top of page

Daft Punk ngoại truyện

Updated: Sep 17, 2021

Ngày xửa ngày xưa, ở một miền đất có tên gọi là Phú Lang Sa, xuất hiện hai con người, kẻ thì có tên gọi dài dòng là Guy-Manuel de Homem-Christo và người thì mang cái tên Thomas Bangalter. Ông tên dài, người ta hay gọi là Tầm Thước, còn gã tên ngắn thì lại được kêu bằng Cao Nghều.

Cao NghềuTầm Thước vốn quen nhau từ lúc xã hội con người còn phải cấy vào bộ não những kiến thức theo từng cấp độ thông qua hai giác quan: thị giác (mắt) và thính giác (tai). Sau khi mấy ban nhạc cũ của Cao Nghều với Tầm Thước từng tham gia tan rã, hai anh này quyết định tách ra lập một nhóm riêng với tên gọi đầy "khiêm tốn", Daft Punk. Cái tên bắt nguồn từ một bài viết phê bình trước đó về ban nhạc chơi loại nhạc rock như “daft punky trash” (nghĩa là “thứ nhạc rác rưởi trẻ trâu ngớ ngẩn”).


Quyết tìm kiếm một loại âm thanh mới cho Daft Punk, trong một lần đến vũ trường, Cao NghềuTầm Thước nhận thấy một năng lượng cực lớn tỏa ra từ những con người đang cử động xung quanh mình. Nhưng thứ năng lượng đến từ âm thanh trong vũ trường đó lại lạnh lùng và dường như mấy kẻ đồng loại trong vũ trường đó chỉ chìm đắm vào bầu năng lượng đó như những kẻ vô hồn.

Cao Nghều và Tầm Thước bèn mới quyết định làm thứ âm thanh để đồng loại mình có thể cử động và toả ra những năng lượng lớn như vậy, nhưng phải giữ được cả linh hồn của họ.

Sau khi thử nghiệm thành công với các track trong một tổ hợp tên gọi Homework, Cao Nghều và Tầm Thước đã sẵn sàng cho một dự án nghiêm chỉnh.


Thế rồi bỗng nhiên trong lúc mày mò trên chiếc máy vi tính của họ, vào lúc 9 giờ 9 phút 9 giây theo lịch của con người thời đó là ngày 9 tháng 9 năm 1999, một con bọ máy tính đã xâm nhập, phá vỡ hệ thống máy tính, làm nổ tất cả các thiết bị và tiêu diệt toàn bộ những người đang làm việc với máy tính. Cao Nghều và Tầm Thước, thật không may, cũng nằm trong số những nạn nhân xấu số đó. Con bọ máy tính với cái tên “9999 bug” đã biến Cao Nghều và Tầm Thước, và cả những nạn nhân còn lại thành những con robot và đưa họ đến một thế giới song song được kiểm soát bằng những cỗ máy.


***

Tại thế giới mới này, Cao Nghều xuất hiện trong một chiếc mũ chụp đầu bằng kim loại màu bạc, còn Tầm Thước thì bị gắn với một chiếc màu vàng, nôm na là để bảo vệ cho bộ chip xử lý bên trong của hai kẻ nay đã bị biến thành robot. Xin được tạm gọi họ là HoàngKim. Dĩ nhiên những nạn nhân khác trong thế giới này cũng phải đeo những chiếc mũ chụp khác nhau.

Trong thế giới mới này, những nạn nhân robot bị bắt làm làm các công việc y như họ từng làm trước đây ở thế giới loài người, từ trồng trọt, đến xây dựng công trình nhằm duy trì xã hội.

Tuy vậy, nguồn năng lượng tự nhiên ở đây đã trở nên cạn kiệt và thứ năng lượng có thể khai thác được hiệu quả nhất là từ những con người đang sống ở thế giới ban đầu qua những cỗ máy được đặt ở các vũ trường. Âm thanh phát ra càng mê hoặc thì năng lượng càng được hút triệt để và truyền sang thế giới của những cỗ máy. Đến đây mới thấy, vai trò của Hoàng và Kim tạo ra những âm thanh vũ trường nhưng có hồn quan trọng đến nhường nào.


