Ai cũng biết Bryan Adams không làm việc một mình. Sau lưng anh là cả một đội ngũ những người cộng tác lâu dài, chẳng hạn như Jim Vallance, người viết chung nhạc với anh suốt thập kỷ 80. Bryan Adams có tư tưởng khá lạ, khi cố gắng duy trì đội ngũ ổn định từ sáng tác, ghi âm, đến biểu diễn. Có lẽ vì thế mà âm thanh trong nhạc của Bryan Adams nghe rất đặc trưng, và anh vẫn ngạo nghễ đứng trên đỉnh cơn sóng âm nhạc thị trường suốt qua bốn thập kỷ với những album cứng: Reckless của những năm 80s, Wake The Neighbor hay On A Day Like Today của thập niên 90s, 11 của thập niên 2000s, và Get Up của thập niên 2010s.
Nhưng hóa ra trong đội ngũ của anh, chỉ có tay guitar Keith Scott là làm việc cùng từ đầu đến giờ. Có lẽ tất cả những người thành công như Bryan Adams ngoài kia đều cần một người đóng góp thầm lặng và ổn định như Keith Scott. Và có lẽ tất cả những ai ưa chiến đấu thầm lặng như Keith Scott đều cần có kẻ cầm đầu như Bryan Adams.
Nếu như trước thế giới, Bryan Adams là tất cả: anh vừa sáng tác, vừa hát hay với giọng khàn quyến rũ, vừa chơi guitar, vừa chơi bass, làm cả nhạc phim, sáng tác cho người khác. Chưa kể đến mái tóc bồng bềnh làm chết không biết bao nhiêu chị em ở thời những năm 90s. Kệ thôi, việc của Keith Scott không phải là xuất hiện trước công chúng. Việc của anh là chơi guitar và tạo ra âm thanh đặc trưng trong nhạc của Bryan Adams.
Quay lại thời đầu, Scott gặp Adams từ thời năm 1976 ở Ontario, Canada, và hai thằng say sưa chơi nhạc cùng nhau với cùng sở thích Deep Purple. Keith Scott lúc đó mê mẩn đồ nghề của Ritchie Blackmore, tự sắm cho mình một cây Fender Stratocaster cùng với amply Vox cho giống Ritchie. Adams thấy Scott có Fender rồi bèn quay qua chơi cây Gibson Les Paul. Hai cây khác nhau, nhưng cả hai vẫn duy trì thói quen chơi cùng loại dây đàn đến tận bây giờ. Cũng tại hồi còn nghèo thì mua cả lố dây đàn thường rẻ hơn. Tiếng guitar của Keith Scott cũng nặng tự nhiên phần vì anh quen chơi bộ dây 0.12. Do nó lâu đứt hơn dây 0.10 thông dụng.
Năm 18 tuổi, Bryan Adams gặp Jim Vallance, 25 tuổi, lúc đó đang là tay trống và là người sáng tác chính cho band Prism đến từ Vancouver. Hai người viết nhạc với nhau ngay từ khi mới gặp, với kết quả là đĩa đầu mang tên Bryan Adams ra năm 1980, và chỉ cần đến đĩa thứ ba, Cuts Like A Knife (1983), Bryan Adams đã bắt đầu tiến vào các bảng xếp hạng ở Bắc Mỹ (đĩa này không được để ý ở châu Âu). Điều đặc biệt là, mỗi khi Adams và Vallance viết ra được bài nào có vẻ được, họ mới gọi Keith Scott đến để sáng tác câu riff. Quan điểm của Adams thì cây guitar là thứ không thể thiếu, nhưng là thứ để tôn giọng hát. Vì thế phần guitar sẽ được tạo ra xung quanh giai điệu và lời hát. Chơi luôn, Keith Scott chưa bao giờ làm Bryan Adams thất vọng. Chơi nặng như “Summer of 69”, cao trào dồn dập như “Heaven”, màn dạo đầu hoành tráng như “It’s Only Love”, sử dụng acoustic như “I’m ready”, vân vân; Keith Scott có thể làm mọi thứ với cây guitar. Có nhiều lúc tôi trộm nghĩ, nếu như Bryan Adams và Keith Scott sinh ra ở Mỹ, có lẽ họ đã nổi tiếng không thua gì Jon Bon Jovi và Ritchie Sambora, và ở một khía cạnh nào đó, tôi nghĩ cách chơi của Keith Scott còn đa dạng hơn Ritchie Sambora, dù hai anh đều tạo ra cách chơi ảnh hưởng từ nền tảng chơi Blues Rock.
