top of page

Bên trong cỗ máy Florence + The Machine

Lẽ thường, không mấy ai thích nghe giọng của mình qua máy ghi âm. Florence Welch, cô ca sĩ chính và trưởng nhóm Florence + The Machine, cho đến giờ cũng vậy. Để cô được thoải mái nghe giọng hát của mình, thì một là cô phải say, hoặc hai là giọng cô phải được chỉnh tăng thêm nhiều độ vang.


Thời Florence Welch còn chưa nổi danh, cô thường đi quẩy ở mấy vũ trường của Mairead Nash - thành viên trong bộ đôi DJ Queens Of Noize. Lần hiếm hoi có cơ hội gặp được Nash trong phòng vệ sinh, cơn men say đã khiến Welch đủ máu liều để xin thể hiện giọng hát với cô DJ nổi tiếng với mong muốn được biểu diễn tại buổi tiệc Giáng Sinh mà Nash tổ chức. Bài hát Welch hát cho Nash lúc đó là “Something’s Got A Hold On Me” của Etta James (trùng hợp là James cũng đã từng hát cho manager của bà trong toilet).

Nếu như men say là điều kiện cần để Welch tự tin thể hiện giọng hát thì không gian kín của căn phòng vệ sinh đủ vang là điều kiện đủ để giọng hát của Welch được bồi lên mấy cấp độ, khiến Nash hoàn toàn bị thuyết phục và quyết tâm làm manager cho ban nhạc của Florence Welch.


Sở hữu một giọng hát độc đáo và hay vô cùng, Welch vẫn không cảm thấy thoải mái khi nghe giọng thật của mình. Đó là lý do các bài hát của Florence + The Machine trong hai album đầu tiên Lungs (2009)Ceremonials (2011) đều dùng hiệu ứng vang như lần Welch hát trong toilet và bồi đắp thêm các track vocal cho dầy tiếng. Chỉ mãi đến khi ghi âm đĩa How Big, How Blue, How Beautiful (2015) thì cô ca sĩ mới bị ông Markus Dravs - nhà sản xuất cho album thuyết phục ghi âm những track nhạc phơi bày giọng mộc của mình.


Lúc Florence Welch gặp Mairead Nash - manager tương lai của ban nhạc trong toilet, Welch còn chém gió với Nash rằng cô đã có ban nhạc để diễn cùng. Khác với quân số lên tới 9 người như hiện nay, lúc đó “ban nhạc” của cô có đúng 2 mống, Florence Welch và cô bạn Isabella Summers. Hai cô đặt biệt danh cho nhau là Florence “Rô Bốt” và Isabella “Cỗ Máy”. Xong cái tên mà Welch định đặt cho nhóm là Florence Robot/Isa Machine quá dài dòng nên cô quyết định đổi sang Florence and The Machine (cách điệu Florence + The Machine), chỉ một tiếng trước buổi diễn đầu tiên.

Thật khó tưởng tượng, hai cô gái, trong đó Isabella Summers có tình yêu lớn với nhạc Hip Hop từ nhỏ dành cho Snoop DoggGravediggaz rồi tập tành làm DJ trên bàn turntable, và Florence Welch với tình yêu cho nhạc Soul và Blues của Etta JamesBillie Holiday, và sau này là Grace SlickAlanis Morissette, lại có thể viết những bản nhạc luôn sẵn sàng cho các đoạn cao trào, bắt đầu chỉ từ 3 nốt nhạc tạo vòng lặp sáng tác làm ý tưởng như phong cách Hip Hop. Khi Isabella Summers tạo phần beat với tiếng percussion mạnh mẽ từ bộ turntable của mình cho phần thu âm thử của Florence Welch, cả hai cô nhận ra rằng chất giọng khoẻ của Welch rất hợp với một giàn trống hoành tráng.

Đây chính là phong cách mà hai cô gái, đặc biệt là Welch ưng ý nhất, phần nhiều vì cô có thể trốn đằng sau lớp âm thanh ngập tràn đó. Cô và Summers (chơi vị trí keyboard), từ đó lần lượt tuyển thêm vác thành viên chơi guitar, trống, bass và đàn harp cho ban nhạc.

