Khán giả thường hay thấy ban nhạc Eagles bày binh bố trận trên sân khấu chơi bài “Hotel California” và cảm thấy thán phục cách họ vận hành với một bộ sậu đông như vậy. Nhưng trong band Eagles có lẽ chỉ có 3 cái tên là thực quan trọng: Don Henley điển trai, Glenn Frey mưu mẹo, và Don Felder bộc trực.
Năm 1974, khi ban nhạc Eagles đang ghi âm đĩa On The Border, Don Felder - lúc đó còn đang chơi trong band Crosby & Nash, được Eagles mời đánh phần slide guitar cho bài “Good Day On Hell” và phần guitar solo trong “Already Gone”. Trước đó Felder đã quen biết với tay guitar trong Eagles từ thời đánh trong ban nhạc cùng trường. Là kẻ dễ mến, lại có phong cách guitar Rock, định hướng âm thanh mà Eagles đang muốn chuyển hướng từ gốc gác Country, Felder vì vậy được ban nhạc hết lòng mời tham gia.
Mỗi tội, Don Felder hãy còn lăn tăn vì lúc đó là ông đang ổn định với mức thu nhập tốt $1500 mỗi tuần với vai trò guitar cho Crosby & Nash, dù chỉ là nhân vật phụ trong band này. Do vậy, cả khi ông hỏi ý kiến đầu tàu Graham Nash, lời khuyên ông nhận được là nên thay đổi để có định hướng sự nghiệp tốt hơn với vai trò thành viên chính trong Eagles. Felder đồng ý gia nhập những Con Đại Bàng.
Đó quả là một quyết định mang tính “làm giàu nhanh không khó” của Don Felder.
Ban nhạc Eagles được thành lập năm 1971 bởi ca sĩ Glenn Frey, tay trống Don Henley, cùng tay guitar Bernie Leadon, và tay bass Randy Meisner (thấy tên không được in đậm không?). Khỏi phải nhắc thì ai cũng nhớ trong Eagles, cả 4 thành viên đều chia nhau vai trò hát chính, một điểm độc đáo giúp cho ban nhạc có những phần hát bè rất hay, phù hợp với âm nhạc Country lai Rock êm ru.
Eagles thành công gần như ngay lập tức từ album đầu tiên mang tên họ, Eagles (1972), với bài hát kinh điển của nhóm là “Witchy Woman” có phần hoà âm cực mềm mại, trên nền nhạc có ảnh hưởng của cả R&B. Không những giúp cho thành công của album đầu tay, “Witchy Woman” còn trở thành một trong những ca khúc kinh điển của Eagles. Đó cũng là 1 trong 3 ca khúc mà Bernie Leadon đồng sáng tác cho Eagles cho album này.
Vào thời điểm ban nhạc còn ở thuở hàn vi, tính ra tay guitar Bernie Leadon và tay bass Randy Meisner là hai thành viên dày kinh nghiệm nhất, nhất là Leadon có một thành tích đáng nể với các ban nhạc Country mà ông tham gia trước đó, lẫn khả năng chơi được nhiều nhạc cụ. Người nghe hẳn là bị ấn tượng ngay lập tức với tiếng đành banjo của Leadon trong những track như “Twenty-One” trong album thứ hai, Desperado (1973). Trong album này, Leadon cũng đóng góp sáng tác 3 bài nhưng quan trọng hơn là sức ảnh hưởng về mặt âm nhạc của ông thể hiện rất rõ trong cả đĩa nhạc. Đây cũng là giai đoạn Eagles mang đậm chất Country trước khi có sự xuất hiện của Don Felder.
Trong khi đó, Glenn Frey và Don Henley thì mải tính những chuyện khác. Hai gã này lúc đầu lập band với tiêu chí tất cả cùng là thành viên chủ đạo, rồi thì cả 4 người đều chia nhau việc hát hò, xem ra cũng không khác nhóm KISS là mấy. Quãng thời gian trăng mật ngắn ngủi của Eagles và Desperado dường như khiến mọi người không để ý rằng, Frey và Henley có số bài họ hát nhiều hơn, lẫn số bài họ tham gia sáng tác nhiều hơn hai anh Leadon và Meisner. Chưa có ai nghĩ đến việc trong band Eagles có hai kẻ có đầu óc “làm ăn” hơn hẳn.
