top of page

Giọng ca không tuổi của Janis Joplin

Một ngày tháng 8 năm 1970, Janis Joplin cùng người giúp việc của nghệ sĩ hát nhạc Blues vĩ đại Bessie Smith đã tới nghĩa địa để đặt một tấm bia mộ chỉn chu cho Bessie. Janis thương cho Bessie – thần tượng từ thuở nhỏ của mình không có nổi một bia mộ có khắc tên sau khi bà được chôn cất từ hơn 30 năm trước đó. Janis tâm sự rằng Bessie Smith chính là người đã chỉ cho cô “một khoảng không gian” và dạy cho cô cách “để làm đầy bầu không gian đó bằng giọng hát như thế nào”.

Khoảng hai tháng sau, Janis đột ngột từ biệt cõi đời vì sốc thuốc.

*******



Hey, I think I have a voice

Janis thốt lên sau khi cô buột miệng hát cực nuột một bài của Odetta. Còn đám con trai mà cô hay giao du thì vẫn đang mải há hốc mồm khi họ lần đầu được nghe giọng hát hút hồn của cô bạn. Không ai nghĩ một cô gái có phong cách mạnh mẽ hơn một gã đàn ông lại có thể hát hay đến vậy.

Thật vậy, những ai lần đầu được nghe Janis đều phải ngỡ ngàng. Thời đó giọng cô còn khá là trong trẻo. Những nhạc phẩm sớm nhất có thể nghe được từ Janis có lẽ là The Typewriter Tape mà cô ghi âm năm 1964 cùng Jorma Kaukonen - tay guitar sau này gia nhập band Jefferson Airplane, khi cô chuyển tới San Francisco. Thực sự những giai điệu nhạc Blues này được Janis thể hiện đầy chất tự sự và cảm xúc từ sâu trong ruột gan, lôi cuốn vô cùng dù cho chất lượng ghi âm còn hạn chế, chưa kể tạp âm bị lẫn vào từ tiếng gõ máy chữ lạch cạch đằng sau của vợ Kaukonen.


Thời gian trước đó, vào đầu thập niên những năm 60 khi Janis còn theo học ở trường đại học ở Austin, cô đã có những cơ hội tôi luyện và thể hiện giọng hát của mình qua dòng nhạc Folk cùng band Waller Creek Boys. Họ diễn tại quán Threadgrill’s, nơi dần dà khách đến ngày một đông vào những tối có buổi diễn của Janis và ban nhạc. Là kẻ đến sau và thành viên nữ duy nhất trong band mang cái tên liên quan “các cậu choai”, nhưng Janis mới là tâm điểm thu hút chính, lấn át những cậu bạn trong ban nhạc. Mặc cho Janis có bộ dạng nom như một kẻ lâu ngày không tắm, đầu tóc thì luộm thuộm, quần áo nhàu bẩn, ấy thế mà vẻ bề ngoài đó không ảnh hưởng tới sức hút qua giọng hát và cái hồn khi biểu diễn của cô.

Giọng Janis khoẻ đến độ không cần micro. Có lần diễn Janis phải đứng lùi hẳn gần 2 mét về phía sau mic vì giọng cô át cả tiếng banjo và harmonica của hai đồng nghiệp. Sức quyến rũ trong giọng hát và năng lượng từ lối diễn của Janis thì ko ai cưỡng lại nổi. Thế nên có quá nhiều người đến quán Threadgrill’s này chỉ để thưởng thức, được nghe cô hát.

Vậy là điểm lại, ngoài giọng hát, những người thân thiết nhất với Janis là mấy cậu bạn mà cô chơi cùng ở thành phố Austin, một vài cô bạn người Do Thái ở quê nhà Port Arthur và cô giúp việc da màu ở nhà bố mẹ cô - người đã dạy cho cô những điều người da trắng không bao giờ được biết. Thế là hết. Còn lại, gia đình cô, đặc biệt là bố mẹ của Janis, đã quá chán với cô con gái không đoan trang như họ mong đợi; đám học sinh cùng lớp đều xa lánh kẻ lập dị như cô; và người dân xứ Port Arthur khắc nghiệt - nơi Janis lớn lên, coi cô như một kẻ lạc loài của xã hội.

