Trong một lần hiếm hoi đi quẩy ở độ tuổi “gà lên chuồng”, tôi bỗng nghe được một bài nhạc Dance-Pop điện tử tuyệt hay mà DJ chơi tại đó. Vì mải bị cuốn hút trước thứ giai điệu groovy mê hoặc mà tôi không kịp nghĩ tới dùng phần mềm Shazam phát hiện nhạc lúc đó. Do bài hát chỉ được chơi một lần nên dù không kịp nhớ phần giai điệu một cách rõ nét, thứ gây ấn tượng mạnh nhất với tôi chính là tiếng synth bass đầy đặn có màu sắc tối, lúc to lúc nhỏ mờ ảo, rải các nốt nhạc cực gợi tình len lỏi bên trong đôi tai của mình. Thứ ấn tượng tiếp theo là phần giai điệu hát của đoạn verse hơi căng lúc đầu rồi được giải tỏa bằng các âm sắc nghe mềm nhũn người. Và dĩ nhiên là phần điệp khúc tuyệt hay với một từ được lặp đi lặp lại nhiều lần trên nền nhạc có âm giai tình tứ của âm nhạc Trung Đông.
Bị ám ảnh bởi thứ âm nhạc quyến rũ đó, phải bẵng đi mấy tháng sau tôi mới tìm ra được tên gọi và chủ nhân của nó. Đó là khi tôi nghe album Tension mới phát hành ngày đó của Kylie Minogue. Điều tôi không ngờ là track nhạc đầu tiên “Padam Padam” lại chính là ca khúc tôi kiếm tìm bấy lâu nay. Mặc dù ký ức của tôi về bài nhạc không rõ ràng về âm nhạc hay giai điệu mà chỉ bằng những lời miêu tả như tôi viết đầu bài, nhưng ngay khi âm thanh quen thuộc “padam, padam” vang lên, tôi nhận ra ngay ca khúc mê hoặc đó. Và điều bất ngờ nữa là tôi đã không hề nhận ra giọng hát của cô ca sĩ lại chính là Kylie Minogue huyền thoại vì màu nhạc mới mẻ so với phong cách thường thấy của Kylie.
***
Trong âm nhạc có một thuật ngữ “earworm” để nói về hiện tượng một đoạn nhạc cứ tự văng vẳng ở trong đầu một cách vô thức khi con người ở trạng thái nghỉ ngơi thư giãn. Nó thường xảy ra sau khi một người chủ ý hoặc tình cờ nghe một bài nhạc có độ “kết dính” cao. Nó thậm chí có thể xảy ra khi người đó tiếp nhận thông tin nào đó liên quan đến bài nhạc họ đã quen thuộc, khiến tiềm thức họ khơi gợi lại một đoạn nhạc có sự “kết dính” nhất trong bài. Theo một nghiên cứu khoa học về hiện tượng này, họ phát hiện ra sự “kết dính” thường đến từ những bài có tempo khá nhanh, có giai điệu dễ nhớ, nhưng kèm theo một số đặc tính khác biệt như các quãng nốt nhạc giai điệu hay độ lặp về cao độ hoặc ca từ một cách khác thường. Những đoạn nhạc có yếu tố lặp kết hợp với những nét nhạc khác lạ có thể tạo ra trạng thái “earworm” mà thay vì dịch sát nghĩa là “sâu tai”, trong bài này tôi xin gọi đó là hiện tượng “bọ hát” hoặc dài dòng hơn là “bọ hát trong tai”.
Bên cạnh những bài hát phổ biến mang những câu nhạc khó dứt ra khỏi đầu như “Bad Romance” của Lady Gaga, “Don’t Stop Believing” của Journey, “Moves Like Jagger” của Maroon 5, thì ca khúc "Can't Get You Out Of My Head" của Kylie Minogue hầu như luôn được nhắc tới trong các danh sách “earworm”.