Không quá ngạc nhiên khi Hoàng và Kim được giao nhiệm vụ sản xuất thứ âm thanh kích thích não bộ loài người đó. Vẫn giữ cái tên Daft Punk, tổ hợp các track nhạc tên là Discovery được gởi tới thế giới loài người. Khác với những robot mà kiếp trước là những tay DJ làm nhạc cho vũ trường, Hoàng và Kim không hiểu sao vẫn giữ được trong bộ nhớ RAM của mình những kỹ năng chơi nhạc cụ guitar, synth, trống, keyboard, bass và ảnh hưởng về âm nhạc của George Clinton, Giorgio Moroder, Dr. Dre, v.v. Đó là lý do âm thanh mà Daft Punk sản xuất vừa có nhịp điệu đều đặn của Disco để len lỏi vào não bộ con người, vừa có âm thanh của nhạc Soul và Hip Hop qua tiếng đàn bass và các nhạc cụ khác để kích thích thế giới loài người qua những phẩn chuyển hợp âm và thay đổi nhịp điệu, khác xa tiếng động lặp đều đều lạnh lùng của nhiều âm nhạc Dance thường thấy tại các vũ trường.


Vấn đề là khi hút các năng lượng từ loài người đó, âm thanh mà Daft Punk tạo ra lại kích thích một thứ gì đó còn sót lại trong bộ nhớ RAM.

Cả Hoàng và Kim đều cảm nhận được nó. Chúng không biết định nghĩa cái đấy gọi là gì. Chỉ biết là, càng nhiều tổ hợp các track nhạc được tạo ra, Hoàng và Kim lại càng cảm nhận được nó lớn hơn. Âm thanh mà Daft Punk làm ra ngày một đa dạng. Ở dự án tiếp theo, âm thanh đó còn mạnh mẽ hơn dưới ảnh hưởng của nhạc Rock của thế giới loài người. Sức mạnh của âm thanh mà Hoàng và Kim mang tới lan tỏa lớn tới mức nguồn năng lượng chuyển tải về thế giới của những cỗ máy có đủ dự trữ cho nhiều chục năm tiếp theo.

Nhưng cũng từ đây, Hoàng và Kim bắt đầu hình thành những suy nghĩ kỳ quặc. Chúng dần hình thành nên một kết nối với loài người.


*** Một ngày Hoàng và Kim rời khỏi căn cứ ở vùng đất sa mạc, lái chiếc xe ô tô đi vào trung tâm của thị trấn.

Trên đường đi, chúng giết thời gian bằng việc bật những bài nhạc của Todd Rundgren, Brian Eno, Curtis Mayfield mà chúng tranh thủ copy được từ thế giới loài người. Khi chiếc xe lăn bánh vào trung tâm thị trấn nơi các robot khác đang ở và làm việc, Hoàng và Kim lần mò đến một khu xưởng chế tạo. Dừng xe, chúng bước xuống, đi vào một khu hành lang tối đen trước khi tiệm cận tới một căn phòng trắng chói lóa. Nói nôm na, thì đây giống như một trung tâm giải trí cho các robot, nơi chúng có thể hóa trang nhìn cho giống người - cũng là một kiểu phá cách. Các nhân viên robot ở đây đưa Hoàng & Kim vào, ngồi lên hai chiếc ghế ngả. Hai cỗ máy được bật và các robot xung quanh phủ những chất dẻo quánh màu da người bao trùm lên chiếc mũ chụp kim loại, và lắp những khối hình mô phỏng tròng mắt, mũi, mồm và tai của loài người.

Sau đó các robot chụp lên đầu của Hoàng và Kim hai bộ tóc giả và khoác cho chúng bộ đồ trắng toát.

Bước ra đường, Hoàng và Kim bỗng dưng lóe lên một cảm giác quen thuộc khi chúng nhìn lẫn nhau. Có điều, cảm giác đó chợt vụt tắt khi những robot ở ngoài soi chằm chằm vào chúng với những cái nhìn nghi ngờ cảnh giác. Dưới ánh nắng chói chang, thứ chất dẻo quánh trên chiếc mặt nạ người chưa kịp khô cứng, nay đã bắt đầu chảy ra như thứ nhựa đường bị nung chảy. Cả Hoàng và Kim luống cuống chạy vội khỏi đám robot xung quanh đang tiến bước lại gần.


Trốn trong một phòng kín gần đó, Kim nhìn vào gương chỉ thấy một khuôn mặt của con người mà nó thân quen giờ đã trở nên méo mó dị dạng vì sức nóng. Hoàng lột phăng bộ tóc và xé hết khuôn mặt vứt thẳng xuống sàn nhà, rồi quay ra nhìn Kim đầy trân trối.

Cả hai bước ra ngoài dưới nguyên hình Robot ban đầu. Nhưng những suy nghĩ ngẫu nhiên không có logic cứ nảy ra trong bộ não robot của chúng. Có một thứ gì đó khiến chúng có một suy nghĩ chúng không thuộc về thế giới này. Cả hai cứ thế bước đi vào sa mạc. Quãng đường dài không bằng những câu hỏi cứ xuất hiện trong đầu, trong đó câu hỏi lớn nhất là chúng là ai?


