top of page

The Jackson 5: những đứa con của Joseph

Có một con chuột trắng cứ trốn chui trốn lủi suốt trong nhà. Nó khiến ông phát điên, nhất là mỗi lần nó chạy qua làm chị em phụ nữ trong nhà la hét ầm ĩ. Nhưng ông chưa tìm ra cách náo bắt được nó. Nào ông có ngờ thủ phạm dụ con chuột khốn khiếp đó chui ra khỏi ổ là thằng bé con Michael cho đến khi ông bắt quả tang thằng cu đang quỳ gối lúi húi cho con chuột ăn.


“MÀY VÀO NGAY TRONG PHÒNG ĐỢI TAO!!!!”

Tiếng hét của ông rung chuyển cả căn nhà.

Michael chạy quanh khắp phòng. Tay cầm sẵn cái thắt lưng để làm roi, ông đuổi theo thằng con nhưng nó cứ thoăn thoắt thoát ngay kịp trước khi bị ông tóm chặt. Nó chạy lên trên phòng ông, núp dưới giường rồi nhảy lên giường. Chưa bao giờ ông sôi máu đến thế! Chỉ khi ông vứt chiếc roi xuống và lao vào bắt được Michael thì mới có thể cho nó ăn đòn nát đít vì cái tội chống đối.

Tiếng hét của Michael vang khắp căn nhà!


Lúc đó Michael chỉ mới 3 tuổi.

***



Ông không cho bọn trẻ con gọi ông là bố theo một cách thân thương, mà chỉ độc nhất cái tên “Joseph”, để giữ khoảng cách với những đứa trẻ trong một căn nhà đông con. Cho tới khi Michael được 8 tuổi là lúc nhà Jackson có thêm cô con gái út Janet trong một gia đình có tới 9 người con (đứa con sinh đôi cùng với cậu bé Marlon thì đã mất khi mới sinh). Đối lập với người vợ, người mẹ hoàn hảo chịu thương chịu khó và nấu ăn ngon nhất cái thành phố Gary, bang Indiana, ông là con người hà khắc và lạnh lùng. Thay vì thể hiện những cử chỉ tình cảm với con mình, Joseph tạo ra một môi trường giáo dục có tính quân luật. Vì thế, đám trẻ sau khi tan học là phải về thẳng nhà, không được giao du, ngủ lại nhà bất kỳ người bạn nào. Tình cảm và một niềm tin tuyệt đối chỉ được đặt ở trong gia đình, tình bạn chính là tình anh chị em ruột thịt. Đòn roi vì thế là cách dạy dỗ được áp dụng bởi Joseph, không phân biệt lớn nhỏ. Để có đủ tiền nuôi căn nhà đông người vậy, cả ông và vợ đều làm nhiều công việc, thêm ca nếu cần, do đó ông muốn kỷ luật là thứ giúp ông kiểm soát được đám trẻ kể cả khi ông vắng nhà.

Cha của ông có một giọng hát tuyệt hay, nhưng đến lượt ông thì tài năng đó bị thui chột. Đổi lại, Joseph luôn tự nhủ và nuôi một ước mơ sự nghiệp âm nhạc! Do không hát được, ông tập chơi đàn guitar và lập band chơi nhạc Blues với cậu em trai Luther cùng những người bạn. Joseph vừa làm việc vừa tranh thủ sáng tác nhạc, và đi diễn ở các quán. Mỗi lúc cậu em Luther đến nhà chơi, hai anh em lại ngồi uống bia và đàn hát. Luther vừa hát vừa chơi guitar, còn Joseph đổi giữa cây guitar và chiếc harmonica. Thứ âm nhạc của ông bố và ông chú cứ như vậy bắt đầu thấm nhuần vào các giác quan của anh em nhà Jackson. Và khi mà ban nhạc của Joseph giải tán, lúc ông đã gần như từ bỏ giấc mơ tham gia vào ngành giải trí thì một điều kỳ diệu xảy ra. Không, phải là hai điều kỳ diệu đã xảy ra để ông nuôi dưỡng lại giấc mơ cháy bỏng đó.


