top of page

Elliott Smith: Hỗn độn trong tĩnh lặng hay trống rỗng giữa tự tại?

  • Writer: K.K.N.
    K.K.N.
  • 12 minutes ago
  • 10 min read

Elliott Smith trình làng nhạc phẩm solo của anh vào nửa đầu thập niên 90 với đầy e ngại. Thứ nhạc mộc phong cách Lo-Fi Folk của album Roman Candle (1994) như một cậu thanh niên còi cọc yếu ớt lao vào giữa mặt trận ngập hỏa lực của thứ nhạc Grunge đang thịnh hành. “Cái suy nghĩ cầm cây đàn thùng ra sân khấu để diễn trước công chúng giống như kẻ đang lết ra bằng một chân, van nài mọi người chặt phăng nốt chân còn lại”. Smith thốt lên như vậy sau khi anh bất ngờ trước sự đón nhận đầy tích cực của người nghe. Âm nhạc trong Roman Candle không chỉ khác biệt với phong cách nhạc mà Heatmiser – ban nhạc Smith tham gia trong thời gian đầu của sự nghiệp, mà còn đối lập hoàn toàn với dòng nhạc Grunge mà những band như Nirvana, Soundgarden, và Pearl Jam đang chèo lái. Điều mà lúc đó Smith chưa nhận ra ở âm nhạc của anh, hay nói đúng hơn là sức nặng trong âm nhạc và ca từ ở những sáng tác của anh đối với người nghe khác xa dường nào với những người chỉ đơn thuần ôm cây đàn và hát sao cho thật hay. Và điều mà người yêu nhạc lúc ấy chưa ngờ tới là Elliott Smith còn tiếp tục phát hành những album nhạc đầy chiều sâu, trở thành những tuyệt phẩm của một người nghệ sĩ có sức ảnh hưởng lớn tới thế hệ sau như Sufjan Stevens, Phoebe Bridgers, Beck.


Hơn hết, những khoảng trống ẩn khuất bên trong thứ âm nhạc nhẹ nhàng đó lại được lấp đầy bằng các lớp nghĩa của một tâm trí đầy suy tư và hỗn độn không kém gì thứ nhạc Grunge ồn ào ngoài kia, để rồi sau đó kết thúc cái rụp bằng một cái chết có vẻ như được báo trước rồi đó, nhưng lại vẫn chóng vánh và gây sốc với những người yêu mến Elliott Smith

 

***

Khi còn đang tham gia ban nhạc Heatmiser, thứ phiền lòng nhất với Elliott Smith ngoài thứ nhạc Rock nặng của band, còn là việc anh phải cố hát gào như nổ phổi để không bị các nhạc cụ khác che lấp. Bởi vậy, thật khó tưởng tượng âm nhạc trong Roman Candle (1994) của Smith lại rẽ ngoặt hẳn sang một lối khác như vậy. 9 bài trong album được anh thu trên con máy ghi âm 4-track đặt trong căn hầm nhà của cô bạn gái JJ Gonson, người cũng đảm nhiệm vai trò manager cho ban nhạc Heatmiser. Điều anh không ngờ là với chất lượng thu âm “nhà làm” thô mộc vậy, cùng với các nhạc cụ guitar thùng, harmonica và guitar điện đều do Smith tự biên tự diễn, hãng đĩa Cavity Search lại đồng ý phát hành toàn bộ 9 bài với chất lượng giữ nguyên của bản gốc. Đây cũng phần nào là lý do Roman Candle dù được khen ngợi, vẫn bị coi là nhạc phẩm “kém chất lượng nhất” trong bộ discography solo của anh. Thế nhưng cái chất mà hãng Cavity Search nghe ra từ những bản thu chỉ mang chất lượng của những bản demo này lại đủ tạo niềm tin cho họ phát hành ra thị trường. Tựa như một viên kim cương chưa được mài giũa, các bài trong Roman Candle đều mang sức nặng về nhạc và lời dù chúng được hòa âm ở mức giản lược nhất. Nằm giữa các khoảng trống trong không gian âm nhạc đó, không chỉ Cavity, mà những ai sau này nghe được đều nhìn thấy vẻ đẹp vang lên từ tiếng đàn guitar lung linh hòa cùng giọng hát nhẹ man mạc buồn của Smith. Như bài nhạc cùng tên album, “Roman Candle”, âm thanh guitar điện thi thoảng xuất hiện mang âm sắc hơi rè, làm nhiễu loạn một góc không gian nhạc, giống như chính lớp nghĩa thô ráp ẩn sau giai điệu nhẹ nhàng này.


