Trong một post trên trang Facebook của EmoodziK với những dòng tri ân tới một rapper, tôi có sử dụng từ “nghệ sĩ” để nói tới người đó và bên dưới xuất hiện một comment đại loại như “rapper thì đâu xứng để được coi là một nghệ sĩ”. Lời nói đó khiến tôi giật mình khi nhận ra có một góc nhìn khác biệt về rapper và dòng nhạc Hip Hop, thể loại mà nghe qua loa sẽ chỉ thấy những lời đọc có vần điệu nhưng thiếu vắng tính giai điệu, thể loại mà báo đài thường nhắc tới những nội dung chỉ quanh quẩn việc khoe mẽ về tiền bạc, gái gú và súng ống, thể loại mà nếu không nghe nhiều và đào sâu thì dễ coi nhẹ tính nghệ thuật ẩn đằng sau đó. Đấy là vị rapper tôi nói tới trong post đó thực ra còn biết chơi nhạc cụ và tự sản xuất nhạc của mình nên việc gọi anh là “nghệ sĩ” còn không hề ngoa. Thế nhưng câu hỏi khác mới nảy trong suy nghĩ của tôi rằng: “Vậy những rapper khác thì sao? Liệu họ có nhất thiết phải biết chơi nhạc cụ hay sản xuất nhạc thì mới được coi là những nghệ sĩ trong bộ môn âm nhạc riêng biệt này không?”.

Theo một định nghĩa tôi tìm được trên Internet, người ta nói “Nghệ sĩ là một người có thể kiến tạo, bày tỏ, hoặc thể hiện ra sự sáng tạo và trí tưởng tượng qua những bộ môn khác nhau như hội họa, âm nhạc, văn học, hoặc trình diễn. Những người này sử dụng kỹ năng của họ để chuyển tải những cảm xúc, ý tưởng, hoặc góc nhìn mà thường sẽ để thách thức hay phản ánh chuẩn mực của xã hội. Các tác phẩm của họ không chỉ miêu tả vẻ đẹp mang tính nghệ thuật mà còn khơi gợi suy nghĩ và bàn luận từ phía những người thưởng thức”. Vậy là nếu một rapper có sự nghiêm túc trong việc sáng tác và thể hiện những ca từ vừa mang âm vần như bài thơ, vừa có nhịp điệu cuốn hút hay mang nội dung ý nghĩa nào đó, thì hẳn đó phải là một tác phẩm có sự sáng tạo và trí tưởng tượng được thể hiện qua các bản thu âm cũng như có thể trình diễn trên sân khấu. Các chủ đề của Hip Hop nếu liên quan tới những suy ngẫm về con người, cuộc đời, hay xã hội, dù qua các hình ảnh gai góc mang tính bạo lực hay bình dị đời thường cũng là để các rapper chuyển tải cảm xúc, ý tưởng và góc nhìn của họ. Và tùy vào quan điểm và gu nghệ thuật của mỗi người, những bài nhạc / album Rap có thể chứa đựng vẻ đẹp nghệ thuật để người nghe suy nghĩ và đào sâu hơn.
Như vậy là số lượng rapper mà chúng ta có thể gắn mác “nghệ sĩ” theo định nghĩa này không hề nhỏ. Đó là LL Cool J, Rakim, KRS-One, Slick Rick, Scarface, Common, Tupac, Biggie, Nas, Lauryn Hill, Eminem, Kanye West, Rapsody, Lupe Fiasco, J. Cole, và rất nhiều nữa. Sự khác biệt giữa họ chỉ là mức độ sáng tạo và trí tưởng tượng của từng nghệ sĩ sẽ đi xa tới đâu.
Tuy nhiên, trong bài viết này tôi muốn lấy Kendrick Lamar làm nhân vật chính, không phải vì những đỉnh cao thành công mà anh gặt hái gần đây, mà vì cách tiếp cận của anh để tạo ra các tác phẩm nghệ thuật của mình quả thực đáng phải ngả mũ kính nể, kể cả với những người chuyên sâu trong các dòng nhạc khác như Jazz, Rock, Soul hay Classical. Với tâm thế thách thức tất cả những người đồng môn và với cả chính bản thân mình để nâng tầm cuộc chơi của Hip Hop, Kendrick luôn tạo sự bất ngờ với người yêu nhạc qua những hướng đi riêng của anh. Vì thế bộ discography của Kendrick cho tới giờ, nếu tính cả 6 album phòng thu với bản tổng hợp Untitled Unmastered (2016) cũng như đĩa soundtrack cho phim Black Panther (2018), chắc chắn là một trong những bộ danh sách nhạc phẩm xuất sắc nhất của một “nghệ sĩ” Hip Hop đích thực.
