top of page

Jazmine Sullivan đấu Mắt Xanh: không có cửa

Updated: Jun 7, 2022

Ông chủ hãng đĩa Sun Records từng phát biểu thẳng tuột “Nếu tôi tìm được một tay da trắng hát được giọng da đen và có thần thái của người da đen thì tôi có thể kiếm ngon lành tỷ đô”.


Câu nói nghe chừng rất nặng tính phân biệt chủng tộc nhưng lại phản ánh thực tại của thế giới âm nhạc từ những năm 60 cho thậm chí đến bây giờ.


Với số lượng đông người nghe là da trắng nên dường như các ca sĩ / nghệ sĩ da trắng sẽ dễ gây chú ý hơn. Trong marketing, chuyện thích hay không thì hạ hồi phân giải, nhưng rõ ràng trước đó, việc nhận diện hay gây chú ý là thứ cực kỳ quan trọng. 


Thế nên từ những Elvis Presley hát nhạc rock & roll đến những Frank Sinatra hát nhạc jazz / swing, trào lưu vẫn tiếp tục cho đến nay (ấy là tôi chưa muốn nói đến mấy gã da trắng tập tành chơi Blues rồi blues rock). Dù người da màu có cảm thấy khó chịu cho việc hội da trắng lấn sân trong cả văn hoá âm nhạc của họ, cũng không thể phủ nhận công lao của những nghệ sĩ da trắng kia khi phổ cập với thế giới thứ nhạc mà được sinh sôi ra tá lả các thể loại nhạc. Chưa kể thời kỳ những năm 60 mà nạn phân biệt chủng tộc còn quá nặng nề.


Thời nay thì mọi việc tưởng như có vẻ khác rồi nhé, và sự phân biệt chỉ còn nằm trong tiềm thức nhiều người nhưng không được nói ra. Nhưng hết lần này đến lần khác, khi các nghệ sĩ da trắng nhảy vào dòng nhạc như soul / r&b / hip hop - vốn vẫn luôn là thống trị của người da màu trước đây - và lại nhận được nhiều sự tán thưởng hơn, thì hình như màu da vẫn đâu đó là yếu tố quan trọng trong môn nghệ thuật tưởng chừng chỉ dùng tai để đánh giá.


Vậy nên, trong dòng nhạc soul và r&b tự nhiên có một thuật ngữ gọi là “blue-eyed soul”, được dùng từ những năm 60 để gọi những nghệ sĩ da trắng chuyên đi hát nhạc soul và r&b “của” người da màu. Từ “mắt xanh” / “blue-eyed” đấy nói cho cùng cũng chỉ để đỡ phải nói là "white soul" nghe cho bớt phân biệt màu da, thay vào đó là màu mắt. Ấy hồi đấy, thứ nhạc mà người da đen ghi âm để người da đen nghe thời đó thì lại gọi là "race record" (vì người da trắng dành nghe nhạc blues và rock n roll rồi). Thật tình!!!


Hôm nay tôi sẽ lấy mẫu để so sánh từ sự nghiệp của Jazmine Sullivan, một nữ ca sĩ da màu hát nhạc soul/r&b cực hay nhưng phải “chống chọi” với một nghệ sĩ “blue-eyed soul” rất nổi tiếng như thế nào. 


Hãy tạm gọi nhân vật ẩn số đó là “Bluey” nhé.


Nhưng trước tiên, nhân vật chính của chúng ta, Jazmine Sullivan, sinh năm 1987 tại Philadelphia, nước Mỹ. Cô từ bé đã thể hiện khả năng ca hát thiên phú nhờ vào gene trội của bà mẹ làm nghề hát phụ cho một hãng đĩa. Chất giọng của Jazmine có âm vực hơn 3 quãng 8 lẻ 2 nốt với nốt cao nhất là C#6. Với chất giọng dầy hơi khàn chút và rất riêng, vô cùng ấm ở dải âm trầm và nhẹ nhàng ở những nốt cao. Thế nhưng giỏi nhất phải là khả năng luyến láy âm mà cô thuần thục cho thể loại R&B thế nên khi Jazmine hát từ nốt thấp lên nốt cao nghe mượt mà và không bị chói tai. 


Tuy vậy, tội nghiệp cho Jazmine là điểm yếu của cô lại xuất hiện trong “con mắt” của kẻ đối diện. Cô da màu là một chuyện, nhưng cô không xinh và sexy như Beyonce hay Rihanna. Đã thế cô lại có thân hình hơi quá khổ. Đó cũng chính là lý do mà Jazmine bị hãng đĩa đầu tiên cho thôi và không thèm phát hành album mà cô đã thu âm xong xuôi hết rồi, vì trông cô không có vẻ bề ngoài dễ marketing trong cái thị trường âm nhạc mà nhiều người nghe bằng mắt. Chỉ đến khi được rapper Missy Elliott để mắt tới, cô cuối cùng cũng được bắt đầu sự nghiệp sau khi ký với hãng đĩa J Records.


