Để mở màn cho show nhạc Unplugged của mình, Eric Clapton cầm cây đàn guitar thùng vả rải những câu đàn của bản “Signe” – được đặt theo tên của chiếc du thuyền đã cùng ông đi qua giai đoạn đen tối nhất của cuộc đời mới chỉ vài năm trước đó.
Hẳn đã có không ít những ngập ngừng cho những khán giả như tôi trong lần đầu nghe đĩa này, khi nghe những giai điệu bập bùng của "Signe" đã không thể đoán ra được Eric sẽ chơi Blues, hay Jazz, hay thậm chí là Pop trong chương trình.
Hành trình tuổi thơ của Eric Patrick Clapton
Thật nhanh chóng, hai ca khúc Eric biểu diễn sau đó kéo người nghe quay ngược về những tuổi thơ khi ông được lần đầu được biết tới nhạc Blues. Cả “Before You Accuse Me” và “Hey Hey” đều là những bài gợi lên trong Eric một tình yêu với cây đàn guitar và cái đẹp từ sự đơn giản mà hiệu quả trongnhạc Blues. Chỉ quanh quẩn có ba hợp âm nhưng sự biến tấu từ câu đàn ngỡ như có một cơ số bất tận cách thể hiện thứ âm nhạc huyền thoại này.
Bài “Hey Hey” mà Eric Clapton biểu diễn trong show Unplugged, chính là một kiểu Blues standard như vậy với 3 hợp âm chính, E, A và B với nốt bậc 7 tạo nên vòng hoà âm E, E7, A, A7, B7, B7. Bài “Hey Hey” chưa từng được Eric thu âm trước đây nhưng đã từng được ông biểu diễn không ít lần từ thời còn đi đánh trong pub. Mặc dù vậy, ông chưa một lần hoàn toàn hài lòng với những phần thể hiện đó, và đó là lý do ông quyết định thử nghiệm lại một lần nữa trong show Unplugged và tôi nghĩ màu sắc của nó thật hoàn hảo. Như những bản Blues standard khác, phần nền của bài hát không có biến tấu gì ngoài những câu hát trong mấy khuông nhạc xen kẽ với các câu solo ngắn, và người nghệ sĩ guitar như thỏa chí phiêu bồng trên cái nền quen thuộc đó. Nhìn Eric vuốt dây đàn và bấm nháy các nốt rõ từng âm trên chiếc đàn thùng mới hiểu tình yêu dành cho nhạc Blues của ông lớn tới nhường nào.
Tương tự như vậy, bản gốc của bài “Before You Accuse Me” do Bo Diddley sáng tác năm 1957, đã được Eric Clapton cover và ghi âm chính thức lần đầu trong đĩa Journeyman (1989). Trái với hai bản của Bo Diddley và Eric thu âm đều dùng đàn guitar điện, bản unplugged mà Eric thể hiện lần này mang lại một không khí mới mẻ cho bài hát. Khác với bản studio khi có câu lick mở đầu bằng đàn điện, Eric chỉ nhíu dây nhẹ và nhấn nhá vào những nốt chủ đạo của câu lick, thay vì chơi đủ câu. Chỉ chừng ấy là khán giả phía dưới phải rú lên vỗ tay ầm ĩ vì nhận ra bài nhạc phong cách Rhythm và Blues cổ điển đó. Nhìn Eric vừa chơi đàn vừa hát, mắt nhắm lại không mấy khi nhìn xuống mà vẫn đánh các câu lick đặc trưng của Blues giữa các câu hát mới thấy ông sinh ra để chơi và hát nhạc Blues hay thế nào.
Quãng thời gian đen tối
Và rồi không khí bỗng chùng lại khi Eric gảy những nốt đàn đầu tiên trong bài “Tears In Heaven”. Chỉ mới chưa đầy một năm trước, ông bạn thân Stevie Ray Vaughan và hai nghệ sĩ cộng sự của ông - Colin Smythe và Nigel Browne cùng nhau trèo lên chiếc trực thăng sau show diễn - Clapton may mắn không leo lên cùng - và rớt xuống. Không lâu sau thì đến lượt cậu con trai mới 4 tuổi của Eric Clapton cũng rớt từ trên tầng cao căn hộ. “Tears In Heaven” là một bản nhạc đặc biệt không chỉ vì câu chuyện đằng sau nó, mà còn bởi vì sự u sầu không thể tránh né được viết trên hợp âm trưởng.