Hơn cả, tôi cũng mong bài viết này sẽ cho mọi người có một cái nhìn khác hơn về Hip Hop, đặc biệt với những ai chưa có được cảm tình với dòng nhạc khác biệt này.
Hip Hop Là Âm Nhạc
Một trong những cản trở lớn nhất với những người nghe các dòng nhạc khác khi tiếp cận Hip Hop chính là sự thiếu vắng của giai điệu và tính nhạc. Bắt nguồn từ việc những người theo đuổi nhạc Rap phần lớn không có điều kiện để mua và chơi nhạc cụ, họ chỉ biết xoay sở bên bàn turntable và những chiếc đĩa than cũ để tạo ra các bản loop làm nền cho các rapper “đọc” lời trên đó. Tính nhạc duy nhất trong các track này đến từ các bản sample của con beat và nhịp điệu âm vần của các MC.
Thứ nhạc lặp đi lặp lại trên các bản beat dần dà được nâng cao hơn khi các producer tiếp cận nhiều công nghệ phòng thu hơn. Thay vì beat có chút ít tiếng nhạc cụ trên bản sample chơi loanh quanh 1 hoặc 2 hợp âm trong suốt cả bài, các lớp nhạc thu âm ngày một phức tạp hơn. Đó là Beastie Boys khi họ bớt phụ thuộc vào các bản sample và mò tới cây guitar, bass và trống để thu âm cho album Check Your Head. Đó là A Tribe Called Quest đưa nhạc Jazz với những biến đổi phức tạp hơn qua từng khuông nhạc ở album The Low End Theory. Đó là QuestLove, Black Thought và các nhạc công khác lập nên The Roots để chơi Hip Hop bằng nhạc cụ sống dưới đội hình ban nhạc đúng nghĩa. Đó là Dr. Dre phổ cập thứ nhạc Funk nhiều màu sắc vào Hip Hop Bờ Tây. Đó là Kanye West phá vỡ những khuôn mẫu về cấu trúc bài của một bản beat Hip Hop khi không chỉ pha thứ nhạc soulful được kết hợp đầy sáng tạo, mà còn liên tục biến đổi phần hòa âm qua từng khúc nhạc, tạo sự phòng phú chưa từng có ở nhạc Hip Hop.
Vậy Kendrick Lamar thì sao? Khác với những cái tên vừa kể trên đều là những người trực tiếp tham gia vào khâu sản xuất nhạc, Kendrick không hề có tên trong mục production ở các album của anh. Nhưng cách chọn beat và lối flow của anh hoàn toàn khác biệt.
Không học về nhạc lý, nhưng Kendrick dường như có một đôi tai nhạy với các hợp âm mượn, hợp âm mở rộng có phần jazzy trong phần nhạc của bản beat. Ngay với album đầu tiên Section.80 (2011), anh đã có thiên hướng chọn nhạc nền có chất liệu Jazz trong đó, thứ mà các producer cộng tác với anh đều nhận ra. Đến cả album Good Kid, M.A.A.D City (2012) đi theo phong cách West Coast, thì hợp âm trong các track cũng đều phức tạp và có độ nghịch tai, thách thức người nghe bởi sức căng nằm trong phần instrumental này. Chính Kendrick luôn chủ đích tìm đến màu nhạc jazzy này, bất kể chúng được phối với các dòng nhạc nào khác, vì như vậy phần nhạc sẽ tạo cảm hứng cho anh sáng tác những đoạn lời có độ căng cả về nhịp điệu lẫn nội dung mà tôi sẽ nói đến sau trong bài viết.