Trong khi đó ở bán cầu bên kia, ở Tottenham, London, vào năm 1988 xuất hiện một đứa bé con gái da trắng mắt xanh, ấy chính là “Bluey”. Nhà của Bluey không có ai theo nghiệp ca hát nhưng cô này bộc lộ tài năng từ bé và sau đó theo học trường nghệ thuật.


Giọng hát của Bluey chỉ dài 2 quãng 8 lẻ 3 nốt (ngắn hơn giọng Jazmine đến cả một quãng 8). Nốt cao nhất mà Bluey hát được là F5 (thấp hơn của Jazmine). Thế nhưng kiểu hát lối bluesy cực kỳ tài tình khiến bài hát của cô này nghe vẫn rất có sức mạnh. Chất giọng cũng hơi khàn và hát rất hay ở âm trầm và trung nhưng hơi chói tai khi gằn giọng ở nốt cao. Bluey sau đó may mắn được một hãng đĩa để ý tới sau khi thu âm mấy bản demo. Cô này nhanh chóng được ký hợp đồng thu âm.


Nếu so về giọng hát thì cả Bluey và Jazmine đều mang đến cảm xúc dâng trào trong giọng hát. Trời sinh Bluey là đối thủ đáng gờm từ bé với Jazmine từ bên kia bở Đại Tây Dương. Chưa hết, nếu so về ngoại hình thì có thể nói là kẻ tám lạng, người nửa cân; theo đúng nghĩa đen vì ngoại hình của Bluey nhìn chắc cũng ngang ngửa Jazmine. 


Cơ mà Bluey có đôi mắt xanh và hát nhạc soul.


***

Đầu năm 2008, Bluey phát hành album đầu tay, có tên là một số. Album này đánh dấu chất nhạc “blue eyed soul” và được đón nhận nồng nhiệt.


Còn Jazmine thì tung album đầu tay Fearless của cô vào tháng 9 năm 2008. Đĩa nhạc có thứ nhạc r&b, soul và funk mà Jazmine luôn theo đuổi được giới phê bình khen ngợi, mà đến cả Stevie Wonder sau khi nghe bài "Bust Your Window" phải thốt lên là bài hát kinh điển.


Album Fearless lên cao nhất là vị trí thứ 6 bảng xếp hạng Billboard và mang đến cho cô 7 đề cử Grammy trong đó có giải Nghệ sĩ mới xuất sắc. Thế nhưng tại lễ trao giải năm đó, Jazmine ra về trắng tay và để Bluey giật luôn cả giải Nghệ sĩ mới dù Bluey chỉ được đề cử có 4 giải. Đúng là có số.


***

Vào tháng 11 năm 2010, Jazmine tung ra đĩa thứ hai là Love Me Back vẫn có sự giúp đỡ của Missy Elliott nên cũng có âm hưởng hip hop như đĩa đầu tay. Đĩa này được giới phê bình đặc biệt ca ngợi qua giọng hát và tài năng viết nhạc của Jazmine. Sự phối hợp giữa hip hop và soul mang đến màu sắc khác cho Love Me Back đến bất ngờ.


Mặc dù vậy cô cũng chỉ được 1 đề cử giải Grammy cho bài "Holding You Down" cho thể loại R&B.


Trong lúc đó, Bluey đã rục rịch để tung ra album thứ hai chỉ trong hai tháng sau đó (vào đầu năm 2011) cũng với cái tên là một số khác. Đĩa này thì cực kỳ thành công luôn với âm sắc soul rõ nhất. Đứng top billboard đến 24 tuần, Bluey phá kỷ lục là nữ nghệ sĩ có đĩa nhạc đứng top lâu nhất mọi thời đại. 


Theo như Metacritic, thì điểm của đĩa này của Bluey thậm chí thấp hơn chút so với Love Me Back của Jazmine. Nhưng viện hàn lâm thì không quan tâm Metacritic. Đĩa nhạc của Bluey ẵm Grammy Album của năm. 


Đến lúc này đây, Jazmine cũng đã nản lòng với sự lạnh nhạt của khán thính giả đại chúng với nhạc của cô. Mà cũng chẳng phải với riêng cô, các nghệ sĩ solo da màu thời đó không còn đạt được vị trí top như những năm 90 trước đây. Thế nên Jazmine quyết định rút về hậu trường.


Đùng cái, bắt chước Jazmine, cô Bluey này cũng về vườn sau đó vì "mất cảm hứng với âm nhạc".


***

Tình yêu âm nhạc lại thôi thúc Jazmine thế nào mà 5 năm sau, tháng 1 năm 2015, cô trở lại với album Reality Show mà với cá nhân tôi, đây là một trong những đĩa R&B đương đại hay nhất. 


Jazmine khéo léo sử dụng chất nhạc R&B/soul pha với bộ gõ có màu sắc hiện đại, khiến cho nhạc của cô vừa giúp người nghe liên tưởng đến chất R&B còn thịnh thời kỳ cuối những năm 90 nhưng lại có âm thanh của hiện đại qua bộ trống điện tử. Tài năng viết nhạc của Jazmine phải nói là đạt đỉnh cao ở đĩa này.


