Thuở mới chập chững tập chơi guitar, tui còn nhớ ông bạn nọ đánh bài gì phải kỳ cục vặn dây E trầm xuống thành D trầm (mãi sau mới biết đó là Drop D tuning). Đó quả đã là một chiêm nghiệm đầy tính cách mạng trong chơi guitar thời đó. Riết rồi không chỉ có Drop D, mà còn có Drop C và đủ các loại drop khác, và rồi ta bỗng biết tới những Tony Iommi phải vặn dây standard tuning chùng xuống vì mấy ngón tay bị thương, những Jeff Beck thậm chí còn chơi với cả bộ dây đàn thậm chí không cần chỉnh cho đúng, rồi những Keith Richards chơi với Open G tuning sở trường, và còn vô số những cầm thủ guitar quái đỉnh khác đã nghĩ ra đủ trò với bộ dây đàn của mình.
Thế rồi có cả nghệ sĩ nhạc Folk Rock như Joni Mitchell, người mà khi tự thống kê lại mới thấy bản thân cô đã chế ra không ít hơn 50 kiểu lên dây đàn trong suốt sự nghiệp sáng tác, ghi âm, và biểu diễn của mình.
Sinh ra tại Canada vào năm 1943 với tên cúng cơm Joni Anderson, chắc hẳn nhiều người đã biết tới chuyện Joni Mitchell bị mắc phải bệnh bại liệt khi mới lên 9 tuổi. Trong thời gian ở bệnh viện, Joni Mitchell tự tập ukulele và tập hát, và sau khi rời khỏi đó, Joni bắt đầu tập sang đàn guitar. Dù sau đấy may mắn chữa được căn bệnh này, tay trái của Joni Mitchell có vẻ yếu trong khi tay phải của cô đã phục hồi và khỏe hoàn toàn. Tin tui đi, tập strumming lên xuống theo cánh tay phải của Joni Mitchell có thể khiến cho bạn mệt như tập gym vậy.
Và không biết vì tay trái bị yếu có phải là lý do hay không, nhưng cũng giống như Toni Iommi của Black Sabbath – người có 2 ngón tay bị cụt mất chỏm với phần da không bao giờ liền lại – Joni Mitchell đã phải vặn guitar chùng xuống để có thể bấm dễ hơn. Việc chơi với Open Tuning là kiểu lên dây đàn với các dây buông được canh sẵn ở các nốt trong hợp âm (ví dụ như Open E Tuning là E-B-E-G#-B-e thay vì kiểu tiêu chuẩn là E-A-D-G-B-e), Joni Mitchell không những mở ra một lối chơi guitar đơn giản hơn cho tay trái của mình, mà còn nhờ đó tạo ra được những hợp âm lạ tai mà với cách lên dây đàn thông thường, sẽ thường rất khó để bấm.
Joni chuyển tới Mỹ vào giữa thập niên 60s và tới năm 1965 với nghệ danh Joni Anderson. Cô đổi nghệ danh sang Joni Mitchell nhờ cuộc hôn nhân ngắn ngủi với ca sĩ Chuck Mitchell, người luôn muốn ép cô trở thành một cặp song ca kiểu như Ike & Tina Turner. Dĩ nhiên với cá tính âm nhạc của mình, Joni đã không thể chịu được sự áp đặt về sáng tạo của người khác, và bất chấp việc thời gian đầu cô chẳng có hợp đồng ghi âm, Joni Mitchell sẵn sàng đi hát ở quán và chấp nhận luôn việc những ca khúc đầu tay cô viết như “Both Sides, Now” trở thành hit của Judy Collins trước khi mọi người biết đến cái tên Joni Mitchell.
"Both Sides, Now" trở thành hit của Judy Collins trước khi Joni Mitchell có album đầu tay
Không chỉ thế, việc chơi ở các tuning độc đáo đã tạo ra một âm sắc cực kỳ đặc trưng của Joni Mitchell khi dây đàn của cô không ở độ căng và chùng như dây đàn bình thường ở Standard Tuning. Khán giả ở các phòng trà không ít lần cảm thấy ngạc nhiên vì có cô ca sĩ nọ chỉnh dây đàn kêu “kỳ cục” như amateur, nhưng rồi sau ngay đó hớp hồn họ bởi những ca khúc tự viết đầy mượt mà và những câu chuyện đầy tự sự.
