top of page

Eric Johnson: Virtuoso không hào nhoáng

Eric Johnson có lẽ là một trong những bậc virtuoso gây tranh cãi nhất, không phải bởi vì những kỹ thuật thượng thừa hay vì khả năng viết nhạc, mà bởi vì những thành tựu để lại lưu danh cho hậu thế. Tui chắc rằng bất cứ ai có thể nhận ra tiếng đàn của Eric Johnson thậm chí còn trước khi nhận ra tiếng đàn của Yngwie Malmsteen, nhưng có lẽ không nhiều người lưu giữ những album của anh trong bộ sưu tập của mình như là một món đồ quý giá nếu nhìn theo cách người ta nhắc tới những Passion and Warfare của Steve Vai hay Ear X-Tacy của Andy Timmons. Eric Johnson là một tay guitar vô tình lọt vào khoảng trống giao thoa nơi những tín đồ yêu nhạc Rock không cảm thấy “đã” trước các câu riff của anh và những kẻ ưa nghe instrumental không cảm thấy “đủ” trước các ý tưởng trong mỗi album của anh. Xem ra, việc tán thưởng một album của Eric Johnson còn khó hơn việc bình luận về các câu đàn đáng nhớ của anh.


Và mấy thứ sau đây có lẽ sẽ mãi là những chủ đề được bàn luận xì trum không bao giờ ngưng, những thứ không chỉ dành riêng cho Eric Johnson.


1. G3 – nơi Eric Johnson bước ra ánh sáng?


Show diễn G3 vào năm 1997 chắc chắn là nơi đã đưa nhiều người trong chúng ta tới với Eric Johnson. Không ai rõ sự nghiệp trước đây của tay guitar này như thế nào đã dẫn anh tới show nhạc G3, vốn ngụ ý dành cho 3 tay guitar khét tiếng mà 2 trong số đó đã là những người-mà-ai-cũng-biết-là-ai-đó rồi (Steve Vai và Joe Satriani); tất cả người nghe trong đó có tui dường như đã không ít ngạc nhiên khi trông thấy Eric Johnson trình diện với phong thái khác hẳn hai tay guitar kỹ thuật toàn tài với những màn biểu diễn loang loáng chói mắt kia. Và rồi khi tiếng đàn của Eric Johnson cất lên, có lẽ tất cả đều sửng sốt vì ngoài độ “sạch” của nó, tiếng đàn của anh nghe réo rắt tựa như tiếng cây vĩ cầm có khả năng solo, và nó khác hẳn tất cả những ý niệm mà người nghe từng nghĩ tới mỗi khi nhắc tới cây guitar điện phá tiếng.


Nếu như Joe Satriani và Steve Vai có lẽ đã quá nổi tiếng với những màn quét dây, nhéo dây, cũng như trình diễn những ma thuật trên cây đàn để tạo ra những âm thanh kỳ ảo trên những bản phối dày đặc cầu kỳ, thì Eric Johnson, với vẻ ngoài khá “lành” so với 2 vị kia, bỗng bước ra sân khấu và chơi vài bản nhạc trong ban nhạc chỉ có 3 người.


Nhưng tất cả những gì 3 người trong band của Eric tạo ra có lẽ gây ấn tượng không kém gì ma thuật của Joe Satch và Steve Vai, và nó cuốn tới mức những người nghe như tui đã phải tự tấm tắc: chơi guitar instrumental vậy mới là chơi chứ.


Tiếng guitar của Eric Johnson trong hai bản kinh điển là “Manhattan” và “S.R.V” không chỉ đem tới cho người nghe một thế giới không cần phải có những câu riff cầu kỳ và nặng nề, mà âm sắc của tiếng đàn quện cùng tiếng bass mập mạp và tiếng trống vung vẩy (hay tung tẩy), bỗng trở thành những câu nhạc đưa người nghe tới những không gian bỗng khác lạ mà thậm chí họ cũng không hoàn toàn kịp tưởng tượng ra đó là ở đâu.


Chỉ biết rằng, tiếng guitar đó đã ám ảnh người nghe phải đi tìm kiếm album của bậc virtuoso này.


2. Một sự nghiệp solo xứng tầm?


Christopher Cross, nếu ai chưa từng nghe, là một trong những nghệ sĩ Soft Rock giàu ảnh hưởng nhất ở cuối thập niên 70s và đầu thập niên 80s. Nếu như ai còn hồ nghi về tài năng của anh này, thì xin thưa anh là người giữ kỷ lục giành được 5 giải Grammy vào năm 1980 cho album đầu tay cùng tên trong đó có tất cả những giải quan trọng nhất là  Record of the Year (cho "Sailing"), Album of the Year (Christopher Cross), Song of the Year ("Sailing"), và Best New Artist – kỷ lục mãi tới gần đây mới bị phá bởi Billie Eilish vào năm 2020.