Album To Pimp A Butterfly (2015) vì thế là một ví dụ kinh điển về việc tay rapper này thể nghiệm với phong cách “free jazz” biến tấu đầy ngẫu hứng trên từng lớp track nhạc cụ. Cũng bởi vậy, đây chắc chắn là một trong số ít album thể loại Hip Hop có tính “nhạc” mạnh nhất. Các bản beat đổi tông giọng, sử dụng các hợp âm mượn, mở rộng nhiều vô kể. Nhưng dị thường ở đây có lẽ là việc đưa polyrhythm – đa nhịp vào beat như track “How Much A Dollar Cost”. Nếu ở đoạn mở đầu người nghe có thể đếm nhịp theo tiếng hi-hat thì lúc trống vào đủ bộ lại ở một nhịp khác hoàn toàn. Đó là vì một bên chơi theo nhịp 3, còn bên kia chơi theo nhịp 4. Rồi đó còn là việc chuyển số chỉ nhịp như trong bài “The Blacker The Berry”, khi đoạn cuối bài bỗng chuyển từ nhịp điệu Hip Hop phổ biến sang nhịp 6 theo phong cách Swing Jazz để các nhạc cụ như saxophone và giọng hát của khách mời Lalah Hathaway có thể ngẫu hứng theo. Hay với "Alright", sự mơ hồ về nhịp và đánh lừa người nghe khi có những khuông nhạc mà nhịp số 1 không được nhấn, mà thay vào đó là nhịp số 4, khiến cho phần beat theo nhịp 4/4 này có thể diễn giải theo cách chuyển đổi giữa 3/4 và 5/4 cũng không hề bất hợp lý.
Đa phần trong khâu làm nhạc, Kendrick sẽ có ý tưởng về chủ đề anh sẽ viết trong đầu nên anh sẽ phải tìm cho ra bằng được các con beat mang sắc thái gợi cảm xúc cho những suy nghĩ của mình. Rồi vì các chủ đề anh nhắm tới luôn khiến người nghe phải suy ngẫm, cho nên những yếu tố nhạc mà anh chọn không hề dễ đoán và dễ nghe. Như đã nói ở trên, nếu không phải là những hợp âm jazzy tạo độ căng, thì sẽ là nhịp điệu phức tạp gây bứt rứt. Thi thoảng producer còn là người phải điều chỉnh hoặc sáng tác thêm cho bản beat để phù hợp với lối rap và nội dung mà Kendrick chuyển tải cho phù hợp. Ví dụ như trường hợp của bài “DNA” nằm trong album DAMN (2017), sau khi Kendrick rap trên đoạn nhạc mà Mike Will đã soạn sẵn, anh bỗng rap acapella ngay nửa sau của bài và yêu cầu Mike tạo phần nhạc chuyển sao cho thật hỗn loạn. Dị cái là Kendrick rap phần này liền một hơi không nghỉ với toàn những nốt chùm 3 đầy thách thức. Kết quả là Mike đã tạo ra đoạn instrumental nghe vô cùng kích thích, giống như Kendrick đang đấu tay bo với nhạc vậy.
Dù trong trường hợp nào anh đều luôn tham gia trực tiếp trong quá trình lựa chọn, điều chỉnh beat, hay ngồi cùng các nhạc công nếu nhạc nền sử dụng nhạc cụ sống. Đó là vì Kendrick sẽ tìm trong đầu những nhịp điệu rap phức tạp chuẩn bị cho bài nhạc đó, một kỹ thuật mà tôi nghĩ ít rapper nào bì theo được. Nếu coi vocal như một nhạc cụ thì Kendrick chắc chắn là bậc virtuoso khi anh có thể tỉa các ca từ một cách điêu luyện như một tay trống. Anh rap các nhịp điệu khác thường một cách nhẹ nhàng như thể các con beat phải chạy theo anh chứ không phải anh đang bị cuốn theo chúng. Giống như lời Chuck D từng khen ngợi Rakim và KRS-One về khả năng làm chủ beat, Kendrick cũng thành thục kỹ thuật này đến mức không có nhạc nền nào mà anh không rap theo được.