“Thời gian có thể đem tới khổ đau / Thời gian có thể khiến ai đó gục ngã
Thời gian có thể khiến tim nhói đau / Bắt ai cầu xin để mau qua sự nghiệt ngã”
Quá khứ đen tối không xa và hoàn cảnh của bài hát là yếu tố khiến màn trình diễn của Clapton trong lần Unplugged này đem lại cảm xúc không có lần thứ hai. Éo le thay, những nức nở chạm đến tim khán giả từ tiếng đàn và câu hát đó, đã khiến mọi người vỗ tay tán thưởng, nhưng lại làm ông càng điên tiết thêm. Không ai có thể chia sẻ nỗi đau này của riêng ông, và tôi cũng không biết nếu mình được có mặt ở đó, tôi sẽ phải cư xử làm sao. Cái sự độc nhất của màn trình diễn này nó là như vậy.
Quá khứ huy hoàng
Kể cũng khó trách được khán giả, những người yêu nhạc của Eric Clapton, khi mà hình ảnh mạnh mẽ bất bại của một siêu anh hùng guitar chơi nhạc Rock Blues đã luôn in sâu trong tâm trí họ. Eric Clapton là người duy nhất trong lịch sử nhạc Rock được vinh danh đến ba lần tại Rock And Roll Hall Of Fame, một lần với The Yardbirds - bệ phóng cho những người thay thế chính ông như Jeff Beck và Jimmy Page, một lần với Cream – ban nhạc cho ra lò toàn tuyệt phẩm Fresh Cream (1966), Disraeli Gears (1967), Wheels Of Fire (1968) và Goodbye (1969), và một lần với tư cách nghệ sĩ solo cùng khối tài sản tri thức âm nhạc đồ sộ.
Chắc chắn lịch sử của Rock n Roll luôn có một vị trí trang trọng dành cho Eric Clapton, bên cạnh một vài người khác ở nước Anh thời đó như là những người tiên phong đem thứ âm nhạc của người da màu ở Mỹ, thổi vào đó cái sự ngông của mấy thanh niên da trắng người Anh, trước khi đón nhận sự hưởng ứng chưa từng có về một thứ nhạc thô ráp mang đầy tâm trạng. Dẫu cho nhiều người đồ rằng Eric Clapton còn rẽ ngang chơi cả những thứ khác như Pop sau này, không ai có thể phủ nhận công lao quảng bá nhạc Blues và nâng tầm nó lên thành nhạc Rock của những người tiên phong thời đó.
Đấy là chưa kể đến các tác phẩm kinh điển khác của Clapton trong thập niên 60s, gồm đĩa Blues Breakers With Eric Clapton (1966) tham gia cùng John Mayall và The Bluesbreakers, đĩa Blind Faith (1969) của supergroup cùng tên gồm ông, Steve Winwood, Ric Grech và Ginger Baker, và đĩa Layla And Other Assorted Love (1970) của ban nhạc rock với sự kết hợp hiếm hoi giữa Clapton và Duanne Allman trong Derek And The Dominos.
Ở thời kỳ hoàng kim đó, Eric Clapton là bất khả chiến bại khi dự án âm nhạc nào có bàn tay vàng được mệnh danh “slow hand” của ông đều được liệt vào các tác phẩm huyền thoại của nhân loại. Không ngạc nhiên khi chính Eric đã góp công lớn khi đưa nhạc reggae ra với thế giới với bản cover "I Shot The Sheriff" của Bob Marley.
