top of page

Hanson: bọn trẻ con chơi nhạc người lớn

Updated: May 10, 2020

Nhanh thật đấy, đã hơn 20 năm kể từ thời nhà tôi bắt trộm TV nhà hàng xóm mà xem được bao nhiêu kênh nước ngoài bao gồm CNN, TV5, Discovery, và đặc biệt là MTV.



Cái thời nửa cuối thập niên 90 đó đang bắt đầu thịnh hành nhạc girlband và boyband, ở Việt nam thì đâu như từ sự xuất hiện của Spice Girls. 

Nhưng nhóm nhạc gia đình Hanson lại đến như từ một nhánh riêng, xuất hiện và thu hút người nghe theo một cách hoàn toàn khác. Tôi nhớ nhất là các video bài I Will Come To You và Mmmbop được phát liên tục trên MTV, và ấn tượng của tôi lúc đó chỉ là 3 anh em gồm ông anh trai và hai đứa em "gái" nhìn na ná nhau tóc vàng dài ngoằng. Ông anh trai (Isaac) hát không hay lắm nhưng cũng có đánh tí guitar điện, là thứ hồi đấy thằng nào học cấp 2 cũng thèm thuồng, bên cạnh "cô" em út (Zac) đánh trống trông rõ là hăng - 2 anh em này có vẻ là Rock nhất. "Cô" ở giữa (Taylor) thì vừa đánh keyboard vừa hát mà giọng lại hơi khàn khàn giống con trai, nhưng điệu chảy nước, chả Rock tí nào.

Mãi về sau tôi mới biết là cả 3 anh em đều là "thằng". Và dĩ nhiên kiểu hát của hai đứa bé (mặt giống con gái tóc vàng) với giọng hát còn chưa vỡ cũng là điểm tạo nên sự khác biệt cho ban này, mà sau chả biết có phải do vỡ giọng không, mà Hanson không thể hát hay như hồi đó nữa. 

Đấy là về ngoại hình, nhưng với kiến thức âm nhạc hạn chế hồi đó, tôi vẫn có cảm giác nhạc của Hanson trưởng thành và giống nhạc người lớn hơn hẳn các nhóm nhạc girlband boyband lúc đó. Mà nói là Hanson là boyband cũng không chuẩn, khi mấy bạn lúc đó mới 11 - 16 tuổi đã tự sáng tác và chơi đànhết nửa số bài trong đĩa Middle Of Nowhere. Nửa còn lại thì có sự hỗ trợ của Desmond Child (từng sáng tác và sản xuất cho Aerosmith, Alice Cooper, Kiss và Bon Jovi) hay Mark Hudson (từng hỗ trợ Ringo Starr, Ozzy Osbourne hay Scorpions). 


Không biết có phải vì thế không, mà chất nhạc của 3 cậu nhóc này mang đậm màu sắc "old-school", kiểu như chất funk trong bài Speechless, Madeline; chất funky rock trong Where’s The Love; chất soft rock / pop rock trong Lucy, Mmmbop, hay bản ballad mượt mà I Will Come To You. Chưa kể, ngoại trừ mỗi bài hit MMMbop sử dụng chuỗi hợp âm "cả bài dùng 4 gam" (kiểu dễ câu khách thường thấy trong các bài Pop hits), các bài hay còn lại đều có chuỗi hợp âm khá phong phú khi mỗi bài thường thấy ít nhất là 6 hợp âm và biến chuyển khá linh hoạt.

Giọng của Taylor hát khá là hay, và khiến người nghe đón nhận cậu theo cách mộc mạc của một thiếu niên chưa vỡ giọng, mặc dù đôi lúc sự đa dạng của âm nhạc lại thành hơi "với" so với chính cậu cũng bởi chất nhạc và giai điệu theo cách “người lớn” của Hanson. 

Và đến hôm nay tôi tình cờ ngồi nghe lại anh em nhà Hanson, thử xem có còn thấy hay như cách đây hơn 20 năm không thì chợt thấy rất thú vị vì nhạc không hề bị “cũ” đi chút nào.

