“This music sh!t's a piece of cake” - Daniel Caesar đã hát như vậy trong bài “Superposition”. Với Caesar, phần nhạc có vẻ như đến với anh một cách dễ dàng, rất tự nhiên và thuần khiết. Vì thế khi sáng tác, anh sẽ thu âm nhạc cụ trước bởi đó là khâu dễ nhất với Caesar. Anh không phải suy nghĩ nhiều! Nhưng, thứ mà anh sẽ nán lại lâu hơn là phần lời bởi anh muốn những ca từ của mình phản ánh được suy nghĩ và tâm tư, cũng như chuyển tải những lớp nghĩa sâu xa đằng sau những phép ẩn dụ qua lời hát đậm chất thơ. Và đó là cách Daniel Caesar đã sáng tác ra những bài nhạc chạm cảm xúc người nghe để rồi đã có lúc, anh từng là ngôi sao R&B trẻ tiềm năng của dòng nhạc trữ tình này.
***
Qua sự hợp tác ăn ý với bộ đôi producer Jordan Evans và Matthew Burnett từ ngày đầu bước chân vào sự nghiệp âm nhạc, Daniel Caesar bắt đầu gây chú ý với thị trường từ năm 2015 khi anh tung ra bản EP thứ hai mang tên Pilgrim’s Paradise, thế nhưng cũng phải đến năm 2017, khi Caesar phát hành album đầu tay – Freudian thì tôi mới biết tới nhạc của anh qua lời giới thiệu của một người bạn. Đó là thứ nhạc R&B được sản xuất không cầu kỳ. Nó thấm sâu dần vào người nghe, chậm rãi như nhịp độ của các bài Caesar sáng tác.
Bên cạnh piano, cây đàn guitar thùng là một nhạc cụ ưa thích của Daniel Caesar trong việc tìm đến cảm xúc của những giai điệu. Thử tưởng tượng, một chàng trai trẻ tuổi sinh năm 1995, nhưng không dùng tới máy tính hay các phần mềm làm nhạc tại nhà phổ biến của thời đại này. Trong các bản thu demo chỉ có độc tiếng guitar thùng rải các dây đàn chậm rãi và giọng hát mộc của Caesar cất lên mà không qua bộ lọc âm hay xử lý hiệu ứng thì bài nhạc sẽ ra sao? Đó chính ra lại là phép thử tốt nhất cho chất lượng của giai điệu bài hát và cảm xúc thuần, yếu tố mấu chốt trong âm nhạc nói chung và dòng R&B nói riêng. Khi mà âm thanh thô mộc chưa mài dũa đã đủ truyền được cảm xúc, thì đó là khi người nghệ sĩ đã đi được hơn nửa quãng đường.
Đó là lý do album đầu tay Freudian (2017) được cả các nhà phê bình lẫn người hâm mộ đánh giá rất cao sản phẩm này. Gọi là mộc mạc và giản lược, thế nhưng nhạc của Daniel Caesar chính ra không hề đơn giản.
Tôi rất thích cách anh tiếp cận cảm hứng viết nhạc từ chuỗi hợp âm anh mày mò trên cây đàn guitar thùng hay piano. Học đàn piano từ bé nhưng Caesar lại để mắt tới cây guitar nhiều hơn và chuyển sang học chơi nhạc cụ này vì thần tượng tiếng đàn của John Mayer. Do đó cách tìm kiếm giai điệu từ các hợp âm trên những bài mà anh sáng tác trên cây piano cũng khác với guitar thùng. Những bài được viết bằng đàn piano thường có giai điệu được giải toả một cách mềm mại như “Loose” và đặc biệt “We Find Love”. Dù vậy, Caesar để ý rất kỹ tới âm sắc của hợp âm anh chọn nên cả khi đó là những hợp âm phổ biến thì anh thường chọn nốt trầm nằm ngoài nốt gốc của hợp âm để làm khác lạ và khó đoán cho bài.