Đúng như cái tên được dịch nôm na thành “Không Thể Gạt Anh Ra Khỏi Tâm Trí Em”, giai điệu trong bài hát này của Kylie có nhiều yếu tố hoàn hảo để kích thích “bọ hát trong tai”. Nếu nghe thoáng qua thì câu giai điệu cực kỳ bắt tai qua giọng hát Kylie là thứ gây mê mẩn nhất. Đó là câu hát mở đầu với phần lời cực kỳ đơn giản của điệp khúc: “La-la-la-la-la-la-la-la”. Bên cạnh giai điệu lặp trên cùng một nốt, đa phần là nốt F và nốt E, cách nhau quãng nửa cung tạo sức hút giữa chúng một cách mạnh mẽ, những nốt đệm ở giữa cũng ngay liền kề tạo sự kết dính rất lớn. Tiếp đến là nhịp điệu của phần điệp khúc, sau khi Kylie hát 3 chữ “la” đầu tiên đều đặn vào đúng 3 nhịp đầu của khuông nhạc thì cô ngắt nghỉ âm, trước khi hát chữ “la” tiếp theo lệch với phách của bài. Chính xác là chữ “la” thứ 4 đó vào ngay sau phách 4 nhưng lại ngay trước phách 1 của khuông nhạc tiếp theo, và vì chữ “la” đó được ngân đúng một nốt đen, chữ “la” liền sau cũng lại lệch phách, trước khi Kylie thêm một chữ “la” khác chỉ dài đúng nốt móc đơn để căn chỉnh giai điệu vào lại theo đúng phách như hình bản nhạc miêu tả ở dưới.
Trên nền nhạc Disco với nhịp trống kick drum chơi đều đặn 4-on-the-floor, cách hát như này tạo sự kích thích về nhịp điệu. Nó vừa tạo những nhịp hát lạ lẫm khó đoán trên nền giai điệu đơn giản dễ nhớ, nó vừa mang màu sắc funky. Dĩ nhiên, giai điệu này còn gây thương nhớ vì giọng hát khêu gợi quyến rũ của Kylie Minogue.
Thêm vào đó, theo tôi để câu hát trên của Kylie có được hiệu ứng “bọ hát trong tai” mạnh mẽ đến vậy, đó còn nhờ vào phần nhạc dạo trước được phối khí nghe rất kích thích. Trong khi tiếng kick drum đều đặn nhấn vào 4 nhịp của mỗi khuông nhạc, thì tiếng đàn bass và synth lại đi song hành vào những khoảng giữa của phách mạnh và phách nhẹ. Cách đan xen tiếng nhạc cụ liên tục như vậy tạo cảm giác âm thanh giống như quả tim đang “co bóp” các nốt nhạc hai bên tai, gây sự hứng khởi hồi hộp trước khi giai điệu câu điệp khúc vào bài để giải tỏa, và tạo sự gợi nhớ khó quên.
Điều thú vị trong các nhạc phẩm của Kylie Minogue là không chỉ mỗi ca khúc “Can’t Get You Out Of My Head” mang những yếu tố “bọ hát”, mà khi nghe các nhạc phẩm khác của cô, có không ít lần chúng ta va phải những bài hát gây ấn tượng mạnh như này. Ở bài viết này tôi sẽ đào sâu hơn đến khía cạnh “cảm xúc khó phai” và “gây thương nhớ” trong âm nhạc của Kylie mà khi ai đó tình cờ được nghe lại ca khúc đó, khả năng lớn họ sẽ lại có một “bọ hát rủ rỉ” không dứt.
***
Kylie Minogue khởi nghiệp với nghề diễn viên trước khi thử sức với nghiệp hát. Có điều cô ca sĩ người Úc này không được trời phú cho một giọng hát mê hồn như các diva nổi tiếng Whitney Houston, Mariah Carey và Celine Dion. Giọng của Kylie khá là mỏng và có nhiều âm mũi khi hát những nốt cao, nên không dễ để tạo cảm xúc sâu cho người nghe. Đổi lại, Kylie lại làm rất tốt trong việc làm mới mình và thay đổi phong cách âm nhạc, đặc biệt trong việc chọn những bài có giai điệu hay và bắt tai.
Tôi vẫn nhớ ngày bé xem trên tivi bài hát “Especially For You” mà Kylie Minogue song ca với nam ca sĩ Jason Donovan. Ấn tượng của tôi lúc đó về Kylie là một cô gái có khuôn mặt thanh tú, xinh đẹp với nụ cười tươi miệng rộng, trông rất đẹp đôi với anh ca sĩ điển trai Jason. Về mặt âm nhạc, ca khúc “Especially For You” có đầy đủ tố chất của một bài nhạc Pop dễ nghe, dễ gây cảm tình.
