Cái tên bài viết sến sẩm này thực ra là tôi trích từ lời nhận xét của Little Richard đấy.
Câu đầy đủ của ông là “R&B luôn là nhạc của người da màu. James Brown, Fats Domino, Chuck Berry, Bo Diddley, và tôi đã tạo ra nền tảng vững chắc cho nó. Dù với tôi, George Michael là một tài năng và cậu ấy hát từ chính trái tim, nhưng không có nghĩa là sẽ có ai đó có thể lấy đi công trình của chúng tôi”.
Nói chung cũng không phải là lời nhận xét hoàn toàn mang tính tích cực!
Quay lại câu chuyện “blue eyed soul” về những nghệ sĩ da trắng “lấn sân” hát nhạc R&B và soul như tôi có đề cập trong bài viết về Jazmine Sullivan vs. Adele, với cá nhân tôi, nhạc R&B hay soul vẫn là thứ nhạc thống trị của người da màu và tôi cũng đồng ý với câu nói của Little Richard. Nhưng đó không phải vì vấn đề liên quan đến cội nguồn hay lịch sử gì cả, và cũng không có dòng nhạc nào của hẳn riêng quốc gia hay sắc tộc nào dù mỗi thứ đều có bắt nguồn riêng. Âm nhạc là thứ ngôn ngữ toàn cầu mà loài người có thể hiểu nhau bằng cảm xúc. Và bản thân tôi nghĩ rằng các nghệ sĩ da trắng cũng không có ý định chứng tỏ họ hơn ai hay muốn “chiếm sân” ai cả.
Bởi vì cách hát khó trong nhạc R&B và soul mới là thứ "chọn" người ca sĩ. Dĩ nhiên tôi không phải ca sĩ, nhưng ngay từ cái cảm nhận về thứ nhạc có tính “blues” và “soul” đã thể hiện thứ cảm xúc xoáy sâu trong tâm hồn của người nghệ sĩ, và dường như nó "đo ni đóng giày" cho phần lớn ca sĩ là người da màu.
Đó là sự ấm áp và cái tình trong giọng hát và kỹ thuật luyến âm giữa các nốt mượt mà, và quan trọng nhất là người ca sĩ không chỉ hát với hơi lấy từ bụng mà từ chính trái tim khiến cho âm thanh nghe lúc trầm ấm như hơi thở, lúc trong trẻo như rót vào tai và lúc vút lên cao như giằng xé cảm xúc.
Và bạn biết không? George Michael thực sự làm được điều đó.
Trong lần trao giải American Music Awards năm 1989, George Michael đã gây chấn động và là chủ đề bàn tán khi anh vượt mặt cả Bobby Brown và Michael Jackson khi giành giải Nghệ sĩ nam cho thể loại soul/R&B. Rồi album solo đầu tay Faith (1987) cũng lại được giải Album soul/R&B xuất sắc nhất. Album này sau đó tiếp tục thắng giải Grammy Album của năm.
Đó cũng chính là lý do mà Little Richard buông ra câu bình luận ở trên khi mà mọi người xôn xao về sự xuất hiện của kẻ “mắt xanh” có dấu hiệu thống trị nhạc R&B/soul. Họ sợ lịch sử tái diễn như Elvis “cướp” mất nhạc của người da màu từ mấy thập kỷ trước.
Vấn đề là George Michael vẫn được mọi người gồm cả người da màu kính nể và đón nhận thực sự. Có ai ngờ đó từng là một chàng trai da trắng hát nhạc dance pop từ thời bộ đôi Wham! nổi đình nổi đám với "Wake Me Up Before You Go Go " hay "Last Christmas". Thế nhưng quả “lấn sân” nhạc của người da màu đã có dấu hiệu nhen nhóm khi nếu nghe kỹ nhạc của Wham! mà George sáng tác vẫn có âm hưởng của soul hay R&B trong đó.
Đến lúc bài hát kinh điển "Careless Whisper" ra đời thì mọi người chợt nhận ra George nghiêm túc với thứ nhạc anh theo đuổi như thế nào, chứ không phải giống vỏ bọc nhạc pop nghe hay nhưng vô hại trước đó.
Bài "Careless Whisper" đấy tự nó đã có những tính chất bất thường: khác với cấu trúc "verse - điệp khúc - verse - điệp khúc" thông thường trong nhạc pop, việc cho tiếng kèn saxophone vào màn dạo đầu da diết, xáo trộn vị trí điệp khúc, rồi đoạn bridge cao trào sau phần solo của saxophone cho thấy tư duy viết nhạc của George không tầm thường. Quan trọng nhất là giọng hát của George thể hiện hết tố chất của một "blue-eyed soul" lúc đó: câu “Pain is all you find” được hát nhẹ bỗng, và kể cả khi đoạn điệp khúc hay câu bridge lên cao trào, George vẫn kiểm soát giọng hát ngọt lịm hết sức. Đỉnh cao là câu “But now who’s gonna dance with me” khi anh hát bằng giọng giả thanh falsetto cực chuẩn.
Vậy nên lúc đĩa Faith ra đời với các ca khúc "Father Figure", "One More Try" hay "Hand To Mouth", "Kissing A Fool", người nghe biết ngay là anh chàng da trắng này hát nhạc “da màu” không phải dạng vừa.
Không dừng ở đó, George tiếp tục thể hiện tài năng âm nhạc khi anh thêm jazz vào đĩa Listen Without Prejudice Vol. 1 (1990). Bài "Cowboys And Angels" là một ví dụ tiêu biểu trong đĩa cho thấy sự phát triển âm nhạc của George ngày một đáng nể qua trình độ sáng tác và khả năng làm nhạc thiên phú.