Ví dụ trong bài “United In Grief” ở album Mr. Morale & The Big Steppers (2022), theo phân tích trên trang Stereogum, ngay từ phần mở đầu đã là sự chuyển đổi qua lại giữa nhịp 3/4 và 4/4. Thế rồi không gian trở nên tĩnh lặng, không một tiếng kick, snare hay hi-hat. Âm thanh để tạo cảm giác về nhịp duy nhất là những cú gõ chùm hợp âm mở rộng trên phím đàn piano vào nhịp đầu của mỗi khuông. Và rồi câu verse mở đầu của Kendrick lại không vào nhịp đầu tiên, mà lại chọn nhịp thứ 2 để khởi động “bắn tỉa” loạt chùm 3 nốt móc đơn “What is a / bitch in a / mi-ni skirt?” vừa đủ để kết thúc một khuông nhạc. Xong Kendrick ngắt nghỉ 1 khoảnh khắc có độ dài bằng 2 dấu lặng đơn trong cụm chùm 3 ở đầu khuông rồi mới lại rap tiếp. Cái khó trong nhịp rap này là bên cạnh việc rap theo chùm 3 móc đơn ở khuông nhạc trước, việc anh ngưng một độ dài bằng 2 dấu lặng đơn thuộc chùm 3 thực sự quá phức tạp. Các bạn tưởng tượng nếu nghỉ một khoảnh khắc 2 dấu lặng đơn thường, có độ dài bằng 1 dấu lặng đen (tương đương 1 nhịp) thì không khó, nhưng nếu là 2 dấu lặng đơn trong chùm 3 thì độ dài của quãng nghỉ đó tương đương 2/3 của 1 nhịp để rồi âm đầu tiên của câu sau đó (từ "A") được bật ra khỏi mồm sẽ rơi vào khoảnh khắc lửng lơ sau đấy, và âm thứ hai (từ "man") mới vào đúng nhịp thứ hai. Để nhẩm được như vậy phải là một khả năng cảm nhịp cực tốt vì cách rap đó không hề ngẫu nhiên khi mà câu rap tiếp theo đó của Kendrick ("A / man in his / fee-lings with / bit-ter nerve") vẫn kết thúc vào đúng cuối khuông nhạc và anh vẫn làm lại được hệt như vậy ở một khuông nhạc sau đó. Nên nhớ là ở khúc này tiếng trống vẫn chưa xuất hiện mà chỉ có tiếng đàn piano vang lên duy nhất vào

nhịp 1 ở mỗi khuông. Chưa hết, lúc nhạc cụ trống xuất hiện ở phần 2 của bài, các tiếng kick, snare và hi-hat chơi ở nhịp độ cao, với snare gõ ghost note còn kick drum thì vào cả các phách mạnh lẫn nhẹ, thay đổi liên tục tạo sự dồn dập. Và lần nữa, Kendrick chơi khó bằng cách không mở đầu verse ở nhịp 1 hay nhịp 2, mà chờ hẳn 1 dấu lặng kép sau nhịp 2, tương đương độ dài của 1 ¼ nhịp nếu tính từ đầu khuông nhạc.
Đây là lối rap chủ ý của Kendrick để tạo độ căng ngay khi mở bài và chỉ giải toả ở một vài khuông nhạc xen giữa bằng cách nhấn âm vào phách mạnh. Kendrick là vậy. Chỉ một ví dụ nhỏ trên đã cho thấy nhịp điệu dị thường của lối flow mà anh chọn, hệt như các bản beat có nhịp lẻ kì quặc. Đa phần người nghe sẽ thấy anh rap lúc nhanh lúc chậm, lúc các chùm nốt chẵn, lúc các chùm nốt lẻ. Nếu như những rapper khác như Talib Kweli có những lúc rap theo chùm lẻ như chùm 5 chẳng hạn, thì đó là bởi anh này đang cố dồn nhiều từ trong một câu vào một khuông nhạc. Còn với Kendrick, những chùm 3, 5, 7 mà anh rap đều được tính toán một cách chuẩn chỉ. Đỉnh cao về lối thể hiện flow biến hóa khôn lường có thể thấy trong track "For Free?". Giống như một nhạc công Jazz, anh rap đưa đẩy quanh các nhịp phách đầy ngẫu hứng, tự do và tự tại như chính tiêu đề của bài.
