"Các con nghe này! Khi việc đó xảy ra, không được tỏ ra giận dữ. Các con phải thật bình tĩnh. Trả lời đúng câu hỏi của họ nhưng không được nói gì thêm. Nếu làm rơi thứ gì đó thì để nguyên thế, cấm có nhặt lên. Một ngày, các con sẽ ngồi trên xe cùng với bố. Và chúng ta sẽ bị cảnh sát bắt dừng xe lại. Có thể bố phạm một lỗi gì đó khi đang lái xe hoặc có khi bố không phạm lỗi nào cả. Thế nhưng các con sẽ thấy bố đặt hai tay lên trên xe như thế này. Các con cũng phải làm như vậy. Giữ nguyên hai tay ở vị trí như vậy bởi vì bất kỳ chuyển động nào cũng khiến cảnh sát lo ngại. Và nếu bố không ở đó thì các con phải nhớ luôn để tay ở vị trí mà cảnh sát họ có thể nhìn thấy được." Lời dặn dò ngay đầu bộ phim The Hate U Give (2018) của người bố dạy ba đứa con mới chỉ chưa đến 10 tuổi trong bữa cơm tối khiến tôi rùng mình khi ông bố lặp lại mấy lần việc đưa hai tay lên cao ở tầm mà đám cảnh sát nhìn được. Những vụ cảnh sát bắn chết người dân da màu vì tưởng nhầm họ có súng là một sự thật đến ám ảnh đặc biệt có những nạn nhân mới ở tuổi vị thành niên. Và như bộ phim The Hate U Give miêu tả rất chân thực về nạn bạo lực và phân biệt chủng tộc của giới cảnh sát với người da màu là vậy. Chuyện gì phải đến cũng sẽ đến. Cô gái trong gia đình đó một lần đi dự tiệc gặp lại cậu bạn từ thời thơ ấu. Cậu ta sau đó đưa cô gái về nhà nhưng bị một xe cảnh sát tuýt còi dừng giữa đường. Có lẽ chỉ vỉ cậu là thanh niên da màu mà lại lái chiếc xe mới và đẹp. Cậu ta tranh cãi với tay cảnh sát còn cô gái thì không ngừng việc cầu xin cậu ta đưa tay lên trên xe như lời ông bố dạy. Cô lo sợ lắm! Và đúng lúc cậu bạn đứng ngoài xe đang với tay xuống lấy cái lược là lúc cậu bị tay cảnh sát bắn chết vì ngỡ là cậu định lấy khẩu súng.
Nội dung của bộ phim khiến tôi nhớ đến bài hát vô cùng hay "Blue Lights" của nữ ca sĩ trẻ Jorja Smith. Dù bài hát đó không nằm trong soundtrack của bộ phim nhưng chúng có điểm chung đều hướng tới nạn phân biệt của giới cảnh sát dẫn tới những cái chết oan uổng của người da màu. ***** Tôi biết đến bài "Blue Lights" của Jorja Smith qua giới thiệu của một thành viên ở page này. Chấp nhận rằng thời nay nhạc R&B không còn quá thịnh hành như trước đây, nhất là sau thời điểm năm 2000, thi thoảng tôi mới kiếm được nhạc R&B hay để nghe hoặc có thể tôi chưa có nhiều nguồn để tìm. Thế nên ở giữa thời kỳ Hip Hop thống lĩnh trong thể loại nhạc chính của người da màu như hiện nay, nghe được những âm điệu tình và mượt mà R&B có âm hưởng Soul và chút Jazz mới thật tươi mới làm sao. Nhạc của Jorja Smith cũng không bị thương mại hóa để chạy theo xu thế hiện tại.
Trước đó tôi có tình cờ nghe và cực thích giọng của Jorja trong bài "I Am" ở đĩa soundtrack phim Black Panther với Kendirck Lamar. Kiểu hát nghe hơi dấm dẳng do cách nhả chữ đôi lúc không rõ ràng là điểm khác biệt trong giọng hát của Jorja mặc dù thực tế cô kiểm soát các nốt cực tốt.