Tui nhắc tới Christopher Cross, một ngôi sao nhạc Pop Rock (hoặc Soft Rock), bởi vì đó cũng chính là nơi tiếng đàn của Eric Johnson bắt đầu phát tiết. Anh chơi trong album giành mấy giải Grammy đó của Cross trong vai trò nghệ sĩ session.


Chris Cross cũng chính là người đã giới thiệu Eric Johnson với hãng đĩa Warner Bros, và đem lại cho anh hợp đồng ghi âm đầu tiên – thứ đã tạo ra Tones (1986).


Nhưng có lẽ tất cả chúng ta đều đồng ý rằng tới album thứ hai, Ah Via Musicom (1992), thì sự nghiệp solo của Eric Johnson mới thực sự đáng chú ý.


Album này có đầy đủ các track cứng cựa từ những bản instrumental kinh điển như “Cliff of Dover” hay “Trademark”, lẫn những ca khúc mà Eric Johnson tự hát như “Desert Rose”, và cả những bản chơi guitar acoustic mê hoặc như “Song for George”. Nếu như bạn cũng như tui bắt đầu từ Eric Johnson của G3, thì Ah Via Musicom sau đó (mặc dù về mặt thời gian là trước G3) là một sự nâng cấp toàn diện về âm nhạc của Eric Johnson.


Album thứ ba, Venus Isle (1996), chỉ càng làm cho sự nể trọng về sự khác biệt tới từ nhạc của Eric Johnson, với sự thể nghiệm với world music và nhất là những bản instrumental đáng nhớ như “S.R.V” hay “Manhattan”.


Nhưng đến đây thì người nghe đã dần hiểu ra Eric Johnson không có ý đồ làm nhạc Instrumental Rock, hoặc chí ít thì cũng không phải cái món instrumental mà các bậc virtuoso thường tạo ra với nền tảng Rock nặng. Eric Johnson dường như không phải chịu bất cứ áp lực gì để tạo ra những thứ âm nhạc quen nghe dành cho đại chúng, anh phát hành một lèo mấy album với những thể loại nhạc khá lạ tai bắt đầu từ Venus Isle và sau là Bloom (2005) hay Up Close (2010).


Khi không còn nhận được sự ưu ái thường thấy từ các fan nhạc Rock nặng, người ta đâm ra bắt đầu soi mói về việc Eric Johnson hay hát trong các album của mình – thứ dường như ít thấy trong các tác phẩm của các bậc virtuoso.


3. Bậc virtuoso mà biết hát?


Tại sao anh lại hát? Tại sao chơi guitar đến thế rồi mà còn phải hát? Không phải tiếng guitar đã thay thế được giọng hát rồi ư?


Có lẽ đó là những câu hỏi thông dụng nhất từ các fan của thể loại instrumental, khi chúng ta thường xuyên có thói quen tự phân chia các thể loại nhạc và khoanh vùng những thứ nghe được vào một vị trí nào đó trong khi rõ ràng không có một nghệ sĩ nào đề nghị ta phải làm như vậy.


Các nghệ sĩ chơi guitar thượng thừa thường coi giọng hát như một loại nhạc cụ khác với những biểu cảm khác với cây đàn của họ, và đôi khi nó còn giúp thể hiện những ý tưởng một cách nhanh chóng hơn bằng lời hát.


Steve Vai hát tới nửa album trong Fire Garden và thậm chí còm rủ Devin Townsend hát cả đĩa Sex & Religion. Joe Satriani cũng thường hát một vài bài trong mỗi album của mình. Tony Macalpine thì dùng giọng hát để tạo ra câu riff điểm xuyết cho phần chơi guitar. Mỗi người một vẻ, thế nên không ngạc nhiên khi Eric Johnson cũng thường hát.


Trong khi khối người cho rằng anh này hát không hay hoặc những bản nhạc có hát chỉ tổ làm cho mất tổng thể của một album instrumental, tui lại cho rằng giọng hát của Eric Johnson thật hợp với ca khúc, và nó có những “chất lượng” mà tiếng đàn không làm được.


Lấy ví dụ như bản “Desert Rose” trong album Ah Via Musicom, tui cho rằng các nốt trong giai điệu bài này cũng không khác mấy gì cách chơi guitar với một nốt trượt lên trượt xuống cũng như các nốt nâng lên hạ xuống ở quãng 5, nhưng rõ ráng cái chất trong việc hát thành lời đã tạo ra một âm sắc hoàn toàn khác, và hơn thế nữa là tiếng guitar của Eric Johnson có thêm nhiều đất diễn khi chơi rhythm phía dưới, thứ thường là sự sa xỉ mỗi khi anh này chơi lead guitar vì band của Eric Johnson thường chỉ chơi với 1 guitar.


Bản “My Back Pages” cover của Bob Dylan cũng là một bản nhạc đáng nhớ như thế, khi giọng hát hối hả của Eric Johnson đã tạo ra phần rhythm đáng nhớ cho bản nhạc này, khác hẳn với chất ê a thường thấy của Bob Dylan.


