Nếu như Chuck Berry là người đã kiến tạo ra sự “rung lắc” trong âm nhạc, hay khái niệm rockability với cây đàn guitar, thứ mà sau người ta quen gọi là nhạc Rock; thì chắc chắn người đã đẩy thứ âm thanh phá tiếng của đàn guitar lên ngang tầm với vị trí của một nhạc cụ độc tấu cổ điển như piano hay violin không ai khác chính là Jeff Beck. Nghĩ thử coi, trong cái thuở hỗn mang của âm nhạc, khi mà tất cả những tay guitar da trắng ở Anh đều cố gắng mô phỏng lại cái thứ nhạc Blues của người da đen và được khán giả ở cả hai bên bờ Đại Tây Dương tán tưởng, các vị guitar chúa “trắng phau” thời đó như Eric Clapton, Jimmy Page, John Mayall, Peter Green, hay Keith Richards đều đeo đuổi thứ nhạc Blues thật mãnh liệt để rồi sau đó a-lê-hấp bị qua mặt bởi một gã “đen tuyền” là Jimi Hendrix. Chỉ có Jeff Beck vẫn luôn một mình một đường với thứ âm thanh nặng hơn nhạc Blues với rất nhiều “rung lắc”, và một tiếng đàn thấm đẫm cảm xúc mà không ai có thể bắt chước.
Nhưng mặt trái của cái sự “độc lạ” của Jeff Beck là việc anh thường bị “bỏ quên” mỗi khi những ban nhạc đình đám như Cream, Led Zeppelin, Jimi Hendrix, hay thậm chí cả The Who được nhắc đến như những hòn đá tảng của nhạc Rock thời đầu. Vấn đề to đùng của Jeff Beck: anh chưa bao giờ có một ca sĩ xứng tầm để vươn lên được vị trí của Jimi Hendrix hay Eric Clapton (những người có thể tự hát), hay ông bạn Jimmy Page (với Robert Plant) và Pete Townshend (với Roger Daltrey), dù chính Jeff Beck mới là người có những thành công đầu tiên với Rod Stewart trong Jeff Beck Band chơi nhạc có hát lẫn với nhạc instrumental. Chưa kể, Jeff Beck cũng không có được những hit đình đám như Eric Clapton hay Jimmy Page trong gia tài discography đồ sộ của mình mà thường phải dựa vào nhạc do người khác viết.
Một ngày cuối năm 1968 trong khi đang đi lưu diễn ở Mỹ, Beck được Peter Grant, ông bầu của ban nhạc lúc ấy còn mới toe là Led Zeppelin mời tới nghe thử album đầu tay mới thâu của họ. Khi đĩa quay tới bài thứ ba, Beck sửng sốt khi đó là bản “You Shook Me” của Muddy Waters quen thuộc mà Jeff Beck Band vừa phát hành trong album Truth không lâu trước đó. Nghĩ rằng Peter Grant đang cố gắng tán dương mình, Beck chờ một lúc mới gặng hỏi: “Vậy giờ anh mở tôi nghe album mới của Led Zeppelin đi”.
“Nó đây chứ đâu!?!” – Peter Grant ngạc nhiên.
“Nhưng bài này bọn tôi vừa thu mấy tháng trước mà…” – Beck ngẩn ra và sự tự hào đang dâng lên bỗng trở thành cảm giác giận dữ khó tả khi Beck phát hiện ra Led Zeppelin chơi lại đúng y như bản phối mà band của anh vừa tạo ra không lâu trước đó.
Dĩ nhiên Led Zeppelin cũng không hề lạ lẫm gì với Jeff Beck, vì Jeff Beck và Jimmy Page vốn là hai ông bạn cùng tập chơi guitar theo những vị anh hùng như Muddy Waters hay Howlin' Wolf, và là những người ít ỏi ở London đạt được tới trình độ chơi blues như cách của những người Mỹ nọ.
