top of page

Jefferson Airplane và Woodstock 1969

Updated: Oct 30, 2023

Chủ nhật ngày 17 tháng 8 năm 1969, lúc đó là 7h sáng của show diễn ngày thứ hai của đại nhạc hội Woodstock. Show này bắt đầu từ 12 giờ trưa hôm trước cho đến giờ, và ban nhạc được giới thiệu sẽ trình diễn cuối buổi này là Jefferson Airplane. 

Đám đông ở dưới cũng đã mệt mỏi. Bản thân ban nhạc Airplane cũng chơi lắc không ngủ suốt 24 tiếng trước đó. Chả thế mà thành viên nữ duy nhất kiêm ca sĩ lên giới thiệu ban nhạc như sau: “Xin chào các bạn, mọi người đã được xem các nhóm nhạc rock nặng trước đó rồi, bây giờ là phần âm nhạc điên loạn chào buổi sáng”

Chưa hết, để chống mệt cho mọi người, Airplane không quên mang theo đống thuốc ảo giác LSD rồi phát cho cái đám hippie ở dưới như phát kẹo M&M. Cần lắm đó thứ chất kích thích sau gần 2 ngày quẩy vừa rồi. Mà cũng hợp thôi vì thứ nhạc mà Jefferson Airplane chơi chính là psychedelic rock - loại nhạc ảo diệu kèm LSD chẳng khác gì thịt chó chấm mắm tôm.


Được cái cô nữ ca sĩ của nhóm cũng xinh đi. Khuôn mặt trái xoan với đôi mắt vô cùng đẹp và ăn mặc cũng sành điệu nên thu hút đám đàn ông vô cùng. Thế nhưng cách ăn nói của cô thì chả khác gì mấy gã lái xe tải (phần giới thiệu của cô ở Woodstock là còn tử tế chán) Có lần diễn ở Chicago Auditorium năm 1973, trước sự ngán ngẩm của cả band và hưởng ứng của đám khán giả ở dưới, cô còn tốc váy lên để chứng tỏ sự “ngại ngùng” vì không mặc đồ lót ngày hôm đó.


Thế nhưng khi cô cất giọng hát thì mọi người đều im lặng.


Grace Slick lúc đầu thực ra chỉ là ca sĩ thay thế. Do album đầu tay Jefferson Airplane Takes Off mang phong cách blues folk chưa gây được tiếng vang về mặt thương mại, nên tận dụng khi giọng ca nữ chính trước đó phải nghỉ sinh, Marty Balin (nam ca sĩ chính sáng lập ra ban nhạc) đã quyết định “bán linh hồn cho quỷ” để tuyển Grace về. Thời đó, chỉ có Janis JoplinGrace Slick là hai nhân vật nữ tiêu biểu nhất trong giới rock n roll. Janis thì không phù hợp lắm với thứ nhạc psychedelic mà Balin theo đuổi, nên Grace đâm ra là sự lựa chọn hoàn hảo. Nắm bắt được mấy tay đánh bass là món khoái khẩu của Grace, Marty cử ngay Jack Casady (tay bass thần sầu của nhóm) đi dụ dỗ Grace về. Kết quả là không những Grace bỏ ngay nhóm nhạc không mấy thành công để nhập hội Airplane, Jack cũng nhanh chóng trở thành người tình đầu tiên trong band của ả. Grace sau đó lần lượt sưu tập thêm những mối tình với Spencer Dryden (tay trống) và Paul Kantner (rhythm guitar) ngay trong band, chừa ra hai ông Jorma Kaukonen (lead guitar) và chính Marty Balin. Grace nhanh chóng gây sức ảnh hưởng mạnh rõ rệt cho nhóm Airplane: ngoài giọng hát cao khoẻ với cách hát kiêu sa có phần phớt ăng lê như vẻ ngoài của mình, ả còn góp bút trong hai bài hát rất nổi: Somebody To Love và White Rabbit. Chính hai bài này đã trở thành hit thành công nhất giúp đưa tên tuổi nhóm Jefferson Airplane lên thị trường âm nhạc của Mỹ và thế giới. Airplane trở thành một chuẩn mực của thể loại psychedelic và là quy chiếu cho âm nhạc của cả San Francisco.


