top of page

Europe: nơi phí hoài tài năng của John Norum

Updated: Dec 29, 2019

Nhắc đến Europe, có lẽ mọi người đều liên tưởng ngay đến “The Final Countdown”, ca khúc hit giúp Europe vang danh các bảng xếp hạng khắp thế giới. Khán giả Việt nam có lẽ còn nhớ cả “Carrie”, “Dreamer”, hay “Open Your Heart” với giọng ca ngọt ngào của Joey Tempest và những giai điệu ballad đi sâu vào lòng người.


Nhưng với tui, Europe chỉ là nơi lãng phí tài năng của một tay guitar siêu hạng: John Norum.


Tui đã từng rất thất vọng khi xem Europe trình diễn live. Không có chút gì giống với giọng hát cao vút được chăm chút cẩn thận như trong album của Joey Tempest. Hình ảnh thường thấy trong các show diễn của Europe đều là Joey Tempest với giọng hát thấp xuống một quãng 8 hoặc một quãng 5, né các nốt cao bằng cách chĩa mic cho khan giả. Với tư cách một frontman, tui không thấy Joey gây được ép phê cho các fan tí ti ông cụ nào. Trừ phần chơi guitar miệt mài đầy đam mê của anh chàng đứng trong góc – John Norum.


John Norum là người gốc Na Uy, nhưng chuyển qua Thụy Điển sinh sống từ nhỏ, sau quen được ca sĩ Joey Tempest (tên thật là Rolf Larsson) trước khi lập ra ban nhạc The Force năm 1979. Năm 1982, The Force đổi tên thành Europe và đi thi các ban nhạc trẻ Thụy Điển (cuộc thi Rock Sm) và đặc biệt là John được bầu chọn là tay guitar hay nhất, còn Joey thì được bầu là ca sĩ hay nhất của cuộc thi.

Không tệ cho một sự khởi đầu như mơ không thua gì nhóm ABBA, Europe ra đĩa đầu tiên – sử dụng phần thưởng từ cuộc thi Rock Sm là một hợp đồng thu đĩa – cùng tên band năm 1983.


Europe chọn cách chơi Pop Rock (gọi đỡ là Synth Rock đi) khá an toàn, với phần nhạc giàu giai điệu, tiếng keyboard đối trọng với tiếng guitar, và tiếng bass và trống canh theo tiếng hard rock kiểu cũ, có lẽ từ ảnh hưởng của cả John lẫn Joey từ Thin Lizzy và những band hard rock thập niên 70s từ Anh.


Album thứ hai của nhóm, Wings Of Tomorrow (1984) nghe tốt hơn hẳn album đầu, và đâu đó tiếng guitar nặng hơn của John Norum mang theo nhiều lối chơi ảnh hưởng nặng từ Michael Schenker, đầy giai điệu và những cú nhéo và rung dây không tưởng, đã tạo nên những ký vọng khá lớn từ các fan hard rock ở châu Âu đang mong có sự đối trọng đến từ phía Bắc, từ những track nhu “Stormwind”, “Scream of Anger”, hay “Aphasia”. Nếu cứ chơi theo đà thế này, chả mấy chốc Europe sẽ chơi như Judas Priest.

Aphasia mang những ý đồ chơi guitar từ rất sớm của Norum


Nhưng có lẽ không hài long với kết quả thương mại và hình ảnh của band, tay quản lý Thomas Erdtman quyết định thay đổi hình ảnh của Europe trở nên giống các glam band ở Mỹ hơn. Về phần nhạc, phần guitar của John Norum phải chơi nhẹ hơn, tiếng trống cũng không còn nện chắc nịch kiểu hard rock mà chuyển qua âm vang như glam metal, và vai trò sáng tác được chuyển qua nặng hơn cho Joey Tempest và tay keyboard lúc đó là Mic Michaeli. Điều này có vẻ đem đến thành công ngay lập tức với album Final Countdown (1986) và ca khúc hit cùng tên đã đi vào lịch sử. The Final Countdown giành no 1 trên 30 bảng xếp hạng trên thế giới và Europe đi tour không ngừng nghỉ để quảng bá cho album này. Chỉ có một người cảm thấy thất vọng: John Norum. Anh rời Europe, lúc đó đang trên đỉnh cao thành công, không lâu sau đó. Họ đã lấy đi thứ âm nhạc dựa trên guitar chơi nặng mà John theo đuổi, và với John Norum, việc được mọi người biết đến bằng hình ảnh tóc xù chít khăn và thổi bóng bằng kẹo cao su như các glam band, chỉ càng làm cho mọi thứ trở nên lố bịch.