Beck và Pagey cũng là những người khoái cái âm thanh phá tiếng của tiếng guitar, và cùng với những Dave Davies của The Kinks hay Pete Townshend của The Who, đôi bạn này cũng mày mò đủ các kiểu để tạo ra được âm thanh nặng hơn. Trong khi cách của mọi người thường là vặn lớn khuếch đại trên amply (hoặc thậm chí rạch cả màng loa theo cách của Dave Davies), Jimmy Page và Jeff Beck khoái thử nghiệm với cụ phơ Maestro Fuzz, thứ mà sau này Jimmy Page cùng ông bạn kỹ sư âm thanh Roger Mayer tạo ra cục Mayer Mk1 mà cả Page lẫn Beck đều sử dụng rất nhiều trong phòng thu thời gian này.
Nhưng trong khi Jimmy Page “tinh tường” kiếm được việc làm nghệ sĩ session với thu nhập ổn định, Jeff Beck vẫn mãi lông bông trong sự nghiệp âm nhạc của mình. Phần vì Beck còn bận bịu với sở thích độ xe hơi to đùng ngang với cây guitar, phần vì Beck cứ mãi theo đuổi việc chơi guitar theo cách ưa thích của mình cho một ban nhạc, thứ khá là xa xỉ thời đó nếu như band của bạn không phải là Beatles hay Rolling Stones.
Nhận định về thái độ giận dữ của Beck cho bản “You Shook Me”, Jimmy Page cho rằng cả hai ông đều khoái Muddy Waters và “hoàn toàn không biết” ông bạn mình cũng thu bài này. Pagey quên mất là John Paul Jones, tay bass anh vừa tuyển cho Led Zeppelin, cũng là dân chơi session trong phòng thu và thậm chí còn góp mặt trong album Truth của Beck mấy tháng trước!!!
Nhưng Beck dường như sau cũng không để bụng chuyện đó (trừ việc làm bài “Led Boots”). Ít nhất thì đó cũng là sự đền đáp xứng đáng mà Beck dành cho Jimmy Page vì trước đây chính Pagey là người giới thiệu Beck tới Yardbirds để thay thế cho Eric Clapton.
1. Người khởi đầu cho nhạc Rock nặng
The Yardbirds được lập ra vào tháng 5 năm 1963, gồm ca sĩ Keith Relf, tay bass Paul Samwell-Smith, cặp đôi chơi guitar Anthony ‘Top’ Topham (lead) và Chris Dreja (rhythm), và tay trống Jim McCarty. Mục tiêu của họ đơn giản là phải làm được những thứ mà âm nhạc Blues của Rolling Stones không thể “chạm” tới: những màn phiêu với instrumental. Mảnh ghép còn thiếu của họ, đương nhiên, phải là một tay guitar có thể phiêu tới cả chục phút mà khán giả không chán. Topham dĩ nhiên không phải tay guitar kiểu này, và nhanh chóng bị thay thế bởi một tay guitar “thần đồng” mà cả Dreja lẫn Relf đều quen từ trong trường Kingston Art College mang cái tên Eric Clapton. Dreja sau đó chuyển sang chơi bass.
Eric Clapton có một tuổi thơ khá nhọc nhằn khi được nuôi lớn bởi ông bà ngoại, để rồi mãi sau mới phát hiện ra chị gái của mình thực ra là mẹ ruột. Sự bất an luôn hiện hữu trong Eric Clapton và đó cũng là nơi nhạc blues đã giải thoát cho anh: gã cô độc với cây guitar, không còn gì ngoài việc chơi đàn và hát để làm nhẹ nỗi đau.
Nhưng trong khi The Yardbirds dần lấy được danh tiếng khi trình diễn những bản Blues thấm đẫm những câu guitar phiêu du cự phách của Clapton, những single đầu tay của ban nhạc không đạt được những thành công tương tự. Cực chẳng đã, The Yardbirds quyết định phải có những bản hit bằng cách thu những bản nhạc ngắn hơn mà Clapton chỉ được phép solo trong khoảng 4 hoặc 8 khuông nhạc, và điều này đã đẩy Eric Clapton ra khỏi band. Clapton chạy sang với John Mayall’s Bluesbreakers, nơi anh cho rằng sự phiêu du của nhạc Blues đã không bị phản bội, còn Giorgio Gomelsky, quản lý của Yardbirds thì chạy đi tìm sự trợ giúp từ một tay guitar đáng nể khác ở London mang tên Jimmy Page.
