Nhắc đến King Crimson, có lẽ tất cả những người nghe nhạc đều biết tới album năm 1969, In The Court of The Crimson King (ITCOTCK), của họ, thứ vẫn được coi là sự mở đầu cho Progressive Rock. Với một thể loại nhạc không giống bất cứ một thứ gì có thời đó, ITCOTCK leo một lèo tới vị trí số 5 trên bảng xếp hạng, nơi Led Zeppelin II và Abbey Road của The Beatles cùng ngự trị. Nhưng đáng ngạc nhiên là ở chỗ thay vì tiếp tục đưa thứ âm nhạc cầu kỳ và phức tạp của họ tới đại chúng hơn, King Crimson chọn cách… tan rã và trở thành một cỗ máy hoạt động im lìm nhờ các chi tiết được chế tạo siêu chính xác và được bôi trơn kỹ lưỡng, dưới sự chèo lái của Robert Fripp, tay guitar siêu đẳng nhưng có tính cách không dễ gần. Sự nghiệp đồ sộ của King Crimson và Robert Fripp thời hậu ITCOTCK dường như phần chìm của một tảng băng vĩ đại, và nó khiến cho việc kể chuyện về họ và âm nhạc của họ trở thành nhiệm vụ bất khả thi.

Tôi hy vọng trong hơn 10 phút ngắn ngủi của bài viết này có thể đem tới một vài góc nhìn thú vị về Robert Fripp, một trong những nghệ sĩ xứng đáng được gọi là thiên tài và cách làm nhạc không thể bắt chước của ông.
I. In the Court of the Crimson King
Mọi chuyện bắt đầu vào năm 1968, khi hay anh em nhà Giles là Michael (trống) và Peter (bass và hát) đăng tìm một ca sĩ biết chơi keyboard ở London. Robbert Fripp, một tay guitar dĩ nhiên không biết hát và cũng chẳng phải chuyên chơi key đã đáp lời. Bộ ba này phát hành album The Cheerful Insanity dưới cái tên Giles, Giles and Fripp (hay GGF) với thành công khá làng nhàng.
Thế, GGF quyết định mời thêm bộ đôi gồm nhà văn hay chữ nhưng không giỏi viết nhạc tên là Peter Sinfield và tay keyboard đa năng nhưng “ít lời” Ian McDonald có thể kiêm luôn cả kèn sáo nhị. Cùng lúc đó, Robert Fripp bắt đầu thâu tóm quyền lực bằng việc cổ xúy đẩy ông em Peter Giles đi và thay bằng bạn của gã là tay guitar kiêm ca sĩ Greg Lake. May sao, Peter Giles bình sinh vốn thích những thứ nhạc đại chúng, trong khi Fripp thì hằng theo đuổi nhạc cổ điển và phá cách. Sự kém thành công của GGF hóa ra lại là nguồn cơn đẩy Peter Giles tự bỏ đi và thế là Greg Lake đường đường chính chính xuất hiện trong đội hình kinh điển của King Crimson.
5 nghệ sĩ Robert Fripp, Ian McDonald, Greg Lake, Michael Giles, và Peter Sinfield đã cùng nhau thay đổi lịch sử nhạc Rock chỉ trong chưa đầy một năm sau khi họ bắt đầu chơi nhạc cùng nhau. Trong cái thời buổi hỗn mang của âm nhạc nặng đó, dù có là bộ tứ như The Beatles hay bậc virtuoso như Jimi Hendrix thì mỗi kẻ đều tìm một hướng đi để tạo ra những thứ âm nhạc nhiều sắc màu lẫn cảm xúc. King Crimson chắc hẳn là kẻ dám đi xa nhất, khi cố gắng hòa trộn nhạc Rock với Jazz, Folk, và nhạc cổ điển và kích hoạt những giới hạn trong thu nhạc cũng như biểu diễn.