Quả vậy, trong album The Final Coutdown, tiếng guitar của John Norum bị chèn ép một cách đáng thương. Không còn những câu riff xương sống, đâu đó còn sót lại để mọi người nhận ra tài năng của John Norum chỉ là những đoạn solo cụt lủn giữa bài, khi bỗng sau điệp khúc là “bùm, xoèng”, với một loạt các nốt nhạc nặng hơn hẳn bỗng lùa ra như giải tỏa tất cả những sự kìm nén. John Norum như một tiền đạo ghi bàn siêu hạng trong một đội bóng hạng trung bỗng bị ép phải chơi lùi lại phía sau, và cả trận đấu chỉ có một vài cơ hội để anh chứng tỏ khả năng siêu hạng của mình. John như phải chơi vội vã hơn, quét dây nhiều hơn, và những cú nhéo như không còn đủ thời gian treo lơ lửng chờ đến nhịp tiếp theo; chứ không được nhẩn nha với câu riff và cấu trúc bài hát dài hơn như thời Wings of Destiny. Tiếng đàn solo của anh trong “Rock The Night”, hay “Danger On the Track” đâm ra nghe thật lạc lõng trên nền nhạc hỗ trợ của những người xung quanh anh, dù những câu quét dây và nhồi giai điệu được nhả ra vẫn nét và cực đáng nghe.


Không mất quá lâu để John Norum ra mắt sản phẩm đầu tiên của riêng anh, Total Control (1986), với bộ sậu gồm nhiều tay chơi nhạc từ nhóm của Yngwie Malmsteen. Chả thế mà chất nhạc của Total Control nghe nặng và khí thế hơn rất nhiều (dù tên album nghe khiêu khích vậy, lời lẽ của John lại hoàn toàn không có gì trách móc những đồng đội cũ trong Europe). Nghe “Love Meant To Last Forever”, một người anh em cùng cha khác mẹ với Final Countdown, hay bản cover “Wild One” của thần tượng Thin Lizzy, mới thấy đây mới là kiểu chơi nặng mà John Norum từng muốn làm cho Europe. Anh ẵm hết toàn bộ các giải thưởng âm nhạc quan trọng ở Thụy Điển năm đó.

Người anh em cùng cha khác mẹ với Final Countdown với nhiều solo hơn


Màn trình diễn chói sáng trong Total Control giúp John Norum lọt vào mắt xanh của Don Dokken, lúc này mâu thuẫn nặng với tính ẩm ương của tay guitar George Lynch và đang cần tìm người thay thế. Mặc dù nhóm Dokken tan rã không lâu sau đó, Don Dokken vẫn quyết tâm ship John Norum sang Mỹ và chơi cho album solo của anh, Up from the Ashes (1990), lẫn đi tour nước Mỹ sau đó. Và khi nhóm Dokken tái hợp năm 1997, John Norum tiếp tục đi tour với họ và ra thêm album Long Way Home (2002) năm 2002.


Album tiếp theo của John Norum, Face The Truth (1992) còn hay hơn cả Total Control nữa, với sự tham gia của cựu bassist kiêm ca sĩ của Deep Purple, Glenn Hughes. Không hiểu có phải nhờ chất của Deep Purple với những câu gào  cao vút cháy giọng của Hughes, mà Face The Truth thậm chí giàu hình ảnh và nghe sâu hơn rất nhiều. Ấy, có lần John gặp Joey đang đi lêu hêu ở Mỹ, bèn mời Joey tham gia một bài trong Face The Truth, “We Will Be Strong”. Bổn cũ soạn lại với vấn kiểu hát đó, tui cho đó là bài yếu nhất album, quay lại với kiểu nhạc nhịp nhàng thời Europe, và mất hết tính ngang tàn lẫn sắc nét của những bài do John Norum hay Glenn Hughes hát.