Được bầu trong top 10 thành phố xấu nhất thế giới, Port Arthur xứng với cái “danh hiệu” đó nhờ ngành công nghiệp khai thác dầu mỏ và các nhà máy hoá chất. Mỗi buổi chiều tối, những ngọn lửa bốc lên từ giàn lọc dầu cháy đỏ rực bầu trời. Cái mùi tanh như trứng thối bốc lên. Muỗi thì nhiều hàng đàn. Hoạt động giải trí và văn hoá của thành phố vô cùng nghèo nàn, đến độ nơi mà bố của Janis có thể dẫn đàn con đi chơi cuối tuần là đến bưu điện thành phố để ngắm những gương mặt mới bị phát lệnh truy nã trên các tấm poster. Vì thế đây cũng là nơi mà bạn có thông minh hay tài năng thì cũng không mấy ai quan tâm. Nhưng nếu bạn mang một màu da hay có gốc gác khác biệt, nếu bạn xấu xí hay lập dị, thì bạn là kẻ lạc loài, và người dân ở đây sẽ đảm bảo bạn phải nhận ra điều đó.


Cho đến năm lớp 9, Janis Joplin vẫn là cô nàng được chú ý ở trường nhờ vẻ bề ngoài dễ thương của mình. Ngoài xã hội, cô còn là một trong những ca sĩ chính hát tại nhà thờ. Chất giọng soprano tuyệt đẹp của Janis biến cô thành ngôi sao tại mỗi buổi diễn ở nhà thờ, là niềm tự hào của người mẹ. Bố mẹ của Janis còn mua chiếc đàn piano về để mẹ cô vừa chơi vừa hát và cũng có thể dạy Janis những bài đàn cơ bản. Sinh ra trong một gia đình gia giáo nề nếp, căn nhà của Janis không có đến một chiếc tivi. Bố mẹ của Janis muốn ba người con của họ luôn tập trung học, đọc sách, rèn luyện bản thân, và phát triển tài năng. Ông bà có những quan điểm khắt khe, đặc biệt với hai cô con gái của mình. Vì thế sự kỳ vọng và áp đặt của nhà Joplin có phần lạnh lùng và khoảng cách với những người con. Sau lần phẫu thuật tuyến giáp lấy đi giọng hát trong vắt của bà mẹ, chiếc đàn piano cũng không thể tồn tại trong căn nhà vì mỗi khi Janis đánh đàn và cất giọng, nó lại khiến bà mẹ đau đớn.

Với Janis, mất đi tự do trong chính căn nhà của mình chưa phải là tất cả…

Tuổi 14 đã lấy đi sự dễ thương và đáng yêu của cô bé Janis Joplin.

Janis tăng cân và mặt mọc đầy mụn. Ở trường, cô dần dà bị đẩy ra khỏi các nhóm hoạt động ngoại khóa. Sự thay đổi diện mạo bỗng chốc biến cô từ một ngôi sao sáng thành kẻ thua thiệt ở Port Arthur. Nhưng vì cá tính mạnh mẽ, cô quyết định đi ngược lại mọi định kiến. Bố mẹ cô muốn cô ăn mặc kín đáo, gọn gàng và ăn nói đoan trang, thì cô lại không trang điểm, không mặc áo lót, đầu tóc bù xù, luôn bận trên người những bộ đồ hở hang. Cộng đồng người dân ở Port Arthur muốn những ai kém hình thức, không phải gốc gác da trắng thì lui về phía sau, nhưng Janis lại càng tự biến mình thành kẻ lập dị, chơi thân với người Do Thái, giao du với người da màu. Cô cố tình tạo ấn tượng khó chịu đối với người xung quanh, thà biến mình thành cái gai trong mắt người khác còn hơn trở thành một kẻ vô hình, tất cả bắt đầu từ nhan sắc hạn chế của cô gái dậy thì không thành công.

Từ tuổi 14, Janis đã bị xa lánh ở trường và gần như không được đón nhận ở căn nhà mình. Lên đại học, Janis còn được bầu trong danh sách những người đàn ông xấu nhất trường. Cô đã quá quen với những lời nhạo báng của mọi người, những trò đùa độc ác của đám sinh viên trong trường, và sẵn sàng nhảy vào chửi hoặc thậm chí choảng nhau với đám con trai. Không dừng ở đó, từ một cô gái nhà lành, Janis buông bỏ hết mọi rào cản và khuôn mẫu: uống rượu, chơi chất kích thích, quan hệ tình dục cả khác giới lẫn đồng giới. Nhưng cô hầu như vẫn độc thân, không một ai muốn hẹn hò.

