Khi tôi bắt đầu biết đến Dragonforce, một ban nhạc Power Metal đến từ nước Anh – đúng là nước ANH mà ai cũng biết là ở đâu đấy – thì họ đang sở hữu đội hình với bộ đôi guitar đến từ Hồng Công và Tân Tây Lan, một tay bass người Pháp, một tay trống người Tô Cách Lan, tay keyboard người Ô Khắc Lan, và ca sĩ thì là người Nam Phi. Nghe đã thấy vui rồi, và có vẻ âm nhạc của họ cũng không hề thiếu yếu tố nhộn nhịp.
Dragonforce được tạo ra bởi cặp chơi “shredding guitar” là Herman Li và Sam Totman từ cái gốc của ban nhạc cũ của họ, Demoniac, một ban nhạc heavy metal từ New Zealand. Đội hình ưa thích của tôi bên cạnh cặp đôi nổi tiếng này, cũng là đội hình hợp chủng quốc mà tôi đã nhắc tới ở trên, gồm ca sĩ ZP Theart (đã được thay bằng Marc Hudson từ năm 2011), tay trống Dave McIntosh, tay bass Frédéric Leclercq, cùng Vadim Pruzhanov trên giàn keyboard.
Nếu như bạn chưa từng nghe Dragonforce – bởi vì khúc sau dường như toàn nhắc đến mấy cái tên lạ hoắc lạ huơ – thì có thể hiểu nôm na câu chuyện hôm nay giống như truyện ngụ ngôn nọ về hai gã nhạc công tài năng vui vẻ vừa đi vừa hát, trên đường đi họ nghĩ ra hai bản nhạc, một là “Valley of The Damned” (clip ở ngay dưới đây để đỡ phải kéo xuống) đầy sức mạnh và hai là khúc tiếu ngạo “Through The Fire and Flames” sau làm khuynh đảo thế giới game Guitar Hero. Thế rồi, sau một, hai, rồi ba lần phù phép biến hình chíu chíu, và BEM, hai tay nhạc công lại xuất hiện trong hình hài y như cũ. Tất nhiên họ vẫn rất vui vẻ và lại vừa đi vừa hát. Hết truyện. Nếu cần, bạn có thể kéo nhanh xuống đến chỗ “Thôi rồi” ở cuối để đỡ phải đọc đoạn dài thoòng ở giữa.
Còn nếu bạn đã có chút quan tâm theo dõi họ (8 album studio và 2 album live từ năm 2003), có khi bạn cũng như tôi lúc nào cũng cảm thấy tiếc nuối với cảm giác “xí hụt” mỗi khi họ ra album mới. Bởi vì mặc dù âm thanh của Dragonforce thì vẫn luôn đặc trưng như thế, xem ra họ vẫn chưa có ý định nghiêm túc để trở thành một ban nhạc lớn hơn. Hay tại vì tôi đề cao tài năng của cặp guitar Herman Li và Sam Totman quá chăng?
Thì đó, với tôi, Dragonforce đã có ít nhất là ba cơ hội lớn rành rành sau khi làm cả thế giới metal phải sửng sốt với “Valley of The Damned”, và rồi họ đều không trở nên lớn hơn.
Cơ hội số 1: tạo dấu ấn riêng và làm ra những album bứt phá. Kết quả: “làm được” và “ôi thôi gì thế này”.
Cơ hội đầu tiên đến ngay sau album Valley of The Damned, khi Dragonforce kiếm được tay trống rất cứng là Dave McIntosh. Khỏi phải nói thì lối đi chân bass đôi cực nhanh bằng chân đất cũng như khả năng thay đổi tempo và tiết tấu nhanh như chớp đặc sệt những ảnh hưởng của Dave Lombardo (Slayer) đã đem đến một luồng gió mới cho Dragonforce. Với tốc độ khủng khiếp của McIntosh, cặp Li-Totman giờ đây đã không còn gì ngăn trở họ có thể chơi nhanh và nhanh hơn nữa, cũng như thể hiện những kỹ xảo loang loáng trên cây đàn mà sau đã tạo nên thương hiệu “Nintendo Metal” của họ. Xém quên, Dragonforce gọi đó là “extreme power metal” với ý định tạo ra một nhánh metal mới với tốc độ tiêu chuẩn cỡ 200 nhịp một phút. Rất chí khí.
Dragonforce nhanh chóng bắt tay vào thu âm album rất được, Sonic Firestorm (2004), với hai track mở đầu như hai cú đấm thành công liên tiếp với “My Spirit Will Go On” và “Fury of The Storm”, cùng với bản ballad nghe khá mới mẻ so với chính họ “Damn Over a New World” ở giữa đĩa, và một track bắt tai nữa ở nửa sau “Soldiers of the Wasteland” – Dragonforce thực sự đã làm tốt hơn album đầu tay Valley of The Damned và số track vừa nêu ra đây hẳn gieo nhiều hy vọng thú vị cho người nghe với các ý tưởng âm nhạc đa dạng hơn so với album đầu.