Tất nhiên không thể phủ nhận tài năng các thành viên còn lại, khi đều được khán giả và giới phê bình nhiệt liệt đón nhận. Jack (bass) - người tình đầu tiên của Grace trong band - có khả năng tạo ra những câu bass giai điệu mượt mà nhờ bàn tay trái dịch chuyển lên xuống liên tục. Gã phán là nếu đã chơi nhạc, kể cả đàn bass thì phải có được âm sắc cho riêng mình. Mà gã làm được thật, thể hiện ngay ở chỗ mỗi bài của nhóm đều có câu bass riêng đầy sáng tạo. Thế nên đến khi đám học sinh sau này học ờ "lò" của gã phải thốt lên là đánh theo những bài của Airplane sao khó thế. Đỉnh cao là màn solo bass dài trong bài “The Ballad of You & Me & Pooneil” ở Woodstock, là phần phô diễn tuyệt chiêu khiến cho cả hội im thin thít theo dõi. Spencer (trống) - người tình thứ hai của Grace vốn là cháu của danh hài Charlie Chaplin. Trước khi tham gia band, gã này đánh nhạc trong một câu lạc bộ thoát y. Nhờ gốc gác từ phong cách jazz hiện đại, cách đánh cho Airplane cũng vì thế mang đến âm sắc riêng cho nhóm. Chẳng hạn như trong bài "White Rabbit" nổi tiếng, gã đánh theo lối nhịp của bản hoà âm Bolero của nhạc sĩ Maurice Ravel để tạo ra nhịp điệu mê hoặc, hay như trong "Somebody To Love" và "Volunteers" (những bài được biểu diễn tại Woodstock) lại có sự dồn dập liên tục trong các khuông nhạc. Giống gã đánh bass, tiếng trống của Spencer không phải chỉ làm nền mà thi thoảng nổi trội nhờ những câu licks của riêng gã. Bài "Somebody To Love" trong Woodstock hôm đó còn được gã biến chuyển điêu luyện với phần solo ở khúc giữa sướng tai lắm.  Paul (rhythm guitar) - người tình thứ ba của Grace thì là trưởng nhóm của Airplane và là người sáng tác chính cho cả hội. Không chỉ phụ trách phần nhịp điệu mà gã còn thi thoảng góp giọng bè thứ ba cho band. Tài năng là vậy nhưng cũng rất cứng đầu và là kẻ si tình. Gã yêu cô ca sĩ kia thầm lặng và cố chờ cho đến khi cô bỏ tay đánh trống (!), gã nhanh chóng nắm lấy cơ hội nhảy vào. Quả xứng tầm trưởng nhóm khi cố gắng không gây chia rẽ nội bộ, và sau đó hai người có chung đứa con gái. Jorma (lead guitar) thì như ông anh cả của band và cùng với Marty thuộc nhóm không (được) qua đêm với Grace. Phong cách nhạc blues và cực kỳ hâm mộ Cream đặc biệt là Eric Clapton, gã thành thạo fingerstlye trên guitar thùng từ rất sớm. Cho đến khi chuẩn bị vào nhóm Airplane, gã mới bắt đầu tiếp xúc đàn điện và bị mê hoặc bởi âm thanh “công nghệ” và sau đó ứng dụng âm nhạc reaggae vào psychedelic rock của Airplane. Hồi đó chưa xuất hiện nhiều loại phơ phá tiếng, nên gã thường thử nghiệm các loại âm thanh qua hiệu ứng tiếng fuzz và wah wah là chính. Được xếp ở vị trí thứ 54 trong các tay guitar vĩ đại nhất theo tạp chí Rolling Stone là sự ghi nhận xứng đáng với Jorma, khi màn jam của gã cùng với tay đánh bass trong trường đoạn solo "The Ballad Of You & Me & Pooneil" mới chất làm sao. Như sau này gã thường dạy đám học sinh: trong âm nhạc (đặc biệt là nhạc của gã), không có nốt nào là thừa cả. Thế nên không đánh được thì thôi, mà cũng không được ăn bớt.