Janis đã tự tạo cho mình một vỏ bọc hư hỏng đó như để trêu ngươi với mọi người, để tìm kiếm sự quan tâm, cho dù đó là sự chọc phá từ kẻ khác, và chắc chắn là để che đậy đi sự thất vọng và đau buồn của cô gái bị tổn thương bên trong.


May mắn là ông trời không cướp đi của ai tất cả. Tuổi 14 vẫn giữ lại cho Janis chất giọng ca vàng của mình. Một trong những bản thu âm hiếm hoi khác của Janis Joplin những ngày đầu tìm kiếm con đường sự nghiệp âm nhạc là ca khúc “Turtle Blues” do cô sáng tác và ghi âm, cùng với 6 ca khúc khác vào năm 1965. Giọng hát nhấn nhá điêu luyện của Janis không khác mấy lối hát của người da màu. Như phong cách sống ngoài đời, cách thể hiện của Janis trong các bài hát từ những ngày đầu đi diễn này đã phá vỡ mọi quy tắc định kiến, cả khi cô mới hát nhạc Folk cho đến chuyển sang nhạc Blues sau này. Người ta quen với chất giọng ngọt ngào trong trẻo như Joan Baez thời đó, nhưng Janis lại cố tình gằn chất giọng giờ đã khàn đục hơn trước, mang tới âm thanh thô ráp và chai sạn. Thế nên không phải ai cũng bắt quen ngay được với lối hát này. Có người còn khuyên cô đi học khoá luyện thanh nhưng cô đều từ chối vì không muốn bị uốn nắn một lối hát giả trân. Janis có những lúc sẵn sàng gào thét những ca từ về cái chết oan uổng của những người da màu suốt tận 10 phút, như để cố tình trêu ngươi với chính các khán giả phía dưới. Dường như trong mọi hoàn cảnh, Janis luôn tự sàng lọc và đào thải những người xung quanh, với mong muốn tìm và giữ lại những đồng cảm và tri kỷ, hiểu được cảm xúc thật sâu bên trong cô gái.

Với Janis, để hát nhạc Blues cô phải sống cuộc sống của Blues, phải khổ đau nhiều hơn, để ngoài việc hát bằng kỹ thuật của người hát nhạc Blues, còn phải cảm được nỗi đau của nó. Và nếu để nói cô có phải đi tìm nỗi đau đó bên trong những ký ức thì chắc không quá khó khi nghĩ đến những điều đã trải qua với những năm tháng thiếu nữ của mình - quãng thời gian đáng nhẽ phải là đẹp nhất của đời người con gái. Có lẽ thế nên Janis mới hát được nhạc Blues hay đến vậy.

Sau lần được bầu chọn trong danh sách “Người đàn ông xấu nhất trường”, Janis quyết định bỏ học và rời khỏi Austin vì sự nghiệp âm nhạc của cô tại đây có vẻ không nên cơm cháo gì. Janis chuyển đến San Francisco năm 1963, cái thời The Beatles vẫn còn cần tới một năm nữa mới xâm chiếm được thị trường nước Mỹ, và lúc Bob Dylan vẫn còn chưa chuyển sang dùng nhạc cụ guitar điện. Cô bắt đầu hát ở các quán. Một lần nữa, tiếng lành đồn xa về giọng ca của Janis lại là tâm điểm thu hút người nghe đến quán, đến độ mỗi tối có buổi biểu diễn của cô, thì không một ca sĩ nữ nào khác muốn tham gia. Có điều cô vẫn cần một người đánh guitar cho mình bởi Janis vẫn không thể thành thục được nhạc cụ này. Nhưng ở San Francisco, nơi con người ta cạnh tranh khốc liệt với nhau, không một ai muốn làm nền cho người khác


Tính cách khác người của Janis cũng đánh mất mấy cơ hội ký hợp đồng ghi âm lúc bấy giờ. Khi thì là cô không thèm đến tham gia buổi thử giọng. Khi thì cô bị thương vì ngã xe sau lần say khướt nên không thể tới gặp đại diện hãng. Rồi lần cô xuất hiện với bộ dạng te tua sau khi bị đám đàn ông cưỡi xe phân khối lớn nện cho một trận vì cô dám chửi nhau sau khi bị chúng nhìn đểu. Cứ mỗi khi chuẩn bị có một cơ hội mới đến, cô lại làm tuột mất nó, rất nhiều lần vì bản tính hiếu chiến của mình.