How Big? - Thứ âm nhạc của Florence + The Machine cao trào ra sao?

Một trong những ca khúc mà Welch và Summers sáng tác đầu tiên là “Dog Days Are Over”, do Summers sản xuất cùng James Ford. Ở khúc dạo đầu thưa bằng tiếng đàn harp, giọng của Welch phải được tăng reverb để vang và giấu đi chất giọng thuần của cô ca sĩ. Phần percussion trên nền piano và các âm hát bè đằng sau là tiếng vỗ tay nhanh chóng được đưa vào. Rồi quay đi quay lại là tiếng trống nện thình thịch mạnh mẽ đẩy bài lên cao trào mới. Đến lúc cả giàn nhạc vào hết rồi thì tất cả violin, viola, guitar đều hoà hết làm một. Hay cái là giọng cao khoẻ của Florence Welch vẫn nổi và thoát khỏi những tiếng nhạc cụ dầy đang vây quanh.

Sự hoành tráng trong nhạc của band Florence + The Machine còn được tô đậm bởi âm thanh nhịp trống rộn ràng, và tiếng đàn harp hoà chung cùng đàn guitar mang lại màu sắc Phục Hưng, nhưng lại cá tính vì cách hát của Welch có chịu hưởng từ Kate Bush rất độc đáo.


Ngay từ đĩa đầu Lungs, những bài sau “Dog Days Are Gone” đều là chuỗi các cao trào theo nhiều cách khác nhau: phần hát bè ở “Rabbit Heart (Raise It Up)”, âm thanh guitar rè đặc ít thấy trong “Kiss With A Fist”, và như cái tên bài hát, cả giàn trống dưới tay Florence Welch chơi với “Drumming Song”.

Vậy nên có thể thấy âm thanh lớn và dầy trong nhạc của Florence + The Machine được thu qua nhiều lớp track nhạc chồng lên nhau, từ giàn nhạc hoành tráng, các phần hát bè và âm thanh mạnh mẽ của tiếng trống làm chủ đạo.


Cái không khí hoành tráng đó tiếp tục theo đến album Ceremonials sau đó của ban nhạc. Khác với lúc còn thu âm cho đĩa đầu tiên, Welch và Summers còn phải nện tay vào tường để tạo âm sắc trống to khoẻ nhất có thể thì với đĩa này, họ giờ đã có đủ điều kiện với đầy đủ các nhạc cụ mơ ước.

Nhưng nếu bóc tách dần các lớp âm thanh đó ra thì nhạc của Florence + The Machine bỗng lộ ra cái nét man mác buồn và tuyệt đẹp, đặc biệt ở giọng hát của Welch.


How Blue? - Nhạc của Florence + The Machine buồn vậy sao?


Ẩn giấu phía sau không khí dường như sôi động hào hùng đó, âm sắc có màu tối luôn quanh quẩn trong nhạc của Florence + The Machine. Nó nằm ở giai điệu buồn ở “Dog Days Are Over”, qua hợp âm thứ của “Rabbit Heart (Raise It Up)”, câu guitar riff bluesy trong “Girl With One Eye”, nhưng tựu chung vẫn qua giọng hát có độ rung và chất soul hút hồn của Florence Welch.


Đến album How Big, How Blue, How Beautiful, âm sắc buồn này càng lộ rõ nét hơn. Vẫn có những tiết tấu dồn dập của âm thanh đặc trưng của ban nhạc, các bài hát nay mang nội dung tự sự cá nhân. Tại giai đoạn ban nhạc ghi âm đĩa này, Welch vừa kết thúc cuộc tình với anh bạn trai, và cô cũng mới dứt được cơn nghiện rượu. Thế nên, đĩa này mới có những ca khúc như “Ship To Wreck”, “What Kind Of Man”, “Various Storms & Saints”, “Long & Lost” kể về những nốt trầm mà cô đã trải qua.


