top of page

Tản mạn (ep. 7): Thứ gì khè được cả nhạc Pop?

Updated: Mar 9, 2022

Âm nhạc đại chúng, hay Pop music, vốn có tự khi nào? Có lẽ từ khi bản hit no 1 của Elvis Presley, "Heartbreak Hotel", ra mắt vào ngày 27 tháng 1 năm 1956, và khai phá ra khái niệm âm nhạc cũng có thể trở thành một môn nghệ thuật cho đại chúng.


Coi vậy chứ hóa ra cũng không có quá nhiều sự kiện đã thay đổi lịch sử âm nhạc hiện đại. Đâu như chỉ có: John Lennon tình cờ gặp Paul Macca trong vườn hoa ở Liverpool đâu đó năm 1957, Les Paul phát minh ra cây đàn điện đặc ruột, sự ra đời của kênh âm nhạc MTV, video clip dài như một bộ phim ngắn mang cái tên "Thriller" của Michael Jackson, và ... thế là hết. Xem ra những biến đổi lớn nhất trong lịch sử âm nhạc hiện đại có thể đếm được trên đầu ngón tay (và hơi buồn là suốt từ thập niên 80s đến nay chưa có gì mang tính cách mạng, dù scandal và những chiêu trò trên truyền hình thì chưa bao giờ thiếu).


Ấy vậy mà cái thứ âm nhạc đại chúng này, dù lúc nào cũng cầm chắc thế thắng với sự ưa chuộng của đông đảo người nghe, cũng dễ hắt hơi sổ mũi với mỗi thay đổi về xu thế âm nhạc và dường như lúc nào cũng ám ảnh rằng có một điều gì đó sắp xảy ra và "giết chết" mình.


Chừng nào nhạc Pop vẫn mang ý nghĩa là thứ âm nhạc dành cho mọi người, và dường như không có biên giới về thể loại, thì tại sao phải lo lắng nhỉ. Vì cuối cùng người nghe vẫn là người nuôi sống cho thứ âm nhạc này cơ mà? Đã có rất nhiều Punk band, Rock band, thậm chí Progressive band đã trở thành Pop band chỉ vì họ bán được rất nhiều đĩa, và rồi phải chịu sự ghẻ lạnh từ những fan cứng nhất của họ, tựa như việc trở nên "thương mại hóa" là một dục vọng xấu xa và đáng ghê tởm chứ không chỉ mang ý nghĩa của một thứ nghệ thuật được tận hưởng bởi đại chúng dưới cái tên Pop music.


Vậy hôm nay hãy cùng nhau thử xem lại những nỗi lo lắng về sự "diệt vong" thời trước có thực sự xảy ra không? Và đâu mới đúng là nỗi lo cho âm nhạc?


1. Stero giết chết mono. Kết quả: căng đét.

Khi công nghệ ghi âm stereo ra đời vào tầm 1968/1969, đã có nhiều người gọi tên thứ âm nhạc được gửi ra hai kênh riêng này với những từ mỹ miều như "âm thanh sống động", và nhanh chóng gọi tên ngày tàn cho âm nhạc đơn sắc hay monophonic. Âm thanh mono - thứ ở giữa thập kỷ 60s có thể coi là thành tựu vĩ đại với khả năng ghi âm tuyệt vời và những sản phẩm âm nhạc xuất sắc gắn liền với những cái tên đầy tự hào lâu nay như The Beatles, Rolling Stones, John Coltrane, hay Simon & Garfunkel - bỗng trở nên nghe "bí bách", hẹp, và cảm giác không được chi tiết như stereo. Mọi người đều biết từ nay thu âm bằng stereo sẽ sướng hơn rất nhiều - giống như âm nhạc được thay một chiếc áo mới - những cũng có rất nhiều người lo lắng âm nhạc mono họ nghe lâu nay sẽ bị diệt vong, âu cũng là sự lo lắng dành cho những thứ đã "trót" vĩ đại như The Beatles sẽ vô tình bị những sản phẩm âm nhạc "sống động" kia ăn thịt mất. Mọi người thậm chí còn lo lằng The Beatles sẽ biến mất đến mức cố tìm cách mix lại nhạc của họ thành stereo - những nỗ lực không làm nhạc của họ hay lên tẹo nào. Vì Beatles không phải hay ho vì mono hay stereo - âm nhạc của họ là độc nhất và có khả năng trường tồn đó thôi.


