai là qua phần verse tiếp sau đó.
Trong bài Bruno Mars còn đưa vào đoạn Bridge bắt đầu bằng hợp âm Gm chưa xuất hiện trước đó trong bài, gây hiệu ứng tốt cho sự thay đổi cung bậc cảm xúc, tạo một bản nhạc trọn vẹn về cấu trúc có đủ Verse – Pre Chorus – Chorus – Verse – Pre Chorus – Chorus – Bridge – Chorus và cả Outro, một điều hiếm thấy ở âm nhạc mainstream thời nay như tôi đã viết trước đây về “Sự biến mất của các đoạn bridge” trong bảng xếp hạng.
Ngoài bài “Just The Way You Are” theo đúng công thức vòng lặp không đổi của 3 hợp âm, thì các bài trong album đầu hầu như đều có sự phức tạp riêng, ví dụ như 6 hợp âm trong “Talking To The Moon”, hoặc bài “Runaway Baby” chỉ có 2 hợp âm ở verse nhưng lại bẻ lái từ hợp âm A (gồm A C# E) sang ngay hợp âm C (gồm C E G) ở đầu điệp khúc và nối tiếp ngay B (gồm B D# F#), toàn đá nhau liên tục thế mà nghe lại hợp lỗ tai.
Dĩ nhiên, hiệu ứng của các khúc nhạc trên càng được tôn nhiều nhờ giọng hát trong veo cao vút của Bruno Mars. Anh sở hữu chất giọng gợi tôi nhớ tới tiếng hát của Michael Jackson thời trẻ, khi mà hầu như bài hát nào anh cũng hát ở tông rất cao một cách khá là thoải mái. Hơn nữa dòng nhạc mà Mars làm như có nói tới ở trên, là sự hoài niệm về dòng nhạc xưa.
Ở xã hội hiện đại phát triển bây giờ, năm 2020 đã chứng kiến loạt các tác phẩm mang âm hưởng Disco từ The Weeknd, Dua Lipa tới Jessie Ware, thì Bruno Mars đã mang sự hoài cổ của nhạc Soul và Funk vào album của mình từ trước đó cả 10 năm. Anh còn mượn cả thứ nhịp điệu phá cách của nhạc Reggae vào bài “The Lazy Song” qua phần rhythm của guitar thùng chỉ nhấn vào nhịp số 2 và số 4. Rồi âm thanh Reggae cũng lại xuất hiện cả ở bài “Liquor Store Blues” - ca khúc chắc là hay nhất đĩa.
Album thứ hai Unorthodox Jukebox của Bruno Mars cũng có những chiêu thức trên của anh. Nhưng trong đó có bài “Locked Out Of Heaven”, Mars sử dụng kỹ thuật tạo độ hẫng trong giai điệu (melodic leap) khi chuyển liên tục các cặp hợp âm gần sát nhau, như C và Dm; C và Bb; Am và Gm, rồi điệp khúc hút từ A lên hợp âm chính Bb, nâng người nghe liên tục lên các bậc thang cảm xúc. Đây cũng là kỹ thuật không mới nhưng ít gặp, nhất là khi các khúc chuyển hợp âm đều nhấn vào phách lẻ, điều càng cực hiếm thấy trong nhạc Pop ngày nay.
Trong đĩa thứ hai này, ca khúc “Treasure” là ca khúc gợi ý định hướng Funk cho Bruno Mars thử nghiệm trong album tiếp theo 24K Magic. Khác cái là âm sắc Disco trong “Treasure” tạo cảm giác soulful hơn âm thanh có phần lạnh lùng của 24K. Như kể trên, tôi sẽ miễn bàn tới 24K và muốn quay về Silk Sonic của Bruno Mars và Anderson .Paak.
Nếu như Mars từng phải tìm đến sự cuốn hút của nhịp điệu funky trong đĩa 24K Magic thì nay anh có Anderson .Paak - nhân vật tạo nhịp điệu cực tốt trong Silk Sonic. Người ta nói là các bài mà hai anh này sáng tác còn từ cảm hứng từ chính biến tấu nhịp điệu mà Paak tạo ra một cách tinh tế trên chiếc hi hat mà anh mần hay khó đỡ.
Các bạn cứ tưởng tượng đoạn đầu bài “Leave The Door Open”, khúc fill in bằng trống mềm mại của Paak như chính giọng hát của Mars là cảm hứng cho nhân vật chính trong bài viết này được đón nhận thêm chiêu thức mới, đó là “phiêu”. Như kể trên, lối sử dụng hợp âm của Bruno Mars đã giỏi rồi nay lại gặp anh chàng có cách biến tấu hợp âm phức tạp như Paak ắt tạo một điểm cân bằng hoàn hảo: độ chất nhỉnh hơn tác phẩm solo của Mars và phần nhạc dễ nghe với số đông hơn so với tác phẩm solo của Paak.
Chất ở đây là âm sắc của Motown xưa. Chất ở đây là âm hưởng mềm mượt mà không quá ướt át. Chất ở đây còn là vô số lần đổi tông giọng bài hát. Câu intro và câu vào hát của Paak một tông, câu vào hát của Mars một tông khác, câu điệp khúc lại quay lại tông ban đầu, câu bridge về sau nhảy tới một tông mới và tự chuyển tới một tông mới nữa để mào phần điệp khúc ở cuối bài. Điều đáng nói là ở cuối mỗi khúc như vậy, có đủ các biến đổi của hợp âm lạ đi mượn về. Đẹp cái là sự chuyển tông giọng nhiều vậy nhưng mỗi lần xuất hiện đều mịn màng, không hề gượng ép. Đây chính là cái đỉnh của một ca khúc đứng trên top bảng xếp hạng bây giờ mà có lẽ số hợp âm của nó có khi ngang ngửa tổng số các hợp âm của các bài còn lại trong top 10.
Cái âm hưởng nhạc Motown xưa hơn cả nhạc của Bruno Mars và Anderson .Paak trong Silk Sonic là thứ khiến ai yêu nhạc của một trong hai anh này hoặc cả hai như tôi thì sẽ chỉ biết cắn răng mà chờ đợi. Nhất là khi bài “Skate” của họ sau đó vẫn thể hiện được những gì tinh tuý nhất từ hai nghệ sĩ tài năng này. Và cũng không ngoa mà nói rằng, giọng hát ít người bì được của Bruno Mars chắc chắn sẽ còn mang tới nhiều bất ngờ trên dự án âm nhạc mới mẻ này. Chả thế mà khi tôi nghe nát cái bài “Leave The Door Open” rồi mà lần nghe bản live performance của Mars tại lễ trao giải Grammy năm 2021, tôi vẫn há hốc mồm vì chất giọng của anh khi hát live vẫn cực kỳ tốt. Thậm chí những câu hát biến tấu lên cao ở cuối còn hay hơn bản studio nhiều lần. Và xin lỗi Anderson .Paak, dù tôi có thích anh hơn anh Mars thật đấy nhưng tôi vẫn phải thừa nhận, một lần nữa Bruno Mars lại lấn sóng các anh rapper như mọi khi.
Hẹn gặp lại!
Kroon