top of page

Tản mạn (ep. 10): Các nhạc cụ "mặn" trong nhạc Rock

Trong căn phòng studio nọ, ban nhạc Blue Öyster Cult đang cắm cúi chuẩn bị thu âm bài “Don’t Fear The Reaper” dưới sự dẫn dắt của nhà sản xuất “huyền thoại” Bruce Dickinson từ band Iron Maiden. Ở lần thu đầu, cả band vào nhạc, với hai người chơi guitar, một người chơi bass, một người đánh trống và cắt cử riêng Gene Frenkle đứng chỉ có mỗi việc gõ cowbell. Ngỡ tưởng như cái tiếng cowbell nọ vang bên tai khá là gây phân tâm cho những thành viên chơi trong nhóm và khiến Dickinson yêu cầu cả band phải dừng lại, thì ông gọi riêng Gene Frenkle ra và dặn phải gõ cowbell cho mạnh mẽ hơn nữa, phải cảm nhận được cả không gian của căn phòng. “I gotta have more cowbell” – Dickinson ra lệnh. Được thể Frenkle thể hiện bằng hết cảm xúc, tiếng cowbell dội vang át hết tất cả các nhạc cụ, kể cả trống.

Cái studio đó chỉ là sân khấu của chương trình Saturday Night Live, không có ai là thành viên của Blue Öyster Cult trong đó mà họ đều là các diễn viên, “huyền thoại” Bruce Dickinson thì do Christopher Walken đóng, và cũng chả có Gene Frenkle nào trong ban nhạc sất, mà Frenkle chỉ là một nhân vật mà Will Ferrell tự tạo ra sau khi anh băn khoăn về cuộc đời của người nhạc công chơi chiếc cowbell trong bản version chính thống “Don’t Fear The Reaper” của Blue Öyster Cult.


Trong các loại nhạc cụ chơi cho nhạc Rock, chúng ta đều đã quá quen thân với giàn trống, cây đàn bass, cây guitar điện. Nhạc cụ như chiếc đàn keyboard là một phương án tùy chọn, khi màu sắc âm thanh của nó chỉ hòa hợp với các nhạc cụ còn lại tùy theo cách chơi và âm sắc được lựa chọn của nhạc công.

Bên cạnh đó, lịch sử Rock N’ Roll đã chứng kiến rất nhiều các nhạc cụ khác được đưa vào. Những nhạc cụ này không phải là "lạ" trong những thể loại nhạc khác, nhưng trong nhạc Rock thường không phải lúc nào cũng là “người đồng âm” hòa hợp với các nhạc cụ còn lại - bù lại, rất nhiều lần chúng bỗng trở thành “người thổi hồn” cho chính bài nhạc. Trong bài viết này, chúng ta cùng điểm qua các nhạc cụ thuộc diện “mặn” nhất trong nhạc Rock nhưng được khéo léo kết hợp để tạo nên các tuyệt phẩm như thế nào.

1. Cowbell

Xin bắt đầu danh sách bằng chính nhạc cụ "gây sự" được làm quá lố một cách nghiêm túc ở chương trình SNL. Như tên gọi của nó, cowbell tương tự như cái bell gắn quanh cổ con bò để người chăn dắt có thể dễ dàng tìm được chúng nếu có con nào đi lạc. Trong âm nhạc , tiếng cowbell có một độ vang và cao rất dễ len lỏi vào những âm thanh của nhạc cụ khác. Do nó có độc một kiểu âm sắc, người ta dùng nó như một nhạc cụ để giữ nhịp mà khi gõ đều đặn nghe tựa như tiếng gõ mõ, nhưng cái cao độ phát ra từ cowbell lại mang một cao độ có thể phá ngang phè phần hòa âm của bài nhạc. Do vậy có nhiều loại cowbell được sản xuất với các cao độ khác nhau (dù rằng mỗi chiếc chỉ tạo ra đúng một cao độ duy nhất).

Ở bài “Don’t Fear The Reaper” của Blue Öyster Cult, tiếng cowbell chỉ rõ ở mỗi khúc vào nhạc ban đầu cùng với trống, nhưng sau đó âm lượng của nó được kiểm soát để chìm vào cùng âm thanh của các tiếng đàn khác. Dù vậy, trong bài, tiếng cowbell chỉ làm giúp nhấn vào tempo của bài, chứ về mặt âm sắc, tôi không thấy nó mang lại điểm gì tích cực. Khổ cái là một khi mà phát hiện ra âm thanh cowbell này rồi thì bộ não bạn rất dễ bị phân tâm sau đó vì cái âm thanh cứ văng vẳng trong đầu kể cả khi rõ ràng tiếng nhạc cụ khác đã át đi, giống hệt như cách mà show SNL đã mô tả một cách hài hước về chiếc nhạc cụ kỳ lạ này.


