Tiếng guitar thùng "quạt chả" vang lên nghe như đoạn đầu bài “Wonderwall” của hội Oasis. Giọng cô cất lên khiến người nghe hình dung một cô gái đang cầm chiếc đàn guitar thùng hát những giai điệu Pop nhẹ nhàng.
“Guess it's just my rotten luck
To fill my time with permanent gloom
But I can't see above it
Guess I fucking love it
But, oh, I didn't mean to”
Đến lúc này, trống và bass mới vào, làm thay đổi hẳn bầu không khí, thêm phần ấm cúng. Dần dà, tiếng violin được kéo theo lối nhạc Country và đàn banjo tỉa tót đẩy thêm màu “buồn” vào bài nhạc. Đó là bài “Delete Forever” của Claire Boucher.
Chỉ có điều tất cả tiếng guitar, violin, banjo đều chỉ là những câu đàn ngắn đã bị “cắt lát” ra, sau đó được “gắn lại”, đồng thời được autotune chỉnh cao độ, để thành một bản track nhạc hoàn chỉnh mà tôi tưởng do một nhạc công chuyên nghiệp chơi. Cuối cùng hoá ra, các nhạc cụ đó đều được thể hiện bởi chính Claire, một tay mơ:
Không thành thạo mấy nhạc cụ trên
Chẳng biết nhạc lý
Chưa từng theo trường lớp chuyên ngành nào về thu âm
Vậy mà nghề chính của Claire bao gồm:
Ca sĩ
Nhạc sĩ sáng tác
Nhà sản xuất nhạc kiêm Kỹ sư thu âm
Nghệ sĩ thị giác (visual artist) kiêm Đạo diễn video nhạc
Tất cả những công việc trên đều gần như tự một tay Claire làm dưới nghệ danh là Grimes.
1. Ca sĩ
Grimes aka Claire Boucher không học trường lớp nào về hát hò. Cô cũng không có một giọng ca xuất sắc.
Dù là không từng học nhạc, nhưng Claire từng tham gia lớp khoa học về việc não bộ con người phản ứng như thế nào với âm nhạc. Ở khoá học đó, giáo viên đưa ra kết quả khảo sát về giọng hát mà con người thích nghe nhất là những chất giọng dày tiếng, ví dụ như cô Adele, và con người ghét nhất là thứ giọng nữ mỏng, cao the thé. Vấn đề giọng của Claire lại thuộc loại thứ hai, thứ mà mọi người đều ghét.
Nghe nhạc của Grimes, ta thấy giọng hát đó dễ nhận vì nó cao thánh thót, có lúc hơi the thé như tiếng thở, kiểu như giọng của cô Enya nhưng theo kiểu đang phê thuốc. Hoặc có người thì nói giọng Claire giống ai đó vừa rít quả bóng bay có khí heli.
Phần lớn tiếng hát của Claire với các hiệu ứng tiếng vang biến thành một nhạc cụ hoà vào nhạc điện tử mà tôi sẽ nói tới sau đây. Giọng cô có thể không hợp với nhiều người, nhưng nó không gây khó chịu cho màng nhĩ, bởi vì tổng thể của những bài hát đó mới là những thứ thực sự hay ho.
2. Nhạc sĩ sáng tác
Grimes aka Claire Boucher có tham gia sáng tác cho các nghệ sĩ khác. Nhưng nếu tự dưng người đó bảo cô là “tôi muốn tempo bài đó lên 135bpm và chuyển sang tông khác cho phù hợp với giọng tôi” thì là Claire cũng sẽ bó tay. Bởi vì cô có rành nhạc lý đâu.
Hồi nhỏ, cô từng học kéo đàn violin, nhưng mà giáo viên chỉ lắc đầu bảo cô này không có tí tẹo khiếu âm nhạc nào. Claire cũng từng mua cả chiếc đàn banjo nhưng rồi chỉ dùng để phang ngay một gã đàn ông đang bám đuôi cô về đến cửa nhà. Cô chưa kịp gảy phát nào. Guitar thì đến giờ cô cũng chỉ học xì xoẹt theo mấy hợp âm. Mà đa phần cô học chơi nhạc cụ, hay nói đúng hơn là làm những chiếc nhạc cụ đó phát ra âm thanh từ mấy chương trình học online cô search trên Google. Claire có lẽ chỉ thành thạo nhất chiếc đàn keyboard đa năng có thể tạo ra vô số tiếng của các nhạc cụ khác.