Thế, sau hai album đầu, sự dân chủ bắt đầu biến mất. Nhận thấy nhạc Country Rock không thể bán được đĩa tốt như nhạc Rock đang thịnh hành thời giữa thập niên 70s (chưa kể có nhiều người tỏ vẻ chê bai âm thanh an toàn và sạch sẽ quá mức của Eagles lúc đó), Frey và Henley tính tới chuyện thu nạp tiếng Rock nhiều hơn, bất chấp sự không đồng lòng về định hướng của Leadon.
Album thứ ba, On The Border (1974), vì thế là sự khởi đầu cho âm thanh mới này. Vấn đề là cả sản phẩm chưa đạt tới chất lượng cần có: album này thiếu một dấu ấn khi các bài đa số đều nhạt nhoà, dù đã có giúp sức của Don Felder trong 2 bài như đã nhắc ở trên.
Đổi lại, Eagles nay đã có Don Felder, dù rằng ngay khi tham gia nhóm, Felder nhận thấy nội bộ ban nhạc lục đục đúng như những lời người bạn Bernie Leadon đã phím trước. Nhưng đã trót phi lao thì theo lao, Felder tặc lưỡi tự an ủi với hy vọng ông có thể là nhân tố tươi mới để hàn gắn cầu nối giữa mọi người.
Nhưng về phía Frey và Henley, hai tay này đều mừng húm vì nay đã có “chuyên gia nhạc Rock” giúp mang lại màu sắc “ăn khách” trong suy nghĩ của bộ đôi này. Quả vậy, album thứ tư One Of These Nights (1975) trở thành đĩa đầu tiên của nhóm đạt vị trí đầu bảng xếp hạng. Với cá nhân tôi, đĩa này còn nhỉnh hơn đĩa Desperado trước đó và cả đĩa Hotel California sau này. Sự kết hợp tuyệt vời của hai tư duy âm nhạc Bernie Leadon và Don Felder mang tới đĩa nhạc đầy những điểm nhấn ấn tượng. Nếu như trong bài “One Of These Nights” có phần guitar được biên diễn cực hay của Felder, thì “Hollywood Waltz” là tiếng mandolin và steel guitar nổi bật của Leadon. “Take It To The Night” thể hiện những câu lead guitar của Felder, trong khi “Journey Of The Socerer” là bản instrumental bằng banjo rất ngon lành của Leadon. Và “After The Thrill Is Gone” là sự kết hợp giữa hai tài năng này trên hai nhạc cụ. Không có nhiều bài phối hợp đôi giữa Don Felder và Bernie Leadon nhưng sự thay phiên đảm nhiệm nhạc cụ chủ đạo trong mỗi bài khiến album One Of These Nights bớt đơn điệu và hấp dẫn hơn hẳn.
Mỗi tội, Leadon bắt đầu thấy nản về định hướng âm nhạc gai góc của Rock mà bộ đôi kia theo đuổi. Sự áp đặt thấy rõ của Frey và Henley trong cách lựa chọn bài trong đĩa nay bắt đầu làm cho Leadon phiền lòng. Chính Felder đã được Leadon phím cho khi mới tham gia, rằng muốn bài của mình được Frey và Henley chọn, thì bản demo cũng phải thu thật chỉn chu với đầy đủ phần nhạc nền của các cây lẫn giai điệu của bài hát. Với hai tay thích đi theo khuôn mẫu như Frey và Henley, bất kỳ sự biến tấu nào cũng đều không được chấp thuận. Mang tiếng dân chủ, nhưng khi diễn live, cả Frey và Henley đều muốn các bài trình bày theo đúng bản thu âm, không ủng hộ sự ngẫu hứng trong diễn xuất.
Ấy vậy mà, dù tưởng như đã biết rõ tính khí hai sếp kia, nhưng khi làm đĩa One Of These Nights, chỉ có 3 bài của Leadon được chọn, trong đó bài “I Wish You Peace” của Leadon chỉ được Frey đưa vào đĩa một cách miễn cưỡng gọi vì “nể Leadon lắm đấy”. Sếp Frey kêu là bài đó chưa đạt đủ chuẩn của Những Con Đại Bàng.