Mấy bài mà tôi cực kỳ thích bây giờ vẫn là Speechless, Weird và Yearbook; đặc biệt là hai bài sau. Bài Weird quả có khả năng vượt thời gian, với xúc cảm lớn cho riêng cá nhân tôi vì nội dung đầy ý nghĩa của nó. Chẳng hạn như trong đoạn sau, tôi vẫn không hiểu sao những bạn trẻ ở tuổi đó có thể viết ra được: 

“When you live in a cookie-cutter world, being different is a sin So you don't stand out But you don't fit in”

(Kiểu như “Khi bạn sống trong một thế giới rập khuôn thì khác biệt là một tội lỗi. Bạn không hề nổi bật, nhưng cũng không thể hòa nhập”)


Còn nữa, đồng sáng tác bài Weird này là Desmond Child, và đáng nói là đó là sự chia sẻ cái cảm giác khác biệt/ngoại đạo so với tụi đồng trang lứa khi còn nhỏ. Như ông chia sẻ sau này: “tôi sinh ra từ nghèo khó, trưởng thành với gốc gác Latin, sau đó là kẻ đồng tính và bây giờ thì tôi phát phì!” Tôi cũng không tưởng tượng được ở vị trí của Desmond khi ở tuổi lớn lên thì thế nào, nhưng tôi cá rằng tất cả chúng ta ở lứa tuổi cấp 2 đó, đều có cảm giác ít nhiều mình thật là "Weird" so với phần còn lại, cho dù bạn có nhiều bạn bè, được hâm mộ, hay học giỏi đến đâu. Còn bây giờ thì tháng nào tôi cũng bị vợ nhìn "weird" ít nhất một lần lúc đến ngày lương. Chắc thế nên tôi thích bài này vượt thời gian.


Bài "Yearbook" thì giống như được sáng tác cho một nhóm nhạc hoặc nghệ sĩ có thâm niên khi cấu trúc bài hát phức tạp hơn, giai điệu hoà âm vô cùng dày dặn với âm chính của piano và dàn nhạc với một số hiệu ứng âm thanh tạo ra một bầu không khí buồn ảm đạm và có phần ma quái. Đặc biệt khi lời bài hát  có nội dung rất "không phù hợp thiếu nhi", kể về sự biến mất bí ẩn của người bạn học Johnny với rất nhiều cách dùng hình ảnh ngụ ý. Là một người lớn nhưng nhiều lúc lyric bài này vẫn làm tôi rùng mình:


“Poor Katie, she won't even speak his name None of us will ever be the same It's quiet in the halls But I hear echoing off the walls The rumors of Johnny's mystery 'Cause I'm looking through the yearbook Then I find that empty space No, he never wrote me nothing But I can't forget his face”


Đến bây giờ tôi cũng không rõ lời bài hát có ám chỉ đến vụ biến mất kì dị nhất trong lịch sử nước Mỹ của cậu bé Johnny Gosch không nữa, nhưng rõ ràng không ai có thể tưởng tượng được những gì đã đập vào đầu óc của mấy anh em nhà Hanson dẫn tới việc viết nên bài hát, và thử tưởng tượng những loạt suy nghĩ đã từng chạy qua đầu mấy cậu nhóc thời đó mà xem!!! Chắc chúng ta cũng giống như Taylor và anh em nhà Hanson, khi không ngừng băn khoăn về sự thật không có lời đáp của "picture unavailable" được nhắc đến trong bài hát, và tôi cảm giác như điều đó thậm chí còn khiến các cậu nhóc bị ám ảnh về khuôn mặt của Johnny hơn.


Vừa rồi là vài ví dụ để thấy nhạc của Hanson rất sâu sắc và vượt lên so với những dòng nhạc thị trường khác thời điểm đó dẫu cho ba bạn hãy còn rất trẻ.


Tôi sau này có nghe thêm 2-3 album khác của Hanson nhưng cũng không còn ấn tượng nữa. Middle Of Nowhere, vì vậy, dù không hoàn hảo, nhưng vẫn là album chất lượng trên giá đĩa của tôi, chưa kể đến nhiệm vụ đặc biệt của nó khi giúp tôi ôn lại thời kỳ thiếu đói nhạc quốc tế.


Hẹn gặp lại!

Kroon

712 views
bottom of page