Và nếu như người nghe đứng ở cùng góc nhìn của Eric Johnson, khi anh thường toàn quyền chủ động tạo ra những sản phẩm âm nhạc mà anh cảm thấy có ý nghĩ nhất với bản thân mình, thì có lẽ việc anh hát hay thổi sáo hay làm bất cứ thứ gì mà anh thấy tốt cho nhạc phẩm, có lẽ không nhất thiết phải lạm bàn thêm.


4. Chơi cùng người khác


Các bậc virtuoso thường xuyên không ngại gì cho mượn một vài câu đàn hay solo trong các nhạc phẩm của người khác, nhưng Eric Johnson dường như không mặn mà gì mấy với việc này.


Nhưng “ít mà chất”, mỗi lần Eric Johnson xuất hiện trong những nhạc phẩm của cá nghệ sĩ khác luôn là những lần xuất hiện đáng nhớ.


“Lone Star” trong album The Urge của Stuart Hamm là một nhạc phẩm như vậy. Trong tiếng bass nặng trịch của Stu Hamm và tiếng trống chắc nịch, tiếng đàn của Eric Johnson dường như nhường hết tầng thấp cho Stu Hamm với không có quá nhiều phần riff mà dường như chỉ nhảy nhót ở tầng trung với tiếng đàn trong vắt của mình. Bản nhạc nghe thật lạ bởi dường như phần riff được dành cho cây bass chứ không phải guitar, trong khi tiếng guitar dường như rất biết lùi lại sau mỗi lần tăng tốc với giai điệu.


“The Gate of Valhala” trong album mới đây của Brian Tarquine năm 2024 cũng là một bản nhạc đáng nhớ với dấu ấn không thể lẫn vào đâu được của Eric Johnson, khi anh liên tục kéo giãn bản nhạc bằng thứ âm thanh trong trẻo của mình, nhưng cũng không ngại ngần bồi đắp cho phần nhạc như được kéo thả với những câu chạy ngón lên xuống quen thuộc của mình.


5. Fusion có phải một thể loại?


Thứ xì trum nhất mà khán giả nghe nhạc chúng ta từng làm, tui cho rằng đó là việc đặt tên cho từng thể loại. Anh này chơi theo thể loại này, và ban nhạc kia chơi theo thể loại nọ. Trong khi đó, các nghệ sĩ, những người có lẽ trình độ lý luận và tai thẩm âm giỏi cỡ 50 lần chúng ta, dường như chưa bao giờ màng tới việc phân chia các thể loại âm nhạc.


Jazz kết hợp với Rock, cổ điển pha với Rock, hay Funk trộn với Rock; các fan của thứ thể loại nhạc nặng này luôn ấn định phần “nặng” phải có và âm nhạc đương nhiên trở thành ‘fusion’ mỗi khi nghe được một thứ gì đó khác lạ trong cái thể loại nhạc Rock ưa thích của họ. Riết rồi ta có nghệ sĩ fusion, và khối kẻ còn đặt luôn fusion như một thể loại nhạc riêng như một “nhánh” trong cái thể loại ưa thích của họ.


Trong khi album Ah Via Musicom của Eric Johnson là một album nhạc Rock khá rõ ràng, những album sau này từ Venus Isle (1996), tới Bloom (2005) hay EJ (2016) đều nặng tính cá nhân với Eric Johnson và mang theo những màu sắc âm nhạc khá lạ lùng mà nếu người nghe cứ đối chiếu với nhạc Rock, thì những album này kiểu gì cũng khiếm khuyết.


Và chỉ tới khi Eric Johnson kết hợp cùng nghệ sĩ guitar jazz Mike Stern trong album Eclectic (2014), tui nghĩ người nghe đã có thể ngộ ra rằng các nghệ sĩ này có thể chơi bất cứ thứ gì họ muốn. Hai nghệ sĩ guitar với những sở trường khác nhau đã tung hứng và đối ẩm với nhau trong suốt cả một album nửa jam nửa sắp đặt, để rồi cả hai cùng kết lại với nhau với “Red House” của Jimi Hendrix, niềm cảm hứng có lẽ là cho tất cả các cây guitar ở bất cứ thể loại nào.


Với cá nhân tui, từ khi Eric Johnson xuất hiên trong vai trò một tay guitar hạng nặng của show nhạc G3 cùng hai vị shredder có máu mặt khác cho tới khi anh ra những nhạc phẩm jazzy như Eclectic cùng Mike Stern, tui chưa từng thấy Eric Johnson đóng khung mình trong một thể loại cụ thể nào cả. Tui học được cách nghe nhạc của anh khi không kỳ vọng vào một điều gì cụ thể, mà thay vào đó thả mình cho âm nhạc của anh đưa mình tới những không gian xa xăm lạ lùng, để rồi mỗi khi album nhạc được nghe vòng lại từ đầu, tui lại thấy cái không gian đó trở nên quen thuộc hơn một chút.


Hẹn gặp lại!


Kai

© 2018 by EmoodziK

bottom of page