top of page

Judas Priest: mấy gã khờ

Họ có 18 album phòng thu, 6 album biểu diễn cực bốc, một sự nghiệp vững chãi trải dài hơn 4 thập kỷ và là nguồn cảm hứng bất tận cho rất nhiều thế hệ chơi nhạc Rock nặng. Về tài năng, họ có hai tay guitar thượng thừa luôn có mặt trong các top những tay guitar heavy metal vĩ đại nhất, và một ca sĩ có giọng ca chới với không có nhiều người có thể theo kịp. Khi thế giới còn chưa kịp khám phá ra Glam Rock ở thập niên 80s, Judas Priest là ban nhạc đỉnh nhất giữ lửa từ những người “cũ” của thập niên 70s cũng như nối nhịp cho hai bờ Đại Tây Dương. Họ là band hiếm hoi cùng với UFO tiếp sau những bậc tiền bối như Led Zeppelin và Black Sabbath ở cuối thập niên 70s vừa thành công ở Anh, vừa thành công ở Mỹ.

Thế nhưng album bán tốt nhất của họ, Screaming for Vengeance, chỉ bán được vỏn vẹn hơn 5 triệu đĩa tính tới thời điểm hiện tại. Thậm chí mấy nghệ sĩ viết nhạc cự phách này còn không nhận được đồng nào từ hai album đầu tiên của họ, Rocka Rolla và Sad Wings of Destiny.

Cái cuộc chơi ai trở thành ngôi sao nhạc Rock kể ra cũng hấp dẫn với khối người, với ánh sáng sân khấu, khán giả cuồng nhiệt, và những cuộc vui bất tận với riệu và các cô gái; nhưng đâm ra cũng lại cực kỳ trớ trêu với những người trong cuộc khi mãi bắt nhốt họ trong những cuộc vui không kết thúc và những kẻ ở trong đó thì không thể trưởng thành. Có lẽ đã không còn quá lạ lẫm với khán giả về việc các ngôi sao nhạc Rock không biết làm những thứ đời thường như đi siêu thị hay gọi taxi, thậm chí phá sản vì không thể quản lý nổi số tiền mà họ kiếm ra.

Và dù không có gây được tiếng vang về việc làm những trò ngu ngốc hay gây sốc, Judas Priest vẫn không có ý định chứng tỏ họ khá khẩm gì hơn những kẻ khờ khạo nhất trong suốt sự nghiệp trải dài hơn 4 thập kỷ, trước khi bỗng nhiên nhận ra họ đều đã ở tuổi 60 và ngẫm lại “giá như” họ có thể làm khác đi một điều gì đó và ở thế giới tồn tại song song, có thể Judas Priest đã có thể vĩ đại như Iron Maiden, một kẻ vốn từng chỉ bám đuôi theo họ.

1. Giá như họ không quá dễ dãi với hãng đĩa

Judas Priest (JP) lúc đầu chỉ bao gồm K.K Downing (guitar), Rob Halford (hát), và Ian Hill (bass) cùng một tay trống vốn là bạn của Rob Halford. Cái tên band cực kêu hóa ra không phải được mấy vị này nghĩ ra, mà là được K.K Downing thó lại của người tiền nhiệm của Rob Halford, ca sĩ Al Atkins, người trước đó rủ K.K Downing tham gia band xong nghỉ vì nghèo.