He played himself / Didn't need me to give him hell / He could be cool or cruel to you and me / Knew we'd put up with anything”. Hóa ra phía sau giọng hát êm dịu đó, Elliott Smith lại đang kể về Charles, người cha dượng bạo hành, và sự căm hận không nguôi trong tâm trí của anh vẫn hằn lên rõ nét về cảm xúc ức chế muốn bùng nổ để gây hại trả thù lên chính con người này “I want to hurt him / I want to give him pain / I'm a roman candle / My head is full of flames”.

 

Một quá khứ tuổi thơ không mấy bình yên của Smith dường như là nguồn cơn cho các sáng tác mang chủ đề tăm tối của anh. Chuỗi các track vô đề “No Name” từ số 1 đến số 4 ở album Roman Candle như để nói tới người mẹ của anh và sự căm phẫn bất lực khi Smith không thể giúp đỡ được bà (“And remembered a couple of words that hid a crime / "You were just fine / You'll be just fine / But I'm on the other line"”). Dần dà, những ký ức đó chuyển thành những câu chuyện xoay quanh nỗi suy tư của anh về sự phụ thuộc và trói buộc của con người, mà cụ thể hơn, như trong bài “Needle In The Hay” ở album thứ hai Elliott Smith (1995), đó là những cơn nghiện luôn thôi thúc anh phải thỏa mãn chúng: “Gonna walk, walk, walk / Four more blocks plus the one in my brain / Down downstairs to the man / He's gonna make it all okay / I can't be myself / I can't be myself and I don't want to talk / I'm taking the cure so I can be quiet wherever I want / So leave me alone”. Tương tự như vậy, bài “Ballad of Big Nothing” trong album Either/Or (1997) cũng lại vẽ lên đôi mắt vô hồn của nhân vật đang lay lắt sống từng tháng ngày, mong chờ đến khoảnh khắc được đón nhận “viên kẹo diệu kỳ”: “All spit and spite, you're up all night and down every day / A tired man with only hours to go just waiting to be taken away / Getting into the back of a car for candy from some stranger / Watching the parade with pinpoint eyes full of smoldering anger”.


Tuy nhiên không phải bài nào cũng hát từ góc nhìn trực diện của Elliott Smith về cuộc đời và những con người xung quanh anh. Ở bài “Condor Ave” nằm trong album đầu tiên, Smith kể câu chuyện giả tưởng về một người đàn bà sau khi cãi vã với người bạn trai, đã leo lên xe ô tô lái bỏ đi. Trên chiếc vô lăng, cô ngủ gục và chiếc xe tông thẳng một người đàn ông vô gia cư khiến cả hai đều bỏ mạng. Sau loạt những đoạn lời đẹp như thơ, bài hát được kết bằng ca từ với giọng điệu và ngôn từ mỉa mai khi chúng được chuyển sang góc nhìn của hồn ma người đàn bà khi chứng kiến tay bạn trai đau khổ sau khi nhận tin dữ: “What a shitty thing to say, did you really mean it? / You never said a word to me about what passed between us / So now I'm leaving you alone / You can do whatever the hell you want to / Na, na-na-na-na-na”. Hay như bài “Bottle Up And Explode” ở album XO (1998), lời hát là nỗi niềm của kẻ tìm tới rượu chè để trốn tránh thực tại. “Bottle up and explode over and over / Keep the troublemaker below / Put it away and check out for the day” diễn tả cái cảm xúc bị đè nén chỉ chờ mượn rượu để được bung ra. Thế nhưng, kể cả khi lời hát mà Elliott Smith viết không phải là những lời tự sự về cuộc đời, thì những câu chuyện hay nhân vật giả tưởng vẫn phần nào có thể được liên tưởng tới người nghệ sĩ luôn đầy những suy tư uẩn khúc này. Điểm chung của các bài hát mà Smith viết vì thế đều mang nét tối tăm, thứ khiến cho biết bao người khi phỏng vấn anh đều đặt chung một câu hỏi mà Smith luôn lảng tránh trả lời: “Tại sao anh luôn mang trong mình một nỗi buồn đến vậy?”.

