top of page

Carlos Santana: mưu sự tại nhân

Updated: Sep 17, 2021

Tôi nghĩ mọi người đều khoái sự kết hợp giữa các nghệ sĩ thành danh trong âm nhạc, những bản "duet" hay những bài hát được feature một ai đó luôn đem lại một hương vị khác lạ trong các album nhạc. Những khán giả ích kỷ như chúng ta thường muốn có thêm cả những album kết hợp giữa những nghệ sĩ tài danh kia, nhưng rồi không hiểu do cái tôi quá lớn của họ, hoặc do cái giá ngất ngưởng khi mời nhau vào phòng thu, mà những album theo kiểu “Tôi và những người bạn” mới thật hiếm hoi làm sao.


Tôi nhớ những tour diễn diễn như của Pavarotti và những người bạn, tôi nhớ Alice Cooper đã từng mời các tay guitar sáng giá chơi trong album của mình, nhưng đó vẫn là những lời mời từ những người biết hát và đã quá quen với việc trưng mình ra trước ánh đèn sân khấu. Tôi còn nhớ mãi sau năm 2000, bố già B.B King mới phát hành B.B King and Friends, và đến 2010, Slash mới ra được album ấp ủ của anh với hàng loạt tên tuổi các ca sĩ hót hòn họt.


Vậy khỏi phải nói tôi đã ngạc nhiên thế nào khi Carlos Santana ra album Supernatural năm 1999, với bộ sậu gồm toàn các ca sĩ hot ở thời điểm đó. Đó cũng không phải là một album theo kiểu “Carlos Santana cùng những người bạn”. Họ đều đến và thu đĩa dưới cái tên Santana.


Hẳn người đàn ông đó có một sức mạnh “siêu nhiên” có thể thu hút được các nhân tài và tạo ra một sẩn phẩm để đời như vậy? Hoặc giả ông là một gã mưu lược hơn người?


Mặc dù sinh ra ở Mexico và lớn lên với nhạc truyền thống nhờ có ông bố là nghệ sĩ violin trong giàn nhạc Mariachi (một phong cách chơi nhạc giao hưởng kiểu Mễ Tây Cơ), cậu thiếu niên Carlos Santana sớm đi ngược với truyền thống gia đình khi vục vào thứ nhạc Blues của nước Mỹ với những B.B King, T-Bone Walker, hay John Lee Hooker – cũng có phần vì thứ nhạc đó đã giúp Carlos kiếm sống nuôi gia đình từ việc chơi nhạc ở pub từ sớm. Ngạc nhiên một đỗi khi cả gia đình nhà Santana quyết định dọn sang San Francisco sống năm cậu 14 tuổi, Carlos không hề màng đến “giấc mơ Mỹ” mà nằng nặc đòi ở lại quê nhà. Cho rằng ông con giai đã quá quen với cuộc sống “sa đọa” nơi quán rượu, bà mẹ Carlos ném cho cậu 20 đô la để tự đi xe bus về lại Mexico, và cười khẩy rằng ngần ấy sẽ khiến cho cậu quay lại với gia đình trong nháy mắt.


Thế mà rồi Carlos vẫn nhất quyết trở lại quê nhà và tiếp tục chơi nhạc tự nuôi sống bản thân cả năm trời trước khi đột ngột xuất hiện ở Mỹ để tái hợp với gia đình mình. Không ai biết Carlos đã luyện bí kíp hay ủ mưu gì trong suốt mấy năm đó, mà đến năm 19 tuổi, ban nhạc Santana Blues Band ra đời và đi lên nhanh chóng. Thật vậy, chỉ một tháng sau khi thành lập, họ đã đánh mở màn cho The Who, và 3 năm sau, khán giả đã trông thấy họ trêm sân khấu Woodstock 1969 sau khi ra album đầu tay Santana với tên ban nhạc nay đã được rút ngắn.

Santana đã từng chơi blues "khét lẹt" trước khi pha thêm nhạc latin


Với thứ nhạc rock mang nền tảng blues nhưng lại có nhiều âm sắc latin và nhịp điệu mang nhiều phần ngẫu hứng hoang dã từ âm nhạc châu Phi, âm nhạc của Santana mang đến nhiều hương vị lạ ở thời đó, nhưng cũng không thiếu sự e dè từ các hang đĩa. Chưa kể, nhạc của họ có quá nhiều phần trình diễn nhạc cụ không hát, thứ mà ở cuối thập niên 60s hãy còn là thứ kén người mua đĩa.