Thành thạo đường lối nhạc Blues như thế nên câu guitar của Keith Scott không thiếu những câu rên rỉ đánh chập hai dây (kỹ thuật double stop), hay những câu réo ngân nga đầy khắc khoải, nghe thấm thía lắm.
Hãy lấy ví dụ như trong “Can’t Stop This Thing We Started” (đĩa Waking Up the Neighbours 1991), tiếng guitar của Keith Scott thực sự đã tạo ra màu săc lẫn làm nổi cả tinh thần cho cả bài ngay từ đầu, lẫn câu riff nặng chất blues thực sự đã tạo ra cái “chân” cho bài hát.
Nhưng trước mắt, đĩa Reckless (1984) đã đưa Bryan Adams vượt ra khỏi Bắc Mỹ với hơn 12 triệu đĩa đã bán, và những hit trường tồn với thời gian như "Run to You", "Heaven", "Somebody", và đặc biệt là "Summer of '69". Keith Scott đã thực hiện hoàn hảo phần guitar và tạo ra âm thanh đặc trưng của Bryan Adams trong album này. Lối chơi của Keith Scott trong đĩa này là cực kỳ chắc chắn nhưng cũng không kém phần sáng tạo, và không khó để nhận thấy anh đã làm chủ hoàn toàn âm thanh từ cây Strats và cái amply Vox sở trường của anh.
Rõ ràng Adams hoàn toàn có thể thu âm với bộ khung là các nghệ sĩ session, nhưng anh không làm vậy. Những người chơi nhạc cùng Bryan Adams đều theo anh rất lâu năm: Keith Scott xử guitar và Mickey Curry trên giàn trống. Và Adams rất sẵn sàng để sự tự do cá nhân của những nghệ sĩ này góp phần tôn phần giai điệu bài hát của anh lên, thay vì sử dụng những nghệ sĩ session thừa kỹ thuật nhưng âm thanh cũng thường rất “thị trường” và ít mang tính cách riêng.
Chẳng hạn như “It’s only love”, ca khúc lúc đầu chủ định chỉ viết cho một mình Bryan Adams hát, nhưng sau may sao có thêm Tina Turner tham gia (nhân lúc Tina Turner còn chưa kịp nổi tiếng). Tới luôn, Jim Vallance muốn tạo ra một bài hát theo kiểu của “All Along The Watch Tower” của Jimi Hendrix, khi Jimi chơi solo ám ảnh ở đoạn dạo và sau mỗi đoạn verse. Keith Scott đã thỏa mãn ý tưởng đó bằng câu intro không lẫn đi đâu được, và một loạt solo đậm chất blues váng vất chen giữa các verse y chang. Có ông bạn tin cậy có khác!
Một điểm độc đáo nữa trong cách chơi của hai ông bạn này: Bryan Adams thường xuyên chơi phần rhythm giống như Keith Scott trong khi hát. Giống như kiểu của Rolling Stones vậy. Nhưng Adams thì bảo “tao bắt chước AC/DC đấy. Tội gì chứ, khi có riff hay rồi thì cả hai thằng cùng chơi. Mà cũng tiện lúc nào hát khó quá thì tao lại nhảy ra cho nhẹ nhàng, và bồi vào lúc cần hối hả. Giống AC/DC, riff đơn giản nhưng cực chất”. Tôi thật không suy nghĩ được như vậy.