Vốn xuất thân từ mấy gia đình không phải là khá giả, kể ra cũng tốt khi bộ ba này có thể theo đuổi ước mơ trở thành ngôi sao nhạc Rock ngay cả khi họ không có tiền. Việc trở thành ngôi sao nhạc Rock bỗng trở thành con đường “thoát nghèo” gần như duy nhất và cũng thật là cool. Nó giúp cho mấy anh em ở thuở sơ khai của JP có thể miệt mài luyện tập và đi diễn trên những chiếc xe van xập xệ trong nhiều năm, cũng như trui rèn họ thành một đội cực đoàn kết và hiểu ý. Nhưng hóa ra cũng không phải tốt mấy khi Judas Priest bắt đầu được hãng đĩa Gull để ý, và cũng có khi lúc này anh em đã bắt đầu kiệt quệ về tài chính lẫn sức hấp dẫn khó cưỡng của việc có hợp đồng thu âm, mà JP đã đem những gì tốt nhất họ có chỉ để đổi lấy vài năm sôi động và một chiếc xe bus để đi lưu diễn có vẻ bự hơn.

Thực tế phũ phàng bắt đầu ngay từ khi thu album đầu tay Rocka Rolla, khi mọi việc thật sự như một quả núi vứt trước mặt JP, ban nhạc trước đó chơi live cực cuốn và đã thu nạp được không ít các fan cuồng “địa phương”. Trên giấy tờ, đội hình đẹp còn được dẫn dắt bởi nhà sản xuất kiêm kỹ sư âm thanh Rodger Bain, người trước đó từng thu Paranoid hay Master of Reality cho Black Sabbath, và dĩ nhiên cũng là người được JP cực kỳ ngưỡng mộ với hy vọng sẽ đem đến thứ âm thanh đen tối và nặng trịch là thứ họ hằng theo đuổi.

Nhưng thực tế lại cho thấy không ai có thể đảm bảo thứ âm thanh mà Judas Priest biểu diễn hằng đêm có thể được ghi lại trên mấy cái băng nhựa. Rocka RollaSad Wings of Destiny là hai nỗ lực công cốc khi hãng đĩa Gull tàn nhẫn lược bỏ hết phần “nặng” trong 2 album này để đĩa có thể dễ tiếp cận khán giả và bán được nhiều hơn. Và thế là JP lại tiếp tục è cổ ra đi cày với lịch lưu diễn dày đặc để tiếp tục mang thứ âm nhạc họ theo đuổi đến với đôi tai của người nghe trực tiếp mà không qua mấy cái đĩa than “méo mó” kia.

Chưa kể, hãng Gull cũng không thể có đủ chi phí trả cho JP dù chỉ khoảng 25 bảng Anh/ tuần!!! Cả band phải rất chật vật với số tiền ít ỏi họ kiếm được từ đi tour cho đến khi… chịu hết nổi. JP quyết định rời bỏ Gull và đơn phương phá vỡ hợp đồng bất chấp tương lai thế nào. Bởi dù sao, họ cũng trên rang dưới các tút rồi đâu còn gì để mất nữa.

Đâm ra hậu quả là, sau khi đã nổi tiếng và được khán giả tìm mua lại 2 đĩa đầu, JP hoàn toàn không nhận được đồng nào từ hai album đầu tiên mà tất cả tiền bán đĩa đều về tay Gull. Không tin ư, hãy thử mở Spotify lên mà xem để thấy chính JP cũng không có quyền sở hữu 2 album này của chính họ. Nhắc mới nhớ, trước tôi có cái băng cát sét Rocka Rolla mua mấy chục ngàn đâm ra lại thành đồ quý hiếm vì tôi ít ra còn được sở hữu 2 album đầu của JP.

Khi JP cuối cùng được đón nhận vào vòng tay của Sony với số tiền ứng trước cho album tiếp theo giờ đã là 60.000 (so với 2.000 bảng còm cho 2 album đầu từ Gull), JP mới lờ mờ nhận ra giá trị của một band nhạc Rock có tiếng là như thế nào khi lần đầu tiên trong đời, KK Downing có thể tự mua cho mình một chiếc ô tô cũ – và là chiếc ô tô đầu tiên – bằng số tiền được chia.