Lúc này đây, bộ nhớ RAM của Hoàng đã bị quá tải vì khối lượng dữ liệu lớn xuất hiện. Nó gục xuống sa mạc. Như hiểu được ý định của Hoàng, Kim đưa tay ra sau lưng Hoàng, gạt chiếc công tắc và bỏ đi, để lại phía sau Hoàng nổ tung thành các mảnh vụn.


Kim tiếp tục bước đi một mình cho đến một lúc bộ nhớ RAM của nó cũng bắt đầu bị quá tải và rối loạn. Nó quỳ xuống, cởi chiếc áo khoác ngoài ra, luồn tay ra sau lưng, nhưng không tài nào với được chiếc công tắc. Nó liền tháo chiếc mũ kim loại chụp ra khỏi đầu để lộ bản vi mạch bên trong. Nó đập nát chiếc mũ thành các mảnh và cầm một mảnh lên trước ánh nắng để tìm cách đốt nóng bàn tay còn lại. Sức nóng của ánh nắng hội tụ khiến cho bàn tay Kim bắt đầu bắt lửa. Ngọn lửa đốt chảy lớp nhựa bên ngoài trơ ra những đốt ngón tay sắt và lan ra toàn bộ cơ thể của Kim. Nó đứng lên và tiếp bước đi dưới ngọn lửa nay đã bùng lên nuốt trọn lấy toàn bộ cơ thể Kim.


Hoàng và Kim đã tự kết liễu số phận chúng như vậy đó, tất nhiên sau khi chúng đã kịp truyền đi tổ hợp track cuối cùng dưới cái tên Random Access Memories (RAM) tới thế giới loài người. Dự án này là sản phẩm "con người" nhất mà Hoàng và Kim làm dưới cái tên Daft Punk khi thay vì dùng các bản sample nhạc copy từ trước, chúng sử dụng giọng hát thật của Julian Casablancas (của ban nhạc The Strokes), Pharrell Williams, Panda Bear. RAM cũng có nhiều âm thanh của nhạc cụ hơn là chỉ âm thanh điện tử như các dự án trước. Ở dự án RAM, Hoàng và Kim dường như đi tìm cái tôi của chúng từ thuở trước. Những cảm giác thân quen đã trỗi dậy khi những chiếc mặt nạ người trùm lên đầu chúng, nhưng cũng thật rối loạn khi ngay sau đó chúng cảm thấy bị kỳ thị bởi chính xã hội robot.


Cái cảm giác kỳ lạ mà Hoàng và Kim vẫn luôn băn khoăn từ những ngày đầu bắt nguồn từ linh hồn của Cao Nghều và Tầm Thước vẫn còn sót lại trong đó. Những băn khoăn và suy nghĩ đó một mặt giúp cho hai robot kiến tạo ra những tuyệt phẩm trong RAM của chúng, nhưng cũng làm đầy và tràn cái bộ nhớ, dù lớn đến đâu cũng có giới hạn, khiến chúng không thể hoạt động thêm nữa, như những cỗ máy.


Thời điểm Hoàng và Kim tự kết thúc số phận làm robot của chúng, đó là lúc cái hồn của chúng vùng lên mạnh nhất. Cỗ máy bên trong của Hoàng và Kim có thể đã bị tan thành nhiều mảnh vụn hoặc bị thiêu rụi, nhưng linh hồn của Cao Nghều và Tầm Thước vẫn còn vương vấn trong các tác phẩm âm nhạc của Daft Punk.

Loài người đón nhận âm nhạc Daft Punk, vốn được tạo bởi hai Robot, bởi nó còn con người hơn nhiều sản phẩm âm nhạc Dance khác thường thấy ở các vũ trường và sân khấu nhạc. Đó là vì âm thanh đến từ những nhạc cụ như bass, synth và trống đầy lôi cuốn và có sự biến đổi theo nhiều cung bậc qua các chuỗi hợp âm đẹp, lại là cái hồn như nhịp đập cảm xúc của loài người.


Đó là lý do tại sao ngày mà loài người chứng kiến sự "tự hủy" của Daft Punk, nhiều người yêu nhạc lại cảm thấy một cảm giác mất mát lớn lao như hai người nghệ sĩ ra đi mãi mãi vậy, dù rằng trong suốt quá trình sự nghiệp của Daft Punk, người nghe nhạc chỉ được nhìn thấy hai Robot đang chơi nhạc. Cũng bởi họ cảm nhận được âm thanh được tạo bởi Daft Punk không hề vô tri vô giác.


Hẹn gặp lại!

Kroon

© 2018 by EmoodziK

bottom of page