Dĩ nhiên nói như thế không có nghĩa Stereo luôn hay hơn Mono, dù rằng tất cả khán giả đều sẽ khước từ quay lại thời Mono trong nhà họ. Đôi khi chỉ vì cách bố trí đôi loa, mà stereo có thể nghe thật bóng bẩy và trống rỗng.


Bởi đâu đó vẫn còn những kẻ ít ỏi như Phil Spector, nhà sản xuất gây dựng được danh tiếng với album Let It Be của The Beatles, và sau đó là ý tưởng thiên tài về "Wall of Sound" của ông. Nôm na thì Phil Spector muốn làm chủ hoàn toàn về chất lượng của đĩa nhạc đầu ra, và kịch liệt phản đối stereo bởi vì chỉ cần người nghe đặt hai loa của họ ở những khoảng cách khác nhau, thứ họ nghe được đã khác với những gì mà nhà sản xuất như Phil Spector muốn diễn tả.


Vậy là Phil Spector vẫn luôn muốn trung thành với việc thu âm mono, để đảm bảo tất cả những gì phát ra trong phòng thu sẽ được ghi lại và phát ra y hệt tại máy nghe đĩa của mỗi người. Và để làm dày âm thanh để khắc chế sự "đơn sắc" của việc thu âm mono, Phil Spector đã cho thật nhiều nhạc cụ chơi cùng lúc để âm lượng và âm sắc có thể đạt được ý đồ của ông. Nó thật không khác gì việc thu âm nguyên một "dàn đồng ca" của các nhạc cụ - dĩ nhiên là phải hay hơn hát đơn ca rồi. Brian Wilson của The Beach Boys chính là người ủng hộ nhiệt thành cho trường phái này, bởi vì cách thu âm phối hợp nhiều bè nhạc cụ với độ chính xác cao đã giúp ông tạo ra những âm thanh độc nhất vô nhị.

Adore của The Smashing Pumpkins được phát hành theo định dạng mono


Gần đây thì năm 1998, vẫn có những tên tuổi lớn như The Smashing Pumpkins ra LP Adore của họ ở định dạng Mono.


Ở những nơi công cộng như pub hay nhà hàng, người ta vẫn ưa phát nhạc với một kênh loa bởi hai đường tiếng riêng biệt của stereo có thể làm cho âm thanh bị méo, bị hổng, hoặc đôi lúc nghe kỳ cục chỉ vì khoảng cách giữa 2 loa không hợp lý.


Xem ra thì công nghệ thu âm stereo đúng là đã đè nghiến được mono, nhưng "tiêu diệt" hoàn toàn như sự lo ngại của thế giới thì vẫn còn chưa được. Còn Phil Spector lừng danh thì chuyển nghề qua làm sát nhân thứ thiệt.


2. "Video Killed the Radio Star". Kết quả: không ăn thua.

Cú đấm tiếp theo làm chao đảo ngành công nghiệp âm nhạc là sự ra đời của kênh TV chỉ chuyên phát nhạc. Ngày 1 tháng 8 năm 1981 kênh MTV ra đời ở Mỹ, là sản phẩm ấp ủ của những người vốn là dân... radio.


Dù rằng trước khi có MTV, mọi người vẫn hát trên tivi đó thôi (nhưng đa số là nhún nhảy trên sân khấu và hát nhép như trong chương trình Top of the Pop). Đâu đó vẫn có các buổi biểu diễn được ghi lại và tái hiện khung cảnh náo nhiệt của các nghệ sĩ trình diễn. Nhưng MTV đã tạo ra hẳn một trào lưu mới làm một bộ phim ngắn để minh họa cho bài hát của họ. Dĩ nhiên không phải để giải trí cho bạn đâu, mà để có nhiều người tò mò hơn và đi mua đĩa cho nghệ sĩ.


MTV thậm chí đã không ngần ngại play track "Video Killed the Radio Star" ngay trong ngày đầu ra mắt, nửa như đùa nửa như thật rằng từ giờ họ sẽ là thế lực mới đè bẹp ngành công nghiệp phát thanh.

Nhạc hình từng có ý định ám hại các ngôi sao trên radio?