Nhưng đấy, những ban nhạc đặc biệt thì sẽ được để dành cho những nhà tuyển trạch đại tài. Trước tiên là Amhet Ertegun lừng danh, người đồng sáng lập và là sếp của hang đĩa Atlantic và cũng là người sau này ký với Led Zeppelin, đã đến đề nghị với Santana. Nhưng trước sự ngạc nhiên của cả band, Carlos quái kiệt bỗng chơi dở ẹt ở buổi audition ngay trước mặt Ertegun. Khỏi phải nói cả ban nhạc đã tức tối thế nào trước sự phung phí cợ hội ít ỏi, chỉ riêng Carlos tự tính toán trong đầu khi muốn đặt cược sự nghiệp của mình vào hang đĩa Columbia, nơi đã từng ký với những nghệ sĩ tên tuổi như Bob Dylan, Miles Davis, Johnny Cash, Barbra Streisand, hay Paul Simon. Không ai biết Carlos đã làm thế nào, nhưng sau khi Ertegun đi rồi, sếp của Columbia là Clive Davis xuất hiện và giúp Santana ra ba album đầu tiên cực kỳ thành công: Santana (1969), Abraxas (1970), và Santana III (1971).


Nhưng trước mắt, một người quen cũ của Carlos, Bill Graham, nhà tổ chức âm nhạc đại tài người đã sáng lập ra công ty Fillmore lừng danh, đã dành cho Santana band một vé đến Woodstock 1969, nơi họ khiến cho nửa triệu khán giả phải phát cuồng trước những giai điệu latin độc đáo và nhất là bản phối không tưởng dài gần 11 phút của “Soul Sacrifice”.


Thật ra cũng không ai biết Santana đã “đốn tim” khán giả theo cách không ai ngờ tới thế nào. Chỉ nghe đồn phong thanh là một người quen của Carlos với cái tên Jeff Garcia (không ai khác chính là tay guitar của Grateful Dead lừng danh), đã tặng cho Carlos vài liều LSD quý giá trước giờ diễn. Theo như những gì Carlos thuật lại sau đó, thì cần đàn của anh bỗng biến thành một con rắn, và trong khi cả band Santana ra sức chinh phục khan giả, thì front man kiêm lead guitar của họ toát mồ hôi hột để bấm những phím đàn trên thân hình trơn tuột và èo uột của con rắn đó.


Khán giả có tin vào câu chuyện cây “xà cầm” của Santana hay không thì tùy, chỉ có điều sự kiện Woodstock đó đã khiến album đầu tay Santana của họ bán vèo vèo và Columbia bắt đầu trải thảm mời họ thu album thứ hai.


Abraxas có sức công phá mạnh mẽ hơn hẳn so với album đầu tiên của Santana với thứ âm nhạc đa dạng, dày mình, và không thiếu những bản hit đáng trông đợi. Đối trọng với tiếng đàn của Carlos lúc này đây là một Greg Rolie cực uyển chuyển trên cây Hammond organ và còn đảm đương luôn vị trí ca sĩ chính. Chưa kể ngoài một David Brown chơi bass với những nốt mập mạp và những nốt chuyển hợp âm căng tim, họ có đến ba người chơi bộ gõ với Michael Shrieve trên giàn trống cùng cặp Michael Carabello và José "Chepito" Areas chơi tất cả những gì gõ được kèm hiệu ứng giúp tạo ra âm thanh latin không lẫn vào đâu được của Santana.


Nhưng nổi bật nhất, hẳn nhiên rồi, vẫn là nhân vật chính của chúng ta, Carlos. Abraxas chứng kiến tiếng đàn của anh bắt đầu mang những thương hiệu của Carlos Santana: ngọt ngào và ngân nga đầy khắc khoải. Và có một người đồng nghiệp ở bên kia bờ Đại Tây Dương đã hoàn toàn không biết mình là nguồn cơn của tất cả những thứ đó: Peter Green.

"Supernatural" - nguồn cảm hứng bất tận cho Carlos đến từ Peter Green


Carlos Santana đã ngộ ra tất cả những gì kỳ bí nhất trong tiếng đàn guitar qua chính nhạc phẩm “Supernatural” mà Peter Green chơi cùng với John Mayall & The Bluesbreakers. Âm thanh trần trụi đẹp đến tê người mà không cần phải giấu giếm cùng với khả năng ngân nga khắc khoải chính là thứ Carlos Santana đã “mượn” cho cách chơi của mình mà không cần giấu giếm. Những ca khúc tuyệt đẹp như “Sampa Pa Ti” đầy tự sự, hay “Black Magic Woman” sôi nổi chơi lại của chính Peter Green (nay đã là Fleetwood Mac) đã là thứ khiến Abraxas có một vị trí mà không có một album cùng thời nào có thể liên quan.