Việc gì đến cũng phải đến, sự khó chịu nâng đến đỉnh điểm khi Leadon đổ nguyên chai bia lên đầu Frey, trước khi đường ai nấy đi. Việc Bernie Leadon bỏ đi cũng không làm Frey và Henley mảy may đắn đo vì hai tay này đã có thành viên dự phòng là tay guitar tài năng Joe Walsh. Không lâu sau, đến lượt tay bass Randy Meisner cũng bỏ đi nốt vì không chịu đựng được sự áp đặt của hai kẻ trong nhóm.
Thế đấy, cứ ngỡ sự xuất hiện của Don Felder sẽ giúp hàn gắn sứt mẻ vốn có của Eagles nhưng biết sao được, công ty TNHH Con Đại Bàng xác định thương trường thì phải khắc nghiệt thôi. Nếu như lúc trước cả 5 người bao gồm Don Felder chia nhau cổ phần đều 20% mỗi người trong cái công ty TNHH Các Con Đại Bàng mà Frey và Henley lập ra, thì khi Leadon và Meisner ra đi, Felder được tăng phần trăm lên thành 33% với vai trò CFO - giám đốc tài chính. Joe Walsh (guitar) và Timothy Schmit (bass) nay là hai “nhân viên” mới của công ty.
Khắc cốt ghi tâm lời dặn của Bernie Leadon, Don Felder vẫn miệt mài sáng tác và ghi âm các demo gửi cho các sếp. Tuyệt phẩm “Hotel California” trong ablum tiếp theo là một trong số các bài được các sếp chọn, ca khúc để đời mà hầu như ai nghe cái tên Eagles cũng nghĩ đến bài này. Tính ra nhé, những bài kinh điển của ban nhạc Eagles như “Hotel California”, “Witchy Woman”, và “Desperado”, thì 2 trong 3 ca khúc tiêu biểu của nhóm đó là do Felder và Leadon sáng tác.
Nhưng đắng lòng thay, album Hotel California cũng chỉ có 2 bài mà Felder sáng tác được chọn, bao gồm ca khúc kinh điển cùng tên, và không có bài nào ông được hát chính (đĩa trước ông còn được thể hiện bài “Visions” của mình).
Ca khúc “Hotel California” và album cùng tên đã đưa tên tuổi Eagles tới toàn cầu, và chiến lược “làm giàu nhanh không khó” của Frey và Henley chỉ chờ dịp này để triển khai. Đòn bẩy “Hotel” này không chỉ giúp album sau này bán được 29 triệu bản, mà còn kích thích người tiêu dùng mua kèm thêm đĩa tổng hợp Their Greatest Hits phát hành chỉ 10 tháng trước đó. Với suy nghĩ của người nghe nhạc chỉ cần sở hữu 2 ấn phẩm, một cái tổng hợp các bản hit ở 4 album đầu tiên và một cái đại diện cho sự chuyển hướng mới, đĩa Hits đó bán chạy đều như tôm tươi. Ngoài việc đĩa Hits sau này trở thành album bán chạy nhất mọi thời đại ở nước Mỹ và đĩa Hotel đứng thứ ba (với con số được kiểm toán tăng đột biến phi lý mà tôi không bàn ở bài viết này) kẹp giữa album Thriller được yêu mến khắp toàn cầu của Michael Jackson, nó còn giúp các ông chủ hãng đĩa đi theo xu thế phát hành đĩa tổng hợp của các nghệ sĩ vì không mất chi phí thu âm và marketing. Thấy không, làm giàu nhanh đâu khó.
Có thể tưởng tượng ban lãnh đạo gồm Frey, Henley và Felder chia nhau miếng bánh lợi nhuận ngon lành thế nào, kể cả sau khi trừ đi tiền bản quyền nghệ sĩ mà Bernie Leadon và Randy Meisner được hưởng.
Với Felder, quyết định gia nhập Eagles vẫn là quyết định sáng suốt cả về mặt nghệ thuật lẫn thương mại, đặc biệt là khi ông vẫn được hưởng mọi quyền lợi về mặt tài chính ngang với hai tay kia trong công ty, chưa tính đến tiền bản quyền của ca khúc thuộc top nhiều người biết đến nhất trên thế giới.
Nhưng hỡi ôi, cái cuộc chơi “làm giàu nhanh không khó” này nó cũng hại não lắm. Thập niên 80s và 90s có lẽ chỉ toàn là những ý tưởng phát triển công ty mà luôn dẫn đến kết quả những người liên quan gặp nhau ở tòa án. Eagles đã không còn làm ra thêm âm nhạc chất lượng từ sau khi họ tan rã vào năm 1980 (sau đó tái hợp lại năm 1994).