Hiện tượng “earworm” hay “bọ hát” có hình thành từ bài “Especially For You” với tôi hay không thì tôi cũng không nhớ vì cũng đã lâu rồi. Thế nhưng ngày đó bài hát gây vương vấn nhất của Kylie đối với tôi lại là “Where The Wild Roses Grow” – một ca khúc vô cùng khác biệt với phong cách nhạc Pop tươi sáng thường thấy của Kylie vì nó được Nick Cave sáng tác và nằm trong album nhạc của Nick Cave và band The Bad Seeds của ông. Trái ngược với nội dung mang tính bạo lực của bản tình ca sát nhân này là thứ giai điệu buồn mênh mang. Khi hòa với chất giọng nam trung đặc trưng của Nick, phần giai điệu mà Kylie hát trong điệp khúc nằm ở dải trầm trong âm vực của cô, vì vậy tiếng hát của Kylie thực sự đầy đặn ấm áp. Nhờ vậy, trên nền nhạc chậm buồn thê lương, câu hát của phần điệp khúc: “They call me The Wild Rose / But my name was Elisa Day / Why they call me it, I do not know / For my name was Elisa Day” cứ day dứt và len lỏi trong đầu tôi ngay từ những lần nghe đầu tiên. Tôi nghĩ nguyên nhân gây nên cảm giác “bọ hát rủ rỉ” giai điệu của “Where The Wild Roses Grow”, bất chấp tempo khá chậm của bài, là vì kiểu nhạc khác biệt mà Kylie thể hiện ngày đó, cộng với giai điệu tuyệt đẹp đầy cảm xúc qua giọng hát ngọt dịu của cô và câu hát lặp lại “But/For my name was Elisa Day” đầy day dứt của nhân vật cô gái bị gã người yêu sát hại. Dĩ nhiên, ấn tượng của câu hát trên có được hiệu ứng tốt cũng là nhờ tiếng đàn violin réo rắt như cắt vào da thịt mở đầu và dẫn dắt vào bài trước khi giọng ca nhẹ nhàng của Kylie xoa dịu mọi trạng thái cảm xúc.
Ở giai đoạn đầu trong sự nghiệp âm nhạc, các album của Kylie Minogue đều đi theo phong cách nhạc Bubble-Gum Pop vui tươi trẻ trung, nhưng ít đọng lại cảm xúc. Ít nhất là theo quan điểm của tôi. Chỉ khi Kylie quyết định chuyển sang ký hợp đồng với Deconstruction Records – một hãng ghi âm độc lập vào năm 1993 để tìm cơ hội chứng tỏ bản thân thì người yêu nhạc mới được chứng kiến một Kylie hoàn toàn mới, được lột xác về mặt nghệ thuật lẫn hình ảnh. Album thứ năm mang cùng tên cô – “Kylie Minogue” (1994) đánh dấu một giai đoạn mới trong sự nghiệp. Dù đây là một nhạc phẩm Dance-Pop, thế nhưng các bài hát đều có âm hưởng của R&B và Soul như chúng ta có thể nghe ở các album của Seal hay George Michael. Ví dụ như bài “Confide In Me” có hòa âm của dàn nhạc cũng như màu nhạc Trung Đông, rồi như “If I Was Your Lover” có phong cách R&B, hay “Where Is The Feeling” có dáng dấp nhạc Dance-Pop đậm cá tính qua phần đổi tông ở điệp khúc và câu đàn piano ở cuối bài chơi rất jazzy.