Rồi để nâng mức độ khó, Kendrick không gieo âm vần vào cùng vị trí tương đương ở các khuông nhạc liền nhau. Ví dụ như trong bài "Feel", anh cố tình đảo nhịp để âm vần rơi vào các nhịp khác nhau ở mỗi khuông nhạc cộng với việc lặp từ “feel like” xuyên suốt bài khiến cho người nghe vẫn tập trung được vào bài rap. Hay như bài “Hood Politics”, cụm từ "boo boo” mỗi lúc được anh rap xa dần về phía cuối. Kendrick cố tình đổi các vị trí âm vần, âm lặp, khi thì đẩy lên sớm hơn để tạo sự hối hả, khi đưa lùi về sau để giãn nhịp độ, tạo cảm giác funky cho bài nhạc.
Rồi như vậy cũng chưa đủ. Anh còn đẩy độ khó lên tối đa khi sử dụng nhiều giọng điệu khác nhau, đưa hoà âm và cao độ khi rap để tăng tính nhạc điệu. Giống như Isaiah Rashad, Kendrick trau chuốt cả cao độ của "nốt nhạc" cùng cảm xúc khi "đọc rap". Thường anh sẽ ghép bè với một lớp giọng cách một quãng 8, như trong bài “F*ck Your Ethnicity", "Good Kid", "Lust". Và có khi anh sẽ rap bằng nhiều giọng, hoặc nửa rap nửa hát như trong bài "Chapter Six", "A.D.H.D", "Bitch, Don't Kill My Vibe", "Wesley's Theory", "u", "Love", "Rich Spirit", "Count Me Out", và gần đây nhất là "Reincarnated" trong album GNX (2024) mới đây. Cũng trong album này, người nghe được nghe Kendrick hoà giọng "song ca" cùng SZA tuyệt hay trong "Luther" và "Gloria", như lần anh đã thể nghiệm lối hoà âm với Anna Wise trong bài "Pride" ở album Damn trước đây.
Hip Hop Là Thơ Ca
“The other side has never mortified my mortal mind / The borderline between insanity is Father Time / I fall behind my skeleton, they tell me that I'm blind / I know that I'm intelligent, my confidence just died” … “I'm passin' lives on the daily, maybe I'm losing faith / Genocism and capitalism just made me hate / Correctionals and these private prisons gave me a date / Professional dream killers reason why I'm awake”
Đoạn lời trên được trích dẫn từ verse 3 của track “untitled 05 | 09.21.2014.” nằm trong album tổng hợp Untitled Unmastered (2016) của Kendrick Lamar. Bên cạnh các vần đa âm được gieo dày đặc, đoạn lời này còn được Kendrick viết đầy tỉ mỉ trong việc chọn từ ngữ để khắc họa dòng suy nghĩ của anh. Đó là khi anh đánh mất niềm tin ở bản thân để rồi không đủ tinh tường nhìn nhận sự việc xung quanh. Rồi đó là một thực tại về xã hội, giống như những con số vô hồn mà đàn anh Mos Def từng nêu lên trong “Mathematics”, Kendrick cũng nhắc tới đám nhà tù tư nhân và những ông lớn đứng sau tìm cách kiếm lời từ việc tăng cường lệnh trừng phạt để bỏ tù những người da màu, điều khiến cho Kendrick nói rằng từng người như anh sẽ nằm trong tầm ngắm với “một ngày định đoạt” (“gave me a date”) nếu anh không tự nhắc mình phải luôn tỉnh táo (“why I’m awake”). Chỉ một đoạn ngắn nằm trong một track nhạc bị loại bỏ khỏi một album chính thống cũng đủ cho thấy Kendrick luôn trau chuốt từ ngữ, khoác cho chúng vẻ đẹp của những bản thơ ca, khiến cho nhạc phẩm tổng hợp Untitled Unmastered này còn xuất sắc hơn cả những album chính quy của nhiều rapper khác.
Như Nina Simone đã từng nói: “Trách nhiệm của người nghệ sĩ là phải phản ánh được thời đại của chính mình”, đã có rất nhiều nghệ sĩ Hip Hop khắc họa cuộc đời và xã hội thực tại của họ một cách sâu sắc, từ những Public Enemy, KRS-One, Scarface, OutKast, Common, Tupac, Nas cho đến Mos Def (aka Yasiin Bey), DMX, Eminem, J. Cole, Lupe Fiasco. Chứ sao nữa, khi mà ca từ trong nhạc Rap đóng vai trò chủ đạo của một tác phẩm Hip Hop, thì đó là phương tiện phù hợp nhất để họ nói lên suy nghĩ bản thân.