Một ngày Joseph về tới nhà, và lôi cây đàn guitar mà có lẽ ông ôm bằng nhiều tình thương hơn là những gì ông đã thể hiện với những đứa con của mình. Ông luôn răn đe bọn trẻ, cấm chúng được động đến cây đàn của mình. Nhưng ông không ngờ rằng cây đàn trên tay ông lúc này đã đứt một sợi dây mà thủ phạm chắc chắn phải là một trong mấy đứa. Điên tiết ông quát ầm nhà.

Là con. Con đã chơi đàn” – Tito, cậu con thứ 3 trong nhà đứng ra nhận, nhưng chưa kịp để Joseph quát tiếp, cậu nói luôn “Nhưng con thực sự biết chơi đàn”.

Ông bỗng dưng bình tĩnh lại và yêu cầu Tito “Vậy chơi thử cho ta xem sao”. Mặc cho cây đàn đã đứt một dây, Tito vẫn chơi và Jackie – người anh thứ hai, cùng Jermaine – cậu con thứ tư, bắt đầu hòa giọng vào hát chung. Vốn dĩ bọn trẻ con đã yêu bộ môn nghệ thuật này và chịu ảnh hưởng từ Joseph và người mẹ - người đã từng hát và chơi đàn piano khi còn trẻ, bên cạnh việc Tito tự mày mò chơi đàn guitar của bố, anh em nhà Jackson luôn hát hò mọi lúc mọi nơi, khi ngủ dậy, lúc về nhà, khi giặt rũ, lúc cắt cỏ, khi rửa bát. Từ cậu cu con Michael mới 3 tuổi đến Jackie lúc đó 11 tuổi, tạo nên một giàn đồng ca gia đình mà có lẽ nhiều người chỉ thấy trong các phim ca nhạc. Chúng hát nhạc của từ Ray Charles, Otis Redding đến Smokey Robinson & The Miracles. Dường như anh em nhà Jackson được thừa hưởng dòng máu nghệ thuật truyền từ gia đình nên đã tự dậy nhau cách hát bè vô cùng chính xác, trưởng thành về kỹ thuật hơn hẳn cái tuổi con nít của chúng.

Nhờ vậy, cơ mặt của Joseph lúc một giãn ra khi ông nghe 3 cậu con trai Jackie, TitoJermanie, vừa đàn vừa búng tay vừa hát, vô cùng cuốn hút.

Đáp lại buổi biểu diễn đó là sự im lặng của ông và gác lại một trận đòn roi nhừ tử như thường lệ. Hai ngày sau, Joseph xuất hiện ở cửa nhà với chiếc guitar điện màu đỏ và đề nghị Tito tập chơi và Jackie cùng Jermaine chuẩn bị cho các buổi tập dượt. Ông quay sang vợ với chia sẻ ước muốn rèn luyện bọn trẻ con thành những nghệ sĩ chuyên nghiệp. Joseph lên ý đồ phát triển nhóm tam ca Jackie, Tito và Jermaine với đầy ắp niềm tin, mà không biết rằng ước mơ của ông còn trở nên tham vọng hơn thế nữa…

***

Michael lấy 2 ống bìa kẹp vào giữa chân. Cậu bé gắn chúng lại bằng cái bút chì cắm xuyên qua hai ống đó để chế thành bộ gõ bongo. Để sẵn 4 ngón tay trên mặt bìa, Michael chực chực đợi để góp phần nhịp cho ba ông anh tập dượt đàn guitar và hát bè với Joseph. Sự hào hứng của Michael không được ai quan tâm vì cậu còn quá nhỏ để có thể tham gia vào nhóm nhạc 3 anh em vẫn còn tuổi thiếu niên này.

Joseph dạy Jackie, Tito và Jermaine biểu diễn với cây micro, nghiêng trái, nghiêng phải, đu về phía trước, ngả về sau trong khi hát giống như huyền thoại James Brown. Cái ông muốn những đứa con của ông, không chỉ là hát bè hay, mà còn phải biết di chuyển, nhảy và uốn theo điệu nhạc, tạo sự hấp dẫn và khác biệt cho bất kỳ đối tượng khán giả nào. Trong thâm tâm, Joseph biết được điểm yếu về tuổi tác non nớt của những cậu con trai mình sẽ là sự cản trở với khán giả cho ấn tượng ban đầu. Vì thế, việc giành được tình cảm của người nghe phía dưới là tối quan trọng.

Cứ thế, ba anh em nhà Jackson tập theo các bài hát, học hát, học nhảy theo nhịp điệu 3 đến 5 tiếng mỗi ngày.