Nghe thì kêu đấy, nhưng Sony cũng thật nhanh chóng ép JP phải làm việc cùng với một producer nào đó “có tiếng” – trong trường hợp này là tay bass Roger Glover của Deep Purple, cũng như đưa ra những ý tưởng album phải có bài cover nhạc Pop của những người khác như Joan Baez để thứ nhạc nặng khó tiếp cận của JP có thể đến với nhiều người dễ dàng hơn.

Các đĩa nhạc của Judas Priest vẫn luôn là vậy, luôn có một sự kỳ vọng nhất định dành cho họ để rồi sau quá nửa đĩa, người nghe cảm giác như họ bắt đầu đưa vào các bản filler. Không chỉ những bản cover nhạc Pop, những bản nhạc bị cưỡng ép kiểu như phải có bài ballad oánh Piano theo kiểu của Queen vậy. “Last Rose of Summer” chẳng hạn, và mặc dù JP có thể nhún vai cho rằng đến Black Sabbath còn phải làm ra “Changes” cho theo mốt, rõ ràng “Last Rose” hoàn toàn không ở cùng đăng cấp với “Changes”.

Hãy nhìn sang bên cạnh họ, khi UFO với thần đồng guitar nước Đức Michael Schenker vẫn thoải mái làm ra những nhạc phẩm nặng trịch của họ và ngay cả những bản ballad của họ nghe vẫn thật tự nhiên. Thử tưởng tượng nếu như Sin After Sin có thể được ghi âm với âm thanh nặng như vậy?

2. Giá như họ có một người quản lý xứng tầm

Nhân nhắc đến UFO, có một điều đáng ngạc nhiên là vào thời điểm 1977-1978, chỉ có JP và UFO là tiếp tục theo đuổi con đường Rock nặng. Deep Purple tan rã, Led Zeppelin thì trầy trật với những xui xẻo và tai họa đến cho các thành viên, còn Black Sabbath thì hết chịu nổi vị ca sĩ thất thường Ozzy Osbourne. Các ban nhạc chơi rock nặng nếu không tự hủy hoại mình thì cũng bị chèn ép một cách đáng thương bởi Punk Rock và hầu như không có sân chơi ở nước Anh. Chả thế mà các band rock nặng của Anh đành phải lặng lẽ mò sang Mỹ biểu diễn theo cách này hay cách khác. Nhưng show lớn của UFO cùng Led Zeppelin và Judas Priest ở sân vận động Colliseum của Oakland vào năm 1977 là một trong những ví dụ như vậy. Hãy nhớ lại cách AC/DC từ nước Úc xa xôi đã phải trầy trật thế nào để chinh phục từng bang của nước Mỹ, để rồi khi có thị trường rồi, họ nghiễm nhiên biến nước Mỹ thành sân nhà của họ và số đĩa bán ra gần như đều là con số hàng triệu.

Vốn là band chuyên đánh mở màn cho AC/DC ở Mỹ, JP có lẽ hiểu rõ về thị trường này không thua gì ai. Thậm chí ngay cả khi JP mở ra một thời đại mới cho Heavy Metal và cả Glam Rock ở đầu thập niên 1980s, thế giới hãy còn hoang sơ và gần như họ là band duy nhất chơi thứ nhạc cực cuốn đó. Thế rồi họ cũng chỉ bán được vài triệu bản cho album British Steel (1980), bất chấp việc sau này album này cũng trở thành một trong những album nhạc Rock kinh điển!!!