Dù vậy, tiếng cowbell vẫn được dùng một cách hợp lý trong một số bài. Một ví dụ điển hình là “Nightrain” của Guns N’ Roses khi cowbell chỉ vang lên ở câu riff dạo đầu không có quá nhiều sự ồn ã, và âm sắc một màu của nó lại hòa quyện vào tiếng guitar ở tầm trung thật tuyệt vời. Bài “Little Sister” của Queens Of The Stone Age là một ví dụ khác, cái âm trầm hơn các cowbell thường nghe hòa vào phần trống làm những đoạn vào snare nghe tiếng chát chúa hơn. Hoặc bài “Stories For Boys” của U2, cowbell xuất hiện giữa bài, sau loạt các nhịp trống biến đổi và những tràng fill dồn trống rất hay, làm cho không gian âm thanh bỗng dưng vang và rộng hơn.


2. Harmonica

Vâng, tiếng kèn harmonica nó kỳ lạ lắm. Giống nhiều nhạc cụ, người không biết chơi thì thổi ra tiếng rất chói tai gây khó chịu. Nhưng khác nhiều nhạc cụ, phải người chơi thật giỏi thì mới làm cho chiếc kèn nó phát ra tiếng êm tai được.

Miễn bàn đến những người sử dụng điêu luyện harmonica như Stevie Wonder với dòng nhạc của ông, trong lịch sử Rock N’ Roll, harmonica xuất hiện khác phổ biến và có rất nhiều bài (cụ tỉ như của cụ Bob Dylan hay Neil Young), nếu bỏ tiếng harmonica đi thì chắc bài đó sẽ hay lên khá nhiều. Cái âm thanh đanh sắc như chém vào tai ở chiếc kèn này vì vậy là một nhạc cụ thực sự kén chọn người chơi lẫn phần hòa âm của các nhạc cụ khác.


Với ban nhạc Rolling Stones là một ví dụ, chiếc kèn harmonica đóng vai trò lớn tạo nên âm thanh của ban nhạc, nhờ Brian Jones nắm giữ được bí mật để thổi những dải âm nhạc Blues cực hay qua chiếc cross harp harmonica. Trong bài “Now I’ve Got A Witness”, tiếng harmonica phát ra nhẹ bẫng và đầy ma lực nhờ cách giữ và nhả hơi cực khéo léo của Jones. Hay với bài “What A Shame”, đoạn solo harmonica ở cuối thực sự gây cuốn hút bởi âm thanh mượt mà, đan xen với phần slide guitar, mà chắc chắn không có nó thì bài này mất đi một nửa linh hồn.


Ngoài ra, ở những bài như “Nobody’s Fault But Mine” của Led Zeppelin, phần solo harmonica ở giữa bài của Robert Plant, ngay sau khúc lặng, vang lên ngân dài ở một nốt tạo màu sắc chói chang, rồi sau đó lướt đi các nốt nhạc khác, hay không kém gì một khúc solo guitar của Jimmy Page. Nhẹ nhàng hơn, bài “Piano Man” của Billy Joel sử dụng tiếng harmonica với âm lượng nhẹ nhàng vừa đủ và chỉ nổi rõ ở phần solo cuối bài tạo phần kết rất đặc trưng cho ca khúc này.


Tất nhiên phạm vi bài viết này là hơi nhỏ để có thể nhắc tới những chuyên gia "thổi kèn" khác như Steven Tyler, Eric Clapton, hay thậm chí cả Joe Satriani.

3. Saxophone


Đây là một nhạc cụ có âm sắc rất hay. Âm thanh mềm mượt réo rắt của nó (dĩ nhiên phải nhờ người chơi tài ba thể hiện) đáng nhẽ ra phải hòa hợp với nhiều nhạc cụ khác.

Nhưng không, do âm sắc đặc trưng của saxophone, nó có thể gây nhiễu rất nhiều tới không gian của bài nhạc, đặc biệt với dòng nhạc Rock. Như với ca khúc “Young Americans” của David Bowie, dù rằng ông chủ đích hướng tới kiểu nhạc soulful ở album cùng tên này, tiếng saxophone dù chơi nhỏ âm lượng đi vẫn đủ gây mất tập trung mỗi khi nó xuất hiện. Biết rằng bài này sẽ lạ lẫm hẳn nếu có nhạc cụ này, nhưng nó rõ ràng vẫn đủ sức phá ngang dọc giàn đồng ca hát phụ họa theo lối gospel. Rock hơn thì có bài “Brown Sugar” của Rolling Stones với phần solo saxophone ở giữa bài. Tự dưng tiếng kèn ngang bè đó xuất hiện phá nát cái không khí của bài hát, như một minh chứng cho thứ nhạc cụ hay mà lại kén như vậy.