Hát hay nhạc hay là vậy, nhưng tôi nghĩ George chỉ đạt độ chín khi ra album Older (1996).
Bắt nguồn suốt từ những lùm xùm rắc rối với Sony Records sau khi anh kiện hãng đĩa đã không quảng bá đĩa Listen Without Prejudice Vol. 1 một cách đàng hoàng, hồi đó George quyết tâm tung sản phẩm khó nhằn nhất là phần 1 với phong cách jazz soul trước và để dành các bản phong cách dance pop mà anh nổi tiếng từ thời Wham! với giai điệu catchy hơn, dễ bán hơn ở phần sau. Thế nhưng Vol. 2 chưa bao giờ được phát hành. Sony thì phản đối việc tách hai album. Kết quả là George kiện nhưng thua tại toà.
Ngậm ngùi tức giận, cuộc đời của George sau đó tiếp tục chạm tới đáy khi phải trải qua đau đớn tột cùng do người bạn trai của anh - Anselmo Feleppa ra đi quá sớm. Cái chết của người mà anh lần đầu biết đến tình yêu thực sự có lẽ khiến anh thức tỉnh. Sau một thời gian mấy năm không xuất hiện trước công chúng, một phần vì chán nản với danh tiếng, một phần vì lâm vào trạng thái mất cảm xúc sáng tác âm nhạc.
Thế nên trong đĩa Older, khi mà nỗi đau khơi gợi lại nghệ sĩ trong con người George, thì giọng hát của anh càng như được bật ra từ bên trong trái tim tan vỡ của anh.
Bắt đầu bằng bài hát "Jesus To A Child" chính là về người bạn trai đã mất, người nghe cảm nhận được rõ từng nỗi đau trong giọng hát của anh mỗi khi anh hát câu “you smile at me like Jesus to a child”, rồi câu “the lover that you miss”. Chữ “that” anh hát nghe như nghẹn lại. Và bài hát đầu tiên của đĩa này đã dài gần 7 phút nhưng lối hát của George luôn thay đổi ở mỗi đoạn verse và điệp khúc khiến cho người nghe cảm thấy không muốn dứt, giống như chính George đang muốn níu kéo lại hình ảnh nụ cười của người bạn trai lại trong tâm trí của mình.
Đến bài hát ngay sau "Fastlove" với giai điệu funky nhanh hơn, cứ tưởng George chỉ đơn thuần hát về những mối quan hệ chóng vánh, nhưng sâu xa lại là xuất phát từ chính nỗi buồn cần tìm người lấp chỗ trống cho sự ôm ấp che chở mà anh cảm thấy trống vắng sau khi người tình đã khuất.
“In the absence of security, I made my way into the night
Stupid Cupid keeps on calling me
And I see lovin' in his eyes
I miss my baby, oh yeah, I miss my baby tonight”
Quay lại chủ đề “trưởng thành”, bài "Older" cùng tên album sau đó với màu sắc nhạc jazz dường như là lời tự thoại với George của quá khứ. Lúc này đây, anh cũng đã vượt qua được sự trầm cảm để nhìn lại cuộc đời và biết trân trọng những thứ anh vẫn còn trên cuộc đời này.
"Spinning The Wheel", "Star People", "The Strangest Thing" đều tiếp nối âm sắc jazz soul mang lại một bức tranh đồng nhất của con người mới bên trong George. Giống như chính hình bìa của đĩa, bức tranh tự hoạ đó có mảng tối mảng sáng mà anh nhìn lại cuộc đời của chính mình, khác xa thời thanh niên còn vô tư như lúc ở Wham! hay những năm đầu tách ra solo.
Hoàn tất bức tranh đó chính là "You Have Been Loved" như để nhắc lại với người tình xấu số của anh và bản nhạc không lời "Free" tổng kết lại những câu nhạc chính ở mỗi track trước đó.
Hoà hợp, sáng tạo, và sâu lắng. Thế nên nói là giọng hát của George đạt đỉnh cao ở đĩa Older cũng không ngoa. Bởi chỉ khi con người ta hát từ những trải nghiệm thực sự thì tiếng hát sẽ càng được sâu sắc chân thành nhất từ “trái tim”.
Vì thế trong số các nghệ sĩ “blue eyed soul”, George Michael chiếm được tình cảm thực sự của người nghe nhạc bao gồm cả người da màu. Kể cũng xứng đáng thôi, khi không chỉ sở hữu giọng hát đầy chất soul của người da màu, George còn trân trọng gốc gác của dòng nhạc anh theo đuổi khi ngoài việc hát song ca cùng gạo cội nhạc soul như nữ hoàng Aretha Franklin (anh là một trong số ít nghệ sĩ da trắng đầu tiên mời các người mẫu da màu như Naomi Campbell, Tyra Banks tham gia quay trong video clip của anh từ những năm 80). Họ xuất hiện trong clip không phải với vai trò nhảy phụ hay làm nền mà là những nhân vật chính đứng với George trong các video clip này. Điều này bây giờ có thể là phổ biến và bình thường, nhưng ở thời kỳ đó, đây là hướng đi táo bạo dũng cảm của George.
George Michael cũng là số ít nghệ sĩ nhạc pop / soul nói chung khiến đủ mọi đối tượng, kể cả cánh đàn ông trưởng thành (như tôi), không ngại ngùng thừa nhận tình cảm đặc biệt với các sản phẩm âm nhạc của anh, kể cả từ thời kỳ dance pop như Wham!.
Và nói mới nhớ, đến cái thằng bựa và láo như Deadpool còn thừa nhận tình yêu cuồng tín của mình với nhạc của Wham! trong phim cơ mà.
Hẹn gặp lại.
Kroon