Cứ như vậy, các album tiếp theo lần lượt được phát hành mang tới những nét nhạc, những phong cách mới mà Kylie không ngại thay đổi để tự thách thức bản thân. Album Impossible Prince (1997) có những bài như “Cowboy Style” và “Did It Again” có màu nhạc của band Garbage, hoặc “Breathe”, “Say Hey” và “Drunk” có phong cách nhạc tương đồng với Madonna (người mà Kylie vô cùng ngưỡng mộ dù đã có những khoảng thời gian số đĩa cô bán ra còn nhiều gấp mấy lần Madonna). Album Light Years (2000) thì có “Spinning Around”, “Disco Now” mang âm thanh điện tử, còn “Koocachoo” lại mang chất liệu Jazz. Album Fever (2001) thì hệt như một đĩa nhạc tổng hợp greatest hits dù đó đều là các bài mới của Kylie, cũng chỉ bởi có quá nhiều ca khúc mang giai điệu hay và bắt tai vô cùng. Cô thậm chí còn thử sức với nhạc Country qua album Golden (2018) trước khi quay về lại với thế mạnh nhạc Disco ở album mang đúng cái tên đầy kiêu hãnh – Disco (2020) và sau đó là Tension (2023).
Về tổng thể, các nhạc phẩm của Kylie từ năm 1994 trở đi để lại dấu ấn rất tốt cho người yêu nhạc bởi sự hài hòa nằm trong từng album, khi mà ít nhiều chúng ta sẽ tìm được những bài nhạc hợp gu, và thậm chí là gây thương nhớ đến mức ám ảnh như hiện tượng “earworm” / “bọ hát”.
“Confide In Me” trong album Kylie Minogue là một ca khúc như vậy. Ngoài việc nó mở đầu cho một album đánh dấu sự chuyển hướng âm nhạc đầy ngoạn mục của Kylie, ca khúc này còn để lại ấn tượng trong lối hát đầy đặn cảm xúc ở dải âm trầm ít thấy của cô. Với phần hòa âm phức tạp, “Confide In Me” không dễ dàng lưu lại trong đầu người nghe thứ giai điệu trên âm giai nhạc Trung Đông ở lần đầu tiên. Nhưng chỉ thêm một vài lần trải nghiệm sau đó, câu hát điệp khúc ngân vang kéo dài của Kylie, được làm đầy bởi giai điệu chính đến từ tiếng dàn dây, sẽ đủ hằn sâu vào trong đầu người yêu nhạc để rồi “Confide In Me” đã trở thành một trong những bài kinh điển của cô.
“Spinning Around” trong album Light Years là bài tiếp theo tạo dấu ấn với người nghe qua phong cách Disco Pop gần gũi. Câu nhạc vô cùng catchy trong điệp khúc của bài có sự lên xuống về giai điệu rất rõ nét, tạo sự cuốn hút. Nhất là khi phần verse được viết ở giai điệu ít nổi bật hơn, tạo tương phản và sức căng nhất định giúp cho mỗi khi điệp khúc xuất hiện, bài hát như bừng sáng. Nhờ đó giai điệu trong phần điệp khúc của “Spinning Around” hẳn đúng như tên của bài khi nó có thể “quay vòng vòng”, không thể bật ra khỏi đầu người nghe.
Trong album Fever tuyệt hay, không chỉ mỗi ca khúc nổi tiếng “Can’t Get You Out Of My Head” có thể tạo hiện tượng “bọ hát rủ rỉ”, mà còn loạt những bài mang những nét cuốn hút khác nhau. Bài “Love At First Sight” có phần điệp khúc ngắn nhưng hiệu quả để tạo dấu ấn qua nhịp điệu hơi kéo dài và nhấn âm đầu của mỗi cụm 2 âm tiết tạo độ trễ khác biệt với phần verse trước đó. Bài “Come Into My World” có câu điệp khúc nhẹ êm ái “Come, come, come into my world / Won't you lift me up, up, high upon your love?” được Kylie hát ở các nốt cao nhẹ bẫng. Cách cô nhấn và ngân ở hai từ “come” đầu tiên nghe cực nuột. Câu điệp khúc này của bài càng không khó để tạo sự nhớ nhung lẩn quẩn trong đầu khi mà đoạn nhạc ngay trước đó chỉ chơi trên một hợp âm trưởng bậc 4 kéo dài tới 8 khuông nhạc để tạo độ căng, trước khi tông giọng thứ xuất hiện ở phần điệp khúc làm mềm nhũn mọi thứ. Giọng hát mỏng của Kylie chính ra lại phát huy điểm mạnh ở bài này khi âm sắc cao và nhẹ như hơi thở làm cho màu sắc của ca khúc lại càng trở nên gợi tình. Bài “In Your Eyes” cũng gần như vậy. Nó tạo độ nhấn cho câu điệp khúc có giai điệu rất catchy, nhưng lần này khác chút là để tạo sự tương phản và tôn cho điệp khúc có nhịp điệu tương đối đều đặn, phần pre-chorus được kéo dãn ra qua tiếng ngân “ooh” ở đầu hai câu hát “Ooh, is the world still spinning around? (Spinning around) / Ooh, I don't feel like coming down”.