Tháng 4 năm 1969 là lần đầu tiên King Crimson trình diễn chính thức với cái tên band của họ ở phòng trà Speaksy (nơi từng trình làng The Who và Jimi Hendrix) và nhanh chóng tạo ra được lực lượng hâm mộ đông đảo với thứ âm nhạc khác lạ của họ, và khỏi phải nói về sự ngạc nhiên tột cùng của khán giả khi nghe những hợp âm lạ lùng, nhịp lẻ và biến đổi, và cả những âm thanh chói tai cùng cất lên hòa nhịp đều tăm tắp. Tháng 7, King Crimson sau đó đánh mở màn cho The Rolling Stones trong Đại nhạc hội ở Hyde Park, London, nơi dự tính có cỡ hơn nửa triệu người tham gia trước khi không ngần ngại tấu lên bản “21st Century Schizoid Man” hoành tráng làm nửa triệu cái miệng rớt xuống đất.
Ngày 21 tháng 7 năm 1969, trong khi những nhà thám hiểm đầu tiên vừa đặt chân xuống mặt trăng, thì King Crimson cũng đặt chân vào studio ở Wessex để thu âm và tự sản xuất album đầu tay của họ sau 2 lần trước đó không đồng tình với nhà sản xuất mà hãng đĩa thuê cho họ.

ITCOTCK được bắt đầu với bản nhạc có lẽ là phổ biến nhất của King Crimson, “21st Century Schizoid Man”, lấy cảm hứng từ chiến dịch đánh bom của Henry Kissinger ở cái góc Đông Nam châu Á. Tôi nghĩ ai khi nghe bài này cũng từng ấn tượng với câu riff gai góc trên phần nhịp lẻ, và rồi sau đó cả đàn, saxophone, lẫn tiếng bass đều nhồi vào lỗ tai người nghe. Giọng hát qua phơ đục ngầu của Greg Lake nghe thật ám ảnh, để rồi sau một vài câu hát nghêu ngao, cả ban nhạc ùa vào tấn công đôi tai người nghe bằng tất cả âm lượng của không biết bao nhiêu nhạc cụ, giữa những phần đổi nhịp liên tục và khi tăng tốc khi dừng. Đây chắc chắn sẽ mãi là dấu ấn không thể thay thế trong lịch sử thu nhạc, bởi chắc chắn ở giai đoạn cuối thập niên 60s đó, không có một band nào có đủ số cây chơi nhạc thượng thừa và chơi đồng thời cùng nhau tất cả các nốt ở tốc độ chóng mặt trên nền nhịp phách lẻ toe toét và thay đổi liên tục như vậy.
Điều đặc biệt hơn trong ITCOTCK, là ngay sau track đầu tiên với câu riff đáng nhớ, Robert Fripp dường như chơi lùi hẳn lại và tiếng guitar cũng chỉ là một phần của “giàn nhạc”. Và trong khi tài chơi nhạc đáng nể của các thành viên King Crimson là chuyện khỏi phải bàn, vai trò của Peter Sinfield bỗng nhiên thật đặc biệt khi anh chẳng chơi nhạc cụ và thu âm tí nào, nhưng phần lời lẽ vần vò, tăm tối và nhiều ngụ ý anh viết cho King Crimson bỗng nâng tầm cái thứ âm nhạc của họ. Chứ sao, nhắc tới Progressive Rock, thì không thể không nhắc tới những câu chuyện phía sau phải không?
Có một sự xa xỉ trong phòng thu đã giúp cho King Crimson có thể có được bản thu hay như vậy: chiếc bàn thu 8-track mà studio đã hào phóng cho họ xài. Đây là đặc ân mà có lẽ The Beatles lừng danh cũng chỉ mới vừa được đụng tới năm 1969 (Sgt. Pepper's Lonely Hearts Club Band năm 1968 vẫn thu bằng đầu thu 4-track). Ian McDonald, với khả năng chơi cả keyboard, mellotron lẫn thổi kèn của mình, trong khi Robert Fripp thì chơi được của guitar lẫn mellotron, đều ra sức tận dụng công nghệ “mới” này để hòa thêm những lớp nhạc cụ của họ vào tới mức gần như bão hòa.
Nhưng thay vì tiếp tục công thức chiến thắng của ITCOTKC, đội hình 5 người nhanh chóng tan rã và chỉ còn lại Fripp cùng “nhà tư tưởng” Sinfield dưới cái tên King Crimson. Greg Lake trở nên nổi tiếng và bán được rất nhiều đĩa sau đó với Emerson, Lake, and Palmer (ELP), còn Ian McDonald thì tận hưởng rất nhiều thành công cùng Foreigner không lâu sau đó.