Trong quãng thời gian đó, Don Henley cố gắng gia tang thêm thu nhập bằng cách ra đĩa solo của riêng anh, cũng với hang đĩa Asylum, hang đĩa của Eagles. Đừng đùa, khi Don Henley quay ra làm nhạc nghiêm túc, anh vẫn là một nhà viết nhạc tài năng, với những album hay như I Can’t Stand Still, hay Building The Perfect Beast được đón nhận nồng nhiệt. Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, Don Henley sau quay ra giận lẫy ông chủ David Geffen sau khi David bán hang đĩa Asylum. Don Henley sau đó chuồn Geffen mặc dù còn nợ đến 3 album chưa thu, và hẹn gặp David Geffen ở tòa, nơi mà Henley kiện ngược lại Geffen đã đi đêm với các hang đĩa khác để không ký với Henley, và sau đó giành chiến thắng khi khôn khéo tìm ra một điều luật của California khi không có ai có thể ép người lao động (ở đây là sếp Henley) làm việc quá 7 năm khi người đó không muốn.
Còn khi Eagles tái hợp lại năm 1994, hoạt động của công ty cũng không còn minh bạch với chính Don Felder nữa. Ngay cả khi với vai trò CFO trong công ty, Felder không hề được báo cáo rõ các khoản chi tiêu mờ ám mà khả năng Frey và Henley vẽ ra để đút túi riêng, và chỉ chờ cho đến lúc nảy ra cãi nhau, Felder bị hai tay kia đuổi khỏi band và cả công ty. Lại gặp nhau ở tòa, và lại là kết cục với một số tiền dàn xếp, dù tin tốt là Felder vẫn được giữ vị trí trong ban quản trị.
Don Henley đến gần đây vẫn tiếp tục nhấp nhổm trên khối tàn sản trị giá 200 triệu Mỹ kim của mình, khi đăng đàn tuyên chiến với các trang chia sẻ như youtube hay Instagram, bởi hàng tỷ những chia sẻ về nhạc trên các nền tảng này làm thiệt hại cho những nghệ sĩ như ông rất nhiều tỷ Mỹ Kim. Trong rất nhiều năm qua, Don Henley trả lương cho nguyên một đội ngũ 60 người, làm việc 5 ngày 1 tuần, chỉ để liên tục report các video được post trên mạng xã hội và làm mọi cách có thể để chặn việc chia sẻ từ người dùng. Tin tôi đi, bạn không muốn biết những gì mà các sếp của tổng công ty Con Đại Bàng có thể nghĩ ra đâu.
Nếu đây là một câu chuyện về kinh tế học, hẳn là nó có kết cục có hậu với tất cả các bên liên quan. Chỉ tội là, đây vẫn là câu chuyện đời, và những nghệ sĩ “bán doanh nghiệp” như Don Felder thì vẫn cố gắng tin rằng có thứ gọi là tình bằng hữu với Frey và Henley. Ngày nghe tin về cái chết của Glenn Frey, Don Felder buồn bã chia sẻ “Tôi đã luôn hy vọng đâu đó một ngày, cậu ấy và tôi sẽ cùng ăn tối, ôn lại chuyện cũ và bỏ qua những hằn thù bằng một cái bắt tay và một cái ôm”.
Và dù mỉa mai thay như Felder đã phải thốt lên “Frey và Henley là người đã từng sáng tác bài “Get Over It” mà tại sao cả hai không hành xử như vậy?”, suốt bao năm Felder vẫn chỉ nhận được những lời từ chối qua mấy tay luật sư đại diện của hai “chiến hữu” đó.
Hẹn gặp lại.
Tin đồn vô dụng: bạn có biết, “Hotel California” không phải để quảng cáo cho khách sạn, mà để nói về cuộc sống xa hoa ở Los Angeles? Bài hát lúc đầu còn tính lấy tựa là “Mexican Reggae”, nhưng xem ra khó ăn tiền hơn, bởi sau có hệ thống khách sạn mang tên Hotel California ở Mexico cũng bị công ty Con Đại Bàng kiện vì dám dùng tên đó.
Kink