Đĩa Reality Show vì vậy được đánh giá hay nhất trong bộ ba album đầu tay xuất sắc của Jazmine. Thế nên dù đĩa bán được vẻn vẹn có 30.000 bản tuần đầu tiên, tôi nghĩ lần này chắc cú cho cô được giải Grammy lắm.


Nghiệt cái, trời đã sinh Miney, sao còn sinh Bluey. Bỗng tìm được cảm hứng sau khi sinh con, con bé kia phát hành luôn album thứ ba của nó vào tháng 11 cùng năm 2015 (cùng lúc mà Jazmine phát hành Reality Show). Và nó vẫn dùng số để đặt tên cho album thứ ba. Mọi người thì đoán mấy con số đó tượng trưng cho tuổi của Bluey mỗi lần ra đĩa, còn tôi thì đảm bảo nó cho là nó số má lắm.


Khán giả ngóng nhạc của Bluey đến nỗi single đầu tay bật nhan nhản trên đài, người người share clip trên Facebook, còn làm video parody nhái các kiểu. Trừ tôi vẫn không hiểu sao mọi người lại thích nó thế? 


Cái gì đến cũng đến, đĩa này của Bluey bán được 3,3 triệu bản trong tuần đầu ở Mỹ. Xem nào. Tính ra là gấp 112 lần số lượng của Reality Show của Jazmine đấy. Thế nên tôi cũng chả buồn tính độ chênh về tổng số đĩa bán nữa.


Dù giải Grammy năm đó hoãn đề cử cho Bluey vì đĩa đó phát hành sau hạn chót, Jazmine của tôi vẫn trắng tay và Bluey ở ngay năm sau đó vẫn ung dung ẵm về giải Album của năm, Ghi âm của năm, và Bài hát của năm cho bài "Hello", bài hát trong top 5 dị ứng nhất thời đó của tôi, còn hơn cả "Let It Go" trong Frozen.


Thôi tôi sẽ không chơi trò úp mở nữa. Vâng, Bluey chính là Adele, chắc các bạn cũng đoán ra gần hết rồi.


Thực ra việc so đo giữa Jazmine SullivanAdele là khập khiễng. Thế nhưng sự tương đồng trong âm nhạc và sự nghiệp của hai cô này khiến cho người nghe nhạc như tôi không tránh khỏi việc so sánh.


Cá nhân tôi thấy thậm chí bất công vì sau khi Adele ra hai đĩa 19 và 21 cực thành công ("Rolling In The Deep" vẫn là một trong những bài có giai điệu và nhịp điệu dễ nhận và lôi cuốn nhất), cô còn bồi thêm bằng bài "Skyfall" nhạc phim James Bond cũng vào loại hay nhất; rồi thì tự dưng cô làm gì cũng đương nhiên là đúng. Vài nghệ sỹ nghe tin cô ra đĩa 25 thậm chí còn lùi ngày phát hành đĩa để đỡ phải cạnh tranh No 1. 


Trong đĩa 25 này, Adele đi theo tiết tấu quá chậm trong bài "Hello" và nhiều bài khác trong đĩa khiến mọi thứ trở nên buồn tẻ. Đấy là cá nhân tôi nghĩ thế thôi chứ giới phê bình và nhiều người khen ngợi nhạc đĩa 25 lắm.


Trong khi đó ngược lại, Jazmine Sullivan không có được bất cứ sự ưu ái nào dù là nhỏ nhất. Tôi đặt ra vấn đề này, cũng là vì lần đầu tôi nghe Jazmine, tôi hoàn toàn không có ý niệm gì về màu da của cô. Tôi chỉ thấy cô Jazmine Sullivan này hát và sáng tác nhạc hay hơn nhiều so với Adele. Tôi thật!!!


Trong khi đó, lấy album thứ ba, Reality Show, ra làm ví dụ sẽ thấy toàn điểm sáng. Như bài "Stanley" chẳng hạn, phần intro như nhạc từ tương lai rồi vào nhạc là câu bass cực hay và chất funky soul. Bài "Stupid Girl" thì lại có giai điệu tình đến mượt mà không chảy chút nào. Vòng hoà âm của "Brand New" hay "Let It Burn" lại giúp tôn giọng hát uốn éo điêu luyện mà không cần gồng mình của Jazmine. Đã thế cô còn nhét cả những dải hợp âm jazzy trong bài "Mascara", "Silver Lining" khiến cho lúc đầu tưởng chừng hơi khó nhằn nhưng sau đó thì say rất sâu. Thế nên sau khi tôi nghe cả đĩa xong mà phải há hốc cả mồm. Và đến giờ vẫn vậy.


Có thể bạn sẽ không đồng tình với cách suy nghĩ của tôi. Thế này đi, hãy thử share bài này của tôi nhưng thay tựa đề bằng “Adele chống lại xyz gì gì đó” với hình của cô, xem có nhiều người đọc bài hơn không nhể??. 


Hẹn gặp lại.


Kroon

1,278 views

Recent Posts

See All
bottom of page