Vì thế trong album Freudian đầu tay đó, Daniel Caesar thực ra hay viết nhạc trên cây guitar hơn. Bởi các tư thế bấm khác nhau trên cần đàn giúp anh tìm tới những vòng hợp âm khó đoán hay nhưng hợp âm mở rộng mang nhiều biến thể trong âm sắc. Những bài như “Get You” (có sự tham gia của Kali Uchis), “Best Part” (có sự tham gia của H.E.R.), “Hold Me Down” dù vòng hợp âm không thay đổi là mấy trong cả bài, nhưng cách Caesar lựa chọn hợp âm tiếp sau rất ít thấy trong nhạc mainstream. Còn những bài phức tạp hơn chút như “Neu Roses (Transgressor’s Song)” và đặc biệt track cùng tên album, “Freudian”, đầy rẫy những Eb7b9, Emaj9, Db7sus4, F#6, E6, v.v. được đặt liền nhau. Khi mà những hợp âm đặt cạnh nhau là Am và A7 trong “Neu Roses” hoặc Eb7b9, Emaj9 và Db7sus4 trong “Freudian” như vậy, việc sáng tác giai điệu sẽ khó hơn nhiều.
Với vòng hợp âm lặp nhưng khó đoán hay phức tạp đến khôn lường, thì việc Caesar tự thách thức mình để viết ra giai điệu và lời hát phù hợp trên các vòng hợp âm này, tài năng sáng tác đáng nể của anh được bộc lộ một cách rõ nét. Cách mà Caesar chọn các nốt nhạc trong câu hát luôn là thứ gây kích thích đôi tai với tôi bởi chúng có sự khác biệt trong từng khúc nhạc trên cùng một bài. Tôi bất ngờ vì anh có thể viết ra vô vàn giai điệu đẹp trên vòng hợp âm trúc trắc như vậy, đã thế cách mà anh hoà âm giọng hát và dùng tiếng đàn guitar thùng và guitar điện để tôn giai điệu lên mới thật tài tình.
Tôi đoán đó là nhờ cảm xúc sáng tạo của Caesar đạt tới cảnh giới cao nhất khi anh chọn ra được lời ca phù hợp cho âm nhạc của mình
***
Daniel Caesar tên thật là Ashton Simmonds, đến từ Canada. Từ nhỏ anh thường xuyên đến nhà thờ và tham gia dàn đồng ca tại đây. Vì thế Soul và Gospel là hai chất liệu không thể thiếu trong cách làm nhạc mà Caesar sau này phát triển.
Bên cạnh màu sắc nhạc có phần chịu ảnh hưởng của Frank Ocean, lối viết lời của Caesar cũng mang chất tự sự, hướng tới các chủ đề về tình yêu, sự tan vỡ trong các mối quan hệ và không ngại phơi bày những khoảnh khắc yếu đuối qua các ca từ mang đầy phép ẩn dụ đa chiều.
Trong phần lời mở đầu của bài “Get You”, Caesar vẽ lên bức tranh tương phản giữa những biến động của thế giới bên ngoài với sự gắn kết trong tình yêu bên trong ngôi nhà của đôi tình nhân:
“Through drought and famine, natural disasters
My baby has been around for me
Kingdoms have fallen, angels be callin'
None of that could ever make me leave, yeah”
Những từ ngữ như “drought”, “famine”, “kingdoms have fallen” và “angels be callin’” đều là những ca từ đẹp mà Caesar lấy cảm hứng từ cuốn Kinh thánh anh đã thấm nhuần từ ngày nhỏ. Các hình ảnh ẩn dụ của những biến cố, những đổi thay lớn lao đó đối lập với cảm xúc bình dị nhưng chân thành của con người. Nó giống như cách mà chàng trai trong bài hát tự tạo dựng lên một thế giới yên bình dành riêng cho anh và người con gái anh yêu.
Album Freudian cứ thế dẫn dắt người nghe qua cuộc hành trình trong từng giai đoạn của mối quan hệ. Nó bắt đầu với một tình cảm chân phương, nhưng dần dà nảy sinh mâu thuẫn. Trong bài “Neu Roses”, vấn đề bắt đầu xuất hiện sau chuỗi ngày tháng “trăng mật” đẹp nhất của tình yêu. Caesar hát “When your fragile world was crashing down around you / You realized your place / And the darkness that you try so hard to subdue / It causes you to change”. Những góc tối có thể hiểu là những bí mật về sự phản bội trong mối quan hệ mà người con gái anh yêu gây ra đã khiến Caesar có những cái nhìn khác về tình yêu. Để rồi tiếp đến “Loose”, những băn khoăn về một mối quan hệ đã rạn nứt bắt đầu xâm chiếm trong tâm trí anh: “If you ever start to wonder / Why all the rain and all the thunder / Follows her around / You better cut that girl loose”.