Tuy thế, chiếc kèn saxophone vẫn phát huy tác dụng của nó khi biết cách làm nhạc, như trong bài “Babylon Sisters” của Steely Dan, tiếng kèn saxophone hòa vào phần nhạc rất chảy, nhất là khi mấy anh trong ban nhạc đều là những người kỹ tính, cũng như bản thân track này mang màu sắc jazzy phù hợp cho nhạc cụ này. Hoặc khác biệt hơn, trong bài “Money” của Pink Floyd, phần saxophone solo rất hợp với các nhạc cụ đang chơi rất phiêu khác đằng sau và như hiểu rằng chiếc kèn không thể đóng vai trò tạo cao trào trong bài này, ngay sau đó đoạn solo guitar điện rít lên trên nhịp điệu dồn dập, tương phản với khúc saxophone trước đó làm cho bài nhạc trở nên toàn diện. Hay như bài “Can’t You Hear Me Knocking” của Rolling Stones, cũng là nhạc công Bobby Keys, người chơi saxophone trong bài “Brown Sugar” mà tôi chê ở trên, ở bài này, phần solo của Keys hay và hợp hơn hẳn, nhất là khi tiếng kèn của ông trồi lên khi bài nhạc đang lắng xuống, tạo một không gian mới lạ cho cả bài nhạc.


Dĩ nhiên không thể không nhắc đến bài hát mở ra cả một thế hệ nghe progressive, "Another Day" của Dream Theater. Cái thứ kèn này đúng là, không có thì thôi chứ đã có thì nghe cuốn không chịu được. Tới mức ở bên nước Na Uy nọ còn có một anh tên Jørgen Munkeby vừa có khả năng chơi guitar réo rắt vừa thổi kèn. Đến một ngày tôi tìm được anh nào vừa đánh trống vừa thổi kèn, có lẽ cuộc đời lúc ấy coi như đã được thấy tất cả.


4. Sitar

Nhạc cụ dây bắt nguồn từ Ấn Độ này có màu sắc khác biệt nhất trong số những nhạc cụ tôi nhắc tới ở bài này. Nhờ nghệ sĩ Ravi Shankar, cây đàn trở nên nổi tiếng thế giới sau khi những nghệ sĩ lớn, như George Harrison, nghiên cứu học chơi và mang chất liệu nhạc Ấn này vào từ thời The Beatles. Do khoảng cách giữa các nốt nhạc trong nhạc Ấn Độ khác với nhạc phương Tây, cây đàn sitar cũng được tạo ra khác cách căn chỉnh khác với nhạc cụ dây khác như guitar. Cùng với cấu tạo của đàn sitar chỉ có 6-7 dây ở trên phím là có thể chơi được giai điệu, rất nhiều dây còn lại (có thể lên đến 16 dây khác) lại nằm dưới phím nên chỉ chơi được đúng một âm sắc cao độ, rồi cái âm sắc rung tạo ra từ đàn sitar tạo nên màu nhạc rất phương Đông rất riêng biệt, điều cũng lại là cản trở khi nó xuất hiện trong âm nhạc phương Tây.

Vậy nên, cũng có thể tùy vào cảm nhận của mỗi người, tiếng đàn sitar dùng trong nhiều bài đều có vẻ chỉ góp phần đổi màu cho bài nhạc theo một cách lạ lẫm, hơn là khiến nó trở nên hoàn mỹ.


Ví dụ như bài “Norwegian Wood” của The Beatles, tiếng sitar chủ đạo có phần làm nhiễu chuỗi hợp âm rất hay mà ban nhạc chơi. Âu cũng vì cái hiệu ứng tiếng drone khi dây đàn sitar rung ngân lâu bị nhòe, át hết các nhạc cụ khác. Ở bài “Love You To”, cái âm drone này ít bị ảnh hưởng hơn nhờ các hiệu chỉnh edit, tuy nhiên cây sitar cũng chỉ giúp bài nhạc được lạ tai hơn.

Khá hơn chút, trong “Holiday Inn” của Elton John, tiếng đàn sitar được dùng gảy như cây guitar với các chuỗi hợp âm rất phương tây, đâm ra âm sắc của đàn sitar không thể hiện rõ sắc nét của nó, và vì vậy không phá đi không gian âm nhạc của bài, dù đổi lại, nó cũng không tạo sự khác biệt nào rõ rệt nếu thay bằng một nhạc cụ dây khác.


Cứ cho là tôi khó tính với đàn sitar đi. Tuy nhiên, trong các bài mà tôi từng nghe thì chắc chỉ có “Paint It, Black” của Rolling Stones là được cây đàn sitar làm đẹp cho bài hát hơn. Brian Jones thử nghiệm chơi đàn sitar chạy song song theo giai điệu hát và được đẩy xuống chìm dưới phía sau làm “nhân vật phụ” để âm thanh đặc trưng của nó không át các nhạc cụ khác, nhưng vẫn đủ có chút âm thanh drone đặc trưng từ các dây đàn của chiếc sitar tạo sự khác lạ.

