Chắc hẳn không ai muốn nhắc lại những điều kỳ cục đã xảy ra với Woodstock ’69, nhưng ngược lại, chưa chắc đã có ai có thể cưỡng lại nổi sự kỳ vĩ từ một sự kiện âm nhạc có thể lôi kéo tới một nửa triệu người tới cùng một chỗ và chung sống “hòa bình” với nhau trong 3 ngày cuối tuần.
Lý do cao đẹp để đi pitch cho những người có thể bỏ xèng ra tổ chức sự kiện thì chắc chả bao giờ thiếu, vì thế giới này hóa ra ở thời điểm nào cũng có những cuộc chiến tranh phi nghĩa, và việc tỏ thái độ bằng cách gom đám hippy – những người bất cần thời nào cũng nhiều và chỉ mong sự “bình yên” còn hơn cả “hòa bình” – với những kẻ ưa đấu tranh cho bất công một cách hiền hòa như thời 1969, xem ra vẫn là một công thức nghe cực có lý.
Chắc mẩm mình đã đầy kinh nghiệm thương đau từ Woodstock 1969 (và đã trả hết nợ cho sự kiện này sau 11 năm), thì đến năm 1994, 25 năm sau sự kiện đình đám nọ, bộ ba John P. Roberts, Joel Rosenman, và bầu sô Michael Lang lại rục rịch bắt tay với nhau để tạo ra một sự kiện âm nhạc lớn chưa từng có nữa. Lần này, đại nhạc hội Woodstock được tổ chức tại thị trấn Saugerties, ngoại biên của New York, và dĩ nhiên vẫn không có chút liên quan địa lý nào với thị trấn Woodstock, a.k.a quê nhà của Bob Dylan cả. Poster của Đại hội chợ 1994 được xào lại với thêm dòng chữ “thêm 2 ngày” trước chữ “dành cho Hòa Bình và Âm Nhạc”. Lúc đầu, họ tính tổ chức vào thứ 7 và Chúa Nhật ngày 13 và 14 tháng 8, nhưng rốt cục, Đại hội chợ phải chèn thêm ngày thứ 6 nữa. Tín hiệu tốt từ nhu cầu chia sẻ “hòa bình và âm nhạc”, hay chỉ là dấu hiệu của một “bổn cũ soạn lại” từ sự kiện cách đây 25 năm?
Đã có quá nhiều người chỉ trích những nhà tổ chức Woodstock 1994 là những kẻ thảm hại khi đã lặp lại gần như y chang những điều kỳ cục và sự “vỡ trận” của một sự kiện âm nhạc nghệ thuật khổng lồ. Tôi không cho là vậy. Tôi nghĩ là họ là những thiên tài khi đã tính toán chi li từng đường đi nước bước để có thể tạo ra một sự kiện âm nhạc, cả phần tích cực lẫn thất bại đều “sao chép” theo sự kiện huyền thoại trước đó như là một cách tạo hiệu ứng nhấn mạnh, trước khi quyết định phá hủy nó (lần này là thật) vào năm 1999.
Đây nhé, hãy nhìn vào các con số tương đồng: 160 ngàn vé được bán ra (so với 180 ngàn năm 1969), kết quả vẫn đảm bảo gần 500 ngàn con người lọt được vào đại hội chợ, đồ ăn bắt đầu cạn kiệt vào buổi trưa thứ 7, khoảng 800 người phải cấp cứu (so với 800 người bị O.D mà không bị bệnh gì khác năm 1969), và 2 người chết. Ấy là còn chưa kể đến những điều tương đồng to đùng khác.
1. Lại là hội chợ loay hoay tìm tên tuổi hot
Xin hãy dừng lại một vài giây trước khi nhắc đến những tên tuổi lớn như Metallica và Aerosmith, những người chơi trong đêm thứ 7. Đây là năm 1994, và chắc không cần phải gợi ý thì ai cũng thấy những tên tuổi “nóng” trong làng nhạc lúc đó phải đến từ dòng nhạc Grunge. Nhưng ôi thôi, Nirvana đã không thể diễn vì Kurt Cobain vừa tự sát không lâu trước đó, Pearl Jam và Soundgarden đều đang đi tour, còn Alice In Chains, đã không thể nhận lời vì ca sĩ Layne Staley quá bận với chuyện phụ thuộc thuốc men. King’s X có lẽ là tên tuổi đáng kể nhất đến từ Seattle grunge. Còn một ban nhạc nguy hiểm khác là Guns N Roses cũng không thể tham gia vì cặp Axl Rose và Slash đã bắt đầu không nhìn mặt nhau.