Có một cái hay trong cách sáng tác của Daniel Caesar bên cạnh văn phong ẩn dụ là anh không nhất thiết chọn các nốt nhạc quá cao để luyến những khúc cao trào thường thấy trong nhạc R&B trước đây. Trong nhạc của Caesar, người ta cảm nhận được suy tư của anh một cách gần gũi hơn vì lối viết giai điệu lên xuống vừa đủ, đẹp mà mộc mạc. Thêm nữa, trong Freudian, người nghe sẽ tìm thấy những đoạn lời được lặp lại trong các bài khác nhau, ví dụ như câu hát “You don't love me anymore / Let's see how you like this song / See you walking out the door / Wonder why it took you so long” trong phần outro của bài “Loose” sẽ lại được thấy ngay ở phần mở đầu bài “We Find Love” liền sau đó, hay như câu “Babe, I know I fucked up / Fucked with some empty cups / But you got your friends too / Better believe in it / Truth I'm up on my luck /Can't stop runnin' amok” ở verse đầu bài “Freudian” cũng là từ track “Neu Roses” trước đó.
Qua vậy các bài trong cả album có được sự kết nối chặt chẽ, không ảnh hưởng bởi các cấu trúc bài khác nhau (khi có ca khúc theo truyền thống verse-chorus-verse-chorus nhưng lại có bài chỉ verse-outro hoặc là một đoạn bridge đặt cuối để kết nối với track liền sau), giúp cho Daniel Caesar kể một câu chuyện dài liền mạch kết bằng ca khúc cùng tên album mang nhiều lớp nghĩa. “Freudian” là cái tên xuất phát từ Sigmund Freud, nhà tâm lý học người Áo, được coi là cha đẻ của nền tâm lý học hiện đại. Lấy cảm hứng từ học thuyết (thuyết phân tâm học) của Freud liên quan tới các lớp ý thức, tiền ý thức và vô thức trong tâm lý cá nhân mỗi con người, Caesar chia bài hát thành 3 phần, trong đó đoạn đầu là lời bộc bạch với người anh yêu trước đây, còn đoạn hai là hướng tới người mẹ. Nếu như đoạn đầu Caesar hát “You are the reason / The reason I sing” như một cảm xúc của niềm hạnh phúc mà người con gái đó từng mang tới cho anh thì đoạn sau anh hát “You are the reason / The reason I’m alive” bởi người mẹ đã mang anh đến với cuộc đời. Lý do cho việc Caesar nhắc tới 2 người phụ nữ trong cuộc đời anh ở cùng một bài là vì học thuyết của Freud có nói đến xu hướng tâm lý con người khi tìm người yêu / bạn đời có những tố chất tương đồng với người bố / người mẹ của họ. Và rồi ở verse tiếp theo, dường như là lời của Chúa nói với Caesar, là khi bản ngã (cũng xuất phát từ học thuyết Freud) trỗi dậy và nhận ra những khiếm khuyết của mình:
“Know I'd take a bullet for you / No, you don't know what I go through / And I know you think you're kind of nice / Do you remember when I saved your life? / Don't come at me on some weak shit / It's time you stopped displaying weakness, ohh, ohh”
Cái cách mà Caesar “chuyển màu” từ tươi sáng sang khúc tối được dẫn dắt qua đoạn bridge để đến verse 3 kể trên giống như những góc khuất của bản ngã mà Chúa đang nói hay có thể hiểu như anh tự soi thấy chính mình quả là lối làm nhạc cực tài tình. Sự khác biệt cả về vòng hợp âm và giai điệu để nêu bật trạng thái cảm xúc khác nhau trong nội dung ca từ, cũng như góc nhìn của nhân vật là thứ làm nên một “Freudian” tuyệt hay. Đấy là chưa nói đến cách chơi chữ của Caesar mà như giải thích trên Genius, cụm từ “kind of nice” có sự đồng âm với “canonized” trong Công giáo, khi mà việc “tuyên thánh” với một người đã khuất cũng không hẳn đồng nghĩa với việc người đó không có một khiếm khuyết nào trong cuộc đời.
***
Sau album Freudian (2017), Daniel Caesar đã vô tình mắc một lỗi lầm nghiêm trọng. Trong một lần livestream trên Instagram, Caesar lên tiếng bảo vệ cho YesJulz - một cô gái da trắng nổi tiếng trên mạng xã hội nhưng gây tranh cãi vì đăng hình mặc chiếc áo có dòng chữ phân biệt chủng tộc “N****s lie a lot”. Vì những lời phê phán của anh hướng tới những người cùng màu da sắc tộc rằng không ai, kể cả YesJulz, đáng bị nhận những lời miệt thị, cùng lời thách thức cộng đồng người da màu “tẩy chay” anh nếu cần, mà album tiếp theo của Caesar mang tên Case Study 01 (2019) giảm sức hút rõ rệt.