 

Phần nhạc trong sáng tác và hoà âm của Elliott Smith cũng vậy. Nó mang một nỗi buồn man mác phảng phất qua giọng hát tựa như Smith đang ôm cây đàn đứng hát bên tai riêng cho từng người. Nó gần gũi mà cũng lại có khoảng cách nhất định để người nghe tự tìm kiếm cảm xúc riêng để lấp đầy những khoảng trống đó.


Để làm được vậy, Smith có một lối làm nhạc rất độc đáo. Anh viết giai điệu nhạc trên nền chuỗi hợp âm biến đổi lạ lẫm, trong đó phải kể đến cách sử dụng hợp âm trưởng với nốt gốc bậc 2 so với tông giọng trưởng của bài. Ví dụ trong bài "Coming Up Roses" ở album Elliott Smith, trên tông giọng Bb (Si giáng trưởng), thay vì dùng hợp âm bậc 2 là Cm (Đô thứ) thường thấy trong âm giai trưởng, Smith lại chuyển nó thành hợp âm C (Đô trưởng). Vì vậy khi đặt hai hợp âm Bb và C liền cạnh nhau, nó làm cho bài nhạc có độ sáng khác thường. Chỉ là thay vì chúng mang tới một không khí vui tươi, qua phần hoà âm mộc mạc và giai điệu man mác buồn chịu ảnh hưởng của Bob Dylan, các sáng tác của anh mang một nét rất riêng với sắc thái lững lờ khi âm giai chính không được định hình cố định. Tiếp đó, sự chuyển đổi giữa các hợp âm trưởng và thứ, trên các nền âm giai khác nhau lại càng đẩy một số bài nhạc xa khỏi vùng "ổn định", không được giải toả như chính cảm xúc của người nghệ sĩ bên trong Elliott Smith. Bài "Stupidity Tries" ở album Figure 8 (2000) cũng là một ví dụ như vậy, khi không ai đoán được giai điệu và hợp âm tiếp theo Smith sẽ chơi là gì. 


Elliott Smith không dừng ở các hoà âm thô mộc của tiếng đàn thùng và giọng hát bè chịu ảnh hưởng của The Beatles, người nghe đôi lúc vẫn tìm được những ca khúc được làm đầy đặn hơn qua các nhạc cụ trống, bass, piano, organ, mandolin mà Smith gần như tự chơi và thu âm hết. Vẫn biết các ca khúc acoustic anh thể hiện không bao giờ nhàm chán nhờ lối chơi fingerpicking đầy kỹ thuật với các nốt nhạc được vang lên mềm mại tựa như những ngón tay đang vê trên dây đàn, lúc ấm áp, lúc lảnh lót. Thế nhưng khi chơi full nhạc cụ, Smith lại càng thể hiện sự toàn tài cùng khả năng làm nhạc thiên bổng của mình. Trong album XO, những track nhạc đầy đặn như "Bled White" và "Amity" tạo nên các lớp nhạc được hoà hợp tuyệt hảo. Rồi như album Figure 8, các bản thu "Son of Sam", "L.A." có âm thanh guitar điện đưa vào đầy tinh tế, chứ không quá lấn át để cho giọng hát của Elliott Smith vẫn gần gũi với người nghe, bất chấp các lớp nhạc cụ được lồng ghép đằng sau, hay thậm chí cả khi dàn nhạc được đưa vào phần phối khí như trường hợp của bài "Colorbars".