Cứ thế, Santana trở thành một cái tên lừng lững luôn đảm bảo doanh số bán đĩa bởi thứ nhạc luôn gợi ra cảm giác tích cực của họ, cho dù không phải bài hát nào của họ người nghe cũng hiểu họ hát gì. Sức sáng tạo của họ dường như càng không có giới hạn khi ban nhạc có thêm thần đồng guitar Neal Schon trong album thứ ba, Santana III.


Nhưng đó cũng là lần cuối cùng album của họ đạt no 1. Sau Santana III, Greg Rolie rủ Neal Schon rời nhóm và lập ra siêu ban nhạc Journey, trong khi Carlos Santana đắm chìm vào chơi jazz fusion bất chấp số lượng đĩa bán là bao nhiều, và cũng vì thế, bất chấp luôn cả những lời can gián của những người trước giờ đã chung tay giúp cho thành công của band như Clive Davis hay Bill Graham.


Đến đây ai cũng có thể đoán được hậu quả của câu chuyện. Không bán được đĩa thì sao sống sót được qua thập niên 80s bùng nổ của ngành công nghiệp âm nhạc.


Mặc dù vậy, chừng ấy thành công của Santana ở thập niên 70s đã đủ để đưa họ vào Rock n Roll Hall of Fame năm 1998, bất chấp việc hầu như cả thập niên 80s và 90s ban nhạc không còn làm ra được thứ gì ra hồn, và thế là câu chuyện xem ra đã có hậu và có thể kết thúc ở đây.


Nhưng Carlos Santana của chúng ta thì vẫn luôn mỗi khi gặp được một nguồn cảm hứng mới lại nảy ra một kế hoạch táo bạo.


Khán giả tin hay không thì tùy nhé, nhưng lần này Carlos gặp được thiên thần hẳn hoi. Anh còn kể với tạp chí Rolling Stones nữa. Tên cô ấy là Metatron. Cô ấy còn hứa sẽ giúp Carlos có thể kết nối với sóng âm thanh - mà dịch nôm ra là lên sóng radio - trở lại.


Và đây, tình trạng của Santana band đầu thập niên 90s có thể gói gọn trong 2 chữ: hết thời. Họ không có hợp đồng ghi âm, lâu lâu đi biểu diễn với đội hình không mấy tên tuổi trừ người đội trưởng mẫn cán, và chính người đội trưởng già nua đó bắt đầu “dở hơi” khi suốt ngày phát biểu về thiền và giao lưu với các thiên thần. Mà cũng chính là do các “thiên thần” chết tiệt đó mách nước, thì đây, ông già hơn 50 tuổi nay đã có một kế hoạch: Santana band chinh phục thanh thiếu niên.

"Samba Ti Pi", định nghĩa cho thứ âm thanh đặc trưng của Carlos


Điều tích cực hiếm hoi có lẽ là nay trong Santana band đã không còn ai đủ già dơ cỡ như Greg Rolie hay David Brown thời trước để có thể can gián hay góp ý với Carlos Santana. Và thế là Carlos cứ việc thực hiện kế hoạch của mình theo cách của anh.


Bước 1: đến gặp lại người bạn cũ Clive Davis, nay đã là chủ hãng đĩa Arista. Bước 2: thuyết phục Davis bằng lời lẽ: “Tôi muốn kết nối những phân tử bằng ánh sáng” – Carlos đề nghị bóng bẩy như vậy và thật may Clive Davis chỉ gật gù mà không "đánh giá" gã này bị khùng. Bước 3: thuyết phục Davis bằng hành động: Clive Davis đã đến xem Santana band diễn ở Radio City Music Hall vào tháng 7 năm 1997 trước khi quyết định ký họ hay không. Sự hưng phấn và khí chất của Santana vẫn còn nguyên. Và Clive Davis đã đồng ý ký với Santana cho album tiếp theo với một điều kiện: một nửa album phải đặc sệt chất Santana của Abraxas, và nửa còn lại thì phải nghe theo sự sắp xếp của Davis.


Không hổ danh là chuyên gia tạo hit, album tiếp theo của Santana với Clive Davis chỉ đơn giản là sẽ công phá các bảng xếp hạng bằng cách kết hợp Santana với hang loạt các nghệ sĩ đương thời, và Davis và đội ngũ sẽ là cầu nối giữa âm nhạc của Santana và âm nhạc của những người còn lại: từ pop cho đến hip-hop hay soul. Dưới sự điều phối của Davis, đó là sự xuất hiện của Lauryn Hill, Rob Thomas, Eagle-Eye Cherry, hay Wyclef Jean. Đó là sự cộng tác bất ngờ đến từ Dave Matthews, và cả sự tham gia vào phút chót của ông bạn Eric Clapton sau khi xem Santana diễn cùng Lauryn Hill.