Rồi độc đáo hơn nữa, bài “Slow” nằm trong album Body Language (2003) chỉ có đúng 1 hợp âm Bbm duy nhất xuyên suốt trong bài. Vậy mà nó vẫn tạo cảm giác thú vị nhờ sự tương phản rõ nét giữa các track nhạc dầy và dồn dập ở đoạn verse với các âm thanh tĩnh lại trong điệp khúc, khiến không gian như chậm lại theo đúng tinh thần “slow”. Cũng trong album đó, “Red Blooded Woman” được sản xuất mang phong cách nhạc khá giống với một sản phẩm tạo bởi Timbaland, có câu điệp khúc giai điệu đối ẩm với tiếng đàn gảy câu nhạc motif xuyên suốt bài cùng với phần đệm “Boy! Boy!” rất hợp điệu.
Và cứ như vậy, Kylie thi thoảng lại mê hoặc người yêu nhạc bằng cách “thả những con bọ hát” để chúng len lỏi vào đầu người nghe theo nhiều cách thức sáng tạo khác nhau trong những album tiếp theo.
***
Kylie Minogue có thể không sáng tác được nhạc nhưng nếu có cơ hội tham gia thì cô sẽ là người viết lời bài hát. Hoặc kể cả nếu không phải vậy thì trong một số trường hợp, Kylie đã tự biến những ca khúc ban đầu được viết dành cho các nghệ sĩ khác thể hiện để trở thành ca khúc đinh của chính mình. Ví dụ như “Spinning Around” được Paula Abdul đồng sáng tác để cho album riêng của cô nhưng rồi lại được đưa cho Kylie. Hoặc như bài “Can’t Get You Out Of My Head” lúc đầu còn được dành cho nhóm S Club 7 và cô ca sĩ Sophie Ellis-Bextor, trước khi Kylie trở thành chủ nhân xứng đáng. Và gần đây nhất là bản LGBT anthem - “Padam Padam” mà tôi có nói đến ở đầu bài cũng đáng nhẽ được đưa cho ca sĩ Rita Ora hay thậm chí các ứng viên tham gia cuộc thi Eurovision để thể hiện, thì nó đã may mắn lọt đến tai Kylie để rồi cô đã chộp ngay cơ hội thu âm một ca khúc tuyệt hay, mở đầu cho album Tension xuất sắc của mình.
Tôi nghĩ Kylie Minogue là một trong số ít ca sĩ có khả năng bù đắp điểm yếu về giọng hát không quá xuất sắc của mình bằng cách lựa chọn các bài nhạc vừa có giai điệu hay và catchy, vừa có phần phối khí và hòa âm chất lượng đủ tầm để ai nghe cũng bị cuốn hút trước những ca khúc nhạc Pop dễ nghe mà vẫn đọng lại cảm xúc sâu sắc. Thêm nữa, chính âm giọng mũi của Kylie lại đem tới một phong cách riêng cho cô khi nó mang nét gợi tình quyến rũ hệt như phong cách thời trang ấn tượng của cô ca sĩ này. Như người ta thường ví, giống như cô hàng xóm xinh đẹp ở kế bên nhà, giọng hát và sắc đẹp của Kylie đủ khiến cánh đàn ông phải bồn chồn và những bà vợ phải ghen tị thèm muốn.
Thế nên quả đúng như tên bài hát của cô, “Can’t Get You Out Of My Head”, chắc ít ai có thể gạt được những giai điệu mê hoặc và hình ảnh quyến rũ của Kylie Minogue ra khỏi đầu sau khi được chiêm nghiệm âm nhạc của cô.
Hẹn gặp lại!
Kroon