Có lẽ đến đây mới thấy vai trò quan trọng của người quản lý cho JP khi họ gần như không thể kết nối khả năng chơi live siêu hạng của JP với số đĩa bán ra. Nói thật, chơi nhạc live nhìn thì cool thật với doanh số khổng lồ từ mỗi buổi diễn, nhưng trừ chi phí tổ chức, nhất là với những band cần sân khấu hoành tráng như JP, rồi tiền cho nhân viên, tiền cho chất kích thích, mỗi thành viên trong JP nhận lại chả được là bao. Có một sự thật phũ phàng là các nghệ sĩ đều sống khỏe nhờ tiền bán đĩa, dẫu cho họ có cày bao đêm diễn một năm. Đó là lý do tại sao những ông kẹ như Led Zeppelin vẫn sống khỏe bao năm dù đã tan rã từ lâu lắm rồi, và những band như JP dù đã ra bao nhiêu đĩa thì các thành viên vẫn phải tranh nhau xem bài của ai được lên đĩa (và có thu nhập). Có những band như Megadeth, khi việc giành nhau để có bài trong album đã gây ra sự tan rã (như sự ra đi của tay trống Nick Menza), và có những band như JP khi người khôn nhất trong bộ ba viết nhạc Rob Halford/ KK Downing/ Glenn Tipton tự nhiên tòi ra và tranh thủ sự ủng hộ của quản lý cũng như giành quyền ưu ái với những bài do mình sáng tác.

JP chỉ thực sự vỡ ra bài học về người quản lý khi chứng kiến ban nhạc họ ghét nhất, Iron Maiden, được vận hàng trơn tru dưới tay người quản lý đại tài Rod Smallwood thế nào.

Đúng vậy, khi JP đã có số có má ở nước Anh với British Steel, Iron Maiden vẫn còn là ban nhạc mới nổi và thỉnh thoảng được đánh mở màn cho JP (cùng với Def Leppard). Nhưng trái ngược với tính cách cầu thị của Def Leppard, Iron Maiden không bao giờ ngại ngùng thể hiện rằng dù họ là band chơi mở màn, họ luôn sẵn sàng bất cứ lúc nào chiếm lĩnh sân khấu của JP. Nhìn mớ áo da và quần bó của mấy cậu Maiden, JP luôn cười khẩy và cho rằng họ chỉ là đám bắt chước to mồm.

Dưới sự sắp đặt của Rod Smallwood, Iron Maiden vẫn tiếp tục đi đánh mở màn cho JP ở Mỹ như để xâm nhập thị trường, dù bị cả band JP ghét cay ghét đắng. Nhưng ghê hơn cả, JP có lần như bị đấm thẳng vào lòng tự trọng khi Iron Maiden đi đến show và không thèm biểu diễn dù chỉ là band đánh mở màn. Tay ca sĩ mới của họ, Bruce Dickinson, thậm chí còn nói vào mic với khán giả rằng rất tiếc JP đã làm họ không thể diễn.

Ban nhạc đã có hơn 5 năm chinh chiến lúc bấy giờ mới ngã người khi biết Rod Smallwood đã đưa một bản rider đáng nhớ: sân khấu cho Iron Maiden phải có kích thước cao, rộng, dài như vầy, phòng khi ban nhạc headline chèn ép họ vào một góc không có đủ chỗ cho anh em chạy qua chạy lại.

Và JP đã đắng lòng nghĩ rằng lâu nay họ thật ngây thơ với tất cả các loại hợp đồng dành cho họ, chưa kể những ký ức cay đắng về việc bị chèn ép khi còn là ban nhạc đi đánh mở màn cho các band khác chợt hiện ra đắng nghét thế nào (đó cũng là lý do tại sao JP thường luôn tử tế với các band đánh mở màn, trừ Iron Maiden). Đơn giản là từ khi ra đời, họ thiếu một người quản lý có tầm như Rod Smallwood.

Trừ việc, JP sau đó cùng không làm gì để thay đổi điều đó (!) Gia đình nhà Curbishley vẫn tiếp tục làm quản lý cho JP với sự ủng hộ hết mình của Glenn Tipton dành cho quản lý tiếp theo của họ là Jayne Curbishley.

Ngay cả khi JP bị lôi vào cuộc trong vụ án của mấy mẹ ở Washington (và họ thắng), đã không có ai trong hãng đĩa và nhưng người quản lý của họ biết cách nâng tầm sự việc, mà sự đáp trả chỉ gói gọn trong bài “Parental Guidance” và “Private Properties” trong đĩa Turbo.