Sau khi dành thời gian nghe album Lost & Found, điều tôi bất ngờ là khả năng sáng tác của Jorja. Mỗi bài hát đều có một giai điệu rất tình cảm theo cách riêng. Như "Teenage Fantasy" được Jorja sáng tác khi mới 16 tuổi kể về cảm xúc tình yêu còn bồng bột của tuổi trẻ, hay "The One" là bản nhạc buồn về sự do dự trong mối quan hệ tình cảm dù là khi kẻ đối diện dường như có đủ các ưu điểm hoàn hảo. Các bài hát của Jorja nhìn chung đều mang nét đượm buồn nhờ giai điệu cực “thảm” ở những chuỗi hợp âm thứ trên nền piano/keyboard được chỉnh âm sắc ấm áp, và đa phần là về tình yêu tuổi trẻ.
Vậy mà tự dưng trong đĩa Lost & Found, bài "Blue Lights" lại khác biệt với phần nội dung trưởng thành hơn khi Jorja hướng tới cái chủ đề cực nhạy cảm - sự tàn bạo của cảnh sát. Như lời dặn dò mà người bố trong phim The Hate U Give, lời bài hát "Blue Lights" đặt câu hỏi “What have you done?” và là lời cảnh tỉnh cho đám thanh niên da màu rằng “There’s no need to run / If you’ve done nothing wrong / Blue lights should just pass you by”. Đối với người da màu, kể cả ở Mỹ hay Anh, họ đều bị cảnh sát để ý và dè chừng hơn vì một định kiến chết người rằng người da màu sẽ có khả năng phạm tội hơn. Ánh đèn xanh nhấp nháy từ xe cảnh sát luôn đánh thức sự chột dạ của người da màu dù họ có khi chẳng làm điều gì sai. Tương tự như lời người bố trong phim nói, luôn nhớ để hai bàn tay ở vị trí cao cho cảnh sát nhìn thấy và không manh động, thì Jorja khuyên họ không nên chạy vì điều đó chỉ khiến cảnh sát sinh nghi và dễ nổ súng hơn. Vậy nên cô chỉ ước biến thứ ánh đèn nháy xanh của cảnh sát thành thứ "ánh sáng tĩnh" để không còn những vụ người da màu bị cảnh sát giết một cách oan ức. Cái khéo trong nhạc của Jorja Smith nói chung và bài "Blue Lights" nói riêng là âm sắc ấm và chill theo chất R&B hiếm thấy trên nhạc thị trường hiện nay. Tiếng đàn keyboard trong "Blue Lights" có câu dạo ngắn cực đặc trưng giữa những quãng chuyển tạo cho tôi hình dung một màu sắc lung linh ấm áp.
Đó có thể là màu sắc xanh tĩnh, hay màu sắc xanh “thần tiên” mà Jorja ước thay cho ánh đèn nháy đáng sợ của chiếc xe cảnh sát. Thế nhưng nếu nghe kỹ, âm sắc của tiếng keyboard này còn có độ rung nhẹ và hơi méo tiếng khiến cho người nghe hình dung ra một khung hình như đang nhoè đi của một kẻ đang chạy khỏi tiếng còi của chiếc xe cảnh sát đằng sau, mà không thể biết kết cục của câu chuyện sẽ ra sao. Ngoài "Blue Lights", Jorja còn băn khoăn về sự bất bình đẳng trong xã hội được kể trong bài rap duy nhất trong đĩa với cái tên "Lifeboats", một hình ảnh ẩn dụ của sự trú ngự an toàn. Cô tự hỏi sao người giàu thì luôn là những kẻ được sống sót và bỏ mặc những người xung quanh cô ngày chìm một sâu xuống.
“So why are all the richest staying afloat? Seeing all my brothers drowning even though they nicked the boat Mothership ain't helping anyone See, the ships are getting bigger, full of greedy wasteful men” Dù là Jorja không phải là nhân vật chính trong các câu chuyện về sự đau khổ trong tình yêu hay các vấn nạn của xã hội, nhưng cô thay mặt kể lên những câu chuyện buồn đó qua những bản nhạc buồn bằng một giọng ca mê hoặc. Lost & Found thực sự là một sản phẩm âm nhạc R&B tuyệt vời đầy chất Soul tình tứ bất ngờ của một cô gái lúc ấy mới 21 tuổi.
Hẹn gặp lại!
Kroon