Xin không lạm bàn tới những câu chuyện đời tư của Joni Mitchell, cũng như tranh luận xem nhạc của Joni Mitchell là Folk, Pop, hay là Jazz. Trong giới hạn phạm vi bài viết này, chúng ta hãy cùng thử đi vào 3 ví dụ trong 3 album khác nhau của Joni Mitchell để thấy sự biến ảo vi diệu trong cách chơi guitar của cô này, và hy vọng EmoodziK có thể mua vui cho bạn được một lúc trong ngày Chủ Nhật đẹp trời như thế này.
1. "Big Yellow Taxi" trong album Ladies of the Canyon (1970)
Chơi ở Open E nhưng lên dây ở Open D (D-A-D-F#-A-D) với capo ở phím 2 để trở thành Open E.
Cách lên dây guitar ở Open Tuning – thông thường nhất là Open D Tuning (D-A-D-F#-A-D) hoặc Open G (D-G-D-G-B-D) và đôi khi là Open E (E-B-E-G#-B-E) – thực ra cũng không phải do Joni Mitchell nghĩ ra, nhưng chắc chắn là một trong những người dùng nhiều nhất. Thậm chí, có lẽ trong suốt sự nghiệp dài đáng nể của Joni Mitchell, chỉ có vài bài như “Tin Angel” hay “Urge for Going” là được lên dây theo cách tiêu chuẩn!
Lối chỉnh dây theo open tuning quả nhiên vi diệu bởi vì chỉ cần 1 ngón tay chặn 6 dây (hoặc để buông) là ta đã có hợp âm major (thay vì tốn khoảng 3 ngón như thông thường), trong khi bàn tay còn tới 3 ngón còn lại để thêm những nốt "phụ gia" để tăng giảm tông màu của hợp âm đó.
Trong những lần phỏng vấn của mình, Joni Mitchell đã không ít lần nhận là cô xây dựng cách chơi nhờ ảnh hưởng từ những tay guitar nhạc Blues ngày xưa, thực ra cũng chỉ có ba hoặc bốn thế Open Tuning thông dụng (như đã nhắc ở trên). Cho tới khi Joni phát hiện ra Neil Young sử dụng Open D Tuning rất nhiều, còn Keith Richards thì là chuyên gia của Open G Tuning, mọi thứ bỗng trở nên rất rõ ràng với Joni.
Nhắc đến Keith Richards, cũng vì chơi ở Open Tuning (mặc dù thường thì Keith hay chơi ở Open G), ta thường bắt gặp những câu nhạc ở đầu và cuối mỗi đoạn mà Joni Mitchell thường hay đá giữa hợp âm trưởng và hợp âm 6 (A và A6), và trưởng và hợp âm 6sus4 (A và A6sus4) không khác gì cách chơi thường thấy của Keith Richards (“Brown Sugar” là một ví dụ điển hình). Lý do đơn giản là vì lối chỉnh dây ở Open Tuning đã giúp Joni Mitchell có thể đảo qua chao lại giữa 2 hợp âm này cực đơn giản bởi chỉ cần chặn cả phím số 7 là cô đã có A Major, và thêm ngón áp út ở phím số 9 trên dây 2 là có thể đảo qua A6.
Trong khi đó, với cách lên dây thông thường, ta thường phải bấm chuyển giữa A Major và A6 như sau:
Cách bấm này nghe sẽ không “đã” được như cách của Joni Mitchell, bởi sự chao qua chao lại giữa nốt E và F# trên dây 3 nghe không được “cool” như cách của Joni trên dây 2. Các câu Blues và Rock n Roll điển hình chơi giữa A – A6 cũng thường ở 2 dây trầm nghe mới “đã”. Nếu như thử chơi hợp âm A với cách chặn trên phím 5 (tuning tiêu chuẩn) để cố tạo ra độ chao giữa nốt E và F# trên dây 2, thì điều này gần như là không thể bởi vì ta sẽ không có đủ … ngón tay để bấm, trừ khi phải hy sinh một nốt khác trên dải 6 dây cho hợp âm này (thường tui hay bỏ nốt C# và chơi 3 dây như power chord – nghĩ nó chán).