Chớ sao, Robert Fripp có quyền làm chuyện đó bởi ngoài việc là một nhà soạn nhạc thiên tài, ông còn hoàn toàn tự chủ trong việc tạo ra âm thanh cho nhạc của mình khi chơi xuất sắc hai nhạc cụ bá đạo nhất của nhạc Rock: cây guitar và cây mellotron.
II. Con quái vật Mellotron
Tôi nghĩ có khá nhiều fan thường đánh đồng nhánh Progressive Rock với Progressive Metal, nơi có rất nhiều ban nhạc cool ngầu như Dream Theater trở nên dễ mến trong mắt các fan với những câu riff nặng trịch nhưng thay đổi nhịp độ liên tục và những màn vung chém trên bộ trống đã tai. Quay ngược lại về thuở sơ khai, hóa ra Progressive là thứ âm nhạc được bắt đầu thậm chí còn không có guitar. 1-2-3 hoặc Cloud với tay keyboard Billy Ritchie là những ban nhạc đầu tiên ở Anh chơi 3 mẩu với keyboard và trống nhằm tạo ra một thứ âm nhạc phiêu du có thể đáp trả lại thứ âm nhạc Psychedelic khó cưỡng thời đó. Nhưng tất cả những gì họ làm được chỉ là tạo ra những ý tưởng chơi trên phím trong một ban nhạc Rock và truyền cảm hứng cho những người tới sau như Jon Lord của Deep Purple hay Rick Wakeman từ Yes.
Nhưng lịch sử cũng không ngờ tới sự thay đổi đáng nhớ khi cây mellotron được phát minh, và từ đây Progressive Rock bỗng nhiên có “tiếng nói” của riêng mình. Sự mong manh cùng lúc với sự mạnh mẽ, sự ma quái pha lẫn với sự uy nghi, sự cục cằn phan lẫn với sự quý phái; không có nhiều thứ nhạc cụ có thể tạo ra cùng lúc cái cảm giác ma mị lẫn bi tráng cho cả người chơi lẫn người nghe.
Mellotron có cái tên ghép từ “melody” và “electronic”, được chế ra theo nguyên lý mỗi phím trên keyboard được nối trực tiếp với một cuộn băng thu âm sẵn, để mỗi khi phím được nhấn, cuốn băng sẽ được chơi và khi thả tay ra, cơ cấu lò xo phía sau sẽ tự động tua ngược cuộn băng lại – nôm na thì mellotron là một chiếc máy chơi sampler đầu tiên cũng chẳng sai. Những người tạo ra mellotron có lẽ chỉ có mục đích đơn giản là tạo ra những âm thanh khác lạ và dành cho những người không biết chơi nhạc khi chỉ cần bấm một phím cho phần rhythm và vài phím cho giai điệu. Rốt cục, mellotron trở thành một thứ âm thanh riêng biệt và dành cho những người chơi nhạc xuất sắc nhất.
Hãy tưởng tượng một chiếc máy đồ sộ gồm rất nhiều cuộn băng ở phía sau, cực kỳ mong manh trước sự thay đổi thời tiết cũng như dịch chuyển, và lúc nào cũng chỉ chực kêu phô rinh mỗi khi chiếc motor trong cái máy đó quá nhiệt hay chiếc băng bị kéo đi kéo lại nhiều lần; bỗng trở thành một nguồn cảm hứng vô tận cho các tay chơi keyboard trứ danh thời đó với thứ âm thanh không nhạc cụ nào có thể bắt chước. Thứ “quái dị” nhất của mellotron có lẽ là khi nhiều phím được bấm để chơi hợp âm, động cơ và bộ nguồn sẽ không đủ khỏe để kéo nhiều chiếc băng cùng một lúc ở tốc độ cần có và vô tình làm cho toàn bộ hợp âm chơi bị “chùng xuống” nghe thật lạ lẫm. John Lennon đã lùng sục để có chiếc máy này cho Sgt. Pepper, và mãi tới tận sau này khi mellotron đã lỗi thời, Anderson Greenwood của Radiohead hay rapper Kanye West cũng phải trang bị cho mỗi người họ thứ nhạc cụ này để thu âm.