Đây nhé, có kha khá các điểm tích cực cho album này, như là cách cặp Li-Totman làm mới các chiêu thức chơi guitar tốc độ bằng cách tang tốc, hoặc lợi dụng khả năng nhồi trống và chuyển mạch của Dave McIntosh để trưng ra những câu đàn na ná nhau dưới màu sắc khác nhau. Chưa kể, phần solo bằng keyboard của Pruzhanov cũng là một nét mới khiến cho lâu lâu, ca khúc của Dragonforce có chút không gian để thở thay vì những đoạn guitar và trống dồn dập hết cỡ.
Giọng hát truyền cảm của ZP Theart có lẽ cũng là thứ ít được để ý so với phần guitar, bởi vì dù giọng anh không so với những ca sĩ Power Metal gạo cội khác, chỉ đến sau này khi Marc Hudson trở thành ca sĩ, mọi người cảm thấy nhớ chất giọng của ZP Theart mang nhiều sự từng trải và cách hát của anh ở âm vực trung cũng mang nhiều rung động và cảm xúc hơn. Còn ZP Theart dường như chỉ nhớ anh là ca sĩ mà lấy được giữ vai trò frontman từ cặp Li-Totman.
Dragonforce tiếp tục tung ra Inhuman Rampage (2005) trong đó có ca khúc nổi tiếng nhất của họ, “Through the Fire and Flames” mở đầu cho album. Có lẽ đây cũng là ca khúc duy nhất có sự khác biệt với mấy bài trong Sonic Firestorm với phần dạo đầu bằng đàn keytar và phần lyrics khá khẩm hơn, nhưng rồi những ca khúc tiếp theo đều hoặc không tạo ra được dấu ấn gì rõ rệt, hoặc “bổn cũ soạn lại” với công thức thật nhanh – thật mạnh – thật ngọt ngào; đều là những chiêu đã thành công trước đó của Sonic Firestorm. Tất cả các bài hát dù chơi nhanh đến vậy, đều có thời lượng khá dài trung bình hơn 6 phút, chắc hẳn là có ý để các khán giả có đủ thời gian hành hạ cái cần cổ với thứ âm nhạc có guitar và trống được vặn lên hết cỡ. Tiếng bass thì gần như chìm nghỉm giữa âm thanh to hết cỡ choán hết cả hai kênh trái phải và chính giữa của tiếng guitar và tiếng trống.
"Through the Fire and Flames", bài phá đảo của Guitar Hero III
Và rồi ngay sau đó là Ultra Beatdown (2008), cũng lại là một album được nhớ đến chỉ với bài mở đầu của đĩa, “Heroes of Our Time”. Thời lượng của các ca khúc vẫn khá dài cho các đoạn solo guitar chíu chíu khiến cho người nghe nhất định phải cảm được sự phô trương trong cách chơi guitar và trống của họ, dù đáng ngạc nhiên là không có track instrumental nào được tung ra. Dragonforce lần lượt đưa ra những người “anh em sinh ba” của Sonic Firestorm, vì chắc chắn hai thằng sau không phải là clone của thằng trước, nhưng nhìn kỹ thì hai đứa nó cứ hao hao giống thằng đầu sao đó.
Dù sao thì tin tốt là Dragonforce đã tạo dựng được thương hiệu với những màn chơi metal siêu tốc độ, cũng như trở nên có số má ở mainstream với những bài hit của họ. Với ba album “hao hao” nhau trong tay, ít nhiều thì Dragonforce cũng có đủ số bài để chinh phục khan giả trong những show diễn của họ.
Và tin cực tốt là nửa sau thập niên 2010s, nhạc rock với solo guitar đã thực sự trở lại. Nu Metal đã chết thật rồi!
Cơ hội thứ hai: chinh phục khán giả bằng tài năng mắt thấy tai nghe của mình. Kết quả: “xịt”.
Tôi nhớ đến khoảng năm 2005, cách chơi nhạc kiểu Nu Metal đã không còn gây hào hứng cho ai nữa và các ban nhạc Rock truyền thống với phần guitar solo đã hào hứng trở lại – và cũng phải chú thích thêm rằng phần tôn trọng cho những nhánh metal không có solo guitar như metalcore thì vẫn còn vẹn nguyên. Thời gian này cũng là thời điểm những band chơi guitar gạo cội như Iron Maiden cho ra Dance of Death đầy năng lượng, còn những band trẻ với phần guitar đáng nể như Avenged Sevenfold bắt đầu chuyển mình cùng City of Evil.