Điều kỳ diệu trong lần hợp tác này chính là dù thể loại nhạc trong Supernatural đa dạng tới nhường nào, Carlos đều cân được hết. Tôi cảm giác như tiếng đàn ma thuật của ông như nhập vào mấy nghệ sĩ trẻ, khiến họ thăng hoa hết mức để tạo ra những nhạc phẩm thuộc hàng top trong sự nghiệp của chính họ. Đây nhé, những giai điệu Rob Thomas của Matchbox Twenty hát trong phần pre-chorus của “Smooth”, cả phần hát chính và hát bè cuộn vào nhau, đến độ giai điệu chính mênh mang như phần bè mà giai điệu bè lại ngọt như phần chính. Tiếng hát trầm đục của Everlast chậm rãi không bị nuốt chửng bởi các câu lick của Carlos trong “Put Your Lights On” rồi sau đó kéo vút lên 1 quãng 8 ở cuối nghe sướng tê người.


Hoặc như David McRae trong bộ đôi The Product G&B thể hiện giai điệu ngọt ngào ngân nga của chất nhạc R&B trong bài “Maria Maria” mang không khí đặc sệt Latin qua ngón đàn guitar thùng của Carlos. Mỗi khi câu cuối của điệp khúc mà McRae hát “played by Carlos Santana” là tiếng đàn guitar điện lại được bồi réo rắt, dĩ nhiên cũng bởi chính Carlos thể hiện, một câu riff mà Wyclef Jean (nhà sản xuất của ca khúc này) có ý tưởng mượn từ phần nhạc trong beat của bài “Wu-Tang Clan Ain’t Nuthing ta F’ Wit” của Wu-Tang Clan.

Và nếu như trước đây một nguồn cảm hứng khác của Carlos, Miles Davis, cũng đã từng chuyển hướng sang hát nhạc Pop ở giai đoạn sau của sự nghiệp – tiếng guitar của một trong những tay guitar bậc nhất nay bỗng chuyển sang vai trò làm đầy cho bài hát, và những câu đàn đặc trưng khi xưa nay chỉ kịp tuôn trào trong khoảng một vài khuông nhạc solo ở giữa bài.


Nhưng có lẽ khi cây đàn không còn được lên tiếng nhiều và thường xuyên như trước, Carlos Santana buộc phải chọn những nốt nhạc đẹp nhất trong những nốt ít ỏi được vang ra, và để cho chiêu thức sở trường của mình khiến cho nốt nhạc phải ngân lên dài hơn và khắc khoải hơn nữa.


Và mỗi khi có dịp trở lại là Carlos quen thuộc, những khán giả trung thành của anh vẫn có dịp đung đưa đầy hứng khởi theo những ca khúc đong đầy tiếng guitar và bộ gõ sống động cùng “Africa Bamba” hay “Primavera”, cũng như trầm ngâm trước cuộc đối ẩm trong “The Calling” cùng Eric Clapton.


Supernatural khép lại năm 1999 thành công rực rỡ và giúp Carlos Santana dành được tới 8 giải grammy trong 1 đêm, san bằng kỷ lục của Michael Jackson với Thriller. Quan trọng hơn, Supernatural là một album đánh dấu sự trở lại vô tiền khoáng hậu của một ban nhạc tưởng như đã hết thời.


Khi bắt đầu tìm ra được chính mình trong Abraxas, đó là cảm hứng đến từ “Supernatural” của Peter Green. Và khi trở lại để chứng tỏ mình thêm một lần nữa, đó là một Supernatural với sự cộng tác và giúp đỡ từ thiên thần, bạn cũ, và cả những nghệ sĩ lớn lên mang cảm hứng từ chính mình.


Trùng hợp ư? Tôi cho là mưu sự tại nhân cả đấy.


P/S: Trong một diễn biến không liên quan, trong khi các nghệ sĩ "gà nhà" đều phải nơm nớp nghe lời sếp Davis, thì chỉ có mỗi Eric Clapton đường hoàng gửi biên lai tiền phí thu âm bài hát mà họ hợp tác đến cho Carlos Santana.


Biên lai đó ghi số tiền Carlos phải trả cho Eric là 1 đô la.


Hẹn gặp lại.


Kcid

850 views

Recent Posts

See All
bottom of page