Bài hát thâm nho thế này mà không thương mại được

Hãy nhìn Dee Snider và glam band Twisted Sister đã trở nên nổi tiếng như thế nào sau vụ kiện đó.

3. Giá mà Judas Priest nhận lời làm nhạc cho Top Gun

Sau thành công tạm được của Unleashed in the East, JP quyết định chọn Tom Allom là nhà sản xuất cho album tiếp theo và cả band kéo vào đóng đô ở Startling Studio. Đây là Studio của John Lennon dc sang lại cho Ringo Starr. Anh em chơi guitar có thể thu đàn trong thư viện, còn trống của Dave Holland thì có thể thu trong phòng lớn có hành lang đầy tiếng vang theo cách mà John Bonham thu nhạc ở Headley Grange.

Dù John Lennon và The Beatles thực ra cũng không phải là hình tượng ưa thích của JP, mà thích kiểu cách bất cần và đời thường như Rolling Stones hơn, chí ít thì JP cũng ý thức được việc ăn mặc đồng phục lên sân khấu như Beatles có thể tạo ra hiệu ứng như thế nào. Đó cũng là mầm mống cho việc mặc đồ da và đinh đỉa lên sân khấu, hiệu ứng kết hợp giữa Punk Rock và phong trào mod thời đó. Ý tưởng thiên tài này đã khiến cho khán giả có thể mặc như ban nhạc, và sự gần gũi cũng như khả năng lôi kéo của JP với khán giả bỗng trở nên mạnh mẽ gấp bội.

Việc duy nhất cần làm là khiến cho Rob Halford biến nó thành đặc sản. Trong việc này, K.K Downing đã rất tinh ý khi biết rằng, Rob Halford, vốn là một người đồng tính, sẽ sẵn sàng đem nó lên sân khấu trình diễn bởi vì roi da và đinh sắt cũng là những thứ đi ra từ câu lạc bộ dành cho người đồng tính.

Điều có lẽ là quý giá nhất từ JP ấy là ban nhạc không hề có vấn đề gì với ca sĩ tài năng đồng tính của họ (Rob Halford công khai giới tính vào năm 1998). Đơn giản các anh em đều tôn trọng điều đó và mỗi người đều có cuộc sống sau buổi diễn riêng tư. JP cũng là band hiếm hoi có tay trống người da màu, Les Binks, trong suốt giai đoạn cuối thập niên 70s (người chơi trong album Stained ClassKilling Machine).

Nhưng dẫu sao sự tôn trọng riêng tư của nhau cũng để lại một khoảng cách to đùng khi Rob Halford bỗng trở nên nghiện riệu và Mai Thúy sau album Turbo, mà tất cả đều không ai ngờ, hoặc chí ít tìm hiểu tại sao. Họ đều quá tự tôn để trở nên quan tâm đến những chuyện đời thường của nhau. Họ không hề biết (và rất lâu sau này mới biết) rằng Rob Halford bị suy sụp đến mức nào và phải vào trại cai nghiện khi trước đó người tình của anh tự tử.

Sự thiếu gắn kết khi cần thiết cũng khiến cho JP bỏ lỡ một cơ hội trời cho khi được mời tham gia nhạc phim Top Gun - đoàn làm phim muốn lấy track "Reckless" của họ, track cực hợp cho phim này. Dĩ nhiên nhà quản lý đại tài Bill Curbishley lúc đó cũng không giúp gì mấy khi khuyên mấy gã JP rằng "phim này chắc sẽ dở, rồi sẽ có phim khác thôi".

"Reckless" - nhạc phim "hụt" của Top Gun


Dĩ nhiên sau ai cũng biết nhạc phim Top Gun đoạt giải Grammy và là bệ phóng thương mai cho một loạt các band như Europe (The Final Coutdown), REO Speedwagon (Can't Fight This Feeling), Steve Stevens (The Top Gun Anthem).