Kendrick cũng vậy. Anh có khả năng sử dụng ca từ để vẽ nên những thế giới ở mỗi thời kỳ trong cuộc đời mình rồi đưa người nghe tới đó. Họ có thể chưa từng trải qua, nhưng chắc chắn là ai đào sâu lời rap của Kendrick đều sẽ cảm nhận được sự chân thực và nhìn chung một góc nhìn để mà đồng cảm cùng anh.
Trong bài “Sing About Me, I’m Dying of Thirst”, Kendrick miêu tả cuộc sống ở những khu phố nơi các băng nhóm đối đầu. “I'm fortunate you believe in a dream / This orphanage we call a ghetto is quite a routine / And last night was just another distraction / Or a reaction of what we consider madness”. Chưa cần đi sâu vào chi tiết, chỉ mới vài câu mở đầu của Kendrick đã đủ cho thấy sự điên loạn xảy đến ở những con phố khiến những người cha người mẹ bỏ mạng và để lại những đứa trẻ mồ côi là điều xảy ra khá thường xuyên. “My plan's rather vindictive / Everybody's a victim in my eyes / When I ride it's a murderous rhythm / And outside became pitch black / A demon glued to my back, whispering "Get 'em!" / I got 'em and I ain't give a fuck / That same mentality I told my brother not to duck / In actuality it's a trip how we trip off of colors / I wonder if I'll ever discover a passion like you and recover”. Những cụm từ “a murderous rhythm”, “a demon glued to my back, whisper “Get ‘em!””, “trip off of colors”, v.v. là những phép ẩn dụ đầy chất tượng hình để nói tới việc chỉ một chút bất cẩn khi một kẻ xuất hiện trong trang phục khác màu với băng nhóm đối phương là đủ bị cướp đi mạng sống. Được dẫn dắt từ hai góc nhìn của hai con người khác nhau, Kendrick sau đó trở về với thực tại của chính anh từ những năm tháng sóng gió. “I wrote some raps that made sure that my lifeline reekin' / The scent of a reaper, ensurin' that my allegiance / With the other side may come soon, and if I'm doomed / May the womb of my mother be blessed for many moons”.
Cái chân thực trong các câu chuyện của Kendrick, cụ thể như ở bài này và ở verse đầu tiên là cuộc đời của nhân vật trong đó chính là người bạn, người anh em của Kendrick, kẻ đã bị sát hại ngay trước sự chứng kiến của anh. Trước khi bị định mệnh cướp đi mạng sống, người này đã từng nhắn nhủ Kendrick hãy kể câu chuyện về cuộc đời cậu ấy nếu mệnh hệ gì xảy ra. Bởi vậy Kendrick đã giữ lời hứa với người anh em đã khuất bằng chính bài “Sing About Me, I’m Dying of Thirst”: “And I love you 'cause you love my brother like you did / Just promise me you'll tell this story when you make it big / And if I die before your album drop, I hope— [Gunshots]”.
Trong bài “Mortal Man”, Kendrick vẫn lại phản ánh những suy nghĩ tâm tư về hiện tại và tương lai, nhưng nâng thêm một tầm mới. “Want you to love me like Nelson, want you to hug me like Nelson / I freed you from being a slave in your mind, you're very welcome / You tell me my song is more than a song, it's surely a blessing / But a prophet ain't a prophet 'til they ask you this question”. Trong bài, anh đưa người nghe đến với những tượng đài như Nelson Mandela, Martin Luther King Jr, Huey Newton hay Malcolm X để thể hiện suy nghĩ muốn thay đổi và giải phóng tư duy của thế hệ trẻ, cũng như đặt câu hỏi với chính người nghe. Và rồi đến cuối là đoạn “phỏng vấn giả tưởng” được dựng nên giữa Kendrick với một trong những thần tượng và người nghệ sĩ ảnh hưởng lớn nhất tới anh – Tupac. Được sự đồng thuận của mẹ Tupac, Kendrick đã trích dẫn đoạn ghi âm trả lời phỏng vấn của Pac trên kênh radio của Thụy Điển vào năm 1994, và ghép với phần lời của anh để trở thành một cuộc đối thoại vô cùng sâu sắc giữa hai thế hệ về sự phân cấp trong xã hội.