Nhưng quay lại thời điểm khi mellotron mới được tạo ra, trong khi The Beatles là những người nhanh nhảu đưa thứ nhạc cụ này lên các bảng xếp hạng với Sgt. Pepper, King Crimson chính là những người đã đẩy việc chơi mellotron thành tuyệt kỹ trước tất cả những Pink Floyd hay Yes. Không ngạc nhiên khi những tay keyboard siêu đẳng từng khước từ mellotron trước đó bỗng trở thành kẻ ngoài cuộc trong cái cuộc chơi Progressive Rock này, nơi mà những Rick Wakeman (Yes), Richard Wright (Pink Floyd), Tony Banks (Genesis), John Evan (Jethro Tull), và dĩ nhiên cả cặp đôi Robert Fripp / Ian Mcdonald của King Crimson trong câu chuyện của chúng ta hôm nay.
Với ITCOTCK, khi tất cả band cùng lao lên với guitar, mellotron và kèn saxo cùng một lúc, đó là một thứ âm thanh ghê rợn nhưng cũng đầy ma mị. Track cuối cùng của album mang tên “The Court of Crimson King” là một điển hình của việc chơi mellotron, khi cả band cùng chơi với hai cây guitar (Fripp và Greg Lake), hai cây Mellotron (Fripp và McDonald), kèn của Ian McDonald; cùng tăng tốc, rồi cùng ngưng đột ngột. Một thứ âm thanh đầy dẫn dắt rất khó cưỡng đã được tạo ra từ ITCOTCK (dĩ nhiên cũng bởi bản nhạc đó quá hay với tất cả các phần đều được dẫn dắt về giai điệu gốc), để rồi rất nhiều người trong cuộc thời đó như Pete Townshend của The Who cũng phải gật gù rằng đó là một masterpiece độc nhất vô nhị.
III. Vị độc tài và chiếc nút diệu kỳ
Tôi phát hiện ra rằng, ITCOTCK dù sao thì nghe vẫn giống âm nhạc đại chúng nhưng được biến tấu và làm khó lên rất nhiều, nhưng còn những album khác của King Crimson, muốn dễ thấm thì phải được nghe với tư duy mình đang nghe King Crimson. Họ sẽ không chơi theo kiểu trống và bass tạo ra phần rhythm, để cho guitar với những câu riff tung hoành và lời hát bay lượn trên đó. Âm nhạc của King Crimson luôn có phần nền là tiếng guitar chơi dày đặc của Robert Fripp để dành cho bass và trống bay lượn ở phía trên, và dường như không có chuyện có nhạc cụ độc chiếm trong các nhạc phẩm của họ.
Thậm chí, sau năm 1970, Robert Fripp khước từ tất cả các đề nghị chơi bản “21st Century Schizoid Man”, bản nhạc nổi tiếng nhất của band, mỗi khi King Crimson đi trình diễn, dẫu rằng đó là yêu cầu từ quản lý, hãng đĩa, fan cuồng hay cánh phê bình âm nhạc.
Điều duy nhất có lẽ ổn định của King Crimson là sự thay đổi nhân sự. Hóa ra không chỉ sở hữu đầu óc soạn nhạc thiên tài cùng khả năng chơi guitar và mellotron cự phách, Robert Fripp còn giấu trong người chiếc nút “Reset” kỳ diệu mà có lẽ bất cứ ban nhạc nào trên đời này đều thèm muốn. Nói đúng hơn, Robert Fripp lưu giữ chiếc nút “Reset” duy nhất tồn tại trong lịch sử âm nhạc và luôn sẵn sàng nhấn nó để tạo ra một chương mới cho King Crimson.
Đây nhé, sau khi các thành viên lũ lượt ra đi sau ITCOTCK, Robert Fripp liên tục thử nghiệm rất nhiều nghệ sĩ session danh tiếng trong hai hay ba album không quá nổi bật (nổi nhất chắc là Lizard trong giai đoạn này), trước khi tìm ra bộ khung với John Wetton (bass và hát), hai tay trống Jamie Muir và Bill Bruford (tới từ Yes), cũng như tay chơi violin kiêm keyboard David Cross vào năm 1972. Lần đầu tiên, King Crimson chơi không cần có bộ hơi nhưng lại là band nhạc rock tiên phong sử dụng violin (chưa kể còn chơi 2 trống). Bộ khung này đã ra một lèo ba album mà số đông các fan vẫn cho rằng là hay nhất của họ: Larks’ Tongues in Aspic (1973), Starless and Bible Black (1974), và Red (1974). King Crimson liên tục lọt vào bảng xếp hạng nơi những Pink Floyd hay The Rolling Stones chiếm đóng, nhưng cũng từ đây Robert Fripp bắt đầu hình thành sự thù ghét với ngành công nghiệp âm nhạc. Và bất chấp những thành công đáng kể từ 3 album này, Fripp quyết định bấm nút reset vào năm 1974.