Joseph hiểu rằng để dấn thân vào ngành công nghiệp âm nhạc, kỹ năng vẫn là chưa đủ. Nó đòi hỏi cả khả năng trình diễn cuốn hút và bộc phá, độc đáo chỉ có của nhà Jackson. “Không thể phụ thuộc vào việc đếm nhịp, mà điểm mấu chốt nằm ở cảm nhận theo âm nhạc” – Joseph căn dặn ba anh em. Ông dậy Jermaine lấy hơi từ bụng và giữ hơi khi ngân. Ông dậy ba anh em cách thuần thục về cao độ giai điệu, nắm bắt các đoạn chuyển tông nhạc để làm sao chúng có thể vừa hát vừa nhảy được cả khi không có nhạc. Ông và người chú Luther dạy Tito cách chơi các ngón đàn guitar. Và cứ thế, Jackie giỏi nhất các động tác nhảy để hai cậu em chuyển động theo cùng nhịp, Tito thành thục cây đàn guitar và Jermaine trở thành giọng hát chính, chí ít là theo kế hoạch lúc đó của Joseph.

Thế nhưng vũ khí bí mật của ban nhạc anh em nhà Jackson và là điều kỳ diệu thứ hai với Joseph chỉ xuất hiện khi ba anh em có màn trình diễn thử trong gia đình.

Đứng trước bà ngoại, người mẹ, cô chị cả Rebbie, cô em thứ năm trong nhà La Toya và cậu em Randy mới 2 tuổi, ba anh em Jackie, Tito và Jermaine bắt đầu hát. Khi cả nhà bắt đầu vỗ tay là lúc Michael bỗng đứng lên, thay vì gõ bộ bongo tự chế, cậu bé hát phụ hoạ theo. Mặc cho Jermaine vẫy tay ra hiệu cho Michael, cậu em vẫn hồn nhiên hát, khiến Joseph phải tắt nhạc vì đứa con phá đám.

Mặc cho sự không đồng tình của Jermaine và ông, bà ngoại bọn trẻ vẫn cười âu yếm đề nghị Joseph cho Michael diễn thử. Và thế là cậu bé tự tin thể hiện hết những gì cậu đã học lỏm từ mấy người anh trai và thần tượng James Brown.


Michael làm được tất, từ việc nhảy cho đến múa theo cây micro điêu luyện như mấy ông anh. Điều mà cậu làm hơn tất cả chính là giọng hát cao vút trong trẻo mà đầy chất soul như một nghệ sĩ thực thụ khiến cả nhà lẫn Joseph phải ngỡ ngàng trước một chất giọng trời phú.

Lúc đó Michael chỉ mới 5 tuổi.


***

Jackson 5 gồm Jackie, Tito, Jermaine, Michael và sau đó cả cậu con thứ sáu Marlon - lớn hơn Michael một tuổi. Cùng với hai người bạn đảm nhận phần trống và keyboard, Tito chơi chính guitar và Jermaine ôm cây bass, để lại ba anh em - Jackie cao ngồng vừa hát và lead chính trong các vũ đạo và hai cậu em nhỏ Marlon và Michael, thi thoảng gõ bongo hoặc tambourine.





Với Jackson 5, nếu chỉ nghe nhạc sẽ chỉ phần nào cảm nhận được tài năng của ban nhạc, bởi giọng hát hút hồn của Michael vẫn luôn là tâm điểm và làm lu mờ những người anh của cậu. Với Jackson 5, phải xem họ trình diễn mới chứng kiến được hết tài năng của mỗi người và khâm phục sự tôi luyện mà Joseph đã gò ép những người con của ông.


Trong buổi trình diễn ở Indiana năm 1971, những màn vũ đạo khớp từng nhịp điệu, dàn dựng công phu được thể hiện bởi Jackie, Marlon và Michael khiến phần trình diễn luôn cuốn hút thị giác người xem qua từng cú uốn người, chi tiết tới từng bước chân. Màn trình diễn còn là phần nhạc chơi rất điêu luyện trên từng nhạc cụ, mà trong đó người ta được nghe câu bass chơi cực hay và funky mà Jermaine thể hiện trong bài “Feelin’ Alright” và phần solo guitar thuần thục của Tito trong bài “Goin’ Back To Indiana”. Về phần giọng hát, hoà âm điêu luyện của các anh em nhà Jackson được thể hiện hoàn hảo dù họ vừa nhảy vừa hát. Jermaine còn gây ấn tượng với người nghe nhờ chất giọng cực ấm và đàn ông của mình.