Từ câu hỏi mở đầu của Kendrick, Pac khẳng định những gì anh tạo dựng nên cho bản thân đều xuất phát từ việc nắm bắt cơ hội, và từ tầng lớp dưới đáy xã hội mà Pac ví như “the ground”, anh vươn lên thành người lãnh đạo, làm chủ cuộc đời mình. Rồi như cách Kendrick đặt câu hỏi sau đó, rằng Pac làm thế nào để giữ được sự tỉnh táo khi đạt tới đỉnh cao thì lời đáp rất đơn giản là anh luôn sống thật với chính mình và mọi người. Qua đoạn hội thoại giả tưởng với một người anh đã khuất bóng, Kendrick muốn nói tới những suy tư về trách nhiệm truyền cảm hứng tới thế hệ trẻ mà Kendrick được đàn anh trao nhiệm vụ. Như anh chia sẻ, thông điệp của “Mortal Man” ở đây không phải để nói “Tôi sẽ là người hùng của các bạn” mà là câu hỏi “Các bạn có đặt lòng tin với tôi trong nhiệm vụ này không?”.
Sau những lời chia sẻ đầy ý nghĩa của Pac về sự phân cấp xã hội, Kendrick kết bài bằng đoạn lời nói lên suy tư của bản thân mình cùng hình ảnh ẩn dụ vô cùng sâu xa khi nói tới “con sâu bướm”.
“The caterpillar is a prisoner to the streets that conceived it
Its only job is to eat or consume everything around it
In order to protect itself from this mad city
While consuming its environment
The caterpillar begins to notice ways to survive
One thing it noticed is how much the world shuns him
But praises the butterfly
The butterfly represents the talent, the thoughtfulness
And the beauty within the caterpillar
But having a harsh outlook on life
The caterpillar sees the butterfly as weak
And figures out a way to pimp it to his own benefits
…
Wings begin to emerge, breaking the cycle of feeling stagnant
Finally free, the butterfly sheds light on situations
That the caterpillar never considered
Ending the internal struggle
Although the butterfly and caterpillar are completely different
They are one and the same"
Những người như Kendrick cũng từng như “con sâu bướm”, khi tuổi trẻ chịu tác động từ môi trường và xã hội, sẵn sàng bất chấp tất cả để mà tồn tại. Nên những thứ cao siêu và đẹp đẽ hơn mà được xã hội coi trọng, giống như “con bướm” là giấc mơ cho những thanh niên như Kendrick. Để rồi nhờ âm nhạc, anh đã tìm ra lối thoát khỏi cuộc đời của “con sâu bướm”. Vậy nên “con bướm” – hay có thể hiểu như một nghệ sĩ Hip Hop được coi trọng như Kendrick hiện nay là biểu tượng cho tài năng, sự sâu sắc và vẻ đẹp ẩn bên trong của “con sâu bướm” – một Kendrick của quá khứ xuất phát từ dưới đáy xã hội (như cách Pac ví với hình ảnh “the ground”). Nhưng khác với cảm nhận của Pac về một tương lai đen tối khi tầng lớp dưới bị áp bức phải vùng lên và giải quyết bằng chiến tranh và bạo lực, Kendrick mong mỏi rằng nếu thế hệ trẻ nhận ra rằng trong mỗi con người họ, giống như Kendrick, đều có tài năng và sáng tạo thì “con sâu bướm” sẽ không phải đánh mất chính mình, mà thay vào đó vận dụng điểm mạnh để thay đổi cuộc đời và vận hành của xã hội. Sẽ không cần có những cuộc chiến vô nghĩa mà vẫn giành được sự công bằng. Bởi đến cuối cùng, “con bướm” hay “con sâu bướm” dù có khác nhau ở vẻ bề ngoài thì bản chất bên trong đều là một. Kendrick Lamar của ngày hôm nay cũng vẫn là Kendrick Lamar Duckworth của ngày trước nếu tất cả mọi người sống thật với bản thân mình, điều mà Pac cũng đã khuyên nhủ để giữ được sự tỉnh táo.