Thành công, hay đúng hơn là sự bành trướng, không đến ngay tức khắc. MTV chỉ có 1 triệu người xem trong năm đầu. Sau 5 năm con số đó là 45 triệu. Khán giả bắt đầu thấy những sự lạ như ban nhạc chả mấy tiếng tăm Duran Duran bắt đầu bán được rất nhiều đĩa. Không chỉ có họ, những cái tên như Madonna, Cyndi Lauper, Bon Jovi, Dire Straits, hay Genesis đều là những người được hưởng lợi từ sự bành trướng của kênh TV âm nhạc này. "Money for Nothing" của Dire Straits hay "Land of Confusion" của Genesis là những ví dụ điển hình về những sáng tạo vô tiền khoáng hậu trong việc tạo ra một sản phẩm giải trí, ý quên, quảng cáo, đầy thú vị cho việc đi bán đĩa của các ngôi sao nhạc Rock.


Khi music video được nâng tầm lên cao mới, làm sao có thể không nhắc tới "Thriller" của Michael Jackson, video dài cả 13 phút kể về một bộ phim trong một bộ phim khác trong khi bài hát gốc chỉ có hơn 5 phút?


Vậy nhưng radio star có bị "giết" ko? Hóa ra là không. Mặc dù họ có bị cuốn theo phong trào phải ra video clip, cũng đừng quên rằng radio cũng vẫn luôn là thứ quá dễ để xâm chiếm và được xài để quảng bá. Payola, công ty chuyên đi "mua" số lần phát để tăng khả năng bán đĩa của nghệ sĩ, vẫn lẳng lặng tồn tại như một thứ "chợ đen" đấy thôi, và thậm chí ngay cả Van Halen lừng danh cũng đã từng phải đi "mua like" qua Payola: 250 ngàn đô đã được trả để các kênh radio phát đĩa Fair Warning (1983) của họ nhiều hơn, và nhờ đó album đó mới đạt được platinum như kỳ vọng của hãng đĩa.


Coi nào, thời lượng khán giả ôm tivi để xem MTV đâu thấm gì với thời lượng khán giả phải lái xe hàng ngày, nhất là ở những nước rộng như Mỹ.


Vậy đúng là MTV đã dám "thay đổi lịch sử âm nhạc", nhưng kênh âm nhạc này hoàn toàn không có ám hại được ai như lời đồn. Thậm chí kênh này giờ chán chả buồn phát nhạc.


3. Nhạc số giết chết nhạc analog. Kết quả: gần chết trước khi trỗi dậy trở lại.

Khi đĩa CD ra đời, không có một ai nghi ngờ về việc âm nhạc số sẽ thôn tính tất cả những thứ đã có trước đó như băng từ hay đĩa than (vinyl). Và thế là sự lo lắng về âm nhạc thu bằng công nghệ analog cũng sẽ dần biến mất. Sâu xa hơn, có lẽ đó là sự hoài niệm về những thứ đẹp đẽ gắn vời thời thơ ấu của họ, những chiếc đài quay đĩa và những chiếc đĩa than của bố mẹ, sẽ dần biến mất khỏi thế giới này. Chả gì thì trong nhà tôi, bố mẹ tôi cũng đã từng đem hết đầu đĩa than đi bán và xách về một bộ giàn second hand của Nhật để nghe Như Quỳnh.

"My Life" trong đĩa 52nd Street của Billy Joel - được cho là phát hành chính thức ở định dạng CD đầu tiên trên thế giới


Nhưng có lẽ đây là một cuộc chơi khác hẳn so với cuộc chơi thiếu cân sức giữa stereo và mono đã nhắc ở trên. Trong rất nhiều năm, đĩa CD đã đè gần "chết" đĩa than và băng từ, bởi khả năng lưu trữ lớn của nó. Nhưng rồi đến khi công nghệ đã bắt kịp với khả năng lưu trữ, đĩa CD bỗng kém cool so với những món đồ lưu trữ dung lượng lớn khác như iPod, và sau những năm chìm trong mờ nhạt đó, đĩa than đã trở lại rực rỡ với công nghệ của những chiếc máy nghe đĩa ngày càng xịn hơn. Người ta lại càng có dịp nhắc lại rằng, những chiếc đĩa than của ông bà ngoại họ từ những năm 50 60 hóa ra vẫn "chạy tốt" chứ không ọp ẹp như đĩa CD mỏng manh dễ xước kia. Và dĩ nhiên thì những chiếc máy quay đĩa giờ đều nhìn đẹp như một món đồ nội thất cao cấp. Sự phát triển chóng mặt của internet (chưa cần nói đến nhạc số streaming) cũng góp phần làm các cửa hàng bán đĩa dần đóng cửa và rút vào hoạt động online. Tôi nhớ khi tôi ở Mỹ vào năm 2011, tôi không thể tìm thấy một cửa hàng đĩa CD nào. Còn trên billboard, các nghệ sĩ vẫn ra rả bán cả triệu đĩa.