***

Các album của Elliott Smith đều được giới phê bình ca ngợi và thậm chí được nhiều đầu báo xếp vào danh sách các nhạc phẩm xuất sắc nhất của thập kỷ cũng như mọi thời đại. Ca khúc “Miss Misery” mà anh sáng tác riêng cho phim Good Will Hunting được đề cử Best Original Song, giúp cho anh có cơ hội thể hiện trên sân khấu lễ trao giải Oscar trước hàng triệu con người theo dõi dưới khán đài và qua TV, đưa tên tuổi anh vươn tầm thế giới. Và rồi một nghệ sĩ theo nhánh Indie như Smith còn được hãng thu âm lớn như DreamWorks Records mời đón để ký hợp đồng thu âm vào năm 1997. 


Thay vì đón nhận thành công, danh vọng, và ca ngợi của người đời, Elliott Smith ngày một chìm xuống vực tối. Những suy nghĩ tiêu cực tới việc kết liễu cuộc đời luôn len lỏi trong đầu Smith đến độ anh còn bày tỏ ý định đen tối đó với những người bạn xung quanh anh. Smith đã suýt có một kết cục bi thảm vào năm 1997 khi nỗi buồn đã đẩy anh chìm vào những cơn say, và rồi một tối, khi anh và người bạn dừng xe tại vệ đường ở North Carolina, trong màn đêm đen kịt, Smith chạy hết tốc lực và hụt chân xuống vực sâu. Nếu không được đỡ bởi cái cây mọc trồi ra bên bờ vực dù bị cành cây cắm thẳng vào lưng thì cuộc đời anh đã chấm dứt ở đó. Sự can thiệp của những người bạn của anh và lần điều trị tại bệnh viện tâm thần Arizona cũng không tạo ra bất kỳ biến chuyển tích cực nào.

 

Ở thời điểm năm 2001 khi Smith bắt đầu chuẩn bị cho album cuối cùng From A Basement On The Hill (được phát hành năm 2004 sau khi anh qua đời), anh bắt đầu mắc chứng hoang tưởng. Smith ám ảnh về một chiếc xe tải trắng tưởng tượng đang bám đuôi để theo dõi mình, đến độ anh còn yêu cầu bạn lái xe chở mình đến phòng thu, nhưng phải thả anh xuống cách điểm đến cả gần 2 cây số để Smith có thể lần qua các ngóc ngách, bụi rậm đi bộ tới studio nhằm đánh lạc hướng chiếc xe tải trắng đó. Bên cạnh chứng nghiện rượu nặng, Smith còn dành cả 1500 Đô mỗi ngày để tiêu thụ thứ hàng cấm nặng nhất, thậm chí mấy lần cố tình dùng quá liều để tự kết thúc cuộc đời mình. 

 

Vậy nhưng định mệnh vẫn níu giữ anh lại. Những lần Smith bị từ chối ngay cửa tử đều lạ kỳ và khó giải thích như khi thần chết tìm đến anh ở tuổi 34, ở thời điểm Smith minh mẫn và tỉnh táo hơn bao giờ hết. Trong quãng thời gian 31 ngày cuối cuộc đời, Smith không chỉ bỏ cả rượu lẫn “mai thúy”, anh còn kiêng caffeine, đồ ngọt lẫn thịt đỏ. Khi khám nghiệm tử thi người ta cũng không phát hiện được dấu vết nào của chất kích thích ở thời điểm Smith qua đời, ngoài các loại thuốc được kê đơn ở mức cho phép như thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần, v.v. Như lời chỉa sẻ của một người bạn của Smith về cái chết của anh, việc Elliott Smith từ bỏ tất cả các chất kích thích mà anh từng lệ thuộc vào chúng cùng một thời điểm như vậy là một đòi hỏi quá lớn với chính bản thân anh. Và có lẽ thế nên khi đầu óc Smith minh mẫn nhất lại là lúc anh yếu mềm nhất. Một cảm giác trống rỗng giữa tự tại.

 

RIP Steven Paul Smith aka Elliott Smith (06.08.1969 – 21.10.2003)


***

Hẹn gặp lại!

 

Kink

© 2018 by EmoodziK

bottom of page