Sự thay đổi giữa hợp âm D trưởng và hợp âm D6sus4 (hay còn gọi là hợp âm Keith Richards) cũng là một tuyệt chiêu mà Joni Mitchell đã làm y chang như cách của Keith và tạo ra cái không khí hừng hực tương tự, cũng chỉ đơn giản với thêm 2 ngón được bấm trên dây buông.
Cách chơi này khá là phổ biến trong các album đầu của Joni Mitchell, từ album đầu tay Song to a Seagull (1968) cho tới album tuyệt tác Blue (1971) của cô. Và không phải nói quá, chớ nhờ có Joni Mitchell mà Kai tui thực ra mới biết cụ Keith Richards chơi ở Open G Tuning chứ không phải ở tuning tiêu chuẩn.
2. "Hejira" trong album cùng tên (1976)
Chơi với tuning C-G-D-F-G-C. Đa số các dây đều chùng hơn so với bình thường và dây C lớn thì chùng hẳn.
Bởi vì Joni Mitchell nghĩ ra quá trời cách tuning cây guitar của mình, cô cũng nghĩ luôn ra cách để ghi nhớ chúng. Chẳng hạn, cô sẽ không gọi là Open D theo kiểu thô kệch tui vừa làm là ‘D-A-D-F#-A-D’ mà sẽ gồm nốt gốc ở dây dưới và môt dãy số, ở đây sẽ là ‘D75435’. Tuning kiểu tiêu chuẩn sẽ là ‘E55545’ (thay vì E-A-D-G-B-E).
Bạn đã đoán ra chưa, các con số phía sau nốt gốc sẽ là khoảng chênh giữa nó và dây tiếp theo. Điều này giúp bạn nhớ cả sự liên quan giữa các loại tuning với nhau, và nhờ đó có thể thử nghiệm thêm những loại khác từ những cái mình đã biết. Hãy quên đi các thế tay bấm hợp âm quen thuộc, bạn có thể tự do tạo ra các hợp âm mới miễn là nghe cool, và mỗi khi gặp khó khăn, nếu nhìn vào các khoảng chênh giữa các dây, bạn đều có thể dễ dàng quay ngược lại hợp âm cho nốt gốc ở trưởng, thứ, và hợp âm 7 của nó.
Album thứ 8 của Joni Mitchell mang tên Hejira (1976) đánh dấu một bước chuyển rõ rệt khi Joni Mitchell không còn chơi nhạc Folk theo kiểu thưởng thấy với cây đàn guitar chủ đạo, mà cùng với cả ban nhạc gồm nhiều nghệ sĩ nhạc Jazz – trong trường hợp này là các nghệ sĩ session gạo cội như Jaco Pastorius chơi bass và Larry Carlton chơi lead guitar. Xuyên suốt album là những câu bass mập mạp trên cây fretless bass bổ trợ cho cái không gian guitar miên man kể về những chuyến đi của Joni trong suốt album này.
Track “Hejira” được chơi với những hợp âm tuyệt đẹp. Đặc biệt khi guitar được căn với nốt bass là C, tiếng đàn của Joni Mitchell bỗng trở nên lạ lắm, bởi cô dường như thường “đạp” nhẹ vào dây thấp để tạo ra giọng trầm, trong khi những ngón tay ở các dây trên rải theo chiều ngược lại (giống như "up picking"). Trong một lần phỏng vấn, Joni Mitchell đã thừa nhận khi bắt đầu tập đàn, cô cố tập gảy theo cách của Elizabeth Cotton, một nghệ sĩ nhạc Folk lừng danh, nhưng thay vì tạo ra câu bass đều đặn ở dây 6 và 5 rồi 6 và 5 liên tiếp như cách truyền thống, cô chỉ đạp mạnh vào dây 6 thấp nhất và đá cả sang dây tiếp theo – và tự nhiên nó đã trở thành âm sắc đặc trưng của Joni Mitchell với một khoảng cách sâu thẳm giữa nốt bass (chưa chắc đã là nốt gốc của hợp âm) và những nốt cao.