Dragonforce, với khả năng chơi guitar của họ, dường như đã gặp đúng thời điểm để tỏa sáng. Tất cả tùy thuộc vào khả năng chơi live của họ.
Một lần trình diễn live được lên MTV của DF
Cầu được ước thấy, Dragonforce được mời dự Ozzfest năm 2006, đại nhạc hội do người vợ đảm Sharon Osbourne của Hoàng tử bóng đêm Ozzy tổ chức vốn nức danh với công lao phát hiện và ủng hộ các ban nhạc mới nổi.
Nhưng cũng từ đây, số lượng những màn trình diễn live nhạt nhòa của Dragonforce trong Ozzfest rồi sau đó là trong tour diễn quảng bá cho album Inhuman Rampage ngày một tăng dần. Những tin đồn trong các fan về việc Dragonforce đã sử dụng các thủ thuật ghi âm và sản xuất để tăng tốc độ cho nhạc của họ cũng như khiến bản thu trở nên chính xác và chặt chẽ hơn. Ca sĩ chính ZP Theart cũng thường xuyên bị bêu riếu là không thể hát những nốt cao như trong đĩa và thường phải dùng đến thiết bị phụ trợ, aka autotune để chỉnh nốt cho đúng trong phòng thu. Để đáp lại những chỉ trích, Dragonforce lẳng lặng vặn dây đàn xuống chút trong các buổi trình diễn của mình.
Cuối cùng, để đáp trả những lời đồn đại phi lý kia, Dragonforce quyết định tung ra một album live. Đây rồi, có lẽ ít nhiều, khả năng diễn live của Dragonforce đều được thể hiện trọn vẹn trong album Twightlight Dementia (2010) nọ, được góp nhặt những lần diễn tốt nhất của các track nổi tiếng nhất của họ trong tour diễn trước đó.
Đến đây thì tôi cũng bắt đầu có sự cảm thông với những phàn nàn của các fan đi mua vé xem Dragonforce biểu diễn, cũng như lý do của những lời đồn kia dù cũng chả có cách nào để kiểm chứng. ZP Theart thường xuyên hát không vào nốt, còn phần trình diễn guitar đôi máu lửa ở trong đĩa nghe cũng thật nhạt nhòa và thiếu chính xác khi tách tiếng hai guitar gần như độc lập ở hai bên kênh trái phải. Kể cũng ngộ vì nghe nói Dragonforce đã chọn lựa rất kỹ những bản thu live tốt nhất của họ trước khi phát hành đĩa, nhưng tiếng đàn bass trong phần trình diễn của họ vẫn hầu như không nghe thấy. Phần nhạc nặng về trống và guitar solo khiến cho bài hát khá mất cân bằng ở những đoạn không có hát và rhythm guitar. Thử so sánh đĩa này với album live mới nhât của chính Dragonforce năm 2015, tiếng bass của họ nghe rõ nét hơn hẳn Dementia và thậm chí còn nét hơn cả 2 album studio Inhuman và Beatdown thời ZP Theart trước đó.
Việc chơi guitar đôi nhưng tiếng guitar nghe thật nhạt nhòa cũng thật khó lý giải, bởi vì không ít lần khi Herman Li solo guitar bên kênh trái, Sam Totman hầu như không góp sức gì ở phần rhythm bên kênh phải và ngược lại. Chưa kể, anh đánh keyboard hình như cũng không có ý định tham gia giúp sức chơi rhythm (biết đâu là do những ràng buộc khi ký hợp đồng với Li-Totman?) Lại nhớ những bậc gạo cội về solo guitar đôi như Judas Priest hay Iron Maiden, câu đàn solo của người này luôn tìm cách kết thúc một cách chơi vơi để cho người kia bám lấy và phát triển tiếp trong khi người solo trước đó lập tức quay về chơi rhythm để lấp ngay vào chỗ trống. Cách chơi này gần như là một sự xa xỉ trong cách làm nhạc của Dragonforce, đến mức trong các phần solo nhạc cụ, xem ra phần solo keyboard của Pruzhanov luôn là phần nghe hay nhất bởi vì có đến hai tay guitar chơi rhythm ở phía sau!!!
Có lẽ track “Fury of The Storm” trong đĩa Dementia sau đây là ví dụ gần gũi nhất về những thắc mắc của tôi (hãy thử từ phút 4:00). Có người nói rằng, vấn đề với Dragonforce chỉ đơn giản là vì họ chơi nhanh quá, ra ngoài rồi chỉ cần có một thứ vấp váp là vỡ trận. Nó khiến tôi nhớ lần Marty Friedman (Megadeth) từng chia sẻ, khi diễn live mà hệ thống âm thanh không ngon, thì đánh càng nhanh sẽ càng mờ mịt và càng khiến bạn trông thật amateur.