Nhưng với sự nghiệp phòng thu đang “ổn định” của mình đi làm từ thứ Hai tới tới Sáu, Pagey không có ý định tham gia ban nhạc và đi tour nọ kia trong khi anh đã thừa sức mua được nhà. Jimmy Page bèn giới thiệu Jeff Beck cho The Yardbirds. Chính Eric Clapton cũng phải ngạc nhiên với ý định này, nên đã tìm đến nơi ban nhạc của Beck là Tridents chơi lúc đó, để rồi nhún vai đi về trước tay guitar có kỹ thuật thượng thừa nhưng có quá nhiều echo trong tiếng guitar. Clapton cho rằng Yardbirds thế là hết!
Ngược lại với nhận định của Clapton, Beck không những chơi được tất cả những thứ mà Clapton đã nghĩ ra trước đây mà còn hơn thế với kỹ thuật slide guitar siêu đẳng, khả năng tận dụng feedback, lẫn những chiêu thức khiến cây guitar có thể rít lên những âm thanh vô tiền khoáng hậu.
Chẳng hạn như lần thu ca khúc “Heart Full of Soul”, cả đám bực bội vì tay chơi đàn sitar mà cả band thuê đều không thể chơi đúng nhịp 4/4 thông thường. Beck bèn nhảy ra đề nghị chơi luôn câu sitar bằng đàn guitar. Dĩ nhiên, anh biến đi một lúc để chạy đi mược cục phơ Fuzz Mayer Mk1 kia (lúc ấy Jimmy Page đang giữ), không biết bằng cách nào mà Beck đã có thể tái hiện lại tiếng đàn sitar 20 dây chỉ bằng hai cây guitar của anh.
Với sự góp mặt của Jeff Beck, The Yardbirds đã có trong tay một loạt bản hit mà họ cần như “Heart Full of Soul”, “Shape of Things”, và nhất là “Train Kept A-Rollin”, ca khúc có lẽ đã làm vô khối các tay guitar sau này phải cầm đàn.
Dĩ nhiên Beatles và Rolling Stones luôn là những cái tên “cửa trên”, nhưng The Yardbirds chắc chắn luôn thừa sức cạnh tranh ở nhóm những ban nhạc lớn sau đó (cùng The Who, Animals, hay The Kinks), những ban nhạc bắt đầu nhen nhóm chơi thứ nhạc bớt Blues và thêm Rock. Mặc dù vậy, khi The Yardbirds bắt đầu trở thành cỗ máy hái ra tiền và cực kỳ ăn khách trên đất Mỹ, Jeff Beck bắt đầu chán với việc chỉ là một cây guitar chơi các bài hát ăn khách, trong khi trong đầu anh vẫn luôn ám ảnh với những âm thanh mới lạ mà mình có thể tạo ra từ cây guitar. Beck quyết định chuyển ra chơi solo.
2. Không có nhiều ca khúc tự viết
Jeff Beck band vào studio và thu âm album đầu tay Truth (1967) với đội hình gồm Rod Steward hát chính, Ronnie Wood chơi bass, và Micky Waller chơi trống; chưa kể tới sự tham gia của rất nhiều anh hào thời đó như Jimmy Page và Keith Moon (trong “Beck Bolero”), hay John Paul Jones chơi bass lẫn keyboard. Liền sau đó là Beck-Ola (1969) nhưng có lẽ điểm chung ăn khách của hai album này vẫn là những ca khúc nhạc blues chơi lại, lẫn single “Hi Ho Silver Lining”, trong khi Jeff Beck vẫn luôn đau đáu về việc tạo ra một thứ nhạc instrumental nơi anh có thể tạo ra những âm thanh khác lạ hơn.