Dĩ nhiên giọng hát của Michael vẫn là thứ mang tới không gian sáng ngời khi cậu cất giọng. Mỗi khi Michael hát những nốt cao vút đó, tựa như chúa trời đang đưa tay xuống khẽ bảo: “Con trai, ta ban cho con giọng ca của chốn thiêng bồng, giờ hãy sử dụng nó”. Bởi lẽ ai cũng phải thấy nghẹn khi họ được nghe giọng ca thiên phú này. Nhờ vũ khí tối thượng trong Jackson 5, mỗi khi Michael cất giọng một mình, là như một cú chốt hạ với bất kỳ ban giám khảo ở các cuộc thi tài năng, hoặc đám đông người yêu nhạc, kể cả tại những nơi khán giả được coi là khó tính và sành sỏi về âm nhạc nhất như nhà hát Apollo ở Harlem. Họ thán phục kỹ thuật biểu diễn điêu luyện như những nghệ sĩ chuyên nghiệp được thể hiện đầy tự tin bởi đám trẻ con đứng trên sân khấu, nhưng họ phải há hốc mồm và bị mê hoặc trước giọng ca chính của cậu bé nhỏ tuổi nhất ban nhạc.


Chính thế mà trong buổi audition diễn thử với Gordy - ông chủ hãng Motown vào năm 1968, cả Gordy và bộ sậu phải lặng người trước màn trình diễn của năm anh em nhà Jackson. Hai ngày sau, Gordy ký hợp đồng thu âm với Jackson 5. Riêng về trường hợp Michael, Gordy phải gọi ngay cho Smokey mà nói rằng: “Tôi thấy thằng bé nó hát bài “Who’s Lovin’ You” của cậu còn hay hơn cậu nhiều. Giọng hát của thằng bé chứa đựng cả nỗi đau, lẫn đam mê của một người đàn ông đã sống một cuộc đời bể khổ”.


Lúc đó Michael mới gần 10 tuổi.


***

Để có những màn trình diễn đẳng cấp chuyên nghiệp từ ban nhạc cây nhà lá vườn, do những đứa trẻ gồm cả con nít trong Jackson 5 là điều vô cùng khó tin. Một mục tiêu quá tầm với như vậy chỉ có thể trở thành hiện thực nhờ vào tài năng và sự gắn kết của anh em nhà Jackson, và vô cùng quan trọng từ tầm nhìn, kinh nghiệm và sự gò ép kỷ luật cao của Joseph với những đứa con của mình.


Ông là người đã rèn luyện từng đứa trẻ những kỹ năng chơi nhạc cụ, xướng âm và các điệu nhảy. Không có ông thì Tito và Jermaine đã không thể thuần thục chơi đàn một cách chuyên nghiệp bằng cảm xúc mặc cho việc hai anh em đều không biết đọc bản nhạc. Không có ông thì rất khó để các anh em nhà Jackson có thể hoàn thiện được cách hát bè hoà âm hoàn mỹ, cả khi có nhạc hay hát chay, cả khi chơi đàn hay nhảy múa. Không có ông thì anh em nhà Jackson đã không nhuần nhuyễn những bước nhảy đầy sáng tạo, là tiền đề cho nghệ thuật trình diễn của họ về sau.

Khi xem Jackson 5 biểu diễn, động tác họ vươn cánh tay ra khi nhảy là một hình tượng họ đang “gắn kết” với khán phía dưới trong màn trình diễn. Joseph dạy họ tập với tới những khoảng cách không tưởng, bắt đầu bằng việc năm anh em đứng dàn hàng, lùi lại cách bức tường hai bước chân và tập chạm tay vào bức tường. Với tư tưởng của một người cầu toàn, ông yêu cầu buổi trình diễn phải làm sao tạo được không khí hưng phấn, phải xé toạc bầu không gian, điều khiển đám đông khán giả để họ không được ngồi yên một chỗ. Ông không chấp nhận bất kỳ một lỗi lầm nào, một sai sót nào trong phần trình diễn. Ông muốn kết quả phải hoàn hảo, phải ở ngưỡng cao hơn cả những nghệ sĩ chuyên nghiệp, phải đạt giải cao nhất trong mọi cuộc thi.