“Ship To Wreck” nói tới cảm xúc huỷ hoại bản thân sau những cơn say mềm, mà thứ cô phá huỷ lại là những gì cô yêu mến nhất. Như tựa đề bài hát, “What Kind Of Man” nhắc về người bạn trai cũ của Welch. “Various Storms & Saints” là sự phiền muộn sau mối tình tan vỡ. Còn “Long & Lost” là sự vương vấn đấu tranh nội tâm của cô.

Trước đây nếu Welch có viết lời về một câu chuyện của mình thì nó chỉ dừng ở những hàm ý ẩn dụ. Nay lời bài hát trong đĩa How Big, How Blue, How Beautiful lại bộc lộ rõ sự yếu mềm của cô ca sĩ.


Nhạc và giọng hát của Welch trong album này vì thế càng có nhiều khoảnh khắc chậm và sầu muộn hơn. Trong đó phải kể đến hai bài khiến người nghe cũng không khỏi bần thần là “Various Storm & Saints” và “Long & Lost”. Không có những đoạn nhạc cao trào, không có âm thanh hoành tráng, không có cả những hiệu ứng reverb cho giọng hát của Welch. Chỉ còn lại câu đàn buồn muốn khóc và giọng hát mềm du dương như đang kiềm những cảm xúc muốn vỡ oà của cô.


Đến cả bài “Queen Of Peace” đầy cao trào của giàn dây và bộ trống, để nói về sự vực dậy của Welch từ những kỷ niệm cũ cũng không giấu được những mất mát và vết thương trong lòng của “kẻ chiến thắng”.


How Beautiful? - Giọng hát của Florence Welch đẹp tới chừng nào?


Florence Welch đã khóc khi nghe lại bài “Various Storms & Saints”. Chưa bao giờ cô lại nghĩ mình sẽ đồng ý thu âm giọng hát mộc của mình, lại còn trên khung cảnh nhạc buồn như vậy. Không còn gì có thể che đậy suy nghĩ của cô gái trước công chúng yêu nhạc nữa.


Nhưng vì thế, người nghe nhạc mới có cơ hội chiêm nghiệm được những thứ đẹp đẽ nhất trong âm nhạc của Florence + The Machine. Bởi là khi không còn các lớp âm nhạc dày che phủ, chất giọng đầy cảm xúc, thật đến thuần khiết của Welch mới được lột tả tới cùng. Người ta nghe được từng âm rung trong những nốt ngân của cô, thưởng thức giọng head voice nhẹ như gió, đồng cảm được cảm xúc có phần thô ráp bởi chính câu chuyện của người kể chuyện.

Với tôi, nếu album Lungs đầu tiên là định nghĩa cho âm nhạc của Florence + The Machine thì album How Big, How Blue, How Beautiful là định nghĩa cho giọng hát thuần khiết của Florence Welch.


Vẫn có những bản acoustic mà ban nhạc trình diễn và Welch phải tự trấn an bản thân để phơi bày giọng hát thật của cô trước khán giả. Nhưng đó lại là những khoảnh khắc đáng nhớ nhất với người xem.

Nhiều người đánh giá Welch hát live còn hay hơn so với bản studio. Sự biến tấu và ngẫu hứng đều có trong đó, tuỳ theo nội lực giọng hát của cô ngày hôm đó. Có điều sức ảnh hưởng từ chất giọng thiên thần đó hầu như không đổi. Nó có thể khiến người nghe sững người như một luồng điện truyền cảm xúc của Welch đến chính họ, khiến họ có thể khóc theo chính giọng hát đó.


Florence Welch cũng tự nhận thấy khi bỏ đi các hiệu ứng thu âm, xoá đi “Robot” và “Machine” như biệt danh của hai cô gái, thì cô thấy một âm thanh con người và gần gũi hơn. Chỉ không rõ là Welch có biết rằng, với người nghe, giọng hát của Welch còn hơn thế, nó đẹp như vị thần với năng lực truyền cảm tới bất kỳ ai.


Hẹn gặp lại!


Kroon

541 views
bottom of page