Khán giả có lẽ vẫn ưa việc nghe một ban nhạc có người hát hơn, và đây rõ ràng là điểm bất lợi cho Jeff Beck, kể cả khi anh cố gắng tìm những người chơi nhạc giỏi nhất và tìm cách lập band với bộ đôi người Mỹ từ ban nhạc Vanilla Fudge là Tim Bogert chơi bass và Carmine Appice chơi trống. Từ vị thế của người kiến tạo ra nhạc Rock nặng nay chứng kiến những ban nhạc như Led Zeppelin hay The Who ở Anh cũng như Aerosmith ở Mỹ làm mưa làm gió thị trường; Jeff Beck bỗng rơi vào trạng thái một mình một ngựa loay hoay trong suốt nửa đầu thập niên 70s với một đội hình gồm những tài năng xuất chúng, nhưng lại không có người nghe nhạc kiểu của họ.
Quan trọng hơn cả, tài năng của Jeff Beck có lẽ mãi xoay quanh cây guitar dưới vai trò một người làm mới hoặc nâng tầm các bài hát do người khác viết; hơn là để trở thành một nhà viết nhạc tài ba có thể tạo ra những tổng phổ kỳ vĩ. Mặc dù lâu lâu Jeff Beck vẫn có những khoảnh khắc đáng nhớ với các ca khúc của anh, nhưng rõ ràng Beck vẫn được biết đến nhiều hơn khi kiến tạo lại một ca khúc của người khác. Đó có lẽ là sự khác biệt lớn nhất giữa Jeff Beck và những Jimi Hendrix, Keith Richards, hay Jimmy Page – những người dù ở các lãnh vực guitar khác nhau nhưng luôn được nhớ đến với những ca khúc tuyệt tác.
Trong thời gian này, Beck thậm chí quẫn đến độ đi audition cho Rolling Stones năm 1974 sau khi tay guitar Mick Jones rời nhóm. Dĩ nhiên chả ai dám đến audition thi với Beck cả, nhưng rồi anh cũng từ chối Mick Jagger và các đồng đội với lý do đơn giản không thể chơi loanh quanh ba hay bốn hợp âm trong suốt ba giờ đồng hồ. Ronnie Wood từ đội hình cũ của Jeff Beck Band thế chân anh ở Rolling Stones.
Mọi chuyện chỉ trở nên khá khẩm hơn với Jeff Beck khi bỗng nhiên anh nghe được album instrumental Apocalypse (1974) của Mahavishnu Ochestra được sản xuất bởi George Martin lừng danh, người đã phối tuyệt hảo thứ âm thanh vốn đã dày đặc của band này thêm với sự chật chội từ bộ dây và đồng từ giàn nhạc Giao Hưởng London. Vốn là một fan cuồng của tay guitar chơi jazz fusion John McLaughlin (a.k.a Mahavishnu), Jeff Beck bỗng có niềm tin trở lại với thứ âm nhạc instrumental mà anh vẫn đau đáu lâu nay. Và điều quan trọng nhất Beck có thể làm được lúc này với sự nghiệp đang dần mất trụ của mình: mời George Martin sản xuất cho album tiếp theo mang tên Blow by Blow.
3. Hào sảng với anh em chơi nhạc
Jeff Beck có một đức tính hào sảng khác hẳn các cây guitar Chúa ở Anh còn lại. Jimmy Page thì cứng đầu, Eric Clapton thì cô độc, Jimi Hendrix thì phổi bò, Pete Townshend thì quá tính toán. Jeff Beck, có lẽ có thể chơi với bất kỳ ai và không ngại gì nếu như có sự đóng góp của người khác. Có lẽ tính cách này đã liên tục đem tới cho anh những người cộng tác tuyệt vời. Với album tiếp theo này, dù đã phải chia tay bộ đôi Bogart và Appice, lần này Jeff Beck lại có trong đội hình tay keyboard Max Middleton, tay bass Phil Chen, và đặc biệt là các ca khúc được Stevie Wonder tặng.
Đúng vậy, bản instrumental kinh điển mà tôi vừa nhắc chính là “Cause We’ve Ended As Lovers”, bài hát do Stevie Wonder viết cho vợ là Syreeta Wright trong album thứ hai của cô này cũng vào năm 1974. Ngay khi Jeff Beck vừa nghe nó, anh đã nghe thấy tiếng guitar của mình trong giọng hát của Syreeta.