Với bối cảnh âm nhạc đang ở thời kỳ đầy “suy tư” và sắp bước vào chuyển giao từ Grunge bấy giờ, có lẽ cái tên Nine Inch Nails, lúc đó hãy còn chưa quá nổi tiếng, lại bất ngờ mang đến thứ âm nhạc dễ gần với đám đông hơn hai ông kẹ Metallica, band vừa ra Load trước đó không lâu, và Aerosmith, những anh già lúc đó nổi trên MTV với những bản ballad ướt át cùng Alicia Silverstone hơn là chơi thứ nhạc nặng ép phê, những người sẽ chơi vào ngày thứ 7. Còn vào Chủ nhật, mấy anh trẩu tre Green Day xem ra lại mua vui và dễ gần hơn headliner mang tên Red Hot Chili Peppers đầy lạ lẫm với Dave Navarro chơi guitar.
2. Những cái tên trở lại từ năm 69
Có một ý tưởng khá thú vị ở Woodstock 1994, khi họ quyết định mang lại một vài band đã làm nên tên tuổi của Woodstock 1969. Santana, Joe Cocker, hay Crosby, Still & Nash là những cái tên như vậy.
Nhưng có lẽ điều thú vị khiến mọi người thích thú hơn hẳn, là việc lần này Woodstock đã mời được Bob Dylan tham gia, người vốn có nhà ở Woodstock và là nguồn cảm hứng cho việc tổ chức sự kiện đầu tiên. Có lẽ thất vọng vì Đại hội chợ không tổ chức ở cạnh nhà nên năm 69 Bob Dylan đã không chơi, nhưng lần này, ông đã cất công quá bộ đi qua Saugerties.
Dĩ nhiên cũng phải nhắc thêm là năm 1969, Aerosmith cũng đã từng tham gia Woodstock, nhưng dưới vai trò khán giả.
3. Sự kiện tổ chức ngoài trời với thời tiết như kẹc
25 năm đã trôi qua, hội chợ giờ cũng không còn tổ chức ở chỗ cũ, và dĩ nhiên giờ đã là năm 1994 và mọi người đều biết xem dự báo thời tiết. Ở một nơi như ở Saugerties, thời tiết đáng nhẽ phải nóng vãi trong cả tháng 8. Thế mà trời lại mưa tầm tã, y như sự kiện 25 năm trước đó. Và đây rồi, thứ đặc sản nổi tiếng mà Woodstock không thể thiếu: Bùn.
Lần này mọi người lại có dịp nhảy nhót trong bùn, đấm nhau trong bùn, và cả làm những chuyện khác nữa. Primus đã mang đến bài nhạc chủ đề cho Mudstock lần này mang cái tên “My name is Mud” trong phần trình diễn của họ. Nhưng có lẽ NIN và Green Day là những band đã đẩy bùn lên một tầm cao mới vào phần trình diễn của họ trong thứ 7 và Chủ nhật.
Nine Inch Nails, dù là ban nhạc mới với chỉ 2 album lúc đó, dĩ nhiên đã từng chơi ở hội chợ rồi. Nhưng không phải là trước nửa triệu người như thế này. Nên tôi nghĩ có dị như trưởng nhóm Trent Reznor hay tay guitar Robin Finck, thì hẳn họ cũng có chút nhảy nhót ở trong bụng. Chưa kể đến những trận mưa xối xả như không hề chiều lòng thứ âm nhạc điện tử của họ.
Thế chả hiểu sao, tay keyboard James Woolley múc một vốc bùn lên và ném thẳng vào một đồng đội của gã (tất nhiên không phải sếp Reznor), chỉ để nhận lại được một câu nói thân thương “đm cậu” và một nắm bùn khác nhoe nhoét vào mặt.
Những gì Trent Reznor nhận ra sau đó là một màn vật nhau nho nhỏ, và một thời cơ để tỏa sáng lóe lên trước khi cả band NIN lao lên sân khấu, người đầy bùn không khác gì khán giả, và thỏa sức chinh phục đám đông phía dưới.