Bản “Hejira” này còn mang một đặc trưng khác của Joni Mitchell với rất nhiều hợp âm sus (suspended chord) liên tiếp. Cách làm nhạc với rất nhiều hợp âm sus liên tiếp có lẽ cũng đi ngược lại với quan niệm truyền thống, khi lý thuyết thường nói rằng hợp âm sus thường có độ thiếu bền vững do thiếu đi nốt bậc 3 trong hợp âm, và sau hợp âm này thường người ta sẽ phải quay về hợp âm trưởng hoặc thứ để giải tỏa nó. Nhưng Joni Mitchell lại không nghĩ vậy. Trong nhiều bài phỏng vấn, cô thường mô tả việc đi từ hợp âm sus này sang hợp âm sus khác giống như đi từ cảm giác chơi vơi này đến cảm giác chơi vơi khác, và trong khi Joni sáng tác, mỗi khi cô chưa thể tự giải quyết được cái sự chơi vơi của mình, cô sẵn sàng để cho nhạc của mình không được “giải tỏa”.
3. "The Wolf That Lives in Lindsey" trong album Mingus (1979)
Chơi với tunning C-G-Eb-F-Bb-D. Lưu ý là 2 dây bass thấp đều thấp hơn tiêu chuẩn nhưng dây thứ ba lại căng hơn bình thường (màu cam).
Có một lý do tui nghĩ khiến nhiều người thích tiếng đàn của Joni Mitchell: cây guitar của cô dường như không “kêu” như một cây guitar. Tiếng nốt bass ở dây thấp thường như được “đạp” ra như tiếng trống lẫn bass, trong khi những tiếng ở dây cao thường du dương vang vọng lâu hơn tiếng guitar bình thường – có lẽ cũng bởi bản thân nó được chơi ở nhiều dây buông. Joni Mitchell cũng thường thừa nhận trong các bài phỏng vấn của mình, rằng khi chơi guitar, cô thường nghĩ tới một dàn nhạc: ba dây cao giống như bộ đồng, và ba dây dưới giống như cello, viola, và bass.
Khi tui lần mò trong album Misses (1996), một album chọn lọc của Joni Mitchell với những ca khúc mang nhiều tính thể nghiệm – và nhờ đó là cái tên Misses để đối trọng với Hits cũng là một album chọn lọc khác của Joni – tui đã phải nghe đi nghe lại bản “The Wolf That Lives in Lindsey” này.
Nó bắt đầu đầy lạ lẫm bẳng tiếng guitar ở dây C thấp nhưng được chơi như tiếng “slap bass” tạo ra cảm giác khá ghê rợn, để rồi sau đó các nốt ở trên cao bắt đầu lấp dần cái không gian âm nhạc khô khốc đó, nhưng cái âm hưởng của mấy âm trầm lúc nào cũng lẩn quất ở đó mang theo sự ám ảnh cho tất cả các hợp âm được chơi sau đó.
Để giải thích thêm, Joni Mitchell đã từng chia sẻ có rất nhiều cách lên dây đàn cô lên dây theo không gian xung quanh. “The Magdalene Laundries”, một track khác trong album Misses nọ (từ album Turbulent Indigo 1994) thì có tuning B-F#-B-E-A-E là từ tiếng chim mà cô nghe được trong không gian và cả những tần số mà cô cảm nhận được khi ngồi trên một tảng đá ngày hôm đó. Tui biết giải thích thế nào để điều này trở nên dễ chấp nhận?
Có lẽ không có ai có thể có cùng cảm nhận như Joni Mitchell để có thể hiểu hết những phương pháp cô tạo ra âm nhạc của mình. Chỉ có điều chắc chắn, dù đó là Folk, Jazz, hay nhạc Pop đi nữa, thì những hợp âm và giai điệu của Joni Mitchell đều nghe đầy ấn tượng theo nhiều cách thú vị. Sẽ rất khó để mô tả những thứ ta “nghe” được bằng mấy con chữ và hình vẽ thô sơ trong bài viết này, nhưng tui vẫn hy vọng nếu bạn cảm thấy một trong những điều trên có vẻ hợp lý và thú vị, hãy dành thêm thời gian để nghiên cứu nhạc của cô này.
Một vài tuning khác để các bạn tham khảo và nghịch chơi:
“Cherokee Louise”: D-A-E-F#-A-d
“Cool Water”: D-A-E-G-A-d
“Amelia”: E-B-E-G#-B-e
Hẹn gặp lại!
Kai