Với công nghệ thu âm lúc này đã tốt hơn rất nhiều cho Jeff Beck thời cuối thập niên 60s, Beck đã tạo ra một siêu phẩm với giọng guitar trầm bổng với những hơi thở nghẹn ngào như một giọng hát. Không chỉ nhắc tới John Mclaughlin, người có cùng quan điểm mỗi nốt nhạc phát ra cần có một âm lượng khác nhau, Beck còn dành tặng bài này để nhớ tới Roy Buchanan, người đã truyền cảm hứng cho Beck với cách nhéo dây chơi vơi treo từ nốt này qua nốt khác dường như không có điểm dừng.
Phần còn lại của album Blow by Blow chính là những màn đối ẩm siêu đẳng giữa guitar và keyboard của những “You Know What I Mean”, “Constipated Duck”, “Scatterbrain”, và nhất là “Freeway Jam”, nơi mà tiếng guitar và keyboards khi thì chuyền nốt nhạc lại cho nhau ở những chỗ không ai ngờ, khi thì cộng hưởng lẫn nhau để tạo ra những âm sắc đầy lạ lẫm. George Martin, khổng hổ danh là nhà sản xuất đại tài với khả năng cân bằng giữa nhứng tầng tầng lớp lớp âm thanh, đã thâu tóm gần như hoàn hảo tiếng đàn như một giọng hát của Beck, và cả những cung bậc từ giàn dây và trống chơi xung quanh anh.
Thế là lần đầu tiên đã có một album instrumental lọt vào tới vị trí số 4 của Billboard và giành được platinum không lâu sau đó với hàng triệu đĩa bán được.
Cũng từ đó, Jeff Beck chính thức giã từ việc có một ca sĩ cố định trong ban nhạc của mình, bởi đơn giản, tiếng đàn của Jeff Beck đã có đủ những sắc thái như một ca sĩ. Có lẽ cho đến tận bây giờ, Jeff Beck vẫn luôn là nghệ sĩ guitar duy nhất mà người nghe không bao giờ cảm thấy sốt ruột khi anh chơi chậm lại, thấy mệt mỏi khi anh chơi nhanh lên, bởi đơn giản, Jeff Beck không bao giờ chơi một nốt dở. Có tất cả các khoảng lặng dài ngắn cho tiếng đàn của Beck, nhưng dường như không đủ để thêm một phần hát nữa.
Sự nghiệp rộng mở sau đó tiếp tục đem tới cho Jeff Beck những tay keyboard cự phách để hợp tác cùng như Jan Hammer (từ band của Mahavishnu) và Tony Hymas, cùng với vô khối những tay trống “lành nghề” như Simon Phillips hay Terry Bozzio. Điểm chung của tất cả những người đồng đội này ư: virtuoso và đều có khả năng viết nhạc.
4. Anh thợ máy chơi guitar
Đám phê bình âm nhạc ganh ghét thì vẫn luôn lấy cái sự không viết được nhạc hit của Jeff Beck ra để châm chọc và thậm chí cho anh chỉ là một nhạc công vươn tới tầm một kỹ thuật gia. Jeff Beck chưa bao giờ có vấn đề với việc đó, vì bình sinh anh vốn là một kỹ thuật viên xe hơi chứ còn gì. Sở thích về độ xe của Beck có lẽ không kém gì cây đàn guitar, và bạn hoàn toàn có cơ sở để hồ nghi rằng có khi đầu óc của Beck không thể viết nhạc vì bận phân tán vào xe cộ. Chứ sao, Beck là một thợ hàn khung xe cự phách và thường xuyên độ những chiếc động cơ mạnh mẽ vào bên trong những chiếc xe cà tàng. Ngày đầu tiên đi audition cho The Yardbirds, hai tay của Beck còn đầy dầu mỡ, tới mức các đồng đội trong Yardbirds sẵn sàng tán dương Beck là anh thợ máy chơi đàn giỏi nhất hành tinh.