Trong thời gian gần 2 năm ở San Francisco, Janis cũng không có thêm bước tiến triển gì cho sự nghiệp âm nhạc của mình. Cô bèn quay lại quê hương Port Arthur, về lại căn nhà của bố mẹ cô vào năm 1965.

Có điều, tuổi 22 đã suýt đánh mất một Janis Joplin của làng nhạc Rock.

Janis quyết định làm lại cuộc đời bằng việc trở thành một con người bình thường. Lấy cô em gái ra làm mẫu, Janis bỏ hết rượu, chất kích thích và cả ca hát. Cô quay lại học đại học, dự định kiếm tấm bằng để sau đó tìm một công việc ổn định như mong mỏi của bố mẹ cô. Janis cũng bắt đầu trang điểm, ăn mặc cho giống một người phụ nữ. Khi đi mua sắm quần áo, cô em gái còn tá hoả chạy đi mua vội đồ lót vì cô chị chưa bao giờ mặc theo trên người. Janis khoác lên mình chiếc áo dài tay mặc cho thời tiết ở bang Texas nóng như đổ lửa, chỉ bởi vì cô muốn che các vết kim tiêm chi chít trên hai cánh tay. Cô tránh xa việc ca hát bởi vì biết rằng dấn thân vào nghề này thì sớm hay muộn cô cũng lại dính vào con đường nghiện ngập.

Nhưng rồi Janis cũng nhận ra cô không thể trở thành một bản sao của cô em hay của bất kỳ một cô gái nào khác. Janis càng cố tạo một vỏ bọc mới để được mọi người đón nhận thì cô lại càng trở thành một con người thực sự nhàm chán. Và rốt cuộc, ở cái xứ Port Arthur, cả khi Janis đã cố gắng thay đổi, ăn mặc chỉn chu, trang điểm, cột tóc gọn gàng, người ta vẫn lánh xa cô vì họ vẫn chỉ thấy một kẻ lập dị bên trong trang phục của người phụ nữ.

Chỉ đúng một năm sau, mùa xuân năm 1966, Janis đã quyết định quay lại Austin thử lại vận may trong âm nhạc bất chấp sự phản đối kịch liệt một lần nữa của gia đình. Cô biết chắc thuốc phiện và cơn nghiện có thể quay lại đập nhừ người cô, nhưng ở lại Port Arthur và đóng vai người phụ nữ đoan trang cả đời cũng chẳng khác gì sống một cuộc sống địa ngục.

Sau bao công cuộc đi tìm cuộc sống mới cho riêng mình, âm nhạc vẫn là thứ mang lại hạnh phúc lớn lao nhất cho Janis Joplin. Trong lần biểu diễn ở đại nhạc hội Monterey Festival năm 1967 với ban nhạc Big Brother & The Holding Company mà cô tham gia sau khi quay lại San Francisco, sức mạnh trong giọng hát và phong cách biểu diễn của Janis có ma lực hút hồn lớn hơn bao giờ hết. Một lần nữa, là thành viên nữ trong một ban nhạc với các tên liên quan tới “ông anh giai”, Janis lấn át hết những người còn lại, kể cả thành viên chủ chốt Peter Albin. Mặc dầu khi tham gia Big Brother, Janis mới làm quen với việc hát trên nền nhạc cụ điện trong một ban nhạc, cô vẫn xử lý mượt mà khi giảm bớt lối ngân nga và đẩy mạnh về nhịp điệu và độ nhấn trong lời hát để không bị tiếng đàn điện lấn át. Ở phần trình diễn bài “Ball And Chain” tại Monterey Festival, giọng hát của Janis nhức nhối tựa như tiếng đàn guitar mở đầu. Nó được lột tả qua tiếng hát lúc rên rỉ, lúc êm ái, lúc gằn và gào thét theo từng đoạn nhạc. Giọng của Janis ở thời điểm này cũng khô cằn và khàn đặc hơn trước, một phần vì những trải nghiệm cuộc đời, một phần vì những thứ chất kích thích mà cô đã tống vào người như cơm bữa. Nhìn lối diễn của Janis, từ nét mặt đến những cú gõ chân trên sàn, như đang bị nhập hồn với bài hát.