Thật vậy, điểm chung của Total ControlFace The Truth là lối hát dấm dứt nhấm nhẳng rất đàn ông, chứ không còn ủy mị và van nài như cách của Joey Tempest thời Europe nữa. Cách hát phong phú trong nhạc của John Norum dường như khiến anh tự do hơn thời Europe, khi hầu như các cây đều phải phụ thuộc vào cách nhả chữ rành rọt, luyến láy, và nhịp điệu rất nhịp nhàng của Joey.

Kiểu hát của Glenn Hughes nghe thật đã


Có được thành công nhất định ở Mỹ, và được biết đến rộng khắp ở châu Âu, John Norum tận hưởng sự nghiệp solo ổn định và đều đặn ra thêm Another Destination (1995), Worlds Away (1996), Slipped into Tomorrow (1999).


Nhưng Joey Tempest sau khi John Norum ra đi thì sao? Anh kiếm được tay guitar Kee Marcelo thế chỗ cho John Norum và Europe ra thêm hai album đặc sệt tính thương mại là Out Of This World (1988) và Prisoners In Paradise (1991) trước khi giải tán. Joey sau đó cố gắng với sự nghiệp solo với vài thành công đơn lẻ trong album đầu tay APTCH năm 1995, còn sau đó thì im ắng hẳn.

Đánh solo chất thế này kia mà


Năm 2003, khi đang ở Mỹ, John Norum được mời tham gia UFO để thay cho chính thần tượng của anh, Michael Schenker, vừa rời khỏi nhóm. Lời mời được gửi đến từ chính Phil Mogg, sau khi nghe đĩa Face The Truth của John. Nghiệt cái là ngay khi John vừa nhận lời miệng với UFO, Ian Haughland, tay trống của Europe, gọi điện cho John để bàn về khả năng tái khởi động lại đội hình Final Countdown 1985.


Và mặc dù quản lý của UFO đã rất cố gắng “hay mày chơi cả hai band luôn?”, có lẽ trái tim của John Norum đã có câu trả lời nghiêng về các đồng đội cũ của mình. Sau bao nhiêu năm chinh chiến và hầu như không còn cần phải chứng tỏ điều gì từ khả năng của mình nữa, John cảm thấy chuyến trở lại Europe lần này như trở về nhà vậy. Đương nhiên việc chơi cho ban thần tượng của mình là UFO, ban nhạc mà anh tập thành thục từng câu đàn theo Michael Schenker với Strangers In The Night từ nhỏ, luôn là một điều mơ ước. Nhưng John Norum chọn làm chính anh chơi nhạc của chính mình hơn là chơi lại nhạc của người khác. Chẳng phải trước đó anh cũng đã khước từ Dokken chỉ vì liên tục phải chơi những thứ do George Lynch nghĩ ra hay sao?


Vậy là màn tái hợp của Europe năm 2003 đã trở thành sự thật, bắt đầu bằng album Start From The Dark. John và Joey lại bắt đầu viết nhạc với nhau, và dĩ nhiên lần này, mang theo cả sự tôn trọng sâu sắc từ những người đàn ông từng trải nay đều đã ngoài 40. Âm nhạc của Europe từ năm 2003 có phần guitar dày và nặng hơn hẳn, dù John Norum vẫn sẵn sàng chơi nhạc kiểu ngựa đi nước kiệu theo tiếng hát của Joey. Một điểm rất mới nữa là John bắt đầu chơi rất nhiều guitar ở Drop D để tạo ra tiếng riff đặc trưng của Europe thời kỳ mới.


Nếu có điều gì làm tui luôn tâm đắc khi nghe nhạc của John Norum, đó là tính cách hơi bướng đi cùng với niềm tin mãnh liệt vào khả năng của chính mình. Không ít lần John từ chối những lời đề nghị rõ ràng là hấp dẫn và lấp lánh ánh hào quang, chỉ vì không muốn chơi lại thứ của người khác. Và tiếng guitar cùng kỹ thuật quét dây siêu hạng của anh vẫn hiên ngang chứng tỏ tài năng của mình khắp lục địa già.


Tui nhất định sẽ chờ đến khi ngoài 40 tuổi sẽ đem nhạc của John Norum ra nghe lại thêm. 


Hẹn gặp lại.


Kai

1,777 views

Recent Posts

See All

Comments

Couldn’t Load Comments
It looks like there was a technical problem. Try reconnecting or refreshing the page.
bottom of page