Nhưng ngược lại với đám phê bình, những người cộng tác với Beck chưa bao giờ có vấn đề về chuyện đó mà luôn tìm cách hỗ trợ anh. Tay keyboard Max Middleton sẵn sàng tặng Beck ca khúc “Led Boots” để chọc người-mà-ai-cũng-biết-là-ai-đó trong album Wired (1976), một album tuyệt hay ngay sau Blow By Blow; hay bộ đôi Simon Phillips và Tony Hymas sẵn sàng đem tới “The Pump”, ca khúc kinh điển với phần rhythm như trong một giấc mơ phim viễn tưởng, hoặc “Space Boogie”, ca khúc cầu kỳ đổi nhịp liên tục có lẽ ảnh hưởng tới tất cả các loại Metal cho những người giỏi toán (a.k.a prog), tới album There & Back (1980) của Beck. Jan Hammer thì tặng anh “Escape” trong album Flash (1985) sau đó ẵm luôn giải Grammy, còn bộ đôi Tony Hymas cùng Terry Bozzio sẵn lòng phang hết cả album Jeff Beck’s Guitar Shop (1989) chỉ gồm 3 người cùng Beck, album sau đó ẵm thêm một Grammy nữa cho Best Instrumental Rock.
Bởi có ai mà không trân trọng việc chơi nhạc của Jeff Beck cơ chứ?
5. Tiếng đàn Jeff Beck
Keith Relf, ca sĩ chính của The Yardbirds nhớ về Jeff Beck như sau: “Suốt thời gian tao quen Jeff Beck, lão chả bao giờ lên dây đàn. Thường thì lão vặn lên gần tới xong bỏ đi. Nếu ai đó hỏi sao thì lão chỉ bảo ‘cứ yên trí để lão lo’. Thế là lúc sau, bọn tao đã thấy nốt nào vào nốt ấy vì lão lúc nào cũng nhéo dây”.
Không ít các tay guitar lừng danh từng ngưỡng mộ Jeff Beck đều phát hiện ra cùng một điều khi được cầm cây đàn của anh phía sau sân khấu: đó đều chỉ là một cây Stratocaster bình thường và thậm chí dây đàn còn phô rinh. Nhưng khi nó vào tay Beck, nó sẽ kêu tiếng đàn của Jeff và không ai có thể phát hiện ra Jeff Beck chơi một nốt nào sai. Giai điệu, với đa số chúng ta là nốt và những điểm dừng, nhưng có lẽ với những người như Beck, đó còn là tất cả những khoảng trống giữa các nốt nữa. Cùng với cần nhún và những núm vặn trên cây đàn của mình, tiếng đàn của Jeff Beck luôn đẩy người nghe ra khỏi phạm vi của trí tưởng tượng thông thường trên một hành trình luôn đầy sự lôi cuốn, trước khi mỗi người chợt bừng tỉnh và nhận ra trước mắt mình chỉ là một con người với cây guitar của mình.
Điều đó có lẽ giải thích không trọn vẹn tại sao với đám phê bình âm nhạc, việc chỉ ra các điểm yếu trong sự nghiệp đồ sộ của Jeff Beck là việc dễ hơn cả, trong khi không một chuyên gia nào, kể cả những tay guitar cự phách nhất có thể mô tả được trọn vẹn cảm xúc mà Beck mang lại từ tiếng đàn của mình, và hơn thế nữa là Beck đã tạo ra âm thanh đó bằng cách nào.
Chỉ biết rằng đã có rất nhiều người, và sẽ còn rất nhiều người có thể ứa nước mắt mỗi khi nghe bản "Cause We Ended As Lover" của Beck.
Cũng giống như tay keyboard Jan Hammer đã từng thú nhận: “Âm thanh từ Beck đến từ Beck và tay của ổng chứ không phải từ cây guitar. Tao chắc chắn Beck phải làm những trò ‘hắc ám’ với cây guitar của ổng”.
Hẹn gặp lại!
R.I.P Jeff Beck (10/01/2023)
Kcid & Kai