Một lời nói không đủ thận trọng như ca từ anh thường viết đã suýt huỷ hoại sự nghiệp đang lên như diều của Caesar. Dù sức hút của anh có vẻ như đã giảm, một phần vì sự cố kể trên, một phần vì phong cách nhạc thay đổi trong Case Study 01, cái chất của nghệ sĩ làm nhạc có tài như Caesar không mất đi tẹo nào. Từ âm thanh mơ màng tuyệt đẹp trong Freudian, anh chuyển sang các nét nhạc lạ lẫm, hát nhiều bằng giọng giả thanh cũng như sử dụng hiệu ứng biến đổi giọng trong đĩa thứ hai để khám phá và làm mới. Nếu đem so với tiết tấu chậm rãi của Freudian, Case Study 01 có những bài “upbeat” rộn ràng hơn hẳn, nhất là “Frontal Lobe Muzik”, track nhạc gây chia rẽ cho fan vì lối sản xuất khác lạ của Pharrell Williams. Nửa sau của đĩa vẫn có các track chậm rãi gợi lại cảm xúc quen thuộc của Caesar ẩn dấu trong “Open Up”, “Restore The Feeling”, “Superposition”.
Thế nhưng lời hát trong Case Study 01 cũng không tình cảm như nét nhạc gợi đến. Album này chứa đựng những track chuyển tải trạng thái cảm xúc mới của Daniel Caesar, chàng trai vì tan nát trái tim sau những đổ vỡ trong tình yêu nay đã lạnh lùng và có phần vô cảm với cảm xúc của người con gái dành cho anh. Các ca từ như “I don't feel like talkin' unless it's 'bout me, or philosophy / Can we just get down to business? / And when we're both finished, then we'll have a reason to speak” và “The piano that I fuck you on / Same one that on which I write these songs for you” trong “Open Up” như bộc lộ ra một con người khác bên trong Caesar. Từ một chàng trai từng hát “You are the reason / The reason I sing” (trong “Freudian”) nay bỗng thành “I’m my own reason why I sing” (trong “Superposition”). Và rồi Caesar lại đánh lừa người nghe lần nữa khi tới track cuối “Are You Okay”, một lá thư xin lỗi gửi tới cô người yêu cũ, người ta mới nhận ra rằng bản chất chàng trai vẫn là con người giàu cảm xúc và yêu thương, nhưng sự bất an vì những biến cố trước đây đã thay đổi cái nhìn của anh. Một lần nữa, khái niệm ý thức, vô thức và bản ngã từ album Freudian vẫn tiếp tục được chuyển tải tới nhạc phẩm này.
Sau biến cố “tẩy chay” từ lần lỡ lời trên Instagram, bẵng một thời gian 4 năm, Daniel Caesar mới lại trở lại với album thứ ba Never Enough (2023), gần gũi hơn bao giờ hết. Tình cảm trong các bài hát được đẩy lên phía trước như cách anh làm nhạc trong Freudian, nhưng lần này giai điệu rõ nét và dễ tiếp cận hơn vì các vòng hợp âm được giải toả êm ái. Vì thế mà phần lời hát của album cũng lại bộc bạch và chân thành hơn bao giờ hết.
Với tôi, dù Freudian vẫn là một nhạc phẩm R&B hoàn hảo, và hay hơn cả Never Enough lẫn Case Study 01, album thứ ba của Caesar vẫn quá xuất sắc cho những ai yêu âm nhạc của anh chàng này. Các bạn có để ý cho đến album Never Enough, các hình bìa album của anh đều không bao giờ lộ mặt không? Bởi Caesar dường như muốn người nghe tập trung cảm nhận âm nhạc, giai điệu và lời hát của anh một cách thuần khiết nhất. Và vì thế, Never Enough chính là sự trở về nguyên sơ của các suy tư cảm xúc và là sự trở lại quan trọng của Daniel Caesar trong sự nghiệp âm nhạc mà anh xứng đáng được ghi nhận nhiều hơn.
Nên đến đây tôi xin phép để các bạn sẽ là người chia sẻ cảm nhận về album này.
Hẹn gặp lại!
Kroon