Cũng nhờ thế mà setup sân khấu của cả band trở nên cực kỳ tiện lợi khi đi lưu diễn. Lúc đủ cây thì Bryan Adams chơi guitar phụ trợ cho Keith Scott. Lúc thiếu cây thì chỉ cần ba tay là đủ vì Bryan Adams chuyển qua chơi bass. Hãy xem thử cả tour diễn ở lâu đài Donnington khi band chỉ chơi với ba cây mà tiếng vẫn cực dày. Chẳng hạn như bài “Run to you” sau đây:
Sau Reckless, Bryan Adams ra đĩa Into The Fire không thành công lắm về mặt thương mại (bán được hơn 1 triệu đĩa đã kêu là không thành công, ai bảo Reckless nổi nhanh quá), và khổ cái là Adams và Vallance bắt đầu có những xích mích lớn dần do cả hai mải gây sức ép sáng tạo nhau quá đâm thành thách thức nhau. Duy chỉ có phần nhạc do Keith Scott đảm nhận là vẫn ổn định như mọi lần. Bắt đầu từ lúc này, có thể nhận thấy nhạc của Bryan Adams thường không quá ổn định và tập trung, có thể vì anh rất biết cách tạo ra vài hit một album, và kệ mịa phần còn lại của album (thường chất lượng không đồng đều hoặc không theo cùng ý tưởng). Duy chỉ có phần guitar của Keith Scott, có thể nói sau vài thập kỷ, vẫn luôn là thứ âm thanh chắc chắn và hỗ trợ kẻ cầm đầu kia một cách tối đa. Hãy nghe thử “Native Son”, một ca khúc có phần hát không quá thú vị nhưng phần guitar rất đẹp.
Thế rồi Jim Vallance bỏ team của Adams đi, và thành danh với vai trò viết nhạc cho Aerosmith, Ozzy Osbourne, Alice Cooper, Lita Ford, và rất nhiều người nữa. Chắc cũng hậm hực, Bryan Adams đổi gió bằng việc kéo Keith Scott qua viết nhạc cho phim Robin Hood của Kevin Costner. Kết quả là “Everything I Do” viết cùng với Mutt Lange.
Có lẽ “Everything I Do” đã khởi xướng cho phong trào mà phim Hollywood phải có một bài thật là hay réo lên ở cuối phim (Titanic, Armageddon, The Bodyguard , vân vân). Còn Keith Scott thì sao, anh rất khoái chí vì tìm ra được cây đàn ưa thích nhất của anh: cây Gretsch hollow body màu cam. Dĩ nhiên giờ rủng rỉnh rồi, Keith Scott có thể chọn cho mình cây đàn nào tùy thích ngoài Fender Stratocaster và Gibson Les Paul. Đơn giản thôi: màu phim toàn màu xanh lá, cho đàn màu cam vào cho nổi.
Bài “Everything I Do” sau đó được đưa vào album rất hay của Bryan Adams: Waking Up the Neighbours (1991) và lần này người viết nhạc cùng anh vẫn là Robert “Mutt” Lange, người nổi tiếng vì trước đó sản xuất cho AC/DC lừng danh và những đĩa hay nhất của Def Leppard. Những lo lắng của khán giả về việc âm thanh của Bryan Adams nghe sẽ “thị trường” như tiếng đàn của Def Leppard đã hoàn toàn không xảy ra. Tiếng guitar của Keith Scott vẫn chắc chắn y như vậy. Anh đóng góp cho một loạt các hit như "Can't Stop This Thing We Started", "Do I Have to Say the Words?", "Thought I'd Died and Gone to Heaven", rồi liên tiếp sau đó là album 18 Til I Die (1996) và On A Day Like Today (1998), đều cùng làm chung với Mutt Lange. Ca khúc nổi tiếng sau đó Adams và Lange viết cho phim Ba Người Lính Ngự Lâm, “All for Love” (1993), Adams vẫn kéo Keith Scott vào chơi guitar cùng Sting chơi bass.
Vẫn với cách chơi điềm tĩnh và ít khi xuất hiện, thời gian không thu âm và lưu diễn với Bryan Adams, Keith Scott đi du lịch khắp nơi và viết blog về du lịch. Anh cũng dành thời gian để cùng "sếp" Fred Gretsch tạo ra cây Gretsch 620KS signature của mình.
Nhưng trái ngược hẳn là lúc Keith Scott ở trên sân khấu với ông bạn chí cốt. Anh giống như một tay cận vệ siêu đẳng: vóc dáng gọn ghẽ, khuôn mặt lầm lì, vai đeo cây súng tự động, và khi cần thì vừa có thể chơi quyền cước vừa chơi dao, vừa có thể chơi cả súng ngắn lẫn súng tự động. Và anh rút súng rất nhanh.
Vâng, như tôi nhiều lúc cũng ước có một nghề nghiệp ổn định như Keith Scott, chỉ cần làm việc cho một chỗ, mỗi khi cần là chiến hết mình xong về nghỉ.
Nghĩ đến đây ngẩng lên lại thấy chồng bát đĩa đang chờ.
Hẹn gặp lại.
Kcid