Có lần năm anh em chỉ giành được giải nhì và giải thưởng là một chiếc tivi màu. Mặc dầu tình hình kinh tế cả nhà vẫn còn thiếu thốn, mặc dầu bọn trẻ con thèm muốn một chiếc tivi màu lộng lẫy để thay thế cho cái đen trắng cũ rích ở nhà, nhưng Joseph cấm chúng mang chiếc tivi màu về bởi quan niệm của ông là bất kỳ giải thưởng nào dưới cái giải nhất chỉ giành cho những kẻ thua cuộc.

Cái tư tưởng hà khắc của ông trong dạy dỗ được bê nguyên vào việc rèn luyện nghệ thuật. Đòn roi vẫn là chuyện cơm bữa, đặc biệt với Marlon khi cậu bé luôn loay hoay nhất chuyện học thuộc và bắt nhịp theo cả nhóm. Chịu đòn roi nhiều thứ nhì là Michael, không phải vì cậu mắc lỗi khi tập dượt, mà vì sự chống đối lại với chính ông bố. Michael không hiểu cách dạy dỗ của ông và cho đến lớn vẫn mang nỗi buồn của đứa bé thiếu tình thương từ người cha.


Cách dạy dỗ con cái của Joseph có thể nhìn nhận theo cách tiêu cực, đặc biệt ở thời điểm hiện tại. Nhưng ngày đó, ở khu phố Gary nơi gia đình Jackson sinh sống, tương lai của những người da màu chỉ nằm trong ba kết cục được định sẵn: công việc ổn định, vào tù, hoặc bị giết hại. Xung quanh khu phố và ngôi trường đám trẻ con học, các băng đảng giao du và đụng độ liên tục. Đã có lúc cả nhà Jackson phải nấp sâu phía dưới để phòng đạn lạc khi ở ngoài đang nổ súng. Các vụ án mạng xảy ra là điều không tránh khỏi, trừ khi bọn trẻ con phải được rèn trong kỷ luật ngay từ còn thơ. Đó là lý do và con đường mà Joseph kiên định đặt ra, không một chút nhượng bộ với những đứa con. Ông muốn bọn trẻ phải bận rộn với việc nhà ngay sau khi đi học về, kể cả chỉ là việc xây một bức tường thật chắc chắn rồi đập đi và xây lại một cái khác. Ông luôn tìm cái cớ để anh em nhà Jackson không bị sao lãng và lôi kéo vào xã hội.


Thế nên khi tìm ra tiềm năng tiềm ẩn từ tài năng âm nhạc của bọn trẻ con, Joseph dồn hết tâm huyết và niềm tin vào chúng. Ông bỏ hết tiền tiết kiệm để đầu tư cho chúng có đầy đủ nhạc cụ và đạo cụ, trang phục đi diễn. Đến nay khi nhìn lại cả 9 người con của ông, không có một người bị lầm bước trên cuộc đời, mới thấy kỷ luật hà khắc mà Joseph tạo ra trong căn nhà cũng minh chứng cho tác dụng của nó. Với cương vị một người cha, ông mãn nguyện với thành công hiếm có của đám trẻ được xây đắp bằng kỷ luật khắt khe vô tiền khoáng hậu, không chỉ với các anh em Jackson 5 mà còn cô em út Janet Jackson. Dù rằng cách dạy dỗ đó không tránh được cái giá mà ông phải trả, đó là sự xa cách về tình cảm với những đứa con của mình.

Nhưng sự lạnh lùng đến khiếp sợ của Joseph thực ra chỉ là cái vỏ bọc quá dầy ông đã tạo ra cho bản thân, sau khi ông khóc hết nước mắt tại đám tang người em gái của mình. Ông tự thề với bản thân sẽ không bao giờ đổ lệ, không bao giờ đến dự một đám tang nào khác…


…cho tới một ngày cái tin động trời đó đã phá vỡ lời thề của ông. Michael của gia đình nhà Jackson đã mất vào một ngày tháng 6 năm 2009.

Khi đó Michael 50 tuổi.

RIP Michael Joseph Jackson (25.06.2009)

RIP Joseph Walter Jackson (27.06.2018)



***

Hẹn gặp lại!


Kroon

2,864 views

Recent Posts

See All
bottom of page