Gây ngạc nhiên không khác gì những lần tự hủy, Robert Fripp đưa King Crimson trở lại vào đầu thập niên 1980s với một bộ khung hoàn toàn mới, với Bill Bruford trên giàn trống và hai nghệ sĩ từ nước Mỹ là Tony Levin (bass và Chapman stick) cùng Adrian Belew (guitar và hát). King Crimson lại cho ra một lèo 3 album: Discipline (1981), Beat (1982), và Three of a Perfect Pair (1983) với sự đón nhận nồng hậu của các fan, để rồi sau đó Robert Fripp lại nhấn chiếc nút của mình thêm một lần nữa.
Thêm vài lần bỗng dưng nữa, King Crimson trở lại ở thập niên 1990s với album Thrak (1994), và trở lại ở thập niên 2000s với The Construkction of Light (2000) và The Power to Believe (2003); nhưng mỗi một lần nút reset được nhấn, Robert Fripp lại trở lại với một đội hình khác nhau và liên tục đẩy âm nhạc của mình tới những chân trời xa và lạ lẫm hơn, nằm ngoài tất cả sự mong đợi của các fan lâu năm của chính họ.
IV. Ngạo nghễ như một vị thần
Lịch sử cho thấy Robert Fripp dường như không thể làm việc với band của mình quá lâu, nhưng ông cũng dường như không thể sống thiếu band. Không thiếu các nghệ sĩ tài năng muốn làm việc cùng Fripp, nhưng cũng chẳng nhiều người có thể trụ lại với ông.
Tất cả những người nghe nhạc Rock đều đóng khung trong đầu ý niệm về một bản nhạc xây dựng từ phần rhythm của trống và bass như một tấm bạt trắng dành cho phần guitar vẽ nên những bức tranh bằng các câu riff và solo: riff ngon thì bản nhạc khắc ngon; và solo ngon thì bản nhạc còn ngon nữa.
Nhưng Robert Fripp, có lẽ ngoại trừ bản “Schizoid Man”, là chưa bao giờ từng theo công thức này. Câu đàn của Fripp dường như thường xuất hiện và biến mất không theo một quy tắc nào. Ông có thể chơi những câu đàn cực khó nhưng với âm lượng nhỏ xíu và chỉ đóng vai trò một lớp âm thanh trong một tổng phổ dày đặc, lại cũng có thể đứng ở ngay giữa bản mix và tạo ra những âm thanh mà không ai có thể nghĩ tới có thể tới từ cây guitar. Robert Fripp, có lẽ từ những album đầu của King Crimson, đã không ngờ rằng mình đã truyền cảm hứng cho cả một nhánh nhạc khác không liên quan lắm tới nhạc Rock, ấy là Ambient Music.
Ý niệm về âm nhạc của Robert Fripp có lẽ không giống ai là vì thế, khi guitar dù chơi ở những câu cực khó, vẫn chỉ đóng một vai trò nhỏ trong bản nhạc. Việc Fripp đưa cả kèn lẫn violin vào tổng phổ nhạc Rock cũng là một bằng chứng khác về việc liên tục mở rộng các ý tưởng âm nhạc của ông tới những mảnh đất mới. Nếu để ý cách chơi của Robert Fripp, cũng không thể thấy những câu nhạc Blues như bao người khác, cũng như cách rung dây đàn của ông rõ ràng là cách được dạy trong guitar cổ điển. Và Robert Fripp thì có shred không? Xin thưa là không, nhưng chuyện Fripp vẫn thường xuyên “tỉa” 16 nốt / khuông ở mỗi cuối bài sau khi đã chơi “mệt nghỉ” những bản nhạc dài cả chục phút như một vận động viên chạy marathon. Và thậm chí tạo ra cả những bản nhạc mà với những người chơi guitar chuyên nghiệp, chơi nó vẫn là chuyện “không thể”.