4. Mp3 giết chết đĩa CD. Kết quả: rất cố gắng.

Mp3 xuất hiện vào năm 1997, bắt nguồn từ một ý tưởng hẳn là nung nấu trong đầu bao đứa trẻ: làm sao để nghe nhạc miễn phí và không phụ thuộc vào đĩa CD. Và đây sự bắt đầu cho phép người ta mang nhạc theo một cách dễ dàng.


Karlheinz Brandenburg, lúc đầu chỉ đơn giản muốn tạo ra một file nhạc nén để có thể gởi qua được internet xập xệ của thời cuối thập niên 90s. Ý tưởng thiên tài của Brandenburg là loại bỏ hầu hết những âm thanh "không khác biệt" với tai người nghe, và với một thuật toán siêu phàm, có thể nén bản nhạc từ đĩa CD xuống tới 12 lần. Khi Brandenburg thử chơi những bài hát ở định dạng mp3 cho Ricky Adar, một người Anh đang nung nấu ý tưởng bán nhạc trên internet, Ricky đã phải thốt lên rằng “Cậu vừa giết chết ngành công nghiệp âm nhạc!".


Chẳng ai ngờ đĩa CD đang ở trên đỉnh cao như vậy lại có một điểm yếu chết người: nó quá dễ để sao chép. Giờ đây với công nghệ có thể tạo ra file nhạc nén chỉ vài megabytes, MP3 xuất hiện thật đúng lúc để "giải thoát" thế giới khỏi sự phụ thuộc vào bản quyền âm nhạc. "Piracy" bỗng trở nên thật cool, và các nghệ sĩ, những người lâu nay vốn sống nhờ bán đĩa, bỗng nhiên im bặt đầy lo lắng.


Chả mấy chốc Napster xuất hiện 2 năm sau đó, và cùng với một trào lưu nở rộ của shareware, đã có lúc chúng ta đã nghĩ rằng không có bài hát nào trên đời này cần phải mua nữa, và không có gì là không thể download được.

"Don't download this song, even Lars Urlich knows it's wrong"


Nhưng các bạn trẻ "cách tân" này đã phải đối mặt với một thế giới quyền lực khủng khiếp, bởi vì các nghệ sĩ dù có lo lắng sẽ mất nồi cơm một phần, thì các hãng đĩa hẳn còn lo vụ đó gấp bội.


Trước khi có Internet, ngành công nghiệp âm nhạc vốn đã ngồi mát ăn bát vàng với những sản phẩm trí tuệ của những "cố máy" nghệ sĩ mà họ sở hữu. Nghệ sĩ muốn có người nghe và bán được đĩa, họ buộc phải "bán rẻ" sản phẩm trí tuệ của họ. Bruce Springsteen, Ray Davies, và gần đây nhất là Taylor Swift, đều là những ví dụ điển hình trong vô số những người vẫn tiếp tục phải chiến đấu để đòi quyền chủ động với sáng tạo nghệ thuật của họ. Jon Bon Jovi đã từng công khai lo ngại cho thế hệ trẻ vì từ này họ sẽ không đi tìm nhạc với trí tò mò khi ra cửa hàng đĩa và chỉ được nhìn cái bìa đĩa nữa, vì nay chỉ với một cú click chuột họ đã có thể nghe thử, và lướt qua các bài hát - những thứ được viết và thu âm thật công phu - mới thật dễ dàng làm sao.