Nhưng hóa ra nếu không nói ra, cũng không có mấy người biết được mặt trái của những hào quang ấy - một kẻ nghiện rượu và vật vã qua suốt thập kỷ 80s không có một định hướng và hầu như chỉ còn "ăn bám" những danh tiếng tạo ra từ thập kỷ trước. Những thảm kịch mà Clapton mới trải qua đây, bỗng mở đường cho một show nhạc "trở lại" dưới cái hình hài MTV unplugged, bỗng mở ra cho khán giả thấy người hùng của mình với những khoảnh khắc yếu mềm và những góc khuất chưa từng thấy trước đó. Âm nhạc của Eric Clapton và ban nhạc tại show Unplugged được tối giản hết mức, đôi lúc chỉ còn trơ lại tiếng guitar và giọng ca đầy cảm xúc, đối lập với âm thanh hào hùng của ông ngày nào. Các thành viên trong ban nhạc của Eric Clapton đều có mặt đầy đủ ở show này, nhưng từng người đều tự tiết chế chơi một phong cách nhạc có sự gần gũi với người tham dự hơn lúc nào hết.
Hai ca khúc trong đĩa Layla And Other Assorted Love được chơi sau đó, “Nobody Knows You When You’re Down And Out” và “Layla”, với âm thanh mạnh mẽ trong bản studio nay được thay thế bằng một sự mộc mạc và phiêu lãng, bỗng như nhắc lại cái khoảng thời gian tuyệt vời đó của Clapton.
Là một ca khúc Blues trữ tình, bản Unplugged của “Nobody Knows When You’re Down And Out” dù không có được tiếng guitar điện ngân vang từ bản thu âm studio, tiếng guitar thùng thô mộc kết hợp với tiếng đàn piano ấm áp (thứ nhạc cụ đóng góp lớn trong buổi Unplugged này của Eric) đã làm tôn lên giọng hát với cách nhả âm rõ ràng và phiêu hơn nhiều của ông trong lần diễn này. Nối tiếp sau câu solo guitar của Eric là màn solo piano của Chuck Leavell mang tới không khí ấm áp mà bản studio tính ra lại thiếu.
Và trước khi bắt đầu chơi ca khúc tiếp theo, Eric nháy mọi người “Để ý xem các bạn có nhận ra bài này không”. Chỉ đến giây thứ 3, đã có người dưới khán giả hét lên vì nhận ra một trong những ca khúc kinh điển nhất lịch sử nhạc Rock. Và ngay sau đó là cả khán phòng ồ lên vỗ tay nhiệt liệt. Eric Clapton thể hiện một đẳng cấp của nhạc sĩ bậc thầy khi ông chuyển thể bài “Layla” từ một bản nhạc Rock Blues mạnh mẽ tiết tấu nhanh thành một bài nhạc Blues mang âm hưởng Jazz chậm rãi phiêu lãng trên nền piano.
Cuộc tình đẹp nhất đời
Bài “Layla” đưa Eric Clapton và người nghe quay lại mối tình đẹp dở dang của cuộc đời ông. Layla, hẳn ai cũng biết, chính là nhân vật chính trong câu chuyện tình vụng trộm kỳ lạ giữa ông và Pattie Boyd - "đương kim" vợ của George Harrison thời những năm 60s. Ấy thế mà khi Eric thú nhận tình cảm đó với George, phản ứng mà ông nhận được từ George lại là “cậu có thể lấy cô ấy”. Từ đó tình bạn giữa George và Eric không những không sứt mẻ, mà George còn thân mật gọi Eric là “husband in law” (dịch nôm na là “chồng ghẻ của vợ”). Cuộc tình giữa Eric và “Layla” kết thúc cuối thập niên 80 sau hàng loạt biến cố trong cuộc sống gia đình, mà hẳn nhiều phần có sự đóng góp từ sự nghiện ngập của Eric.