“Fracture”, bản nhạc trong album Starless and Bible Black (1973) là một bản nhạc như vậy.
Nhanh, chính xác, và tiếng đàn clean không cần phá tiếng đầy thôi thúc có lẽ cũng không thể nào mô tả được độ khó của những câu đàn kiểu như thế này. Ở độ tuổi gần 80, lần đầu tiên khán giả được chứng kiến "cận cảnh" cách chơi “Fracture” khi Robert Fripp ngồi không vì Covid bỗng nhiên tạo ra kênh Youtube với vợ của mình, Toyah Wilcox, để chơi nhạc và tấu hài cho vui.
Sự bí ẩn trong cách chơi của Robert Fripp có lẽ một phần vì người đàn ông kín tiếng này luôn chọn cách chơi đàn khi ngồi, và thậm chí kể cả khi tham gia một show nhạc trứ danh đầy lôi cuốn mang cái tên G3 với Joe Satriani và Steve Vai (ông là cây guitar thứ 3), ông vẫn lặng lẽ ngồi chơi đàn phía sau hai bậc virtuoso này và thậm chí ngồi trong bóng tối như những thành viên còn lại của ban nhạc.
V. Đáng kính nể
Đằng sau tất cả những thành công của những người từng làm việc với King Crimson: Greg Lake có sự nghiệp với ELP, Ian McDonald có Foreigner, kèn nhân Mel Collin chơi cho Camel, tay bass John Wetton bay cao cùng Asia, Tony Levin chơi cùng đám trẻ Dream Theater, vân vân và vân vân; tất cả mọi người vẫn đều luôn có phần của mình từ nhạc của King Crimson. Khi Adrian Belew và Tony Levin quyết định đi chơi nhạc của King Crimson thời 1980s cùng Danny Carey (tay trống của Tool) và Steve Vai vào năm 2024, Robert Fripp đã “duyệt” cho Steve Vai chơi thay mình.
Luôn được biết tới như là kẻ rất khó làm việc cùng và độc đoán, tất cả các tay chơi nhạc lẫy lừng này thực ra đều có thời gian được thỏa sức sáng tạo cùng Robert Fripp. Bill Bruford là ví dụ điển hình, khi tài năng chơi trống đã thực sự phát tiết khi ở King Crimson chứ không phải trong thời gian ở Yes. Tất cả là bởi Robert Fripp luôn trung thành với 3 nguyên tắc của mình: 1- âm nhạc là thứ quan trọng nhất; 2- ban nhạc được đặt lên hàng đầu; và 3- có tiền thì chia đều.
Mặc dù mỗi thập kỷ ông lại nhấn chiếc nút “reset” diệu kỳ duy nhất trên thế giới, Robert Fripp vẫn luôn bận rộn mỗi khi “tắt” King Crimson đi. Ông thậm chí còn kịp phát minh ra “Frippertronic”, nôm na là cục phơ loop đầu tiên được vận hành bằng hai cuộn băng chạy song song, mà một cuộn sau khi thu có một cơ cấu để tuôn sang cuộn còn lại để phát ngay lập tức và tạo ra hiệu ứng “loop” mà giới trẻ ngày nay xài như cơm bữa.
Khi không có King Crimson, Robert Fripp làm nhạc cùng Brian Eno (album No Pussyfooting 1978), cũng như thu nhạc cùng Peter Gabriel hay David Bowie ở cuối thập niên 1970s. Có lẽ không mấy người để ý tiếng đàn của Fripp mới là thứ tạo nên màu sắc cho bản “Heroes” của David Bowie trong album cùng tên. Khi không thu nhạc, Robert Fripp từng đi dạy guitar ở thập niên 1980s. Khi nhạc của mình không đủ thỏa mãn như King Crimson, ông gọi những album này dưới cái tên “The Projekt” thay vì động tới cái tên danh tiếng kia.
Còn tôi trong lúc này, mặc dù rất thích King Crimson thời thập niên 1980s và 1990s, vẫn đang cố gắng để hiểu King Crimson thời Aspic-Starless-Red (1970s), một thời đại không thể bỏ qua của Robert Fripp.
Hẹn gặp lại!
Kcid