Thế nên không lạ gì khi chả mấy chốc ngành công nghiệp âm nhạc cũng nhảy vào thương vụ bán nhạc trên Internet này, và buộc các nghệ sĩ phải nhanh chóng ký tên hợp tác với những nhà phân phối trên Internet uy tín. Napster, sau những màn tung hô như là nhà khởi nghĩa vĩ đại và những vụ kiện tụng liên miên với ban nhạc, đã phải lặng thầm rút ra khỏi hình tượng kẻ thay đổi và trở thành công ty stream nhạc kiếm tiền không khác gì Apple Music hay Spotify, nếu như muốn còn tồn tại.


Và nhạc Pop của chúng ta, nay đã biết cách biến hóa để trở thành nhạc số, stereo, có video clip - đã không dễ dàng đầu hàng trước cuộc tấn công của MP3 này. Bằng chứng là đĩa CD vẫn bán được, cho dù phải bán online. Nhưng có một đối thủ lần này có vẻ xứng tầm thật sự đã xuất hiện.


5. Streaming: nơi bắt đầu của một sự kết thúc?

Trước khi có streaming, tưởng chừng như Youtube đã đóng vai trò hoàn hảo cho tương lai: vừa là kênh âm nhạc "có hình" lại vừa free. Với sự xuất hiện rầm rộ của smart phone, Youtube tưởng như sẽ vươn lên tầm ảnh hưởng của MTV trước đây và có thể cố "kết liễu" các radio star thêm một lần nữa.


Nhưng tôi chưa bao giờ xài Youtube để nghe nhạc (có chăng là chỉ khi cần tìm một bài nhạc thật nhanh) và vẫn thà đem chiếc iPod cũ kỹ đã không thể nạp thêm hay xóa đi bài nào, và cắm trên xe để nghe hàng ngày.


Lý do là vì chất lượng của Youtube chưa bao giờ ổn định. Có lúc thật đẹp những cũng có thể nhảy ngay sang chất lượng tồi, tất cả phải men theo cái băng thông Internet mà tôi có. Vậy free làm gì chớ thấy cực quá.


Nhưng khi Spotify xuất hiện, chiếc iPod tội nghiệp đã bị quăng vào hộc bàn vĩnh viễn.


Spotify đã làm được thứ mà Youtube không làm được: phát nhạc liên tục, và phát vô bờ bến. Thứ thuật toán mà họ quảng cáo là dày công phát triển, đã tự động thu thập thói quen của người nghe và tiếp tục phát nhạc đảm bảo "đúng sở thích của bạn". Dần dà, việc streaming trên các nền tảng như Spotify cũng bắt đầu được quy đổi thành số đĩa bán được, và các nghệ sĩ cũng nhận được tiền thì các nhà Streaming còn gì. Vậy tại sao đây lại là mối nguy?


Điều quan trọng nhất trong âm nhạc, hẳn là âm thanh - và xếp ngay sau đó là sự trải nghiệm. Spotify hay gì đi nữa, cuối cùng vẫn là nhạc MP3, và khi người nghe càng quen với định dạng này, cũng có nghĩa họ đã quen với việc phải hy sinh chất lượng âm thanh. Hãy cứ việc tán dương MP3 ở những định dạng "siêu hạng đi", việc nghe nhạc nén qua chiếc smart phone nhỏ xíu sẽ không bao giờ có thể so được với bộ giàn Hi-Fi cùi bắp bày trong phòng khách.

Neil Young, một trong những nghệ sĩ lớn đã rút khỏi Spotify gần đây


Nhưng ai sẽ quan tâm chớ, khi thế giới ngày càng đề cao chủ nghĩa cá nhân và mọi người sẽ ngày càng nhốt mình vào với chiếc smart phone có thể đưa họ đến bất cứ hành tinh âm nhạc nào - mà thực chất có thể đã là một công thức "định hướng" sẵn từ các ông chủ hãng đĩa, những người vốn kế thừa cả một thế kỷ kiến thức về cách móc túi người nghe bằng sản phẩm nghệ thuật của những nghệ sĩ mà họ sở hữu. Nhưng ai mà quan tâm chớ, phải không nào?


Và khi trên xe ô tô mọi người nay đã mở Spotify để nghe thay vì các kênh radio quen thuộc, tự khắc các "radio stars" sẽ dần bị tiêu diệt. Vì xem ra chỉ còn mỗi xe ô tô là nơi radio hãy còn văng vẳng.


Hẹn gặp lại!


Kcid

1,737 views
bottom of page