Đừng nói JP không nhăm nhe phục thù, bởi vì sau đó họ hừng hực quyết tâm tham gia nhạc phim khi ghi âm lại ca khúc cover "Johnny B. Goode" cho bộ phim hài Johnny Be Good năm 1988 ngay sau đó. Phim này hóa ra dở thật!

4. Giá như không có Tim "Ripper" Owen?

Câu hỏi đúng hơn có lẽ là, giá như họ để Judas Priest tan rã sau album Painkiller (1990) và sự ra đi của Rob Halford.

Trong một buổi biểu diễn của JP quảng bá cho album Painkiller, như thường lệ, Rob Halford phóng chiếc Harley Davidson của mình lên sân khấu từ sau cánh gà mà không hề biết giàn trống của Scott Travis vẫn còn chưa nâng lên hết. Tất cả các anh em khác đứng sau cánh gà đều hãi hùng nhìn cảnh tượng đó mà không thể cảnh bảo Rob giữa tiếng hò reo. Chiếc Harley lao thẳng vào giàn trống và Rob bị vỡ mũi. Đó cũng là buổi diễn cuối cùng của Rob Halford cho JP và anh rời band ngay sau đó.

Tất nhiên không ai trong JP cho rằng tai nạn này đóng góp nhiều đến sự ra đi của ca sĩ lâu năm của họ, bởi tất cả lúc đó đều hiểu JP đã rệu rã và bản thân Sony cũng không còn muốn JP tiếp tục khi thế giới nhạc lúc đó bắt đầu bị thôn tính bởi nhạc Grunge đến từ Seattle. Nên nhớ bản thân Sony ở đầu thập niên 90s cũng sẵn sàng đầu tư cho những Michael Jackson hay Alice In Chains hơn. Sự tự tôn quá mức đã khiến cho JP không thể tan rã, dù rằng chính KK Downing và Rob Halford đều đã viết xong những lá thư xin rời band (chỉ có Rob Halford nộp đơn chính thức), và dù rằng JP đã bị đi ra đường mà không có hợp đồng ghi đĩa ngay sau album rất hay của họ là Painkiller.

Rất nhanh chóng, họ tìm được Tim “Ripper” Owen, ca sĩ trong ban nhạc chuyên hát lại Judas Priest, và ra hai album như để bấu víu với các fan là JugulatorDemolition. Trong khi điều đáng ra họ phải làm là nên để JP tan rã ngay lúc đó.

JP thời Tim "Ripper" Owen có thể nổi nếu lấy tên band khác đi?

Khi JP được lập ra và cặp KK Downing/Ian Hill tìm ra ca sĩ tài năng Rob Halford, họ chỉ sợ có ai đó cuỗm mất Rob Halford như những ca sĩ nổi danh khác thời đó (Ronnie James Dio chẳng hạn). Nhưng hóa ra khi Rob đi khỏi rồi, Rob Halford lẫn JP đều bơ vơ và rồi lại tái hợp cùng nhau. Một lần nữa, thay vì để cho JP tan rã, cỗ máy JP đã rệu rã lại tiếp tục làm ra những album làng nhàng sau năm 2000s, để rồi đến năm 2011, thành viên cốt cán là KK Downing cũng hết chịu nổi sự ngột ngạt và ra đi.

Âm nhạc của JP sau Painkiller đã không làm được thứ mà các band “già” khác làm được: hoặc là tìm đến được các fan trẻ mới, hoặc là níu giữ tình cảm của các fan lâu năm. Kết cục có lẽ tốt đẹp hơn nếu như Painkiller là album cuối gói lại thập niên 80s đầy thành công của JP.


Dù sao thì câu chuyện xung quanh Tim "Ripper" Owen cũng mặt tích cực của nó ấy là sự ra đời của bộ phim Rock Star lấy cảm hứng từ anh này.