Như vậy là Kendrick không chỉ đơn thuần viết ra những lời thơ về các vấn đề trong xã hội như điều huyền thoại Nina Simone từng nhắn nhủ tới những nghệ sĩ trên tất cả các bộ môn nghệ thuật khác nhau, mà anh còn làm điều đó ở một tầm sáng tạo vô hạn qua các góc nhìn khác nhau, được phản ánh trên nhiều góc cạnh của cuộc sống, văn hóa, lịch sử và xã hội. Điều đó khiến cho nội dung các bài rap của anh càng tăng tính thuyết phục và thấu hiểu với người nghe bất kỳ nơi đâu, cho dù họ có từng chứng kiến hoặc trải qua hay chỉ là một con người xa lạ đang sống tại một phương trời xa xôi.
Hip Hop Là Nghệ Thuật
Sự tinh tế trong phần nhạc lẫn phần lời của Kendrick Lamar dễ dàng làm nên thứ âm nhạc đậm tính nghệ thuật. Vậy nhưng bằng cách nào đó, anh vẫn vượt xa khỏi những giới hạn của âm nhạc lẫn thơ ca. Một điều dễ thấy ở những fan cứng của Kendrick là thói quen phân tích kỹ và sâu xa, hay “giải mã” từng chi tiết nhỏ mỗi khi nhạc phẩm mới của anh được phát hành. Bản thân bài viết này của tôi về anh cũng đã đi quá dài so với những bài về các rapper / nghệ sĩ Hip Hop khác. Chỉ bởi vì những ai yêu âm nhạc của Kendrick đều có thể khám phá thêm những nét đẹp mới mỗi khi tìm hiểu lại các nhạc phẩm cũ của anh.
Cái đẹp nghệ thuật trong các tác phẩm của Kendrick đôi lúc còn ẩn khuất ở những hình ảnh trên tấm bìa album; ở series “The Heart” được tung ra trước mỗi lần phát hành một dự án âm nhạc quan trọng tựa như khúc dạo đầu cho một bản trường ca; ở cách Kendrick gửi gắm thông điệp qua những đoạn lời được lặp lại xuyên suốt qua các track trong cùng một album giống như câu motif giai điệu trong bài nhạc; ở lối thể hiện cảm xúc rất nhập vai như một diễn viên qua các giọng điệu khác nhau theo mỗi góc nhìn và trong từng tình huống; ở kỹ thuật tạo nên cao trào và giải tỏa mọi cảm xúc đầy tinh tế qua nhịp điệu flow và mật độ âm vần; ở tài năng gắn kết các track để kể một câu chuyện lớn trong một album tổng thể, thậm chí thêm cú twist như anh đã thể hiện trong album DAMN; hay ở những màn trình diễn được dàn dựng riêng đầy tỉ mỉ từ nhạc cho tới vũ đạo để chuyển tải thông điệp trong các câu chuyện.
Vậy nên khi Kendrick phát hành album GNX (2024) gần đây nhất, dù từng track đều hấp dẫn theo cách riêng của chúng, người hâm mộ bỗng có chút bất ngờ và hụt hẫng trước sự “đơn giản” theo tiêu chuẩn của người nghệ sĩ như Kendrick khi nó thiếu vắng một câu chuyện tổng thể. Nhưng rồi khi ngẫm nghĩ và nghe lại, người ta mới nhận ra rằng chủ đích của Kendrick trong nhạc phẩm lần này chỉ đơn thuần tôn vinh Hip Hop. Và kể cả khi anh “thư giãn” với ngòi bút của mình, không đặt nặng một concept to tác thì Kendrick vẫn tạo được một album xuất sắc.
Bởi nói cho cùng, Hip Hop có được nâng tầm nghệ thuật cao tới đâu thì cuối cùng Hip Hop vẫn là Hip Hop. Giống như bài “Mortal Man” kể trên vậy, sự khởi điểm của dòng nhạc này giống như “loài sâu bướm”, được bắt nguồn từ những con phố của cộng đồng người da màu và sau nhiều năm phát triển mới lột xác để trở thành loại hình nghệ thuật – một “loài bướm” được cả thị trường âm nhạc ghi nhận. Nhưng phải nhờ vào sức mạnh cốt lõi của “loài sâu” được gìn giữ, Hip Hop mới trường tồn và lớn mạnh như ngày hôm nay. Và Kendrick Lamar chính là một trong những nghệ sĩ nắm trọng trách để truyền lửa và sức mạnh này cho các thế hệ sau.
Hẹn gặp lại!
Kunt