Sức ảnh hưởng của Grace tới nhóm càng ngày càng trở nên mạnh mẽ, thậm chí lão quản lý còn bị đuổi vì Grace không thích, và ép cả nhóm phải chọn “hoặc ả hoặc lão kia lên đường”. Marty (ca sĩ nam chính) bắt đầu nhận ra bản thân mình bị lấn át về hình ảnh và danh tiếng dẫu cho gã là người thành lập ra nhóm. Gã bắt đầu tỏ ra khó chịu và không thèm bận tâm nói chuyện trao đổi với cô bạn hát cùng. Marty từ đó chỉ lo tập trung gồng mình thể hiện giọng nam cao đầy nội lực của mình, để khi song ca với cô ả kia, giọng gã không bị lấn át mà ngược lại, đối trọng với cô ta một cách quả quyết, như cách gã đối trọng với cô ngoài đời. 


Thế nhưng mọi quyết định đều có cái giá của nó. Marty quên mất rằng chính gã là người đầu tiên tòi ra ý tưởng bán linh hồn của nhóm cho quỷ để có được giọng ca quyến rũ ma lực của Grace. Thái độ phản ứng của gã dần bị các thành viên gây sức ép lại với chính Marty bằng việc phê phán những bản sáng tác theo hướng ballad của gã đi ngược với phong cách mang tính thử nghiệm, ngẫu hứng mà cả band đang theo đuổi. Dù sao thì Marty cũng nên hài lòng, vì cuối cùng Jefferson Airplane cũng được vinh danh tại Rock n Roll Hall Of Fame nhờ những sản phẩm âm nhạc kinh điển qua các album thuộc dạng classic như Surrealistic Pillow (1967), After Bathing at Baxter’s (1967), Crown of Creation (1968), Bless Its Pointed Little Head (1969) và Volunteers (1969). Mời các bạn nghe thử bài "Wooden Ships" mà nhóm chơi ở Woodstock hôm đó (nếu có đủ thời gian). Tếu cái là mặc dù nhóm Crosby, Stills & Nash (and Young) cũng trình diễn cùng bài này ở buổi tối sau đó, nhưng bản của Airplane - đúng là như được trợ giúp từ ma quỷ, được đánh giá tốt hơn nhiều và đỉnh hơn nhờ sự phối hợp ăn ý từ phần hát song ca cho đến đoạn jam dài nhưng hay thần sầu của của cả hội.


Trong buổi diễn dài 100 phút với 13 bài hôm đó của Jefferson Airplane, không hiểu do công dụng của LSD hay là quỷ nhập vào cả giàn âm thanh, mà người nghe có thể nghe rõ từng âm của giọng hát bè đôi, tiếng trống, bass, guitar rhythm và lead một cách rõ ràng tách biệt và có cá tính riêng, nhưng vẫn hoà quyện thành thứ siêu âm thanh của Jefferson Airplane. 

Marty Balin, Grace Slick ôm Spencer, Paul, Jorma, Jack

Bài viết trên đây của tôi thực ra chỉ mang tính giả thuyết. Cũng có khi Grace Slick không phải là con quỷ cái, mà Marty vì ghen tuông mà chuyển sang... ghen ghét. Mấy thứ thuốc kích thích như LSD mà cả hội dùng như bữa ăn hàng ngày , có khi cũng góp phần khiến cho không ai có thể suy nghĩ thấu đáo.


Đấy, nói chứ cô gái xinh đẹp như Grace mà sống được trong thế giới Rock N Roll của bọn đàn ông thì cũng phải chơi chất kích thích qua ngày. Chả thế mà lúc sau này khi cô cai nghiện rồi, cô cũng từ bỏ với thế giới nhạc rock điên loạn này để quay về cuộc sống đời thường và không mấy xuất hiện nữa. 


Thế nên, đừng chơi thuốc nhé các bạn.


Hẹn gặp lại.


Kink

544 views
bottom of page