5. Accordion

Tôi nể phục những người tập chơi chiếc đàn accordion nặng như kéo co này. Thật không ngoa khi người ta chế ảnh dùng accordion để mà bơm lốp xe tải vì cái thể lực đòi hỏi khi chơi thứ nhạc cụ này. Bạn tưởng tượng, phải vừa dùng hai tay kéo ra đẩy vào liên tục theo chiều ngang sang hai bên, mà các ngón ở hai bàn tay lại vừa chạy trên các phím theo chiều dọc, thì thực sự đòi hỏi sức bền của các cơ như nào. Đã thế, tiếng đàn phát ra cũng đâu có tạo sự thỏa mãn như một số công việc đòi hỏi sức lực khác. Ngược lại, âm sắc của accordion có lẽ thuộc dạng khó lọt tai nhất trong các nhạc cụ.

Ở bài “God Only Knows” của Beach Boys, tiếng accordion xuất hiện chủ đạo ở khúc dạo đầu, rồi sau đó chỉ đóng vai trò làm dầy tiếng, do đó không quá khó nghe như thường lệ, tuy nhiên những đoạn hay của bài là lúc tiếng đàn đó tắt hẳn, và rất tiếc nó chỉ diễn ra trong một khoảng thời gian ngắn.

Trong số ít ỏi bài dùng đàn accordion, cũng lại chỉ có con số ít ỏi hơn nữa là nghe được. Bài “Squeeze Box” của The Who sử dụng đàn accordion để tạo tiếng ngân nhẹ như thường thấy ở nhạc cụ organ, nhưng trong trường hợp này, âm sắc của accordion chỉ vừa đủ làm dầy tiếng, và lại hợp với tiếng đàn banjo solo sau đó (vâng, đây cũng là một ví dụ tốt về cách sử dụng thứ đàn khó hợp như banjo mà nghe vẫn ổn), với cả hai nhạc cụ đều do Pete Townshend thể hiện. Hoặc như bản ballad “Sorry Seems To Be The Hardest Word” của Elton John có tiếng accordion xuất hiện từ khúc dạo nhạc giữa bài cùng đàn vibraphone, với âm thanh cực mềm, rất khó nhận biết ở một chiếc đàn có âm sắc rất dày.

Rõ tiếng hơn mà nghe vẫn hay là bài “Back Street Girl” của Rolling Stones. Mỗi khi tiếng accordion vang lên, nó làm ca khúc nhẹ nhàng của Stones mang đậm màu nhạc Folk hơn, và tạo một không khí đúng chất đồng quê êm ả.


Nhưng khá nhất chắc là “Vienna” của Billy Joel và “Wouldn’t It Be Nice” của Beach Boys. Với “Vienna”, khúc solo của accordion được một nghệ sĩ virtuoso người Ý - Dominic Cortese chơi hẳn hoi. Bảo sao tiếng đàn nó cứ êm ru. Còn với “Nice”, Brian Wilson thuê 2 nhạc công kéo chiếc accordion cùng lúc, và ở khúc bridge phía sau, cả hai chơi kỹ thuật “triple bellow shake”, để một nốt nhạc được phát ra 3 lần trong khoảng thời gian 1 nhịp trống bằng cách kéo đàn accordion vào, ra, rồi lại vào (và ngược lại), khiến cho âm thanh của nó bỗng dưng mềm như tiếng đàn violin.


***

Ngoài các nhạc cụ kể trên, với nhạc Rock, danh sách những nhạc cụ có âm thanh gây khó chịu nhất có thể kéo dài với bộ kèn, bagpipes, sáo (trừ Jethro Tull thì có thể tha thứ được vì sáo với họ là một loại nhạc cụ "kim loại, nặng"), banjo, mandolin, hay thậm chí có người còn nêu cái tên “Yoko Ono” - chắc hẳn là tiếng thét của bà. Người Nhật thậm chí cũng thường đưa cây đàn Shamisen của họ vào nhạc Rock (nếu như bạn không quá ác cảm với Baby Metal).

Tuy thế, ngoại trừ “Yoko Ono” hơi khó chơi, chúng tôi tin rằng các loại nhạc cụ khác nếu tìm tòi kỹ vẫn luôn có được cách sử dụng hợp lý trong nhạc Rock, bởi sự thừa mừa các tài năng thể nghiệm và cách làm nhạc không có rào cản này.


Bọn tôi chừa cây đàn violin ra không tinh là "mặn" đâu đấy nhé!

Hẹn gặp lại!

Kink

1,068 views
bottom of page