Bản studio của "Layla" mang câu guitar riff intro cực đặc trưng đánh nhanh gọn mạnh mẽ được Duane Allman sáng tác, mượn cảm hứng từ giai điệu câu hát “There is nothin’ I can do” của Albert King trong bài “As The Years Go Passing By”. Duane Allman khi xưa mượn ý tứ của một bản slow blues và biến hóa nó với câu lick tốc độ. Còn Eric Clapton khi nay chơi chậm Layla lại một cách tài tình. Thế mà fan cứng ở show hôm đó nghe chuỗi hợp âm hoặc nốt chính nào đó trong câu intro mà nhận ra luôn. Tất cả người nghe đĩa sau này đều nhận ra tiếng hét đó của vị khán giả khi nhận ra ca khúc kinh điển. Thay cho đoạn solo bằng guitar slide như muốn khóc của Duane ở bản gốc, Eric chế riêng một đoạn solo guitar thùng mới vẫn day dứt không kém qua những cú nhéo dây siêu tình. Việc khéo léo giữ lại trong bản chuyển thể này là tông giọng và vòng hoà âm đã tôn được điểm sáng của bài qua cú chuyển giọng lệch nửa cung giữa đoạn intro và đoạn vào hát hay đến hớp hồn.
Và tình yêu bất tử với nhạc Blues
Không có nhiều nghệ sĩ nhạc Blues muốn xa cây đàn điện của mình bởi có lẽ không có nhạc cụ nào có thể gì bằng âm thanh ai oán được nhói ra từ tiếng đàn guitar điện chói tai nửa rè. Trong buổi Unplugged này, Eric Clapton lại tận dụng cơ hội đó để trải nghiệm thứ âm nhạc Blues của đời ông trên những nhạc cụ gắn bó với ông mà chưa bao giờ có dịp biểu diễn. Người đàn ông ngồi trên sân khấu với cặp kính đó có lẽ đã trải qua đủ loại cung bậc trong suốt gần 3 thập kỷ, và hầu như không còn giữ lại được gì cho mình sau những mất mát, trừ âm nhạc. Clapton, mới ngoài 40 tuổi, đã chọn cách sử dụng buổi biểu diễn Unplugged để thử nghiệm những điều mới, và tự khám phá lại thứ âm nhạc mà ông đã dành cả cuộc đời.
Khi Eric lôi cây đàn Dobro ra để bắt đầu chơi slide bài “Running On Faith”, vẫn là những hợp âm đơn giản đó, âm sắc cuốn hút của cây đàn mặt thép đã trong vài phút khiến khán giả quên bẵng đi người nghệ sĩ kia vốn lâu nay "ăn ngủ" cùng cây đàn điện.
Cũng trên cây đàn Dobro đó, Eric ôn lại cùng người nghe lịch sử nhạc Blues qua ca khúc đậm chất Delta Blues (một trong ba nhánh Blues nguyên thủy), "Walkin' Blues". Với lối hát liên tục biến đổi cảm xúc từ tự sự nhẹ nhàng đến lên gân, cách dùng kết hợp giữa slide guitar và những cú nhéo dây cao như sắp đứt như để chạm đến cú nhấn của tay gảyEric trình diễn “Walkin’ Blues” với tất cả sự tôn trọng cho cảm xúc của thứ âm nhạc đã mang cho cậu bé Clapton ngày xửa ngày xưa một cảm hứng bất tận, và từng đòi ông bà cậu mua cho bằng được những cây guitar đầu tiên để được chơi giống như Albert King, B.B. King và đặc biệt là Muddy Waters. Họ, thần tượng và là hình mẫu người cha mà Eric Clapton tự tạo dựng lên thay cho người cha đẻ mà ông chưa bao giờ được gặp.
Sau buổi show Unplugged, việc trải lòng với người nghe hôm đó không những giúp cho Eric Clapton lấy lại niềm tin với cuộc sống, mà còn giúp ông vực lại sự nghiệp lẫy lừng một thời.
Còn với người nghe nhạc như tôi, buổi Unplugged đã gạt hết những nghi ngờ về uy lực của vị anh hùng guitar có biệt danh “Slow Hand”, khi có thể “thốt” lên được cảm xúc của mình dù là bằng tiếng nhéo chói tai của cây guitar điện, hay tiếng trượt kĩu kịt mộc mạc của cây đàn thùng. Thêm nữa, những cung bậc cảm xúc của Unplugged chỉ càng chứng tỏ một điều, dù nghe có vẻ không có thiện tâm, ấy là cảm xúc nhạc Blues chỉ có thể "tới" khi đằng sau nó là những khổ đau.
Hẹn gặp lại.
Kink & Kai