Do vậy, việc sáng tác nhạc của Claire chắc hẳn phải được dựa trên từ nền tảng từ nhịp trống, tiếng bass, rồi mày mò các vòng hoà âm bằng tai, và cuối cùng là hát các giai điệu cô tự thử nghiệm.
Trong những album đầu tiên, các bài mà Claire sáng tác nặng về phần nhạc, ít các câu hát có giai điệu rõ ràng. Đến album Visions (2012), cô đã sớm có được ca khúc “Oblivion” mà Pitchfork cho hẳn vị trí số 2 các bài hay nhất của thập niên 2010. Với tôi album này có mấy bài hay hơn, ví dụ như “Genesis”, có câu bass xuất sắc và được sáng tác trên giọng F# trưởng mà người chơi phải chơi đa phần các nốt đen trên đàn piano/keyboard, hoặc dị dị như “Vowels = Space And Time” và “Circumambient”.
Cho đến đĩa Art Angels (2015) và Miss Anthropocene (2020) thì Claire đã sáng tác được nhiều tác phẩm có giai điệu hơn. Tuy vậy, cô vẫn giữ lại được công thức âm nhạc lạ và yếu tố dị rất Grimes. Nếu để ý kỹ sẽ thấy Claire luôn đưa đẩy một yếu tố nào đó vào bài hát để gây “khó chịu” cho người nghe, nhưng lại vẫn mê hoặc người ta bằng chính âm thanh đó. Nặng nhất là bài “Scream”, với những hợp âm như D, Db, Dbm chẳng hạn đều xuất hiện ở trong cùng một bài. Kém dị một chút là “Darkseid” cũng có nhiều hợp âm lạ nhặt ở ngoài vào. Dễ nghe và ngọt hơn nhưng vẫn đọng lại hương vị lạ bằng cách đổi tông cực thông minh như của một kẻ rành về nhạc lý trong “4ÆM”, “Violence”, văng vẳng tiếng hát ma quái ở cuối bài “Realiti”, hoặc xen vào những đoạn đọc lời thay vì hát ở “Kill V. Maim”.
3. Nhà sản xuất nhạc kiêm Kỹ sư thu âm
Một lần Grimes aka Claire Boucher nghe một bản remix, cô chợt nghĩ “Nếu như mình làm bài nhạc gốc theo chủ ý như một bản remix với những đoạn nhạc như sample trong bài thì sẽ ra sao nhỉ?”.
Nhạc của cô chỉ có phần âm thanh điện tử dày tiếng là thứ giống remix nhất, nhưng nó khác xa để bị gọi là remix nhờ sự sáng tạo trong âm thanh một cách đỉnh cao với các âm thanh được trộn với nhau hoàn hảo. Không có những khuông nhạc lệch gam nghe ngang phè như ta thường thấy ở các bài remix. Cả những đoạn nhạc được mix như những âm thanh sample vẫn được thổi hồn trong đó. Giống bài “Delete Forever” tôi có nhắc đến ở đầu. Khi nghe tiếng đàn guitar, banjo hay violin đều không dễ nhận ra được sự chắp vá và autotune cao độ mà Claire đưa vào. Đó phải nói là một kỹ thuật sản xuất nhạc và thu âm không phải dạng vừa. Nhất là khi âm thanh chuyển gam lúc quạt chả của cây đàn guitar thùng lúc đầu nghe rất tự nhiên, mặc dù không có các track nhạc khác đằng sau che đậy hộ.
Trên cả là âm thanh Claire sắp xếp đưa vào đều tạo cảm xúc lên xuống cho người nghe - kết quả của khoá học về tác động của âm nhạc lên não bộ con người.