Nhưng rồi hình như anh em Dragonforce không có cùng quan điểm với tôi. Hình như họ cho rằng vấn đề của họ đến từ chỗ khác, và quá tam ba bận, thêm một cơ hội nữa cho họ trở nên mạnh mẽ hơn.
Cơ hội thứ ba: thay máu thay luôn ca sĩ chính. Kết quả: liệu còn ai quan tâm kết quả?
Năm 2011, ZP Theart được thay bằng Marc Hudson, người có giọng cao hơn nhưng lại chưa có mấy kinh nghiệm trình diễn nhạc Rock chuyên nghiệp, khiến tôi nhớ lại không ít lần lịch sử ghi lại sự long đong của mấy band đã từng thay ca sĩ chính. Cho dù cặp Li-Totman có khen ca sĩ mới của họ, có âm vực rộng đến đâu và hát giống như Michael Kiske của Helloween đến đâu (đằng hắng), những album từ sau năm 2010 của Dragonforce chỉ chứng tỏ một điều, ca sĩ cũ của họ, ZP Theart hát không hề tệ ở trong âm vực của mình. Có người nói khi Marc Hudson tham gia Dragonforce, bản thân anh hãy còn quá trẻ và chưa đủ từng trải để tạo ra những rung cảm trong những câu hát kia. Vậy cũng xin chúc mừng anh Hudson trẻ lâu.
"The Game", bài được chơi ở 240 bpm
Nhưng trước mắt thì album tiếp theo của họ, Power Within (2012) cũng mang đến một vài ý tưởng âm nhạc mới, đặc biệt là âm vực của Hudson đã giúp cho giai điệu hát của họ đỡ “phẳng” hơn. Mặc dù vậy, có vẻ như mất đi vũ khí hát ballad truyền cảm của ZP Theart, Dragonforce cũng mất luôn một lựa chọn trong viết nhạc và nay họ đành phải tiếp tục chơi càng nhanh hơn. Dragonforce lại tiếp tục khiến khan giả trầm trồ với “Fallen World” chơi với 220 nhịp/phút, và sau đó là “The Game” ở 240 nhịp/phút ở album tiếp theo Maximum Overloaded, bất chấp những nghi ngờ dùng máy tính để tăng tốc cho nhạc của họ, và quên mất cả một vài điểm sáng trong album này như “Cry Thunder” hay “Die by The Sword” là mấy bài nghe giống thể loại Power Metal mà họ theo đuổi hơn cả. Chả sao, “nhất nghệ tinh”, đến đây Dragonforce đã quyết chí chỉ chơi theo cách mà họ làm tốt nhất: nhanh và nhanh hơn. Họ đã tìm ra cách để cây guitar không cần phải ngân nga và ca khúc cần không gian để thở nữa, mà thậm chí đưa âm thanh của họ về gần với cái gốc của âm nhạc hơn. Đó là thứ nhạc mà âm thanh được mô tả chỉ bởi 8-bit, và đã từng khuynh đảo thế giới bởi người khổng lồ Nintendo. Tin tốt là đến Power Within và ca sĩ mới đúng như ý của Li-Totman, những khán giả thiếu kiên nhẫn nay cũng đã không còn bàn tán về những kỹ xảo phòng thu của Dragonforce nữa.
Nhưng thôi rồi, sau Maximum Overload (2014), tay trống Dave McIntosh rời nhóm; rồi tiếp sau Reaching into Infinity (2017), tay keyboard Vadim Pruzhanov cũng không còn tham gia; và nghe đâu sau album mới đây nhất Extreme Power Metal, tay bass Frederic Leclercq cũng nghỉ nốt. Có người nói họ đều muốn thử làm một thứ âm nhạc khác.
Đâu đó ngoài kia, Herman Li vẫn tiếp tục livestream phỏng vấn các nghệ sĩ lừng danh khác cũng như trình diễn các kỹ thuật quét dây siêu đẳng của mình trên youtube, nghệ sĩ hài trên youtube Stevie T thì được mời lấp vào vị trí chơi bass trong tour diễn của Dragonforce ở Mỹ (xong sau xin rút), người Nhật thì vẫn phát cuồng với Nintendo Metal, còn các khan giả yêu thích game thì vẫn cắm cúi tìm cách phá đảo Guitar Hero III với “Through the Fire and Flames”.
Và một ngày kia, Dragonforce, trên đường bay qua Nhật lưu diễn như thường lệ, đã dừng chân ở Đông Nam Á để cho chúng ta thêm một cơ hội được diện kiến tài năng của họ.
Hẹn gặp lại.
Kcid