Ở đại nhạc hội này, Big Brother trước đó vẫn là cái tên kém hút khách nhất. Nhưng ngay khi Janis cất giọng hát, đám khán giả đều bị mê hoặc và điên đảo. Đến nét mặt của Cass Elliot – cô ca sĩ của nhóm The Mamas and The Papas ngồi bên dưới cũng không giấu nổi sự thán phục. Không phải ai cũng biết rằng, buổi ghi hình đó được thực hiện trong lần diễn lại lần thứ hai vào ngày Chủ nhật của Janis và ban nhạc. Lý do vì trước đó tay quản lý của ban nhạc không đồng ý để đội ngũ sản xuất show được ghi hình miễn phí. Tuy nhiên, sức nóng của buổi trình diễn trước đó đã khiến cả ban nhạc thay đổi quyết định và màn trình diễn lịch sử đó đã may mắn được lưu lại qua các thước phim để những người nghe thế hệ sau như chúng ta cảm nhận được phần nào năng lượng mãnh liệt dồn nén nay được bung ra trên sân khấu của Janis Joplin. Cái cảm xúc chạy rần rật bên trong người cô như một luồng điện truyền xuống toàn bộ đám đông khán giả, khiến cho chất giọng thiếu sự trong trẻo và ngọt ngào đó lại gây xúc động mạnh với người nghe.

Sau lần trình diễn đó, các nhà phê bình không còn đủ các tính từ để khen ngợi Janis Joplin. Mọi lời nhận xét đều được giành cho cô. Đến việc Janis không mặc áo lót và sự khiêu khích của vòng một của cô còn được nhắc tới nhiều hơn cả mấy anh giai trong Big Brother.

Và sau lần trình diễn đó, Janis cùng ban nhạc đã có được hợp đồng ghi âm với Clive Davis và hãng đĩa Columbia. Cái giá mà Davis chuộc lại ban nhạc khỏi hãng ghi âm cũ là 200 nghìn Đô Mỹ, một con số điên rồ so với cái giá chỉ 25 nghìn đô mà Jefferson Airplane được trả chỉ mới một năm trước đó. Dưới danh nghĩa hãng đĩa Columbia, Janis và Big Brother phát hành lại album đầu tay cùng tên, rồi sau đó là ấn phẩm Cheap Thrills (1968). Cái bóng của Janis nhanh chóng trở nên quá lớn so với các thành viên trong ban nhạc, điều mà nhiều người khuyên cô nên tách ra solo, nguyên nhân cho bước chuyển tiếp bằng album solo đầu tay I Got Dem Ol’ Kozmic Blues Again Mama! (1969) được phát hành sau khi Janis rời khỏi ban nhạc.

Như bố mẹ và bản thân Janis đều đã đoán trước, càng dấn sâu vào âm nhạc, Janis càng chìm đắm trong vô vàn chất kích thích, từ rượu cho tới thuốc phiện. Đến cuối thập niên 1960, Janis đã tiêu tốn mỗi ngày 200 Đô Mỹ (tương đương 1300 Đô ở thời điểm hiện tại) cho heroin, cho đến một ngày tháng 10 năm 1970. Hôm đó Janis đáng nhẽ có lịch thu âm ca khúc “Buried Alive In The Blues” nhưng người ta đã tìm thấy xác cô chết tại phòng vì sốc thuốc.

Với bản tính bất cần và cuộc đời được gói gọn chủ yếu trong nỗi buồn và cô đơn, nhìn lại kết cục của Janis có lẽ không phải là quá đỗi bất ngờ. Có điều, xã hội chưa bao giờ cho cô chọn sống một cuộc sống của con người bình thường. Bù lại, số phận đã tạo ra một Janis Joplin mang lại hạnh phúc cho người khác qua giọng hát của mình và là nguồn cảm hứng vô tận về những chuẩn mực mới cho lối hát và lối sống của những thế hệ nghệ sĩ nữ sau này. Không có quá nhiều nhạc phẩm chính thức được sản xuất, nhưng những gì còn lưu lại đều mang những dấu ấn riêng của nhiều giai đoạn khác nhau trong cuộc đời ngắn ngủi của cô. Và album cuối cùng của Janis với cái tên Pearl (1971) phát hành sau cái chết của Janis, đã mãi mãi trở thành lịch sử khi trở thành một tuyệt phẩm của lịch sử nhạc Rock.

Cuối cùng thì tuổi 27 đã cướp đi Janis Joplin nhưng không phá vỡ được một di sản huyền thoại âm nhạc.


Hẹn gặp lại!

Kroon

1,516 views

Recent Posts

See All
bottom of page