Tác động lớn nhất đến từ phần nhịp điệu kích thích não bộ như nhịp tim con người vận động lúc hào hứng. Tiếng beat trống vì thế là tối quan trọng. Ngược với tempo 135 mà ông Max Martin cực ưa thích hay dùng để tạo không khí rộn ràng, Claire nhận ra nhịp điệu nhanh đó chưa hẳn là tối ưu cho nhạc của cô. Chỉ bằng tempo 116 chẳng hạn, cô sẽ có nhiều khoảng lặng để đẩy thêm các track trống vào. Thường là Claire sẽ dành tới 15% thời gian sản xuất nhạc để tìm tiếng kick drum mạnh và có âm sắc phù hợp. Sau đó lần lượt là từng tiếng tom, hi hat, tiếng búng tay, vỗ tay, từng đoạn fill nã chắc tay (như bài “Kill V. Maim”), đổi liên tục nhịp điệu từ chậm sang dồn dập rồi về chậm (như “4ÆM”) đầy chất Rock. Tất cả được làm trên cây keyboards và phần mềm làm nhạc trên máy tính mà nghe như một chuyên gia được học bài bản thực hiện. Có những bài Claire có tới 40 track chỉ dành riêng cho phần trống, khiến cho các bài của cô thực sự hấp dẫn mỗi khi có nhịp điệu đẩy vào.
Sau đó lần lượt các track nhạc khác, bass, synth, mellotron, đa phần đều là được tạo từ keyboards. Giỏi cái là, khác xa một bản remix có phần nhạc lặp đi lặp lại nhàm chán, mỗi bài Claire sản xuất ra luôn có những khúc nhạc biến đổi, các hiệu ứng lo-fi, pan trái pan phải, lồng ghép tiếng hò reo đám đông theo từng cú kick drum, v.v. đều được cô sử dụng thành thục, mà quan trọng hơn là cực kỳ hiệu quả trong việc tạo cảm xúc tới não bộ.
Kỹ thuật sản xuất nhạc và thu âm của Claire do đó chính là điểm mạnh đưa các bài hát của cô lên một tầm cao khác xa các bản nhạc Pop trên các bảng xếp hạng. Claire có từng nói, nhạc của cô không phải nhạc Pop vì tính chất thử nghiệm, không theo khuôn mẫu nào. Lời đồn là đến trí thông minh nhân tạo AI được lập trình trong mấy app nhạc như Spotify cũng không thể “xếp thể loại” nhạc của Grimes để gợi ý cho người nghe các thể loại tương tự.
4. Nghệ sĩ về thị giác và Đạo diễn video nhạc
Grimes aka Claire Boucher có một biệt tài nữa là vẽ và dựng hình. Chịu ảnh hưởng của nhiều nguồn văn hóa khác nhau, từ manga của Nhật, Bollywood, Á Đông cho đến phương Tây, các hình ảnh bìa đĩa và video clip nhạc mà Claire làm đều là tạo cảm xúc về thị giác ấn tượng.
Với tôi, nó có phần dị hợm khi mới đầu nhìn cái bìa đĩa Visions và Art Angels. Nó không chỉ mỗi hình vẽ kỳ dị của chiếc đầu lâu hay chiếc đầu của một cô gái 3 mắt, nó còn là bố cục của cột chữ bên cạnh, mà nếu không ai lưu ý, sẽ không thể nghĩ đó là bìa đĩa nhạc của một vị đến từ đất nước Canada. Trang phục, đầu tóc, cảnh nền, màu sắc trong các video clip của Claire cũng là thứ gây kích thích thị giác như âm nhạc cô kiến tạo.
Và phải nói là cách tạo hình đầy ấn tượng đó của Claire chỉ càng khẳng định sự tinh ý và nhạy cảm với bộ ngôn nghệ thuật mà cô theo đuổi.
Nhìn lại, cách làm nhạc tự thân vận động đó của Claire Boucher tính ra lại rẻ, tiết kiệm khối tiền cho hãng đĩa. Họ không cần bỏ tiền thuê thêm chuyên gia. Không cần bộ sậu nào thực hiện sáng tác sản xuất hay đánh nhạc cùng. Dù rằng, lý do sâu xa cho tất cả sự cần mẫn này của Claire là để phục thù sự phân biệt nam nữ trong ngành nghệ thuật này, khi mà những khâu sản xuất và thu âm nhạc hầu như đã thành một định kiến là chỉ có đàn ông mới làm được.
Với công cụ là các phần mềm công nghệ phát triển, các thao tác trên chiếc máy tính có thể giúp mọi người – ai ai cũng có thể làm nhạc tại nhà. Chỉ là, không có mấy người có được cái gu nghệ thuật và đôi tai đi trước thời đại của Claire để làm được âm nhạc lôi cuốn đến vậy.
Hẹn gặp lại!
Kroon