5. Giá như không có Glenn Tipton?

Và đây là giả thuyết của tôi. Sự bất đồng lâu năm giữa hai tay guitar của Judas đã gặm nhấm “kết cấu” của họ. Judas Priest lúc đầu chỉ chơi với một guitar là KK Downing và Glenn Tipton chỉ được thêm vào phút chót trước khi ghi đĩa Rocka Rolla, sau một loạt phép thử của hãng đĩa.

- “Saxophone nhé?” – Không. - “Keyboard thì sao?” – Quên đi. - “Chứ chơi thêm nhạc cụ gì?” – Hãng đĩa Gull cực quyết tâm làm dày thêm nhạc của Judas Priest.

Thế là thành viên thứ 5 trong nhóm trước khi ra album đầu tay, Rocka Rolla, lại là một tay guitar nữa. Hãng đĩa đã phải rất mất công đưa đẩy với KenK.K” Downing, lead guitar và cũng là người lúc đó đang dẫn dắt ban nhạc giàu tiềm năng mang cái tên cực “chất" – Judas Priest – để anh phải tăng quân số ban nhạc lên hơn 4 người. Chơi nhạc Rock nặng với 2 cây guitar có lẽ vẫn là của hiếm thời đó.

Trong suốt 5 album đầu của họ, nhạc của Judas Priest vẫn thường mang 2 phần solo màu sắc khác nhau (Glenn Tipton thường nặng về Blues hơn trong khi KK Downing thì nặng và ngầu), và có lẽ âm thanh guitar đôi chỉ thực sự “chín” trong British Steel, điều mà trước đó UFO đã làm được từ lâu chỉ với một mình Michael Schenker, và nhanh chóng bị ngợp với sự xuất hiện của những band NWOBH khác như Saxon hay Iron Maiden.

Với khả năng viết nhạc không thua kém gì nhau, vô hình trung, KK Downing và Glenn Tipton đã tạo ra sự kéo đẩy trong việc thể nghiệm âm nhạc của JP, nhưng không mang theo những điều tích cực cho việc bán đĩa. Các album của JP trong thập niên 80s hoàn toàn không có một sự kế thừa hay xuyên suốt, mà giống như nảy qua nảy lại từ hai phía đối nhau. British Steel hay, Point of Entry dở, Scream of VenganceDefenders of Faith hay, Turbo thì giống như heavy dance pop vậy. Các thành viên của Judas Priest có thể tự hào họ để cho âm nhạc phát triển, nhưng lặng lẽ chấp nhận việc không có một ai là người lãnh đạo chủ chốt sẽ kiến cho những người như Glenn Tipton, dù tài năng không thiếu, nhưng sự khôn khéo cũng có thừa, tranh thủ mọi cách để kìm nén những người khác. Cắt ngắn phần solo của KK Downing và giành quyền solo nhiều hơn, tranh thủ ảnh hưởng và cảm tình với người quản lý Jayde Curbishley, và rất nhiều lần tự sắp đặt khi nào band được và không được đi diễn (điển hình là cả mùa hè năm 1985 JP không thèm đi lưu diễn dù vừa ra đĩa Defender of Faith rất hay trước đó).

Đoạn solo gốc của "Before The Dawn" vốn dài hơn thế này rất nhiều

Với cảm tính của một kẻ ngoài cuộc chuyên đọc tin lá cải, tôi có thể thẳng thắn nhận định việc nhận Glen Tipton là sai lầm ngô nghê thuở mới vào nghề.

Để rồi khi các cụ đã gần thất thập và Glenn Tipton phải rời band vì chứng Parkinson vào năm 2018, KK Downing lại quay ra giận lẫy các đồng đội cũ vì thiếu chân mà cũng không thèm gọi mình về.

Đúng là già rồi vẫn khờ thật.

Hẹn gặp lại!

Kcid

815 views

Recent Posts

See All
bottom of page