Green Day có lẽ cũng tham gia Woodstock với vị thế trong giới âm nhạc không khác gì NIN là mấy. Và khi họ bắt đầu set với “Welcome to the Paradise” vào buổi chiều Chủ nhật, trước mặt họ là một bể bùn và đám khán giả đã gần cạn kiệt các ý tưởng để chơi với bùn và bắt đầu ném bùn lên sân khấu.
Nhưng Green Day không phải đám trẻ trâu dễ bực mình. Họ đang mang sứ mệnh phục hung lại nhạc Punk lúc này, và trong một giây xuất thần, phản ứng của Billie Armstrong với đám khán giả cuồng nhiệt trở thành “ngon thì ném nữa đi mấy thằng tồi”. Gã tự vốc một nắm bùn nhét vào miệng trong khi hát và đàn, còn đám đông phía dưới thì thực sự vỡ òa. Những kẻ trên sân khấu, những người vừa tạo ra Dookie trước đó không lâu, nay ngập ngụa trong Dookie trong khi đang trình diễn. Khi set của họ gần hết, tay bass Mike Dirnt thậm chí còn bị bảo vệ không nhận ra trong bộ dạng đầy bùn và đấm ngất xỉu cùng vài chiếc răng cửa bị bay ngất xỉu vì tưởng là một fan cuồng lên phá.
4. Và những khoảnh khắc tuyệt vời
Khỏi phải nói thì chắc ông nào cũng khoái đi cắm trại với nhau suốt 3 ngày trời trong tình trạng đa số mọi người đều tồng ngồng. Bùn và không có bùn. Trên sân khấu các nghệ sĩ cũng tỏ ra không hề kém cạnh. Ca sĩ chính của Jackyl nghe đâu cũng tồng ngồng, còn Billie Joe Armstrong của Greenday sau khi ông bạn Mike Dirnt bị đưa đi bệnh viện cũng tụt quần ra chọc khán giả. Nhưng vui nhất hẳn là ca sĩ Shannon Hoon của nhóm Blind Melon, đã đứng tồng ngồng trà trộn trong đám khán giả trước khi lên sân khấu và còn quay sang đề nghị bạn gái cởi đồ ngay tại chỗ để đưa cho anh mặc leo lên hát. Xin được chú thích là Shannon Hoon hôm đó có đá tí acid.
Ca sĩ vui, các bầu so cũng vui. Ít nhất thì Bob Dylan, người đàn ông có nhà ở Woodstock và là ý tưởng khởi nguồn cho đại hội chợ này, cũng xuất hiện. Ông thậm chí còn chơi mấy bài từ thời 6x, những bài đáng nhẽ chơi ở Woodstock trước.
Tựu chung là thì không khí đại hội chợ nói chung là vui và hòa nhã. Còn nó có phải một sự kiện để đời đại diện cho thập niên 90s và đáng ghi danh sử sách hay không thì chắc phải hỏi mấy người đến dự. Cơ bản mà nói thì thiếu Grunge hay Britpop thì không tính là có các đại diện “tân thời” của thập niên 90s rồi nhỉ.
Cuối cùng khi tổng kết đại hội, xem ra với sự kiện Đại Hội chợ Woodstock này vẫn nghèo như còn mèo hoàn mèo. Lỗ chổng vó - "tick". Hòa bình - "tick". Mưa và bùn - "tick". Số người chết và bị thương - "tick". Quá tam ba bận, công ty Woodstock Ventures quyết tâm đưa ra các bài học quán triệt sâu sắc để tổ chức show Woodstock tiếp theo chỉ 5 năm sau đó: phải có lãi và nhạc phải tân thời.
Kết quả thì ai cũng biết, Woodstock năm 99 có đầy đủ các anh tài của làng Nu Metal lẫn hip hop, giá vé thì vọt lên trên trời, và sự kiện rơi vào khủng hoảng vỡ trận khi khán giả quay qua tẩn và hấp diêm nhau, kết thúc bằng những gì cháy được kiêm luôn cả sân khấu đều bị phát lửa cháy hoang tàn.
Đấy, cứ thương mại hóa vào là biết nhau ngay.
Hẹn gặp lại.
Kcid